Tuesday, April 5, 2022

Pleiku, 1975.

Đối với hầu hết mọi người trong chúng ta, hàng năm cứ đến tháng Ba là chúng ta ngậm ngùi nhớ lại những biến chuyển tại Cao Nguyên, từ việc Ban Mê Thuột thất thủ đến cuộc triệt thoái khỏi Pleiku và những sự kiện bi thảm xảy đến, góp phần trực tiếp đưa đến việc Việt Nam Cộng Hoà thất thủ. Cá nhân chúng tôi thì cũng vậy, nhưng cũng có phần hơi khác.
Có lẽ vì định mạng nên cuộc đời của tôi gắn bó rất nhiều với ba tỉnh đất đỏ có nhiều đồng bào Thượng sinh sống. Đó là Bình Long, Phước Long, và Pleiku. Trong bài này, chúng tôi chỉ nhắc đến Pleiku, nơi tôi đã sống những ngày sau cùng của Việt Nam Cộng Hoà.
Gần Tết Ất Mão, dân chúng ở Pleiku bắt đầu hoang mang vì một tin quái đản. Đó là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2 một mực tin rằng cộng quân sắp đánh Pleiku. Vì thế nên giới dân sự có phần lo lắng, và một số thì lo sợ. Cá nhân tôi lúc đó thì không tin như Tướng Phú. Tôi từng là một quân nhân tác chiến, và Pleiku, Kontum, Bình Định đối với tôi không lạ gì. Mấy anh lớn của tôi thì không những không tin như Tướng Phú mà còn bày tỏ sự mất mãn công khai. Một anh cấp tá đá mạnh vào chân bàn, nói rằng quân Bắc Việt không dám và cũng không thể nào đánh vào Pleiku được. Cứ nhìn lại trận Ia Drang, Đức Cơ và Pleime thì biết. Chúng đánh vô không nổi, đến lúc tàn lực rút chạy thì bị Trung Tá Ngô Quang Trưởng điều động mấy tiểu đoàn Nhảy Dù đánh cho tan nát tại Chu Pong. Bây giờ, các lực lượng của Đồng Minh không còn, nhưng những phi đoàn và tiểu đoàn Pháo Binh tại Pleiku cũng thừa sức nghiền nát mấy sư đoàn Bắc Việt trước khi chúng mò vào được các vùng quanh thị xã Pleiku.
Quả nhiên, vài tuần sau thì chúng đánh Ban Mê Thuột.
Tối Thứ Sáu, ngày 14 tháng Ba 1975, tôi và mấy đứa bạn đội mũ sắt, mặc áo giáp, súng đạn đầy đủ, định ra phố kiếm tô phở hay hủ tiếu ăn thì nhận được tin triệt thoái khỏi Cao Nguyên. Chúng tôi trở về phòng trực nghe ngóng thêm tin tức cho rõ ràng.
Sang sáng hôm sau, chúng tôi được biết đầy đủ hơn về việc triệt thoái. Những đơn vị thuộc chủ lực quân được lệnh về Nha Trang, những đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được lệnh ở lại Pleiku. Lý do? Chúng tôi không được biết. Nhà binh thì bao giờ cũng vậy, thi hành trước, khiếu nại sau.
Khoảng 10 giờ sáng, tôi gọi điện thoại về Sài Gòn xin chỉ thị thì trong đó lại không biết gì về việc triệt thoái. Vì thế nên vị đại uý bên kia đầu dây dặn tôi rằng khoảng 40 phút nữa thì gọi lại. Chưa được 20 phút sau, chính anh gọi ra cho tôi và nói vắn tắt rằng "không có lệnh lạc gì cho tôi cả".
Đến 3 giờ chiều, tôi gọi điện thoại cho một người bạn của ông anh tôi là Trung Uý Phạm Biểu Sang bên Sư Đoàn 6 Không Quân. Chuông reo rất lâu mà không có ai trả lời. Dẫu sao, tôi cũng an tâm khi thấy bên tổng đài điện thoại vẫn còn làm việc như thường.
Khoảng gần 5 giờ chiều, tất cả quân nhân các cấp thuộc Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Pleiku được lệnh tập họp. Tôi đến đó, đứng trên thềm nhìn ra thì thấy Thiếu Tá Trần Ngọc Phú, Trưởng Phòng 1, đang đi tới đi lui điều động hàng ngũ. Sau đó, Đại Tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Pleiku đến. Ông đứng trước hàng quân, nói gì đó khá lâu.
Trước đó gần 3 năm, cũng tại Pleiku này, Trung Tá Hoàng Thọ Nhu về nhậm chức liên đoàn trưởng của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân chúng tôi. Bây giờ, một lần nữa, tôi lại là thuộc cấp của ông.
Tôi đợi cho Đại Tá Nhu nói chuyện xong, bắt đầu bước ra chiếc xe Jeep đậu gần đó thì vội bước ra. Ông nhận ra tôi, đứng chờ nhưng nét mặt thì không vui. Tôi đứng nghiêm chào kính rồi hỏi ông rất vắn tắt. Ông trả lời cũng rất vắn tắt rằng, "Gia đình tôi cũng vẫn còn ở đây, chỉ có vài đứa con là vào trong Sài Gòn. Đi đâu mà đi?"
Nói như thế tức là ông đã ra lệnh cho tôi ở lại Pleiku.
Tuy nhiên, sang hôm sau, Chúa Nhật, thì hầu như ai cũng chuẩn bị rời Pleiku. Tôi thấy người ta bắt đầu chất đồ đạc lên mấy chiếc GMC của bên Địa Phương Quân. Đến gần tối, thượng cấp cũ của tôi, một đại tá Biệt Động Quân, cho một anh thượng sĩ chạy ra tìm tôi. Anh này nói rằng nếu tôi muốn rời Pleiku với họ thì vào trong đó ngủ với họ, sáng hôm sau lên đường sớm. Tôi rất cảm động, cám ơn tất cả các vị và trấn an họ rằng tôi tự lo liệu được.
Sau đó, tôi đi gặp mấy vị sĩ quan cấp tá mà tôi phục vu dưới quyền bấy lâu nay thì chỉ gặp được hai vị. Họ dặn dò tôi rằng đúng 7 giờ sáng Thứ Hai, ngày 17 tháng Ba 1975, quân dân Pleiku bắt đầu khởi hành, trực chỉ Phú Bổn.
Tôi đi bộ một vòng, đến góc Hoàng Diệu - Trần Hưng Đạo thì thấy nhà máy đèn vẫn chạy bình thường. Vậy nên tôi không có ý định sẽ theo đoàn người ra đi vào sáng hôm sau.
Đêm hôm đó, tôi thức gần đến sáng. Vừa chợp mắt được một lúc thì tiếng máy xe, tiếng người ồn ào nên tôi giật mình thức dậy. Đồng hồ chỉ 6 giờ sáng.
Gần 7 giờ, đoàn xe và người đã chật cứng con đường Hoàng Diệu. Vì xe chỉ chạy được với tốc độ rất chậm nên tôi đi theo đoàn xe, nói chuyện với mấy vị quen biết và sau đó từ giã họ. Tôi về căn nhà mới thuê được vài tháng, nằm suy nghĩ đủ chuyện. Sau đó, tôi chợp mắt được gần 30 phút nhưng thấy tỉnh táo hẳn.
Tôi trở vào văn phòng. Nhìn quanh, tôi thấy chẳng còn mấy ai. Hầu hết họ là người sinh sống ở Pleiku từ lâu nên họ quyết định ở lại. Họ có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi còn ở đó.
Tôi vào văn phòng, đóng cửa lại rồi ngồi suy nghĩ. Cuối cùng, tôi quyết định đem tất cả các hồ sơ điều tra ra đốt. Các văn kiện thuộc loại ĐẾN thì nơi gửi đương nhiên là còn bản gốc. Các văn kiện thuộc loại ĐI thì các nơi nhận còn phó bản. Vậy nên tôi đem tất cả ra phía sau mà đốt.
Vừa xong việc thì một người bà con xa bên một đơn vị tiếp vận chạy xe gắn máy ra tìm tôi. Nó cho biết rằng đơn vị của nó đã dành cho tôi hai chỗ, hai valise, và súng đạn cá nhân. Tôi cám ơn và dặn rằng nếu tôi có đi thì sẽ ra trước rạp Diệp Kính đứng chờ.
Khoảng quá 10 giờ, tôi trang bị như ra mặt trận, đi bộ ra đó. Chỉ một lúc sau, có một đoàn chiến xa M-48 chạy đến. Tôi đưa ra đấu, một đại uý ra lệnh cho chiếc của ông, chạy gần chót, dừng lại cho tôi leo lên. Viên đại uý đeo kính đen rất đẹp và có một nụ cười rất khả ái.
Gần trưa, chúng tôi bắt kịp đoàn xe phía trước vì họ kẹt cứng tại một con sông cạn. Tôi nhận ra mấy khuôn mặt quen thuộc. Vì thế nên tôi xuống xe, cám ơn vị đại uý và tất cả các quân nhân cùng xe rồi đeo súng đi về phía trước. Tôi gặp Đại Uý Tôn Thất Nghệ đang ngồi trên xe Jeep cùng với ba, bốn quân nhân khác. Thấy tôi, ông cười, chỉ vào nồi cơm và mấy con cá khô nướng, mời tôi cùng ăn. Tôi cám ơn, xin ly nước uống rồi tiếp tục đi về phía trước.
Khoảng 2 giờ, cộng quân pháo kích. Có vài trái rớt vào khu dân cư nhưng may mắn không còn ai ở đó. Tôi để ý thấy các chi đội Thiết Giáp tản ra, tránh xa con đường chính. Một lúc sau, chúng ngưng pháo kích, nhưng vì mất trật tự nên đoàn xe tiến về phía trước rất chậm. Đến gần 5 giờ chiều, chúng tôi mới đến thị xã Hậu Bổn. Xa xa phía trước, quân ta đang giao tranh với địch, rồi hai chiếc trực thăng võ trang đến bắn phi đạn. Cộng quân im tiếng súng.
Trời sẩm tối, tôi thấy có một số quân nhân tụ tập phía trước nên bước lại xem. Có một vị đại uý đang dặn dò thuộc cấp những gì phải làm khi màn đêm buông xuống, vì có thể cộng quân trà trộn vào dân ném lựu đạn, ám sát sĩ quan.
Khoảng 8 giờ tối, tôi đi tìm chỗ ngủ. Tôi thấy có một tiệm thuốc tây đóng cửa im lìm. Đó là một toà nhà lầu. Tôi vào căn nhà gần đó nằm ngủ, vì nghĩ rằng nếu cộng quân pháo kích thì tiệm thuốc tây đó sẽ hứng đạn giùm.
Tuy nhiên, chúng chỉ pháo gần chục trái rồi thôi. Tôi nằm nghe ngóng, rồi ngủ thiếp đi.
Gần 2 giờ sáng, tôi giật mình thức dậy, và thấy trong người rất khoẻ khoắn, tỉnh táo. Nghe tiếng súng nổ đều đặn xa xa, tôi bước ra ngoài xem. Có lẽ quân ta đang đánh lớn với địch quân, vì tiếng máy xe bên Thiết Giáp nghe rất rõ và đèn pha rọi sáng cả một vùng trời.
Tôi trở vào trong nhà nằm, và đến lúc đó tôi mới nghĩ đến cái thực tế phũ phàng là tôi đã rời bỏ Pleiku mà không biết đến bao giờ mới trở lại. Hơn nữa, cho dù có còn trở về Pleiku, liệu tôi có còn gặp lại những khuôn mặt quen thuộc.
Tôi nhớ Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Cẩn, Quận Trưởng Kiêm Chi Khu Trưởng Phú Nhơn. Lúc nào ông cũng tươi cười, niềm nở. Tôi không thấy ông hút thuốc lá, nhưng trong túi áo field jacket của ông thì lúc nào cũng có mấy gói, từ 555 International cho đến Bastos đầu lọc. Vậy nên chiến hữu của ông thích gôut nào thì ông cũng có để mời.
Tôi nhớ Thiếu Tá Trần Kỳ, chỉ huy Tiểu Đoàn 205 Địa Phương Quân trấn đóng một nơi rất xa xôi.
Tôi nhớ Thiếu Tá Nguyễn Quang Miên, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 222 Địa Phương Quân. Từ khi ông được thăng cấp thiếu tá, chúng tôi chưa gặp lại ông.
Tôi nhớ Đại Uý Ngô Vân, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 223 Địa Phương Quân. Ông này nói chuyện với chúng tôi thì rất vui, nhưng đối xử với thuộc cấp thì rất vụng về.
Tôi nhớ Đại Uý Nguyễn Văn Thắng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 239 Địa Phương Quân. Chỉ vài tuần trước đó, ông ghé vào phòng trực có việc gì đó. Thấy tôi, ông hỏi, "Chúa Nhật mà không đi đâu chơi sao? Hay là hết tiền rồi?" Nói xong, ông mở ví rút ra mấy tờ giấy bạc đưa cho tôi. Tôi thấy tiền còn mới tinh nên cầm lấy đưa lên mũi hửi rồi trả lại cho ông. Tôi cười và nói với ông rằng tôi không biết tiêu tiền nên không lấy. Ông nựng má tôi rồi cười. Đại Uý Thắng, người Bắc, nhỏ con, ăn nói chậm rãi, nhớ anh mãi mãi.
Tôi nhớ Đại Uý Trần Tết. Ông đang giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 240 Địa Phương Quân thì có lệnh gọi về giữ chức vụ Chủ Tịch Uỷ Ban Chống Không Tặc. Ông kéo tôi theo nhưng thượng cấp không chấp thuận. Anh Tết bụ bẫm trắng trẻo, đeo kính cận nên không giống dân nhà binh chút nào.
Tôi nhớ Thiếu Tá Lý Thái Phước, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 278 Địa Phương Quân. Ông là người Thượng duy nhất giữ chức tiểu đoàn trưởng tại Pleiku. Chúng tôi mới ghé Trại Lý Thái Lợi thăm ông vài tháng trước đó.
Tôi nhớ Thiếu Tá Nguyễn Hải Thành, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 279 Địa Phương Quân. Ông cũng người Bắc, ăn nói rất khoan thai, thương tôi một cách đặc biệt. Những lần nghe báo chúng tôi đi công tác trong khu vực trách nhiệm của tiểu đoàn, ông lo cơm trưa cho chúng tôi. Ông kéo tôi ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng gắp thức ăn cho tôi. Ông tự xem tôi như đứa em út mà ông có bổn phận phải chăm sóc.
Tôi không rõ những vị đàn anh nói trên rồi ra sao. Trong ba trại tù, tôi đều hỏi thăm, tìm tòi nhưng không gặp lại vị nào. Cầu xin cho tất cả đều được bình an.
********
Mãi hơn 20 năm sau cái tháng Ba định mệnh đó, tôi mới gặp được một số thượng cấp và đồng đội, chiến hữu. Chúng tôi hỏi thăm nhau về những người khác, và sau cùng, chúng tôi nói đến chuyện ngày xưa.
Nếu chúng ta cho rằng việc mất Ban Mê Thuột đưa đến việc triệt thoái khỏi Cao Nguyên và từ đó đưa đến sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà thì thật tình mà nói, anh em chúng tôi rất lấy làm tiếc là đã có quyết định cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn.
Khi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 bắt đầu thì trong chức vụ Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn đã chứng tỏ rằng ông là một dũng tướng. Ông ra tận chiến trường bằng xe Jeep để thị sát. Cộng quân pháo kích, một quả đạn đại bác rớt xuống nổ gần chiếc xe của ông, một cận vệ của ông tử thương, rớt xuống đất, ông vẫn bình tĩnh. Ông quan sát tình hình rồi quyết định việc không yểm, pháo yểm.
Hai tháng sau, ông về giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2, thay thế Trung Tướng Ngô Dzu. Tướng Toàn lập tức kéo ban tham mưu lên Kontum xem xét tình hình. Ông đến từng giao thông hào hỏi thăm chiến sĩ các cấp. Ông dùng máy truyền tin ra chỉ thị trực tiếp cho cả các đội trưởng.
Tháng Hai 1975, nếu Tướng Toàn còn đó, tình hình không tệ như đã thấy. Bắc Việt đừng hòng mà đánh lừa được Tướng Toàn.
Đến khi Ban Mê Thuột thất thủ rồi, chúng tôi lại càng thấy tiếc rằng Tướng Toàn không còn ở đó. Tướng Toàn có bản lĩnh, không vì mất một thị xã mà quýnh lên. Tướng Toàn lại cũng biết dùng đúng người đúng việc. Về mặt này, chúng tôi là những kẻ thừa hành nên không dám so sánh Tướng Toàn với Tướng Phú. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi dám mạnh dạn nói rằng Tướng Toàn có một điểm rất khá là không bao giờ phải hỏi ý vợ trước khi bổ nhiệm người này, người nọ vào những chức vụ quan trọng, hoặc cách chức người này, người kia. Vậy nên, nếu Tướng Toàn còn đó, việc tái chiếm Ban Mê Thuột không phải là không thực hiện được.
Sau hết, thảm cảnh trên Liên Tỉnh Lộ 7B cũng bắt nguồn từ việc thay đổi nhân sự trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2.
Ngay sau khi nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đề nghị thay thế vị tham mưu trưởng quân đoàn là Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm. Thượng cấp chấp thuận đề nghị của Tướng Phú, nhưng lại không chấp thuận những vị mà ông đề cử thay thế. Vậy nên vị tân tham mưu trưởng mà thượng cấp chỉ định là Đại Tá Lê Khắc Lý. Nói về khả năng thì ông này khá, nhưng nói về trung nghĩa thì ông này rất tồi. Vì thế nên Lý đã tâu cho CIA về kế hoạch triệt thoái để rồi CIA tức tốc báo cho Bắc Việt.
Mãi đến mấy ngày sau, Tướng Phú mới biết được điều này. Chính ông cầm súng rượt bắn Lý tại Nha Trang nhưng Lý nhanh chân nhảy lên xe Jeep tẩu thoát. Chuyện này, nhiều người biết.
*********
Nhiều bạn cho rằng Việt Nam Cộng Hoà đã nằm trên bàn cờ của đám cường quốc gian manh nên việc rơi vào tay cộng sản chỉ là vấn đề thời gian. Nếu các bạn tin như thế thì tôi xin thưa như sau.
Nếu như một số thượng cấp của chúng ta sáng suốt hơn, có lương tri hơn, bớt mù quáng chiều lòng tham của các bà vợ một chút thì Việt Nam Cộng Hoà chúng ta cho dù có phải chết cũng được chết một cách khác hẳn. Khác hẳn ở chỗ là đã không có nhiều chiến sĩ phải hy sinh xương máu một cách vô lý chỉ vì sai lầm của thượng cấp. Khác hẳn ở chỗ khác nữa là đã không có hàng vạn đồng bào phải bỏ mình trên đường chạy giặc cộng trong tháng Ba, tháng Tư 1975.
Hình đính kèm chụp vào ngày 19 tháng Ba 1975 trên Quốc Lộ 19 giữa Pleiku và Bình Định.
Hai ngày sau khi Kontum và thị xã Pleiku bỏ ngõ, các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại khu phía đông thị xã Pleiku vẫn giữ vị trí và cố gắng chận đà tiến quân của Bắc Việt.

No comments: