Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát / Mẹ khấn đôi lời con có nghe / Vì nước bỏ mình là bất tử / Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Tuesday, July 27, 2021
Các căn cứ Thủy Quân Lục Chiến VNCH 1966
Thursday, July 22, 2021
Saturday, July 17, 2021
Chuyến xe tháng 5 (kỳ 3) - Vương Mộng Long
Lời giới thiệu:
Tháng 5 năm 1975 chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt. Trên toàn cõi Việt-Nam không còn nghe bom nổ, không còn thấy đạn bay. Nhưng giữa tháng 5 năm 1975 cũng có những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã bị đem đi mất biệt, mãi mãi không về…
Tôi ghé phòng Y hỏi thăm một người đàn bà đang ngồi trước cửa,
– Chị ơi! Chị làm gì ở đây? Sao hôm nay phòng nào cũng trống không vậy chị? Bà con đi đâu hết rồi?
Người nữ quân nhân (hay công chức) trả lời,
– Tôi là nhân viên của Ty Cảnh Sát tỉnh Bình-Thuận bị tập trung ở phòng Y. Hôm nay xe đã tới chở các ông, các bà ở mấy phòng khác đi sạch trơn. Cán bộ canh gác cũng lên xe đi hết, chỉ bốn người của Quân Khu 6 chúng tôi còn ở đây thôi anh ơi!
– Mấy người ở phòng “Zét” đi lúc nào vậy chị?
– Mấy ông phòng “Zét” tập trung từ sáng sớm, mãi tới hơn 3 giờ chiều họ mới bị còng tay đưa lên xe, chẳng biết đi đâu.
Phòng Y và phòng Z ở sát vách nhau, vậy mà cả tuần lễ sau tôi mới biết phòng Y chứa những người bị gọi tập trung theo lệnh của Quân Khu 6.
(Quân Khu 6 gồm các tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy.)
Tôi cám ơn chị nữ công chức Việt-Nam Cộng-Hòa rồi lên văn phòng chính của trại để hỏi cho rõ sự tình. Ngay cửa vào, tôi chạm mặt một cán bộ người Nam.
Vừa nghe tôi xưng danh, hắn đã hét lên,
– Anh là Vương Mộng Long hả? Anh đi đâu mà giờ này mới vác mặt tới đây? Xe của Quân Khu 5 chờ anh cả nửa ngày mà không thấy anh, họ đã khởi hành rồi! Anh đúng là thằng phá hoại!
La hét xong, y quay vào trong ra lệnh,
– Ðồng chí trực trại đem thằng này đi nhốt cho tôi!
Thế là tôi bị còng hai tay dẫn tới góc rào, tống vào cái điếm canh bỏ trống nằm đằng sau một cái lô cốt lớn bên phải cổng trại.
Tới 6 giờ chiều thì kẻng tan sở gióng lên. Mấy người bị quản thúc trong phòng Y lần lượt theo nhau đi ra cổng.
Trong khi đó tôi ngồi bên song sắt ngó ra ngoài. Tôi không biết những bạn bè cùng phòng Z của tôi đã bị đem đi đâu. Nhưng cứ nghĩ tới câu nói mà tên cán bộ người Hải Hưng đã nói với tôi: “Nếu anh mà bị đưa về Quân Khu 5 thì khó toàn mạng đó! Có trốn được thì trốn đi! Cố gắng kín miệng, đừng cho ai biết tôi đã nói với anh điều này!”
Tôi thấy số mình còn hên. Có khi phải bất đắc dĩ chạy xe ôm không công một ngày mà tôi đã được toàn mạng cũng nên.
Ðúng 6 giờ 5 phút, tên cán bộ đã ra lệnh nhốt tôi chợt đi xăm xăm tới cửa điếm canh,
– Anh đã cơm nước gì chưa? Nếu đói thì chờ đó! Chút nữa sẽ có người đem cơm cho anh ăn.
Chợt nhớ tới cái giấy chứng nhận của tên Việt-Cộng ở Tòa Ðô Chánh, tôi nói với tên cán bộ,
– Hôm nay tôi tới trễ là có lý do! Cán bộ hãy mở còng tay để tôi lấy bằng cớ cho cán bộ coi.
Ðọc xong những chữ viết và săm soi kỹ cái dấu mộc đỏ, y gật gù,
– Tôi sẽ giữ cái giấy chứng nhận này. Bây giờ tôi cho phép anh về. Sáng mai đúng 8 giờ anh phải tới trình diện tôi trong phòng trực.
Năm phút sau tôi ra tới cổng, chị Bền đang chờ tôi, mặt chị không giấu nổi nỗi âu lo,
– Chuyện gì vậy chú?
Tôi vắn tắt kể cho chị biết lý do vì sao tôi tới trễ và lặp lại những lời người nữ Cảnh Sát tỉnh Phan-Thiết đã nói với tôi cho chị nghe.
Ngày 21 tháng 5 tôi gửi xe sau quán của chị Bền rồi vào văn phòng chính của trại. Ở đây đã có bốn người, ba nam, một nữ của phòng Y ngồi chờ sẵn.
Năm chúng tôi là những người còn sót lại sau cùng của đợt tập trung ngày 11 tháng 5 năm 1975 của Ủy Ban Quân-Quản Thành Phố Sài-Gòn, Gia-Ðịnh.
Sau này tôi mới hay, hôm qua, 20 tháng 5 là thời hạn chót để các đơn vị địa phương tới tiếp nhận người.
9 giờ sáng chúng tôi được lệnh lên xe. Tôi lựa một chỗ ngồi bên trái, đằng sau xe để khi ra tới đường Lê Văn Duyệt tôi có thể vẫy tay báo hiệu cho chị Bền.
Xe vừa ra tới cổng, tôi đã thấy chị Bền và đứa con gái lớn của chị đứng bên lề vẫy tay. Tôi chắc mẩm rằng, thế nào chiều nay gia đình tôi cũng sẽ nhận được tin tôi bị đưa đi xa rồi.
Chúng tôi được chở đi quanh co một hồi rồi đậu trước khám đường Chí -Hòa.
Tên cán bộ trưởng toán ra lệnh cho chúng tôi xuống xe rồi dẫn chúng tôi đi vòng vòng một lúc sau thì chui vào một cái sân cỏ nhỏ. Y bảo chúng tôi đứng chờ nơi sát cổng, còn y thì ôm một tập hồ sơ đi vào phòng trực.
Tôi thấy dưới hiên một dãy nhà có vài người đứng chen chúc nhau. Trong số những người đang đứng lố nhố đó, tôi nhìn mặt được ba ông Biệt Ðộng Quân là Hồ Văn Hòa, Lương Ðình Chi và Nguyễn Hiệp. Tôi giơ tay vẫy họ, họ vẫn tỉnh bơ, có lẽ họ không nhận ra tôi.
Sau mười phút đợi chờ, tên cán bộ trưởng đoàn hối hả đi ra, y ngoắc tay cho chúng tôi đi theo.
Tới xe, y lớn tiếng nói với tên Việt-Cộng tài xế,
– Hết chỗ rồi! Chúng nó không nhận! Mình đi Quang Trung!
Xe nổ máy chạy ra ngoại ô Sài-Gòn, hướng về Trung Tâm Huấn Luyện Quang-Trung.
Tới cổng Trung Tâm Huấn Luyện Quang-Trung tên cán bộ trưởng đoàn lại lếch thếch ôm cái cặp đi vào.
Lần này chúng tôi không được xuống đất, mà phải ngồi yên tại chỗ.
Mười phút sau thằng Việt-Cộng lại đi ra, lại ban lệnh cho thằng tài xế,
– Hết chỗ rồi! Chúng nó không nhận! Mình về Hoa Lư!
Trưa hôm đó chiếc GMC chở chúng tôi ngừng bánh trước một tòa nhà khá lớn nằm đối diện với sân vận động Hoa Lư trên đường Ðinh Tiên Hoàng. Vị trí này là cơ ngơi của một bộ gì đó tôi không nhớ, nay là chỗ đóng quân tạm thời của một đơn vị trực thuộc Quân Khu 7 Cộng-Sản. Trước sân có vài chiếc xe quân sự đang đậu.
Tên cán bộ dẫn giải ôm cặp hồ sơ đi vào cổng, mười phút sau lại đi ra.
Lần này y cho chúng tôi xuống xe. Chỉ tay về hướng căn phòng cuối dãy nhà, y ra lệnh,
– Các anh chị vào nghỉ trong đó, chờ phương tiện đi Quân Khu Ngoài!
Tôi nghĩ: “Quân Khu Ngoài chắc là Quân Khu 5 và Quân Khu 6”
Ngay khi đó, hai cán bộ Việt-Cộng khác từ sau khu dinh thự tiến ra vẫy tay gọi tên trưởng toán dẫn giải; rồi cả ba chụm đầu vào nhau bàn tán.
Mấy phút sau, ba tên này vừa nhìn về phía chúng tôi vừa viết viết, ký ký cái gì đó trên một mảnh giấy.
Cuối cùng, một thằng già Nghệ-Tĩnh bước tới trước mặt chúng tôi. Y hắng giọng “khạc! khạc!” vài ba cái rồi nói,
– Tôi đã ký nhận danh sách của các anh chị. Các anh các chị cứ ở tạm đây. Hôm nào có người ở Quân Khu Ngoài vào nhận, tôi sẽ cho các anh các chị đi. Bây giờ các anh các chị có thể về nhà, sáng mai đúng 8 giờ phải có mặt ngay chỗ này!
Nghe được câu này, tôi khoan khoái thở ra: “Thế là chưa sao! Chưa sao!”
Xế chiều, tôi mò về tới quán của chị Bền. Tôi kể cho chị hay diễn biến chuyện đã xảy ra trong ngày. Chị gật gật đầu,
– Như vậy chú còn hên hơn anh Bền! Không rõ giờ này anh Bền ở đâu? Chắc không lâu nữa chú sẽ bị chở đi gặp anh Bền. Gặp anh Bền, chú nhớ nói với anh ấy rằng, vợ con anh ấy suốt ngày cầu Trời Phật phù hộ, độ trì cho anh ấy. Vợ con anh ấy vẫn mong đợi từng ngày để gặp lại anh ấy!
Chị Bền đưa hai bàn tay lên vuốt mặt, nước mắt đã rơi, chị tôi không nói thêm được lời nào nữa…
Hôm đó tôi về tới nhà sớm hơn mọi ngày. Vợ chồng con cái chở nhau trên chiếc Honda đi quanh phố một vòng mà thấy trong lòng thật là vui, quên hết muộn phiền, lo âu.
Từ ngày 22 tháng 5 tôi không còn dùng Honda để làm phương tiện di chuyển nữa; tôi tới sân vận động Hoa Lư theo hai tuyến đường xe Lamb. Vì nếu tôi tiếp tục dùng Honda mà bất chợt người ta bắt tôi đi, thì gia đình tôi làm sao hay biết mà đi tìm xe? Vả lại cái sổ chủ quyền của chiếc xe lúc nào cũng phải nằm trong túi người lái nó. Lái xe mà không có sổ chủ quyền, gặp các trạm kiểm soát giao thông thì xe sẽ bị tịch thu ngay. Người nhà có tìm ra xe mà không có sổ chủ quyền thì cũng bó tay. Trong thời gian gửi xe ở quán cháo lòng của vợ anh Bền, tôi cũng gửi chị Bền cái sổ chủ quyền chiếc Honda của tôi.
Ðược cái là vấn đề kiểm soát giờ giấc của bọn Việt-Cộng này cũng rất dễ dãi, không chút khắt khe. Chúng tôi có tới trễ, tới muộn nửa giờ, một giờ, cũng không ai làm khó dễ gì.
Hàng ngày chúng tôi chỉ cần có mặt ký tên trên sổ điểm danh một lần, rồi muốn đi đâu thì đi, lâu lâu lại tạt về phòng cho có mặt.
Gần tới cuối tháng chúng tôi có thêm hai ông bạn mới. Hai ông này là hai ông thiếu tá khóa 10 Ðà Lạt; một ông làm Trưởng ty Cảnh-Sát, một ông làm Trưởng ty Chiêu-Hồi. Chẳng rõ các ông này do cơ quan nào mang tới gửi ở đây. Chắc hai vị này cũng là những người đang chờ bị bốc đi như chúng tôi.
Mãi hai ngày sau tôi mới biết ông Trưởng ty Cảnh-Sát tên là Nguyễn Hồ Ðịch, còn ông Trưởng ty Chiêu-Hồi tên là Trần Hướng Trung.
Một buổi trưa tôi rủ hai ông đàn anh Võ-Bị tản bộ ra ngã tư ăn bún bò. Khi chúng tôi quay về thì thấy bốn người Quân Khu 6 đang tụ họp trong văn phòng để làm việc gì đó. Lúc trở ra mặt người nào người nấy đều có vẻ tươi vui. Chúng tôi đang chuẩn bị đi về, nên không kịp hỏi han xem có chuyện gì đã xảy ra. Sáng hôm sau thì bốn người bạn này không xuất hiện nữa.
Thấm thoát đã qua đầu tháng 6, qua tin truyền đi trên Truyền Thanh và Truyền Hình thì Ủy Ban Quân Quản Thành Phố đã ra thông cáo rằng sĩ quan cấp thiếu tá trở lên sẽ phải trình diện đi học tập cải tạo tại vài địa điểm trong Sài-Gòn.
Tên Việt- Cộng thường ngồi nhận chữ ký hằng ngày của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng từ nay Quân Khu 7 sẽ không cho phép các Quân Khu khác tới nhận người nữa. Như thế là chúng tôi không còn phải lo lắng chuyện sẽ bị chuyển giao cho các Quân Khu Ngoài.
Y nói, chúng tôi chỉ cần có mặt ở đây vào ngày các lớp học tập khai giảng thì đơn vị này sẽ cung cấp phương tiện để đưa chúng tôi tới trường, tới lớp. Y nhắc nhở chúng tôi nhớ chuẩn bị đem theo áo quần cùng những vật dụng cần thiết như kem đánh răng, bàn chải để tiện dùng trong thời gian một tháng học tập xa nhà.
Cũng từ ấy, chúng tôi có thể chia phiên nhau, một người có mặt, hai người kia ở nhà. Ba chúng tôi đều biết địa chỉ của nhau. Do đó, người trực có thể đi kêu hai người kia nếu có chuyện gì cần gấp.
Tên cán bộ quản chế cho chúng tôi biết rằng các trung tâm sẽ nhận người đăng ký từ ngày 13 tới 15 tháng 6 năm 1975. Chúng tôi sẽ được chở tới trung tâm vào ngày cuối, tức là 15 tháng 6 để khỏi phải chờ lâu tại trung tâm trước khi tới địa điểm học tập.
Ðúng 12 giờ trưa ngày 15 tháng 6 năm 1975 tôi và hai ông đàn anh được đưa lên xe để di chuyển tới các trung tâm tiếp nhận.
Xe chạy thẳng một lèo tới Trường Trung Học Lasan Taberd thì ngừng, tôi bị gọi xuống. Tên cán bộ hướng dẫn đem tôi vào văn phòng của trường, giao nạp tôi cho một sĩ quan Cộng-Sản.
Cầm cái biên nhận tù binh, tên cán bộ dẫn giải bắt tay tôi rồi nói,
– Mừng anh! Chúc anh học tập tốt, lao động tốt để sớm về sum họp với gia đình.
Sau đó tôi được một tên bộ đội dẫn lên lầu để nhập bọn cùng vài sĩ quan cấp thiếu tá đã trình diện sáng nay; vì vậy tôi không rõ hai ông thiếu tá khóa đàn anh của tôi bị đưa tới trung tâm nào. Mãi tới sáu năm sau, 1981 tôi mới gặp lại hai vị này ở Trại Z30C Hàm-Tân, Thuận-Hải.
Từ 15 tháng 6 năm 1975 tôi bắt đầu một chuyến đi xa dài ngày…
Nửa năm đầu, từ tháng 6 năm 1975 tới giữa tháng 10 năm 1975 tôi bị giam tại trại Long-Giao. Qua một tháng sống đời tù đày, tôi bắt đầu có ý định vượt ngục. Tôi đã bàn chuyện trốn trại cùng hai ông thiếu tá cựu quận trưởng, nhưng giờ chót hai ông này thối chí, nên tôi đành phải huỷ bỏ mưu đồ.
Nửa năm kế đó tôi bị chuyển về trại giam Suối Máu, Tam-Hiệp, Biên-Hòa, chờ ngày bị đưa ra Bắc.
Hai tuần lễ sau ngày bị đưa ra đất Bắc, nửa đêm 8 tháng 8 năm 1976, tôi vượt ngục lần đầu. Trải qua mười ngày lặn lội trong rừng dưới cơn bão số 6, tôi và người bạn đồng hành bị bắt lại, bị cùm, bị đánh đập, khảo tra, rồi được cho về Ðội 11, Trại 4, Liên Trại 4 để tiếp tục lao động.
Một hôm trời giăng giăng mưa phùn, tôi và bạn tù đi cấy lúa vần công cho Thôn Nam Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bình, Yên-Bái thì thấy hai ông tù cải tạo khiêng một cái võng có người nằm bên trong.
Cái võng được phủ bằng chiếc mền Trung Cộng màu đỏ. Theo sau cái võng là một ông tù đeo cái balô, có lẽ trong balô là tài sản của người nằm trên võng.
Có một vệ binh Việt-Cộng đeo AK đi canh chừng đằng sau ông tù đeo balô. Chắc mấy người này đang đưa một ông tù bệnh nặng lên bệnh xá của liên trại để chữa trị.
Tôi ngừng tay cấy, lớn tiếng hỏi,
– Ê! Ai đó? Các cha?
Ông tù mang ba lô liền lớn tiếng đáp lời,
– Tước! Tước rằn ri!
– Phải Nguyễn Ðỗ Tước Biệt Ðộng Quân không?
– Ðúng rồi!
– Bệnh gì vậy?
– Kiết lỵ!
Chiều hôm đó cái võng lại quay về, vẫn có chiếc mền đỏ Trung Cộng phủ bên trên.
Tôi lại hỏi,
– Hết bệnh chưa?
Ông tù mang ba lô lại đáp lời,
– Chết rồi!
Tôi chỉ còn biết ngậm ngùi đứng nhìn theo bóng chiếc mền đỏ đi xa dần về hướng Trại 8 nơi Ðèo Lũng Ngàn.
Ngày xưa, trước tôi, Trung tá Nguyễn Ðỗ Tước đã là Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân ở Pleime.
Tết Dương Lịch 1978 vừa đi qua thì tôi vượt ngục lần thứ hai. Sau hai tháng lặn lội trong rừng, chưa vượt khỏi biên giới Việt-Lào, tôi lại bị bắt.
Thất bại lần này, qua những trận khảo đả dã man của kẻ thù mà tôi không thành người tàn phế cũng là nhờ phúc đức ông bà đã che chở cho tôi.
Năm 1981 tôi bị chuyển trại về Nam, trại tù mới có tên Z30C Hàm-Tân, Thuận Hải.
Rồi một sớm tinh mơ cuối năm 1984 tôi vượt ngục lần thứ ba.
(còn tiếp)
Wednesday, July 14, 2021
Tuesday, July 13, 2021
Những Giọt Lệ Khô. 13.07.2021 Út Bạch Lan
Không
biết có phải vì ảnh hưởng của bão Elsa đang đổ bộ Florida hay không mà
Houston mưa tầm mưa tã liên tục suốt mười ngày qua. Mưa, mưa rơi từng
đêm, mưa triền miên như thầm khóc cho một người vừa mới ra đi, một người
mang nặng kiếp sống chinh nhân nhưng luôn dệt mơ ước ngày nao quê hương
không còn màu cờ máu.
Người đã đi, người đã đi rồi.
Ngày 11 Tháng 7 Năm 2021
Tôi
vừa rời nhà quàn Vĩnh Phước để chào lần cuối Niên Trưởng Cựu Chuẩn
Tướng Mạch Văn Trường, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB, trước khi đưa quan
tài vào phòng hỏa táng. Chưa về đến nhà thì nhận được text của Chị Phúc,
phu nhân của Niên Trưởng Trần Công Hạnh, nguyên là Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Trưởng TĐ2ND ” Khóa 20 VBQGVN ” Anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc
3giờ30″.
Tôi bật khóc nhưng chẳng còn giọt lệ nào để khóc. Tiếng
khóc thầm khô khốc như nắng gió Hạ Lào tức nghẹn ở cổ họng, không như
tiếng khóc ràn rụa khi Anh ôm chầm lấy tôi ở căn cứ Khe Sanh Lao Bảo
trong mặt trận Nam Lào Lam Sơn 719 năm 1971. Anh đã rời bỏ căn cứ 30 và
dẫm chạy trên xác chết của quân thù lẫn quân bạn để vượt thoát về phía
nam con đường số 9, rồi về căn cứ của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của SĐ Nhảy
Dù ở Khe Sanh với bộ quân phục hoa rừng của quân nhu giờ đã trở thành
bộ đồ huyết của nhảy dù Pháp còn bốc mùi máu tươi lẫn máu khô của đồng
đội. Tôi móc bi đông mở nắp, đưa anh vài hớp black and white rồi hai anh
em ngồi bẹp dưới bóng râm của cây sao rừng hơn trăm tuổi. Anh nhìn bâng
quơ vào một khoảng trời mông mênh nào đó, thỉnh thoảng lắc đầu thở dài
dấu đi nỗi chua xót lẫn kinh hoàng như người vừa về từ địa ngục hay nói
đúng hơn từ cõi chết. Thật vậy, Anh không nghĩ rằng anh vẫn còn sống khi
phải vượt qua một vòng vây trùng trùng điệp điệp quân thù khát máu, như
Triệu Tử Long thoát khỏi bàn tay của quân Tào Tháo.
Tôi không
còn nhớ đã bao nhiêu lần, vì đã quá nhiều lần làm sao nhớ hết, tôi cùng
Anh, Sông Lô, Phạm Như Đà Lạt, Phan Nhật Nam, Tô Phạm Liệu ngất ngưỡng
anh hùng lương sơn bạc bên cạnh vài ba chai martell medaillon cạn đáy
tới giọt rượu cuối cùng. Có một lần gần tới bến, Tubip Liệu đổ rượu vào
chiếc giày bốt đờ sô rồi thay vì nâng ly thì nâng giày nốc cạn như Kiều
Phong nốc cạn bầu rượu cùng hai đệ kết nghĩa Đoàn Dự và Hư Trúc, trong
khi Sông Lô lọ rượu thì nghêu ngao ngâm bài thơ Hồ Trường lộn đầu lộn
đuôi nhớ tới đâu ngâm tới với giọng lè nhè.
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Tới đây thì Sông Lô dừng lại vì quên mẹ nó đi rồi, Phan Nhật Nam đở tiếp:
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Bên
cạnh đó Trần Công Hạnh dùng đũa gõ tô gõ chén thay trống, Phạm Như Đà
Lạt mắt liêm diêm “anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ…lưu
linh”.
Và cũng mới đây thôi, chỉ có khoảng hơn 10 ngày, từ ngày
25/6/2021 đến 29/6/2021, Anh Chị Trần Công Hạnh về Houston để tìm mua một
căn nhà mới ở Houston. Suốt năm (5) ngày liên tiếp Anh ngồi bên bàn
rượu với hơn 10 anh chị em của Gia Đình Bến Cũ từ Virginia, Atlanta,
Louisiana cùng về Houston để gặp mặt Anh cạn bầu tâm sự. Bầu tâm sự chưa
cạn mà cạn sạch hết ba kết Cordon Bleu 36 chai!
Út Bạch Lan
Houston Ngày 12 Tháng 7 Năm 2021Tiếc Thương
https://www.youtube.com/watch?v=otzrR5h8_uw
CHÀO TAY MŨ ĐỎ
Nghe hung tin lòng rung lên cảm xúc
Một cánh dù vừa lạc hướng bay
Đất lương sơn một ghế ngồi trống chỗ
Đệ huynh còn sao người nỡ đi xa
Những cuộc rượu bên trời một lứa
Những bi ai dốc cạn hồ trường
Những ngựa hồ còn mơ gió bắc
Từ nay chiếu rượu vắng hương nồng
Người hào sảng như Lương Sơn thủy bạc
Muốn chống gươm hành đạo thế thiên
Chỉ tiếc là bàn cờ chiến quốc
Lại trong tay những kẻ vô lương
Thân chốt thí sang sông tức tưởi
Chưa đánh phải hàng hận man man
Đất tạm dung tha hương gặp lại
Là đệ huynh chan chứa tình đầy
Vẫn cứ ngỡ
Tương lai còn rạng rỡ
Sẽ có ngày quang phục quê hương
Mộng chưa thành vẫn mơ về bến cũ
Tắm lại sông xưa một thuở thanh bình
Hỡi ơi!
Sao đi không biệt
Từ nay vắng bóng huynh rồi
Con ngựa chiến thành Troy bất tử
Tiểu đoàn hai mũ đỏ lừng danh
Người đã sống một đời lính trận
Đã tự nguyền da ngựa bọc thây
Đã đi qua những đoạn đường chinh chiến
Khói lửa tràn lan đất nước mù
Trong chiến trận bao lần chia lửa
Là bao lần chiến thắng đối phương
Gót giày saut lấm lem bùn đất
Nhưng không lấm cánh dù
Giữa trời đất mênh mông.
Anh em xa hay gần vẫn biết
Trần gian này biến ảo khôn lường
Công không tính bạc vàng không chuộng
Hạnh đức mới là mối nghiệp duyên
Anh đã sống trọn đời tâm huyết
Với anh em chiến hữu trước sau
Vẫn như một “không hai đâu nhé”
Anh đã cười cười nói thế nhớ không.
Trời chưa Thu mà lá vàng đã rụng
Cho hoa dù nương gió rơi theo
Chiếc ghế trống đồi Lương Sơn còn đó
Chỉ thiếu anh TRẦN CÔNG HẠNH vẹn toàn.
Ở rất xa, xa nơi anh nằm xuống
Chào tay này kính tiễn một quân nhân
Về với cõi vô cùng không ai biết
Sẽ vô ưu thanh thản với vĩnh hằng.
Bến cũ Túy Lúy
FB Đặng M Tâm