Saturday, November 28, 2015

Tâm tình của một bạn trẻ về chuyến thăm viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa


Tôi sinh ra khi cuộc nội chiến đã bắt đầu kết thúc. Những năm tháng tuổi thơ vùng sông nước miến tây của tôi hiền hoà nhưng đó đây vẫn còn dấu vết của chiến tranh. Ngay trước sân nhà ngoại tôi còn một hố bom đầy nước, hàng đêm tôi vẫn nghe tiếng ển ương, côn trùng rĩ rã, sau này tôi đươc biết thêm rằng đó là hố bom thứ hai trước sân nhà. Tất nhiên, hai lần bom nổ la hai lần tan hoang nhà cửa, gia đình trắng tay và lại phải bắt đầu từ con số 0 lần nữa. Một bác hàng xóm dùng mắc xích của bánh xe tăng bị lính cộng sản bắn cháy lót đường đi từ cửa nhà xuống bờ sông. Nhà ông Sáu sát nhà ngoại vẫn còn một hầm trú bom loang lổ vết đạn. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp đâu đó một vài thương phế binh, cụt chân, cụt tay, mù mắt… chóng gậy, ôm đàn ca hát rong rủi đầu đường xó chợ ăn xin để kiếm sống hoặc nói một cách khác là để tồn tại.
Học hết trung học ở Viet Nam, tôi và gia đình được sang Mỹ định cư. Dù sống ở bên này đại dương, trái tim tôi vẫn luôn hướng về quê hương. Tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về lịch sử, tôi may mắn có được rất nhiều thông tin trung thực hơn về thời cuộc và những lý do đưa đất nước vào cuộc nội chiến tan thương kéo dài suốt hai mươi năm. Tôi đã bắt đầu cảm được nỗi đau quá lớn này, từ trong sâu thẳm tôi đã bị nó dày vò cắn rứt. Tôi bắt đầu đau những nổi đau chiến tranh, những nạn nhân chiến tranh và bao nhiệu hệ luỵ nó để lai trên quên hương thân yêu của tôi. Tôi cũng đã bắt đầu xót xa nỗi đau cho những nạn nhân của cuộc chiến không nên có này, nhất là thân phân của những người lính, nhưng người đã ngã xuống, những người đã bỏ lại một phần thân thể cho quê hương.
Tôi mong một lần được thăm viếng nghĩa trang quân đội ở Biên Hoà trong thinh lặng, một lần bên cạnh các anh, những người lính đã bỏ mình cho nền tự do cho miền nam còn quá non trẻ thời đó. Thật ra, tôi không muốn phân biệt những người lính ở chiến tuyến nào, với tôi họ đều là nan nhân của chiến tranh cả thôi, mặc dù trong thâm tâm tôi, những người lính Việt Nam Cộng Hoà mới là những người chiến đấu cho chính nghĩa.
Một buổi sáng giữa tháng sáu, tôi thức dậy khi đang bị cảm, cả người đau nhức, ngoài trời cơn mưa nặng hạt rơi càng lúc càng nhiều nhưng chúng tôi vẫn cứ đi, vì nêu không là lần này tôi không biet bao giờ mới được dịp đi dâng một nén hương lòng cho các anh. Chúng tôi, tat cả 3 người, hai người bạn và một chú thương phế binh của cuôc chiến. Chú bảo chúng tôi nên mua nhang và trái cây mang theo vi nếu vào nghĩa trang thăm viếng thôi thì chắc chắn chúng tôi không được vào cửa. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, nhưng không hỏi thêm vì tôi nghe quá nhiếu điều vô lý trên quê hương tôi rồi, thêm một điều nửa thì có khác gì đâu. Chú ấy nói phải là thân nhân thi mới được vào nên đã chuẩn bị cho tôi vài câu để đối phó với những người gác cổng. Chú cho tôi một cái tên và vị trí chôn của một người lính, thế là chúng tôi ung dung đi vào, tất nhiên chúng tôi bị chặn lại và hỏi giấy tờ tuỳ thân, lý do thăm người chết, vị trí ngôi mộ, cả năm hy sinh… Tất nhiên tôi bịa ra năm 1968 là năm hy sinh, thế là nhân viên gác cổng bảo ngay, chết năm 68 thì làm gì mà chôn vi trí đó. Tóm lại, cuối cùng chúng tôi được vào cửa yên thân thăm viếng sau khi phải đút túi nhân viên một ít tiền.
Khác xa với những nghĩa trang liệt sĩ của những người chiến thắng, nghĩa trang của những người thất trận gần như bị bỏ rơi/quên/hoang. Người ta bỏ hoang nơi an nghĩ của các anh để kiếm chác. Bỏ hoang mộ bia các anh để vòi tiền. Bỏ hoang tên tuổi các anh để tô son đánh phấn cho cái chiến thắng. Người ta bỏ hoang tình người, bỏ hoang đạo lý, bỏ hoang nhip đập những trái tim cùng dòng máu trong lồng ngực họ. Đã hơn bốn mươi năm các anh nằm xuống, cũng đã bốn mươi năm các anh hoang lạnh giữa đất trời quê hương, muốn thắp cho anh một nén hương cũng không phải là điếu dể dàng, cũng bị người ta ngăn cản. Âu Cơ và Lạc Long Quân đâu? Sao nhìn thấy những đứa con mình đối xử thù hằn với nhau như mà vẫn để yên? Tôi hẳn hai người cũng đau lòng và tủi nhục lắm với những gì đang xảy ra. Chúng tôi đã thắp một vài nén hương, hát cho các anh nghe nhưng câu ca đời lính chiến… “anh nằm xuống như một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà đất hoang vu khép lại hẹn hò… bạn bè còn đó anh biết không anh, người tình còn đây anh nhớ không anh… vườn cỏ còn xanh, mặt trời lên… khi bóng anh như cánh chim chìm xuống…”. Hơn bao giờ hết, câu nói “Freedom is not free” của tướng Walter Hichcock thấm thía vô cùng trong tôi. Trong trường hợp này, các anh đã phải trả bằng xương, bằng máu, cả mạng sống chính mình mà vẫn có được đâu.
Tôi ngồi lại ngoài nghĩa trang một lúc và rồi cũng nói lời giã biệt với các anh trong thinh lặng, chúng tôi ra về để đi thăm những đồng đội khác của các anh, những người đã bỏ lại một phần thân thể cho lý tưởng tự do. Chúng tôi gặp vài người thương phế binh, những phận đời lang thang đây đó, bán vé số để kiếm sống qua ngày. Tôi thấy thế hệ của các anh mất mác quá nhiều, các anh đã phải cầm súng ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, bây giờ thân tàn ma dại, hình hài què quặt, đuôi chột bi xã hội ruồng bỏ, các anh sống ẩn dật trong những khu nhà ổ chuột chật chội bẩn thiểu. Các anh là những người hoàn toàn bị quên lãng, bị quên lãng như đồng đội của các anh nằm hiu hắt ngoài nghĩa trang kia. Tôi tự hỏi sống như các anh có may mắn hay là nằm hiu hắt ngoài nghĩa trang kia lại là điều may mắn?

No comments: