Monday, August 15, 2022

CHƯƠNG II NGÀY 26 THÁNG TƯ Vĩnh Biệt Sàigòn - Jean Lartéguy + Phạm Kim Vinh

 CHƯƠNG II

NGÀY 26 THÁNG TƯ

Đêm nay, dường như Tổng thống Thiệu đã bay đi Đài Loan với 16 tấn hành lý, cả một kho châu báu, những đồ cổ, và theo người ta nói thì hắn mang theo cả vàng của ngân hàng quốc gia nữa.

Tờ Courier d’Extrême Orient chạy dài tám cột trang nhất: “Tổng thông Pháp Giscard D’Estaing đã nói chuyện điện thoại với Đại sứ Pháp tại Saigon”. Đó là cái tin lớn. Như thế là chỉ có những gì diễn ra và thảo luận tại Ba Lê mới quan trọng. Lời tuyên bố của Nghị sĩ Pháp Paul d’Ornano, người đi cùng chuyến bay với chúng tôi:

- Tôi rất sung sướng lại được ở bên những người Pháp tại Saigon. Tôi thấy họ bình tĩnh và tự trọng không khác gì cách đây ba tuần. Và tôi cũng sung sướng được nói với họ rằng Tổng thống Pháp đã tiếp tôi trước khi tôi khởi hành từ Ba Lê, biểu lộ tất cả sự ưư ái của Tổng thống đối với cộng đồng người Pháp tại Saigon. Tổng thống Pháp biết và ca ngợi lòng can đảm và đức tính...

Paul d’Ornano dự tính ở lại Saigon chừng mười ngày và trở lại Pháp. Phải chăng ông ta cũng mắc bịnh mơ ngủ như tôi? Trong mười ngày nữa thì chúng ta ở đâu? Dưới những gạch đổ nát của Saigon? Là tù binh của cộng sản Việt? Là con tin?

Ngoại trưởng Pháp Jean Souvagnargues tuyên bố: "Hi vọng một giải pháp chính trị vẫn còn có thể được”.

Sáng nay, lúc trời đã nóng, tôi muốn thấy cái hi vọng đó lúc chúng tôi ngồi ăn đu đủ, xoài, uống cà phê và lắng nghe những tiếng động bình bịch vọng tới chúng tôi. Cái thứ tiếng ầm ầm đó? Một chiếc xe tăng. Cái tiếng nổ nầy? Nó từ đâu tới?

Một người tóc hung đi lách giữa những chiếc bàn. Anh ta làm việc với một toán chuyên viên vô tuyến. Anh ta là con trai của Ngoại trưởng Pháp. Anh ta làm cho Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon toát mồ hôi lạnh và phải cho hai hiến binh đi lượm anh ta về sứ quán rồi tống anh ta về Pháp. Nhưng anh chàng Sauvagnargues đã chuồn được ra ngoài và bây giờ đang ở đây.

Cuộc ngưng bắn thực tế đã được xác nhận.

Đây là những điều kiện của Việt cộng trước khi thương thuyết:

- Lập tại Saigon một chính quyền không có người nào trong nhóm của Thiệu.

- Chính quyền ấy phải chủ trương hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa hợp quốc gia và thi hành các thỏa hiệp Ba Lê.

- Chính quyền ấy phải đòi triệt thoái ngay các nhân viên quân sự Mỹ đội lốt dân sự và triệt thoái các tàu chiến cùng với thủy binh lục chiến Mỹ khỏi hải phận Nam Việt Nam.

- Chính quyền ấy phải bảo đảm những quyền tự do dân chủ và trả tự do cho các tù chính trị.

Chỉ còn một mình Tướng Dương văn Minh trên đường chạy đua. Nhưng Tổng thống Trần văn Hương mới cầm quyền được năm ngày thì muốn ngồi ở ngôi cho đủ một tuần lễ. Ông ta đề nghị cho Minh Cồ giữ ghế thủ tướng có toàn quyền nhưng Minh từ chối.

Chúng ta đang ở tình trạng đó.

Tướng Kỳ, đối thủ bất hạnh của Thiệu, viên phi công có râu và mặc đồ bay huy hoàng tái xuất hiện. Ông ta ở đâu ra vậy?

Ông ta tuyên bố ủng hộ Tướng Minh. Theo ông ta thì cần có một chính phủ mới để lấy lại lòng tin của nhân dân và đề ra một kế hoạch để đạt cuộc ngưng bắn. Ông ta sẽ cùng với một mớ tướng lãnh, “những tướng giỏi nhất của miền Nam”, tìm cách ổn định tình hình quân sự. Ông ta vẫn còn thời giờ rảnh vì rằng ông ta cho biết sẵn sàng để cho tôi phỏng vấn.

Đệ nhất Phó Thủ tướng (chắc đó là Tướng Trần văn Đôn) kiêm Tổng trưởng Quốc phòng đã quyết định những biện pháp cương quyết để trừng phạt những công dân nào tìm cách trốn ra khỏi nước

Những biện pháp nào? Ai thi hành? Chẳng còn gì nữa. Rối loạn về quân sự và khoảng trống về chính trị. Còn về Đôn thì ông ta chẳng có gì mất mát nhiều. Sanh ra tại Bordeaux, ông ta là dân Tây. Và mặc dầu ông ta đã đốt giấy thông hành và đốt cặp lon sĩ quan quân đội Pháp để làm đẹp lòng ông Diệm và bà Nhu nhưng ông ta biết không thể mất quốc tịch Pháp. Những trò hề!

Nhưng bỗng nhiên, có cái tin đồn làm cho giá ngoại tệ và giá vàng hạ thấp. Tất cả các tờ báo đều loan tin. Tờ Saigon Post cũng như tờ Courier d’Extrême Orient.

Có lẽ đã có đảo chánh ở Hà Nội. Giáp phải trốn đi Mạc Tư Khoa trong khi Bắc Việt phải rút năm sư đoàn về Bắc để tái lập trật tự.

Người ta giải thích cuộc ngưng bắn như vậy đó.

Người ta cho tôi một cách giải thích khác thực tế hơn: cộng quân gác súng chờ miền Nam lập một chính phủ mới để thương thuyết với Hà Nội.

Về phía Mỹ thì người phát ngôn của Ngũ Giác đài chỉ nhận xét rằng đang có lắng dịu tại Nam Việt Nam, do ở việc cộng quân cần ngưng lại để tái tiếp tế đạn dược và nhiên liệu.

Tôi thì có cảm tưởng rằng quân Bắc Việt đang tập trung quanh Saigon để chuẩn bị cuộc xung phong chót. Họ được lợi gì khi thương thuyết với Minh hơn là với Hương? Phải chăng vai trò trung gian mà nước Pháp muốn đảm nhiệm đã làm bực mình người quốc gia quá khích kia vì nếu chúng ta quên thì những người ấy vẫn còn nhớ rằng người Pháp đã chiếm đóng xứ sở của họ trong một thế kỷ.

Trước cửa sứ quán và các tòa lãnh sự Mỹ, số người Việt Nam xin được di tản đông đảo hơn bao giờ hết và người ta phải cấm lưu thông.

Trước cửa khách sạn, người ta bày bán những cuốn sách cũ và là của những tủ sách tư nhân. Tôi ngờ xuất xứ của những cuốn sách ấy. Những người làm đã bắt đầu ăn cắp đồ trong những căn nhà mà chủ nhân đã bỏ đi. Bỏ ra vài chục đồng, tôi mua được cuốn Du Lịch Tìm Hiểu Từ Huế Đến Nam Kỳ (Voyage d’Exploration De Hue En Cochinchine), Paris xuất bản năm 1889.

Mới chín giờ sáng mà trời đã nóng. Những trận mưa lớn bắt đầu và những đám mây dày đặc trên trời vẫn chưa để cho mưa xuyên thủng.

Đi cùng với Coutard thăm chợ trời, một trong những thứ giải trí ở Saigon. Người ta thấy ở đây tất cả những gì lấy cắp được PX của người Mỹ. Giá cả không thay đổi và luôn luôn là những người vợ cảnh sát đứng bán những thứ hàng này. Trông họ như những con gà mái bự, thay vì ủ trứng thì họ ủ những thứ máy như Nikkon, Canon, Sony v..v... trong quần.

Chúng tôi gặp một toán hiến binh lực lưỡng. Dự trù những sự rắc rối, nhân viên sứ quán Pháp tại Saigon được tăng cường bằng mười ba hiến binh độc thân gốc ở vùng Perigord hoặc Larzac, to con, lông lá đầy mình và ăn nói cộc cằn.

Ung dung đi giữa những đám ăn cắp, mặc cả mua máy chụp hình, họ đã rất thông thạo về hối suất đồng bạc và đồng mỹ kim, sung sướng vì được sống thoải mái, sẵn sàng đánh đấm hoặc bắn súng và liếc những cô gái nào mà họ thấy là đẹp và không quá đanh đá. Nhưng họ không ưa thứ gái điếm. Họ chỉ yêu cầu cho biết gia đình. Những người khả kính.

Trong những ngày này thì những người đàn ông độc thân Pháp hoặc Mỹ rất đắt giá và đó là thứ hàng hóa đắt tiền nhất của các chợ Saigon. Người phụ nữ nào lấy chồng Pháp sẽ đương nhiên trở thành công dân Pháp và có ngay giây thông hành. Không có vấn đề chiếu khán xuất ngoại nữa.

Thấy tóc đã dài, tôi quyết định đi hớt. Tôi vào một tiệm ở cuối đường Catinat do toàn phụ nữ hớt. Rõ ràng là nơi này không phải chỉ có sửa sang sắc đẹp mà người ta còn biết làm nhẹ nỗi cô đơn của những người đàn ông. Cửa tiệm gần như không có khách. Các cô thợ không có việc, người dũa móng tay và hút thuốc lá.

Trong lúc người ta gội đầu cắt móng tay và cạo lông cho tôi (về sau người ta còn hỏi tôi có muốn được săn sóc hoàn toàn đầy đủ thì lên tầng lầu trên để nắn bóp và xả hơi), tôi trông thấy một cô Tàu rất đẹp, sẵn sàng để đi xa. Va li Samsonnite, và một túi da bự ở kế bên. Cô ta đeo tất cả những đồ trang sức của mình. Ánh sáng một ngọn đèn làm lấp lánh những viên kim cương của đôi bông tai. Ngồi gần tôi trong một chiếc ghế xoay là một anh Mỹ bụng bự mặc áo chim cò. Cô Tàu có vẻ nóng nảy còn anh chàng Mỹ thì lại rất bình tĩnh. Anh ta đòi 3.000 Mỹ kim mới ghi tên cô ta vào danh sách. Anh ta nói rõ là “tiền mặt”.

Một người Mỹ có quyền ghi tên tám người đi theo. Người vợ, gia đình người vợ hoặc người tình.

Cô Tàu mặc cả, môi mím lại. Rõ rệt là anh chàng kia không tha thiết với nhan sắc của cô mà chỉ chú ý đến tiền. Người ta mặc cả 2.700 mỹ kim ngay trước mũi tôi. Chàng Mỹ đứng dậy, cô ta cầm va-li theo sau. Về hướng Tân Sơn Nhất.

Cô thợ sửa sắc đẹp kể chuyện cho tôi nghe. Cô Tàu là chủ của tiệm này và người Mỹ kia là một nhân viên tầm thường của một trong vô số cơ sở của sứ quán Mỹ đã tìm cách để kiếm vài chục ngàn mỹ kim. Nếu anh ta ghi đầy được danh sách thì anh ta kiếm được gần 20.000 mỹ kim.

10 giờ 30 sáng. Chúng tôi tới sứ quán Pháp để Đại sứ Jean Marie Merillon tiếp chúng tôi. Tôi đã gặp ông ta tại Amman ở xứ Jordanie. Ông ta đã gặp bọn Tháng Chín Đen, gặp những vụ cướp máy bay và những trận giao tranh giữa quân Bedouins và quân Palestine. Ông ta đã biến sứ quán của ông ta thành một thứ pháo đài và sứ quán ấy bị kẹt giữa hỏa lực của hai phe, và trong ba tháng, ông ta và nhân viên đã sống như người bị bao vây.

Nhanh nhẹn, nhỏ con (Tướng De Gaulle có lẽ đã cử ông ta làm đại sứ tại Amman bên vua Hussein để tầm vóc của ông ta không làm buồn lòng nhà vua), tốt nghiệp trường Quốc gia Hành chánh và là người xuất sắc. Ông ta chỉ trên bản đồ Nam Việt Nam để tóm tắt mau lẹ cho chúng tôi biết tình hình.

Những người cộng sản, gọi họ là Bắc Việt hay Việt cộng hay là gì cũng được, đang vây quanh Saigon với những lực lượng đáng kể. Ít ra là mười lăm sư đoàn. Chỉ còn có một con đường là Tướng Minh. Một khi lên cầm quyền rồi thì chỉ có ông ta mới có thể nói chuyện. Nhưng chúng ta làm uổng thì giờ. Ông già Hương tự coi mình như là Thống chế Petain nên không chịu trao quyền. Ông  ta muốn ngồi lại tám ngày để lưu lại một kỷ niệm cho lịch sử, dầu rằng là một kỷ niệm khiêm nhường. Ông ta nói với tôi:

- Thưa ông Đại sứ, tôi cũng như Thống chế Petain, tôi đã dâng đời tôi cho nước Việt Nam. (Một vài kẻ độc ác đã nói rằng ông ta muốn bắt chước y hệt Petain nên đã mắc phải lỗi lầm này và bảo rằng: “Tôi đã dâng đời tôi cho nước Pháp").

“Hương là một ông già dễ thương, ủy mị và bám lấy sự hợp pháp một cách tuyệt vọng. Lập luận của ông ta như thế này: “Thiệu là Tổng thống đã trao quyền cho tôi một cách hợp pháp vì tôi là Phó Tổng thống. Tôi cũng phải làm như thế và trao quyền lại cho Chủ tịch Thượng viện Trần văn Lắm. Một khi đã được trao quyền rồi thì ông ta sẽ nhóm họp Thượng viện và chỉ có Thượng viện mới có thể quyết định gọi Tướng Minh ra cầm quyền, dĩ nhiên là như thế là một điều bất thường đối với hiến 1 pháp”.

Nhưng cộng sản không muốn nói chuyện với Hương một chút nào. Người cộng sản nói: Đó là một tên phản bội. Ông ta đã từng chiến đấu bên cạnh cộng sản trong bốn năm.”

“Tìm cách đấy ông già can đảm ấy ra khỏi chiếc ghế của ông ta. Ông ta cứ bám lấy nó. Đã mù rồi và đi không nổi mà ông ta còn muốn làm bộ điếc.”

“Một khi đã loại trừ được Thiệu và bè lũ quân phiệt rồi, chúng tôi đã tìm được những chính khách già của thời Nam Kỳ thuộc Pháp. Họ chỉ biết những gì chúng ta dạy họ. Những tên bù nhìn của thời Đệ Tứ Cộng Hòa trước khi De Gaulle cầm quyền! Nhưng tình thế ở Việt Nam bi thảm hơn tình thế ở Pháp.”

“Tôi có cảm tưởng không ai biết rõ tình thế tới đâu và tôi chỉ gặp những kẻ đang ngủ mơ.”

Qua một khe cửa, ông ta chỉ tòa nhà bên cạnh Sứ quán Mỹ:

- Ở bên đó cũng vậy, đầy những kẻ mơ ngủ.

12 giờ. Coutard ra phi trường. Có lẽ toán của chúng tôi dùng máy bay Air Việt Nam từ Vọng Các tới.

 Đi bộ từ sứ quán về, tôi tìm cách xếp đặt lại các ý tưởng trong đầu tôi.

Tình hình quân sự tuyệt vọng. Người Mỹ di tản nhân viên và những người Việt thân tín của họ một cách thanh thản như thế là họ có nhiều ngày giờ.

Cảm thấy bị người Mỹ bỏ rơi, người dân miền Nam Việt Nam và nhất là người dân Saigon theo linh tính đã hướng về người Pháp. Họ cần một người cha. Vì đã mất người cha cho nên bây giờ, họ cần có ông nội. Nhưng ông nội người Pháp đã thấm mệt. Thấm mệt vì tất cả những cuộc mạo hiểm chính trị hoặc quân sự và chỉ có thể cho họ được những lời khuyên và những lời nhẹ nhàng. Người dân Saigon chưa bao giờ làm chủ lịch sử của mình. Luôn luôn là họ đi theo một người cha, dầu là người Pháp, Nhật hoặc Mỹ.

Và ông nội người Pháp đã chống nạng trở lại. Ở khắp nơi, cờ Pháp bắt đầu phất phới bay. Người ta sơn cờ Pháp trên mái nhà, trước cửa tiệm. Đối với các tờ báo còn phát hành, lập trường đã thay đổi. Bây giờ, người ta gọi cộng sản là phía bên kia và người ta đành hi vọng một cuộc ngưng bắn.

Sau cùng, chính phủ quân sự Saigon phổ biến một thông cáo: “Từ nay, giờ giới nghiêm sẽ là từ tám giờ tối đến sáu giờ sáng thay vì tới bảy giờ sáng.”

Được thông báo là họ sẽ lên đường bất cứ lúc nào nên hàng ngàn người Việt Nam đã sẵn sàng hành lý và bỏ nhà cửa tới những điểm tập trung để lên xe chuyên chở củạ Sứ quán Mỹ.

Tôi nhậu với một đại tá Việt Nam, khi trước phục vụ trong lực lượng nhảy dù nhưng bây giờ phụ trách về báo chí tại Bộ Tham mưu.

Ông ta rất nóng nẩy. Ông ta muốn trấn an chúng tôi hay là ông ta muốn tự trấn an? Chỉ biết rằng ông ta tuyên bố:

- Tình thế quả là bi thảm nhưng không tuyệt vọng. Chúng tôi đã quyết định cùng với những đơn vị nhảy dù và những đơn vị xung kích lập các chiến khu tại vùng đồng bằng. Chúng tôi sẽ làm chiến tranh cách mạng và dùng khí giới cũng như chiến thuật của cộng sản để đánh cộng sản.

Rất chú ý đến chuyện này, tôi hỏi:

- Ngày mai, ông làm gì? Chúng ta có thể gặp nhau được không?

- Tôi bận lắm, không thể gặp ông. Tôi phải lo đưa đứa con tôi đi ngoại quốc.

Chính ra là ông ta lo cho chuyến đi của ông ta. Đồng thời với việc nhậu rượu Whisky để nói chuyện lập chiến khu, ông ta chuẩn bị chuồn.

Đó là hắn theo gương các cấp chỉ huy của hắn như Thiệu, Khiêm, như Đặng văn Quang, như các tư lịnh vùng hoặc các tỉnh trưởng, như tất cả những kẻ sau khi đã nhét đầy túi rồi thì trốn đi Đài Loan, Phi luật Tân hoặc Mỹ.

Nếu những người lính không đáng phải chịu thua như vậy thì các cấp chỉ huy của họ đều chịu trách nhiệm trừ một vài biệt lệ. Các cấp ấy là những kẻ điên, những kẻ không biết lo lắng cho nên mới quên rằng họ đương đầu với một đạo quân khắc khổ, không hề biết sự hối lộ, đạo quân ấy có những cấp chỉ huy thật sự chia xẻ gian lao với binh lính của mình.

Trong nhiều năm, người chịu trách nhiệm làm cho tòa nhà sụp đổ là viên tướng nhỏ con Nguyễn văn Thiệu. Hắn đã giữ binh lính và nhân dân ở trong tình trạng ngủ mê cho đến cùng. Cho đến lúc rớt từ mái nhà xuống, hắn đã có cái quyết định tai hại là ra lệnh rút khỏi cao nguyên mà không tham khảo ai hết, chẳng chuẩn bị gì hết.

Thiệu là ai? Đã bao lần, chúng ta đặt câu hỏi ấy đối với con người không mặt ấy, con người mà bề ngoài không ai biết ấy.

Trước hết, đó là một quân nhân hạng rất tồi. Theo ý kiến các chuyên gia, nếu có được sự nâng đỡ nhiều và cho đến khi hồi hưu, hắn chỉ có thể được phong chức tiểu đoàn trưởng mà thôi. Nhưng về chính trị, hắn đã biết khéo léo khai thác các sự chia rẽ của phía đối lập và khai thác sự tội lỗi của giới quân nhân để cai trị xứ này. Vả lại còn làm cho người Mỹ tin rằng không thể thay thế hắn được.

Hắn đã cai trị trong mười năm. Ngày 17-6-1965, hắn ma nớp để được các tướng lãnh tôn lên làm quốc trưởng sau những vụ mặc cả bẩn thỉu kéo dài nhiều ngày và giúp hắn loại trừ được kẻ địch là Tướng tàu bay Nguyễn Cao Kỳ. Hai năm sau, hắn ma nớp để được bầu làm tổng thống và lại tự làm cho hắn được tái đắc cử 30-10-1971. Hắn sẽ từ chức ngày 21-4-75.

Nguyễn văn Thiệu là một người miền Trung thuộc một gia đình có đủ ăn. Hắn theo học một lớp hàng hải và mong sẽ được chỉ huy một chiếc tàu buôn khi sự tình cờ đưa hắn tới trường Võ Bị Đà Lạt. Hắn có chân trong đảng Đại Việt, đảng quốc gia cực đoan và làm việc với người Nhật. Một thứ đảng bí mật. Trong đám người chung quanh Thiệu, người ta sẽ thấy luôn luôn có người của Đại Việt, thí dụ như tên Khiêm.

Mạnh mẽ chống Pháp, ít ra cũng là trong lúc đầu, Đại Việt đào tạo một phần cán bộ chính trị và trí thức cho nước Việt Nam. Diệm là một thứ thừa kế của Đại Việt. Thiệu dẫu sao cũng dính líu tới gia đình quan liêu hạng nặng họ Ngô. Và chính Diệm đưa Thiệu lên. Là sĩ quan theo quân đội Pháp, Thiệu làm cho người ta chú ý vì sự kín đáo và vì tính khép nép.

Tại Đông Nam Á, người Tàu có thói quen đặt cọc một vài nhân vật bằng cách đưa họ lên, hi vọng rằng một trong những con gà đó sẽ lên cầm quyền và sẽ trả nợ gấp trăm lần.

Francis Koo đặt cọc vào Thiệu. Nhờ linh tính hay là nhờ sự suy tính bác học? Là người Tàu sinh tại Thượng Hải, học tại Pháp, Koo là con của một gia đình Công giáo quyền thế. Là bạn thân của con trai Trưởng Giới Thạch, hắn chỉ là Đệ nhất Bí thư của Sứ quán Trung Hoa Quốc Gia tại Saigon thời Diệm. Đó là cái bình phong. Tiếp theo một thỏa hiệp giữa các quốc gia thuộc Minh Ước Đông Nam Á, hắn điều khiển tình báo của Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai Á, Đài Loan. Một thứ điều hợp viên phụ trách những hoạt động chính trị lớn lao.

Lúc đó, Thiệu là một sĩ quan cấp nhỏ trong triều đình của Diệm. Hắn đi theo đạo Công giáo và cưới một người vợ miền Nam, cũng theo đạo Công giáo, ham tiền, ham danh vọng. Cũng như nhiều người phụ nữ Việt Nam, vợ Thiệu là người đáng sợ.

Khi nhà Ngô lên cầm quyền, Thiệu là Đại úy rồi leo tới Đại tá. Hắn vẫn dè dặt và kín đáo. Tinh thần quốc gia của hắn thành thật và hắn biết giúp ích một cách khéo léo. Mà vẫn không làm cho hắn bị chú ý. Trong dinh, người ta hài lòng vì sự kín đáo và sự khuyển mã của hắn. Vì nhà vợ ít nhiều đã luôn luôn chạy theo quĩ đạo của nhà Ngô nên hắn được coi là người trong nhà của họ Ngô.

Francis Koo cố vấn và nâng đỡ Thiệu. Thiệu được giao chức vụ Chỉ Huy Đoàn Vệ Binh Phủ Tổng Thống. Thế là rốt cuộc, hắn đã giữ một chức vụ then chốt và hắn sẵn sàng hối mại quyền thế.

Khi Diệm bị lật đổ, hắn khôn ngoan đứng bên ngoài vụ âm mưu, chỉ đi theo phe nổi dậy khi hắn đã hiểu (hoặc khi Koo cho hắn biết) rằng phe ấy đã thắng vì được nước Mỹ yểm trợ. Thế mà lại chính hắn để cho hai anh em Diệm Nhu trốn khỏi dinh để núp vào một nhà thờ tại Chợ Lớn. Sau đó, hai người bị chỉ điểm và bị bắt. Có lẽ cũng do Thiệu. Hắn thủ đoạn lắm mà.

Hắn không chơi trội. Hắn để cho những viên tướng khác múa rối trước sân khấu và cắn xé nhau. Chỉ trong ít lâu mà Minh Cồ đã bị văng cùng với đám sĩ quan thân Pháp: Lê văn Xuân-, Mai Hữu Xuân, Trần văn Đôn và Tôn Thất Đính. Khánh mập và Minh “Nhỏ” rồi cũng bị đá. Rồi xuất hiện Nguyễn Cao Kỳ với bộ râu, với đám phi công chơi trò cao bồi trên đường phố Saigon.

Người ta bắt đầu nói tới Thiệu như là người duy nhất khả dĩ chấp nhận được trong cái đám quân nhân bất tài kia vì đám người ấy đã quên chiến tranh để mà chỉ nghĩ tới làm chính trị như làm gánh xiệc.

Việt Cộng chiếm các ấp chiến lược, đặt hệ thống tại các thành phố. Người Mỹ chuẩn bị can thiệp ồ ạt để sửa chữa một tình thế tai hại. Chỉ sau khi Hà Nội gạt bỏ các đề nghị hòa bình của Johnson.

Nếu hồi ấy, cộng sản nhận các đề nghị hòa bình thì một năm sau, và chẳng cần có thêm hai triệu người chết nữa, lá cờ đó cũng bay tại Saigon.

Tôi nhắc lại là tháng 3 năm 1965, mười triệu người trong số 14 triệu sống trực tiếp hoặc gián tiếp dưới sự chi phối của Việt cộng vì khi ấy, Việt cộng kiểm soát 4/5 lãnh thổ. Chính phủ chỉ kiểm soát được các thành phố, như những hạt nho khô trên một chiếc bánh.

Người Mỹ buộc lòng phải lao mình vào cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” này vì cộng sản không chịu cho người Mỹ sự nhượng bộ nhỏ nhoi để người Mỹ gỡ thể diện và tránh được cái bẫy. Người Mỹ muốn ít ra cũng có một người cầm đầu quốc gia khả dĩ coi được để khỏi làm chướng mắt dư luận Mỹ.

Họ lừa Thiệu vì Thiệu được coi là nghiêm chỉnh, để thay thế Kỳ và đám phi công áo màu cam cùng với đám cảnh sát tay bấm cò súng quá nhạy cảm.

“Không may” nên một máy bay của Mỹ đã bắn hỏa tiễn xuống một tòa nhà lúc ấy, toàn bộ tham mưu của Kỳ đang tụ họp và đáng lẽ Kỳ cũng có mặt tại đó. Viên tướng tàu bay mất những tay chân đắc lực nhất trong cái “tai nạn” đó.

Kể từ lúc đó, điểm của Kỳ xuống và ngôi sao của Thiệu lên. Thiệu có một lợi thế lớn so với đối thủ: hắn biết rõ các bạn hữu. Hắn biết rằng các bạn bè của hắn rất đói tiền tài và danh vọng. Nhất là đói tiền. Lương của một đại tá hoặc một viên tướng thật là mỉa mai. Người ta không thể sống đàng hoàng với số lương ấy. Để tạo vây cánh chống Kỳ, Thiệu có những cấp tá và những cấp úy. Hắn trả tiền mặt. Kỳ thì chỉ hứa hẹn thôi. Khi mất đám tay chân trong ngành cảnh sát “vì tai nạn”, Kỳ mất nguồn tài trợ chánh yếu xuất xứ từ việc buôn lậu, các quán rượu, gái điếm và buôn chất ma túy. Thiệu sẽ hệ thống hóa việc hối lộ. Việc ấy chẳng bao lâu giúp Thiệu nắm được toàn thể quân đội và đưa Thiệu tới chỗ được các sĩ quan tôn lên làm “quốc trưởng”.

Cầm quyền rồi thì Thiệu bám chắc. Hắn khai thác thái độ của người Mỹ lúc ấy mệt mỏi vì quá nhiều cuộc đảo chánh và vì không muốn nghe nói tới đảo chánh nữa cho nên khi tìm được một ứng viên coi được, người Mỹ nắm luôn lấy.

Thiệu đa nghi. Hắn có cái xảo quyệt của một con cáo già. Như thể là hắn đã làm chính trị suốt đời hắn. Không phải là thứ chính trị cao cả mà là thứ chính trị thấp hèn, chuyên dùng những âm mưu, những sự ganh ghét cá nhân, những cuộc tranh dành ảnh hưởng trong bóng tối. Hắn loại trừ tất cả những địch thủ của hắn bằng cách làm cho những kẻ kia chống nhau bằng cách mua những đám người theo những kẻ ấy.

Vợ Thiệu và vợ của tên đồng lõa với Thiệu là Khiêm nắm tất cả tiền bạc của miền Nam Việt Nam. Muốn có một chức vụ gì kiếm chác được đôi chút đều phải qua cửa hai người đàn bà ấy. Phải trả tiền trước và sau đó, phải chứng tỏ trung thành với đảng.

Dần dần, Thiệu leo lên mà không ồn ào, không mắc phải những lỗi lầm. Được đám cận thần đưa lên, Thiệu được bầu làm tổng thống. Người Mỹ tưởng rằng hắn vững chắc và thông minh. Hắn nói rất ít. Thực ra thì hắn cực kỳ mong manh. Hắn không thể dùng được một mình. Phải có một người giám hộ để dẫn dắt và nâng đỡ hắn. Sau những người Pháp, sẽ có Diệm rồi đến người Mỹ và Nixon. Hắn chẳng hiểu gì về vụ Watergate. Hắn không thể nghĩ rằng có chuyện ấy. Đối với hắn thì chính trị là thế. Người ta trách Tổng thống Mỹ điều gì? Điều mà hắn làm mỗi ngày để loại trừ những địch thủ của hắn...

Trong diễn văn chót trước khi từ chức, hắn sẽ tố cáo nước Mỹ là phản bội hắn, hiểu ngầm rằng hắn đã được Nixon nâng đỡ và bị phản.

Thiệu là một người quốc gia thành thật nhưng chỉ có thể nghĩ tới một chế độ tham nhũng. Hắn chỉ là người được những kẻ bình đẳng lựa ra. Hắn phải luôn luôn chi tiền, để những kẻ kia đứng yên và để diệt trừ những viên tướng tốt vì họ lương thiện và làm trái ý chế độ: đó là luật rừng. Chỉ xài những tướng lãnh lưu manh mà thôi.

Từ một năm, sự tham nhũng đã tới mức độ không thể chấp nhận được vì rằng đám lâu la của Thiệu ngày càng tỏ ra đói tiền. Thiệu không có một khả năng quân sự nào và hắn nghi kỵ sâu xa các tướng lãnh khác. Những kẻ được chỉ định giữ các chức vụ chỉ huy quân sự và dân sự đều có nhiệm vụ kiếm tiền bỏ vào quỹ của đảng và để liên miên mua kẻ này bán kẻ kia. Những cấp chỉ huy ấy chỉ được chọn lựa vì tài khuyển mã và vì mang lại được tiền cho Thiệu. Người Mỹ không còn ở Việt Nam nữa thì phải lột đám dân lành. Tuy nhiên, vẫn còn một vài đơn vị xung kích không bị thối nát, thí dụ như quân Nhảy Dù là thành phần biết coi tinh thần đơn vị hơn sự thối nát Nhưng từ khi quân Nhảy Dù không được hành quân lưu động nữa và bắt đầu phải đồn trú một nơi như Thủy Quân Lục Chiến thì cũng lại mắc phải cái bệnh quen thuộc và từ đại tá cho tới thiếu úy, mọi người lập tức đua nhau kiếm tiền.

Linh hồn tội lỗi của Thiệu là một con heo bự tên Đặng văn Quang. Vợ của tên Tướng Quang này buôn bán với cộng sản thế nào thì chẳng còn ai xa lạ gì. Hắn là trùm bạch phiến. Buôn thứ ấy còn kiếm được nhiều tiền hơn cả việc buôn gạo và gỗ từ vùng Việt Cộng. Tên Quang ra lệnh cho quân đội và phong cấp tướng cho những tướng lãnh khác nhưng Thiệu là người quyết định các cuộc hành quân mà chẳng cần biết rằng những cấp chỉ huy do Quang chỉ định có thi hành được cuộc hành quân hay không. Trong thực tế thì không có bộ tham mưu nữa. Vì đa nghi, vì sợ đảo chánh nên Thiệu đã bỏ bộ tham mưu. Khi cộng quân mở cuộc tấn công tháng 3 năm 1975 thì tất cả những điều đó đưa tới một quân đội không muốn chiến đấu vì quân đội ấy không được tổ chức để chiến đấu và thường chỉ được điều khiển bởi những cấp chỉ huy bất lực.

Vì lúc nào cũng phải có người dẫn dắt cho nên khi người Mỹ buông ra thì Thiệu mất tất cả ý niệm về thực tế. Và vì hắn không thể chấp nhận được cho nên hắn từ chối cái thực tại ấy. Hắn chẳng hiểu gì về thỏa hiệp Ba Lê và cũng như ông Diệm đối với thỏa hiệp Genève, hắn tưởng hắn không phải thi hành các thỏa hiệp ấy. Hắn yêu cầu Nixon bảo đảm. Nixon có thể đã gởi cho Thiệu ba lá thư riêng cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ bay tới cứu Thiệu nếu Bắc Việt tấn công “ồ ạt”. Do đó, Thiệu mới ký kết và Kissinger mới được giải thưởng Nobel hòa bình.

Tháng 12-74: trận đánh trứ danh tại tỉnh Phước Long, tỉnh lỵ đầu tiên bị cộng sản chiếm.

Theo các thỏa hiệp Ba Lê và theo các điều khoản bí mật thì người Mỹ phải giúp đỡ Nam Việt Nam. Người Mỹ không làm gì hết. Có tới 70% dư luận Mỹ chống lại sự can thiệp mới và không phải là tổng thống đang cai trị nữa (Ford chẳng do ai bầu lên) mà do quốc hội cai trị, một quốc hội có toàn quyền và đang muốn trả thù hành pháp. Thiệu thấy rằng hắn mồ côi. Hắn không biết phải làm gì nữa. Hắn bồn chồn và nóng nảy. Xưa nay, hắn chẳng hề nói chuyện với ai, chẳng bận tâm đến một phía đối lập (vài nhà tu hành, vài chính khách xôi thịt không có hậu thuẫn trong nhân dân) thì nay bỗng nhiên, hắn muốn hòa giải với những người đối lập ấy để làm ra vẻ có sự cởi mở. Hắn thất bại hoàn toàn. Thiệu biêh mất. Người ta không thấy hắn đâu nữa. Hắn đã thua, hắn sợ vì hắn chỉ còn có một mình. Thay vì hiểu những gì đang xảy ra thì hắn lại hoàn toàn ở trong sự mê sảng và mọi người đều mê sảng theo hắn. Toàn thể miền Nam Việt Nam nhắm mắt theo sau tổng thống của mình đi trên mái nhà.

Thiệu theo Công giáo nhưng hắn lại cực kỳ mê tín. Hắn tin bói toán, hắn thờ tổ tiên và thường hỏi ý các người bói toán. Mộ của cha hắn Cam Ranh. Hắn cho xây trên mộ ấy những mũi đá nhọn và dài. Ngày 14-3-75, khi cộng quân mở cuộc tấn công, một cơn giông bùng nổ và sét đánh vào ngôi mộ ấy làm gãy gục tảng đá nhọn. Đối với Thiệu, kẻ mồ côi, thì đó là điềm gỡ. Phải chăng năm đó là năm Mẹo và tuổi hắn là tuổi con chuột? Mèo luôn luôn ăn thịt chuột, Staline vầ Fidel Castro cũng tuổi ấy?

Thiệu đã thua rồi. Và chẳng có ai để mà gọi hắn, để mà đánh thức hắn dậy. Đáng lẽ Đại sứ Mỹ Graham Martin phải làm việc ấy. Nhưng Martin cũng lại là một thứ người ngủ mơ. Con trai của hắn chết tại Việt Nam. Đốì với Martin thì cuộc chiến tranh này là một chuyện cá nhân. Hắn không thể chấp nhận để nước Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Hắn hành động như thể Nixon còn là tổng thống của nước Mỹ do dân bầu lên, như thể không có vụ Watergate.

Ấy thế mà sự biến mất của Thiệu, con người kỳ lạ, sẽ gây ra một khoảng trống lớn.

Đối nội, Thiệu theo đường lối của Diệm: một đảng duy nhất, hệ thống song song. Những kẻ kế vị hắn (ít được chuẩn bị để cầm quyền) sẽ tiếp tục theo chiều hướng ấy, hoặc nói đúng hơn thì chẳng làm gì hết.

Vào ngày thứ Bảy 26-4-75, Saigon dần dần mất máu, mất chất liệu nhưng người ta chưa thấy rõ.

Một tin đồn: có thể là cộng sản xác nhận rằng chúng sẽ làm chủ thành phố Saigon 15-5 để kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh. Mặt khác, chiến dịch của quân Bắc Việt mở ra tại miền Nam cũng mang tên Hồ Chí Minh.

Tôi tự hỏi tại sao chúng phải chờ tới ngày 15-5. Các sư đoàn cộng sản chỉ cần tiến lên là xong. Ngoại trừ lý do là Hà Nội muốn giữ lấy thời hạn đó. Từ lúc đầu Hà Nội đã chủ động cuộc chơi.

Một người Việt Nam nói với tôi:

- Không thể như thế được, người ta chẳng nghe thấy tiếng đại bác nào.

Tôi định xô ông ta để cho ông ta mở mắt Nếu người ấy dùng tắc-xi để đi ra ngoại ô Saigon thì sẽ nghe thấy những loạt súng tiểu liên.

Raoul Coutard đã từ Tân Sơn Nhất trở về. Máy bay của hàng không Việt Nam từ Vọng Các không chịu cất cánh. Chúng tôi vẫn chưa có chuyên viên.

Tôi ngủ không được. Điện tắt làm tôi thức dậy. Quạt không quay nữa. Trời nóng quá. Và sự yên lặng nặng nề này!

Tiếng kèn của xe cứu thương chạy qua thật lẹ.

Tiếp theo chương 3

No comments: