Tuesday, July 2, 2024

TƯỞNG NHỚ .

52 năm trước cũng vào thời điểm này ,trận đánh giải tỏa An Lộc của QLVNCH hết sức ác liệt và đẫm máu đã đi dần vào kết thúc .
Ngày 4/4/1972 trận tấn công An Lộc của CS bắt đầu .
Từ miền Tây ,ngày 14/4/1972 ,toàn bộ SĐ 21 BB được cấp tốc tiến về An Lộc. Trong lực lượng tiếp viện từ miền Tây về có sự hiện diện của chiến đoàn 15 SĐ 9 BB do trung tá Hồ ngọc Cẩn là chiến đoàn trưởng (có thiết giáp tùng thiết).
Trong trận đánh đẫm máu này, SĐ 21 và chiến đoàn 15/9 với nhiệm vụ giải tỏa quốc lộ 13. Trong bài viết này chỉ nói về hoạt động của hai đơn vị từ miền Tây về tham gia chiến dịch giải tỏa An Lộc .
Sơ lược như sau:

MẶT TRẬN PHÍA NAM DỌC THEO QUỐC LỘ 13
Sau khi Chiến Đoàn 15 (-) do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Đoàn Trưởng, chỉ huy cùng Tiểu đoàn 1/15 do Thiếu tá Nguyễn Ánh Lê (K16 Võ bị) và Đại Đội “A” Công Binh Chiến Đấu an toàn đặt chân đến vùng Ấp Tân Khai, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho thiết lập ngay một căn cứ hoả lực dã chiến, với 1 Pháo Đội của Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh, gồm có 6 khẩu đại bác 105 ly, và hàng ngàn quả đạn, được trực thăng Chinook Việt Nam Cộng Hoà câu đến, làm đầu cầu “hoả lực” yểm trợ cho đoàn quân từ phía Nam tiến đến An Lộc, đồng thời làm bàn đạp cho cánh quân của Trung Đoàn 33, đang di chuyển tiến dần đến giải vây An Lộc.

Việc thiết lập căn cứ hoả lực dã chiến tại Tân Khai của Chiến Đoàn 15 (-), cũng như căn cứ hoả lực tại Đồi Gió của Lữ Đoàn 1 Dù là kế hoạch mới dựa theo nhu cầu chiến thuật của phía Việt Nam Cộng Hoà đã tạo cho địch quân thêm một vấn đề nan gìải, ngoài dự liệu trong bản điều nghiên trận liệt của Địch. Trận Đồi Gió quân Cộng Sản đã phải huy động đến 2 Trung Đoàn thiện chiến nhất của 2 Công Trường 7 và 9, và có đến 12 chiến xa T.54 trợ chiến để tấn công Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù. Giờ này, đến căn cứ Hoả Lực Tân Khai, Địch không còn có một đơn vị nào có đủ khả năng để nhổ thêm một cái “gai nhọn” khác nữa, nếu không phải cần có một lực lượng ở cấp 2 Trung Đoàn sắp lên, để có thể “bứng” được Chiến Đoàn 15 (-), của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai! Và căn cứ hoả lực này vẫn còn chễm chệ đứng vững cho đến ngày tàn của trận chiến, khi toàn thể Sư Đoàn 21 Bộ Binh, và Chiến Đoàn 15 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh, được hoàn trả về Vùng IV Chiến Thuật (vào ngày 24 tháng 07 năm 1972)....

Lực lượng “bứng chốt” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại suối Tàu Ô được diễn tiến và kết hợp liên hoàn như sau: Trung Đoàn 32 Bộ Binh từ phía Nam có chiến xa M.41 đánh thốc lên. Hai Tiểu Đoàn còn lại của Chiến Đoàn 15 SĐ9 và Thiết Đoàn 9 Thiết vận xa do Trung Đoàn Phó, Trung Tá Phạm hữu Bình (khóa 10 võ bị Đà Lạt) chỉ huy, lách về phía sườn Đông; từ bên sườn phải bọc vòng đánh ép vào. Trung Đoàn 31 Bộ Binh đánh thốc từ mặt Bắc xuống, đánh tan đưọc chốt Tàu Ô. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ “bứng chốt”, vào chiều ngày 19 tháng 05 năm 1972, toàn bộ lực lượng Bộ Binh và Thiết Kỵ của Chiến Đoàn 15 được lệnh tức tốc di chuyển về với đơn vị “Mẹ” là Trung Đoàn 15 (-) đang trấn giữ căn cứ hoả lực Tân Khai, thi hành nhiệm vụ mớị.
Cũng tại căn cứ Tân Khai, cố đại tá Phạm hữu Bình tr đoàn phó 15/9 và một cố vấn Mỹ tử trận vì đạn pháo của V.C.

Để lại căn cứ hoả lực Tân Khai 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh do Thiếu Tá Nguyễn Ánh Lê, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1, chỉ huy, và toàn bộ Thiết Đoàn 9 TQV, ủi ụ tăng cường phòng thủ; Trung Đoàn 15 (-) gồm có 2 Tiểu Đoàn Bộ Binh và Đại Đội Trinh sát 9 do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy liền xuất phát đến giải vây cho Trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại vùng 7 cây số Nam An Lộc....

Sau khi thành công quét sạch Cộng quân ở chốt Tàu Ô, Trung Đoàn 32 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh phải vội lui quân về thay thế Chiến Đoàn Đặc Nhiệm (B) giữ an ninh lộ trình Quốc Lộ 13 từ Căn Cứ Lai Khê đến Quận Chơn Thành, đồng thời làm thành phần trừ bị (2) cho Quân Đoàn. Còn Trung Đoàn 31 được trực thăng vận thả vào án ngữ phía Tây Quận Chơn Thành, phòng ngừa địch quân từ hướng căn cứ hoả lực Tống Lê Chân tiến đánh Quận Chơn Thành.

HẦM VÀ CHỐT XA CAM
Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, sau khi được “đổ quân” xuống vùng cạnh phía Bắc căn cứ hoả lực Tân Khai, nhận đựợc lệnh tiếp tục tiến về hướng Bắc để thu ngắn đoạn đường 12 cây số còn lại (từ căn cứ Tân Khai đến An Lộc). Khi rời khỏi Tân Khai 5 cây số về hướng Đông Bắc, tiểu đoàn đi đầu chạm súng với Cộng quân cấp trung đoàn, có PT.76 trợ chiến. Trung Tá Nguyễn Viết Cần điều động 2 Tiểu Đoàn còn lại lên tiếp ứng. Căn Cứ Hoả Lực Tân Khai được yêu cầu pháo yểm trợ không ngừng. Cuộc quần thảo với Cộng quân kéo dài đến chiều tối; Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh vẫn không xuyên thủng được chiến tuyến của địch, Trung Tá Cần cho lệnh dừng quân, và cho lệnh đào hầm hố tạm qua đêm.

Khi xác định được vị trí của Trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, địch không dám dùng bộ binh để tấn công, nhưng dùng pháo để tiêu hao tiềm lực của Trung Đoàn 33 Bộ Binh. Chúng “nã” trên 600 quả 130 và hoả tiễn ngay vào vị trí qua đêm của Trung Đoàn 33 Bộ Binh, gây tổn thất thêm cho Trung Đoàn này. Trong số những quả đạn pháo ác nghiệt đó, có một quả rơi trúng ngay hầm của vị Trung Đoàn Trưởng, gây tử vong cho TrungTá Cần cùng một vài chiến binh chung hầm. (vào lúc 10 giờ tối đêm 19 tháng 05 năm 1972). Trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà như rắn mất đầu. Vị Trung Đoàn Phó, Thiếu Tá Nguyễn Mai Xuân lên nắm quyền chỉ huy, phải lo thu xếp mọi việc, nhất là xin tản thương, lay hoay mất cả ngày. Địch lần lần mở cuộc bao vây. Trung Đoàn 33 Bộ Binh bị Địch cầm chân tại chỗ. Thiếu Tá Xuân cho lệnh Trung Đoàn rút lui về phía sau, tránh tầm pháo của Địch, và xin trực thăng tản thương một số chiến sĩ thương vong , trong đó có xác của vị Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 Bộ Binh Nguyễn Viết Cần.

Các trực thăng võ trang yểm trợ cho các trực thăng tản thương, đã nhiếu lần cố gắng thi hành nhiệm vụ, nhưng đều bất thành, vì hoả lực phòng không của địch được thiết trí trên các xe thiết giáp di động, bọc lòn về phía Nam tạo thành một hàng rào hoả lực dầy đặc, cộng thêm các giàn pháo từ xa khi được báo động liền pháo kích ngay vào trận địa, nên các trực thăng tản thương không tài nào đáp được.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, khi nhận được tin Trung Đoàn 33 Bộ Binh bị địch cầm chân, và Vị Trung Đoàn Trưởng trúng pháo tử vong, liền ra lệnh cho Chiến Đoàn 15 (-) thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh chuẩn bị sẵn sàng, đợi đến khi 2 Tiểu Đoàn còn lại cùng Thiết Đoàn 9 đến nơi (Căn cứ Hoả Lực Tân Khai) cấp tốc kéo quân tăng viện Trung Đoàn 33 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.

Sáng ngày 20 tháng 05 năm 1972, Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn điều quân, nương theo ven khu rừng phía Tây Quốc Lộ 13, bọc vòng phía trên vị trí của Trung Đoàn 33 Bộ Binh, chuyển sang phía Đông, từ mặt Bắc đánh xuống sau lưng quân địch, bắn hạ 2 PT.76, đột phá vòng vây cho Trung Đoàn 33 Bộ Binh, thừa thắng xông lên, tiếp tục càn quét các ổ phòng không địch về phía Nam, bắn hạ thêm 3 thiết giáp phòng không di động của địch. Sau khi giải vây cho Trung Đoàn 33 Bộ Binh, cả hai đơn vị, Trung Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 33 Bộ Binh bung ra lục soát, tìm thấy gần 200 xác chết của Cộng Quân, 2 PT.76, 3 thiết giáp cơ động phòng không bị huỷ diệt, và mở rộng vùng “bãi đáp” cho trực thăng đáp xuống tản thương các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, trong đó có xác của Vị Trung Đoàn Trưởng, Trung Tá Nguyễn Viết Cần, còn đang được trùm kín trong chiếc Poncho.

Công việc di tản được thương binh và xác của những chiến sĩ tử trận, giúp cho Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh có cơ hội phục hồi lại được tính “di động”, để cùng Trung Đoàn 15 (-) thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh hỗ tương tiến bước. Trung Đoàn 15 (-) trách nhiệm bên cánh trái, Trung Đoàn 33 bên cánh phải, tiến dần đến An Lộc. Cho đến khi 2 đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà vừa chiếm được phía Nam bìa rừng đồn điền cao su Xa Cam (5 cây số Nam An Lộc), chạm trán ngay với các “chốt” của Cộng quân đã đào sẵn chi chít bên trong rừng cây cao su, và ẩn sâu dưới đường rầy xe lửa. Mặc dầu được sự tích cực yểm trợ của phi cơ và pháo binh, nhưng đơn vị Bạn khó vượt qua được, đành phải dừng quân, bố trí phòng thủ qua đêm. Suốt trong đêm, Cộng quân gia tăng pháo kích vào các cánh quân bạn, cho tới trời sáng, Trung Đoàn 15 (-) và Trung Đoàn 33 đồng loạt tấn công vào “chốt Xa Cam”, nhưng đều bị đẩy lui, bị thương vong khá nhiều, nhưng vẫn không vượt qua nổi chương ngại vật này, rồi lại bị pháo, thêm một số chiến sĩ thương vong. Quân số càng ngày càng bị hao hụt, có thể nói là cả 2 Trung Đoàn Bạn bị Địch cầm chân tại chỗ nhiều ngày sau đó.

Sau 2 ngày đêm gây tiêu hao tiềm lực Trung Đoàn 33 và 15 (-) Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, Cộng quân mở cuộc phản công: để Trung Đoàn 165 trấn thủ các chốt kiền, Trung Đoàn 141 thuộc Công trường 7 Cộng Sản Bắc Việt, có tăng T.54 và PT.76 mở cuộc phản công trực diện vào các thanh phần tiên phong của Trung Đoàn 33 và Trung Đoàn 15 (-) Việt Nam Cộng Hoà; đồng thời điều động các xe thiết giáp cơ động phòng không bọc vòng phía Nam khóa chặt đường không vận tản thương và tiếp tế của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, bao vây hai Trung Đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, thành một vòng 2 cây số chiều dài, dọc theo Quốc Lộ 13. Đạn dược, lương khô, nhất là nước uống, trở thành vấn đề khó khăn cần phải được giải quyết cấp thời cho các đơn vị bạn.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, tức tốc thiết lập kế hoạch tiếp tế bằng cách thả dù. Tất cả các bành dù đều được rơi trong vị trí của quân Bạn. Đạn dược, lương thực và trang dụng “cứu thương” được cung cấp đầy đủ để chống chọi với quân địch. Bạn đã đẩy lui vài đợt tấn công của Trung Đoàn 141, bắn cháy bốn T.54 và hai PT.76 của địch quân. Tuy nhiên số thương binh thì không di tản được, còn nước uống thì phải tạm dùng thật giới hạn bằng những chai “nước biển” cứu thương....

(Tham khảo và Trich trận An Lộc 93 ngày đêm tử thủ, do bạn Gunship sưu tầm )

Xin gửi nén hương lòng thành kính tưởng niệm đến các anh hùng vị quốc vong thân năm xưa .Anh linh các liệt vị sẽ sống mãi trong lòng người dân miền Nam tự do ,xin phù hộ độ cho đất nước sớm được tự do ,hạnh phúc ,ấm no .
( CP9)

Hình Thị xã An Lộc tan hoang sau trận đánh mùa hè năm 72 .

No comments: