Trong bức
ảnh chụp ngày 28/4/1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tiến vào một ngôi làng
tình nghi do Việt Cộng kiểm soát gần tp Đà Nẵng trong chiến tranh Việt
Nam. Phim tài liệu 10 tập của đạo diễn Ken Burns về cuộc chiến sẽ bắt
đầu được công chiếu ngày 17/9/2017 trên đài PBS.
Buổi ra
mắt và thảo luận về phim “The Vietnam War” đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo
diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử: Ken Burns và
Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô
Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký
giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời
đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John
Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến
binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Trong cử
tọa ngồi hầu như chật kín cả hội trường, người ta ghi nhận sự hiện diện
của nhiều giới chức trong quân đội và chính phủ, các cựu chiến binh,
lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội, cũng như
truyền thông báo chí. Mở đầu sự kiện, đạo diễn Ken Burns đã gây hào hứng
lập tức khi ông mời các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam có
mặt trong cử tọa hãy đứng dậy. Nhiều người đàn ông tóc điểm sương đứng
lên. Hội trường òa vỡ với những tiếng vỗ tay không dứt. Ngay sau đó nhà
đạo diễn mời những người từng tham gia phong trào phản chiến chống chiến
tranh Việt Nam đứng lên, một số người đã ôm chầm các cựu chiến binh,
những người mà họ từng nguyền rủa và ruồng bỏ trong cao trào phản chiến.
Cử tọa lại òa vỡ với nhiều tràng vỗ tay vang dội.
Đạo diễn
Ken Burns tiết lộ rằng khi bắt đầu cuộc hành trình chông gai để thực
hiện dự án này, những người đầu tiên mà hai đạo diễn tìm đến là Thượng
nghị sĩ McCain, và ông Kerry, lúc đó cũng là một Thượng nghị sĩ.
“Chúng
tôi nói chúng tôi cần sự giúp đỡ của hai ông, nhưng chúng tôi sẽ không
phỏng vấn, mặc dù câu chuyện của hai người được kể lại trong phim, tự nó
đã đầy kịch tính. Chúng tôi cho rằng vì hai ông còn là những nhân vật
của công chúng, như ông Kissinger, như Jane Fonda, Daniel Ellesberg,
chúng tôi tránh phỏng vấn họ mà chọn những người khác. Nhưng tôi tin
rằng Lynn và tôi đã không thể hoàn thành bộ phim này mà không có sự giúp
đỡ của hai ông.”
Những
clip mà đạo diễn Burns chọn cho công chiếu để giới thiệu bộ phim thực
hiện cùng với đạo diễn Lynn Novick, nêu bật những sự chia rẽ sâu sắc và
tình trạng hoang mang trong xã hội Mỹ trong và sau cuộc chiến.
Những
hình ảnh, đoạn phim tài liệu sống động của thời chiến chen lẫn với các
cuộc phỏng vấn thực hiện hồi gần đây hơn với tất cả những người thuộc
mọi bên trong cuộc xung đột, gợi lại những kinh hoàng trên chiến trường
Việt Nam, sự phẫn nộ tột độ thể hiện trong các cuộc biểu tình phản đối
chiến tranh Việt Nam, về hậu quả bi thương của cuộc chiến, chiến tranh
đầu tiên của người Mỹ không kết thúc trong chiến thắng. Kết thúc là đoạn
clip khá dài về những sự xúc động mà Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt
Nam gợi lên cho mãi tới ngày hôm nay, phơi bày những vết thương sâu đậm
vẫn chưa lành hẳn, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc.
Nên rút ra bài học nào từ chiến tranh Việt Nam? Thượng nghị sĩ John McCain:
“Tôi nghĩ
đây là thời điểm đúng lúc để kể lại Chiến tranh Việt Nam, sau một cuộc
xung đột, phải có một thời gian để những cảm xúc dịu bớt, nhường chỗ cho
một cái nhìn khách quan hơn, và như thế chúng ta mới nắm được câu
chuyện nó thực sự xảy ra như thế nào. Tôi tin nó đúng lúc đặc biệt trong
bối cảnh tình hình thế giới đang xáo trộn như bây giờ. Có thể chúng ta
sẽ nhìn lại cuộc xung đột tại Việt Nam để bảo đảm chúng ta không lặp lại
những sai lầm đã phạm trong cuộc chiến đó. Bài học rút ra là, chúng ta
phải đảm bảo các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự phải thành thực với công
chúng, và tránh thi hành lệnh nhập ngũ chỉ nhắm vào các thành phần có
thu nhập thấp.”
Ông
McCain, cựu tù binh chiến tranh từng bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò, tiết
lộ ông thường xuyên tới thăm Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nơi
ghi khắc tên tuổi của 58,000 binh sĩ Mỹ đã nằm xuống trên chiến trường
Việt Nam. Ông cho biết là thường đến vào sáng sớm hoặc giấc chiều tối,
chỉ để bắt tay và trò chuyện với những cựu chiến binh và tưởng nhớ các
đồng đội đã ra đi.
“Những
người trẻ tuổi này phải hy sinh mạng sống bởi vì lãnh đạo thiếu tài năng
và bị hủ hóa - Chúng ta cần các nhà lãnh đạo có khả năng lãnh đạo, giúp
vạch ra một lộ trình dẫn tới chiến thắng để chúng ta không bao giờ còn
phải hy sinh tính mạng của các quân nhân vào một cuộc chiến không có lối
thoát.”
Cựu Ngoại
Trưởng John Kerry, một chiến binh từng được trao nhiều huân chương, kể
cả Chiến Thương Bội Tinh, thì nêu bật tầm quan trọng của các nỗ lực
ngoại giao.
“Bài học
mà chúng ta rút ra thật đáng giá. Chúng ta phải biết chúng ta đang làm
gì, phải thành thực với dân chúng, chiến tranh phải là giải pháp cuối
cùng sau khi đã khai thác triệt để giải pháp ngoại giao. Tất cả những
điều đó đều đúng cho chiến tranh Việt Nam và đúng cho tất cả mọi sự lựa
chọn mà bây giờ chúng ta đang đối mặt.”
Ông Kerry
nói nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã
hội Mỹ, khiến những người theo phong trào phản chiến có thể ôm lấy các
cựu chiến binh đã cầm súng chiến đấu tại Việt Nam, thì đó là phim tài
liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns và Lynn Novick.
Một cựu
chiến binh cũng từng được trao Chiến thương Bội tinh như ông Kerry, cựu
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ca ngợi những nỗ lực của ông McCain và
Kerry trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nói phim The
Vietnam War sẽ có ảnh hưởng sâu rộng không những ở Hoa Kỳ mà còn ở cả
Việt Nam.
“Tôi chưa
xem hết phim, nhưng đã xem khá nhiều. Tôi tin rằng nó đại diện cho và
sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới xã hội của chúng ta và cả Việt Nam
nữa. Bộ phim này là bộ phim hấp dẫn, có tính thuyết phục nhất, đầy đủ
nhất, trung thực nhất khi kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam.”
Ông Hagel
nói tuy xem phim khơi lại những vết thương cũ, nhưng là điều có ích,
nhất là cho các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ.
“Vâng,
xem phim rất là đau lòng, nhưng rất quan trọng cho các thế hệ lãnh đạo
kế tiếp của Mỹ phải hiểu được những hậu quả của chiến tranh và những hậu
quả của các quyết định của chúng ta. Có thể chúng ta không bảo đảm được
là tất cả các quyết định đều đúng nhưng bộ phim này sẽ mang lại cho
chúng ta một kích thước khác.”
Một chi
tiết có lẽ sẽ gây rất nhiều chú ý đối với khán giả Việt Nam là biến cố
Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều thường dân bị cộng sản Bắc Việt thảm
sát, có người bị chôn sống, đã được nhắc đến trong phim. Đây có lẽ là phim tài liệu có tầm cỡ đầu tiên của Mỹ nhắc đến vụ thảm sát ở Huế.
Bà Duong
Vân Mai Elliott, tác giả cuốn “The Sacred Willow” về 4 thế hệ của một
gia đình Việt Nam, được các nhà làm phim yêu cầu cộng tác và xuất hiện
nhiều lần trong phim. Bà có gia đình ở cả hai bên chiến tuyến, nói bà
kinh ngạc khi thấy đạo diễn Ken Burns nhắc đến biến cố Tết Mậu Thân.
“Tôi xem
tôi rất là sửng sốt, tôi cũng nói với ông (đạo diễn Burns) đây là lần
đầu tiên mà một người ngoài Bắc đã tham chiến, công nhận vụ thảm sát ở
Huế xảy ra năm Mậu Thân 1968. Tôi rất là ngạc nhiên. Nếu mà ông ấy phỏng
vấn như thế này cách đây mười mấy năm thì chưa chắc họ đã dám nói như
vậy, nhưng mà lúc ông phỏng vấn thì tôi thấy họ nói trung thực lắm.”
Thẩm phán Phan Quang Tuệ, từng phục vụ tại Tòa án Di trú San Francisco nay đã về hưu, cũng xuất hiện trong phim. Ông nhận xét:
“Nhìn qua
những bộ phim đã có, tôi thấy không có phim nào có thể trung thực hơn,
và tôi không nghĩ là tương lai sẽ có một cuộn phim nào khác nữa vì cho
tới khi phim này ra thì đã 42 năm sau cuộc chiến. Hai, ba thế hệ đã lớn
lên, cuộn phim này ghi lại trung thực lịch sử, không phải của cuộc chiến
mà qua cái lịch sử cuộc chiến đó, lịch sử Việt Nam, Nam cũng như Bắc.
Tôi thấy điều cần làm là phải phổ biến rộng rãi phim này ở Việt Nam.”
Chiến
tranh Việt Nam, hơn 4 thập niên sau, vẫn là một chủ đề hóc búa cho một
phim tài liệu, và chắc chắn trong những ngày tới, “The Vietnam War” sẽ
còn gây rất nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ, tại Việt Nam và trong các cộng
đồng người Việt hải ngoại khắp nơi.
Phim tài
liệu 10 tập “The Vietnam War” của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sẽ
lần lượt được công chiếu trên đài PBS, bắt đầu từ ngày Chủ nhật 17 tháng
9.
Vietnam
War (Chiến tranh Việt Nam) khác tất cả các phim tài liệu mà Ken
Burns/Lynn Novicks đã làm xưa nay. Các bộ phim đó đều kể về một câu
chuyện đặc trưng và rõ ràng với quan điểm "nước Mỹ trên hết." Ngoài
người Mỹ ra thì còn ai có thể là diễn viên chính trong các bộ phim trước
đây của Burns/Novick, chẳng hạn như The Brooklyn Bridge (Cây cầu
Brooklyn), The Statue of Liberty (Tượng thần Tự do), The Civil War (Nội
chiến), Baseball (Bóng chày), The West (Miền Tây), Thomas Jefferson,
Lewis and Clark (Lewis và Clark), Jazz (nhạc Jazz), Mark Twain,
Prohibition (Luật cấm đồ cồn) and The Dust Bowl (Một vùng cát bụi).
Nhưng
với cuộc chiến ở Việt Nam, chúng ta có thể biện luận rằng người Việt
xứng đáng đóng vai chính trong câu chuyện. Xét cho cùng, từ 1 đến 3
triệu người Việt đã bỏ mạng trong chiến tranh, lớn hơn rất nhiều (gấp từ
20 đến 60 lần) con số khoảng 58.000 người Mỹ chết trong cuộc xung đột.
Một cựu binh Mỹ lau rửa bức tường Tưởng niệm Cuộc chiến Việt Nam ở Venice Beach, California hồi 2016
Những
thiệt hại kinh khủng cả về vật chất và môi trường do bom đạn, chất khai
quang, chiến tranh ở các vùng đô thị, chiến tranh du kích và chống du
kích ở vùng nông thôn đã ảnh hưởng trầm trọng đến riêng vùng lãnh thổ
Đông Nam Á, cũng như vấn nạn khổng lồ của tình trạng người dân trong
nước buộc phải tản cư, di cư.
Hệ
quả của cuộc chiến đối với người Việt lớn hơn so với người Mỹ cũng được
thể hiện rõ qua khoảng thời gian trung bình mà mỗi bên phải trải
nghiệm. Trong khi phần lớn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam khoảng trên
dưới 1 năm trong giai đoạn giữa 1965 và 1973, thì người Việt sinh ra sau
Thế chiến thứ Hai phải sống trong thời chiến suốt ba mươi năm ròng rã
từ 1945 đến 1975.
Xét
sự nổi trội cả về con số người Việt lẫn tầm mức thiệt hại không thể
sánh được mà họ là nạn nhân, việc đặt người Việt vào vai trò trung tâm
trong thời đoạn lịch sử đen tối này, ít ra, cũng phải là một mệnh lệnh
đạo đức khiêm tốn.
Dĩ Mỹ vi trung
Thế
nhưng, ý đồ lấy Mỹ làm trọng tâm không hề giấu giếm trong Vietnam War
được thể hiện rõ ngay trong 3 cảnh mở màn giới thiệu phần 1 của bộ phim
tài liệu 10 tập này. Cảnh đầu tiên tả những người lính Mỹ tham chiến,
cảnh thứ hai cho thấy một cuộc diễn binh của quân đội Mỹ, và cảnh thứ ba
là lời bình luận của cựu chiến binh Mỹ Karl Marlantes. Bài hát Hard
Rain của Bob Dylan làm nền nhạc kết thúc phần một càng báo hiệu rõ hơn
nữa xu hướng "dĩ Mỹ vi trung" làm điểm tham chiếu. Mặc dù trong tập đầu,
số lượng nhân vật người Việt và người Mỹ phát biểu tương đương nhau,
nhưng trọng tâm tự sự vẫn nghiêng về những câu chuyện thứ yếu của người
Mỹ với tầm quan trọng lịch sử đáng ngờ.
Chẳng
hạn, việc Hồ Chí Minh được cho là ngưỡng mộ Hoa Kỳ, thể hiện qua bằng
chứng ông hợp tác với nhân viên tình báo Mỹ trong Cục Tình báo Chiến
lược (OSS) và việc ông dẫn Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập của
Việt Nam. Trong lịch sử chính thống về cuộc chiến, những tình tiết quá
quen thuộc này được sử dụng để nhấn mạnh số phận éo le đầy kịch tính
khiến Mỹ và Hồ Chí Minh "bỏ lỡ cơ hội" kết bạn với nhau. Nhưng các
nghiên cứu học thuật từ lâu nay đã cho thấy tinh thần chống Mỹ mạnh mẽ
trong các bài báo của Hồ Chí Minh ngay từ thập niên 1920, bao gồm cả
những bài viết đầy phẫn nộ về việc hành quyết người da màu và về đảng 3K
(Ku Klux Klan).
Gần
đây hơn, nhà nghiên cứu khoa học chính trị Vũ Hữu Tường dẫn lại một
loạt các bài báo chống Mỹ tương tự do Hồ Chí Minh viết trong khoảng từ
năm 1951-1956. Là một thành viên của quốc tế cộng sản Đệ tam, đồng thời
là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp trung thành với Stalin và
kịch liệt chống Mỹ, ít có khả năng là Hồ Chí Minh thực lòng mong muốn
nhận được sự trợ giúp của Mỹ như tập đầu của bộ phim gợi ý.. Thay vào
đó, những đợt tương tác của Hồ Chí Minh với người Mỹ (bao gồm cả thư gửi
cho các tổng thống và các buổi trà đàm với nhân viên tình báo Mỹ) nhiều
khả năng là do sự nhận biết mang tính thực dụng của ông về tiềm năng
sức mạnh Hoa Kỳ và về nhu cầu trung lập hóa sức mạnh ấy qua liên lạc
trực tiếp.
Quan
điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong tập đầu tiên của bộ Chiến tranh Việt Nam
cũng được thể hiện rõ qua cách tái hiện câu chuyện từ phía Việt Nam
quá đơn giản. Tập đầu vẽ lại lịch sử hiện đại Việt Nam như một bức biếm
họa, trong đó ách áp bức của thực dân Pháp chỉ bị thách thức bởi sự xuất
hiện của Hồ Chí Minh, nhân vật có tinh thần quốc gia duy nhất trong
thời thuộc địa được đề cập đến trong tự sự.
Thiếu
vắng trong tường thuật này là vô số các lực lượng đối lập với Hồ Chí
Minh trong phong trào chống thực dân rộng lớn hơn, bao gồm các phe quốc
gia, phe lập hiến, phe Trotskyists, phe cộng hòa, phe bảo hoàng, phe
phát xít và phe tân truyền thống. Đối với nhiều học giả, cuộc xung đột
đẫm máu giữa phe cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và các lực lượng chống
cộng khác trong cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất (1946-1954)
và lần thứ Hai (1954-1975) chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh tiếp nối
của xung đột chính trị từ cuối thời thuộc địa. Thiếu vắng khía cạnh này
của câu chuyện, sự hình thành chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền nam,
lực lượng chống đối Hồ Chí Minh quan trọng nhất thời hậu thuộc địa, có
vẻ chỉ là sản phẩm độc quyền của Mỹ trong cuộc tìm kiếm đồng minh thời
Chiến tranh Lạnh, chứ không phải là một tinh thần chủ nghĩa quốc gia
chống cộng bản địa với gốc rễ lịch sử có từ thời thuộc địa.
Vua Bảo Đại (không rõ ngày) tại Hà Nội. Ông thoái vị tháng 8/1945 và sang sống ở Pháp từ năm 1955.
Một
bức tranh bị bóp méo tương tự cũng xuất hiện trong tập đầu là việc
không đề cập đến vua Bảo Đại. Sự lãnh đạo của ông với Quốc gia Việt Nam
do Pháp hậu thuẫn năm 1950 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt
chống cộng, những người tiếp tục chống lại sự bá quyền của cộng sản sau
năm 1954.
Hướng
tiếp cận "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam cũng được thể hiện
qua cách phim mô tả Ngô Đình Diệm. So với Hồ Chí Minh, người được mô tả
trong tập đầu, ít nhất là một phần nào đó, qua cách nhìn của người
Việt, Ngô Đình Diệm chỉ được giới thiệu qua lời của giới chức Mỹ (ông
"kiêu căng" và "ngạo mạn," một "đấng cứu thế không có thông điệp"). Mặc
dù ông cầm quyền suốt gần 10 năm trong những hoàn cảnh vô cùng bấp bênh,
tập phim đầu thể hiện rất ít sự quan tâm tới việc người dân Việt ở miền
nam Việt Nam nghĩ gì về ông.
Ông Ngô Đình Diệm phát biểu trong ngày thành lập Việt Nam Cộng hòa ngày 10/10/1955.
Quan
điểm "dĩ Mỹ vi trung" trong Chiến tranh Việt Nam và lý giải hời hợt về
lịch sử Việt Nam đã bị nhiều cây bút có tầm ảnh hưởng lớn trên facebook
tiếng Việt, diễn đàn công không bị kiểm soát quan trọng nhất ở Việt Nam,
phê bình. Blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập hiện sống ở Saigon viết:
"Còn
nội dung thì phim này chỉ thuần tuý thông sử, không có gì mới. Phần về
phía Mỹ cảm động, sâu, đa diện- 8/10. Phần về phía Việt Nam quá hời hợt
và phiến diện, may ra được 4/10. Đạo diễn phim tài liệu số 1 nước Mỹ làm
phim này trong 10 năm mà chỉ có thế thì chưa đạt yêu cầu."
Peter Zinoman
Hoài Hương
No comments:
Post a Comment