Friday, June 27, 2014

Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn



Chuyện một người Chiến binh trong cuộc chiến Bắc Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn

nhân đánh dấu 35 năm ngày 30-4-1975
Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn là bạn tù của tôi ở trại Lam Sơn, một Trung tâm Huấn luyện của quân đội VNCH tại Dục Mỹ, quận Ninh Hòa, được bộ đội miền Bắc chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bắc Nam 1955-1975 tạm thiết lập làm trại tù.
Anh Sơn, nguyên thiếu tá lực lượng Lôi Hổ. Thời gian anh Sơn và tôi ở tù chung một trại không dài nhưng anh đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Một mẫu người có phong cách kỳ lạ.
Hình ảnh và tiếng kêu của anh Sơn vẫn còn văng vẵng bên tai tôi suốt 35 năm qua sau ngày chúng tôi chia tay nhau.
Anh được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn để bước vào vòng thứ nhì của hệ thống địa ngục lao tù cộng sản. Khi chiếc xe GMC chở tù chuyển trại chạy qua khu trại tôi vào một ngày nóng bức cuối tháng 7 năm 1975 anh Sơn kêu to để báo cho tôi biết anh rời trại. Tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe tù chạy qua, cánh tay anh Sơn đưa cao vẫy. Tôi vẫy lại. Rồi biệt vô âm tín.
Thế mà đã ba mươi lăm năm!
Cuối tháng 3 năm 1975 sau khi bộ đội cộng sản vào thành phố Nha Trang tôi bị kẹt lại. Tháng 6 đang đêm công an đến nhà bắt tôi về tội không ra trình diện.
Thật ra tôi có trình diện, nhưng trễ. Biết mình đã nằm trong rọ, tôi cẩn thận theo dõi các thông cáo của Ủy ban quân quản (cơ cấu chính quyền mới ngay sau khi chiếm thị xã Nha Trang) về việc trình diện. Lúc đó tôi là dân biểu thị xã Nha Trang. Gốc sĩ qan Hải quân, nhưng tôi đã giải ngũ từ năm 1971 và không có chân trong bất cứ một đảng chính trị nào tôi đặt mình vào diện “dân cử” và chờ gọi dân cử ra trình diện để thi hành. Không thấy có thông cáo nào gọi dân cử, tôi nằm nhà chờ. Tuy nhiên vì thận trọng, một thời gian sau tôi ra phường Lộc Thọ trình diện. Lấy cớ không ra trình diện công an thị xã ra lệnh bắt.
Đang đêm đại úy công an Nguyễn Văn Linh (trùng tên với ông Tổng bí thư đảng cộng sản sau 1986) trưởng ty công an Nha Trang dùng xe Jeep  dẫn một đoàn du kích đến bắt tôi. Khi đại úy Linh giải thích lý do, tôi trình giấy trình diện. Đại úy Linh hơi lúng túng. Nhưng đoán biết công an đã quyết định bắt tôi, trình diện hay không chỉ là cái cớ, tôi nói sẵn sàng về đồn để cơ quan an ninh làm những thủ tục cần thiết. Cảm thấy thoải mái đại úy Linh bảo tôi mang đồ lề cá nhân lên xe công an đậu chờ xế cổng nhà. Tôi ngồi băng sau không bị còng tay, bên cạnh là một anh công an mang súng dài. Đại úy Linh ngồi băng trước, súng lục ngang hông với tài xế. Đoàn du kích bao vây quanh nhà tản mác vào đêm tối.
Công an đưa tôi về ty công an thị xã Nha Trang đóng nơi nhà ông giám đốc chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín nằm trên đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển Nha Trang. Từ đó công an chuyển tôi lên trại Lam Sơn. Tại đây tôi ở chung trong một trại nhỏ, giống như một căn nhà với Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn. Trong tổng trại Lam Sơn có hằng mấy trăm căn nhà như vậy.
Từ trại Lam Sơn đang đêm tôi cùng một số tù nhân khác được chuyển về nhà tù Chợ Đầm của tỉnh Khánh Hòa. Sau vài tuần lễ được chuyển về giam tại trại giam tù chính trị cũ (của VNCH) xây phía sau Trung Tâm Huấn Luyện Công chức, cũng nằm trên đường  Duy Tân. Hai ngày đầu tôi bị nhốt vào xà lim trước khi chuyển qua nhốt chung với hơn 80 anh em tù nhân trong một căn phòng chỉ có khả năng chứa khoảng 30 người nằm ngồi. Tại đây tôi gặp ông Khác Chánh Văn Phòng của đại tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Khánh Hòa kiêm thị trưởng thị xã Nha Trang và ông Nghi, trưởng ty hành chánh Thị Xã Nha Trang. Qua hai ông Khác và Nghi tôi được biết đại tá Phẩm cũng đang bị giam riêng trong trại để điều tra cùng với Thiếu Tá bác sĩ Dù Trần Đoàn.

Trại cải tạo (hình có tính minh họa)
Từ trung tâm này tôi được chuyển lên trại Đồng Găng trong rừng sâu của tỉnh Khánh Hòa. Tôi được trả tự do từ trại Đồng Găng.
Trở lại chuyện Thiếu Tá Sơn. Tôi không quen biết Thiếu Tá Sơn trước khi đến trại Lam Sơn. Chúng tôi chỉ ở chung nhà với nhau vài tuần lễ trước khi tôi  được chuyển qua nhà khác và sau đó Sơn được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn.
Chỉ mấy tuần thôi, chúng tôi quen nhau, thân nhau, tin cậy nhau. Câu chuyện tôi thuật lại ở đây hoặc do Thiếu Tá Sơn kể lại hoặc xẩy ra trong mấy tuần lễ ngắn ngủi đó.
Trước ngày 31/3/1975 (ngày quân đội cộng sản chiếm tỉnh Khánh Hòa) trại Lam sơn là một Trung Tâm Huấn Luyện cấp sư đoàn của quân đoàn 2 có khả chứa hàng ngàn tân  binh hoặc binh sĩ về tái huấn luyện. Các binh sĩ này tạm trú trong những mái nhà tranh đơn sơ dựng cạnh nhau có phên che gió và giường ngủ chồng lên nhau. Lực lượng  cộng sản quản lý trại dùng các căn nhà này sau khi đã tháo phên che và giường chồng bên trong (để dễ kiểm sóat) gọi là “Nhà”, Nhà số 1, Nhà số 2 v.v… để cho các cựu sĩ quan và công chức miền Nam vừa bại trận trú ngụ trong thời gian học tập. Sĩ quan ở riêng. Công chức ở riêng.
Nhà số 10 dành cho một trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng Hoàng thuộc quận Khánh Dương trên quốc lộ nối liền Ban Mê Thuột với Nha Trang qua quận lỵ Ninh Hòa. Đặc biệt nhà số 10 sĩ quan ít mà nhiều lính Dù. Trung đội Dù này đã quần thảo với quân chính quy Bắc Việt trên đèo Phượng Hoàng cho đến phút chót. Trong nhà 10 chỉ có một Trung úy và một Thiếu úy Dù, còn lại là hạ sĩ quan và binh sĩ, và một sĩ quan Lôi Hổ: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn.
Tôi bị bắt trễ nên khi lên Lam Sơn các dãy nhà đều đầy người, họ nhét tôi vào nhà 10. Tôi nhận thấy hai người sĩ quan Dù rất bình thản và các người lính Dù có vẻ thoải mái như đang được nghỉ ngơi sau các cuộc hành quân. Họ giúp các sĩ quan đào giếng lấy nước, trồng cà chua, ớt, bầu bí v.v… nơi đám đất  bỏ hoang trước nhà. Thiếu Tá Sơn suốt ngày hút thuốc và kể chuyện tiếu lâm.
Thời biểu chính của tù nhân là hằng ngày lên lớp nghe cán bộ giảng 9 bài căn bản. Tôi còn nhớ một số đề tài như “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, “Chiến tranh giới hạn” … và học những bài hát  “cách mạng” như “Tiếng chày trên sóc Mambo”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Giải Phóng Miền Nam”, “Chiến thắng Điện Biên”…
Tôi không hiểu làm sao và lúc nào tôi và Thiếu Tá Sơn trở nên thân nhau. Hình như Lôi Hổ và Dù không có gạch nối nên hai sĩ quan Dù ít nói chuyện với Thiếu Tá Sơn. Lính Dù thì vẫn giữ khoảng cách với sĩ quan. Có lẽ còn do tính tình. Hai sĩ quan Dù ít nói, trong khi Thiếu Tá Sơn sống để ruột ngoài da. Anh Sơn không quan tâm đến hoàn cảnh. Ông vui sống trong cảnh tù tội và sằn sàng đón chờ mọi chuyện.
Thời gian đó không khí trong trại Lam Sơn còn rất dễ chịu. Người cộng sản có sách vở để xử lý phe địch. Họ áp dụng phương pháp “bảy tầng địa ngục”. Họ không đưa người tù vào ngay tầng dịa ngục cuối cùng. Họ đưa vào tầng nhẹ nhàng nhất ở ngoài và dần dần đưa người tù vào các tầng bên trong khắc nghiệt hơn từng bậc để người tù thích ứng dần và mất ý chí phản kháng.
Trại Lam Sơn,  nơi tù nhân học 9 bài căn bản là vòng đầu của địa ngục. Sau giờ lên lớp tù nhân trở về nhà giam tự do thoải mái trò chuyện với nhau, nấu nướng linh tinh gì cũng được, có thể đi thăm bạn tù ở các nhà khác và chỉ phải tôn trọng giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Trước cỗng trại Lam Sơn ban quản trại cho họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Vợ con tù nhân đến thăm bao nhiều lần một tuần cũng được và tù nhân có tiền (lúc đó tiền VNCH vẫn còn lưu dụng) có thể tiêu xài thoải mái.
Học xong 9 bài là thời  kỳ 2 tuần lễ để viết bản “thu hoạch”, nghĩa là mỗi tù nhân viết bản khai lý lịch, khai báo quá trình làm việc và mọi tư tưởng riêng tư. Trong thời kỳ này ban quản trại mỗi ngày tập họp tù nhân toàn trại một lần động viên tù nhân “thành thật khai báo” để được khoan hồng về với gia đình. Ban quản trại phỉnh các tù nhân rằng họ có hồ sơ từng người không cần khai báo họ cũng đã biết. Thu hoạch chỉ là để đo sự tin tưởng của tù nhân vào “cách mạng”. Thời kỳ khai báo họ để cho tù nhân nhiều tự do hơn và đa số tù nhân tưởng rằng (trừ các sĩ quan và viên chức ở trong ngành an ninh tình báo) sau khi viết xong bản thu hoạch họ sẽ được trả tự do. Tâm lý này làm đa số tù nhân viết rất thật, không dấu diếm ngay cả những gì nghĩ là sai trái mình đã làm, cũng như các công tác quan trọng mình đã thi hành. An ninh cộng sản chỉ cần có thế để phân loại tù nhân đưa vào những tầng trong thích hợp cho từng đối tượng của bảy tầng địa ngục.
Bản thu hoạch của tôi tương đối đơn gỉản nên chỉ cần vài hôm là tôi viết xong. Tôi ở trong quân ngũ 16 năm. Hai  năm tại trường đào tạo kỹ sư hải quân của hải quân Pháp, một năm phục vụ trên chiến hạm như một cơ khí trưởng và 13 năm tại Trường Sĩ Quan Hải quân Nha Trang như một huấn luyên viên và sĩ quan điều hành công tác đào tạo sĩ quan hải quân, trước khi đắc cử dân biểu thị xã Nha Trang và giải ngũ. Thời gian trên chiếm hạm, chiến tranh bắc nam chưa bùng nổ lớn nên chiến hạm của tôi chỉ đi làm các công tác tiếp tế nhỏ. Một chuyến đi tiếp tế địa phương quân canh gát đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa, một chuyến tiếp tế cho trại tù Côn Sơn.
Thiếu Tá Sơn cũng không viết gì nhiều. Tôi hỏi, Sơn nói: “Họ nói họ đã biết hết rồi thì còn gì để viết. Tôi viết ngắn gọn rằng tôi là sĩ quan Lôi Hổ, một đội quân được huấn luyện để làm các công tác đột kích vào mật khu Việt cộng, và tôi đã từng giết nhiều cán bộ cao cấp trong các cuộc đột kích. Tôi sẵn sàng trả giá của người chiến bại theo tinh thần thượng võ, không có gì để nói chuyện khoan hồng khai báo lôi thôi.”
Cung cách của Thiếu Tá Sơn là vậy. Hiên ngang như đời sống phóng khoáng của anh. Anh kể rằng anh thuộc một gia đình công giáo sung túc. Bố mẹ muốn anh trở thành linh mục. Anh đã vào đại chủng viện, nhưng chịu không nổi khuôn phép của Giáo Hội để trở thành linh mục, anh rời chủng viện bất chấp sự bất mãn của bố mẹ. Tránh phiền toái và trách móc của gia đình anh thi vào trường sĩ quan bộ binh Đà Lạt. Ra trường anh chọn binh chủng Lôi Hổ để thỏa chí phiêu lưu.
Thiếu Tá Sơn cho biết anh có vợ và 2 con. Chuyện lấy vợ của anh ly kỳ không kém đời anh. Nó là một tình sử của thời chiến tranh. Trách Sơn cũng được mà thông cảm Sơn cũng được.
Chuyện Sơn kể rằng: Sau những ngày đánh trận anh thường lang thang nơi thành phố Nha Trang. Một nữ sinh ở Xóm Bóng lọt vào mắt xanh của anh. Hai người tha thiết yêu nhau và anh quyết định cưới người yêu.
Bố mẹ cô nữ sinh không thuận cuộc hôn nhân vì không muốn con gái ở góa trong thời chinh chiến. Lý do khác là khác biệt tôn giáo. Sơn đến nhà cô gái cho bố mẹ cô gái biết anh không có thì giờ chờ đợi và anh không buộc vợ rữa tội theo đạo Chúa. Anh nói anh đã sắp xếp với nhà thờ và trong vài hôm sẽ mang sính lễ tới xin cưới trước khi đi hành quân. Anh đã thuê một căn nhà trong thành phố cho vợ ở khi anh vắng nhà.
Ngày hẹn, anh đến nhà cô gái với sính lễ đầy đủ trên hai chiếc xe Jeep.  Anh dùng một xe có tài xế. Xe thứ  hai dành cho hai sĩ quan bạn và mấy quân nhân Lôi Hổ tháp tùng. Một đại úy đóng vai đại diện nhà trai làm chủ hôn. Một trung úy đóng vai phụ rễ. Anh Sơn mặc đại lễ trung úy Lôi Hổ, lưng đeo súng ngắn, ngực đầy huy chương.
Biết bố mẹ vợ tương lai sẽ từ chối cuộc rước dâu, anh cho quân nhân mang sính lễ vào nhà như không có chuyện gì sẽ xẩy ra. Anh Sơn và hai sĩ quan bạn theo sau. Thấy  quân nhân trang trọng vào nhà, bố mẹ cô dâu buộc phải ra tiếp (thời chiến tranh, không ai muốn cưỡng lại nhà binh!). Ông bố bình tỉnh hỏi quý vị đến nhà có việc gì. Ông đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông bố tuyên bố ông chưa bao giờ chấp thuận hôn lễ. Đã tính trước, ông đại úy xin được mời cô dâu ra để hỏi ý kiến. Từ trong phòng cô dâu trang phục sẵn sàng bước ra trước sự ngạc nhiên của bố mẹ.
Ông đại úy chủ hôn hỏi, và cô dâu xác nhận biết hôm nay là ngày hôn lễ của cô với trung úy Nguyễn Văn Sơn. Bố mẹ cô dâu nén giận nhưng đành phải để cho con lên xe hoa. Trung úy Sơn giành tay lái, người yêu khóc sướt mướt ngồi bên cạnh. Khóc vì lấy được người yêu hay khóc vì đã làm buồn lòng cha mẹ? Ghế sau hai quân nhân bồng súng ngồi ở thế tác chiến. Sĩ quan chủ hôn và phù rể lái theo sau. Đám cưới không có phù dâu.
Sau lễ cưới độc đáo của thời chiến tranh, trung úy Sơn chiến trận liên miên. Chị Sơn ở nhà lo tổ ấm. Sau vài năm anh chị Sơn có được hai cháu, một trai một gái kháu khỉnh. Thấy con gái có hạnh phúc với tình yêu chân thật bố mẹ chị Sơn tha lỗi cho con gái, nhận rễ và cho phép con gái và cháu ngoại về ở chung để con gái tránh đơn độc trong những lúc anh Sơn hành quân vắng nhà.
Biến cố tháng Tư đến và trung úy Sơn, lúc này là thiếu tá bị bắt tại mặt trận và đưa vào trại Lam Sơn. Câu chuyện giữa anh Sơn và tôi bắt đầu từ đó.
Cán bộ hướng dẫn nhà 10 của chúng tôi là một hạ sĩ quan quê Bắc Ninh. Anh ta hiền lành và không hống hách như các cán bộ khác. Anh thưộc một đơn vị chính quy quân đội Bắc Việt từng tham dự trận đánh An Lộc trong những ngày đầu của trận chiến sau cùng. Mỗi ngày anh đến nhà chúng tôi làm nhiệm vụ hướng dẫn và thường ngồi xổm trên đất, tay vấn thuốc lá phì phèo hút và kể đủ thứ chuyện về “ngoài Bắc ta” và chuyện chiến trận anh đã trải qua. Anh không tô điểm đời sống “ngoài Bắc ta cái gì cũng có” như các cán bộ khác và kể lại các trận đánh anh không theo luận điệu của trại là “trận nào quân ta cũng thắng”. Chúng tôi trong nhà 10 có nhiều thiện cảm với anh, và trở nên bạo dạn trong những trao đổi với anh.
Một hôm tôi ngồi cạnh Thiếu Tá Sơn nghe anh nói chuyện với anh trung sĩ cán bộ. Thuật lại một trận đánh để giành một vị trí gần Lộc Ninh, viên trung sĩ nói đơn vị anh, mặc dù với quân số áp đảo, đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của một đơn vi quân đội VNCH cho nên dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng đơn vị anh vẫn không chiếm được vị trí. Thiếu Tá Sơn cho biết tiểu đoàn của anh đã được phái đến tăng cường trong trận đánh đó. Sơn nói:
“Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ. Quân lính các anh cỡ tuổi 14 hay 15, trông như con nít, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi bắn chết, thây chồng chất lên nhau trông vừa thương tâm vừa kinh tởm và có lúc tôi đã ra lệnh cho lính tạm ngừng bắn dù biết chậm một giây là đơn vị có thể bị tràn ngập”
Viên trung sĩ cán bộ nghe và không trả lời. Anh ta chỉ cười nho nhỏ. Vẫn giữ thế ngồi xổm anh xê dịch kiếm lửa châm điếu thuốc đang hút dở vừa tắt. Hình như anh ta chán nản một điều gì.
Chiều hôm đó tôi nói với Sơn: “Chúng ta là kẻ chiến bại. Những gì anh nói với viên trung sĩ cán bộ có thể được báo cáo và người  cộng sản có thể thủ tiêu anh. Khích hay làm nhục kẻ chiến thắng không phải là một cách hành xử không ngoan.”
Sơn cười chua chát: “Tôi biết họ và họ biết rõ tôi. Trước sau họ cũng sẽ giết tôi. Tôi nói để họ biết người chiến sĩ VNCH không hèn nhát. Thua, tôi chấp nhận mọi hậu quả, không than van, không than trời trách đất, không đổ thừa cho đồng minh bỏ chạy.”
Thiếu Tá Sơn rất ít nói đến gia đình dù tôi biết anh nghĩ tới và âu lo từng phút từng giây. Có lẽ anh đang dọn mình cho đời sống ở một thế giới khác cùng với người vợ và cũng là người tình duy nhất của anh. Trong khi thân nhân của các sĩ quan và công chức bị bắt tại Nha Trang và các vùng lân cận đến thăm thì không một thân nhân nào của anh Sơn đến thăm anh. Tôi hỏi, anh Sơn nói anh không biết và cũng không muốn đoán biết.  Anh nói anh xem như đời anh đã chấm dứt sau khi đơn vị anh đầu hàng và anh không thể tự vận vì anh là một tín dồ theo đạo Chúa.
Một thời gian vài tuần sau khi mọi tù nhân viết xong bản “kiểm điểm” nộp ban quản trại, tôi được chuyển sang một nhà khác giam chung với các công chức trong thị xã . Họ đã xếp loại và cho tôi vào thành phần “ngụy quyền”.
Bây giờ không còn chợ trời trước cổng trại Lam Sơn, không còn  những buổi thăm viếng tự do. Nhân một tù nhân lợi dụng giờ ra chợ trốn trại về Nha Trang bị bắt lại, ban quản trại không cho họp chợ nữa. Nhưng bên trong trại các tù nhân vẫn còn được đi lại từ nhà này qua nhà khác thăm viếng hàn huyên. Tôi vẫn thường đến thăm Thiếu Tá Sơn vào những buổi chiều trước giờ cơm chiều. Cơm còn đủ để ăn no với cá vụn và canh rau.
Một buổi chiều đang ngồi trong trại, cạnh con đường đất dùng để xe tuần chạy quanh các khu nhà, tôi nghe tiếng kêu từ một chiếc xe GMC chạy qua nhà tôi: “Anh Sơn ơi, tôi đi đây, vĩnh biệt anh.” Nhìn nhanh ra đường tôi thấy một chiếc xe GMC mui trần chở đầy tù nhân chạy qua. Một người lính cầm súng đứng gát phía sau. Thấp thoáng tôi thấy bóng dáng Sơn đưa tay vẫy, miệng không ngừng kêu “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!”
Anh Sơn bị chuyển trại. Và đó là hình ảnh cuối cùng của Sơn.
Tôi ra trại, vượt biên, và trong suốt hơn 30 năm ở  nước ngoài tôi vẫn ngóng trông tin Sơn. Tôi không nghĩ anh Sơn đã bị giết hay chết trong một trại tù nào đó ngoài miền Bắc. Một người giàu ý chí như Thiếu Tá Sơn không thể chết dễ dàng như vậy. Tôi tin anh vẫn sống và đã ổn định tại một góc trời nào đó trên trái đất này. Nhiều sĩ quan rơi vào những trường hợp nghiêm trọng hơn anh đã được ra nước ngoài theo diện HO.
Tôi tin anh Nguyễn Văn Sơn vẫn sống. Hy vọng lớn nhất của tôi là  đoản văn này lọt vào mắt của anh Sơn hay bạn bè anh Sơn trong quân ngũ hay ngoài đời sống dân sự. Xin nhắn với Thiếu Tá Sơn rằng người bạn tù Trần Văn Sơn tại trại Lam Sơn vẫn còn đây và chờ nghe tin lành của anh và gia đình. E-mail liên lạc: binhnam@sbcglobal.net
April 15, 2010
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Tuesday, June 24, 2014

Đại Hội Họp Mặt của các Phi Công Khu Trục A-37




**** GHI DANH THAM DỰ - VÀO LINK Ở CUỐI BỨC THƯ ****

 Suốt 38 năm qua đã có nhiều buổi họp mặt của các Anh Em A-37, nhưng trong giới hạn thân tình của từng nhóm hay từng Phi Đoàn. Trong thời gian gần đây, với sự gợi ý và đề nghị của một số Anh Em Khu Trục A-37 khắp nơi mong muốn có một buổi họp mặt quy mô, rộng rãi hơn. Anh Em A-37 chúng tôi tại Houston, Texas hân hạnh lảnh nhận trách nhiệm tổ chức Đại Hội Họp Mặt Anh Em Khu Trục A-37 vào những ngày 7, 8 và 9 tháng 11 năm 2014 tới đây tại Houston, Texas.
Ban Tổ Chức trân trọng xin các Anh Em A-37 khắp nơi cố gắng thu xếp ngay từ bây giờ đễ về tham dự cho thật đông đủ, vì mổi năm qua, tuổi đời chồng chất có nhiều Anh Em chúng ta đã vội lìa đàn, quân số càng ngày càng giảm và sẽ không bao giờ đuợc bổ sung.
Lý Tuởng "BẢO QUỐC TRẤN KHÔNG" ngày nào giờ đây chỉ là hoài niệm, một trách nhiệm chưa tròn, nhưng chúng ta vẫn luôn luôn ghi nhớ trong lòng. Đại Hội Họp Mặt kỳ này là dịp chúng ta có thể gặp lại nhau, hâm nóng lại tình bằng hữu , ôn lại những kỹ niệm một thời chinh chiến, những buồn vui đơn vị, và những thăng trầm của cuộc sống tha hương .
Gặp gở lần này, chúng ta chỉ biết có lần này, vì mai đây khi "lực bất tòng tâm" dù có muốn đi nửa, chúng ta cũng đành gác lại.
Mong Anh Em đừng bỏ lở dịp này, ghi danh cho mình và gia đình tham dự, mời gọi bạn bè cùng phi đoàn, cùng khóa, và cùng đơn vị về Houston tham dự Đại Hội A-37 tại Houston ngày 7, 8, 9 tháng 11 năm 2014
Ban Tổ Chức Họp Mặt Anh Em Khu Trục A-37

Chương Trình Tổng Quát

ĐÊM TIỀN ĐẠI HỘI
Thứ Sáu 7 tháng 11 năm 2014
Dạ Tiệc & Văn Nghệ chào đón các Anh Em A-37 về tham dự Đại Hội
Địa điểm: 
Nhà Hàng KIM SON
10603 Bellaire Blvd
Houston , Tx 77072  ĐT 281-598-1777
Từ 6.00 PM đến 12.00 AM - Vé tham dự : $35.00/Nguời
Y phục : Tự do ( Casual )

ĐÊM KHÔNG GIAN VÀ ĐẠI HỘI HỌP MẶT CÁC HOA TIÊU A-37
Thứ Bảy 8 tháng 11 năm 2014
Hội Ngộ- Nghi Lể Khai Mạc - Dạ Tiệc- Nhạc Thính Phòng- Dạ Vũ
Ca Sĩ: Trần Thái Hòa, Ngọc Anh, Tóc Tiên, Huy Du, Hoài Phương
Ban Nhạc: The BEAT

Địa điểm: 
Khách Sạn OMNI HOUSTON HOTEL – WESTSIDE
13210 Katy Freeway
Houston , Tx 77079  ĐT 281-558-8338
Từ 6.00 PM đến 2.00 AM Vé tham dự: $90.00/Người
Y phục : Dạ hội (Formal)

HẬU ĐẠI HỘI
Chúa Nhật 9 tháng 11 năm 2014
Sinh hoạt thoãi mái với bạn bè cùng khóa , cùng đơn vị , thăm viếng Houston
và Vùng Phụ Cận.
Hoặc đi Cruise 7 ngày , khởi hành ngày Chúa Nhật 9 tháng 11 và về ngày 16
tháng 11 năm 2014.

Lộ trình: 
Galveston , Tx – Cozumel - Belize – Honduras - Galveston , Tx

Book Cruise xin liên lạc: LỆ DZUNG (phone: 832-257-1596; email: ldzphoenix@yahoo.com – Dùng code KQHOUSTON khi liên lạc với Lệ Dzung.
Khách sạn gần địa điểm tổ chức Đại Hội:
1)     OMNI Hilton Hotel Westside – 281-558-8338. Giá/đêm: $83.00 – dùng code: RVNAF để làm reservation. Code này chỉ có hiệu lực vào cuối tháng 9, năm 2014
2)     HILTON Garden Inn Houston Westbelt – 713-270-6100. Giá/đêm: $79.00 – dùng code: RVNAF để làm reservation
3)     REDROOF Inn Houston Westchase – 713-785-9909. Giá/đêm: $49.00 – dùng code RVNAF để làm reservation.
BAN TỔ CHỨC SẼ CÓ MỘT MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT ĐỂ TRAO TẶNG CHO TẤT CẢ ANH EM A-37 THAM DỰ ĐẠI HỘI – XIN ANH EM GHI DANH SỚM ĐỂ BAN TỔ CHỨC CÓ THÌ GIỜ SỬA SOẠN ĐÓN TIẾP CHU ĐÁO .

*** * Chi phiếu tham dự 2 ngày Đại Hội A-37 – Pay to: RVNAF với ghi chú ĐH A-37 và gửi về : Nghiêm Trần – 826 Walker School Rd., Sugar Land TX 77479

Trân trọng
Ban Tổ Chức
KQ Trần Văn Nghiêm    713-816-5436 
email: nghiem1942@aol.com
KQ Trần Quốc Tuấn      832-518-8763       
KQ Vũ Đức Hồng          713-988-4202
KQ Phan Hiền Tính       832-620-3841
Email BTC : a37reunion@gmail.com

Wednesday, June 4, 2014

Hoa Kỳ cắt quân viện dành cho Không quân VNCH giai đoạn 1973-1975...

Như đã trình bày trong kỳ trước, sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973 và có hiệu lực vào 8 giờ sáng ngày 28-1-1973, mức quân viện của Hoa Kỳ dành cho VNCH

Hoa Kỳ cắt giảm mức quân viện dành cho Không quân VNCH giai đoạn 1973-1975

http://vnafmamn.com/aircraft/vnaf_crew84.jpg
Một đơn vị Không quân VNCH.

Như đã trình bày trong kỳ trước, sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27-1-1973 và có hiệu lực vào 8 giờ sáng ngày 28-1-1973, mức quân viện của Hoa Kỳ dành cho VNCH bị giảm lần. Suốt trong những tháng đầu năm 1973, Bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH và Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (gọi tắt là DAO) đưa ra đề nghị số tiền quân viện là 1,600 triệu Mỹ kim. Tổng thống Nixon chuyển sang Quốc hội đề nghị này nhưng với con số sửa đổi là 1,474 triệu Mỹ kim, nhưng Tổng thống Nixon xin thêm 1 khoản 474 triệu đô phụ cho tài khóa 1974 để trang trải các khoản kinh phí về hành quân mở rộng và thay thế các quân cụ bị hư hỏng cùng với 266 triệu Mỹ kim khác để đắp vào khoản thâm hụt do tài khóa năm trước còn thiếu.Tháng Tư năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử Đại tướng Cao Văn Viên với tư cách Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu sang Hoa Kỳ để vận động sự ủng hộ đề nghị viện trợ vừa nói. Các viên chức của bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ một lòng hậu thuẫn Đại tướng Viên nhưng Quốc hội Hoa Kỳ lại bác bỏ yêu cầu viện trợ phụ trội mà chỉ cho phép tối đa cho năm 1975 là 1 tỉ Mỹ kim và trong đó 700 triệu Mỹ kim sẽ bao gồm mọi phí khoản. Trong số này thì tiền chi tiêu cho hoạt động của cơ quan DAO chiếm hết 46 triệu đô.



*Mức cắt giảm của quân viện Hoa Kỳ đối với hoạt động của Không quân VNCH từ 1973-1975

Sự cắt giảm quân viện của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị VNCH, nhất là Không quân và Hải quân. Sau đây là phần tổng lược về những khó khăn của Không quân VNCH do sự cắt giảm mức quân viện của Hoa Kỳ.
http://vnafmamn.com/photos/VNAF_F5l.jpg
-Ngưng hoạt động hơn 200 phi cơ, trong đó có các phi cơ ném bom A-1, phi cơ thám thính 0-1 và các loại phi cơ vận tải loại C-7, C-119, và C-47. Chấm dứt việc thay thế F 5A bằng F-5E. 36 chiếc được đặt mua nay phải giao lại cho Không quân Hoa Kỳ, và số tiền hoàn trả chỉ dùng vào công việc bảo trì và hoạt động của các phi cơ hiện hữu.

-400 sinh viên sĩ quan phi công đang thụ huấn tại Hoa Kỳ phải bỏ ngang khóa học trở về nước. Hơn 1,000 khóa sinh Không quân vừa phi hành vừa không phi hành đang theo học các khóa Anh ngữ để chuẩn bị đi học chuyên môn phải chuyển sang học Bộ binh tác chiến. Điều này tạo một ảnh hưởng tâm lý tai hại cho Không quân Việt Nam.

- Cắt bớt số giờ bay cho các phi vụ huấn luyện và yểm trợ mà trong đó các phi vụ yểm trợ bị cắt xuống còn một nửa so với mức độ của hai năm 1973-1974, các phi vụ thám thính bị cắt 58% Như vậy vấn đề phát giác và theo dõi các cuộc chuyển quân của địch bị trở ngại và công tác bảo vệ đoàn tiếp tế cũng bị hạn chế rất nhiều. Trực thăng vận bị cắt giảm 70%. Điều này làm ảnh hưởng nặng nề trong công tác tải thương hay đổ quân tăng cường và tiếp tế, nhất là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh đào chằng chịt như bái quái trận đồ. Nơi đây nhờ chiến thuật trực thăng vận mà rất nhiều binh sĩ bị thương được kịp thời cứu sống và nhiều đồn bị vây hãm được giải tỏa kịp thời. Nay thiếu vắng các trực thăng này buộc Quân đội phải dùng đến thuyền tam bản và ghe để tải thương, việc tiếp tế đạn dược trở nên vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, vấn đề tâm lý rất khó nguôi. 

Các chuyến chuyên chở bằng đường hàng không cũng bị cắt một nửa. Sự kiện này có ảnh hưởng nặng đến khả năng di quân của các đơn vị Tổng trừ bị. Vì Nhảy Dù và Thủy quân Lục chiến là hai lực lượng tổng trừ bị nên cần phải có mặt tại bất cứ nơi nào cần đến trên toàn lãnh thổ, do đó khả năng cơ động của hai lực lượng này vô cùng quan trọng. Suốt trong năm 1972, khi Cộng quân tấn công, Sư đoàn Nhảy Dù phải di chuyển từ Sài Gòn lên Pleiku rồi từ Pleiku ra Vùng 1 chỉ trong vòng 48 giờ. Việc di chuyển này vẫn do phi cơ của VNCH hay của Hoa Kỳ nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến các hoạt động không vận khác. Thế nhưng qua năm 1975 cũng với hoạt động như vậy thì phải mất 7 ngày và phải cắt bớt các chuyến bay khác để lấy phi cơ chuyển quân. Các loại phi cơ C-130A là phương tiện không vận chính, đã phải thi hành một số phi vụ ném bom vào các tháng đầu năm 1975. Nhưng vì yếu tố kỹ thuật cũng như cánh phi cơ nứt, bình xăng rỉ cộng với sự cắt giảm các chuyến bay nên mỗi ngày chỉ có 8 trong 32 chiếc C-130 A được sử dụng.


http://vnafmamn.com/aircraft/UH1_VNAF17.jpg


Một trực thăng của Không quân VNCH

Suốt trong vài tháng cuối của cuộc chiến, vì lâm vào tình trạng khó khăn, nên bộ Tổng Tham Mưu đã dùng phi cơ C-130 A vận tải để thi hành các phi vụ yểm trợ chiến thuật, tăng cường hỏa lực và để giảm thiểu thiệt hại về số phản lực cơ chiến thuật bởi hỏa lực phòng không của địch. Mỗi chiếc C-130 mang theo 8 bành thùng đựng JP-4 chứa đầy dầu phế thải. Phi cơ bay trên cao độ từ 15 đến 20 ngàn feet. Mỗi lần phi cơ bay qua và bom nổ, binh sĩ dưới đất lấy làm vui mừng. Được hướng dẫn bằng vô tuyến từ dưới đất lên nên rất chính xác nên mỗi đợt thả chỉ cách nhau từ 150 đến 450 mét.

Mỗi phi cơ C-130 có thể chở 8 bành bom loại thùng GP 81-82 (tương đương với 250-500 cân Anh) hay ba bành loại GP-117 tương đương với 750 cân Anh. Binh sĩ đặt tên cho các phi vụ này là tiểu B 52, hay B 52 Việt Nam. Lần đầu tiên khi loại bom này được thả tại Tây Ninh, dân chúng tưởng B 52 của Mỹ. Vậy là tin đồn rằng Không quân Hoa Kỳ can thiệp được loan đi rất nhanh.

Gần đến cuối cuộc chiến, địch tập trung quân với một số lượng lớn và các căn cứ của địch để hơ hớ giữa ban ngày, thật là những mục tiêu ngon lành cho phi cơ. Kết quả trong các lần viếng thăm của ông Eric Von Marbol, phụ tá bộ trưởng Quốc phòng vào cuối tháng 2/1975 và Tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Bộ Tổng tham mưu đã làm một yêu cầu đặc biệt xin cung cấp vũ khí nào mà Không quân Việt Nam có thể sử dụng được. Đó là loại bom 15 ngàn cân Anh có tên là bom bạch cúc mà Không quân Hoa Kỳ thường dùng thả bằng phi cơ C-130 để làm bãi đáp trong các khu vực rừng già. 27 quả bom thuộc loại này được dự trù đưa đến Việt Nam cùng với chuyên viên Hoa Kỳ trong vòng một tuần. Vào giữa tháng 4, ba trái đến trước và tiếp theo sau đó ba chiếc nữa đến chỉ hai ngày trước khi kết thúc cuộc chiến. Một chuyên viên Mỹ đi theo chuyến này để hướng dẫn các chuyên viên Việt Nam cách gắn ngòi nổ và cách gắn bom lên phi cơ. Thế nhưng viên phi công Hoa Kỳ lái máy bay này không đến kịp. Trước tình thế khẩn cấp và vì mức độ nguy hiểm nếu tồn trữ loại bom này tại Tân Sơn Nhất hay tại Long Bình nên bộ Tổng Tham mưu và bộ Tư lệnh Không quân đành phải chọn một phi công kinh nghiệm để bay thả thử trái đầu tiên.

Theo dự trù, chuyến bay khởi hành vào giữa khuya. Chiếc C-130 được gắn bom cắt bạch cúc cất cánh nhưng sau đó bay trở về sau 20 phút. Mọi người nín tbở, bám tay vào thành ghế hồi hộp nhìn phi cơ hạ cánh. Rất may phi cơ đáp xuống an toàn, chỉ vì một sơ sót kỹ thuật nhỏ cần sửa chữa. Nửa giờ sau, phi cơ cất cánh lần thứ hai. Đến 1 giờ sáng, trái bom đại đầu tiên được thả ngay xuống trên đất địch cách thị trấn Xuân Lộc khoảng 6 cây số về hướng Đông Bắc. Toàn thị trấn này rung chuyển như một trận động đất lớn: đèn phụt tắt, làn sóng vô tuyến của địch tức khắc im tiếng. Bộ tư lệnh Sư đoàn 341 CSBV bị dội bom và bị xóa tên hoàn toàn.

Trong năm 1972, các hậu cứ có những loại C-141 và C-130 của Không quân Hoa Kỳ giúp chuyên chở quân dụng vũ khí bất kể ngày đêm nên việc tái thành lập các đơn vị VNCH rất nhanh chóng. Vào lúc đó, hầu như không thiếu thứ gì, từ tiền bạc cho đến quân trang quân dụng. Quân đội VNCH không lo đến chuyện thiếu hụt mà chỉ lo làm sao hoạt động cho ứng hợp với mức độ vũ khí và quân cụ được cung cấp. Tình hình lúc này thì ngược lại, thay cho B-52, quân đội được cung cấp loại bom 15 ngàn cân Anh nhưng các thứ khác đều phải tự chế. Ghi nhận chung là từ 1973 đến 1975, Không quân VNCH đã chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. (Biên soạn theo tài liệu của cựu Đại tướng Cao Văn Viên)

Tác giả bài viết: Đặng Quang
Nguồn tin: Vietstaronline.com
( Biên Hùng chuyển )