Trung Tướng Ngô Quang Trưởng mất ở tuổi 75. Theo tôi nghĩ, với sức khỏe
của ông, ông sống được như vậy là đã quá lâu rồi. Ông sống chỉ với một
lá phổi. Lúc còn ở đơn vị nhảy dù ông đã bị thương ngoài mặt trận, một
viên đạn vào phổi và sau đó đã phải chịu cắt bỏ một lá khi vào bệnh
viện.
Đã từng làm việc dưới quyền của ông từ năm 66 đến năm 70, tôi ghi lại sau đây một vài điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ.
Mùa hè năm 1966, sau biến cố bạo loạn miền Trung, Chuẩn Tướng PXN Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh bị mất chức Tư Lệnh và Bộ Tổng Tham Mưu đã cử Đại Tá Ngô Quang Trưởng, lúc đó đang là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù ra làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế cho Tướng PXN.
Mùa hè năm 1966, sau biến cố bạo loạn miền Trung, Chuẩn Tướng PXN Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh bị mất chức Tư Lệnh và Bộ Tổng Tham Mưu đã cử Đại Tá Ngô Quang Trưởng, lúc đó đang là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù ra làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế cho Tướng PXN.
Người Nam (Kiến Hòa), với gương mặt khắc khổ, hiếm hoi có nụ cười; và
nếu họa hoằn lắm mới cười, thì cười cũng không vui hơn khóc là bao
nhiêu, và lúc đó hai má của ông sẽ cóp thêm một chút nữa. Ông ít nói và
đã nói thì mạch lạc, ngắn gọn, không dư và cũng không thiếu một chữ.
Suốt ngày ông bay trên trực thăng và đáp xuống các tiền đồn bất cứ lúc
nào cho nên các tiền đồn lúc nào cũng phải canh phòng nghiêm chỉnh,
không phải vì ở xa mà chểnh mảng công việc phòng thủ được. Mỗi lần Sư
Đoàn có đơn vị đang hành quân dưới đất thì lúc đó sẽ có ông bay ở trên
trời. Ông nắm vững tình hình ngoài mặt trận còn hơn cả Phòng 3 của Bộ Tư
Lệnh Sư Đoàn. Tôi nhớ có một hôm vào một buổi sáng Thứ Bảy, trong buổi
họp hàng tuần của các Phòng, Ban của Bộ Tư Lệnh và các Đơn vị Trưởng các
đơn vị biệt lập, Trung Tá H Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn đã báo cáo là vừa
rồi Trung Đoàn 3 sau khi chạm địch đã tịch thu được một số vũ khí cá
nhân và một súng cối 82 ly. Đã bị ông chỉnh lại: “Trung Tá H xem lại,
chỉ có cái đế súng thôi, không có nòng súng đó!” Làm Trung Tá H ngượng
nghịu, anh em chúng tôi nháy mắt cười với nhau.
Có mấy lần trực thăng suýt rớt và có một lần rớt thật nhưng may mắn
thoát nạn vì phi công đã kịp tách chong chóng ra khỏi động cơ khi động
cơ tắt máy thình lình, do đó với đà có sẵn của chong chóng máy bay đã
xuống được, nhưng chạm đất một cái rầm. Anh bạn của tôi là Đại Úy TTK
tùy viên đi theo, một tuần sau ban đêm nằm ngủ vẫn còn nằm mơ thấy bị
rớt máy bay. Và vì ngày nào cũng bay như vậy nên phải có hai Tùy viên
thay phiên nhau đi với ông, một người không sao chịu nỗi.
Ban ngày bay thị sát mặt trận, tối lại về tư dinh thì mười tối như một,
ông ngồi nhìn bản đồ trên vách với ly rượu whisky trên tay. Mọi người
đều hỏi nhau: không biết ông nói chuyện với vợ lúc nào nữa.
Bà Trưởng là con gái của nhà văn Thạch Lam (tác giả Gió Đầu Mùa), Thạch
Lam là em ruột của Nhất Linh và là anh của Hoàng Đạo (Nguyễn Tường
Long), những nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn.
Tư dinh Tư Lệnh ở trong thành Mang Cá Lớn, hàng ngày các bà vợ của các
Sĩ quan Trưởng phòng ở BTL vẫn thường hay vô ra chơi với bà Tướng, nhưng
mỗi khi nghe ông Thượng sĩ quản gia báo cho biết máy bay của Thiếu
Tướng sắp về tới thì mấy bà lật đật ra xe chạy hết. Ông không bao giờ
chịu nhận quà của thuộc cấp, dù là một món quà nhỏ. Biết tính chồng, bà
Trưởng luôn luôn từ chối các món quà mà những bà trong Hội Bảo vệ Gia
đình Binh sĩ đem đến, dù chỉ là quà ngày Tết. Tôi có một anh bạn, cũng
là Đại đội trưởng một đại đội yểm trợ, ngày Tết mua được một chậu hoa
Mai đẹp, chờ lúc không có ông Tướng ở tư dinh, cùng tài xế đem đến. Đến
nơi dặn ông thượng sĩ quản gia rằng nếu Thiếu Tướng hỏi của ai thì nói
họ đến rồi đi ngay nên không nhớ. Vừa nói được ngang đó thì nghe tiếng
trực thăng sắp đáp, hai thầy trò bèn bỏ lại chậu hoa rồi chuồn lẹ.
Dáng người cao, gầy, ông luôn luôn nghiêm chỉnh trong bộ quân phục
nhưng tôi có cảm tưởng hình như lúc nào bộ áo quần cũng có vẻ hơi rộng
đối với con người của ông. Trong đại đội Quân Nhu hồi đó chúng tôi có
rất nhiều thợ may ở Trung đội bảo trì, nhưng ông Tướng chỉ chịu một
người thợ mà thôi. Một hôm vào buổi chiều tôi nhận được điện thoại của
Chánh văn phòng Tư Lệnh nói cho gấp một thợ may lên trình diện Thiếu
Tướng. Tôi biết ý, cho đúng Hạ sĩ B là người thợ mà ông vừa ý lên. Khi
về anh Hạ sĩ nầy đã báo cáo lại với tôi là có một ông Đề Đốc Hải Quân Mỹ
đến thăm, ông thấy cái áo Jacket của ông Đề Đốc đang mặc ông rất thích
nên muốn thợ may Quân Nhu may cho ông một cái giống như vậy nhưng bằng
vải áo trận màu xanh olive của bộ binh. Tôi đã chỉ thị kho xuất vải
nylon nguyên cây để may cho ông và bảo lấy tấm Pano màu cam (biểu tín
hiệu dùng để đánh dấu bãi đáp cho máy bay trực thăng, có hai màu, màu
cam và đỏ hường) để làm miếng lót bên trong cho đúng với màu vải lót cái
Jacket của ông Đề Đốc. Và tôi cũng không quên dặn anh thợ may là phải
may hai cái. Anh Hạ sĩ B thắc mắc: Thưa Đại Úy , Thiếu Tướng chỉ nói may
một cái thôi mà! Tôi cười và đưa tay chỉ vào mình. Đến bây giờ thì anh
Hạ sĩ đã hiểu và anh cũng cười theo. Khi chào tôi để đi xuống kho nhận
vật liệu tôi thấy anh ta vừa đi vừa tủm tỉm cười. Cái áo Jacket của Sĩ
Quan phi hành Hải Quân còn đẹp hơn cái Jacket của Không Quân nữa vì áo
Jacket Không quân không có cổ, cái nầy có cổ và phía sau lưng được may
phồng lên bằng hai đường xếp ở gần hai bên nách. Có thể Tướng Trưởng
thích cái áo nầy là vì khi mặc vào trông ông có vẻ mập ra. Sau đó mỗi
lần dự họp hàng tuần ở Bộ Tư Lênh, chỉ có hai người mặc cái Jacket Hải
Quân là Tướng Trưởng và tôi! Có điều vui là nhiều người rất thích cái áo
nầy nhưng không có ai dám nhờ tôi may cả, kể cả ông Đại Tá Tham Mưu
Trưởng Sư Đoàn là ông Đại Tá C, vì không ai dám bắt chước ông Tướng!
Từ lực lượng nhãy dù về nhưng khi đến Sư Đoàn Bộ Binh thì Tướng Trưởng
không mặc đồ dù nữa mà mặc quân phục theo màu của bộ binh, chỉ có ở trên
túi áo là còn thêu cánh dù mà thôi. Tôi nhớ có hôm ông Bác sĩ C từ Sư
đoàn Dù được đổi về làm Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở
trong thành Mang Cá Lớn. Vì mới thuyên chuyển đến nên Bác sĩ C chưa có
đồng phục kaki màu xanh olive mà vẫn còn mặc quân phục nhãy dù để đi
họp. Sau buổi họp Tướng Trưởng đã nói với Bác sĩ C: Tôi muốn lần tới Bác
sĩ C bận quân phục cho giống như các anh em ở đây. Chỉ hai ngày sau
thôi, tôi thấy Bác sĩ C đã không còn bận đồ dù nữa.
Năm 69 khi Việt Cọng vây căn cứ Birmingham, áp lực địch rất nặng, một
Tiểu đoàn Biệt Động Quân phải tăng cường phòng thủ vòng đai bên ngoài để
căn cứ khỏi bị tràn ngập. Trong lúc đó mấy khẩu đại bác 105 và 175 của
pháo đội ở trong căn cứ lại bị trở ngại tác xạ vì thiếu đầu di động để
thay thế. Buổi họp ở BTL Sư Đoàn, Đại Úy B Đại Đội Trưởng Đại Đội Bảo
Toàn báo cáo là đã xin tiếp liệu khẩn rồi nhưng đến nay vẫn chưa được
cấp phát để thay thế. Thiếu Tướng Trưởng liền chỉ thị: “Sau buổi họp,
phòng 3 Sư Đoàn lấy máy bay trực thăng của tôi chở Đại Úy B lên căn cứ
Birmingham. Đến khi nào các khẩu đại bác ở trên đó bắn được rồi thì Đại
Úy B mới về!”. Chỉ một đêm thôi, VC pháo kích không ngũ được, lại lo
không biết sống chết lúc nào, sáng lại Đại Úy B gọi điện thoại về cho
Đại Úy Q Đại Đội phó, hối thúc cho sĩ quan tiếp liệu vào gấp tiểu đoàn
210 Trung Hạng Yểm Trợ Quân Cụ ở Đà Nẵng, bằng mọi giá, bằng mọi cách xã
giao, làm sao xin ứng trước gấp một số đầu di động cho đại bác, để&
giải thoát cho Đại đội trưởng đang bị nhốt làm con tin ở trên căn cứ
(chứ không phải để giải phóng cho mấy khẩu súng đang bị tắt nòng vì
thiếu cơ phận!). Đó, làm việc với Tướng Trưởng là như vậy đó.
Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong thời gian Tướng Trưởng làm Tư Lệnh Sư Đoàn được
các cố vấn Hoa Kỳ đánh giá là Sư Đoàn thiện chiến nhất của quân lực.
Đây lại là Sư Đoàn cộng, nghĩa là có đến 4 Trung đoàn. Quân số 18 ngàn
người. Do đó bãng cấp số của các đơn vị yểm trợ cũng đông hơn ở các sư
đoàn khác. Thời gian tôi làm Đại đội trưởng Đại đội Tiếp liệu, quân số
của đại đội có lúc lên đến 340 người, trong đó gồm 15 Sĩ quan và 60 Hạ
sĩ quan.
Thời gian nầy các cố vấn Hoa Kỳ đã đi đến cấp Tiểu đoàn ở những đơn vị
bộ binh và tới cấp Đại đội ở những đơn vị yểm trợ. Tâm lý các sĩ quan
Việt Nam thường hay coi thường kinh nghiệm của các cố vấn Mỹ, họ nghĩ
rằng những cố vấn Hoa Kỳ chưa có kinh nghiệm chiến trường bằng họ. Họ
chỉ thấy một lợi ích duy nhất là có cố vấn Mỹ đi theo thì mỗi khi cần
gọi phi cơ hay pháo binh yểm trợ thì được nhanh hơn, và nhất là khi cần
máy bay để tải thương. Biết tâm lý như vậy nên có hôm Tướng Trưởng đã
nói với các Sĩ quan Tiểu đoàn Trưởng rằng: Các anh em không nên coi
thường các Sĩ quan cố vấn. Họ tuy chưa ra mặt trận nhiều nhưng họ đã
được đào tạo rất kỹ lưỡng. Bao nhiêu kinh nghiệm của những cuộc chiến
tranh ở khắp nơi trên thế giới đã được người Mỹ viết thành sách và họ đã
đào tạo cho sĩ quan của họ một cách chính quy ở tại các trường võ bị
danh tiếng mà cả thế giới đều biết đến.
(Năm 1991 khi Hoa Kỳ và đồng minh mở chiến dịch Bão Sa Mạc để giải
phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Iraq, ông Tướng Mỹ Tư Lệnh Chiến
Trường là Đại Tướng H. Norman Schwarzkopf đã nói với báo chí rằng: Thành
công hôm nay chính là nhờ ông đã học được những kinh nghiệm chiến
trường với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng! Và ông nói thêm: “He is the
most brilliant tactical commander I’d ever know”).
Trong thời gian làm Đại đội trưởng Đại đội Tiếp liệu tôi bị Tướng
Trưởng lưu ý một lần về những giây leo ngoài bờ thành của đơn vị, phía
sau kho xăng. Thành Mang Cá Lớn là một trại binh của triều Nguyễn, bờ
thành bao bọc chung quanh rất cao, nhưng từ trên trực thăng ông đã thấy
có những giây leo ở ngoài, VC có thể dùng những giây đó để leo vào trong
đơn vị được. Vậy Là Chủ Nhật đó thầy trò tôi phải đi bọc ra ngoài khai
quang cho hết đám giây leo (mặc dầu ông chỉ mới chỉ thị vào ngày Thứ
Bảy, với ông, nói là phải làm ngay). Ông đã để ý đến cả những chi tiết
nhỏ nhặt nhất.
Tướng Trưởng không thích Chương trình Nông Mục quân đội, mặc dầu ông
không chính thức nói ra. Tôi nhớ có lần ông đến thăm Trại Nông Mục Sư
Đoàn ở thành Mang Cá Nhỏ (trại Hải quân triều Nguyễn), ông hỏi tôi quân
số của trại (quân số loại 2), sau khi tôi báo cáo quân số, ông chỉ nói:
Số thu nhập chắc không đủ để trả lương cho số lính ở đây!
Và kỹ niệm đậm nét nhất với ông là về đợt tấn công của Việt Cọng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 và vào Thành phố Huế vào Tết Mậu Thân.
Và kỹ niệm đậm nét nhất với ông là về đợt tấn công của Việt Cọng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 và vào Thành phố Huế vào Tết Mậu Thân.
Chiều 30 Tết năm 1967, tôi đi với đoàn xe tiếp tế thực phẩm cho điểm
tiếp liệu loại 1 của đơn vị ở trong thành Quãng Trị về, khi đi ngang qua
cầu An Hòa, thấy Đại Đội Công binh của Mỹ thường ngày đóng ở đây để làm
đường và làm cầu bỗng dưng rút đi đâu mất, trong lúc mới sáng hôm đó
khi đi qua đây chúng tôi vẫn còn thấy họ. Sau nầy khi kiểm chứng lại tôi
mới biết, không những chỉ toán nầy mà tất cả những toán khác ở nhiều
nơi khác nữa, cũng đều được lệnh rút về Phú Bài như vậy. Hình như về
phía Mỹ họ biết trước cuộc Tổng tấn công đêm nay của Việt Cọng. Còn phía
quân đội VNCH chúng ta thì chỉ có lệnh cấm trại 100% như thường lệ mà
thôi. Thành thử không ai quá quan tâm, vì hầu như trước mọi ngày lễ lớn,
kể cả những ngày lễ của ngoài Bắc, chúng tôi vẫn đều phải cắm trại, để
đề phòng VC tấn công để mừng lễ lớn của họ.
Đúng thời điểm Giao Thừa thì tiếng súng bắt đầu nổ, tiếng súng lẫn với
tiếng pháo mừng Xuân của bà con. Khoảng nửa giờ sau thì nghe những tiếng
nổ lớn hơn của trọng pháo, cũng không phân biệt được đâu là pháo của
địch, đâu là phản pháo của ta. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh nằm trong
thành Mang Cá Lớn cùng với một số đơn vị kỹ thuật gồm Tiểu đoàn 1 Truyền
tin, Tiểu đoàn 1 Quân y, Đại đội 1 Quân nhu, Đại đội Tổng Hành Dinh và
Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Vòng thành chuông vuông mỗi bề vào khoảng
gần một cây số. Bờ thành xây cao và có hồ nước bao bọc hai phía, do đó
VC chỉ tấn công hai mặt không có hồ nước là Tiểu đoàn 1 Quân y và Đại
đội 1 Quân nhu mà thôi. Phía Đại đội Quân nhu bị nhẹ hơn vì ở bên ngoài
tiếp giáp với nhà dân, VC khó triễn khai đội hình tấn công hơn. Chúng
tôi đã đẩy lui được VC nhờ khẩu đại liên ở trên lô cốt ở góc thành, còn
lính Quân nhu thì có người hình như chưa hề biết ném lựu đạn, mấy hôm
sau khi cho một trung đội ra đóng chốt ở ngòai, chúng tôi phát hiện có
một số lựu đạn anh em ném ra đêm hôm đó chưa được rút chốt!
Mỗi buổi tối đến giờ giới nghiêm các cửa đi vào Thành nội đều được đóng
lại bằng những con ngựa sắt và kéo kẽm gai Concertina. Và ở mỗi cửa
thành đều có một tiểu đội canh gác. Đại đội 1 Quân nhu được phân công
gác cửa An Hòa. Tối đó Việt Cọng đã dùng giây thừng leo thành vào và tấn
công toán lính gác bằng lựu đạn. Còn ở cưả Hữu thì họ dùng một người
đàn bà ngồi trên xích lô, độn bụng cho to lên và rên la như sắp sinh,
xin được mở cửa để vào nhà hộ sinh Thành Nội, có mấy người nhà là đàn
ông cầm đuốc đi theo. Động lòng, lính gác kéo cỗng cho vào thì họ tung
lựu đạn. Bị tấn công bất ngờ toán lính bị thương và bỏ chạy, lực lượng
của họ tràn vào Thành Mang Cá phía Tiểu đoàn 1 Quân Y là bị tấn công
mạnh nhất, ở đây lại ngay phía trước mặt của Bộ Tư Lệnh. Việt Cọng đã
chọc thủng vách tường và tràn vào một góc của Tiểu Đoàn Quân y. Thấy
lính Quân Y khó có thể đẩy lui được VC, Tướng Trưởng mới gọi Đại đội 1
Hắc Báo ở phi trường Thành Nội qua tiếp ứng. Đại Úy PVD đã chỉ huy Đại
đội với đội hình hàng dọc, vừa chạy vừa đánh, đã vào được thành Mang cá
Lớn, tiếp tay với Tiểu đoàn 1 Quân y đẩy lùi VC ra khỏi vòng đai BTL.
Những ngày sau đó Tướng Trưởng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, phối hợp với các đơn vị Tổng trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với các đơn vị Đồng minh, đẩy lui hoàn toàn các đơn vị địch ra khỏi thành phố Huế, làm cho địch quân tổn thất rất nặng nề. Thời gian nầy cũng có được sự yểm trợ của Hải pháo của Hoa Kỳ từ các chiến hạm ở ngoài khơi bắn vào nhưng về yểm trợ của máy bay thì rất ít vì bầu trời lúc nào cũng đầy mây. Việt Cọng đã nghiên cứu kỷ về thời tiết, từ Lập Xuân đến Vũ Thủy bầu trời chỉ mây, mưa và không có nắng! Thành phố Huế bị tấn công và chiếm đóng một phần trong thời gian 28 ngày đó.
Những ngày sau đó Tướng Trưởng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, phối hợp với các đơn vị Tổng trừ bị như Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cùng với các đơn vị Đồng minh, đẩy lui hoàn toàn các đơn vị địch ra khỏi thành phố Huế, làm cho địch quân tổn thất rất nặng nề. Thời gian nầy cũng có được sự yểm trợ của Hải pháo của Hoa Kỳ từ các chiến hạm ở ngoài khơi bắn vào nhưng về yểm trợ của máy bay thì rất ít vì bầu trời lúc nào cũng đầy mây. Việt Cọng đã nghiên cứu kỷ về thời tiết, từ Lập Xuân đến Vũ Thủy bầu trời chỉ mây, mưa và không có nắng! Thành phố Huế bị tấn công và chiếm đóng một phần trong thời gian 28 ngày đó.
Rời chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh vào đầu năm 70 để vào nhận chức
Tư Lệnh Quân Đoàn 4 kiêm Tư Lệnh Vùng 4 Chiến thuật, Tướng Ngô Quang
Trưởng đã ra lại Đà Nẵng vào đầu năm 72 để kịp thời tổ chức cuộc Tổng
phản công tái chiếm cỗ thành Quãng Trị vào Mùa hè Đỏ Lửa.
Nhìn bề ngoài với gương mặt lạnh lùng khắc khổ, ai cũng tưởng Tướng Ngô
Quang Trưởng là một người khô khan. Nhưng bên trong ông lại là một con
người tình cảm. Trong buổi lễ chia tay trước hàng quân ở sân cờ Bộ Tư
Lệnh Sư Đoàn để vào Nam nhận nhiệm vụ mới, sau khi ngắn gọn ngõ vài lời
cảm ơn và từ giả với toàn thể Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ thuộc
quyền, ông đã khóc, khiến cho các cố vấn Mỹ đứng bên lúc đó bối rối và
kinh ngạc.
Mấy dòng hồi ký để tưởng niệm một vị Tướng Lãnh tài ba, tận tụy với nhiệm vụ, thanh sạch trong đời sống, xứng đáng để làm gương cho nhiều người.
Mấy dòng hồi ký để tưởng niệm một vị Tướng Lãnh tài ba, tận tụy với nhiệm vụ, thanh sạch trong đời sống, xứng đáng để làm gương cho nhiều người.
Lê Đình Thọ
No comments:
Post a Comment