Wednesday, March 27, 2013

The story of one C-130 re-united with the pilot after 40 yrs


Ngày thứ Hai 23 tháng 3, 2013 vừa qua, nhân dịp mấy cháu nhỏ nghỉ Spring break, vợ chồng tôi cùng vợ chồng cô con gái lớn rủ nhau đi Washington để mấy cháu nhỏ biết thủ đô nước Mỹ và các bảo tàng viện. Sau khi sắp xếp và nhờ ông Robert Mikesh (Cựu giám đốc bảo tàng viện Air&Space of Smithsonian nay đã về hưu) Ông đã móc nối được với vị giám đốc mới Dr. Bob Linden, để xin security clearance cho tụi này được đến thăm chiếc C-130A  460 mà tôi đã chôm của VNAF chở gia đình 52 người bay sang tỵ nạn tại Singapor tháng 4 năm 1975. (Hồi đó đã bị báo chí hay bạn bè đội cho cái mũ là: đã chở tài phiệt và nhà giàu Chợ Lớn qua Singapore nên tui có rất nhiều tiền !!? Phải thiệt như vậy thì bây giờ chiếc C-130 này đâu có chịu số phận hẩm hiu như thế này !?







Sau 38 năm, 100/100 trên danh dự là tui không hề có chở 1 tên tài phiệt hay 1 tên nhà giàu nào cả, ngoại trừ gia đình bà con 52 người (that's +3 crew not fammily) We get out of VN with our 2 white hands !!!)
Vì đây là chiếc phi-cơ đầu tiên của Không Quân VNCH rời VN sau khi chiến tranh chấm dứt nên đã được chọn để trưng bày tạo Bảo Tàng Viện Air& Space Museum của Smithsonian, tại phía nam phi-trường Dulles phía tây Thủ đô Washington DC. Lúc trước khi ông Robert Mikesh còn làm giám đốc, ông cho tôi biết  chiếc C-130A 460 này sẽ được sơn và vẽ lại cờ Việt Nam cộng Hòa trên đuôi, logo của KQ Việt Nam . Nghĩa là hồi tháng 4/75 tôi bay chiếc
C-130A này khỏi Việt Nam màu sơn như thế nào thì nay sẽ được sơn lại 100/100  y như vậy, trước khi được mang trưng bày vĩnh viển tại bảo-tàng viện này.  

Nhưng rất tiếc sau khi ông Mikesh về hưu các vị mới và trẻ lên thế, họ chả biết trời đất gì hay giá trị của lịch sử, họ chỉ biết xu thời theo chính trị và tiền tài: Một bà nhà giàu nào đó, có chồng bay 1 loại máy bay trong chiến tranh VN; Khi một  chiếc phi cơ nào muốn được lựa chọn chưng bày vĩnh viễn trong bảo tàng viện thì chiếc đó phải có 1 lịch sử gì rất đặc biệt, thí dụ chiếc skyraider A1-E , đã liều đáp xuống phi đạo ngắn A-shau để đón 1 phi-công Mỹ bị lâm nạn, chiếc
H-34 là chiếc đã bay ra biển đón phi hành gia John Glenn người bay vòng quỉ đạo địa cầu đầu tiên, chiếc F-4C của Đại-tá Robin Odd đã bắn rơi 5 chiếc Mig của Bắc Việt…v.v…. Còn chồng của bà nhà giàu này chỉ bay một chiếc máy bay 2 động cơ thường cho Army tại VN, chiếc này không có 1 lịch sử nào cả.. nhưng bà đã tặng cho bảo tàng viện này 5 trăm ngàn dollars. Theo lời ông Mikesh nói, nửa đêm họ đã họ đã kéo chiếc C-130A 460 ra khỏi hangar chiếc này schedule sẽ được sơn sửa lại và chưng bày trong vòng 2 tuần nửa, và họ thay thế bằng 1 loại phi cơ mà chồng bà nhà giàu kia đã từng bay hồi còn chiến tranh tại VN ! Ông Mikesh nói nếu ổng mà  không về hưu thì chuyện tráo trở này sẽ không bao giờ xảy ra !

Khoảng 18 năm trước, tôi đã có dịp ghé thăm chiếc C-130A 460 này, lúc đó máy lạnh bên ngoài chạy 24/24 các ống dẩn hơi lạnh vào máy, vào thân phi-cơ, để giử cho phi-cơ này luôn trong tình trạng khô ráo hoàn hảo. Ngày 23/3/2013  khi tôi mang gia đình trở lại, không ngờ đầu xuân rồi mà tuyến vẫn còn rơi ! Vì đã sắp xếp trước nên không thể đổi ngày, gia đình tôi được ông giám đốc Linden đích thân hướng dẫn ra thăm chiếc HCF-460 này. Bây giờ nằm trơ trụi giửa trời trong khu chờ để sơn sửa lại ? Máy lạnh bên ngoài nay đã ngưng chạy, các ống dẫn hơi lạnh đã bị hư hỏng… nếu không có $ (lại có cái màn thủ tục ” đầu tiên” tại Mỹ) thì không sớm thì muộn chiếc 460 này sẽ tàn tạ theo thời gian !

 Gởi quí vị vài hình ảnh chụp ngày thứ Hai 23/3/2013. Chiếc C-130A 460 một thời oanh liệt tại VN thuộc phi-đoàn 435 của tôi trước tháng 4/1975. Bây giờ nằm trơ trụi ngoài hàng rào, nếu có $ chiếc này sẽ được vào bên trong bảo tàng viện…. nếu không có $ thì chắc số phận biến thành đống sắt vụn một ngày không xa.!

Regards

Khiêm


 Di Tản Qua Mỹ 
 Tháng Ba, năm 1975, tôi (Mục sư Phạm văn Năm) còn giúp cho Mục sư Hà Thanh (Mục sư Thượng) ở Tầm Ngân (Phan Rang) mua một máy cày. Ngày 4 tháng 3-75, họ mời tôi lên làm lễ cảm tạ về việc họ nhận máy cày. Các anh em ở đó rất vui mừng vì từ đây họ có phương tiện cày xới đất đai để làm ruộng rẫy, bớt đi sự cực nhọc trong những năm qua. Vì từ trước đến giờ họ chỉ dùng tay mà cuốc đất! Ðồng thời cũng giúp tiếp cư một số người Thượng thuộc sắc tộc Stiêng từ An Lộc di tản xuống An Lợi lánh nạn. Có hơn 2000 người Stiêng đến An Lợi. Họ được chánh phủ cấp cho những lều, trại tạm cư. Các tín hữu từ Sài Gòn đến thăm thấy cảnh nheo nhóc của người tị nạn thật đáng thương. Ban Phụ nữ Tin Lành Thủ đô hiệp với Ủy Ban Cứu Tế Hội Menonite đem thực phẩm như: gạo, cá khô, nước mắm, lò nấu ăn bằng dầu lửa, mền, chiếu, đến cứu trợ cho con cái Chúa và đồng bào. Mục sư Ðiểu-Huynh chịu trách-nhiệm phần tâm linh; mỗi sáng và tối đều có truyền giảng tại trại. Có các vị Mục sư từ Sài Gòn như: Mục sư Phạm văn Thâu, Mục sư Trần xuân Hỉ và tôi đến giảng có rất nhiều người tin nhận Chúa thêm.

Họ tạm cư tại An Lợi chừng 4 tuần thì một số người Thượng và tín hữu độ 700 người rời An Lợi lên Bảo Lộc định cư. Một số các thanh niên (độ 30 em) được một người Ðan Mạch đưa về Sài Gòn, mướn một căn nhà ở đường Phan Thanh Giản số: 356/8 để huấn luyện, dạy học vì phần đông các em nầy thuộc thành phần bụi đời. Họ nhờ Truyền đạo Nguyễn Lâm Hương mỗi tối đến dạy các em học chữ Việt và dạy giáo lý. Một số chăm học rất tốt, nhưng số khác vẫn muốn theo bụi đời, không cải hóa nổi. Trong biến cố 30-4-75, các em nầy được người ta đưa qua Ðan Mạch định cư. Trong số những người Stiêng sang Ðan Mạch định cư có mấy anh em là tín đồ tốt, như: Ðiểu Huynh B (em vợ của Ðiểu Huynh A đã bị tù), Ðiểu Nơh, Ðiểu Sang, Ðiểu Bun, Ksrit v. v... Chánh phủ Ðan Mạch rất tốt đối với người Sắc tộc Stiêng. Họ giúp đỡ cho ăn học, đưa các anh chị em nầy đi du lịch xứ Thánh 2 lần. Sau nầy có thêm một người sắc tộc Chàm tên là ƯÙc Chiến Thắng, tin nhận Chúa và đã học 3 năm chương trình thần đạo tại Ðan Mạch. Ðiểu Huynh B cũng học Kinh Thánh và đang hầu việc Chúa giữa các anh em Stiêng tại Slègele, Ðan Mạch, rất đầy ơn. Khi sang Mỹ, chúng tôi có dịp đến thăm họ và giảng dạy cho họ hai lần.

Riêng phần chúng tôi vẩn cứ hầu việc Chúa tại Văn phòng Tổng Liên Hội số 155 đường Trần Hưng Ðạo. Mỗi ngày đến đó làm việc. Tôâi được cử làm Tổng Thơ Ký cho chương trình Truyền Ðạo Sâu Rộng từ năm 1970, cũng kiêm lo coi sóc phòng sách Tin Lành. Trước kia có cô Huỳnh thị Ngọc Dung lo việc bán sách tại đây. Nhưng về sau cô không làm nữa. Hội bèn cử Cô Nguyễn thị Hồng Ân, con cụ Mục sư Nguyễn văn Xuyến đảm trách. Cũng có cô Tuyết, con ông Thược ở Nguyễn Tri Phương phụ giúp.

Mỗi ngày như thường lệ, chúng tôi ra văn phòng làm việc, trưa về nhà con gái chúng tôi là Sophie ăn cơm, chiều trở lại làm việc đến tối mới về nhà ở đường Phan Thanh Giản số: 356/6. Ngày 20 tháng 1, bà gia tôi bị bịnh nặng phải vào bịnh viện Bình Dân giải phẩu ung thư cổ. Sau thời gian 2 tháng được lành bịnh trở về nhà ở Hòa Hưng, bà vẫn khỏe, đi nhóm lại nơi nhà thờ Bàn Cờ mấy lần, cũng dự lễ Phục Sinh vào ngày 29 tháng 3-75. Sau đó bà trở bịnh nặng và qua đời vào ngày 29 tháng Tư, 75! (nhưng chúng tôi đã rời khỏi Việt Nam vào ngày 3-4-75)

 Ngày 25 tháng 3-75, con trai thứ 7 của chúng tôi là Phạm Quang Khiêm, phi công máy bay vận tải C. 130 của quân lực Việt Nam Cộng-Hòa, đến văn phòng nói với chúng tôi rằng nó định đưa gia đình ra nước ngoài bằng máy bay, hỏi chúng tôi có đi không? Chúng tôi nghe nói như vậy thì giựt mình, không biết có biến cố gì xảy ra đây? (Lúc đó Ban Mê Thuột đã mất, Nha Trang, Ðà Nẵng đồng bào di tản vào Sài Gòn quá nhiều. Một số các Mục sư Truyền đạo từ miền Trung và Trung Bắc vào lánh nạn quá đông. Họ ở rải rác trong các Hội thánh vùng Thủ Ðô). Có vài tín hữu có mặt tại văn phòng, chúng tôi không nói gì cả, chỉ nói rằng nếu ba má có đi thì chỉ đi vòng vòng thôi. Trong trí chúng tôi nghĩ rằng chắc là chánh phủ ngầm ra lịnh như vậy, chớ nếu có thông báo chính thức thì máy bay đâu đủ để chở tất cả quân nhân và gia đình? Tuy nghe vậy, nhưng vài hôm sau cũng không chú ý đến nữa, về nhà cứ cầu nguyện tùy theo ý Chúa và sự dẫn dắt của Ngài, thời cuộc ra sao thì ra, chúng tôi không biết lo hay chuẩn bị gì hết.

Vài ngày sau con trai lớn của chúng tôi là Phạm Quang Minh, thiếu tá không quân Sư Ðoàn 5 tại Nha Trang cũng về Sài Gòn. Thế là tất cả các con lớn của chúng tôi đều có mặt tại Sài Gòn, chỉ có đứa con trai thứ 8 thì đang làm việc tại Vũng Tàu (dạy Anh ngữ trừơng Thiếu Sinh Quân) chiều Chúa nhựt đi, chiều thứ Sáu về Sài Gòn, vợ con đều ở Sài Gòn. Và một đứa con trai út đang đi lính không quân ở Phan Rang. Anh nó đã ra Phan-rang tìm nó về để nếu có di tản thì sẽ không thiếu ai. Nhưng anh nó bay ra Phan Rang tìm nó cả ngày mà không gặp; nhờ một ông trung úy cảnh sát cho mượn xe Jeep với điều kiện là khi máy bay C.130 của nó về Sài Gòn thì chở gia đình anh ta về với. Xe chạy khắp các phi đoàn, bắt loa kêu ầm ỉ mà không gặp em nó. Thất vọng Khiêm bay trở về Sài Gòn với số đông gia đình của quân nhân và cảnh sát. Ai nấy đều nghĩ rằng đứa em út nầy chắc chắn sẽ bị ở lại nếu sẽ di tản. Còn đứa con thứ 8 thì vẫn còn ra vô Vũng Tàu để dạy học hàng tuần. Các anh nó cho biết nên ở lại nhà vì từ đây đến thứ bảy 5-4-75 thế nào cũng có chuyến bay để di tản. Nhưng nó nói nếu ở lại mà không đi được thì sẽ bị phạt, vì vậy nên ngày Chúa nhựt 29-3-75, sau khi dự lễ Phục Sinh xong nó lên xe ra Vũng Tàu làm việc.

Từ đây, ba anh nó (đều là phi công) lo tính toan để ra đi. Việc phải đến đã đến! 3 anh nó thảo luận với một người bạn là thiếu tá Nguyễn Hữu Cảnh cũng lái C.130 trong phi đoàn vận tải với vài người thân tín khác như thầy Lưu văn Hồng, Lưu văn Hậu, (con cụ Mục sư Lưu văn Mão). Chúng đi xe Honda lên Long Thành xem xét một sân bay nhà binh bỏ hoang tìm địa điểm để máy bay có thể đáp xuống rước gia đình và thân nhân mà không bị phát hiện. Chúng nó hoạch định chương trình đồng thời cũng dò la xem coi ngày nào có máy bay đi công tác mà có thể lấy đi được. Phần lớn quân nhân ai cũng muốn lấy máy bay đưa gia đình ra ngoại quốc, nhưng không ai dám thực hiện, vì nghĩ rằng nếu ra đi mà nước Việt Nam mất thì không có gì đáng ngại, ngược lại, nếu Việt Nam không mất thì tất nhiên cả đám sẽ bị dẫn độ về để trị tội.

Phần chúng tôi chẳng hay biết gì về mưu-đồ của chúng nó; mỗi sáng sớm chúng tôi đều đến nhà thờ Bàn Cờ để cầu nguyện với ông bà Mục sư Nguyễn văn Phấn và vài con cái Chúa từ 6 giờ sáng đến 7 giờ sáng như thường lệ. Chúng tôi vẫn giữ đúng như vậy từ năm 1972, lúc nào chúng tôi đi xa thì thôi, nếu ở nhà thì vẫn cầu nguyện luôn như vậy.

 Sáng sớm ngày thứ 5, tức là ngày 3-4-75, chúng tôi nhóm cầu nguyện nơi nhà thờ Bàn Cờ, chúng tôi không nghe ai nói gì về sự di tản cả. Ðến 9 giờ chúng tôi vẫn đến văn phòng làm việc. Vì cuộc chiến ngày càng sôi động nên chúng tôi cũng ít đi đâu xa. Chúng tôi làm việc tại phòng; tôi lo cho chương trình Truyền Ðạo Sâu Rộng, nhà tôi có thì giờ rộng rải nên bà viết truyện tích Kinh Thánh về cuộc đời Giô-sép, cũng viết các Thi Thiên theo thể văn thi "Thượng lục hạ bát", đã viết được 17 thiên, đánh máy xong giao cho ông Mục sư Nguyễn Thanh Hằng, Chủ bút toà soạn Thánh Kinh Nguyệt San sẽ lần lược ấn hành lên báo. ( Rất tiếc, các bản thảo đều bỏ lại văn phòng, không mang theo được bản nào cả, bị mất hết).

Chúng tôi làm việc đến 1 giờ trưa, về nhà Sophie ăn cơm, có gặp Mục sư Trần Trọng Thục tại đó (ông từ Nha Trang vào) thì Sophie cho hay là Khiêm đến nói với nó rằng chiều nay lối 2 giờ sẽ tập trung nơi nhà ông bà Trần Phương (nhạc gia của Khiêm, tức là sui gia của chúng tôi) để lên Long Thành, máy bay sẽ đáp tại đó rước đi. Chúng tôi nghe qua rất bàng hoàng, không biết liệu làm sao đây; sẵn điện thọai nơi nhà Sophie tôi liền gọi vào Văn phòng Hội Hoàn Cầu Khải Tượng để báo tin cho Thu (là vợ Tuyên đang làm việc tại đó) hầu nó ra Vũng-tàu kêu Tuyên về. Nhưng điện thoại bận, gọi mãi cũng không được. Khi ngồi vào bàn ăn cũng không thể ăn nổi nửa chén cơm, lật đật chạy về, nhà tôi quơ vội vài bộ đồ, bỏ vào trong bao vải, tôi xách cái cặp da bỏ quyển Kinh Thánh và cái Radio nhỏ vào. Nhà tôi mở tủ áo lấy vài chiếc áo dài cũ, lấy cho tôi 2 bộ đồ ngủ, nhưng vì vội vả nên lấy quần nầy, áo kia, không đúng bộ gì cả. Còn phần nhà tôi thì mở tủ thấy cái hộp đựng phim có một ít tiền Thụy-sĩ mà lúc trước bà đi Thụy-sĩ mang về. Bà cầm cái ống nhựa lúc-lắc vài cái rồi quăng trở lại tủ (số tiền nếu mang theo thì đổi cũng được 10 đô-la, 30 quan Thụy Sĩ) Bà chụp lấy cái hộp đựng tăm xĩa răng mà bà đã mua mấy ngày trước đó. Bà mang theo bó tăm xĩa răng mà bỏ lại 10 đô-la! Sau khi sắp ít đồ đạc xong tôi vội chạy qua nhà thờ Bàn Cờ trao một thơ từ chức Trưởng Ban Cứu Tế và giao số tiền Ủy Ban nhờ mua sữa và mì gói phát cho đồng bào còn dư mấy chục ngàn lại cho Mục sư Ðoàn văn Miêng. Khi qua nhà tư thất ông Mục sư Phấn đi vắng chỉ có bà Mục sư ở nhà, bà cho biết gia đình bà cũng chuẩn bị lên nhà ông Phương để di tản! Chừng đó chúng tôi mới hay là ông bà Mục sư Phấn cũng được thông báo về việc nầy. Tôi trở về nhà (nhà chúng tôi ở phía sau nhà thờ Bàn Cờ) gặp Ðặng Minh Trí (bạn của Mỹ Vân) đến thăm từ giả Vân. Tôi liền nhờ Trí mang thư và tiền đến cho Mục sư Miêng. Chúng tôi vội vả mang đồ đạc lên xe Renault nhỏ chạy vào nhà ông bà Trần Phương. Ðến nơi đã thấy có nhiều người tại đó; nào gia đình ông bà Huỳnh văn Mừng, gia đình ông bà Mục sư Nguyễn văn Nhung, gia đình các con chúng tôi. Bà gia của Sophie là bà cụ Trần Ích lúc ấy đã 75 tuổi cũng có mặt, nhưng chưa thấy gia đình Mục sư Phấn. Ðộ hơn một tiếng đồng hồ sau thì xe taxi chở gia đình Mục sư Phấn đến, trong đó có Tấn là con trai út của chúng tôi ở Phan Rang (mà Khiêm, anh nó đã ra tìm nó trước kia mà tìm không được như tôi đã nói ở phần trên). Chúng tôi đều chưng hững vì nghĩ rằng 2 con trai của chúng tôi sẽ bị ở lại. Nay Tấn về là cả một phép lạ! Mọi người xúm lại hỏi thăm tại sao nó về được kịp lúc như vậy ? Tấn thuật lại rằng: Trưa ngày 3 tháng 4-75, thình lình ông xếp của nó là Thiếu tá Trước kêu nó lên máy bay về Sài Gòn với ổng, và ổng dặn nó về ở luôn trong Sài Gòn chớ đừng trở ra Phan Rang. Khi về nhà thấy nhà khóa cửa, nó đang bối rối thì gặp bà hàng xóm bước ra, nó hỏi thăm về chúng tôi, bà ấy nói rằng chúng tôi đi ngoại quốc rồi! Nó buồn bả bước ra định qua nhà chị nó là Sophie để hỏi thăm. Khi nó đang băng ngang qua đường Phan Thanh Giản thì cậu con trai Mục sư Phấn kêu nó lại (lúc ấy Mục sư Phấn đang kêu 2 xe Taxi chở gia đình vào nhà ông bà Trần Phương). Nó hỏi ông có biết chúng tôi ở đâu không? Ông trả lời là cứ lên xe đi với ông thì sẽ biết. Thế là trong phút chót Tấn được đi với chúng tôi, còn Tuyên bị ở lại. (Tuyên ở lại bị đi cải tạo trong trại tù cộng sản, hai năm 9 tháng).


Ðúng 4 giờ chiều ngày 3-4-75, nhận được điện thoại Khiêm gọi về từ phi trường cho biết phải lên đường ngay. Tất cả 6, 7 chiếc xe hơi đủ cở, đủ lọai đều chuẩn bị lên đường, tổng cộng 53 người đều là trong vòng bà con và tín hữu trong Hội thánh, chỉ 3 anh trong phi hành đoàn là những bạn hữu mà thôi, cộng là 56 người. Trong số 56 người nầy gồm có 3 vị Mục sư là: Mục sư Nhung, Mục sư Phấn và Mục sư Năm, cùng gia đình của các vị nầy, ngoài ra có gia đình của vài tín hữu là gia đình ông bà Huỳnh văn Mừng có 5 người, em Hứa Ngọ, em Lưu văn Tuấn (cháu nội cụ Mục sư Lưu văn Mão) bà cụ Trần Ích , Mục sư Nguyễn văn Nhung và gia đình, ông bà Trần Phương và gia đình (những vị nầy là sui gia của chúng tôi). Trước giờ khởi hành tất cả đều họp lại cầu nguyện, xin Chúa dẫn dắt vì đi như ông AÙp-ra-ham; đi mà không biết mình đi đâu! Tôi cầu nguyện, ai nấy đều thổn-thức, không biết lần ra đi cách táo bạo nầy sẽ ra sao? có bị bắt dẫn độ về không vì lúc ấy Sài Gòn vẫn còn rộn rịp. Nếu bị bắt, bị dẫn độ thì sẽ bị hình phạt như thế nào! Nét lo âu hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Dầu vậy cũng cương quyết ra đi vì tình hình ngày càng bi đát, giặc sắp đến nơi rồi sẽ chạy đi đâu nếu không ra khỏi nước? Các con chúng tôi nói rằng: "Nếu Ba Má không đi thì chúng con cũng phải đánh liều ra đi, vì chúng con là những kẻ dội bom trên đầu giặc nếu ở lại chắc sẽ bị chúng xử tử!" Chúng tôi nghe vậy cũng hiểu được những nỗi lo âu của chúng nó rất đúng, bởi vì trong 3 con trai của chúng tôi đều là phi công; đứa thì lái máy bay C.130, để vận tải, đứa thì lái phản-lực A.37 đi dội bom v. v... vì vậy chúng tôi cũng phải buộc lòng ra đi, mà ra đi rất sớm thì hậu-quả sẽ khó lường được đến mức độ nào! Ðoàn xe khởi hành nhắm sân bay Long Thành trực chỉ. Khi gần đến thấy có chiếc máy bay C.130 bay lượn trên vòm trời, mọi người đều hồi hộp không biết có phải là máy bay đến đón mình hay không! Khi vào đến sân bay thì máy bay đã đáp xuống rồi! Máy vẫn nổ, bụi bay mù mịt. Ai nấy lật đật xuống xe, tuôn đồ đạc vào trong máy bay. Khi hầu hết người lên máy bay thì thấy có một xe Jeep nhà binh chở 5 anh lính Biệt động quân từ đâu chạy đến. Nhà tôi còn đứng dưới đất, 2 tay xách 2 gói quần áo, cất tiếng kêu lớn: "Minh ơi! lính tới rồi kia kìa!" và nhà tôi muốn lui bước trở lại xe. Nhưng Minh là con trai lớn của chúng tôi chạy lại giựt 2 gói đồ và nói: "Má lên máy bay lẹ đi, ai nấy đều lên hết rồi sao má còn đứng đây?" Vừa nói nó vừa kéo nhà tôi lên máy bay . Khi nhà tôi đi từ phía sau ra chưa tới phía trước thì máy bay vụt cất cánh, nhà tôi té nhào xuống sàng máy bay rồi nằm luôn không ngồi dậy nữa! Tôi dòm lại phía sau thấy có một nhân viên phi hành đoàn, tai mang ống nghe, hai tay vịnh vào vai hai anh lính Biệt động quân nói gì đó không biết. Tôi hỏi con tôi tại sao nhân viên kia không đi? Nó nói vì anh nầy còn vợ con ở nhà nên anh ta không đi. Anh ấy nói cho mấy anh lính biết là có một tấn rưỡi gạo từ máy bay thả xuống để các anh nầy mang về và dặn họ đến tối hãy báo cho bộ Tư-lịnh biết là có chiếc máy bay C.130 đã rời khỏi nước. Các anh lính thấy gạo thì mừng quá, lo chở gạo về bán chia cho nhau được một triệu rưỡi đồng bạc Việt Nam lúc đó. (sau nầy khi di tản qua Mỹ, họ nói lại cho chúng tôi biết).

 Máy bay đã bay xa khỏi Sài Gòn, nhưng bay rất thấp, sà trên mặt biển, hơi nước bay vào mù mịt trong máy bay. Tôi hỏi môt anh trong phi hành đoàn là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cảnh, (là bạn của các con tôi, cũng là người ở Ðà Lạt mà chúng tôi có quen thân với gia đình nầy khi chúng tôi ở Ðà Lạt), tại sao có hơi sương mù mịt như vậy thì y nói là phải bay thấp để tránh Ra-đa phát hiện. Khi máy bay đang bay thì các anh em trong Phi hành đoàn thảo luận với nhau là nên đi đâu, người thì nói nên qua Phi   Luật Tân, người nói nên đi Thái Lan, nhưng anh Cảnh nói rằng anh chỉ biết đường bay qua Singapore mà thôi. Vậy nên bay qua đó. Khi gần đến nơi các anh nầy gọi đến sân bay Singapore xin đáp khẩn cấp vì thiếu nhiên liệu. Họ cho đáp xuống phi trường dân sự vào lúc 6 giờ chiều (nghe đâu đến 9 giờ tối Bộ Tư Lịnh tại Sài Gòn mới biết có chiếc máy bay C.130 ra khỏi nước). Hay tin nầy cả Sài Gòn đều xôn xao bàn tán; người bàn qua, kẻ tán lại, nào là chiếc máy bay ấy chở toàn là triệu phú trong Chợ Lớn, đem theo vàng bạc rất nhiều, nào là có cả ông Bộ Trưởng Tài Chánh của Chánh phủ cũng đi trong chuyến đó v. v... Nhưng họ đâu có biết rằng chúng tôi ra đi là để tránh nạn chớ có chở người nào ngoài những người thân thuộc trong gia đình đâu! Vì theo ý người ta nghĩ nếu đã có ý định táo bạo như vậy ắt phải có lợi gì người ta mới làm! Nhưng họ đâu có biết chúng tôi là con cái Chúa ra đi không phải vì tư lợi mà vì muốn cứu cả gia đình thoát khỏi thảm họa sau nầy mà thôi. Khi máy bay đáp xuống thì có nhân viên tại phi trường ra tiếp đón; họ mang bánh, mang sữa ra cho mọi người. Thức ăn thật nhiều, chỉ có mấy em nhỏ thích ăn, người lớn không ăn gì được cả, phần lo âu không biết tương lai ra sao, diển biến như thế nào có được bình an hay bị dẫn độ về nước? Các con tôi tiếp xúc với chánh quyền tại Singapore, cho biết rõ về tình hình chiến sự rất khốc-liệt không thể ở trong nước được nữa nên phải liều chết ra đi. Họ cũng báo tin cho Ông Ðại sứ Việt Nam (Lúc ấy là ông Diểm). Ông thân hành đến phi trường tìm hiểu nguyên do, ông rất thông cảm nên không bắt chúng tôi quay về Việt Nam. Ông bảo cứ vào phi cơ ngủ để chờ sáng mai sẽ hay. Chúng tôi lên máy bay nhóm lại cầu nguyện, hát Thi Thiên 23: rồi sửa soạn chỗ ngủ. Mới nằm một chút chưa ngủ thì có lính cảnh sát tới, lên máy bay xem xét coi có chở vũ khí gì không (các anh em trong Phi hành đoàn đã quăng tất cả súng ống xuống biển khi vừa đến hải phận quốc tế). Khám xong họ bảo tất cả lên máy bay ngủ tạm. Vừa lên máy bay thì đoàn y tế và cảnh sát lại đến mời mọi người ra khỏi máy bay đặng chích ngừa. Ban y tế đến khám sức khoẻ cho từng người và chích ngừa cho ai không có giấy chứng đã chích thuốc tại Việt Nam. Chích xong họ đưa tất cả mọi người lên xe ca chở đến một địa điểm phía Nam Singapore. Họ đưa chúng tôi vào căn cứ dùng để cai ma túy. Họ chỉnh trang lại nên tương đối sạch sẻ. Họ dọn cơm cho mọi người ăn (56 người lớn nhỏ). Họ nấu cơm ăn với cá mòi hộp (kể cũng sang lắm đấy chứ!). Nhưng cơm lại sống nhăn không ăn được gì cả! Hôm sau, họ mua cá thịt, rau cải, thơm và đậu hủ, rau muống đem vào bếp cho chúng tôi tự nấu ăn. Mỗi ngày 3 bửa; sáng ăn bánh mì với mứt, bơ, các em nhỏ thì mỗi em được một quả trứng gà luộc, kẹo, bánh cho các em rất nhiều. Chỗ chúng tôi ở có nhà bằng gạch ngói, 2 từng, từng dưới phái nam, từng trên phái nữ. Mỗi sáng thứ tư họ cho chúng tôi nhóm chung trong một phòng rộng để cầu nguyện. Mỗi sáng Chúa nhựt có sự nhóm họp thờ phượng Chúa, có ông Mục sư người Trung Hoa vào giảng, ông Huỳnh văn Mừng thông dịch. Chúng tôi ở đó trong tuần lễ đầu, tất cả đều khỏe mạnh, có nha sĩ vào khám và chữa răng. Những người Trung Hoa phụ giúp trong nhà bếp đều là tín đồ. Họ biết chúng tôi cũng là tín đồ Tin Lành nên họ mừng lắm và rất tử tế. Ở đó họ không cho nghe Radio nên không biết tình hình chiến sự tại Việt Nam ra sao, diễn tiến như thế nào. Chúng tôi cứ cầu nguyện giao phó đời sống trong tay Chúa, không biết Chúa sẽ định đoạt cho mình như thế nào. 

 Chúng tôi ở đó 3 tuần lễ, rất buồn, phần nhớ nhà, nhớ con còn bị kẹt lại, nhớ quê hương, mỗi khi cầu nguyện chỉ khóc với Chúa mà thôi. Vài ngày thì những vị coi sóc trong trại nầy báo cáo cho biết tình hình chính trị tại Việt Nam sơ qua thôi. Có lần con tôi hỏi ông xếp trong ấy rằng tiền đâu mà họ mua thức ăn cho chúng tôi nhiều vậy, thì các ông ấy trả lời là của quỹ xã hội. (sau nầy chúng tôi mới biết là do ông Giáo sĩ Pendell, trước có làm giáo sĩ tại Việt Nam; hiện ông làm Trưởng Ban Cứu Tế thế giới, ông đã gởi 20 ngàn Mỹ kim cho chánh phủ Singapore dùng nuôi chúng tôi và cũng xin họ đừng trả chúng tôi về Sài Gòn, vì Giáo sĩ Revelle gọi điện thoại về Hội Truyền Giáo bên Nữu Ước cho hay có 3 gia đình Mục sư trong chuyến bay ấy. Hội Trưởng Hội Truyền Giáo là ông Bailey Nathan cùng ông Tổng Thơ Ký Louis King gọi điện thọai qua Singapore xin chánh phủ cứ giữ chúng tôi lại. Vậy họ giữ chúng tôi cách cẩn-thận, không cho ai vào thăm chúng tôi. Có ai hỏi thì họ nói đã gởi chúng tôi về Sài Gòn rồi! Khiến Hội Truyền Giáo gọi điện thoại hỏi lại thì họ nói chúng tôi còn đây. Họ nói họ bảo vệ chúng tôi, sở dĩ họ nói gởi về Sài Gòn là để đánh lạc hướng mà thôi).

Trong mấy tuần lễ sống tại Singapore lòng chúng tôi ngày đêm thấp thỏm đợi chờ, không biết mình sẽ đi đâu! Một ngày kia có cuộc thăm dò ý kiến của mọi người xem thử mình thích ở đâu. Kết quả; phần đông muốn đi Úc, số khác muốn đi Pháp, có người muốn sinh sống tại Singapore, ít có người muốn đi Mỹ vì Mỹ xa quá! Ai nấy ghi những sở ước của mình, hi vọng sẽ có thể thực hiện được nên cứ cầu nguyện luôn. Chúng tôi cứ chờ đợi, mỗi ngày ăn uống no đủ không thiếu thốn gì hết.

 Ngày 25 tháng 4-75, ông xếp của trại kêu Sophie ra trước hàng ba nói cho nó biết rằng: "Nước Việt Nam đến hồi nguy ngập lắm! Ông Thiệu đã từ chức Tổng Thống nhường lại cho Thủ Tướng Trần văn Hương, nhưng Việt Cộng không chịu bảo ông Thiệu giao chức Tổng Thống lại cho tướng Big Minh, như vậy Sài Gòn sắp rơi vào tay cộng sản! Chúng tôi được điện thoại từ Washington cho biết đã mua vé bay cho tất cả quý vị là 56 người sẽ đi Mỹ. Chúng tôi cho bà hay để chuẩn bị, nhưng khoan tuyên bố cho ai hay, nếu nói sớm quá làm họ hi vọng rủi có gì trở ngại họ sẽ thất vọng tội nghiệp! Tôi cũng cho quý ông ở từng dưới biết như vậy. Khi nào tôi được điện thoại cho biết lúc nào sẽ lên đường, lúc ấy sẽ báo cho mọi người hay." Sophie mừng quá vào giường ngủ nói lại cho nhà tôi hay. Chúng tôi ở từng dưới cũng được báo tin như vậy cho con trai tôi hay. Báo hại cả đêm hôm đó không ai ngủ được; hể nghe tiếng điện thoại reo là trong bụng mừng chắc rằng mình sắp được đi Mỹ! Cứ trằn trọc cho đến sáng sớm hôm sau cũng không nghe động tỉnh gì cả. Buổi sáng mấy bà xuống bếp lo bữa ăn điểm tâm. Ðến 10 giờ mấy bà lo bữa ăn trưa như thường lệ. Nhà bếp mua cá nục đem về rất nhiều, họ có cho 5, 6 trái mít non luộc để làm gỏi. Thình lình nghe tiến la hét từ trên lầu, tiếng giậm chơn đùng đùng, mấy bà ở dưới bếp, và chúng tôi ở từng dưới không biết có chuyện gì xảy ra. Kế nghe tiếng Mỹ Huê, con gái út của chúng tôi từ trên lầu chạy xuống cất tiếng kêu lớn: "Má ơi lên sửa soạn đồ để đi, mau lên". Nó vừa nói vừa hớt hải chạy vào bếp. Nhà tôi đang làm cá, Bà Huỳnh văn Mừng đang vo gạo nấu cơm. Nhà tôi lính quýnh không biết làm sao, thì anh xếp nhà bếp nói với nhà tôi rằng: "Thôi, bà bỏ đó cho chúng tôi, lên sửa soạn đồ để đi!" Nhà tôi rửa tay rồi chạy lên thu xếp quần áo tưởng rằng sẽ được đi Mỹ ngay hôm ấy.

Chuẩn bị xong, họ đem 2 xe ca để chở thanh niên và người mạnh khoẻ. Một xe Limousine để chở người già và em nhỏ nhứt. Người già nhứt là bà cụ Ích, 75 tuổi, kế đến nhà tôi, nhỏ nhứt là Phạm quang Phi, con của Khiêm mới có 8 tháng. Bà cụ Ích lên xe nầy, nhà tôi bồng Phi lên theo, họ kêu Sophie đi với để ông Trưởng Ty Công An giải thích những diển-biến xảy ra từ khi chúng tôi đến Singapore. Ông nói rằng: "Ðáng lẽ tôi đã đi công tác bên Âu Châu rồi, nhưng thình lình có máy bay của quý vị đáp xuống, mà Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã đi Thái Lan nhóm Hội Nghị, nên tôi phải hoãn chuyến đi lại đến tháng sau, để có thì giờ sắp xếp việc rắc rối nầy. Nếu có Thủ Tướng ở nhà thì chắc ổng đã gởi quý vị về Việt Nam rồi!" Nhà tôi nghe vậy thì trong lòng thầm tạ ơn Chúa vì sự sắp đặt của Ngài thật kỳ diệu. Nếu máy bay chúng tôi đến Singapore mà Thủ Tướng Lý Quang Diệu còn ở trong nước thì nguy cho chúng tôi quá! Chúa đã sai ông qua Thái Lan để nhóm với Thủ Tướng Thái về tình hình Ðông Dương. Ông mới đi hơn 1 tuần lễ thì chúng tôi đến. Thật là đúng lúc! Nhà tôi liền hỏi ông Trưởng Ty Công An: "Nếu ông đi thì bao lâu ông sẽ về?" Ông nói: "Tôi có chương trình đi Âu Châu 2 tháng." Rồi ông cũng hỏi thăm về tình hình tại Việt Nam và tại sao chúng tôi lại đi ra quá sớm như vậy ? Nhà tôi và Sophie nói cho ông biết rằng vì thấy tình thế càng khẩn trương, chúng tôi không muốn ở dưới chế độ cộng sản nên phải ra đi. Ra đi nhưng không biết mình đi đâu! Ông liền hỏi: "Chắc quý bà chưa đến Singapore lần nào phải không?" Nhà tôi nói cho ổng biết là nhà tôi đã đến Singapore vào năm 1968, để học về môn Phổ biến Kinh Thánh trong vòng 2 tuần lễ, té ra ông nầy cũng là tín đồ Tin Lành! Nghe vậy ông liền ngỏ ý chở mấy người trên xe của ông đi vòng quanh Singapore xem phong cảnh, nên xe đến chậm, các xe kia đã tới điểm hẹn mà mãi đến hơn nửa giờ sau xe của ổng mới đến. Những người đi trên xe ca thấy xe của ông Trưởng Ty nầy đi đâu mất, họ lo sợ không biết có gì xảy ra không. Khi xe ông đến, ai nấy đều mừng!

 Ðến mé bờ biển, họ đưa chúng tôi xuống tàu thủy chạy qua hòn đảo cách xa thành phố Singapore độ l tiếng rưỡi đồng hồ. Ðến nơi người ta đưa tất cả lên một trung tâm nghỉ mát của đảo nầy. Họ sắm giường nệm cho mỗi người, chuẩn bị thức ăn rất đầy đủ và dư dật nữa! Ăn uống xong thì được tin sẽ có phái đoàn từ Singapore sang thăm để tặng quà cho chúng tôi. Cũng có phái đoàn truyền thanh, truyền hình đến ủy lạo, thu hình phát trên đài truyền hình Singapore ngay hôm sau đó. Có các vị giám đốc, thanh tra của các cơ quan chánh-quyền Singapore đến độ 10 người thăm những người tị nạn đầu tiên nầy mà chánh quyền Singapore được hân hạnh đón tiếp. Họ cũng không biết chúng tôi thuộc thành phần nào mà ở Washington lại theo dõi, chú-ý, chăm sóc rất cẩn thận, gởi tiền nuôi chúng tôi, gởi vé bay để mang hết mọi người về Mỹ, nên họ rất nể chúng tôi. Chúng tôi cũng chuẩn bị đứng thành hàng để đón tiếp. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao họ lại quá tử tế như vậy. Thấy họ có vẻ rất quý chúng tôi, chúng tôi rất mừng và tạ ơn Chúa mà thôi.

Lối 5 giờ chiều phái đoàn đến. Họ mang theo nhiều quà, bánh, kẹo, thực phẩm và nhiều thứ khác nữa. Họ đến chào thăm yên ủi, ủy lạo chúng tôi cũng xin lỗi chúng tôi nếu trong thời gian 3 tuần lễ ở trong trung tâm Singapore có nhơn viên nào đối xử với chúng tôi không được nhã nhặn thì xin chúng tôi bỏ qua cho! Chúng tôi rất cảm động. (Thật ra trong thời gian ở tại Singapore, những nhơn viên ở đó đối xử với chúng tôi rất tốt, rất tử tế, vì phần lớn họ là tín đồ. Họ hay hát thánh ca trong tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa, chúng tôi nghe cũng hát theo họ những bài thánh ca nào mình quen thuộc, nên họ vui lắm.) Sau khi phái đoàn thăm viếng, quay phim và cuộc thăm viếng của họ xong, họ liền xuống tàu trở về Singapore. Họ cũng nói là họ sẽ chiếu hình ảnh nầy trên đài truyền-hình tối hôm sau tại Singapore. Chiều hôm ấy mấy bà xuống nhà bếp thấy có một bao gạo 100 ký-lô! Một bao bố lớn đựng bún tàu, một tủ lạnh lớn đựng thịt gà đã làm sẵn, một thùng lớn dầu ăn và rau cỏ rất nhiều. Mấy bà liền nấu miến gà ăn no nê. Ăn xong các thanh niên ra bờ biển đem đàn guitar ra đàn hát suốt đên không ngủ vì biết rằng mình đã được tự do rồi, nhưng không biết mình sẽ ở đây bao lâu! Tại sao họ chưa cho mình đi Mỹ? Sau nầy chúng tôi mới biết là có lịnh của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm sai người qua dẫn độ chúng tôi về, nên chính quyền Singapore vội vả đưa chúng tôi sang hòn đảo khác để những người đến Singapore bắt chúng tôi thì sẽ không biết chúng tôi ở đâu! Sau nầy, khi chúng tôi sang Mỹ thì được những quân nhân từ Sài Gòn sang có mang theo tờ Sự Vụ Lịnh của chánh phủ Sài Gòn phái sang bắt chúng tôi và dẫn độ về. (Các anh em nầy trao cho ông Trần Phương tờ Sự Vụ Lịnh đó. Ông Trần Phương làm photo gởi cho mỗi gia đình một bản để kỷ niệm) Phái đoàn dẫn độ gồm 12 vị: Trung tá Phạm Ngọc Thủy, Thiếu tá Nguyễn Ngô Phúc, Hai vị Ðại-úy là Nguyễn Quý Phách, Hồ khắc Nghiêm, Trung-úy Ngô văn Khang, Nguyễn xuân Sơn. Thượng sĩ: Ðào Trọng Bảo, Thái Ðức Hồng, Nguyễn văn Ðể, Trần Tri, Võ văn Hưng, còn một vị nữa mà vì bị lem luốt in không rõ tên. Phi hành đoàn gồm Ðai tá Bùi Hữu Thế, Thiếu tá Nguyễn Bá Luân, Ðại úy Phan Xuân Hòa, Thượng sĩ Lê Lành, Thượng sĩ Nguyễn văn Chánh. Phái đoàn mang theo 12 khẩu súng lục, mang theo 195 ký-lô hành lý phụ trội về vật dụng vô tuyến và an ninh cứu cấp... Sự Vụ Lệnh nầy ký ngày 7 tháng tư năm 1975 sẽ đi vào ngày 8 tháng 4-75. Nhưng đến khuya ngày 7-4-75 thì có lịnh hủy bỏ chuyến đi dẫn độ do Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ký. Các vị nầy rất buồn vì trong thâm tâm của họ là khi ra đi họ sẽ đi luôn không trở lại Việt Nam, nên họ rất tiếc!

 Chúng tôi ngủ một đêm tại đảo nầy. cũng không biết tên là đảo gì vì không ai hỏi nhân viên trên trung tâm. Sáng hôm sau mấy bà lo sửa sọan nấu miến gà ăn nữa. Ðang gở bún tàu, bắt nước luột gà thì được báo tin là chúng tôi phải trở về Singapore để lên máy bay đi Mỹ gấp! Chúng tôi đành phải ăn bánh mì với cá hộp chớ không kịp nấu nướng gì vì thì giờ rất cấp-bách. Chúng tôi lại chuẩn bị xuống tàu trở qua Singapore. Tàu vừa cập bến đã thấy có 2 xe buýt đậu sẵn. Khi mọi người lên xe thì xe phát chạy rất nhanh, bất kể đèn xanh, đèn đỏ, xe chạy như xe cứu thương có những xe moto của Cảnh sát chạy hai bên hộ tống, giống như đoàn xe hộ vệ cho tổng thống vậy! Xe chạy chừng 20 phút đến ngả tư có đèn đỏ, một xe chở gỗ chạy trước ngừng lại chờ đèn, nhưng anh tài xế xe Bus cứ bóp còi inh-ỏi để xe chở gỗ chạy đi. Nhưng đèn đỏ làm sao họ dám chạy! Xe buýt cứ bóp còi, xe chở gỗ cứ đứng yên. Khi đèn bật xanh thì xe chở gỗ bắt đầu chạy, 2 xe buýt vụt chạy qua mặt xe chở gỗ, tài xế xe buýt chạy ngang còn kêng tài xế xe chở gỗ nữa! Sau đó họ chạy nhanh đến phi trường Singapore. Nơi đây đã có chiếc máy bay Pan Am chực sẵn. Chúng tôi rất mừng, nhưng lại lo, không biết họ chở mình về Sài Gòn hay đi Mỹ? Nhưng nhớ lời của nhân viên trong trại bửa trước đã nói cho chúng tôi biết là đã có người mua vé bay cho 56 người đi sang Mỹ nên chúng tôi yên tâm. Chúng tôi được người ta cho lên máy bay trước, xong rồi hành khách mới lên sau.

Máy bay bay từ 3 giờ chiều, đến 10 giờ đêm thì tới đảo Guam. Máy bay đáp xuống, chúng tôi tưởng mình sẽ phải xuống đây. Nhưng thình lình nghe nhơn viên phi hành đoàn cho biết chúng tôi phải đến Saipan, cách Guam độ 20 phút bay. Chúng tôi ngồi im, nhưng ai nấy rất hồi hộp không biết Saipan là đảo nào, xem trên bản đồ không thấy vì rất nhỏ.

Khi máy bay đáp xuống sân, chúng tôi nhìn ra ngoài thấy có rất đông người đến đón, tưởng rằng những người ấy là những người di cư trước, họ hay chúng tôi đến nên ra đón chào. Ðến khi ra khỏi máy bay mới biết đó là những thổ dân tại Saipan ra đón chúng tôi do một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Mỹ cổ vỏ để họ ra sân bay đón tiếp người tị nạn đầu tiên. Có hơn 100 người cả nam lẫn nữ, già, trẻ đứng sắp hàng trong sân bay; Khi chúng tôi đi ngang qua họ chào chúng tôi nhưng chúng tôi không hiểu gì cả khiến họ rất bỡ ngỡ. Họ đưa chúng tôi đến một hội trường rộng rải, có một Mục sư Mỹ thuộc Hội thánh Báp-tít đến ủy lạo chúng tôi. Ông nầy có một người anh đi lính bên Việt Nam và đã chết tại Huế! Chúng tôi ngồi nghe ông giải thích về cuộc di cư của người Việt Nam hiện ở Guam có gần 20 ngàn người! Ông cũng cầu chúc cho chúng tôi sớm được an-cư lạc-nghiệp nơi xứ người! Sau đó có mấy người đến bảo chúng tôi đi theo họ. Chúng tôi cũng không biết họ đưa đi đâu. Khi vào thang máy họ đưa lên lầu 2 thì mới biết đây là khách sạn Continental! Một khách sạn lớn và sang trọng mới xây độ 6 tháng trước đây. Khi đến cửa phòng khách sạn các anh bồi phòng đẩy xe hành lý của chúng tôi vào phòng rồi bảo chúng tôi theo họ vào trong. Chúng tôi rất lấy làm lạ lùng, ngơ ngác vì thấy khách sạn quá sang trọng, họ cho ở đây thì tiền đâu trả cho nổi ? Dâu thứ tư của tôi đứng tại cửa phòng kế bên phòng chúng tôi và la lớn: "Má ơi! Mình là cái gì mà họ đem ở đây rồi tiền đâu mà trả cho họ?" Nhà tôi trả lời rằng: "Họ bảo ở đây thì mình cứ ở rồi sau sẽ hỏi lại." Chúng tôi vào phòng, mỗi phòng 2 hay 3 người tùy theo gia đình nhiều người hay ít. Gia đình đông thì chia 2 hay 3 phòng. Tất cả chúng tôi có 56 người lớn nhỏ, họ cho ở 18 phòng! Lần đầu tiên chúng tôi đựơc ở trong một khách sạn sang trọng và lớn như vậy. Chúng tôi khi còn ở Việt Nam cũng có đi ngoại quốc dự các cuộc hội thảo, nhưng không có ở trong khách sạn nào sang như thế! Mỗi ngày bồi phòng đến thay drap trải giường, dọn giường giống như một khách du lịch. Thật là nghèo xơ xác mà lại ở Hotel hạng nhứt giống như khách sang trọng từ các nước ngoài đến nghỉ mát! Họ để riêng một phòng lớn cho chúng tôi làm phòng ăn. Họ cho ăn uống rất đầy đủ và dư dật nữa; có hồ tắm, tha hồ mà tắm. Vì sát bờ biển nên chúng tôi đi dọc theo mé biển chơi; thấy rau câu tắp trên mé biển rất nhiều. Nhà tôi và con tôi hốt đem về định nấu xu xoa ăn, nhưng không có phương tiện nên đem quăng xuống biển lại!

Tại đây nhiều khách du lịch đến nghỉ mát, có một số rất đông người Nhựt đến đây xem những chứng tích của "thế chiến thứ II Mỹ-Nhựt". Có những di tích của thời chiến, nhiều người Nhựt tự tử khi nghe tin Nhựt Hoàng đầu hàng Mỹ!

Chúng tôi ở đây một tuần lễ. Trong những ngày tạm trú tại đây thì có bà Nguyên (một Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Mỹ đang làm việc tại đảo nầy). Chính bà đã huy động những thổ dân trên đảo đến đón chúng tôi tại phi trường Saipan khi chúng tôi mới đến. Bà hay đến thăm chúng tôi, bà biếu cho chúng tôi một chai mắm nêm! Chúng tôi mừng lắm, mỗi người gắp ít con mắm ăn với cơm. Nhưng vì không có trộn thơm hay chanh đường gì hết nên mặn quá, dầu vậy ăn cũng thấy ngon. Sau một tuần lễ trôi qua thì có lịnh cho chúng tôi phải rời khỏi nơi đây. Trước khi chúng tôi đi độ 2 ngày, ông chủ khách sạn đến nói với chúng tôi rằng: "Ông được điện thoại từ Washington D.C. bảo ông tiếp đón chúng tôi thì ông cứ vâng lời; ông cũng không biết ai gọi, và ai sẽ đài thọ mọi phí khoản cho chúng tôi trong những ngày ở tại khách sạn nầy! Và ông nói rằng vài ngày nữa chúng tôi sẽ rời khỏi đây, nếu không ai thanh toán số tiền chi phí suốt một tuần lễ số tiền là 7 ngàn đô-la cho khách sạn thì ông kể như ông bị thua cờ bạc!" Chúng tôi hỏi ông tại sao họ không đưa chúng tôi đến chỗ nào khác để ở mà lại đem chúng tôi ở khách sạn sang quá như vậy? Ông trả lời là tại đảo nầy chỉ có một khách sạn duy nhứt chớ không có chỗ nào khác cả! Chúng tôi nghe vậy rất lo ngại và cũng tội nghiệp cho ông vì ông đã lo tiếp chúng tôi, cho ăn uống đầy đủ, tốn kém quá nhiều, nếu không ai đài thọ, trang trải thì ông sẽ bị thiệt thòi quá!

 Nhưng đến tối hôm sau ông hớn hở đến nói với chúng tôi rằng đã có người thanh toán số tiền cho ông rất đầy đủ, tất cả là 7 ngàn đô-la! Chúng tôi thầm tạ ơn Chúa. Sau đó chúng tôi hỏi ông ai đã trả số tiền đó thì ông nói không biết! Thế là sáng hôm sau nhằm ngày thứ Năm, tức là 3 tháng 5-75 chúng tôi chuẩn bị lên đường để đến đảo Guam làm thủ tục sang Mỹ. Khi chúng tôi đến phi trường Sai-pan thấy một người đến chỗ để hành lý của chúng tôi cột vào mỗi giỏ xách một bản có chữ I.S.E.M. chúng tôi hỏi họ là ai đã mua vé bay cho chúng tôi thì họ nói là I.S.E.M. Chúng tôi cũng không biết nghĩa của chữ I.S.E.M. là gì, cũng không được ai giải thích nên cũng im luôn; không biết ai mua vé bay chỉ biết rằng Chúa cho đi thì cứ đi, ai mua cũng được!

Máy bay chở chúng tôi đến Guam lúc 11 giờ sáng, ngày 3 tháng 5-76. Ðến Guam chúng tôi gặp rất nhiều con cái, tôi tớ Chúa từ Việt Nam di tản sau chúng tôi song lại đến Guam trước chúng tôi. Lúc xe ca đưa chúng tôi từ phi trường về trại thì mgười đầu tiên chúng tôi gặp là ông Mục sư Trương văn Tốt, chúng tôi rất mừng, kế đến gặp cô Mỹ Phước, con cụ Mục sư Ðoàn văn Miêng, sau đó gặp gia đình Phạm Quang Phẩm là em ruột tôi. Chúng tơi gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, nước mắt ràn rụa, hỏi thăm về diển biến ở Việt Nam. Cũng gặp các vị Giáo sĩ như ông Franklin Irwin, ông Johnson và vài vị khác.

Mấy ngày trước đó chúng tôi ở Hotel rất sang trọng, nay đến đây phải ở trong lều trại, trời nóng như thiêu, khát nước quá nhưng không có tiền mua nước uống. Thình lình chúng tôi thấy ông Johson mang đến trại cho chúng tôi một bịt nước đá, 20 cái ly nhựa và một bình nước lạnh. Ôi! Chúng tôi vui mừng quá đổi, lấy nước ra uống; trại bên cạnh thấy chúng tôi có nước uống họ cũng qua trại chúng tôi xin nước uống vì họ cũng khát nước như chúng tôi. Chúng tôi chia cho họ nữa nước lạnh và nước đá. Họ mừng rỡ vô cùng!

        Ngày sau chúng tôi gặp gia đình người em thứ 6 của tôi (ông Phạm văn Quang) vừa mới đi tàu thủy đến. Ai nấy đều bị đau mắt. Chúng tôi mừng quá hỏi thăm nhau rối-rít. Trưa hôm ấy có người dẫn chúng tôi đến trại cụ Mục sư Lê văn Thái, cụ bà Mục sư Trần văn Ðệ, Mục sư Lê Hoàng Phu, Mục sư Nguyễn Châu Chánh v. v... Mỗi ngày phải lên sắp hàng tại cơ quan làm việc của người Mỹ để được đi sớm vì quá nóng bức, phần tiện nghi rất thiếu thốn, chỗ ăn, chỗ ở tương đối dễ chịu, chỉ phòng vệ sinh là khổ nhứt, phải đi thật xa, phần thiếu phương tiện, phần quá đông người nên thật khổ sở không tả xiết; ai nấy cũng muốn được đi cho mau. Ban đầu nghe chỉ thị là những phụ nữ Việt Nam là vợ của quân nhân Mỹ sẽ được đi trước tiên, kế đến công tư chức làm việc cho người Mỹ, sau hết mới tới thuờng dân! Nghe vậy chúng tôi rất là thất vọng, không biết đến bao giờ mới tới lượt mình! Người tới càng ngày càng đông, mỗi ngày giang nắng sắp hàng để xin giấy ra đi. Chúng tôi ở Guam 4 ngày thì có chỉ-thị là: "Hễ chuyến bay nào đến trước thì được đi trước chớ không chia giai-cấp như trước kia nữa" vì có nhiều người khiếu nại, họ là những quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa trước kia đã liều mình chiến đấu, nay lại phải bị sắp vào hàng thứ yếu sau các bà, các cô bán Bar thì không công bình chút nào cả! Vì thế mới có sự thay đổi như trên.

Chúng tôi ở Guam được 2 ngày thì em tôi là ông Phạm quang Phẩm đem đến giúp chúng tôi 20 đô-la! Chúng tôi thật là mừng vì chúng tôi rời Việt Nam không có một đồng đô-la nào cả. Khi đến Saipan, ông Tuyên úy Mỹ có cho chúng tôi một đô-la, nhưng ông đã ký tên trên tờ giấy bạc ấy để làm kỷ niệm nên chúng tôi không muốn dùng. Bây giờ có 20 đô chúng tôi mừng quá, vì có tiền mua nước uống, mua thêm thức ăn và mua vài món đồ chi-dụng lặt-vặt khác. Chúng tôi cũng mượn của ông Giáo sĩ Franklin Irwin 100 đô, hẹn khi đến Mỹ các con tôi sẽ trả lại ( chúng tôi có 2 con gái đã sang Mỹ du học vào năm 1973). Ông cho mượn, nhờ đó khi vào trại tị nạn có chút ít tiền chi-dụng.

Ngày 9 tháng 5-75, chúng tôi xem trên bản đồ thấy số chuyến bay của chúng tôi được cấp giấy cho sang Mỹ. Con trai út của chúng tôi là Tấn đến lo thủ tục lúc 2 giờ chiều, đến 6 giờ tối xe buýt chở chúng tôi đến một trại lính. Nơi đây chúng tôi gặp gia đình ông bà Lê Quang Vĩnh là tín đồ của chúng tôi ở Vĩnh Long mà tôi đã tường thuật trước kia, chúng tôi thật mừng. Ở đây một đêm, sáng hôm sau xe buýt đưa chúng tôi đến Hotel Tokyo của Nhựt cũng ngủ một đêm nữa mới lên máy bay lúc 11 giờ đêm, hôm sau sang Mỹ. Máy bay đến Honolulu lúc 10 giờ sáng, nghỉ vài tiếng đồng hồ mới bay thẳng đến California. Khi ở Guam chúng tôi làm thủ tục đi Florida vì nghe ở Cali. có rất nhiều người Việt. Vả lại khí hậu ở Florida rất giống như ở Việt Nam. Nhưng khi lên máy bay họ đưa chúng tôi qua Cali! Chuyến xe buýt chở gia đình tôi trong một hộ có 5 người, còn 4 gia đình của các con chúng tôi đi trên một chuyến xe buýt khác chúng tôi không gặp lại, không biết họ đưa chúng nó đi đâu! Sau nầy họ đưa chúng tôi vào trại Pendleton, trại 5. Hai gia đình của các con trai khác của chúng tôi ở trại 7 tức là Onofree, còn 2 gia đình của con gái lớn và con trai lớn thì họ đưa qua Fort Smith. Gần 3 tuần lễ sau khi vào trại chúng tôi mới gặp được 2 gia đình các con tôi ở trại 7, còn 2 gia đình kia chúng tôi nhờ Hội Hồng Thập tự kiếm giùm xem chúng nó ở đâu. Nhưng qua tuần sau họ cho hay là không tìm được! Chúng tôi rất buồn song chỉ cầu nguyện Chúa mà thôi.

Trong thời gian chúng tôi ở trại có ông Mục sư Louis King là Thơ Ký của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đến thăm. Gặp chúng tôi ông ấy rất mừng vì khi còn ở Việt Nam thỉnh thoảng ông có qua thăm Hội  Thánh Việt Nam nên chúng tôi quen ông nhiều. Khi nhà tôi đi dự Hội nghị Tin Lành thễ giới tại Thụy Sĩ do ông Billy Graham tổ chức ở Lausanne, thì ông có mở buổi tiệc tiếp tân cho tất cả những người thuộc Alliance từ các nước đến tham dự. Nhà tôi được mời đến nên nhà tôi và tôi đều rất quen với ông. Ông đã thuật lại thế nào Hội Truyền Giáo đã đựơc điện thoại của ông Giáo sĩ Revelle cho hay chúng tôi đã rời khỏi Việt Nam ngày 3-4-75 và hiện ở tại Singapore. Hội Truyền Giáo bèn điện thoại qua cho Chánh quyền Singapore rằng là với bất cứ giá nào cũng xin họ giữ chúng tôi lại cũng đừng gởi trả chúng tôi về Việt Nam và ông Giáo sĩ Pendelle đã gởi 20 ngàn đô-la cho Chánh phủ Singapore để lo cho chúng tôi ăn uống v. v... Tôi hỏi ông về số chi phí ở Saipan một tuần lễ thì do ai đài thọ? Ông nói ông không biết. Nhưng mà thỉnh thoảng ông nghe nói họ đã đưa chúng tôi về Sài Gòn rồi! Nhưng thật ra họ muốn giữ chúng tôi cách kín-đáo, nên nếu có ai gọi hỏi về chúng tôi thì họ nói vậy để không ai biết tung tích của chúng tôi mà thôi. (Có lần đứa cháu ngọai tôi hỏi một nhân viên tại trung-tâm nơi chúng tôi đang ở rằng: "Tại sao mấy ông không thả chúng tôi ra, bộ mấy ông bỏ tù chúng tôi hả?" Ông ấy trả lời rằng: "Chúng tôi không có bỏ tù đâu, bèn là chúng tôi muốn bảo vệ quý vị đó thôi. Ðâu, có chữ nào trong trung tâm nầy là tù đâu? Nếu tù thì phải mặc áo tù, ra làm việc chớ đâu có được tư do nấu nướng ăn uống như vậy?" Rồi ông ấy đến nói với nhà tôi: "Xin bà nói lại với cô tóc dài đó rằng là chúng tôi không phải bỏ tù đâu, nhưng là chúng tôi bảo vệ an ninh cho quý vị đó.")

Lúc bấy giờ gia đình ông bà Mục sư Trương văn Tốt cũng vào trại, ở trại 4. Ông thành lập các buổi nhóm thờ phượng Chúa mỗi ngày, ban đêm có truyền giảng cho đồng bào. Có lần ông mời giáo sư Vũ Ðức Chang nói chuyện với đồng bào về đề tài:"Giọt nước mắt quê hương". Mọi người nghe đều cảm động. Lúc ấy cũng có rất nhiều người cầu nguyện tin nhận Chúa như: gia đình cụ Nguyễn văn Nhở hiện ở tại Santa Ana. Ông bà Huỳnh văn Thắng, ở Montrey Park, Ông bà Nguyễn Mạnh Tiến (San José). Bà Nguyễn thị Minh và gia đình (Seattle), Gia đình cụ Bùi Hữu Duệ (Seattle). Ông bà Hồ Ðắc Ðổng (Seattle) và còn nhiều người nữa tôi không nhớ hết.

Ở trong trại được 3 tuần lễ, gia đình chúng tôi chờ đợi mãi, sau mới được Hội thánh Mỹ thuộc Hội Alliance ở El Cajon bảo trợ, họ mướn nhà cho chúng tôi ở tại thành phố San Clémenté, để mỗi ngày chúng tôi vào trại nhóm lại thờ-phượng Chúa, cầu nguyện và truyền giảng cho đồng bào. (Gia đình ông bà Mục sư Tốt cũng đã được bảo trợ về Chula Vista, rất xa trại. Chúng tôi ở cách trại chừng 10 miles. Cũng có ông bà Mục sư Phạm Xuân Hiển ở trại một, ông bà Mục sư Nguyễn Lĩnh, Mục sư Ông Hiền, Mục sư Nguyễn Xuân Mai, Ðặng Ngọc Báu (3 vị nầy là con rể của Mục sư Trương văn Tốt) ở cùng trại.

Chúng tôi ra trại vào ngày 6-6-75. Nhưng mỗi ngày phải vào trại chăm sóc và truyền giảng cho đồng bào. Hội thánh El Cajon tặng cho chúng tôi một xe hơi cũ, hiệu Ford làm phương tiện di chuyển để hầu việc Chúa trong trại. Khi ra khỏi trại, ngày kia chúng tôi ra phố có gặp ông bà Bác sĩ Phan Quan Ðáng, tôi tặng ông một quyển Kinh Thánh Tân Cựu Ước.

Ở San Clémenté độ 3 tháng thì các vị Mục sư trong trại đều lần lượt được bảo trợ ra các nơi thành phố xa gần, thành lập Hội thánh, nhưng chúng tôi ít gặp nhau trừ ra khi họp Hội Ðồng mới gặp lại mà thôi. Ông bà Mục sư Phạm Xuân Hiển đi Washington D.C. ông bà Mục sư Lĩnh đi Salem (Orgon), ông bà Mục sư Sáng đi Seattle, ông bà Mục sư Ðài đi Omaha (Nebraska), ông bà Mục sư Ðặng ngọc Báu đi Long Beach (Cali), ông bà Mục sư Ông Hiền đi Hawthorne (Cali.), ông bà Mục sư Mai đi San José.

Phần chúng tôi cứ mỗi ngày vào trại từ sáng sớm để tổ chức nhóm lại học Kinh Thánh và truyền giảng, buổi chiều về nhà. Riêng sáng Chúa nhựt, chúng tôi nhóm thờ phượng Chúa xong thì trở về San Clementé để lo buổi nhóm cho các con cái Chúa đã được bảo trợ đến thành phố nầy. Chúng tôi mượn nhà thờ của Hội Lutheren, gần xa lộ số 5 để nhóm vào mỗi chiều Chúa nhựt. Mỗi buổi nhóm có từ 20 đến 25 người. Cũng có gia đình ông bà Phạm văn Quang là em ruột tôi từ Arkansas được bảo trợ sang Cali. Gia đình em tôi cũng hơn 10 người. Ðây là Hội thánh mới thành lập tại San Clementé. Sau nầy khi chúng tôi được bổ đi hầu việc Chúa ở Chicago thì ông bà Mục sư Hiển thay thế, đến khi ông bà Mục sư Hiển đi hầu việc Chúa ở Washington D.C. thì có Mục sư Võ Ngọc Thiên Ân tiếp nối lo cho con cái Chúa còn lại cho đến nay ông bà Mục sư Ân lo mở mang, phát triển Hội thánh càng lớn mạnh; đó là Hội Thánh Thanh Lễ!

Ngày 4-9-75 chúng tôi tôi lên đường đi Chicago hầu việc Chúa. Trước ngày chúng tôi nhậm chức, ông Mục sư Gene Beezer là người bảo trợ chúng tôi đến nhà thuyết phục chúng tôi đừng đi Chicago vì thành phố ấy có tiếng là thành phố "Windy city" gió lạnh và tuyết giá rất nguy hiểm cho sự di chuyển. Ông muốn chúng tôi ở lại San Clémenté và thành lập Hội Thánh Việt Nam tại đó. Nhưng chúng tôi nghe rằng ở Chicago có gần 100 tín hữu mà không có mục sư, chúng tôi thật cảm động nên quyết định đi khiến cho ông bà mục-sư ấy rất buồn!

Ðến Chicago hầu việc Chúa một khoá 2 năm. Trong thời gian ở đây cũng có nhiều biến cố đáng ghi nhớ; Khi mới đến chúng tôi ở tạm nhà em tôi là ông bà Lê văn Hồng chờ hơn 1 tuần lễ mướn được nhà rồi mới dọn ra. Nơi đây các con cái Chúa và ông bà Mục sư Mỹ lo cho chúng tôi đủ mọi sự; từ giường ngủ, tủ lạnh, nước mắm, gạo, sà-bông, thịt gà, thịt heo, dĩa, muỗng, đũa, lò gas v. v... không thiếu món gì. Tôi tưởng tượng như nhà của mình đã ở mà đi đâu xa, nay mới trở về vì đầy đủ đồ cần dùng. Mấy tuần lễ sau khi nhậm chức, có cô bạn Mỹ mà nhà tôi đã quen bên Ấn Ðộ gởi cho nhà tôi $120 đô-la, nhờ môt người bạn của cô ấy ở tại Chicago trao lại, nói là giúp nhà tôi mua một máy may, cũng gởi một thùng quần áo cũ để nhà tôi sửa lại áo mà mặc. Nhà tôi liền cùng cô bạn ấy mua một máy may hiệu Kenmore, vẫn cón dùng đến nay. Cũng thời gian nầy chúng tôi được biết một gia đình Giáo sĩ tên là William Groff; Ông bà nầy thuộc Hội Mennonite, khi ở Ấn Ðộ nhà tôi có ở nhà ông bà nầy hơn 1 tháng. Chúng tôi điện thoại và đến thăm. Ông bà rất mừng, mời chúng tôi ăn cơm. Lúc ấy 2 con gái chúng tôi; Mỹ Dung và Mỹ Phúc đã qua Mỹ năm 1973. Cả hai chị em đều học tại Trường Goshen Mỹ Dung đã làm lễ thành hôn với sinh viên Lê Khắc Quang trước khi chúng tôi sang Mỹ do Mục sư Phạm Xuân Tín và Mục sư Lê Vĩnh Thạch hành lễ. Còn Mỹ Phúc sau khi học xong ngành y tá đã thành hôn với sinh viên Nguyễn Hữu An vào tháng 8-1977 trong trại Hè tại Michigan do Mục sư Lê Vĩnh Thạch hành lễ.

Nhà thờ tại Chicago do Hội Alliance mua lại của Hội Báp-tít. Nhà thờ nầy cũ kỹ. Họ cất hơn 100 năm trước, có phòng họp, phòng giữ trẻ, phòng Gym rất rộng, nhà thờ xây gạch rất chắc chắn. Số tín hữu nhóm lại khá đông; gặp lại gia đình em ruột tôi là bà Lê văn Hồng; cũng gặp một số con cái Chúa như: ông Bà Trần Viết Thanh, ông bà Phan Công Văn ở Ðà Nẵng; ông bà Văn Thanh ở Pleiku, ông bà Lý văn Giang ở Sài Gòn v.  v... Từ địa điểm nầy chúng tôi đi thăm các tiểu bang chung quanh như; Wisconsin, Indiana và Michigan v. v... vì những nơi nầy có tín đồ Việt Nam mà không có ai chăm-sóc. Có khi chúng tôi đi thăm và hầu việc Chúa ở Michigan về ban đêm bị bão tuyết, nhưng Chúa gìn giữ được an toàn. Có lần chúng tôi đến tổ chức lễ Noel và truyền giảng tại Lansing (Michigan) nhằm ngày mồng hai Tết (1976). Chúng tôi đi thăm viếng tín đồ đến 4 giờ chiều mới rời Chicago, vì nghĩ rằng đường đi từ Chicago đến Lansing mất 3 tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng chúng tôi quên rằng giờ bên Michigan sớm hơn Chicago 1 giờ. Ði dọc đường mới nhớ ra nên tôi lái xe chạy hết tốc lực, phần trời mưa nên không để ý Cảnh sát chạy theo phía sau! Chạy một đoạn đường xa mới thấy Cảnh-sát rượt theo bèn ngừng lại; Bị phạt $68 đô-la! Theo luật của tiểu bang Michigan thì nếu chạy 1 mille quá mau sẽ phạt 1 đô-la, như vậy tôi đã chạy đến 68 milles mới dừng lại! Trên xe chở đầy một xe thanh niên, thiếu nữ là ban hát để hát cho lễ Noel. Khi chúng tôi tới nơi thì nhiều người đã ra về vì họ thấy trễ quá tưởng chúng tôi không đến được. Số còn lại chúng tôi cứ nhóm giảng trong một Hội-trường khá rộng. Nhóm xong chúng tôi quay về liền, đến nhà là 2 giờ khuya. Tuy cực vì tuyết giá, gió mưa nhưng rất thỏa lòng vì có dịp truyền giảng cho đồng bào về ơn cứu rỗi của Chúa. (Về sau nầy tại Grand Rapids, (Michigan) có thành lập Hội thánh do Mục sư Trương Thanh Khiết và Mục sư Trần quang Vinh quản nhiêm. Tại Lansing cũng có Hội thánh do Truyền đạo Nguyễn văn Tiền quản nhiêm).

Tháng 6 năm 1976 chúng tôi chuẩn bị đi dự Hội Ðồng Giáo Hạt lần thứ I tại Lincoln ( Nebraska). Tại đây, nhà tôi được cử giữ chức Trưởng Ðoàn Phụ Nữ, còn tôi được sung vào chức Nghị viên Giáo Hạt Việt Nam Bắc Mỹ.

Tại Hội Ðồng nầy chúng tôi có dịp gặp một số con cái, tôi tớ Chúa từ các nơi họp lại như: Mục sư Nguyễn văn Bình ở Paris (Pháp quốc) qua họp. Trước ngày họp Hội Ðồng 3 ngày thì có lễ cưới của con trai út của chúng tôi là Phạm Quang Tấn thành hôn với cô Ollie tại Indiana. Lễ cưới rất đơn sơ có Bà cụ Mục sư Trần văn Ðệ và Ông Mục sư Bình tham dự. Sau đó chúng tôi đi xe buýt từ Chicago lên Omaha thăm ông bà Mục sư Văn Ðài rồi đến Lincoln dự Hội Ðồng. Hội Ðồng họp lại rất được phước, cũng tại Hội Ðồng nầy đã sọan bản Nội quy cho Hội thánh, dựa theo bản Nội quy của Hội thánh Tin Lành Việt Nam và Hội C&MA Hội Ðồng giải tán, nhưng dư âm của Hội Ðồng vẫn còn vang dội trong tâm khảm của mỗi người đã họp!

Thời gian hầu việc Chúa ở Chicago chúng tôi ở gần trường Thần Học Moody Bible Institute, vì vậy chúng tôi có cơ hội tốt để học thêm lời Chúa trong mấy tháng Hè. Tôi học về Ministry, nhà tôi học Thần học. Chúng tôi chịu khó đi học rất xa, phải di chuyển bằng xe buýt, xe lửa, xe buýt phải sang hai chuyến và một chuyến xe lửa. Chúa cho chúng tôi học cũng vui; đọc sách thật nhiều. Có lần Mục sư Lê Vĩnh Thạch nói với nhà tôi rằng: "Học Kinh Thánh phải đổ mồ hôi óc chớ không phải dễ đâu!" Thật vậy, họ bắt đọc sách nhiều kinh khủng, đọc đến mờ cả mắt, rồi làm bài luận phải nạp cho đúng ngày; mỗi tuần một bài. Chúng tôi nhờ Chúa học cũng được. Bài luận của chúng tôi được điểm A-, có một bài điểm B+. Chúng tôi có dịp trở lại đời sinh viên rất thú vị, học rất vui. Khi chúng tôi mới đổi qua California, bà Beezer mời nhà tôi xuống thăm Ban Phụ Nữ và giảng tại đó trong kỳ lễ Noel 1977. Nhà tôi gặp một bà cụ là một ban viên Ban Phụ Nữ. Bà hỏi thăm nhà tôi từ đâu tới, nhà tôi nói là từ Chiacago. Bà nói rằng bà có người rể đang làm giáo sư dạy tại trường Moody. Nhà tôi hỏi bà vị Giáo sư tên gì, bà nói tên là Dr. James. Té ra chính ông nầy đã dạy Thần đạo cho nhà tôi tại Trường Moody! Bà nghe vậy thì mừng lắm. Cám ơn Chúa đã cho vợ chồng tôi có cơ hội quý báu trau giồi thêm lời Chúa nơi trường Thần Học nầy. Một trường mà chúng tôi đã nghe danh từ khi còn ở Việt Nam, giờ đây chúng tôi có hân hạnh được vào học lời Chúa thật vui thỏa vô cùng.

Khi còn hầu việc Chúa tại Thần Học Viện, nhà tôi cũng kiên nhẫn học các môn Hàm thụ tại một Trường Thần học bên Anh quốc do bà Giáo sĩ Contento giới thiệu và giúp học bổng cho nhà tôi học trong mấy năm liền. Nhà tôi học 6 môn đều được điểm đậu cao, có 6 chứng chỉ. Mỗi kỳ thi nhờ các Bà Giáo sĩ làm Giám-thị. Lúc ở Thần Học Viện thì nhờ Bà Giáo sĩ Revelle, khi vào Sài Gòn, nhờ bà Giáo sĩ Franklin Irwin làm giám thị. Thật Chúa có ban ơn giúp đỡ nhà tôi trong mọi sự được may mắn. Ðó là ơn lớn của Chúa vậy!

Hầu việc Chúa ở Chicago 2 năm, đến tháng 7 năm 1977 nhơn đi Hội Ðồng Giáo Hạt lần thứ 2 tại Hawthorne. Chúng tôi gặp Truyền đạo Ðặng Ngọc Báu cho hay rằng chúng tôi sẽ được thuyên chuyển về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Long Beach! Chúng tôi chưng hửng vì cớ chúng tôi chưa nhận được một chỉ thị hay một biên bản nào của Ban Chấp Hành Giáo Hạt gởi đến cả! Ðang phân vân thì được Mục sư Trương văn Tốt (lúc đó là Giáo Hạt Trưởng) cho biết việc chúng tôi sẽ về hầu việc Chúa tại Hội Thánh Long Beach. Sau đó mới có biên  bản của Giáo Hạt gởi đến cho biết là Thầy Ðặng Ngọc Báu nghỉ chức vụ để học thêm thần đạo. Chúng tôi rất bàng hoàng vì dầu ở Chicago khí hậu lạnh lẽo về mùa Ðông, còn mùa Hè thì trong 3 tháng nóng bức suốt ngày đêm. Nhưng chúng tôi rất được an ủi là con cái Chúa hiệp chung lo công việc Chúa; Có ông bà Mục sư Lê Vĩnh Thạch lo cho Thanh niên và Trường Chúa Nhựt. Nhưng tại đây cũng có vài thử thách là hầu hết các nhà tín đồ Việt Nam đều bị ăn trộm, ăn cướp vào viếng cũng khá nhiều. Nhà chúng tôi cũng bị chúng viếng vài lần, nhưng không mất gì vì kẻ trộm tưởng trong nhà không có ai nên tìm cách lẽn vào nhà, nhưng lúc đó có con trai tôi ở Ohio đến chơi, nó ngủ trên lầu, còn chúng tôi đều đi thăm tín đồ (vào chiều Chúa nhựt). Chúng tưởng không có ai nên khi vào nhà chúng nói chuyện om sòm. Dâu tôi từ trên lầu bước xuống, vì tưởng rằng chúng tôi đã về. Khi thấy dâu tôi thì chúng hoảng sợ chạy ra phía sau rọc cửa sổ bằng lưới nhảy ra ngoài bị trẹo giò, cố lết ra khỏi hàng rào!

Khi biên bản của Giáo hạt gởi đến Hội Thánh Chicago thì không biết ai sẽ thay thế cho chúng tôi! Lúc ấy có Mục sư Nguyễn Duy Xuân từ Pháp qua dự Hội Ðồng. Ông lưu lại Mỹ mấy tuần lễ đi thăm các Hội thánh. Ông đến Chicago nghe rằng không có ai thay thế cho chúng tôi thì ông tình nguyện đến hầu việc Chúa tại Hội thánh Chicago! Anh em ai nấy đều mừng rở. Nhưng khi ông về Pháp thì bị đau ruột dư phải mổ. Vấn đề xin định cư tại Mỹ không dễ dàng như ông tưởng! Về sau ông đến hầu việc Chúa ở Hội thánh Miami, rồi đổi về San Jose, ông bị ung thư bao tử mà qua đời!

Ngày 4 tháng 9-1977 chúng tôi đến Long Beach (khi chúng tôi đến Chicago cũng nhằm ngày 4-tháng 9-75). Sau khi nhậm chức tại đây được vài tuần lễ thì mới biết những rắc rối khó khăn ở Hội Thánh nầy. Có một tín đồ kêu gọi một số con cái Chúa Hội Thánh Long Beach tách rời để mỗi tuần nhóm ngoài Park. Có hơn 30 người nghe theo, số còn lại hơn 35 người cứ trung tín nhóm lại nơi nhà thờ mượn của Hội First Alliace Church ở đường Palo Verde, số 3331. Hội thánh rất buồn bả về sự chia rẽ nầy. Chúng tôi cũng bị hăm he rằng họ sẽ phá Hội thánh Long Beach cho tan hoang thì họ mới vừa lòng!

Chúng tôi thấy tình hình Hội thánh như vậy cũng rất buồn, chỉ biết cầu nguyện giao phó cho Chúa; nếu Chúa thấy việc của những người chống đối làm là đúng ý Chúa thì công việc ầy sẽ thành công, ngược lại nếu công việc ấy bởi ý người thì tự nó sẽ hư đi! Sau thời gian chừng 3 tháng thì nhóm nầy tan rã và con cái Chúa trở về với Hội Thánh Long Beach, trừ ra những người chống đối thì họ bỏ Hội Thánh luôn! Lúc ấy, nền tài chánh của Hội Thánh rất eo hẹp. Mỗi tháng Hội Thánh cung lương cho chúng tôi là $ 300 đô-la, Hội Truyền Giáo đã bớt năm thứ 3 rồi, chỉ còn $100 mỗi tháng mà thôi. Chúng tôi thuê nhà mỗi tháng là: $250.00 đô! Các con cái Chúa thấy chúng tôi quá chật vật, nên người nầy cho gạo, người khác cho thịt cá, rau cải, chúng tôi sống qua ngày. Chúng tôi không chút gì lo về tài chánh cả mà chỉ lo sao gây dựng công việc Chúa tại đây cho đời thuộc linh con cái Chúa được vững mạnh là chúng tôi vui rồi! Khi sang Cali. chỉ có đứa con gái áp út của chúng tôi đi theo mà thôi; còn đứa gái út thì đang học tại đại học Pedue ở Indiana. Khi qua Cali. nó được bà Nguyễn Hữu AÙi xin làm Teller trong nhà Bank of America, vì khi ở Chicago nó cũng có làm trong nhà Bank Savings rồi. Làm được mấy tháng thì bị bịnh nên xin nghỉ luôn.

No comments: