Monday, April 8, 2024

Truyện Một Người Vợ Lính Miền Nam


Hạ lấy chồng năm 16 tuổi,
Ôi con chim nhỏ mềm chân yếu cánh
Đã trở thành người vợ Lính Cao Nguyên…
Thơ Trương Minh Dzũng
 
Trước khi vào truyện.
Câu truyện sau đây là một sản phẩm của tưởng tượng, tuy dựa trên một phần nào sự thực của đời tôi.  Đây  là một tấm gương can đảm, chịu đựng, vị tha, nhân ái, yêu đời. Đúng hơn, đây là những đặc tính điển hình của những người đàn bà Việt Nam. Những người đàn bà Việt Nam khốn khổ, gót yếu chân mềm, sinh ra trong khói lửa, lớn lên trưởng thành và cuối cùng là quay cuồng trong khói lửa. Sau 15 năm cầm bút, tôi đã viết rất nhiều cho lính, nhưng rất ít cho những người vợ lính, những người đàn bà mà theo tôi, tấm gương can đảm cũng chẳng thua gì chồng hoặc có khi còn hơn. Đối với những người lính trận như chúng tôi, chỉ cần một phát súng, một quả mìn, một trái pháo là sẽ thênh thảng ra đi, bước vào một cõi trời cách biệt, nơi không còn có lo buồn, không còn có chém giết và thù hận. Nhưng đối với những người ở lại, những người vợ lính và con lính, những người đàn bà góa chồng và những đứa con nheo nhóc không cha, cuộc tranh sống của họ tiếp tục kéo dài. Có khác đi là kể từ ngày hôm đó, cuộc chiến dành cơm mua áo sẽ trở thành cay đắng độc địa và tàn khốc hơn gấp mấy lần bởi vì chồng và bố chúng nó không còn trên cõi đời này nữa để phụ giúp họ.  Có thể nói, một người vợ lính VNCH là một thiên bi hùng ca bất tận…
Viết bài này, tôi muốn quỳ xuống và cúi đầu thật sâu để đốt lên một nén hương trầm, dâng lên cao để tôn vinh những người đàn bà vợ lính Việt Nam - những người đã chết, những người còn sống...
New Orleans, một buổi thu sang lắm lá vàng năm 1993…
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
 
Tôi nhìn chị Hạ, nước mắt muốn ứa ra. Chị Hạ nhìn tôi, cặp mắt ráo hoảnh nhưng phiền muộn và buồn như một buổi chiều mùa thu. Tôi cúi đầu, nhăn mặt lại để kềm giòng nước mắt. Rồi tôi nói thật nhanh:
- Thôi em đi nhé chị Hạ...
- Ừ chú Nhị đi...
Tôi đứng lên và móc hết mấy cái túi áo bay, mò mẫm mãi mới tìm thấy được một dúm tiền gồm có ba tờ giấy một ngàn, một tờ giấy 500 và 5 tờ giấy một trăm. Vậy là đúng bốn ngàn đồng bạc...
Bốn ngàn đồng bạc so với số lương của một Thiếu Úy phi công khoảng 30 ngàn một tháng không phải là lớn nhưng cũng không phải nhỏ. Không phải nhỏ bởi nó đồng nghĩa với... 10 chai bia lớn và một bữa ăn nhậu. Hoặc có thể, nó đồng nghĩa với một buổi tối thứ bảy vi vút với đào ở bãi biễn Nha Trang. Hoặc, một cách tằn tiện hơn thì cũng đủ tiền ăn sáng, ăn trưa được ba bốn ngày...
Nhưng bốn ngàn đồng bạc này, tôi biết, đối với người đàn bà vợ lính vừa mất chồng đang đứng trước mặt mà tôi gọi là chị Hạ, có thể là đủ tiền gạo tiền sữa cho chị và đứa con một tuổi của chị được một tháng trời...
Tôi cầm bốn ngàn trong tay nhìn chị Hạ, tìm một lời nói nhưng kiếm không ra. Nhưng chị Hạ tinh mắt lắm. Chị biết tôi tính cho chị tiền. Chị mắc cỡ quay mặt đi, không dám nhìn tôi...
Tôi lưỡng lự một chút rồi đưa dúm tiền vào tay chị, nói:
- Chị Hạ, em phải đi. Chị cầm lấy chút ít này để mua sữa cho cháu... Em móc hết hầu bao chỉ còn có thế... Nếu chị không lấy thì từ này trở đi em thề sẽ không bao giờ về đây thăm chị nữa...
Bị hăm dọa, chị Hạ đành đưa tay cầm lấy tiền. Rồi chị quay lại nhìn tôi. Mặt chị nhăn lại như để kềm chế sự xúc động rồi bỗng dưng, không kềm được nữa, chị òa lên khóc nức nỡ. Thằng bé con trong tay chị rung lên từng chặp. Nước mắt chị rơi xuống mặt nó.
Chị Hạ thổn thức nói:
- Hu... hu... Chú Nhị, chỉ có chú là tốt với chị...
Tôi lí nhí nói:
- Chả có gì đâu chị ạ, em chỉ có mấy ngàn đồng bạc... Em muốn cho chị nhiều hơn, nhưng em chỉ còn có thế.
Chị Hạ đưa tay lên quẹt nước mắt:
- Chị xin lỗi chú, chị biết chị khóc như thế là không phải... Nhưng chị không cầm được...
Tôi cầm tay chị Hạ:
- Chị Hạ...
Chị Hạ khóc to hơn, mặt méo đi, nước mắt nhạt nhòa trên hai gò má:
- Chú Nhị, ngày chị bị thằng Quang phá nát đời con gái, chị đã không khóc. Khi bị đuổi ra khỏi nhà, chị cũng đã không khóc... Lúc nghe tin anh Nuôi tử trận, chị cũng không khóc được vì nỗi mất mát to lớn quá. Nhưng bây giờ nhìn thấy chú tốt với chị như thế, chị khóc... hu... hu...
Những gì chị Hạ kể, tôi đã biết gần hết, nhưng bây giờ nghe chị Hạ nói như thế thì lòng tôi thấy quặn mình lại, đau đớn như chính mình là nạn nhân. Tôi không muốn ở đây thêm một giây phút nào nữa. Tôi cúi xuống cầm lấy cái mũ ca-lô ở trên bàn:
- Thôi chị, em xin phép để em đi, hôm nào rảnh em sẽ về ghé thăm chị...
Chị Hạ ngừng khóc, mím chặt môi lại như đang cố gắng dùng hết nghị lực để làm chuyện đó. Chị nói:
- Chị cám ơn chú nhiều lắm. Chú phải ở lại uống thêm cốc nước với chị chứ.
Tôi nhìn chị, cố gắng điểm một nụ cười để mình khỏi bị khóc theo. Tôi đổi đề tài:
- Chị vẫn còn thích mím chặt môi lại như ngày nào hồi còn nhỏ...
Tôi ngừng một chút, cố gắng xua đuổi cái hình ảnh gần 20 năm trước của chị Hạ ra khỏi trí nhưng không thể được. Những hình ảnh ngày xưa của chị Hạ tiếp tục trở về dồn dập trong trí tôi. Một buổi sáng, phải rồi, một buổi sáng. Tôi nói tiếp:
- Phải, vẫn cái mím môi và cái thái độ cương quyết đó. Chị không bao giờ bỏ được...
Lần đầu tiên kể từ khi gặp nhau, gương mặt phiền muộn của chị Hạ điểm một nụ cười. Nụ cười héo hắt như một cành hoa lạc. Nhưng tôi không thể nào quên nụ cười ấy được. Bao nhiêu năm qua, bao thăng trầm biến đổi, chị Hạ vẫn giữ được nụ cười và cái mím môi quyết liệt...
Chị Hạ nói:
- Chú vẫn còn nhớ chuyện ngày xưa à? Lâu quá rồi nhỉ...
Tôi cúi đầu, nói nhẹ nhàng:
- Không, phải nói là mau chứ chị. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi, tuổi thơ, cuộc đời, rồi chiến tranh, tất cả đều đã trôi qua mau như một giấc mộng...
Chị Hạ cười nhẹ:
- Chú nhớ hay quá, mà nói lại nghe hay nữa... Chú Nhị tài hoa quá...
- Chị cứ khen. Nhưng làm sao em quên được chị?
Phải, làm sao tôi quên được. Buổi sáng hôm đó. Đó là một buổi sáng trong trăm ngàn buổi sáng của những ngày xưa hồi tôi còn rất nhỏ, khi đất nước mình có cuộc di cư vĩ đại của một triệu người miền Bắc vào Nam vào năm 1954, 55. Hồi ấy tôi chỉ là một thằng bé con chừng 6, 7 tuổi.
Một sáng, nhà tôi có cha Tâm đến thăm. Cha Tâm là một người quyền uy, đi xe hơi to lắm, có tài xế lái, và đôi khi lại có cảnh sát đi theo. Cha Tâm thường hay đến nhà bố tôi chơi. Bố tôi hồi ấy làm giám đốc một hãng xuất nhập cảng cao-su lớn nhất thành phố Pleiku nên cũng oai quyền và giàu có lắm. Nhà tôi lúc ấy người ăn người làm trong và ngoài có đến vài chục người. Cha Tâm là khách quý của bố. Và khi bố tôi gặp khách quý thì thường có tiệc tùng hoặc nói chuyện rất lâu.
Sáng hôm đó, sự xuất hiện của cha Tâm làm nhiều người trong nhà chú ý vì cha có dắt theo một cô bé gái tóc cắt ngắn một cái kiểu rất lạ mắt, bọn tôi chưa hề nhìn thấy bao giờ. Con bé lớn hơn tôi chừng năm tuổi. Tóc tai nó đã thế, nó lại mặc áo quần rất lạ mắt mà mãi sau này tôi mới biết là đồ của "Mỹ Quốc Viện trợ". Mặt mày con bé buồn rầu ngơ ngác càng làm cho anh chị em chúng tôi chú ý thêm hơn.
Bố tôi và cha Tâm nói chuyện với nhau khá lâu, mặt cha có vẻ nghiêm nghị chứ không vui vẻ như thường ngày. Chị lớn tôi đại diện các em ra chào cha, cha chỉ gật một cái rồi quay sang nói chuyện tiếp chứ không nói đùa với chị tôi một câu như thường ngày. Anh Thái đi đâu về đến chào cha, cha chỉ gật, không nói gì. Tôi chưa bao giờ thấy cha Tâm nghiêm trang như thế. Sau khi nói chuyện rất lâu, cha Tâm đứng lên bắt tay bố tôi. Cha nói:
- Anh ráng giúp tôi. Tôi hứa rằng khi nào tôi kiếm ra được bố mẹ cháu, tôi cho sẽ người tới rước cháu đi liền...
Bố tôi gật đầu, bảo:
- Xin cha cứ để đấy cho con, khỏi phải lo gì cả. Con coi nó như con gái trong nhà. Nhà càng lắm người thì càng vui cha ạ.
Cha Tâm gật đầu mãn nguyện rồi kéo con bé ra một chỗ thì thầm với nó một lúc. Không biết cha Tâm nói gì nhưng nửa chừng thì con bé òa lên khóc nức nở. Khóc thật ngon lành, chẳng cần biết mắc cỡ, chẳng cần biết ra anh chị em chúng tôi đang nhìn nó chăm chăm.
Cha Tâm dỗ dành đến mấy nó vẫn không nín. Một lúc nào đó, cha Tâm bỏ cuộc, nói:
- Thôi cha phải đi, con ở lại. Cha đi ra kia mua gói thuốc lào rồi cha trở về liền. Con ở đây chờ cha.
Nghe như thế thì con bé bỗng dưng ngừng khóc hẳn. Nó lắc đầu, đưa tay lên chùi nước mắt, cất giọng sầu thảm nói:
- Không, cha nói dối con đấy. Con biết cha đi thì cha không trở lại nữa...
Cha Tâm vỗ đầu con bé, bật cười thân thiện:
- A, cái con bé này bạo nhỉ? Mày dám bảo cha nói dối à?
Con bé lại khóc òa lên:
- Hu hu... Lạy cha ạ, con chẳng dám láo thế nhưng con biết nếu cha đi thì cha không trở lại nữa...
Đang đứng gần đó tò mò xem một cách lén lút, anh chị em chúng tôi nhìn nhau nháy nhó, trao đổi với nhau những cái nhìn thích thú về những gì vừa nghe và thấy được. Ở tuổi chúng tôi thời đó, không phải lúc nào mình cũng có thể nghe được một con bé dám bảo ông cha nói dối. Thế mà cha Tâm lại không tát cho nó một cái thì cũng là chuyện lạ. Cả bố tôi cũng đứng yên mà ngó, không có phản ứng gì. Chuyện này ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Nhưng bố tôi không phải là người không có mắt. Chúng tôi đang còn chờ đợi để xem tiếp coi cha Tâm sẽ đối phó với con bé ngổ ngáo này như thế nào thì bố tôi đã bất ngờ quay lui và đuổi hết bọn con nít chúng tôi xuống nhà dưới. Thế là cuộc vui bị chấm dứt nửa chừng.
Nhưng chừng nửa tiếng sau, khi cha Tâm lên xe đi rồi thì bố tôi cho gọi chúng tôi lên nhà. Trong phòng khách, bây giờ bố tôi là người đang thế chỗ cha Tâm, đứng vỗ về con bé xa lạ. Con bé bây giờ không còn khóc nữa mà đứng mím môi, dương mắt nhìn chúng tôi bằng một cặp mắt vừa lạnh lùng, vừa thách thức.
Con gái nhà ai mà mất dạy thế, tôi nhớ đã tự bảo lòng mình như thế. Và tôi không bao giờ có thể quên được cặp mắt và cái mím môi đó. Dù còn rất nhỏ, tôi cũng nhìn thấy đó là cặp mắt của một con chúa sơn lâm bị lâm vào đường cùng, đưa mắt nhìn thách thức mọi vật, mọi thứ gì biết cử động chung quanh mình. Ngay từ hồi đó, tôi đã biết cặp mắt này không phải của một con bé bình thường. Và bỗng dưng, tôi thấy thương con bé ấy. Cái sự mến thương thường tình của một thằng bé dành cho một người hay một cái gì mà mình thấy đáng phục.
Trước sự ngạc nhiên của anh chị em chúng tôi, bố tôi nhẹ nhàng vuốt đầu con bé, nhìn chúng tôi và dịu dàng bảo:
- Kể từ hôm nay, nhà mình có một... đứa con mới. Đây là Hạ. Chúng con phải coi Hạ như một người chị, người em ruột thịt trong gia đình. Gia đình Hạ ở ngoài Bắc và chị bị lạc bố mẹ vì chuyến di cư vào miền Nam. Chắc chẳng lạc đâu xa, có thể bố mẹ ở đâu trong Sài-Gòn nhưng chưa liên lạc được, vì thế, Hạ chỉ ở tạm với chúng ta trong một thời gian ngắn. Khi nào cha Tâm liên lạc được và khi tìm thấy bố mẹ chị ấy, Hạ sẽ đi... Trong khi đó, chúng con phải biết yêu thương và quý mến chị Hạ như một người ruột thịt trong gia đình.
Lạ lùng thay, sau câu nói của bố tôi thì cặp mắt của con bé thay đổi liền. Thay đổi thật mau và trở nên dịu dàng chân thật làm bọn tôi kinh ngạc. Hồi ấy dù tuổi đời còn rất nhỏ nhưng tôi cũng nhận ra được chuyện quan trọng này. Tôi không bao giờ ngờ rằng một cặp mắt lại có ảnh hưởng đến những người chung quanh đến như thế.
Thế là sau buổi chiều hôm đó, trong nhà tôi có thêm một khuôn mặt mới. Như mọi đứa con nít thời ấy, chúng tôi làm quen với nhau rất mau. Chị Hạ lại là một người khéo léo, luôn luôn biết cách làm vui lòng mọi người nên chẳng bao lâu chúng tôi coi chị như một người ruột thịt trong gia đình. Ngay cả người khó tánh nhất trong chị em tôi là chị Phan, chị cả, cũng thích chị. Tôi nhỏ tuổi nên gọi chị Hạ là chị. Các anh chị tôi, có người gọi là chị hoặc em. Tạm thời, bố tôi gởi chị vào học trường bà sơ chung với các chị tôi trong khi chờ đợi Cha Tâm trở lại...
Thời gian trôi qua và tôi chẳng thấy cha Tâm trở lại như lời bố tôi nói nhưng việc này chẳng làm cho ai bận tâm. Đúng hơn càng làm cho chúng tôi thích vì chúng tôi đã trở nên thân thiết với chị Hạ, không muốn cha trở lại để đem chị đi.
Một ngày, cha Tâm trở lại và ngồi nói chuyện với bố tôi khá lâu. Cha cho biết cuộc di cư đã chấm dứt và cha vẫn không tìm ra được cha mẹ của chị Hạ. Bố tôi bảo cha đừng lo vì chị Hạ bây giờ đã trở thành một người con trong gia đình chúng tôi. Biết được tin đó, ai trong chúng tôi cũng mừng vì gia đình bây giờ có thêm được một người chị dễ mến, khéo léo, và luôn luôn biết bênh vực chúng tôi khi có chuyện ở trường.
Nhưng quãng đời êm đềm của chị Hạ và gia đình tôi không kéo dài lâu... Chị Hạ ở với gia đình tôi được chừng vài năm thì trong gia đình tôi xảy ra hai biến cố. Tôi không biết có nên dùng hai chữ "biến cố" để gọi không bởi vì nó xảy ra không phải đùng một cái mà xảy ra rất từ từ, mỗi ngày một chút, kéo dài trong một khoảng thời gian cỡ một hoặc hai năm. "Biến cố" thứ nhất là nhà tôi càng ngày càng trở nên sa sút, và biến cố thứ hai, theo tôi nghĩ không ít thì nhiều do hậu quả của biến cố thứ nhất, đó là việc chị Hạ trong gia đình càng ngày càng bị đối xử tẻ nhạt.
Tôi muốn nói về cái "biến cố" thứ nhất.
Nhà tôi hồi ấy có thể nói là một trong những gia đình giàu có nhất nhì thành phố Pleiku nhờ bố tôi đã một thời làm thị trưởng thành phố. Tôi không biết được bố tôi có bao nhiêu tiền nhưng tôi biết nhà tôi hồi đó có 4 chiếc xe hơi. Một chiếc du lịch hiệu Traction cho bố đi làm, hai chiếc xe jeep để cho người làm đi rẫy và một chiếc xe vận tải lớn để chở hàng. Nói về người ăn người làm trong nhà hồi ấy đông lắm. Con số tôi không biết là bao nhiêu nhưng đông đến độ nhà tôi phải chia ra làm 3 xuất để ăn cơm. Xuất đầu tiên dành cho gia đình, gồm có bố mẹ, anh chị em tôi (dĩ nhiên là có cả chị Hạ). Xuất thứ hai dành cho người làm rẫy, thợ mộc, thợ nề và tài xế xe hơi. Và xuất thứ ba, cuối cùng, dành cho người làm hay là người ở trong nhà. Người giúp việc trong nhà và làm vườn có khi lên tới gần 10 người.
Một năm sau ngày chị Hạ về ở với gia đình tôi thì bố tôi bị mất chức giám đốc của hãng xuất nhập cảng cao su. Theo như chỗ tôi nghe được hồi ấy và không biết có đúng không thì hãng cao su mà bố tôi làm tổng giám đốc là do người Pháp làm chủ. Ông tổng thống Ngô Đình Diệm chủ trương bài Pháp nên tăng thuế cao. Người Pháp tìm cách trốn thuế và bị bắt lật tẩy. Ông sợ tù tội nên bán tháo bán đổ lại rồi bỏ về nước.
Quyết xây dựng cơ đồ, bố tôi bỏ hết tiền của dành dụm nhiều năm để đầu tư việc làm rẫy, trồng cà phê. Nhưng vì làm cái đồn điền quá lớn và không có nhiều kinh nghiệm nên số tiền dành dụm chẳng bao lâu biến thành mây khói. Cần tiền, bố tôi bán luôn mấy căn phố cho người Hoa mướn đang có lợi tức dồi dào để tiếp tục khuếch trương. Nhưng công việc rẫy bái trồng trọt phải mất một thời gian mới thu hoạch được kết quả nên tiền của trong nhà tiếp tục cạn đi. Cuối cùng thì cạn vốn nên đành phải bỏ mấy trăm mẫu đất đang canh tác dở dang, để biến thành hoang phế. Nợ nần chồng chất, bố tôi đành phải bán bớt nhà và đất để trả nợ. Nhà tôi đang giàu có bỗng trở nên sa sút. Sa sút nhanh chóng ào ào như một chiếc xe bị tuột dốc...
Xe hơi là một thứ xa xỉ trong xã hội Việt Nam cho nên, khi sự sa sút bắt đầu kéo tới nhà nào thì cái thứ gì xa xỉ nhất phải chắp cánh bay đi trước. Nhà tôi cũng không tránh khỏi định luật này. Từ một nhà có 4 chiếc xe mà chỉ trong vòng một năm, bố tôi chỉ còn giữ lại được một chiếc xe jeep cũ để đi rẫy. Chiếc xe cũ nhiều khi trở chứng làm anh em chúng tôi phải khốn đốn, khi quay khi đẩy hộc xì dầu.
Ra đi cùng một lúc với những chiếc xe hơi là những người ăn người làm trong nhà. Điều khác lạ ở đây là người đi thì ồn ào hơn, không trầm lặng như... xe hơi. Mỗi lần có người đi là có cảnh tiễn biệt, cảnh bịn rịn, cảnh từ giã. Lắm khi, lại có cảnh... cãi lộn chí chóe với mẹ tôi vì số tiền lương lãnh được không như ý muốn hay sao đó. Những người bỏ gia đình tôi ra đi, mới đầu là các bác tài xế xe hơi, rồi đến nhân công ngoài rẫy và cuối cùng, khổ cho chúng tôi nhất, là những người giúp việc trong nhà. Từ một số người làm tổng cộng có đến 3, 4 chục mà chỉ trong vòng vài ba năm xuống chỉ còn có vài người. Dĩ nhiên, ba xuất cơm ngày xưa giờ chỉ còn lại một. Bố tôi và mọi người cùng quay quần bên nhau ăn một lần cho tiện. Nếu ai hỏi tôi trên đời này có hoàn cảnh nào tôi sợ nhất hồi còn bé thì tôi xin thưa này là cảnh... bỗng dưng mình phải ... tự giặt đồ lấy và thay phiên nhau rửa chén vì không có người giúp việc trong nhà. Từ từ, anh chị em tôi được huấn luyện để làm lấy tất cả mọi thứ mà ngày xưa chỉ dành cho người làm: giặt dũ quần áo, lau nhà, quét dọn v.v...
"Biến cố" thứ hai, có thể là do bởi hậu quả của biến cố thứ nhất, nhưng diễn ra một cách rất âm thầm và từ từ hơn đó là chuyện chị Hạ. Vì một lý do nào đó mà đầu óc tuổi thơ của tôi không đoán ra được, chị càng ngày càng bị đối xử lạnh nhạt hơn. Sự lạnh nhạt bắt đầu với Mẹ tôi. Mới đầu tôi không để ý đến nhưng dần dần thì tôi thấy ngay rằng hình như chị Hạ thường bị sai vặt thường hơn và cũng bị la mắng thường hơn nữa. Khi thì mẹ tôi bắt chị ra lấy cái ống nhổ trầu, rồi đến quét cái nhà, lau cái bàn v.v... và dần dần thì tới những việc khác nặng hơn như lau nhà, giặc quần áo.
Một hôm cả nhà ngồi ăn cơm xuất đầu, (hồi ấy nhà vẫn còn ăn 3 xuất vì còn đông người làm) tôi chờ mãi mà không nhìn thấy chị Hạ. Bố mẹ tôi hình như lại gây với nhau nên chẳng có đứa nào trong anh em chúng tôi dám mở miệng nói nhiều. Trước khi so đũa, mẹ tôi chỉ tuyên bố một câu ngắn gọn: "Chúng con ăn đi, kể từ nay, con Hạ ăn cơm ở xuất thứ 3." Việc chị Hạ bị xuống ăn cơm ở xuất thứ ba tuy đáng buồn nhưng không đáng buồn bằng chuyện mẹ tôi dùng chữ "con Hạ" để chỉ chị Hạ. Tôi thấy tê tái trong người nhưng không dám nói năng gì. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu rõ được thế nào là cảnh "Tình đời đen bạc" tôi thường đọc trong sách. Mấy ai biết được chuyện "Tình đời đen bạc" có thể xảy ra ngay trong nhà mình.
Bọn người ăn người làm trong nhà có nhiều đứa không thích chị Hạ từ lâu, đây là dịp tốt cho chúng nó trả thù. Trong số đám người làm này có một con nhỏ tên là con Khanh. Nó là một con ở tính tình lóc chóc, luôn luôn kiếm dịp gây gỗ với mọi người. Nó là người làm đầy tớ trong nhà mà đôi khi còn dám lên mặt gây gỗ cả với chị em chúng tôi thì đủ biết nó ngổ ngáo đến mức nào. Một con bé tính tình như thế thì nó có coi chị Hạ ra gì. Nó và chị Hạ đã có một lần đụng độ nhau. Chuyện xảy ra như sau:
Hồi ấy mẹ tôi giao cho chị Hạ chịu trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ. Đây là bổn phận của con Khanh. Một sáng, không biết vì lý do gì đó mà con Khanh cãi lý với chị Hạ. Nó làm sao cãi lý bằng chị Hạ được cho nên cuối cùng đuối lý, nó bảo: "Chị cũng là người dưng nước lã như tôi, chị có máu mủ gì trong gia đình này mà lại lên mặt làm khó tôi như thế?"
Câu nói tàn độc làm chị Hạ sững người, trong một giây phút không biết phải trả lời làm sao. May quá, lúc ấy có tôi đứng ngay đó. Tôi nổi cơn điên, xông tới tát cho con khốn nạn mấy cái, miệng chửi:
- Chị Hạ là người ruột thịt trong nhà, tao cấm mày không được hỗn như thế.
Con Khanh bị đòn đau quá, như mọi đứa trẻ nít trong nhà, liền khóc bù lu bù loa lên. Nó lại dám chửi luôn cả tôi. Tôi điên tiết xông tới đấm đá túi bụi:
- Tao đánh cho mày một trận cho mày hết dám hỗn với tao.
Dù cứng đầu đến đâu thì con Khanh cũng chịu không nổi, nó bèn lên tiếng năn nỉ. Nhưng cái giọng năn nỉ của nó nghe càng chói tai hơn:
- Cậu tha cho con, con đâu biết cậu lại thương mến chị Hạ đến thế.
Ở nhà ai cũng biết tôi là người hiền nhưng cộc tính. Ai đã làm tôi nổi cơn điên thì phải coi chừng lắm lắm. Tôi một tay nắm tóc nó, tay kia đem bao nhiêu thứ "võ" học được ở nhà trường về áp dụng với nó...
Anh chị em tôi lúc này đã có mặt và chứng kiến cảnh con Khanh bị đòn nhưng không ai muốn can. Có thể họ sợ tôi một phần và một phần cũng vì muốn nhìn thấy cái con ở lắm mồm lắm miệng này bị đòn một phen cho nó chừa tật. Cuối cùng thì chính chị Hạ là người nhảy vào kéo tôi ra. Chị mím môi, bảo tôi:
- Đủ rồi chú Nhị. Chị xin chú tha cho nó. Nó chẳng biết việc mình làm.
Kể từ đó, con Khanh không còn bao giờ dám hỗn, nhưng nó đã thành công trong việc nó muốn làm, đó là khơi dậy một vết thương lòng mà ai cũng muốn quên đi. Kể từ ngày đó, chị Hạ chẳng còn bao giờ như xưa nữa. Khi nói chuyện với người làm trong nhà, nhiều khi đang thao thao bất tuyệt thì chị bỗng dừng lại làm như vừa nhớ ra những gì con Khanh nói ngày nào: Chị không phải là người ruột thịt máu mủ gì trong nhà. Có lúc khác, tôi bắt gặp chị đứng một mình ở sau nhà, môi mím chặt lại, dõi đôi mắt buồn bã nhìn về một phương trời vô định nào đó...
Hôm đầu tiên chị phải xuống ăn cơm xuất 3 với người ăn người ở trong nhà, con Khanh là người vui mừng nhất. Nhưng nó đểu giả khốn nạn lắm. Nhìn thấy chị Hạ ngồi vào bàn là nó làm bộ vồn vã với chị Hạ, mời chị ăn thức này món nọ, thò tay gắp thức ăn vào chén cho chị. Tôi đứng ngoài nhìn vào, thấy rằng chẳng thà nó chửi vào mặt chị một câu tàn nhẫn như là "Tại sao chị lại xuống đây ăn uống với bọn người làm này" thì tôi chắc chị Hạ đã đỡ khổ hơn nhiều. Tội nghiệp, chị Hạ phải can đảm lắm mới ngồi ăn được một cách bình thản như thế. Chị coi như chẳng có gì xảy ra, cũng vồn vã đáp lại sự vồn vã của con Khanh.
Việc gì xảy ra tiếp theo thì ai trong nhà cũng đã đoán được là nó sẽ xảy ra: Chị Hạ bị cho thôi học. Cơm trong nhà còn không được ăn xuất một thì tiền đâu cho chị đi học? Lần này, chính bố tôi là người thông báo cái tin buồn đau khổ ấy cho chị. Tôi biết bố tôi, người báo tin, cũng đau khổ và buồn phiền chẳng khác gì người nhận tin là chị Hạ. Trong đáy lòng, tôi biết bố tôi lúc nào cũng quý mến và coi chị Hạ như một đứa con, nhưng nhà cửa một ngày một sa sút, con nuôi phải nghỉ học để dành tiền cho con đẻ. Cuộc đời là như thế.
Có lẽ đã phần nào đoán trước được số mạng hẩm hiu của mình, chị Hạ đón nhận cái tin khủng khiếp ấy rất là bình tĩnh. Sau này tôi nghe mấy bà chị tôi kể rằng rằng chị Hạ đã biết trước được chuyện nghỉ học nên một tuần lễ trước đó, chị vào lớp và nhờ bạn bè viết "Lưu Bút" để làm kỷ niệm với bạn bè. Ở tuổi học trò ai cũng biết lưu bút là một cuốn tập truyền tay nhau để bạn bè ghi lại những kỷ niệm, những cảm nghĩ về nhau trước ngày chia tay. Những cuốn Lưu bút này chỉ luân lưu vào dịp cuối năm trước khi chia tay, không ai viết Lưu bút giữa năm như chị Hạ.
Dĩ nhiên là chị Hạ nghỉ học ở nhà không phải để chơi... Lúc gia đình đang sa sút, người ăn người làm liên tiếp ra đi thì chị Hạ phải trám vào những chỗ đó để lo giúp việc trong nhà. Thế là từ một em bé học sinh con nhà khá giả, được coi như ruột thịt trong nhà, đang ăn cơm xuất một và đi học trường tư, chỉ trong vòng vài tháng, chị Hạ bỗng trở thành một con bé thất học và tệ hơn, xuống làm một kẻ giúp việc trong nhà.
Tuy rằng anh chị em chúng tôi luôn luôn hết sức để thân mật với chị, nhưng từ ngày bị xuống thang, cách chị Hạ đối xử với chúng tôi đã thay đổi. Vẻ thân mật hồn nhiên của một người bạn, người chị trong gia đình không còn nữa. Chị luôn luôn giữ một khoảng cách giữa chị với chúng tôi. Có một lần, nhìn thấy chị Hạ ngồi giặt một thau đồ to lớn ở sau nhà, tôi lân la xuống ngồi nói chuyện với chị. Lúc ấy người ăn người làm, kể cả con Khanh đã nghỉ việc. Muốn làm vui lòng chị, tôi kể chuyện xảy ra trong trường cho chị nghe. Toàn những chuyện vớ vẩn như thầy Thanh sắp lấy vợ, cô giáo Hân vừa xin nghỉ để theo chồng về Sài-Gòn. Rồi đến chuyện xảy ra trong lớp, thằng này bị đòn, con kia bị phạt v.v... Tôi đang nói ngon lành như thế thì bỗng dưng chị Hạ bỗng nạt tôi bằng một giọng giận dỗi:
- Chị không muốn chú kể những chuyện ấy nữa.
Đầu óc non nớt của tôi lúc ấy không hiểu tại sao chị lại nạt tôi như thế. Chưa kịp nói gì thì chị Hạ tiếp:
- Chị xin lỗi chú nhưng chị không được đi học, chú được đi học và cứ kể như thế làm chị đau lòng lắm.
Nghe xong câu đó, tôi mới hiểu được nỗi lòng của chị. Và tôi hối hận quá, nhưng không biết phải nói gì để có thể làm tươi khuôn mặt buồn thảm kia được.
Nhưng sự nghỉ học và làm việc của chị Hạ không giúp được gì trong việc làm chậm lại sự tuột dốc kinh tế thê thảm của gia đình tôi. Người ăn người làm trong nhà tôi cứ thay phiên nhau ra đi cho đến một hôm chúng tôi ngồi ăn cơm, tôi nhận ra là ngoài bố mẹ và anh chị em chúng tôi ra, nhà tôi chẳng còn người ăn người làm nào cả. Kẻ duy nhất không cùng máu mủ với chúng tôi chính là chị Hạ. Tôi không thể nào quên được bữa ăn đạm bạc đầu tiên với nhau này.
Kể từ này hôm đó, mọi việc trong nhà, từ việc giặc giũ quần áo cho đến việc nấu cơm nấu nước bây giờ là do một tay chị Hạ quán xuyến và lo lắng. Các chị em tôi cũng phụ chị Hạ nhưng chẳng giúp được bao nhiêu vì chúng tôi phải đi học, và đi học về còn phải làm bài, học bài. Thêm vào đó cái tính ham chơi của tuổi trẻ nên chị Hạ phải quần quật suốt ngày suốt đêm. Chị là người thức giấc sớm nhất trước mọi người, và là kẻ đi ngủ sau cùng, sau khi mọi người đã yên nghỉ.
Mẹ tôi cũng phụ giúp chị nhưng chẳng bao nhiêu vì kể từ khi nhà cửa bị sa sút, tinh thần mẹ tôi sa sút, tính khí bất thường. Mẹ hay la mắng và bắt lỗi bắt phải mọi người về những việc nhỏ nhặt nhất. Có nhiều buổi sáng, mẹ ngồi khóc hàng tiếng đồng hồ ở sau nhà như muốn ăn vạ với... ông trời sao lại để cho gia đình tôi điêu đứng khổ sở như thế. Chị Hạ ở nhà thường xuyên mới mẹ nên chịu nhiều cảnh đắng cay nhất. Nhưng chị không hề dám nói lại mẹ. Mẹ tôi la mắng thế nào, xỉ vả nhiều câu tàn độc, chị Hạ chỉ nhẹ nhàng trả lời: "Thưa mẹ con xin nhận lỗi" hoặc "Thưa mẹ, lần sau con chả dám thế."
Phần bố tôi, mới đầu cũng cố gắng đem hết tài năng ra để cứu vãn tình thế, nhưng vì không có thời cho nên càng làm lớn thì càng lỗ lớn (sau này tôi được biết đó là lý do tại sao bố phải bán hết mấy chiếc xe đi), bố đâm ra thất chí, sinh tật rượu chè. Bố tôi bây giờ vắng nhà nhiều hơn xưa và khi về thì thường đi chân nam đá chân xiêu. Những hôm khác, phải có người dìu vào nhà. Những buổi sáng thức giấc sau cơn rượu, bố thường ngồi trầm ngâm ở phòng khách hàng tiếng đồng hồ, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác cho đến khi khách khứa bạn bè đến rủ đi làm ăn hay đi ăn nhậu.
Chị Hạ gánh vác sự nghèo khó và đau thương của gia đình tôi, làm việc miệt mài mà không hề thở than hay lên tiếng than trách. Chị phục vụ gia đình tôi như ruột thịt của chị, lo từng miếng ăn thức uống, ủi từng cái áo, chăm sóc cho anh chị em chúng tôi từng ngày một. Tôi không hiểu tâm trạng của chị như thế nào trong lúc đó, từ một đứa bé con nhà khá giả ở Bắc Việt Nam bỗng đùng một cái, mất cha mất mẹ rồi trở thành một con ở trong một gia đình xa lạ ở miền Nam. Điều làm cho tôi phục chị là chị không hề mở miệng than phiền hay ta thán. Được cái, anh chị em tôi đối xử với chị rất là thân thiết nên cũng xoa dịu được phần nào nỗi buồn của chị. Trong đám anh chị em tôi, tôi là người chị quý nhất. Thỉnh thoảng đi học, tôi không biết chị góp nhặt ở đâu mà dúi vào tay tôi một đồng bạc để ăn quà.
Và thời gian qua mau, thấm thoát mà chị Hà đã ở trong nhà tôi được hơn mười hai năm. Trong suốt thời gian này, chỉ có 2 năm đầu tiên là chị được đối xử như một đứa con, còn thời gian còn lại thì cuộc đời chị không hơn gì một đứa ở. Có phần tệ hơn là bởi người ăn kẻ ở trong nhà khi muốn đi thì có quyền rũ áo ra đi, còn được nhận tiền lương hàng tháng. Phần chị, chị không bao giờ mở miệng ra hỏi một đồng bạc và mẹ tôi thì cứ lờ đi, không bao giờ nhắc tới việc trả lương cho chị. Hồi ấy còn bé tôi không hề nhìn thấy chuyện này nhưng sau này ra đời bôn ba, nghĩ lại tôi thấy bố mẹ tôi bất công vô cùng. Theo tôi, nếu mình không đối xử được với chị Hạ như con thì phải trả tiền cho chị như một người làm. Bố mẹ tôi không phải là hạng người lợi dụng hay hẹp hòi, có lẽ hoàn cảnh túng quẫn của gia đình đã làm cho 2 người trở nên như thế. Câu nói "cái khó bó cái khôn" là một câu thật đúng trong trường hợp này.
Thời gian thấm thoát qua mau cùng với nỗi buồn của gia đình tôi và của chị Hạ. Sau hơn mười hai năm, nhà tôi vẫn nghèo như xưa nhưng chị em chúng tôi đều đã làm quen với sự nghèo khó nên không còn thấy khổ sở như hồi mới bắt đầu nữa. Mấy người chị lớn của tôi cũng lần lượt lập gia đình rồi ra riêng. Người anh lớn trong gia đình, anh Thái cũng đã tình nguyện vào lính nên trong nhà bây giờ thì tôi là đứa con trai lớn nhất với mấy người em.
Chị Hạ bây giờ đã trở thành một người thiếu nữ, sắc đẹp tuy vào hạng bình thường nhưng có đầy đủ tất cả những gì một người đàn bà cần phải có như bộ ngực no tròn và những đường cong khêu gợi v.v... Dù chị Hạ không phải thuộc hạng sắc nước hương trời nhưng tính tình hiền lành cùng sự khéo léo của chị cả xóm đều biết. Nhà tôi sau này dọn về ở một nơi bình dân nên trai hàng xóm đến tuổi cập kê toàn là những người lao động như thợ khuân vác, thợ lò rèn và nhân công làm rẫy cà phê. Người "văn minh" nhất trong xóm hồi đó theo tôi là mấy anh làm lơ xe đò vì họ còn đi đó đi đây, thỉnh thoảng đem về món này món nọ mua từ những thành phố lớn để lấy le với hàng xóm. Và dĩ nhiên là có nhiều người trong đám "trai làng" này bắt đầu để ý đến chị Hạ. Một người trong bọn là anh Nuôi, thợ hớt tóc.
Hồi ấy anh Nuôi thỉnh thoảng cũng đến nhà tôi để giúp việc lặt vặt nên hai người chẳng lạ gì với nhau. Chị Hạ coi anh Nuôi như một người quen biết nhưng anh Nuôi thì ngược lại, phải lòng chị Hạ thấy rõ. Đúng hơn, phải nói là anh mê chị Hạ như điếu đổ. Anh vốn là dân nhà quê nên cách anh tán tỉnh cũng rất nhà quê và đôi khi trở thành ngây thơ và dễ thương đến nực cười. Dạo sau này, mỗi lần đến nhà chơi thì anh Nuôi chải đầu bằng dầu Bri-dăng-tin bóng lộn, tóc tém ra phía sau theo một kiểu mà hồi đó người ta gọi là kiểu đầu "đít vịt." Tôi không hiểu vì anh làm nghề hớt tóc nên muốn biễu diễn chút tài năng để dợt le với chị Hạ, hoặc vì một lý do gì khác tôi không biết, nhưng có lần, tôi thấy anh đứng ở đằng sau hồ nước nhà tôi, trước một tấm gương nhỏ gần suốt hai tiếng đồng hồ chỉ để... chải đầu. Tò mò, tôi để ý quan sát, thấy anh hết chải xuôi rồi lại chải ngược, rồi lại tém bên phải, sửa bên trái. Điều đáng nói là ngoài cái đầu đít vịt, những thứ khác trên người anh, từ chiếc áo sơ mi hay áo thun cho đến cái quần đùi anh mặc, tất cả đều cũ và nhàu nát một cách thảm hại.
Cũng có đôi khi anh "lên khuôn" coi rất dễ sợ. Cái khuôn sang trọng nhất của anh là cái áo sơ mi trắng, cộng thêm cái cà vạt trái mùa thắt méo sang một bên trông như một sợi dây thòng lọng. Phần trên đã thế, phần dưới là một cái quần tây không có dây thắt lưng và chân lại mang... dép lẹp xẹp. Anh Thái tôi, có lần nhìn thấy anh Nuôi như thế thì lắc đầu và phê bình một câu cay độc: "Thật là một hình ảnh bi thảm và tuyệt vọng của một thằng cha hớt tóc muốn học làm sang." Nhưng anh Nuôi thì luôn luôn hãnh diện ra mặt mỗi khi lên khuôn long trọng như thế. Mặt mày anh rạng rỡ, anh cười cười nói nói y như một tay công tử thứ thiệt.
Lâu lâu một lần anh mới lên khuôn như thế, thường thì vào những buổi chiều chủ nhật, trước khi anh đi coi cải lương với bạn bè.
Tôi để ý là mặc gì thì mặc, trong túi anh luôn luôn có một bao thuốc lá Capstan không bao giờ khui. Hình như đó là dấu hiệu của sự giàu sang và trưởng thành. Thỉnh thoảng anh còn đứng sau nhà, ở một chỗ mà anh chắc chắn là chị Hạ nghe được, rồi cất giọng ca mấy câu cải lương thật mùi mẫn. Những lần như thế, các anh chị em tôi phải ôm bụng mà cười. Nhưng chị Hạ không bao giờ cười dù chị không thích. Chị nghiêm sắc mặt trách bọn tôi rằng cười như thế là "vô nhân đạo".
Tôi còn nhỏ nên không biết gì về chuyện yêu đương trai gái nhưng tôi để ý hễ mỗi lần có anh Nuôi xuất hiện thì chị Hạ tìm cách lánh mặt đi. Anh chị em chúng tôi ai cũng đồng ý là anh Nuôi không xứng đáng với chị Hạ. Chị Hạ dù sao cũng đã từng đi học nhiều năm nên còn có chút kiến thức, biết đọc sách, biết đọc cả thơ TTKH, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, v.v..., còn anh Nuôi thì mù chữ, chẳng biết gì...
Và càng về sau này thì anh Nuôi càng hay thường lui tới nhà tôi. Lần nào cũng với cái đầu đít vịt chải Bri-dăng-tin bóng lộn, và anh tiến bộ hơn trước, không còn mặc quần đùi nữa nhưng mặc quần ống túm và mang dép.
Tôi không dám hỏi chị Hạ về chuyện anh Nuôi nhưng tôi nghe mấy chị tôi nói là chị Hạ không thích anh Nuôi. Không thích nhưng vì lòng nhân ái, chị không nỡ xua đuổi anh ấy, sợ anh ấy buồn. Và chị luôn luôn lễ phép với anh Nuôi. Con người chị Hạ tốt như vậy đó. Hồi ấy dù còn nhỏ nhưng tôi biết chị Hạ thích một người khác mà tôi biết rõ...
Đó là anh Quang, bạn của anh Thái tôi. Anh Quang con nhà giàu, có xe mô bi lét, tướng người to cao, nước da ngâm đen và rắn chắc. Không hiểu sao, dù anh Quang là bạn của anh Thái nhưng tôi không hề thích anh ấy. Ai cũng khen anh Quang là đẹp trai nhưng tôi lại ghét bộ mặt ấy vô cùng. Tôi thấy bộ mặt có vẻ gì giống tựa tựa như bộ mặt ... con Khanh ngày xưa, coi đểu cáng, giả dối và tàn bạo.
Điều làm cho tôi biết chị Hạ thích anh Quang là mỗi lần có anh Quang xuất hiện thì mặt chị Hạ đỏ bừng lên như vừa thổi lửa trong lò ra. Chị thường đưa tay sửa tóc và đi đứng ăn nói khác hẳn thường lệ mỗi khi có anh Quang đến nhà chơi. Tiếng là đến chơi với anh Thái tôi, nhưng anh Quang luôn luôn tìm cách xuống bếp, lúc lấy cái này, lúc xin cái nọ để gặp mặt chị Hạ. Thỉnh thoảng, anh còn trao đổi vài câu bỡn cợt rất văn chương với chị Hạ mà lúc ấy tôi không thể nào hiểu được. Có lần, anh Quang nói gì không biết mà chị Hạ cười típ mặt lại, mặt đỏ bừng lên. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chị Hạ cười như thế.
Lúc anh Thái lên đường đi lính rồi, đáng lý ra anh Quang chẳng còn lý do gì đến nhà tôi nhưng anh luôn luôn tìm ra một lý do nào đó để đến. Lúc thì trả lại cuốn tập cho tôi, lúc thì hỏi xem anh Thái có thư từ liên lạc gì về nhà không. Toàn là chuyện bố láo cả nhưng trong nhà chẳng ai nói gì vì cả nhà ai cũng biết anh Quang là con nhà giàu có.
Bố mẹ tôi chắc cũng biết ý đồ của anh Quang muốn ngắm nghé gì đây nhưng không đoán được là trong đám con gái đang lớn ở nhà, anh đang muốn tán tỉnh ai. Các chị tôi tuy không nói ra nhưng ai cũng nghĩ là anh Quang chắc có tình ý với mình. Một tối, tôi nhớ hình như gần ngày tết, các chị và bố mẹ tôi đi chợ tết, ở nhà chỉ có mình chị Hạ và tôi. Chị Hạ cũng không biết tôi ở nhà vì hôm đó đáng lẽ tôi đi theo các chị nhưng bị phạt vì được một quả vịt lộn kỳ thi toán vừa rồi. Tôi chán đời, đang nằm ở trên giường ở trên gác đọc truyện thì nghe được tiếng xe mô-bi-lét của anh Quang. Đáng lẽ tôi đã xuống nhà nói cho anh Quang biết rằng không có ai ở nhà nhưng vốn chẳng thích gì anh Quang nên tôi cứ nằm im, nghĩ rằng nếu không tìm thấy ai thì anh ấy sẽ bỏ đi.
Tôi nghe tiếng xe mô bi lét anh Quang tắt máy và chờ một lúc mà không nghe tiếng máy nổ trở lại để đi về thì sinh nghi, liền đứng lên đi xuống nhà dưới. Và tôi ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy anh Quang và chị Hạ đứng bên cạnh nhau tâm tình. Hồi ấy tôi đã lớn nên biết phân biệt được sự khác biệt giữa 2 người thường nói chuyện và hai kẻ yêu thương nhau nói chuyện. Chỉ cần nhìn phớt qua một cái thì tôi biết hai người đang yêu nhau đã từ lâu mà không ai biết. Phải thú thật rằng lúc ấy tôi cũng vừa mừng cho chị Hạ vì sau bao nhiêu năm tháng khổ đau, cuối cùng thì chị cũng tìm được nguồn an ủi cho cuộc đời chị, nhưng đồng thời cũng thấy buồn cho các chị tôi vì đã không được anh Quang để ý...
Chị Hạ thính tai lắm. Tôi vừa bước được mấy bước thì chị nghe ra liền và hoảng hốt giật tay chị ra khỏi tay anh Quang. Hai người quay lại nhìn tôi. Tôi nói liền:
- Chị Hạ đừng lo, em không nói gì đâu. Chỉ tưởng anh Quang ghé rồi đi nên em xuống chơi...
Chị Hạ rưng rưng nước mắt nói:
- Nếu chú... giỏi như thế thì chị cám ơn chú lắm. Hôm nào cưới nhau rồi anh chị sẽ không quên chú...
Tôi gật đầu, ừ hử rồi quay lên gác, nói thầm trong bụng rằng cưới ai chứ cưới anh Quang thì chán bỏ mẹ. Anh Quang còn nói theo:
- Nhờ đừng nói chuyện này cho ai biết chú nhé, hôm nào anh sẽ cho chú mượn xe mô-bi-lét đi chơi một ngày...
Tôi chẳng ham gì đi ké chiếc mô bi lét của anh Quang vì không ưa anh ta, nhưng tôi hứa với lòng mình sẽ không để lộ chuyện này với ai biết vì tôi quý chị Hạ, không muốn gây phiền phức cho chị. Trước khi đi, anh Quang lên gác, dúi vào tay tôi 2 đồng, bảo cho chú ăn quà. Tôi quẳng hai đồng bạc xuống sàn rồi xoay người vào trong vách giả vờ ngủ.
Sau đêm đó, chị Hạ và anh Quang vẫn tiếp tục lén lút với nhau nhưng ngoại trừ tôi, chẳng ai biết cho đến một tối. Tối đó, cơm nước xong, vào lúc vắng người, chị Hạ bảo tôi ra chờ chị ở cây mít phía sau nhà. Tôi không biết chuyện gì nhưng đoán là có chuyện gì quan trọng lắm vì chị mặt Hạ nghiêm trọng vô cùng.
Khi gặp nhau, chị đưa cho tôi một mảnh giấy gấp làm bốn có dán cơm và nói:
- Chị nhờ chú chuyện này nhé.  Chú sang nhà anh Quang đưa lá thư này cho anh Quang hộ chị có được không?
Dưới ánh đèn vàng vọt ở nhà sau, không hiểu tại sao lúc ấy tôi mới nhận ra một điều hơi lạ lùng là tôi thấy mặt chị mập ra. Hồi đó tôi đã lớn nên nhận ra ngay rằng đó là cái mập của một người đàn bà con gái ốm nghén lần đầu tiên trong đời. Từ chuyện này, tôi lại nhớ thêm một chuyện khác là những lúc gần đây, chị Hạ ăn uống mạnh bạo và nhiều hơn thường ngày. Có một lần chị ăn hết nguyên một rổ bắp chuối. Lần khác, chị ăn hết nguyên một trái mít chỉ còn có sơ mà thôi. Tôi biết rằng những người đàn bà ốm nghén thường thích ăn những thứ kỳ quặc. Tôi lại nhớ cách đây mấy ngày, các chị tôi đã đồn đãi với nhau rằng chị Hạ và anh Nuôi đã làm chuyện tày trời trong nhà là ăn nằm với nhau. Dĩ nhiên rằng đây là những lời đồn đãi tuy phần nào có căn bản nhưng cũng rất xa sự thật vì không ai ngờ rằng người mà chị Hạ có thể ăn nằm với không phải là anh Nuôi mà lại là anh Quang. Trong nhà chỉ có mình tôi và chị Hạ biết chuyện này.
Tôi nhìn chị lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì không chị?
Chị Hạ lắc đầu, rồi mím môi lại, nói:
- Sau đêm đó… sau lần đó, anh Quang không còn tới đây thăm chị nữa. Chị chả biết việc gì xảy ra...
Tôi chới với, toan hỏi nửa nhưng chị Hạ đã vội vã xua tay và mím môi lại, nói:
- Nếu chú muốn giúp chị, chú phải đi mau, đừng để bố mẹ biết...
Dĩ nhiên là tôi phải giúp chị Hạ. Tôi phóng lên xe đạp, đạp mau như bị ma đuổi tới nhà anh Quang. Nhưng đi giữa đường, hình ảnh cùng cái mím môi của chị Hạ làm lòng tôi quặn lại. Tôi mường tượng được một chuyện gì ghê gớm lắm đã xảy ra. Tôi liền dừng xe ở dưới một cột đèn và quyết định dở lá thư ra xem chị Hạ viết gì. Nếu giết tôi chết, tôi vẫn phải đọc cho được lá thứ quan trọng này. Những giòng chữ mềm mại nhưng rất rõ ràng của chị Hạ viết như sau:
Anh Quang yêu dấu,
Sao đã hơn ba tuần nay rồi mà không thấy anh trở lại thăm em?
Em không biết những lời hứa hẹn của anh, anh có còn giữ được sau khi anh đã chiếm đoạt được em, chiếm đoạt được những gì anh muốn. Việc anh có trở lại hay không hoàn toàn do anh, em không có quyền đòi hỏi, nhưng anh phải nhớ cho em một điều là đời người chỉ có một thời làm con gái mà thôi. Nghe lời anh, em đã hiến dâng đời con gái của em cho anh. Đó là cái quý nhất đời em. Nếu anh giữ lời hứa, lấy em làm vợ thì em có phúc đức vô cùng. Còn không, em cũng đành chịu thôi anh ạ. Em không năn nỉ anh đâu, em nói thật đấy. Nhưng dù có muốn lấy em hay không, dù còn thương hay không, thì anh cũng phải trả lời cho em một tiếng, đừng để em phải chờ đợi héo hon như thế này.
Em nhớ mãi những lời hứa hẹn, những lời thề thốt của anh. Em đã tin anh.  Em chỉ hy vọng rằng mình đã không lầm, nhưng nếu em đã lầm thì em sẽ tìm cách giải quyết lấy chuyện này cho em được.
Em khổ quá anh Quang ơi.
Mong tin anh.
Người con gái đã tin anh và nghe lời anh.
Tôi đọc xong lá thư, thấy tay mình run lên vì giận dữ. Thì ra thằng Quang đã dụ dỗ chị Hạ ăn nằm với nó rồi nó tính chơi trò quất ngựa truy phong đây. Thằng khốn nạn. Lúc đó tôi mới nhớ ra là đã lâu thằng Quang không còn tới nhà tôi chơi nữa. Tôi giận dữ vô cùng nhưng cũng thắc mắc, không hiểu làm sao một người đàn bà khôn ngoan và hiền hậu như chị Hạ lại có thể bị dụ dỗ để đi ăn nằm với một thằng bất lương như thằng Quang. Đàn bà quả thật là khó hiểu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu được tại sao chị Hạ lại nghe lời một thằng như thằng Quang. Có phải chăng, người đàn bà, dù khôn ngoan khéo léo tới đâu thì cũng không thoát khỏi cái định luật của trời đất là có căn bản nhẹ dạ và dễ tin. Tôi thương chị Hạ và cũng giận chị, tính vò nát lá thư rồi về nhưng cuối cùng thì cũng lên xe đạp tới nhà kẻ mà bây giờ tôi gọi là thằng Quang...
Tôi đang đi nửa chừng thì trời đổ mưa xuống tầm tã. Những sợi mưa quật vào mặt tôi và da thịt tôi. Đau lắm, nhưng tôi cắn răng tiếp tục đạp xe và nghĩ rằng, cái đau của tôi làm sao bằng cái đau của chị Hạ đang chịu bây giờ. Tôi đưa tay lên vuốt mặt, vuốt luôn những giọt nước mắt đã đổ ra để khóc cho chị Hạ hiền lành và dễ tin của tôi. Tôi biết thằng khốn nạn không bao giờ thèm trở lại để cưới chị đâu. Quân khốn nạn.  Tội nghiệp chị Hạ của tôi quá…
Nhà thằng Quang, như nhiều nhà giàu khác, kín cổng cao tường và có chó săn canh giữ. Trời lúc ấy đã đổ mưa, nên tôi bấm chuông xong phải chờ mãi mới có người mở cửa. Chào hỏi xong, thằng gác cổng bắt tôi đứng chờ ở ngoài rồi chặp sau trở ra bảo thằng Quang không có nhà. Tôi biết nó láo khoét vì tôi còn nhìn thấy chiếc Mô bi lét của nó dựng ở sân trong nhưng chẳng còn biết làm gì hơn. Tôi đưa cho nó lá thư của chị Hạ rồi lên xe đạp về. Mình mẩy tôi ướt như chuột lội nhưng không hề thấy lạnh mà chỉ thấy đau buốt trong lòng mình, thấy thương cho chị Hạ. Nếu chị Hạ ốm nghén thật và thằng Quang bỏ rơi chị thật thì đời chị chắc tàn. Chị chắc chỉ còn một nước là ra đường đi ăn mày vì bố mẹ tôi là người rất nghiêm khắc, không bao giờ chấp nhận chuyện một người trong gia đình có chửa hoang. Chẳng những thế, không hiểu vì một lý do nào đó, mẹ tôi hình như càng về sau này thì càng ghét chị Hạ, chắc mẹ sẽ đem chị ra đường để bôi vôi trét trấu vào mặt...
Tôi trở về, chờ cho mọi người lên giường ngủ hết rồi mới mò xuống nhà bếp, nơi kê cái giường nhỏ lạnh lẽo và xa cách của chị Hạ để báo cho chị biết tin buồn. Tôi thú thật với chị Hạ là đã lén coi thư chị và đã tới nhà thằng Quang nhưng nó chẳng thèm ra tiếp tôi.
Chị nghe xong thì đưa hai tay lên ụp lấy mặt và ngồi rũ xuống một lúc thật lâu. Rồi chị mở tay ra. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, tôi ngạc nhiên vì chẳng nhìn thấy một giọt nước mắt nào cả. Chị không khóc mà môi chỉ mím lại. Tôi chẳng còn biết an ủi thế nào cho chị được vơi nỗi buồn. Ngồi với chị Hạ một lúc thật lâu dưới ánh đèn mờ vàng vọt, tôi mới nói nhỏ với chị Hạ:
- Theo em thì chị nên bỏ trốn về Sài-gòn đi, bố mẹ mà biết được chuyện này thì chị chỉ có chết.
Chị Hạ lắc đầu không nói gì, cặp môi chỉ mím lại. Rồi chị bảo:
- Người biết mình sắp chết chẳng bao giờ sợ chết chú ạ. Không, chị có cách khác để giải quyết chuyện đời chị... Cám ơn chú, giờ chú lên ngủ đi...
Tôi tính ngồi thêm một lúc để an ủi chị nhưng nhìn mặt chị thê thảm quá, tôi không thể. Tôi đi lên nhà trên và đoán rằng một chuyện quan trọng sẽ xảy ra. Không hiểu sao, mấy câu "Người biết mình sắp chết chẳng bao giờ sợ chết" và "chị có cách khác để giải quyết chuyện đời chị" cứ trở lại ám ảnh tôi suốt buổi tối hôm ấy.
Quả thật, vài hôm sau tôi đi học về thì thấy nhà có rất đông người ra vào, bận rộn như ngày Tết. Có cả một chiếc xe cứu thương đậu trước nhà nữa. Tôi hỏi chuyện gì xảy ra và chẳng có ai dám nói cho tôi nghe. Nhưng một cái tin động trời như thế thì làm sao giấu nhau lâu được. Chẳng bao lâu tôi được tin chị Hạ uống mấy chục viên thuốc ngủ tự tử. Tối hôm qua, khi lên giường ngủ, chị Hạ viết một lá thư tuyệt mạng để ở đầu giường rồi uống một lần ba chai thuốc ngủ. May mà mẹ tôi tìm thấy chị kịp thời và mời bác sĩ đến súc ruột nên cứu sống chị được.
Sau đó chừng không tới một tháng, một đám cưới bất ngờ và đơn sơ diễn ra. Chú rể là anh Nuôi và cô dâu là chị Hạ.
Đám cưới làm ở phòng khách trong nhà rất là đơn sơ, đơn giản hơn cả một bữa ăn thường lệ ở nhà. Trên bàn không có được một chai bia hoặc một đĩa thịt luộc, chỉ có vài đĩa kẹo bánh và mấy chai xá xị. Lại không có cả nước đá cho khách uống xá xị. Không có cả một bình hoa trong nhà. Không có cả một tấm hình Long Phượng như tôi thường thấy ở các đám cưới.
Cô dâu, chị Hạ, mặc chiếc áo dài màu xanh mượn của chị tôi. Chú rể, anh Nuôi, mặc cái áo vét cũ, thắt cà vạt và lần đầu tiên trong đời, tôi thấy anh mang giày. Giày ba ta trắng nhưng lại không mang vớ. Mặt mày anh Nuôi hãnh diện tươi tắn. Mặt mày chị Hạ buồn rầu như đi đám ma.
Khách đến dự đám cưới chỉ có 3 người, đều là thợ lò rèn và là bạn của anh Nuôi. Nhà trai thì chẳng ai biết nói gì, chỉ ngồi một cục với nhau, nhâm nhi xá xị không nước đá, ăn bánh kẹo và hút thuốc lá Basto liên miên. Thật ra thì cả nhà chẳng ai mở miệng nói lời nào. Nhà gái thì bố tôi, làm chủ hôn, ngồi yên trên ghế nói vắn tắt vài lời rồi để hai người trao nhẫn cưới cho nhau. Lúc anh Nuôi đeo nhẫn cho chị Hạ, chị òa khóc.
Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ được chứng kiến một cái đám cưới nào đơn sơ và nghèo nàn như thế. Tôi không biết chị Hạ nghĩ gì khi đứng bên cạnh anh Nuôi và cầm tay anh Nuôi nhưng mặt mày chị ủ rủ như một cành hoa héo. Tôi để ý thấy mặt mẹ tôi buồn hơn cả chị Hạ. Lúc chị cầm tay anh Nuôi đi ra khỏi nhà, bà chảy nước mắt òa lên khóc. Tôi không biết mẹ tôi khóc vì hối hận khi nghĩ đến những ngày tháng mình đã đối xử bất công và hà hiếp chị, hoặc khóc vì đau khổ biết rằng từ nay, chị Hạ sẽ không còn là người ở không lương trong gia đình tôi nữa. Có lẽ cả hai.
Trưa hôm đó chị Hạ dọn ra khỏi nhà tôi về ở với anh Nuôi. Tài sản suốt mười mấy năm làm lụng cho gia đình tôi nghèo đến độ không có được cái va-li. Chị dùng cái giỏ mây đi chợ đã cũ, vá chùm vá đụp đựng mấy bộ quần áo và mấy cuốn sách quý mà chị giữ mãi từ khi còn đi học.
Thế là từ nay, cuộc đời chị Hạ bước vào một khúc quanh mới...
Từ đó, tôi không còn biết nhiều về tin tức của chị Hạ nữa. Tôi chỉ biết sơ sơ một điều là cỡ 6, 7 tháng sau ngày đám cưới, chị Hạ sinh được một đứa con gái nhưng có lẽ vì bị ảnh hưởng của mấy lọ thuốc ngủ trong vụ quyên sinh khi còn trong bụng mẹ, nó sống èo uột được vài tháng rồi chết.
Chị Hạ đi rồi, nhà tôi trở nên trống trải hơn trước. Lúc ấy mẹ tôi và nhiều người khác trong nhà mới thấy bắt đầu thấy tiếc và thương chị Hạ. Hồi xưa Mẹ thường vừa làm việc vừa cằn nhằn nhưng bây giờ thì vừa làm việc vừa nhắc nhở tới chị Hạ bằng một giọng đau xót thật tình. Tôi cũng chán cảnh gia đình túng quẫn, cảnh ông bố rượu chè suốt ngày nên tôi học nhảy, đậu xong cái tú tài là tôi tình nguyện đi lính, vào trường bộ binh Thủ Đức.
Tôi ra khỏi nhà năm tôi vừa tròn 17 tuổi và không trở lại cho đến gần 3 năm sau, khi tôi gần 20 tuổi, đã được huấn luyện thành phi công ở bên Mỹ về. Tôi không thể nào quên được buổi sáng hôm tôi trở về thăm lại mái nhà xưa, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên với không biết bao nhiêu kỷ niệm. Hồi ấy tôi mới đi du học ở Mỹ về nên dành dụm gần hơn một triệu đồng bạc đem về cho bố mẹ tôi...
Bố tôi lúc ấy đã lớn tuổi và dù đã hết rượu chè nhưng thân thể tiều tụy, chẳng còn thiết làm ăn gì nữa. Các chị tôi đều lập gia đình ra riêng và các em tôi thì đã lớn, có thằng sắp tới tuổi phải đi lính. Mẹ tôi bây giờ ít nói, chỉ cầm lấy tay tôi mà trách sao tôi đi lâu quá không về thăm nhà. Tôi đưa tiền cho mẹ, ngồi nói chuyện với bố một lúc rồi mượn cái xe Honda của thằng em phóng ra phố chơi. Tôi cũng quên bẳng đi, không hỏi về chị Hạ.
Tôi ghé sang nhà thằng bạn học cũ rủ nó đi uống cà phê nói chuyện. Nó chỉ cho tôi một cái quán nhỏ bên đường và bảo:
- Quán Hạ đó. Cái tên Hạ có làm mày nhớ tới ai không?
Tôi thắng xe, chưa kịp trả lời thì đã nhìn thấy chị Hạ ở trong quán đang lui cui dọn dẹp bàn ghế. Chị Hạ cũng nhìn ra và thấy tôi ngay. Tôi xuống xe, chạy thật mau vào quán. Chúng tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Bao nhiêu chuyện dĩ vảng của ngày xưa bùng dậy trong tôi...
Chị Hạ bây giờ có da có thịt coi đẹp hẳn ra. Điều quan trọng là tôi thấy chị rất là hạnh phúc. Quán nhỏ nhưng trang hoàng khéo léo và sạch sẽ tươm tất, nhìn thấy cái gì cũng đẹp mắt dễ thương. Chả trách gì mới sáng sớm mà đã có nhiều khách ngồi.
Chị nhìn bộ đồ phi công tôi đang mặc trên người và suýt soa khen ngợi. Chị Hạ hỏi tôi bây giờ làm lính... phi công phải không. Tôi bảo phải, em làm lính phi công. Chị Hạ nhìn bộ đồ bay, suýt xoa, bảo áo quần gì sao mà nhiều túi thế, để làm gì. Tôi cười, trả lời rằng mỗi túi để một quả tim đàn bà. Chị Hạ cười ồ lên, vui ve lắm.  Chị bảo tôi đẹp trai, sẽ có khối đào. Nói tới đó, bỗng dưng, nụ cười bỗng dưng tắt héo trên môi chị. Cặp mắt chị thoáng buồn và có ánh lửa phẫn nộ. Chị nghiêm trang bảo tôi:
- Chú làm gì thì làm nhưng đừng bao giờ lừa dối ai nhé. Mang tội chết, chú ạ.
Tôi thành thật bảo:
- Em thật thà lắm chị Hạ ạ, chưa nói dối thì đàn bà con gái chúng nó đã biết rồi, làm sao lừa được ai mà chị cứ bảo. Chúng nó lừa em thì có.
Chị Hạ lại cười lên thật to, bảo:
- Miệng mồm chú trơn như thoa mỡ, con gái nào mà không mê...
Ngừng một chút, chị tiếp:
- Nhưng trong nhà mình, chị thấy chú là một người rất chân thật. Chú lại biết thương người nữa. Chị quý chú lắm.
Chị mời tôi ngồi, hỏi tôi và người bạn uống gì.  Tôi xin chị hai chai bia.  Chị lấy bia rồi kéo ghế ngồi nói chuyện với tôi. Chị hỏi tôi đủ thứ về cuộc đời mới của tôi. Nghe tôi nói đi Mỹ học lái máy bay mới về, chị suýt xoa lia lịa. Tôi kể sơ sơ về cuộc đời bên Mỹ rồi hỏi chị:
- Phần chị thế nào? Kể từ ngày chị ra riêng, có gì thay đổi không?
Chị Hạ cười thật tươi, rất là hạnh phúc. Nụ cười này tôi chưa hề thấy trong cuộc đời chị, kể từ khi chị lạc loài từ Bắc vào Nam cách đây mấy chục năm:
- Hồi đó, chú nhớ cái hôm mà chị tự tử không chết không?
- Nhớ.
- Nhiều người tưởng là chị chỉ giả vờ để đỡ bị nhục và không ai biết rằng chị sẽ quyên sinh một lần nữa. Lần này, nhờ có kinh nghiệm lần trước nên chắc chắn chị sẽ thành công không khó khăn gì. Chị chắc chắn một trăm phần trăm như thế. Nhưng chú có biết ai là người làm chị đổi ý không?
Tôi nhìn chị:
- Bố em hả?
Chị Hạ lắc đầu, cười nhẹ, giọng thật là dịu dàng:
- Không. Chính anh Nuôi là người làm chị đổi ý.
- Hồi ấy em biết chị đâu có thương gì anh Nuôi, làm sao anh Nuôi làm chị đổi ý được?
- Anh ấy nói một câu thật là cảm động. Anh ấy bảo rằng anh ấy rất thương chị và đã nghĩ là không bao giờ sẽ lấy được chị vì chị thuộc một giai cấp khác trong xã hội, cao hơn ảnh nhiều. Ảnh chỉ là một người thợ hớt tóc cùng đinh trong xã hội.  Ảnh biết thân phận mình nên không dám với cao, không bao giờ nghĩ rằng có thể lấy được chị.  Tội nghiệp lắm chú Nhị ạ.  Nhưng trong cơn hoạn nạn này, chị đã bị "tuột dốc" xuống làm một người đàn bà bất hạnh thì ảnh rất xứng đáng với chị.  Một người thợ hớt tóc cùng đinh của xã hội và một người đàn bà bất hạnh gặp nhau, thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau mà sống là chuyện phải rồi. Ảnh hứa rằng nếu chị không quyên sinh lần nữa thì ảnh sẽ lấy chị về làm vợ và sẽ yêu thương đùm bọc chị suốt đời. Anh ấy bảo rằng nếu chị tự tử lần nữa thì sẽ có hai người chết, người thứ nhất là chị và người kia anh Nuôi... Chị không biết ảnh có dám chết theo chị không nhưng nghe như thế thì chị cảm động lắm...
Nói tới đó, tự nhiên nước mắt chị Hạ ứa ra giữa nụ cười. Giọng chị Hạ lại trở nên héo hắt:
- Chị thú thật là chị đã có thai với thằng Quang, nếu ảnh tha thứ thì chị sẵn sàng lấy ảnh.
Tôi hỏi một câu thật là vô duyên mà đáng lẽ không bao giờ nên hỏi:
- Và ảnh tha thứ cho chị?
Chị Hạ gật đầu, nước mắt lại chảy ra.  Chị đưa tay lên quệt nước mắt:
- Đúng thế. Anh Nuôi bảo con nào cũng là con cả... Hồi mới lấy nhau về nhà, gần cả năm trời mà hai người không hề ngủ chung với nhau. Tối nào anh Nuôi cũng đắp chăn cho chị rồi kéo ghế bố ra nằm ngủ riêng. Anh ấy không hề làm phiền chị, không hề thắc mắc, không hề đặt một điều kiện gì cả... Từ từ rồi chị đâm ra thương anh Nuôi lúc nào không hay. Bây giờ thì chị không thể sống thiếu anh Nuôi được. Anh Nuôi là niềm hạnh phúc, là hy vọng duy nhất của đời chị. Chị cám ơn Chúa đã cho chị gặp anh Nuôi.
Tôi nhìn chị Hạ và thấy chị thật là hạnh phúc. Cuối cùng rồi thì trời cũng ghé mắt nhìn lại chị. Nhân lúc chị vui vẻ, tôi đánh bạo hỏi một câu mà suốt bao năm qua, tôi chưa bao giờ dám hỏi:
- Chị có nghe tin tức gì của ba má chị ở miền Bắc không?
Chị Hạ lắc đầu:
- Chắc kẹt ở lại miền Bắc rồi. Nếu bố mẹ chị vào Nam thì chắc chắn cha Tâm đã tìm thấy. Cha không trở lại có lẽ vì cha không tìm thấy và không muốn báo tin buồn.
- Hồi đó chị đi di cư thế nào mà lại lạc mất bố mẹ?
Chị Hạ mím môi, mắt long lên. Y hệt như ngày nào chị đứng ở trong phòng khách cạnh ba tôi và cha Tâm cách đó gần 20 năm:
- Bọn cán bộ Việt cộng. Chúng nó biết người Việt Nam mình thương con quý cháu, thích đi từng đoàn từng đội nên chúng nó phao tin bậy bạ, rồi phân chia bố mẹ với con cái ra để người này chờ người kia rồi cuối cùng không ai đi được hết. Chúng nó quái quỷ như thế đấy. Bao nhiêu người muốn đi mà bị kẹt lại vì thế.
- Thế chị không chờ bố mẹ chị sao?
Chị Hạ lắc đầu:
- Bố chị ngày xưa đi Việt Minh đánh Tây nên biết rõ chúng nó. Bố chị đã bảo trước là bằng mọi cách, nếu phải đi một mình cũng được, phải ra cảng Hải Phòng rồi lên tàu vào Nam ngay. Thoát ra khỏi địa ngục miền Bắc vào Nam thì tuy lạc nhưng rồi cuối cùng cũng sẽ kiếm ra nhau. Còn cứ ở lại chờ nhau thì cuối cùng sẽ bị mắc nạn hết cả lũ... Chị đoán chắc bố mẹ chị đã bị Việt cộng giết chết hay bắt bỏ tù rồi, bởi vì nếu còn sống thì bố mẹ chị chắc chắn phải vào Nam được. Bố chị khéo lắm, tháo vát lắm.
- Có thể nào bố mẹ chị đổi ý không muốn vào Nam không?
Chị Hạ lắc đầu:
- Chị biết bố chị. Người đã quyết định vào Nam dù có phải hy sinh cả mạng sống mình. Bố mẹ chị không vào Nam được thì hoặc là đã bị chúng nó giết chết, hoặc là đã bị bắt cầm tù. Đằng nào thì cũng coi như chết rồi.
- Chị có nghe tin cha Tâm không?
Chị Hạ lại lắc đầu:
- Không! Nhưng chị nghĩ cha đã làm hết bổn phận của mình. Cha đưa được chị vào Nam và gởi gắm chị vào một gia đình công giáo đạo đức tốt lành như gia đình chú là xong bổn phận của cha rồi. Cha còn nhiều việc khác và nhiều người khác để lo, đâu phải chỉ có mình con bé Hạ này.
Chị Hạ vừa nhắc tới một điều mà tôi muốn nói từ lâu nhưng chưa có dịp. Tôi nhìn chị ngậm ngùi nói:
- Gia đình em mà là đạo đức tốt lành gì chị Hạ. Em nghĩ, nếu đạo đức tốt lành thì bố mẹ em đã không đối xử với chị như thế. Gia đình em thiếu chị một lời cám ơn hay ít nhất là một lời xin lỗi. Chị đã ở nhà em bắt đầu là một người con trong gia đình, ăn cơm xuất một và được đi học, nhưng sau đó thì xuống ăn cơm xuất ba và bị thôi học. Và cuối cùng thì chị đã ở nhà em như một người giúp việc không lương. Chị vất vả ngược xuôi, thức khuya dậy sớm, lo cho bọn em từng miếng cơm manh áo, coi chúng em như những người em ruột thịt của chị…
Không hiểu tại sao, chị Hạ lại khóc, quay mặt nhìn đi chỗ khác.  Tôi nói thẳng, rất chậm và rất rõ ràng:
-Em nói thật, em cảm thấy hỗ thẹn cho gia đình em lắm.
Chị Hạ cười nhẹ, đưa tay ra nắm lấy tay tôi:
- Chú Nhị, chú đừng nói thế. Mọi chuyện xảy ra bởi vì hoàn cảnh túng quẫn của gia đình chú mà ra. Cái quan trọng là tấm lòng của bố mẹ chú. Bố mẹ chú đã đón chị vào nhà như một người con trong gia đình, đã nuôi nấng và đùm bọc chị, đem lại cho chị sự an ủi, cái không khí gia đình thân mật mà chị đã mất khi chị rời bố mẹ vào Nam. Chị nhớ ơn bố mẹ chú lắm, chẳng bao giờ có ý nghĩ khác đâu...
Tôi ngồi nghe chị Hạ nói những câu đó và tự hỏi lòng mình rằng tại sao trên đời lại có những người hiền lành dễ tha thứ đến như thế. Tôi hỏi:
- Chị Hạ, chị nói thế thì chắc trên đời này chị chẳng bao giờ biết giận ai và oán trách ai.
Nghe như thế thì nét mặt chị Hạ bỗng đanh lại. Chị gằn từng tiếng:
- Chú lầm rồi, chị có hận chứ.
Tôi giật mình nhớ lại chuyện cũ:
- Chị hận thằng Quang đã phá nát đời chị?
Chị Hạ lắc đầu:
- Không, chuyện giữa chị và anh Quang là do lỗi của chị. Mình là con gái mà không biết giữ mình, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt để làm mất trinh tiết thì mình phải tự trách mình, không nên trách ai cả...
- Thế thì chị hận ai?
Chị Hạ gằng từng tiếng:
- Chị hận bọn cán bộ Cộng Sản đã chia cách gia đình chị, chia cách quê hương đất nước chị. Chị hận chúng nó đến chết vẫn còn hận. Chính chúng nó và đàn anh chúng nó đã làm cho dân tộc đất nước mình điêu linh khổ sở đến như vầy. Chị cứ cầu nguyện cho Chúa đổ lửa trên trời xuống trừng phạt chúng nó...
Chúng tôi ngồi nói chuyện một lúc rồi tôi chợt nghĩ ra một chuyện, liền hỏi chị:
- Nãy giờ quên mất.  Thế anh Nuôi đâu rồi?
Mặt chị Hạ trùng xuống, có vẻ hơi buồn:
- Ảnh đi lính rồi chú ạ.  Nhưng đi lính địa phương quân nên cũng đỡ, ảnh cũng về nhà hoài.
-Thế thì cũng mừng cho chị.  Thế quán này sống có được không?
Chị gật đầu:
- Được lắm chú. Chị chịu khó nấu nướng và bán lại rẻ nên có khách vào ra suốt ngày. Mai một chắc chị phải mướn thêm một người giúp việc nữa thì trông coi mới xuể được...
Tôi ăn hết đĩa bánh cuốn, uống cạn ly bia rồi chào chị ra đi. Chị Hạ tiễn tôi ra cửa, nói tiếp:
- Chị vẫn nhớ công ơn bố mẹ chú luôn, coi nhà chú như là một gia đình thứ hai của chị. Tết nhất nào vợ chồng chị cũng đem quà tới biếu bố mẹ chú. Tội nghiệp, bố uống rượu nhiều nên bây giờ sức khỏe yếu lắm.  Chị nói thật, chị thấy bố tốt với chị quá mà nhà mình hồi đó nghèo, không có thể cho chị tiếp tục ăn học được... Giá được đi học thêm vài năm, kiếm thêm chút chữ thì đời chị chắc đỡ khổ hơn nhiều... Nhưng âu cũng là số mạng cả chú ạ, chị không bao giờ trách bố. Nghĩ đến bố, chị thương quá...
Chúng tôi chia tay. Cất cánh đưa chiếc phi cơ lên trời, nhìn xuống thành phố xinh xắn nhưng nghèo nàn, tôi hình dung và tưởng tượng, giữa hàng ngàn căn nhà nào đó phía dưới kia, có một cái quán cóc, và trong cái quán cóc là hai trái tim vàng. Một của chị Hạ, một của anh Nuôi. Nhớ lại khuôn mặt rạng rỡ của chị khi nhắc tới anh Nuôi, tôi thấy vừa mừng vừa thương cho chị. Thương cho chị bởi vì ngày cưới chị, trong thâm tâm tôi, tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng chị Hạ sẽ lấy được một người chồng xứng đáng hơn anh Nuôi nhiều. Dù sao thì chị cũng xuất thân là con nhà giàu, nghe nói cũng trâm anh thế phiệt lắm ở miền Bắc. Chị lại có học và cũng có chút nhan sắc. Nhưng định mệnh éo le đã gắn kết chị với anh Nuôi, một người thợ hớt tóc nghèo nàn và thất học, có thể nói là thấp hơn chị nhiều lần. Ấy thế mà chị lại thương yêu được chồng mình, mặt mày rạng rỡ lên khi nhắc về người chồng hèn kém của mình. Anh Nuôi có thể thua ai, hèn kém với ai, nhưng với chị, tôi nhìn thấy chị diễn tã ảnh như là một thần tượng, một người yêu, một người chồng lý tưởng của mình. Mừng cho chị là bởi vì tôi thấy cuối cùng rồi thì Trời cũng đưa mắt nhìn lại, cho chị được an cư lạc nghiệp, cho một mái ấm gia đình như bao nhiêu người khác trên cõi đời này. Nhờ bàn tay khéo léo của chị, biết đâu chừng rồi cửa hàng sẽ trở nên phát đạt, biết đâu chừng rồi chị sẽ trở nên giàu có. Biết đâu chừng sẽ trở nên thế này, thế kia... Suốt chuyến bay về Nha Trang ngày hôm ấy, lướt trên những đám mây trắng dịu dàng, lòng tôi cũng cảm thấy ấm cúng vui tươi.
Ai bảo trời không có mắt chắc phải suy nghĩ lại...
Rồi ngọn gió chiến tranh bỗng trở nên tàn khốc. Tôi hết đi biệt phái hết thành phố này đến thành phố kia, hết bay ngày đến bay đêm, bận bịu vô cùng nên ít khi có dịp trở về thành phố cũ để thăm gia đình và chị Hạ. Thời gian qua mau, hơn năm sau tôi mới có dịp về nhà. Tôi ghé vào thăm chị Hạ và ngạc nhiên khi nhìn thấy quán xá có vẻ tiêu điều, khách khứa thưa thớt hơn xưa. Nhìn thấy tôi, chị Hạ mừng lắm, kéo ghế mời ngồi rồi ngồi nói chuyện với tôi. Nói chuyện một lúc, tôi hỏi:
- Hàng quán lúc này buôn bán thế nào chị?
Chị Hạ lắc đầu:
- Kể từ khi Mỹ rút thì không còn ai có tiền để ăn xài nữa. Số thu hoạch của chị tụt đi hết hơn một nữa. Ai ngờ mấy ông Mỹ lại có ảnh hưởng đến bọn mình như thế. Có một lúc ở đây chị có tới 2 người làm, bây giờ thì chỉ mình chị mà chỉ làm một chút là đã hết việc...
Chị ngừng một chút, đưa mắt liếc nhìn ra cảnh vắng vẻ của quán rồi tiếp:
- Nhưng chị không lo chuyện làm ăn bằng chuyện của anh Nuôi.
- Anh Nuôi thế nào?
- Ảnh đi lính địa phương quân nhưng bây giờ chính phủ cho đổi thành địa phương quân lưu động nên vắng nhà luôn. Có khi đi cả tháng mới về một lần.
Tôi chẳng lạ gì chuyện này. Vì tình thế đòi hỏi, chính phủ đã nâng cấp các sư đoàn bộ binh thành lực lượng trừ bị và biến các tiểu đoàn địa phương quân lên thành lực lượng chính quy gọi là Địa Phương Quân lưu động để đáp ứng với tình thế mới sau khi Mỹ rút về. Chị Hạ hãnh diện khoe với tôi:
- Ngày xưa thì anh Nuôi là người nuôi nấng chị, bây giờ thì chị lại là người nuôi nấng ảnh. Bán hàng được bao nhiêu là chị mua thuốc lá, đường, gạo, sữa gởi trực thăng lên tiếp tế hết cho ảnh. Nhờ đó mà ở vùng hành quân cực khổ ảnh không hề thiếu món gì. Chị càng nghĩ càng thấy thương anh Nuôi quá. Khổ cực như thế mà ảnh không hề mở miệng than một tiếng...
Chị Hạ nói một thôi, có vẻ hãnh diện vô cùng vì đã làm được việc tiếp tế nuôi chồng. Phần tôi, tôi không biết chị Hạ đáng thương hay anh Nuôi đáng thương. Cả hai đều đáng thương. Không, đúng ra, đất nước mình, ai cũng đáng thương cả.
Tôi ngồi nói chuyện vu vơ một lúc và tôi để ý cái mím môi cố hữu của chị, đã từ lâu tôi không nhìn thấy, bây giờ bỗng trở về. Tôi nhớ lần trước đến đây, không hề thấy chị mím môi. Có điều gì không ổn chăng? Có thể chị đang lo quá. Khi chia tay, thấy hàng quán chị ế ẩm, tôi đòi trả tiền chai bia và đĩa bánh cuốn nhưng chị Hạ nhất định không chịu lấy. Chị bảo: "Chị nghèo là nghèo bạc ngàn chứ nghèo gì một đĩa bánh cuốn và một chai bia mà chị không đãi chú được hay sao chú Nhị?" Chị còn nhét vào túi áo bay của tôi hai cái bánh bông lan, bảo để lên trời chú có cái gì ăn cho vui.
Cỡ chừng 6 tháng sau ngày chia tay đó thì tôi nghe tin anh Nuôi bị tử trận. Tôi nhận được cái tin qua một người bạn phi công thường hay ghé quán chị Hạ uống cà phê nên quen chị Hạ. Chị Hạ nhờ người bạn nhắn lại cho tôi.
Nghe tin anh Nuôi chết trong một buổi chiều trời mưa, tôi bàng hoàng đau đớn, thấy như chính mình vừa bị mất một cái gì. Tôi nghĩ đến quãng đời gian truân của một đứa con nít xuất thân gia đình khá giả bị lạc cha mất mẹ, phải xa lìa quê hương vào Nam sống một mình, chịu bao nhiêu khổ cực cùng bất hạnh và cuối cùng phải lấy một người đàn ông quê mùa ở địa phương làm chồng. Tưởng cuộc đời của chị đến đây là xong, nào ngờ bây giờ thì lại bị mất chồng.
Tối hôm đó, tôi lên câu lạc bộ phi đoàn ngồi một mình, gọi một lần nguyên một két bia ra để ở trên bàn. Cứ khui một chai là tôi ôn lại một năm trời ở chung với chị Hạ... Chai này cho năm đầu tiên, ngày chị mới đặt chân tới nhà em. Mặt mày chị ngơ ngác nhưng ánh mắt thì quyết liệt một cách lạ lùng. Đó là lần đầu tiên em để ý cái mím môi của chị... Chai này cho năm thứ hai, lúc chị bắt đầu đi học với bọn em. Mùa khai trường vui như hoa mới nở làm chị cũng phần nào quên được nổi buồn xa quê hương đất nước. Chị học chiến một cây, làm bài vù vù, nhất là môn "toán chạy", chẳng đứa nào theo nổi chị. Chị cũng có nhiều trò chơi hay nữa. Khi chơi vơ đũa, chị vừa tung banh bóc đũa, vừa đọc bài vè gì rất hay mà tôi còn nhớ lỏm bỏm là "Này chuyền chuyền một, tay một, Này chuyền chuyền hai, tay hai..." nghe rất lạ tai, rất hay và ai cũng thích. Chai này là bắt đầu bước vào năm thứ ba đây chị Hạ... Chà, năm này là năm có nhiều biến cố nhất trong gia đình. Năm này chính là năm bố bán chiếc xe traction đen. Cũng năm này là cái năm con Khanh dám hỗn với chị, bị em tát cho mấy bợp tai... Cũng năm này, chị bị đuổi xuống ăn cơm cấp ba với bọn người ở trong nhà. Cũng mùa thu năm này, chị bị bắt thôi học và ở nhà phụ giúp má em... Năm này nhiều biến cố quá, em phải uống thêm một chai nữa cho chị...
Chai này là năm thứ tư, đời chị vất vả vô cùng. Mấy chiếc xe hơi trong nhà đã bán sạch rồi, số người làm lớp thì tự động xin nghỉ, lớp thì được cho nghỉ việc vì hết tiền trả lương. Năm này, trong lúc tụi em đi học thì chị ở nhà phải đi gánh cám về cho lợn ăn, rồi còn đi chợ, giặt giũ quần áo v.v... Năm này, bố em bắt đầu bê tha rượu chè, có lần say té nằm ngủ ngoài đường sáng hôm sau mọi người mới biết được... Chai này là năm thứ năm, tụi em đã làm quen được phần nào với cảnh nghèo túng của gia đình và chị, hình như chị cũng bắt đầu biết chấp nhận số phận hẩm hiu của một người giúp việc trong gia đình...
Nước mắt tôi bắt đầu ứa ra, chảy tràn trề xuống má…
Chai này cho năm thứ sáu... cuộc đời tẻ nhạt trôi qua trong sự túng quẫn của gia đình mình... Chị chấp nhận gia đình em như là chính của gia đình chị vậy... Chai này cho năm thứ bảy... lúc này em đã lớn và đã trí khôn, biết suy nghĩ. Nhưng khôn để làm gì chị Hạ nhỉ? Khôn để biết nhà mình nghèo khổ hơn thiên hạ chăng? Khôn hơn để mà tủi thân thêm, để mà thèm khát thêm cái giá trị của tiền bạc, của sự giàu có chăng? Khôn để biết quê hương mình đang bừng bừng dậy lửa ở khắp nơi chăng? Khôn để biết máu dân mình đổ xuống hàng ngày chăng? Khôn như thế chẳng thà đừng khôn. Em chẳng muốn khôn thêm một chút nào.
Chai này cho năm thứ tám....
Tôi ngồi như thế uống cho đến năm thứ mười ba là năm chị Hạ lấy chồng thì tôi hết sức, không còn uống nổi nữa. Uống không nổi nhưng cái hình ảnh ngày đám cưới của anh Nuôi chị Hạ cứ hiện ra chập chờn ẩn hiện. Hai đĩa bánh ngọt rẻ tiền và ba chai xá xí không nước đá để đãi khách cứ trở về ám ảnh lấy tôi, nghiến nát lòng tôi ra từng khúc một. Tôi không hiểu sao mẹ tôi, dù nghèo đến đâu đi nữa, cũng không nghèo đến độ không thể mua được vài chai bia, đặt vài đĩa thịt luộc để đãi khách trong cái ngày trọng đại nhất của một người đã từng xả thân giúp đỡ mình. Không phải giúp đỡ vài ngày, vài tuần mà nhiều năm trời. Sao con người lại có thể vô tình với nhau đến như thế nhỉ? Vô tình hay có một lý do thầm kín gì khác mà hồi ấy còn nhỏ quá tôi không biết được. Dù sao đi nữa thì tôi cũng cảm thấy hổ thẹn cho gia đình tôi quá. Thế mà chị Hạ và anh Nuôi không hề mở miệng than trách lấy một tiếng. Năm nào vào dịp Tết, cũng đến nhà chúc Tết với quà cáp và bánh trái đầy đủ, không bao giờ quên.  Trước khi ra đi, chị Hạ còn ôm mẹ tôi sụt sùi khóc, nói qua hai hàng nước mắt tràn trề: "Con cám ơn bố mẹ đã lo cho con được một đám cưới đầy đủ. Con đi nhưng sẽ ghé về đây thăm bố mẹ luôn." Anh Nuôi thì đến gặp bố tôi, quỳ xuống đất lạy ba cái rồi đứng lên, đưa hai tay ra bắt và nói mấy lời "văn chương" để cám ơn ông. Bố chỉ ừ ừ cám ơn, không nói gì nhiều nhưng cặp mắt bố buồn lắm, buồn và hình như hơi mắc cở nữa.
Nước mắt tôi lại ứa ra. Tôi say rượu ngồi gục mặt xuống bàn trong quán và ngủ thiếp đi...
Tôi tính về thăm chị Hạ ngay để an ủi chị nhưng chiến tranh trở nên tàn khốc, tôi bận bịu lu bù, mãi đến gần hai năm sau, sáng hôm nay tôi mới có dịp ghé về Pleiku thăm lại chị Hạ. Tàu của tôi đang trên đường bay từ Sài-gòn ra Đà Nẳng, phải ghé Pleiku để lấy xăng. Trong lúc chờ đợi, tôi mượn chiếc xe Honda của người lính đổ xăng phóng về nhà thăm bố mẹ rồi tạt ngang quán chị Hạ thăm chị. Tôi đâu biết chị đã có một đứa con với anh Nuôi...
Cái quán cà phê của chị Hạ bây giờ đã tiêu điều lắm. Đúng hơn, tôi không biết mình còn có nên gọi nó là quán cà phê nữa hay không vì nó chỉ có vài ba cái bàn thấp và mấy cái ghế đẩu nhỏ xiêu vẹo. Mặt bàn dơ dáy bụi bặm chứng tỏ đã lâu không có ai ngồi vào. Ông thần nghèo khó đi đến đâu thì cũng đem tang thương tiêu điều tới đó, chuyện này tôi đã có kinh nghiệm qua tuổi ấu thơ nên chẳng còn lạ gì...
Hai chị em chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ. Chuyện đời dâu biển dài gần hai mươi năm mà chúng tôi nhắc lại không tới mười phút đồng hồ. Sực nhớ ra một chuyện, tôi hỏi chị Hạ:
- Chị bảo chị bị đuổi ra khỏi nhà, chuyện này em không hề biết. Thế thì ai đuổi chị?
Chị Hạ lắc đầu, cười:
- Bố mẹ chứ ai nữa. Nhà mình hồi đó tuy nghèo khổ nhưng lúc nào cũng giữ được đạo đức và phong cách, đâu có thể chứa một người con gái chửa hoang được. May mà anh Nuôi hỏi cưới chị chứ không thì chị cũng phải cuốn gói mà đi thôi, không thể làm nhục gia phong nhà mình được.
Nghe tới đó, không cầm lòng được, hai hàng nước mắt tôi tự dưng ứa ra, chảy tràn trề xuống má. Tôi quay mặt đi, đưa tay lên lau nước mắt, hỏi chị Hạ:
- Em để ý chị cứ dùng mấy chữ "nhà mình" để nói gia đình em. Chị đã ở và làm việc không lương trong gia đình em gần mười năm ròng rã, chịu đựng không biết bao nhiêu là cay đắng tủi nhục, hằng ngày phải nghe không biết bao nhiêu lời lẽ đay nghiến cay cú của mẹ em, một người đàn bà thất chí. Nhà em chưa hề làm một ân huệ gì cho chị, dù là nhỏ nhặt nhất. Thậm chí bố mẹ lại còn muốn đuổi chị ra khỏi nhà khi chị bị sa cơ thất thế, bị lừa đảo lấy hết trinh tiết của đời con gái. Rồi đến ngay cả cái đám cưới của chị gia đình em cũng không giết được một con gà để mời bạn bè của chị và anh Nuôi tới chung vui.  Em nhớ hôm đám cưới chị chỉ có mấy dĩa bánh ngọt và vài chai xá xị. Em hổ thẹn vì thấy gia đình em đối xử hẹp hòi với chị quá. Bao nhiêu năm qua rồi, chị không giận gia đình em sao mà hễ mỗi lần mở miệng là chị cứ dùng mấy tiếng âu yếm "nhà mình" để nhắc tới gia đình em?
Nói đến đó, không cầm được nước mắt, tôi lại khóc nữa.  Chị Hạ quay mặt đi, không dám nhìn tôi.  Một lúc, tôi cầm tay chị Hạ, hỏi:
- Em hỏi thật chị, chị không thấy gia đình em bóc lột chị sao. Sự bóc lột không phải một lần hai lần mà kéo dài qua gàn chục năm trời ròng rã? Chị Hạ, chị nói thật với em một lần đi, chị không giận gia đình em sao?
Chị Hạ lại mím môi. Rồi chị lắc đầu như để xua đuổi một ý nghĩ gì đó. Một lúc sau chị nói:
- Chú ơi, cái công ơn to lớn nhất mà bố mẹ đã làm cho chị và chị sẽ nhớ suốt đời là bố mẹ đã chấp nhận chị vào làm một đứa con trong gia đình, đã coi chị như con. Đó là chuyện quan trọng. Nhị ơi, em không thể nào biết được cái tình cảnh của những người di cư lạc cha mất mẹ như chị đâu. Cứ theo chị thì nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của con người ta là nỗi bất hạnh "vô gia đình". Chị vào Nam bị lạc cha mất mẹ thì coi như là vô gia đình rồi... Chú nhớ cái buổi sáng hôm đầu tiên chị vào nhà chú không, cái hôm mà bố gọi anh chị em chú lên nhà để bố nói chuyện đó. Chú còn nhớ bố nói gì không?
Tôi lắc đầu:
- Chỉ nhớ mang máng là bố giới thiệu chị với cả nhà.
- Riêng chị thì chị thì chị nhớ nguyên văn, nhớ nằm lòng. Bố chú nói: "Kể từ hôm nay, nhà mình có một người con mới. Đây là Hạ. Chúng con phải coi Hạ như một người chị, người em ruột thịt trong gia đình." Kể từ hôm ấy, chị coi nhà chú như nhà chị, bố mẹ chú là bố mẹ chị. Bố mẹ chú lấy tình thương để đối xử với chị thì chị cũng dùng tình thương để đối xử lại. Tình thương của con người nó cao cả và to lớn lắm chú Nhị à, chú còn nhỏ quá làm sao chị cắt nghĩa cho chú hiểu nổi nhỉ? Chỉ khi nào chú đánh mất tình thương thì chú mới thấy tình thương là vô giá. Thôi, chị chẳng phí sức để cắt nghĩa nhưng một ngày nào đó lớn khôn hơn, chắc chú sẽ hiểu được thế nào là tình thương. Một khi mình lấy tình thương làm căn bản để đối xử với nhau thì mọi khó khăn, mọi hiểu lầm, mọi ganh ghét, mọi ti tiện sẽ chẳng là gì so với tình thương cả. Tình thương là tuyệt vời nhất. Tình thương to lớn như trời biển. Chính nhờ tình thương mà sống dưới mái gia đình của nhà chú suốt bao nhiêu năm, chị chưa một lần thấy buồn tủi hay thấy mình bị lợi dụng. Mỗi sáng đi lễ, chị cứ cầu nguyện xin Chúa ban cho nhà mình được thoát cảnh nghèo khó để anh chị em mình được ngẩng mặt lên với đời... Chị cầu nguyện nhiều lắm mà Chúa chưa nhậm lời. Thôi, mọi việc xảy ra đều do số mạng cả, chị không bao giờ buồn hay hối hận ...
Nghe như thế, nước mắt tôi lại ứa ra. Lại khóc.  Chán thật, nhưng không khóc không được.  Đời tôi, tôi chưa bao giờ khóc nhiều bằng buổi sáng hôm đó.
Chị Hạ ngừng một chút rồi nhìn tôi, mặt bỗng trở nên rạng rỡ lên. Chị Hạ đưa một tay lên sửa lại cái khăn quàng cổ màu trắng của tôi cho ngay ngắn và nói:
- Chẳng những thế, chị thấy chị còn thiếu gia đình chú và nhất là chú, một lời cám ơn.
Tôi chống chế:
- Bọn em phải cám ơn chị thì có. Chị thiếu bọn em gì mà phải cám ơn.. Em chỉ...
- Không hiểu sao, chị có linh cảm rằng sau lần này mình chẳng còn bao giờ gặp nhau nữa nên em cho chị nói hết một lần. Chị cám ơn chú đã có lòng tốt với chị ngay từ hồi còn nhỏ. Chị không thể nào quên được hôm chú đánh con Khanh để bênh chị. Chú tốt với chị quá. Người khác cũng tốt, nhưng không ai làm thế để bênh vực chị...
Nghe nhắc tới con Khanh, tôi nhăn mặt lại:
- Cái con bé láo lếu dám hỗn với chị, em không đánh để làm gì?
Chị Hạ cười nhẹ, lắc đầu rồi nhìn tôi, tiếp:
- Chị cũng cám ơn chú đã lội mưa đi đưa bức thư cho anh Quang. Trong nhà, chị biết chỉ có chú là chị có thể tin được. Tối hôm đó chú đi rồi thì trời bỗng đổ mưa, chị ái ngại và hối hận quá, chỉ sợ chú mắc mưa rồi về ốm liệt giường thì chị không bao giờ tha thứ cho chị được...
Tôi lắc đầu, nước mắt lại chảy ra. Cuộc đời chị vừa bị chìm xuống bùn nhơ, chị sắp sửa tự vận chết mà chị không lo, lại lo tôi bị cảm. Sao trên đời này lại có những con người lạ lùng đến như thế nhỉ?
Chị Hạ tiếp:
- Chị để ý thấy tuổi trẻ miền Nam hào hùng, rộng lượng và vị tha quá, đẹp quá... Đẹp như chú đây... Đẹp như thế, hào hùng như thế mà ai rồi cũng phải khoác chiến y lên đường cả. Mấy chú đi rồi, phố phường buồn thảm, bướm chẳng thèm bay, hoa chẳng thèm nở. Chị thương thế hệ thanh niên các chú quá... Thương quá mà chẳng làm gì được, chỉ biết nói thế cho các chú biết. Hôm nọ có ông lính trẻ vào đây, kêu hai ly bia, uống một ly, để nguyên ly kia ở trên bàn và cứ ngồi nói chuyện với ly bia kia. Rồi lại gọi thêm bia, rồi cứ như thế. Cuối cùng chú ấy say quá, chú ấy khóc sướt mướt. Chị tội quá cũng khóc theo luôn...
Đã đến giờ phải đi. Tôi bảo:
- Em đi chị Hạ nhé. Chị giữ gìn cẩn thận, lần tới em sẽ ghé thăm chị...
Chị Hạ cầm mấy tờ giấy bạc trong tay, đưa mắt nhìn xuống rồi ngẩng lên nhìn tôi, nghẹn ngào nói:
- Cám ơn chú đã tặng chị mấy ngàn đồng bạc, giá như ngày xưa thì chị chẳng bao giờ dám lấy nhưng bây giờ thì chị lấy hộ cho cháu vậy... Này con vòng tay cám ơn chú đi... Chú cho con tiền mua sữa đó...
Tôi cúi đầu hôn đứa bé rồi hạ chiếc xe Honda xuống khỏi bàn đạp, leo lên đạp máy:
- Em đi chị Hạ, chị ở lại ráng giữ mình... Hôm nào rảnh em lại ghé thăm chị, đem cho cháu ít quà...
Chị Hạ nhìn tôi, đưa tay quẹt nước mắt: "Thôi chú đi bình yên nhé." Tôi rú ga chiếc Honda, quẹo ra đường cái, không muốn nhìn lại. Nhưng chạy được một quảng ngắn, tôi bỗng nhớ ra một chuyện, liền thắng gấp chiếc Honda quay lại. Chị Hạ nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi nói:
- Anh Nuôi chết rồi, chị chẳng còn gì ở đây. Theo em thì chị bỏ quách cái thành phố Pleiku này về vùng IV mà ở với em. Ở dưới đó em có mướn cái nhà nhỏ ở với vị hôn thê của em. Cô ta hiền và dễ thương lắm. Chị có thể tạm thời về ở đấy với cô ta rồi tính chuyện buôn bán hay làm ăn gì cũng dễ hơn. Dưới đó đất đai trù phú, dân tình hiền lành, làm ăn dễ lắm.
- Cám ơn chú nhưng tại sao chú lại nói thế?
Tôi lắc đầu:
- Em nghe tin đồn là chính phủ mình sẽ bỏ ngõ mấy thành phố miền rừng núi này để chỉ giữ lấy miền duyên hải cho dễ tiếp tế và phòng thủ.
Chị Hạ trầm ngâm một lúc, môi mím lại. Rồi chị nói:
- Chị cũng nghe đồn như thế và chú đề nghị thế nghe cũng hay, nhưng để chị hỏi ý kiến bố mẹ chú xem đã.
Tôi phẫn nộ:
- Chuyện đời của chị mà sao chị lại phải hỏi ý kiến ai?
Chị Hạ cười:
- Chú còn nhỏ tuổi, chẳng biết lễ nghĩa phép tắc gì cả. Chị ở đây đã lâu, coi cái thành phố Pleiku này như là một quê hương thứ hai, coi gia đình chú như là gia đình ruột thịt, bây giờ bỏ nơi chôn nhau cắt rún ra đi, phải nói cho bố mẹ một tiếng chứ...
Chị ngừng nói một lúc rồi bỗng dưng buông một câu làm lòng tôi tê dại đi:
- Nói thế nhưng mà chắc chị chẳng đi đâu chú ạ. Chị thấy lưu luyến cái thành phố đất đỏ này quá. Nó tuy nhỏ, tuy nghèo nàn, tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng nó hợp với chị. Chị cũng nhỏ, cũng nghèo nàn, cũng đơn sơ mộc mạc lắm chú ạ. Người quê thì nên ở nơi đất nghèo. Chú biết mà. Chỉ sợ về thành phố lớn rồi mình không tranh sống nổi với người ta.
Tôi lắc đầu, đạp máy xe Honda, giọng hơi sẵng:
- Chị nói thế chứ em nghĩ chị cũng khôn ngoan chẳng thua gì ai đâu... Nhưng mà tùy chị. Em chỉ đề nghị, còn đi hay không là tùy ở chị.
Chị Hạ nói:
- Chú đừng buồn chị, chị sợ di cư lắm. Chị không muốn đi vì một lần đi là một lần trắc trở chú ạ. Nhưng đó mới là tin đồn. Nếu biết chắc là Việt cộng sẽ vào đây thì chị phải đi. Chị không sống với chúng nó được chú ạ. Khi nào nghe tin chính phủ trao nó cho Việt cộng thì chị cùng bố mẹ đi cũng còn kịp mà.
- Em chỉ sợ lúc đó thì trễ quá rồi.
Chị Hạ mím môi lại, cái mím môi cố hữu và quyết liệt:
- Trễ chị cũng đi. Chị không thể để thằng bé này lớn lên trong chế độ Cộng Sản được. Nó lớn mà làm thiếu nhi Bác Hồ thì thì chị sẽ uống thuốc chuột mà chết.
Không hiểu sao tôi tự nhiên thấy rùng mình khi nghe chị Hạ nói thế. Tại sao chị Hạ lại nhắc tới cái chết? Tôi nhìn chị Hạ ái ngại. Tôi lắc đầu để xua đuổi một sự suy nghĩ vừa chớm dậy trong đầu mình. Tôi nói:
- Nếu thành phố này có lâm nguy và chị quyết định đi thì nên hỏi ý kiến bố mẹ em. Nếu họ đi thì chị đi chung, còn không thì ở lại chung.
Chị Hạ gật đầu:
- Dĩ nhiên là chị sẽ hỏi ý kiến bố mẹ và rủ bố mẹ đi chung. Cám ơn chú nhiều lắm. Đừng lo cho chị và mấy người ở nhà, chị lo là lo cho mấy người ở chiến trường như chú kìa. Chú ráng giữ mình nhé, chị nghe nói quân miền Bắc có pháo bắn cao lắm đấy.
Tôi gật đầu và đạp máy xe. Chiếc Honda một lần nữa quẹo ra đường cái. Và lần này tôi chạy thẳng một mạch về phi trường Pleiku. Tôi quay máy tàu bay, đem tàu ra so hàng phi đạo mà sao thấy lòng mình bồn chồn không yên được. Có cái gì đó cứ làm lòng tôi nóng như lửa đốt. Phi công là những người sống bằng linh cảm nhiều nhất nên tôi cắt ga, nói với người phi công phụ:
- Hủy bỏ cất cánh. Mình đem tàu về kiểm soát lại coi, tôi thấy có cái gì không ổn. Ông gọi cho đài kiểm báo, bảo mình cất cánh trễ nửa tiếng. Tôi gọi cho đài kiểm soát phi trường xin hủy bỏ cất cánh.
Rồi tôi quẹo tàu, di chuyển trở về bến đậu. Mấy người hành khách ngạc nhiên nhưng không nói gì.
Tắt máy tàu, tôi leo xuống kiểm soát lại cẩn thận từng con ốc, từng con vít của tàu bay. Tất cả đều hoàn hảo. Mấy người thợ máy cũng bảo đảm như thế nên tôi mới yên lòng ra cất cánh trở lại. Tàu bay lên trời bay một lèo bình yên vô sự. Thế thì tại sao lòng tôi lại nóng như lửa đốt lúc tôi từ giã Pleiku? Tôi không hiểu được. Mãi cho đến lúc tới gần phi trường Đà Nẵng, tôi mới hiểu vì sao lòng tôi nóng như lửa đốt. Câu nói của chị Hạ như trở về như có ai đó lập lại trong lỗ tai tôi: "Không hiểu sao, chị có linh cảm rằng sau lần này mình chẳng còn bao giờ gặp nhau nữa". Lúc ấy tôi mới giật mình. Tại sao chị Hạ lại nói một câu như vậy nhỉ? Chị tính làm gì? Hoặc chị sẽ bỏ xứ đi hay tính làm một chuyện gì đó mà tôi không biết. Nhiều câu hỏi đặt ra nhưng không có câu trả lời. Tôi suy nghĩ như thế và định bụng hôm nào sẽ ghé về Pleiku để hỏi chị Hạ về chuyện này.
Nhưng tôi chẳng bao giờ còn có dịp để ghé lại Pleiku lần nữa. Một phần vì Việt cộng vi phạm ngưng bắn làm chúng tôi phải bay bổng liên miên ở vùng trách nhiệm của mình là vùng 4 chiến thuật, một phần vì tôi nhiều chuyện quá nên cũng quên bẵng chuyện chị Hạ đi. Cứ như thế, cho đến một ngày, tôi bỗng nghe tin Ban Mê Thuột bị thất thủ. Chỉ vài tuần sau, tôi rụng rời khi nghe tin thành phố Pleiku bị bõ ngõ, toàn thể quân dân được lệnh di tản chiến thuật về Nha Trang.
Thế là một cảnh chạy giặc hỗn loạn vô trật tự diễn ra trên con đường di tản. Con đường chạy giặc khốn nạn mang tên Tỉnh lộ số 7. Mạnh lính lính chạy, mạnh dân dân chạy. Nhưng dân làm sao chạy mạnh bằng lính. Rồi dọc đường, Việt cộng pháo chận đầu, chận đuôi, phục kích chính giữa, nã đại liên đại pháo vào cái con rắn người chạy giặc khốn khổ, chặt nó ra làm nhiều khúc. Giữa đường, lính mất cấp chỉ huy làm loạn, cảnh giết chóc, hãm hiếp diễn ra.
Tôi ở Cần Thơ, theo dõi tin chiến sự và cuộc chạy loạn và tưởng tượng hình ảnh của gia đình tôi và chị Hạ trong cảnh loạn quân loạn dân đó. Tôi chỉ mong bố tôi đủ sáng suốt để không đi theo đoàn người di tản. Phần chị Hạ, tôi biết thế nào chị cũng đi. Chị đã nói với tôi như thế. Khi có dịp, tôi lên tần số không lực liên lạc với các bạn bè đang bay ở vùng II chiến thuật và lần nào cũng thế, chỉ nhận được toàn những tin tức đau lòng. Có một lần, một người bạn phi công trực thăng đi bốc người ở Tỉnh Lộ số 7 về đọc lại cho tôi hai câu thơ "chế biến" như thế này để tả lại cảnh hỗn loạn của đoàn người di tản từ Pleiku về tới Tuy Hòa:
Mười người chết bảy còn ba,
Chết ba còn một mới tới... Tuy Hòa.
Tôi nghe xong hai câu thơ, muốn té xuống đất.
Rồi Nha Trang thất thủ. Rồi đến Phan Rang và cuối cùng là Sài-Gòn và cả miền Nam rơi vào tay giặc.
Tôi may mắn chạy được sang Mỹ, vẫn còn biệt tăm tin tức mọi người cho đến 5 năm sau, không hiểu nhờ nhắn tin kiểu nào mà Mẹ tôi gởi được vài hàng vắn tắt qua cho tôi ở Mỹ. Mẹ tôi vắn tắt cho biết gia đình không di tản năm 75 nên cả nhà bình yên. Bình yên để rồi bố tôi phải khăn gói vào tù vài tháng sau đó và mãi cho đến bây giờ vẫn chưa về. Lá thư không hề nhắc tới chị Hạ.
Tôi biên thư và tiền về và hỏi thăm về chị Hạ. Gần nửa năm sau, tôi nhận được một lá thư trả lời. Lá thư lần này tả đủ cảnh cực khổ ở nhà mà tôi đã thừa biết, nhưng cũng không hề nhắc đến chị Hạ. Tôi vừa thương vừa buồn vừa giận vừa thấy tội nghiệp cho tất cả mọi người còn ở lại. Tôi lại gởi tiền và lại tiếp tục hỏi nữa, lần này căn dặn rõ ràng phải tìm cho ra tin tức chị Hạ cho tôi, nếu không tìm cho tôi thì tôi sẽ không gởi tiền nữa. Lời hăm dọa trong lá thư có kết quả ngay. Mấy tháng sau có thư trả lời cho biết là chị Hạ đã theo đoàn người di tản qua Tỉnh Lộ số 7 năm 75 và mãi cho đến bây giờ chưa ai biết được tin tức gì cả...
Tôi đọc xong lá thư đó, thơ thẩn buồn rầu nhớ đến chị Hạ và đứa con trai chị mất mấy ngày. Rồi tôi gởi tiền và gởi thơ về nhà, căn dặn cả nhà rất kỹ là phải tìm cho ra chị Hạ. Nhưng suốt gần 15 năm trời, nhờ tiền bạc tôi chu cấp và căn dặn, bố mẹ và các em tôi đã cố gắng đi tìm nhưng chẳng ai tìm thấy được chút tông tích gì của chị Hạ cả. Anh Nuôi lúc còn sống cũng là trai độc thân không gia đình nên việc tìm kiếm còn khó hơn đáy biển mò kim. Tôi đoán rằng thân xác chị đã bị vùi dập ở nơi nào đó trên con tỉnh lộ số 7 nối liền Pleiku và Tuy Hòa. Đời chị, chị làm 2 cuộc di cư lớn và cả hai đều mang tới kết cục bi thảm. Cuộc di cư bi thảm đầu tiên vào Nam thì chị bị lạc mất cha mẹ và cuối cùng phải làm một người ăn người ở trong nhà một gia đình mà chị gọi là bố mẹ. Cuộc di cư bi thảm thứ hai, cũng xuôi Nam, thì lại không đến đích, và thân xác chị đã bị vùi chôn ở một nơi nào đó, không ai biết được. Chị sinh ra đời, không hiểu vì một lý do gì đó, được đặt tên là Hạ. Tôi không biết tên chị có chữ lót hay không nhưng chắc không vì tôi không bao giờ nghe thấy. Hạ, tức là xuống, tức là thấp. Và Hạ cũng là mùa hè. Chị Hạ đã ngã xuống, nằm yên trong một mùa hè đỏ lửa trên quê hương mình...
Chị Hạ yêu dấu ơi, nhiều khi em đã gạt nước mắt và nghĩ dại nghĩ quẩn rằng, biết đâu chừng chị đi không đến đích như thế mà tốt chị ạ. Vốn là một người căm thù CS, nếu chị còn sống, làm sao chị chịu được cảnh miền Nam thân yêu một ngày bị thua trận và chị phải sống với bọn Cộng Sản mà chị căm thù, đã một lần bỏ hết quê hương, gia đình để chạy trốn?
Bây giờ, sau bao nhiêu năm, trên đất khách quê người, mỗi lần mùa hè tới, khi nhìn những đợt nắng vàng đổ xuống là mỗi lần tôi bồi hồi nhớ đến chị Hạ và anh Nuôi. Chị Hạ, một người con gái miền Bắc. Anh Nuôi, một người con trai miền Nam. Cả hai đều mất cha lạc mẹ từ thuở bé và lớn lên nghèo khổ, đã gặp nhau trong một hoàn cảnh cực kỳ đau thương và đã đem lại hạnh phúc cho nhau. Tôi đã đọc nhiều truyện tình đẹp trên thế gian, như truyện tình của cặp Romeo và Juliette, truyện tình của bác sĩ Zivago và nàng Lara v.v... Những truyện tình trên đều đẹp và cảm động, nhưng theo cá nhân tôi thì truyện tình của Chị Hạ và Anh Nuôi là đẹp nhất. Tôi không dám chủ quan nhưng tôi thấy, những truyện tình kia đều lãng mạn quá, xa vời quá dù những nhân vật chính là những người bị đau khổ. Còn truyện tình của chị Hạ và anh Nuôi thì nó rất người. Nó có tình thương, có sự dịu dàng, có sự chịu đựng, có sự tha thứ, có sự hy sinh cao cả. Và nó cũng lãng mạn nữa. Một người con gái danh giá miền Bắc, bị lạc loài để rồi cuối cùng đem lòng yêu thương một người thợ hớt tóc nghèo hèn ở miền Nam là lãng mạn rồi. Cá nhân anh Nuôi cũng lãng mạn nữa. Bởi anh không chinh phục chị Hạ bằng vẻ đẹp, sự lịch lãm sang trọng hay giàu có. Anh nghèo quá và quê mùa quá, anh chẳng những thứ xa xỉ đó. Anh chỉ có một tấm lòng rất hiền, rất vị tha và một trái tim thành thật yêu thương chị Hạ. Anh chinh phục được chị Hạ nhờ những đức tính này.
Vì thế, tôi xin phép nói rằng, đối với tôi, truyện tình của chị Hạ và anh Nuôi là một trong những truyện tình đẹp nhất trần gian này mà tôi biết được. Và tôi chắc chắn, qua bao nhiêu năm khói lửa, đất nước tôi còn không biết bao nhiêu truyện tình "Chị Hạ Anh Nuôi" như thế nữa mà tôi không biết và sẽ không thể nào biết hết được...
Thôi nhé, chị Hạ và anh Nuôi, ở một cõi trời nào đó, anh chị hãy yên nghỉ...