Bà Xuân đang dọn cơm ra bàn, ông ngồi chờ sẵn và cất tiếng hỏi bà:
Ăn cơm xong bà có đi với tôi ra “Đài chiến sĩ” tham dự buổi “mít tinh” kỷ niệm 30 tháng Tư không?
Bà dửng dưng lắc đầu:
Coi
như ông đi “đại diện” là đủ rồi. Ngồi chung xe với ông từ nhà mình tới
đấy mất chừng 10 phút nhưng sẽ là 10 phút căng thẳng và thể nào cũng…cãi
nhau.
Ông nhìn bà phân bua:
- Nếu
mà bà ngoan ngoãn ngồi yên như người ta thì làm gì có chuyện? tôi chạy
chậm bà chê lù đù như gà rù, tôi chạy nhanh bà bảo gìa rồi còn bạt mạng,
xe chưa tới bảng stop bà đã bắt tôi chuẩn bị ngừng từ xa, tôi nhường
cho người ta thì bà bảo tôi lép vế khép nép, tôi không nhường thì bà chê
bất lịch sự, đi đâu mà hấp tấp, vội vàng …ngồi lái xe mà bà cứ khủng bố
tinh thần tôi từng giây từng phút như thế, nếu tôi không vững vàng tinh
thần thì lạc tay lái từ lúc nào rồi. Nhưng hôm nay tôi vẫn hân hạnh
mời bà đi cùng mà…
Bà bĩu môi:
-
Gớm, ông phân bua mà dài dòng như đọc điếu văn. Cám ơn lời mời nhé, để
tôi ở nhà nằm võng đu đưa vừa coi ti vi vừa ngủ còn sướng hơn.
Hôm
nay bà Xuân cho ăn món rau muống luộc dầm qủa cà chua chín với vài tép
tỏi và thịt thăn kho tiêu, y như món bà đẻ vẫn ăn ngày xưa, bây giờ là
món của hai vợ chồng gìa kiêng khem chất béo mỡ màng để bảo vệ sức khỏe
vì cả hai ông bà đều cao máu, cao mỡ.
Bà chăm chăm nhìn ông ăn và nói như ra lệnh:
- Ông chan nước rau muống luộc vào cơm, rồi chấm rau vào nước mắm ớt mà ăn chung thì mới ngon.
Ông phản đối:
- Đến
ăn uống bà cũng chỉ huy tôi? Tôi có là tù nhân của bà đâu? gần 10 năm
trời tù tội cộng sản đủ khổ cuộc đời tôi rồi nhé. Tôi cứ thích húp nước
rau riêng, xong ăn rau muống riêng đấy. Việc gì đến bà !
- Ông thật là bướng bỉnh, thế món cà ri chấm bánh mì, ông thử chấm bánh đa có được không hả?
Ông dứt khóat:
- Nhưng không có quy luật nào bắt người ta phải ăn rau muống luộc kiểu của bà cả, tôi ăn kiểu của tôi và thấy ngon là đủ rồi.
Bà xụ mặt ra không thèm nói và nhìn ông nữa. Hai ông bà lặng lẽ ngồi ăn cơm tiếp.
Ăn
cơm xong ông Xuân lấy thuốc ra uống, có loại thuốc phải uống mỗi ngày
cho đến hết cuộc đời. Coi như thuốc men song hành cùng với thực phẩm
nuôi nấng tấm thân gìa.
Ông thay quần áo và mũ nón đi ra cửa thì bà gọi giật lại:
- Khoan đã…đợi tôi một chút…
Ông Xuân mỉm cười hài lòng:
- Cuối cùng thì bà cũng chịu đi với tôi dự cuộc họp kỷ niệm lớn lao này chứ gì?
- Không !!
- Hay là bà bắt tôi ở nhà coi ti vi với bà cho vui?
- Không !!
Bà đưa cho ông mẩu giấy vừa ghi vội:
- Một
công đôi ba chuyện, đằng nào cũng một lần lái xe đi, một lần tốn xăng,
chỗ mít tinh “Đài chiến sĩ” gần chợ Hồng Kông 4, hội họp xong ông ghé
vào chợ mua cho tôi những thứ này, biết ông lẩm cẩm quên trước quên sau
tôi đã ghi ra giấy đây, nhớ đừng có lú lẩn mà làm rơi tờ giấy là được
rồi.
- Hừm,
tôi chưa lẩm cẩm và lú lẩn đâu. Dù say sưa hội họp, dù chen chân giữa
đám đông người, tôi vẫn sẽ giữ kỹ mẩu giấy này còn hơn giữ tờ gia phả
dòng họ nhà tôi để hoàn thành nhiệm vụ bà giao phó cho nhà cửa êm thắm.
Rồi ông mỉa mai:
- Thì ra bà kết hợp để sai tôi đi chợ cho bà luôn thể đấy. Bà tính toán giỏi qúa.
Ông bước ra cửa còn ngoảnh lại cố nói thêm một câu:
- Thế sao ngày xưa bà lại học dốt môn toán hả? Tôi dạy kèm cho bà mà đôi lúc bực cả mình vì cô học trò vừa dốt vừa lười…
Bà nhào ra cửa:
- Này ông có giỏi thì đứng lại. Ngày xưa….
Nhưng
ông đã nhanh chân đi khuất rồi. Bà Xuân quay vào nhà, nằm ra võng mà bực
mình, chẳng buồn mở ti vi ra xem. Hai vợ chồng bà càng gìa càng xung
khắc, hay cãi nhau dù những chuyện không đâu, chẳng ai chịu nhường nhịn
ai.
Bà bỗng nhớ lại chuyện ngày xưa mà ông vừa khơi ra nửa vời…
Ngày xưa
bà Xuân là cô thiếu nữ tên Nguyễn Thị Hoa, tiểu thư con nhà giàu,
trong một gia đình đông anh chị em. Bố cô Hoa là một công chức hiền lành
nho nhã, trong khi mẹ cô Hoa đảm đang tháo vát như đàn ông, một tay bà
kinh doanh làm nên nhà cao cửa rộng, nuôi đàn con đông.
Bà xông
pha kinh doanh đủ mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bà hoàn toàn xa lạ, nhưng
cứ thấy lợi là bà không từ. Bà đã mua lại một cửa hàng sửa xe gắn máy ở
đường Hồng Thập Tự, dù các con trai không đứa nào theo nghề sửa xe. Thợ
chánh thợ phụ đều phải thuê mướn hết.
Đó là
một tiệm sửa xe gắn máy đặc biệt vì chủ nhân trông coi tiệm là phụ nữ,
là mẹ cô Hoa, bà “bổ nhiệm” cô con gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hoa lúc ấy
đang là nữ sinh trung học ra quản lý cửa tiệm những khi thời gian rảnh
rỗi để phụ với bà.
Không
ngờ nhờ thế mà cửa tiệm đắt hàng, anh nào đến sửa xe một lần thì thế nào
cũng có lần sau dù có khi xe anh không mấy hư hỏng, dĩ nhiên các anh
khách hàng này chỉ căn ngày nào có cô chủ ngồi trong quầy, nếu lướt
ngang cửa tiệm thấy bóng dáng to đồ sộ của mẹ cô chủ là họ biết hôm ấy
cô chủ không có mặt.
Tội
nghiệp mấy anh khách hàng si tình, nào biết cô Hoa đã có người yêu, là
anh chàng Xuân, sinh viên kiêm thày giáo dạy kèm môn toán tư gia cho cô.
Anh Xuân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Anh sinh viên đã bỏ dở chuyện học hành để lên đường nhập ngũ ở Thủ Đức.
Mãn khóa
anh Xuân về sư đoàn 21 ở Chương Thiện, đời lính trôi nổi hết Chương
Thiện đến Bạc Liêu, rồi rừng U Minh…nơi nào cũng là vùng lửa đạn sinh
tử.
Những lá
thư tình đầy ắp thương yêu của cô Hoa theo anh Xuân đi khắp mọi nơi, cô
vừa lãng mạn vừa chung tình, hứa sẽ yêu anh, lấy anh dù trong hoàn cảnh
nào.
Có mấy
đám mai mối hỏi cưới cô Hoa, cha mẹ cô rất ưng ý vì các chàng trai kia
đều thành đạt, con nhà khá gỉa, tương xứng với gia đình cô, nhưng cô Hoa
vẫn cương quyết từ chối.
Khi biết
cô Hoa yêu anh Xuân, chàng sinh viên nghèo dạy kèm cho cô Hoa ngày nào,
bây giờ lại đời lính chiến nay sống mai chết, mẹ cô nổi giận ngăn cản,
bà đã khẳng định: “Thằng Xuân hội đủ những điều kiện để mẹ …không bao
giờ gả con gái cho nó, con đừng có mơ”.
Thế mà
những lá thư tình vẫn không hề thiếu, không hề vơi đi, vẫn từ tay cô Hoa
bay đến chiến trường với anh Xuân, dù anh Xuân đã nhiều lần tự ái
khuyên cô Hoa nên vâng lời cha mẹ lấy chồng ở thành phố cho cuộc sống ấm
êm, và vì chính anh cũng cảm thấy thương cho Hoa quá, lấy chồng lính
chiến là phiêu lưu, bấp bênh biết bao.
Mỗi lần
anh Xuân về phép Sài Gòn, anh đi lướt qua cửa tiệm sửa xe gắn máy ở
đường Hồng Thập Tự cho cô Hoa trông thấy là cô Hoa đã nhanh chóng cho
nhân viên đóng cửa tiệm nghỉ sớm để hẹn hò với người yêu.
Anh Xuân
không dám đến nhà cô Hoa đã đành, mà anh cũng không dám vào tiệm sửa
xe, vì ngại những tay thợ trông thấy sẽ mách với bà chủ.
Một lần vào lúc 3 giờ chiều, cô Hoa vừa ra lệnh đóng cửa tiệm thì anh thợ chính băn khoăn nói:
- Cô chủ ơi, chúng ta có cái hẹn 5 giờ chiều nay giao xe gấp cho người ta rồi. Anh không quân đẹp trai hay sửa xe tiệm mình đó..
- À,
anh có cái xe Vespa mang tới tiệm mình sửa gần chục lần rồi chứ gì?
Tiệm mình kiếm bộn tiền sửa xe của anh ta rồi chứ gì?. Không sao đâu,
chiều nay không có thì chiều mai anh ta sẽ đến lấy xe.
Anh thợ gãi đầu gãi tai:
- Nhưng cô ơi, chiều mai là ngày bà chủ trông cửa tiệm.
- Tôi
hiểu rồi, đừng lo, bảo đảm với anh là chiều mốt có mặt tôi ở đây anh
không quân sẽ đến lấy xe và không dám kêu ca phàn nàn gì đâu, chỉ nhìn
thấy tôi mỉm cười là anh ta bối rối lên rồi. Anh cứ đóng cửa tiệm về
sớm mà đi chơi hay đi nhậu đi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với mẹ tôi
và với anh khách hàng chủ nhân chiếc xe Vespa ấy.
Thế là
cô Hoa ra phố gặp anh Xuân, cô sung sướng hãnh diện đi bên anh lính
chiến vào quán kem, vào rạp xi nê để tha hồ tâm sự nhớ thương, mà không
hề nghĩ đến anh không quân sẽ đứng trước tiệm sửa xe đã đóng cửa một
cách tùy tiện và phũ phàng, chủ nhân không một lời giải thích nhắn gởi.
Không gặp cô chủ đã đành, mà cũng không thể lấy xe mà xử dụng được.
Mối tình em hậu phương anh tiền tuyến kéo dài cho tới khi anh Xuân đổi về Hậu Nghĩa làm đại đội trưởng sư đoàn 25 bộ binh.
Hậu Nghĩa, Củ Chi cách Sài Gòn không xa nên thỉnh thoảng cô Hoa lên thăm người yêu, nhiều lần hơn anh về phép thăm cô…
Hai
người gắn bó keo sơn qúa cuối cùng cha mẹ cô Hoa đành chịu thua, đồng ý
cho hai người thành hôn, chính thức nên duyên chồng vợ. Họ đã có một
thời tuổi trẻ là tình nhân, là vợ chồng tha thiết và đầm ấm…
Cô Hoa năm xưa đang ngủ thiếp trong võng thì choàng tỉnh dậy khi ông Xuân về tới nhà, lên tiếng gọi oang oang:
- Bà ơi…
Bà mở choàng mắt ra và chợt bàng hoàng buột miệng::
- Anh Xuân !
Ông Xuân ngạc nhiên đặt ngay những túi xách vừa mua ở chợ về và dồn dập hỏi:
- Bà vừa nói gì thế? Tôi có nghe lầm không? Hình như bà gọi tôi là “Anh Xuân”?
Bà hơi bẻn lẻn:
- Chắc tại tôi nằm mơ…
- Ôi,
dù chỉ là giấc mơ cũng được, hôm nay nghe bà gọi âu yếm hai chữ “Anh
Xuân” tôi sung sướng bồi hồi như thấy cô Hoa bé bỏng, dịu dàng của mấy
chục năm về trước, chứ không phải là bà Xuân vừa gìa vừa đanh đá bây
giờ….
Bà ngượng ngùng:
- Vậy
hả ông. Nãy vô tình ông nhắc đến ngày xưa nên tôi vừa sống lại một thời
qúa khứ, ngày xưa khi tôi và ông mới quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau.
Ông cũng bồi hồi:
- Ngày
xưa bao giờ cũng đẹp, nên chuyện cổ tích nào cũng bắt đầu bằng hai chữ
“Ngày xưa”. Cứ thế bà nhé, con cái ở xa chỉ có hai vợ chồng gìa, thỉnh
thoảng cũng cần cho nhau những lời âu yếm yêu thương như thời trẻ chứ.
Bà đừng có lắm lời, khó tính khó nết với tôi nữa nhé..
- Cả ông nữa, cũng đừng bướng bỉnh trái ý tôi nữa nhé?.
Ông Xuân cười gật gù:
- Chắc tại tuổi gìa làm cho con
người thay đổi tính nết thôi, chứ tình yêu xưa vẫn còn đây. Tôi và bà cố
gắng đối xử với nhau như lúc trước, được tí nào hay tí ấy…
Rồi ông chỉ vào những bịch chợ:
- Tôi
mua đủ những món bà ghi trong giấy rồi. Ngoài ra tôi còn mua cả món bà
không dặn là mấy hộp Blueberry mà bà yêu thích vì nó giống như quả sim
tím thường làm bà chạnh lòng nhớ đến bài hát “Những đồi hoa Sim” của
thuở đang yêu tôi đấy.. Hàng mới bày ra, tươi ngon lắm nên tôi phải mua
ngay.
Bả cảm động:
- Thế hả? cám ơn ông đã để ý đến cả sở thích của tôi.
- Thì
tôi đáp lại tấm lòng bà thỉnh thoảng làm món gà luộc chấm muối tiêu
chanh sở thích của tôi, dù tay bà đã yếu chặt con gà luộc cũng là vất
vả.
Bà trìu mến hỏi:
- Thế cuộc họp ở Đài chiến sĩ đông vui không hở ông?
Ông Xuân hào hứng:
- Dĩ
nhiên là đông người chứ, giây phút chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhìn
những người lính mặc quân phục xưa tôi lại bồi hồi nhớ thời mình trai
trẻ đã chiến đấu dưới màu cờ thân yêu ấy.
Bà cũng hào hứng theo:
- Lần sau trở đi dù bất cứ hội họp gì của cộng đồng Việt Nam , của lính tráng, tôi sẽ đi với ông, bất chấp ông lái xe thế nào.
Ông Xuân vui mừng:
- Bà
đã giao phó cả cuộc đời bà cho tôi thì cứ yên chí, dù lái xe kiểu nào
tôi cũng lo an toàn mà. Chuyện lớn chuyện nhỏ, đồng vợ đồng chồng mới
vui bà ạ. Tôi cám ơn bà…
Bà
lôi những món đồ trong túi chợ ra xếp vào tủ lạnh, ông chồng gìa dưới
mắt bà lù khù và bướng bỉnh vẫn còn nhiệt huyết với quê hương, với đồng
đội chẳng khác gì anh Xuân, người lính trẻ hào hùng, xông xáo khắp nẻo
chiến trường ngày nào mà bà từng thương yêu và ngưỡng mộ.
Thì
ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi
hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về
trong lòng cô Hoa, dù hai người đã gìa.
Bà quay ra dịu dàng nhìn ông và chính bà cũng tưởng như mình đang trẻ lại:
- Anh Xuân ơi, anh vẫn là chàng trai năm xưa của em đấy.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( April, 2012)
No comments:
Post a Comment