Sunday, May 24, 2020

CHUYẾN BAY RÙNG RỢN TẾT 1974 - Thành Giang

Sau Cuộc Hải Chiến Hoàng Sa Việt-Trung 3 ngày. Ngày 21 tháng giêng 1974, cũng là ngày mùng một Tết Nguyên đán Việt-nam. Tự lệnh Hải quân VNCH, Đề đốc Trần-Văn-Chơn đã cùng một phái đoàn Hải quân ra Đà Nẵng quan sát tình hình chiến sự, hội họp và tìm kiếm những giải pháp cho cuộc chiến ở Biển đông.

Ngày mùng 3 Tết, nhằm ngày 23-1-1974 dương lịch. Phái đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân của Đề Đốc Trần- Văn-Chơn đã hội họp xong ở Đà nẵng, họ cần phải trở về Sài gòn, để có một buổi họp quan trọng khác với Tổng thống VNCH Nguyễn-Văn-Thiệu tại Thành phố Phan-Thiết vào ngày hôm sau.

Một phi vụ vận tải C-7A Caribou được điều động, do phi đoàn Thần-Long 427 thuộc SĐ1KQ, đóng ở Đà-Nẵng thực hiện, sẽ đưa phái đoàn của Đề Đốc Trần-Văn-Chơn về Sài-gòn. Một phi hành đoàn gồm có trưởng phi cơ Đại úy Nguyễn-Văn-Kim, ông là Sĩ quan An-phi của phi-đoàn 427, phi công phụ Trung úy Nguyễn-Ngọc-Tấn, cơ-phi (cơ khí phi-hành), Trung sĩ Từ-Phi-Dũng, hạ sĩ Phát và hạ sĩ Phận là 2 nhân viên Áp tải phi-hành.

GIÂY PHÚT ĐỨNG TIM TRÊN KHÔNG TRUNG
Khi phi cơ C-7A Caribou, danh hiệu Yankee của đại úy Kim rời Đà Nẵng, bay về đến không phận tiền đồn Đức Phong, Quận Đồng-Xoài, cách Sài-gòn độ 62 dặm, đang bay ở cao độ 8,000 bộ (hơn 2,5 cây số trên không). Bổng một tiếng nổ long trời phát ra trên không trung, phi hành đoàn đã nhận biết ngay phi cơ của họ đã bị trúng đạn hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, lửa đỏ đã phựt sáng ngay trên lưng cái máy phải, bên copilot, miểng quả đạn và lửa đỏ đã phun ra từ cái vòng cowling giải nhiệt của động cơ. Chắc chắn 100% do đạn hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 đã chui vào ống khói và nổ bên trong động cơ.

Tiếng nổ đã làm cho phi cơ rung chuyển dữ dội, chao đảo với những tiếng gió rít xuyên qua ống khói bị bể và các mảnh thiết vụn của vỏ máy do sức công phá của trái đạn phòng không phá nát một lỗ hỏng lớn, hơn một thước, nó rít lên những tiếng kêu rợn người.

Đại úy Kim chưa kịp có phản ứng, nghiêng phi cơ về bên trái để giữ cân bằng phi cơ, theo đúng nguyên tắc bay phi cơ một máy, tránh cho phi cơ nghiêng đổ về phía động cơ hư hỏng, sẽ bị triệt nâng, phi cơ sẽ bị rơi tự do trên không. Ngay sau tiếng nổ, động cơ hư hại, chết máy bất ngờ và chiếc phi cơ cũng đã ngã về bên phải máy hư, rồi chao đảo mạnh trong không khí, bên ngoài dự đoán của phi công.

Dù đại úy Kim đã cố gắng sử dụng 3 bộ phận cánh lái: cánh lái nghiêng Ailerons, cánh lái phương hướng Rudders và cánh lái lên xuống Elevators, phi công cố kéo để nghiêng phi cơ trở về lại bên động cơ còn hoạt động, nhưng ông đã không còn kịp nữa rồi, và ông đã không thể kéo được phi cơ trở về bên trái, khi phi cơ đã bị ngã đổ hẳn về bên phải của máy hư, rồi tự nó bay lượn bồng bềnh trong không khí, và bắt đầu rơi tự do. Phi công không còn điều khiển được phi cơ như bình thường. Máy phải đã chết hẳn, các kim đồng hồ đã rớt xuống số 0, các hệ thống thủy điều chịu ảnh hưởng, cũng bị hư hại. Với bản năng tự tồn của một viên phi công, trong nỗi kinh hoàng. Đại úy Kim đã vất vả vật lộn với phi cơ, ông cố gắng hết sức, sử dụng cần lái điều khiển các bộ phận cánh lái nghiêng, cánh lái phương hướng và luôn cả cánh lái lên xuống, hy vọng kéo chiếc phi cơ trở lại cân bằng. Đã mấy lần ông cố gắng sửa chữa trong khi phi cơ đang tự do rơi nhanh, nhưng không hiệu quả, nó bị sức gió, tốc độ phi cơ rơi, và một cái máy tốt còn lại, vẫn không đủ sức kéo chiếc phi cơ trở lại bình thường, cân bằng và bay bình phi trên không trung như cũ. Tất cả đều vô vọng.

Phi cơ rơi xoay tròn, chao đảo, phi hành đoàn và hành khách đều rùng mình khiếp đảm, con người mất trọng lượng, nhẹ nhàng bay lơ lửng trong không khí, khi con người không còn điểm tựa trên sàn phi cơ, may nhờ, các cái dây an toàn buộc chặt, treo họ lơ lững, với cái chết cận kề, vô phương cứu chữa. Trời đất, cây cối xanh um đang quay cuồng, lộn ngược, rợn người, lướt qua, xoay quanh các cánh cửa sổ phi cơ. Họ phải nhắm nghiền mắt, hồn phách tan biến, làm dấu từ biệt, miệng niệm phật liên hồi cho giây phút cuối cùng của cuộc đời, tâm thần đang bấn loạn trong sự chết. Phi cơ tiếp tục rơi, chao đảo, trồi lên hụp xuống trong không khí, sàn phi cơ đã nghiêng đổ, lắm lúc nó đảo ngược lên trời, không còn là điểm tựa an toàn cho mọi vật, với cái chết cầm chắc trong tay.

TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT
Chỉ trong 4 phút hãi hùng, hồn rời thể xác, chiếc phi cơ C-7A Caribou đã nghiêng đổ, rơi tự do trong không khí, phi cơ đã nhanh chống rớt mất 4,000 bộ trong 3 phút, quá nửa đoạn đường của cao độ trên không, nó đã rớt từ 8,000 bộ (hơn 2 cây số rưởi) rơi xuống còn 4,000 bộ (mất gần 1 cây số rưởi). Chiếc phi cơ đã xoay chuyển nhiều vòng, bồng bềnh trong không khí. May mắn thay, sau khi chiếc máy bay nhào lộn, chao đảo nhiều vòng trên không, với những cánh lái do phi công xoay chuyển, rồi nó cũng phải đến chu kỳ, có khuynh hướng chuyển đổi phương hướng và có thể sẽ nghiêng trở lại các vị trí ban đầu, đúng ngay lúc chiếc phi cơ đang chuyển động, sắp sửa trở qua vị trí cân bằng. Chỉ có một người duy nhất trên phi cơ có thể có cảm nhận và đoán biết được sự kiện chuyển đổi phương hướng phi cơ khi đang rơi trong không gian, hay một vị thần linh vô hình nào đã báo hiệu cho người phi công. Chính là hoa tiêu lái máy bay nhiều kinh nghiệm mới có thể có được những sự cảm nhận vô hình kỳ dịu này. Đại úy Kim đã chụp lấy ngay cơ hội cùng trung úy Tấn dùng hết sức bình sinh, phối hợp nhịp nhàng, dùng toàn bộ các cơ phân cánh lái phi cơ và đã giữ lại được chiếc máy bay của ông cân bằng trở lại. Đại úy Kim nhanh nhẹn đưa phi cơ từ từ leo lên, thêm cao độ để ngăn ngừa phòng không VC sẽ bắn thêm, nhưng chỉ được 5,000 bộ rồi cho phi cơ bay bình phi, dù cho tốc độ phi cơ đang lướt đi một cách rất chậm chạp, nó vẫn còn bị mất dần dần cao độ. Dường như sự an toàn đang trở lại trong sự kỳ dịu, như một phép màu, như giấc mơ, thật khó tin. Mọi người đều mừng rỡ, lẩm bẩm: Mô Phật! Một sự cứu rỗi quá bất ngờ, thật tuyệt vời! Cám ơn Thượng đế!

Một dịp may mắn hiếm có, trong bàn tay kỳ dịu của thượng đế đã xếp đặt, dường như số phận của tất cả những người trên chiếc phi cơ C-7A Caribou này, đã được sự an bày, được che chở, HỌ ĐÃ CHƯA ĐẾN CÁI SỐ PHẢI BỊ TỬ VONG. Đại úy Kim đã lấy lại phần nào bình tĩnh. Dù thâm tâm ông vẫn còn đang lo lắng và bị ám ảnh bởi sự gẫy cánh phi cơ có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào,

Đại úy Kim đã cố gắng tăng thêm ga động cơ còn tốt cho phi cơ bay lên, giữ vững cao độ, để có thể lết phi cơ bay được xa hơn, ông cũng thận trọng giữ bình tĩnh trấn an mọi người, đúng với tư cách một sĩ quan an phi nhiều kinh nghiệm. Vì đã bị hỏa tiễn, động cơ bị nồ, chong chóng bị kẹt, không thể xuôi cờ, tạo thêm nhiều lực cản (drag), phi cơ khó có thể bay smooth trong lúc bình phi. Ngoài mặt phi hành đòan làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng không che giấu được sự lo lắng, trong lòng đang lo sợ không biết phi cơ gẫy cánh lúc nào, không thể nào diễn tả hết được nổi lo sợ với những tay nạn phi cơ khủng khiếp xảy ra khi bị trúng đạn phòng không. Đường còn xa, nhìn xuống đất toàn núi rừng trùng điệp, suy nghĩ vu vơ, không biết chuyến bay này có về được bãi đáp an toàn gặp lại người thân hay phải chết thảm tương tự như rất nhiều chiến hữu đã chết vì những chiếc phi cơ vận tải của KLVNCH đã bị gẫy cánh trên không, họ đã chết oan uổng vì bị trúng đạn phòng không SA-7 của địch quân.

MAY QUÁ: Đại úy Kim đã bay trên cao 8,000 bộ. Nếu ông chỉ bay 4,000 bộ. Giờ này, Phái đoàn Hải quân và phi hành đoàn đã ra người thiên cổ! Vì phi cơ đã chạm mặt đất, tan xác, trước khi nó chuyển đổi khuynh hướng rơi về vị trí cân bằng khi phi cơ đang tự do nhào lộn trên không.

Mọi người trên phi cơ thở phào, hoàn hồn, niệm chú cảm tạ thượng đế, đã cho họ một cơ hội để tiếp tục sống sót một cách kỳ dịu, đưa phi cơ của họ trở lại gần như bình thường. Đại úy Kim nhanh chóng dùng hệ thống vô tuyến FM liên lạc ngay với máy truyền tin PRC-25 của Bộ binh dưới đất, xin phép đáp khẩn cấp xuống phi trường tiền đồn Đức Phong. Phi hành đoàn đã nhận ngay một tin tức xấu, đáng buồn của giới chức phòng thủ phi trường Đức Phong cảnh báo: Phi trường Đức Phong đã bị Việt cộng pháo kích lúc trời sáng. Nếu phi cơ đáp, CSVN sẽ phóng hỏa tiễn hủy hoại, làm bình địa phi trường Đức Phong. Họ không dám bảo đảm tính mạng của phi hành đoàn và hành khách. Họ yêu cầu phi công phải bay đi tìm một phi trường nào khác an toàn hơn. (Việt-cộng nằm vùng đầy dẫy trong KQ như Nguyễn Thành Trung, cho nên chúng đã biết rõ tần số liên lạc vô tuyến, biết rõ lộ trình bay và đã pháo kích phi trường Đức phong đe dọa trước. Và chúng đã bắn chính xác chiếc phi cơ đã chở Đề đốc Chơn, dù phi cơ đang bay trên cao độ mắt thường không trông thấy. Xem tiếp phần hai bài viết!)

Từng giây phút nghẹt thở, đứng tim chậm chạp cứ tiếp tục trôi qua. Đại úy Kim cố giữ gìn và ghìm tay lái điều khiển chiếc phi cơ, lắm lúc phi cơ đã gặp phải những vùng không khí loãng, sụp ổ gà, nổi lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt mỗi người, mỗi lần phi cơ lao vào trong các màn mây mỏng, gió giật, phi cơ chao đảo, bộ phận cánh phi cơ lắc lư trong gió, ai cũng có cảm giác như nó sắp sửa gẫy lìa ra khỏi thân phi cơ. Cái ám ảnh phi cơ gẫy cánh vẫn cứ đè nặng trong tâm trí mọi người, khiến cho Đại úy Kim đã có ý định táo bạo, nhào xuống đáp ngay tại một bãi cỏ trống, ông vừa trông thấy trước mặt, trên lộ trình bay, ông ao ước rời khỏi không trung càng sớm giây phút nào càng tốt, vì cái lo lắng vẫn còn đeo đuổi mọi người khi họ vẫn còn lênh đênh trên không trung, đầy tử khí, trong phập phòng lo sợ.

Sự buồn bã hiện rõ trên gương mặt Đại úy Kim, khi ông quyết định phải từ bỏ sáng kiến đáp khẩn cấp xuống các bãi đất trống. Những nơi đó có thể đã có đầy dẫy Việt-cộng đang chực chờ, chắc chắn họ không thể an toàn sau khi đáp. Hình ảnh độc ác của Việt cộng: bắt bớ, hành hạ lâu dài thật đau đớn rồi sát hại, “cắt cổ”, sự ám ảnh chết bởi bị Việt-cộng giết còn ghê rợn hơn cái chết vì bị phi cơ gẫy cánh trên không. Khiến Đại úy Kim phải buồn bã, kiên nhẫn, tiếp tục “bay lết” phi cơ đi tìm nơi đáp an toàn khác, với chiếc máy bay hư hại quá nặng nề, đang nguy khốn. Ông đã tự an ủi: Nếu chẳng may phi cơ bị gẫy cánh chết thảm trên không, vẫn còn tốt hơn phải chết đau đớn, bị hành hạ lâu dài và mất xác trong bàn tay của cộng sản VN hiểm độc.

Chẳng mấy chóc, chiếc phi cơ của Đại úy Kim may mắn đã bay lết về đến vùng trời an toàn và họ đã vui mừng khi nhìn thấy phi đạo của phi trường Biên Hòa ẩn hiện, xa thật xa bên tay trái. Và một lần nữa, Đại úy Kim lại phải làm một quyết định khó khăn khác, ông tự nghĩ, nếu phi cơ bị gẫy cánh thì nó đã rớt ngay lập tức, trong lúc phi cơ bị nổ hay lúc nó rơi tự do, nó đã bay được hơn nửa tiếng đồng hồ rồi còn gì, ông quyết định tiếp tục bay thêm 10 phút nữa để đi thẳng về đến phi trường Tân-Sơn-Nhứt, an toàn hơn hết. Theo đúng lộ trình bay đã được ghi trên phi vụ lệnh: Đà Nẵng - TSN và ông đã đáp phi cơ một máy an toàn xuống phi trường trong sự bình an cho 13 sinh mạng trên phi cơ, gồm 5 nhân viên phi hành đoàn và 8 hành khách VIP của phái đoàn Hải Quân VNCH, cũng lại là một con số mười ba xui xẻo, chuyến bay của họ đã không mấy suôn sẻ, không tốt đẹp và không vui vẻ chút nào, còn suýt bị chết nữa chứ!

Đại úy Kim là một viên sĩ quan An phi của phi đoàn Thần Long Yankee 427 tài năng đúng nghĩa với chức vụ của ông. Một viên phi công Việt-nam Cộng hòa có biệt tài lái phi cơ vận tải xuất chúng! Ông đã cứu mạng một vị tướng Tư Lệnh Hải quân Việt-nam rất quan trọng, chắc chắn Trung cộng và VC không ưa thích, muốn diệt trừ ông, chúng đã cho CSVN theo dõi và bắn phi cơ của ông? Nhưng chúng rất buồn khi ông không thể chết, bởi vì “CARIBOU KHÓ RỚT BỞI HỎA TIỄN TẦM NHIỆT SA-7 CỦA CỘNG SẢN”. Phi công cũng đã cứu cả phái đoàn Tham Mưu của ông tướng và phi hành đoàn. Một thành tích không dễ dàng chút nào cho những người phi công bình thường khác.

Hai tuần lễ sau, năm nhân viên phi hành đoàn của Đại úy Kim, thuộc Phi đoàn Thần-Long 427, C-7A Caribou, thuộc SĐ1KQ, Đà Nẵng. Mỗi người nhận được một bao thư lớn, những ân thưởng của Bộ Tư Lệnh Hải Quân, gồm những bức ảnh kỷ niệm của phi vụ, mỗi người nhận được một văn thư khen thưởng và một huy chương cao quý nhất của Quân chủng Hải quân VNCH: Hải Vụ Bội Tinh Hạng Danh Dự.

VẾT-ĐẠN-THÙ TRÊN LƯNG C-7A CARIBOU

Sau một cái đáp phi cơ một máy ngoạn mục, an toàn, nhiều may mắn không bị gẫy cánh, trong sự hồi hộp, và đã không gây ra những thiệt hại nhân mạng nào. Tư lệnh Hải quân VNCH Đề Đốc Trần-Văn-Chơn và phái đoàn của ông vui mừng, cảm ơn thương đế và đặc biệt đã tạ ơn phi hành đoàn tài năng, đã chống chọi, giành giựt lại được mạng sống của 13 con người trong sự nguy khốn trên không trung, mang tên con tàu Yankee C-7A Caribou về đến phi trường Tân-Sơn-Nhứt, hạ cánh an toàn. Họ đã cùng nhau chụp một bức hình kỷ niệm để đời: “vết thù hằn” trên lưng phi cơ C-7A, Caribou Yankee với các chứng tích hãi hùng, hai cái ống khói của động cơ bên phải đã bị đạn phòng không Cộng sản nổ tan tành, với một động cơ bị phá hủy.

HÌNH ẢNH: ảnh kỷ niệm “Chuyến Bay Rùng Rợn Tết 1974”, trên chiếc phi cơ C-7A tử thần, toàn thể phái đoàn Hải-Quân và phi hành đoàn đứng trên cánh máy bay, bên cạnh cái máy phải bị phá hủy. Tư lệnh Hải Quân Đề Đốc Trần-Văn-Chơn, ngồi giữa hàng đầu, Đại tá Quỳnh Hải quân bên cạnh với phái đoàn 6 người khác của Hải quân bên phải. Đại úy Nguyễn Văn Kim (3 mai vàng trên ca lô, tươi cười, đứng khom lưng, sau tướng Chơn) Trung úy Nguyễn Ngọc Tấn, (hai mai vàng trên ca lô, ngồi cạnh Tr/s Dũng) Cơ phi Tr/s Dũng ngồi cạnh Đề Đốc Trần Văn Chơn, hạ sĩ Phán, đưa tay trái lên đầu, hạ sĩ Phát đứng khom lưng ngang với Đại úy Kim, phía sau H/s Phán, phi hành đoàn của Đại úy Kim và một số nhân viên kỹ thuật ở TSN bên trái. (cựu đại úy Kim đã qua đời ở Minnesota, Tr/u Tấn Houston và Tr/s Dũng Seattle). Chứng tích ống khói nơi nối liền với động cơ đã bị quả đạn SA-7 chui vào và nổ tung, phá một lỗ hỏng lớn hơn một mét trên lưng của động cơ bên phải.
image.png
GHI CHÚ: xuất xứ bức ảnh độc nhất này do Trung sĩ Trương-Sở-Phước, một cựu quân nhân Hải- quân đã tặng cho Đề Đốc Trần-Văn-Chơn, ảnh đã được tác giả Diệp-Mỹ-Linh đăng tải trong bài viết: NGUYÊN ĐỀ-ĐỐC TƯ-LỆNH HẢI-QUÂN VNCH TRẦN-VĂN-CHƠN. Quý độc giả có thể vào internet hoặc vào link: https:www.diepmylinh.com/de-doc-tran-van-chon, theo dõi bài viết của chị.

Cuối tháng ba, năm 1975, Đại úy Nguyễn Văn Kim đã bị kẹt lại ở Đà Nẵng, ông bị bắt làm tù binh, trải qua nhiều năm tù cải tạo của cộng sản VN, sau đó ông sang Hoa kỳ theo diện HO, sống ở Minnesota và đã qua đời tại đó. Trung úy Tấn đã trốn tù, vượt biển và đã đến sinh sống ở Hoa kỳ.

HÌNH ẢNH: Cựu Trung úy Nguyễn-Ngọc-Tấn, 75 tuổi, người đội ca lô, phi công C-7A Caribou, người đã bay trên chiếc phi cơ C-7A với Đại úy Kim và đã bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn trúng động cơ. Ông là nhân chứng của phi vụ. Tác giả bài viết KQ Thành Giang.
image.png

BÀI VIẾT CÒN TIẾP:
TẠI SAO PHI CƠ C-7A CARIBOU KHÔNG BỊ GẪY CÁNH TRÊN KHÔNG KHI BỊ TRÚNG ĐẠN PHÒNG KHÔNG SA-7 NHƯ CÁC LOẠI VẬN TẢI CƠ KHÁC? (Caribou Khó Chết Bởi Hỏa Tiễn Tầm Nhiệt SA-7). Bởi vì thiết kế ống khói động cơ C-7A Caribou khác hẳn với các ống thoát khói của các loại vận tải cơ khác như: C-47 và C119!

NỘI TUYẾN VIỆT-CỘNG? Rất nhiều nội tuyến VC như Nguyễn Thành Trung nằm đầy dẫy trong các đơn vị của Quân Lực VNCH. Quân chủng KQ VNCH cũng không tránh khỏi nạn nội tuyến, nằm trong các phi đoàn. Chúng biết rất rõ các tần số liên lạc vô tuyến, biết rõ phi vụ lệnh, cả lộ trình bay của các phi cơ. Chúng đã báo cáo, theo dõi lộ trình bay, pháo kích hăm dọa phi trường Đức phong vào buổi sáng hôm đó. Chúng đã bắn chính xác chiếc phi cơ chở tư lệnh Hải Quân VNCH, Vị tướng rất quan trọng với Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Đã bắn trúng chính xác, không bị lẫn lộn với cả trăm chuyến bay khác đang bay trên không phận VN mỗi ngày. Chúng bắn chính xác với chiếc phi cơ bay rất cao trên không, mắt thường không thể trông thấy phi cơ!

KINH NGHIỆM HỎA TIỄN TẦM NHIỆT SA-7: Tác giả đã nghiên cứu rất nhiều phi vụ của KLVNCH, qua 6 phi vụ nổi tiếng đã bị phòng không, hỏa tiễn SA-7 bắn rơi. Ông theo dõi, học hỏi và phân tích nhiều chi tiết qua các dữ kiện của từng phi vụ bị tai nạn, đóng góp và gợi ý những sáng kiến cải bổ phi cơ thoát hiểm an toàn hữu ích cho nhân viên phi hành được sinh tồn, chống lại loại khí giới độc hại, bắn chính xác, với số nhân viên phi hành tử thương rất cao.

XEM TIẾP 3 TIẾT MỤC CÒN LẠI KỂ TRÊN của toàn bộ bài viết này, nó sẽ được đăng tải đầy đủ trong thời gian gần trên diễn đàn, Website của tác giả THÀNH GIANG: levnafstories.com. Vui Lòng Ủng Hộ tác giả, khích lệ tinh thần, để tác giả Tiếp Tục Có Những Bài Viết mới! CHÂN THÀNH CÁM ƠN!

BÀI VIẾT: TÀI-LIỆU LỊCH SỬ NÀY ĐANG ĐƯỢC CHÚNG TÔI DỊCH SANG ANH-NGỮ LÀM TÀI LIỆU  cho Độc giả Hoa kỳ hoặc con em Việt-nam. Sẽ chuyển đến quý vị khi đã có bản Anh-ngữ, giới thiệu với bạn bè Hoa kỳ hoặc các con em Việt-nam.

THÀNH GIANG
Ngày 1-3, 2020.

No comments: