Saturday, August 31, 2024

Đ/tá Hồ Ngọc Cẩn- Người vợ lính ở Thủ Đức

Mùa xuân năm 1959. Họ đạo Thủ Đức có đám cưới nhà quê. Cô dâu Nguyễn Thị Cảnh mỗi tuần giúp lễ và công tác thiện nguyện cho nhà Thờ. Chú rể là anh trung sĩ huấn luyện viên của trường bộ binh Thủ Đức.
Cha làm phép hôn phối. Họ Đạo tham dự và chúc mừng. Bên nhà gái theo đạo từ thuở xa xưa. Bên nhà trai cũng là gia đình Thiên Chúa Giáo. Cô gái quê ở Thủ Đức, 18 tuổi còn ở với mẹ. Cậu trai 20 tuổi xa nhà từ lâu. Cha cậu là hạ sĩ quan, gửi con vào thiếu sinh quân Gia Định từ lúc 13 tuổi. Khi trưởng thành, anh thiếu sinh quân nhập ngũ. Đi lính năm 1956. Mấy năm sau đeo lon trung sĩ.
Quê anh ở Rạch Giá, làng Vĩnh Thanh Long, sau này là vùng Chương Thiện. Ngày đám cưới, ông già từ quê lên đại diện nhà trai. Đứng trước bàn thờ, cha xứ hỏi rằng anh quân nhân này có nhận cô gái làm vợ không. Chú rể đáp thưa có. Cha hỏi cô gái có nhận anh trung sĩ này làm chồng. No đói có nhau. Gian khổ có nhau. Cô gái Thủ Đức vui mừng thưa có. Anh trung sĩ Rạch Giá phục vụ trường bộ binh đi lễ nhà thờ gặp cô gái xóm đạo Thủ Đức nên kết nghĩa vợ chồng. Cô gái thề trước nhà Chúa, có cả họ Đạo chứng kiến.
Cô đã giữ trọn đời làm vợ người lính. Từ vợ trung sĩ trại gia binh cho đến phu nhân đại tá trong dinh tỉnh trưởng. Cô theo chồng đi khắp 4 phương suốt 16 năm chinh chiến để rồi 30 tháng 4 năm 75 trở thành vợ người tử tội.
Cô đem con trở về Thủ Đức lánh nạn chờ ngày chồng bị xử bắn. Dù thăng cấp, dù thắng hay bại, dù sống hay chết, chồng cô vẫn là người anh hùng. Cô mãi mãi vẫn là người vợ lính. Anh lính đầu đời chinh phu của cô lúc lấy nhau đeo lon trung sĩ và khi ra đi đeo lon đại tá. Thủy chung cô vẫn sống đời vợ lính. Chồng của cô là đại tá Hồ Ngọc Cẩn.
Hiện nay cô vợ lính gốc Thủ Đức, sau khi tìm đường vượt biên, đem con trai duy nhất qua Bidong, Mã Lai rồi vào Mỹ sống ở Nam Cali. Cô may thuê. Bán quán nuôi con. Con trai lập gia đình có 2 cháu. Người vợ lính năm xưa từ 75 đến nay, ở vậy thờ chồng đã trở thành bà nội ở chung một nhà với con cháu. Suốt đời vẫn nghèo, nghèo từ trung sĩ mà nghèo lên đại tá. Nghèo từ Thủ Đức mà nghèo qua Chương Thiện. Nghèo từ Việt Nam mà đem theo cái nghèo qua Mỹ. Bởi vì suốt đời chỉ là người vợ lính.
Một đời chinh chiến. Chuyện người chồng.
Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938. Xuất thân thiếu sinh quân Gia Định rồi nhập ngũ và lên cấp trung sĩ huấn luyện viên vũ khí tại trường bộ binh. Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh trung sĩ tìm cách tiến thân xin vào học lớp sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế. Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho đến 15 năm sau Hồ Ngọc Cẩn trở thành đại tá tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện, hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận. Ông đã từng mang mầu áo của Biệt động quân và các sư đoàn bộ binh. Huy chương và chiến công nhiều vô kể.
Suốt một đời chinh chiến từ trung đội trưởng lên đến trung đoàn trưởng, Hồ ngọc Cẩn tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang. Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể sư đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho quân đoàn 3 giải tỏa An Lộc. Lại cho lệnh tăng cường thêm 1 trung đoàn của sư đoàn 9. Tư lệnh quân khu, ông Trưởng nói với ông Lạc sư đoàn 9 đưa 1 trung đoàn nào coi cho được.
Trung tá Hồ ngọc Cẩn dẫn trung đoàn 15 lên đường. Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng nhẩy dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc. Anh đại úy đại đội trưởng của trung đoàn suốt mấy tuần dằng co với địch trước phòng tuyến của tướng Hưng tư lệnh An Lộc, nhưng chưa vào được. Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ. Thiết vận xa M113 của ta còn phải lui lại phía sau. Chỉ có bộ binh của trung đoàn 15 nằm chịu trận ở tiền tuyến. Anh sĩ quan kể lại, chợt thấy có một M113 của ta gầm gừ đi tới.
A, tay này ngon.
Chợt thấy một ông xếp từ thiết vận xa bước ra, phóng tới phòng tuyến của đại đội. Nhìn ra ông trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn. Ông quan sát trận địa rồi hô quân tiến vào. Cùng với tiền đạo của nhẩy dù, trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng thủ An Lộc. Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng, ông Thiệu hứa cho mổi người lên 1 cấp.
Trung tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon đại tá trở về trong vinh quang tại bản doanh Sa Đéc. Rồi ông được đưa về làm tiểu khu trưởng Chương Thiện. Vùng đất này là sinh quán của ông ngày xưa. Cho đến 30 tháng 4-1975 Sài Gòn đã đầu hàng, nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ nên Chương Thiện chưa chịu hàng.
Chiều 29 sang 30 tháng 4, tiểu khu trưởng vẫn còn bay trực thăng chỉ huy. Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng, các đơn vị bên ta rã ngũ. Lính tráng từ tiểu khu và dinh tỉnh trưởng tan hàng, đại tá tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính cộng sản vây quanh khi còn ngồi trên xe Jeep với vũ khí, quân phục cấp bậc đầy đủ. Câu chuyện về giờ phút cuối cùng của người chồng, đã được người vợ kể lại cho chúng tôi. Thực là một kỷ niệm hết sức bi thảm.
Giây phút cuối của Chương Thiện,
Bà Cẩn với âm hưởng của miền quê Thủ Đức kể lại qua điện thoại. Cô Cảnh nói rằng suốt cuộc đời chưa ai hỏi thăm người thiếu phụ Thủ Đức về một thời để yêu và một thời để chết. Bà nói:
“Kể lại cho bác rõ, những ngày cuối cùng nhà em vẫn hành quân. Đánh nhau ngay trong tiểu khu. Anh Cẩn vẫn còn bay hành quân. Nhà bị pháo kích. Tuy gọi là dinh tỉnh trưởng nhưng cũng chỉ là ngôi nhà thường. Chiều 30 tháng 4 mẹ con em theo các chú lính chạy ra ngoài. Đi lẫn vào dân. Ở Chương Thiện không ai biết em là vợ tỉnh trưởng. Ai cũng tưởng là vợ lính. Từ xa ngó lại mẹ con em thấy anh Cẩn bị chúng bắt giải đi. Bà con kéo mẹ con em tìm đường chạy về Cần Thơ. Chú lính nói rằng bà không đem con chạy đi chúng nó bắt thì khổ. Em dẫn thằng con nhỏ chạy bộ. Mẹ con vừa đi vừa khóc. Hình ảnh cuối cùng thằng con hơn 10 tuổi nhìn thấy bố ngồi trên xe Jeep, Việt cộng cầm súng vây quanh. Bước xuống xe, anh không chống cự, không vùng vằng, không nói năng. Đưa mắt nhìn về phía dân ở xa, giơ tay phất nhẹ. Như một dấu hiệu mơ hồ cho vợ con. Chạy đi. Đó là hình ảnh cuối cùng đã gần 40 năm qua.
Từ đó đến nay mẹ con không bao giờ gặp lại. Thân nhân bên anh Cẩn, mẹ và các chị giữ không cho em và con trai ra mặt. Sợ bị bắt. Được tin anh ra tòa nhận án tử hình. Rồi tin anh bị xử bắn. Thời gian anh bị giam gia đình bên anh có đi tiếp tế nhưng không thấy mặt. Chỉ giao tiếp tế cho công an rồi về. Hôm anh bị bắn ở sân vận động Cần Thơ, gia đình cũng không ai được báo tin riêng, nhưng tất cả dân Tây Đô đều biết. Mỗi nhà được loan báo gửi một người đi coi. Bà chị họ đi xem thằng em bị bắn. Chị kể lại là không khí im lặng. Từ xa, nhìn qua nước mắt và nín thở. Chị thấy chú Cẩn mặc quần áo thường dân tỏ ý không cần bịt mắt. Nhưng bọn cộng sản vẫn bịt mắt. Bác hỏi em, bà chị có kể lại rõ ràng ngày xử bắn 14 tháng 8 năm 1975.
Mỗi lần nói đến là chị em lại khóc nên cũng không có gì mà kể lại. Chúng bịt mồm, bịt mắt nên anh Cẩn đâu có nói năng gì. Suốt cuộc đời đi đánh nhau anh vẫn lầm lì như vậy. Vẫn lầm lì chịu bị bắt, không giơ tay đầu hàng, không khai báo, không nói năng gì cho đến chết. Anh làm trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng rồi đến tiểu khu trưởng. Báo chí, anh em nói gì thì nói, anh Cẩn chả nói gì hết. Bác hỏi em là mồ mả ra sao. Em và con về nhà mẹ ở Thủ Đức. Gia đình không cho em ra mặt. Bà chị và mẹ anh Cẩn đi xin xác không được. Chúng đem chôn ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần Thơ. Mấy năm sau mới xin được đem về Rạch Giá.
Rồi đến khi khu này bị giải tỏa nên lại hỏa thiêu đem tro cốt về nhà ông chú bên Long Xuyên. Ngày nay, em nói để bác mừng là sau khi vượt biên qua Mỹ em đã đưa di hài anh Cẩn qua bên này. Anh Cẩn bây giờ cũng đoàn tụ bên Mỹ với gia đình. “
“Cô đi năm nào”, tôi hỏi bà Cẩn.
“Mẹ con em ở Thủ Đức ba năm sau 75. Đến 78 thì vượt biên qua Pulo Bidong. Ở trại 8 tháng thì bà con bảo trợ qua Mỹ. Qua bên này mình chả biết ai, không ai biết mình. Cũng như bao nhiêu thuyền nhân, mẹ con ở với nhau. Em đi làm nghề may, rồi đi bán quán cho tiệm Mỹ. Bây giờ cháu trai duy nhất của anh Cẩn đã có gia đình sinh được 2 con.”
Chuyện đời người vợ lính thời chinh chiến với kết thúc bi thảm và anh hùng, tôi nghe kể lại thấy lòng xót xa lắng đọng.Tôi bèn quay qua hỏi chị Cẩn sang đề tài khác. “Nãy giờ nói toàn chuyện buồn, cô nhớ lại xem suốt đời từ đám cưới cho tới 75, cô có những kỷ niệm nào vui không.”
Bà Cẩn ngừng lại suy nghĩ.
“Em thấy năm nào tháng nào cũng vậy thôi. Toàn lo việc nhà, nội trợ nuôi con. Anh Cẩn đi đâu thì mẹ con cũng đi theo. Từ trại gia binh đến cư xá sĩ quan. Chúng em không có nhà riêng, không có xe hơi, không có xe gắn máy. Từ Sa Đéc trung đoàn 15 qua đến tiểu khu Chương Thiện, toàn là ở trại lính”.
Tôi hỏi tiếp:
“Cô có đi dự tiệc tùng, mừng lên lon, thăng cấp, dạ hội gì không?”.
“Không, em chả có đi đâu. Ở Chương Thiện em cũng không đi chợ. Dân chúng cũng không biết em là ai. Mua bán gì em về Cần Thơ, đông người, cũng chả ai biết em là ai. Em cũng không có nhà cửa nên cũng không mua sắm đồ đạc. Lương nhà binh cũng chẳng có là bao. Em cũng không ăn diện nên chẳng có nhiều quần áo.
Năm 1972 ở An Lộc về, anh Cẩn mang lon đại tá không biết nghĩ sao anh nói với em, vợ chồng chụp được một tấm hình kỷ niệm. Đây là tấm hình gần như duy nhất. Xin bác dùng tấm hình này của nhà em mà để lên tấm bia lịch sử”.
Tôi nói rằng, tấm hình của cô và anh Cẩn rõ ràng và đẹp lắm. Hoàng Mộng Thu có đưa cho tôi xem. Chúng tôi sẽ dùng hình này. Nhưng tôi vẫn gặng hỏi. “Thế bao nhiêu lần anh thăng cấp cô có dự lễ gắn lon không?”.
” Em đâu có biết. Chỉ thấy anh Cẩn đi về đeo lon mới rồi cười cười. Cũng có thể gọi là những giây phút hạnh phúc của đời nhà binh”.
“Thế cô chú ở Thủ Đức có khi nào đi chơi Vũng Tàu tắm biển không?”.
Bà Cẩn thật thà nói rằng.
“Khi anh Cẩn học ở Đồng Đế thì em và con có ra thăm Nha Trang nên thấy biển. Còn chưa bao giờ được đi với anh Cẩn ra Vũng Tàu. Sau này đến khi vượt biên thì mẹ con em mới thấy biển Vũng Tàu…”
Trong số một triệu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, dường như sĩ quan, anh nào cũng có 1 lần đi với vợ con hay người yêu trên bãi biển Vũng Tàu. Chỉ có hàng binh sĩ, chỉ những người lính là chưa có dịp. Hồ Ngọc Cẩn ở Rạch Giá suốt đời chưa đem vợ Thủ Đức đi Vũng Tàu. Vì vậy chị Cẩn suốt đời vẫn chỉ là vợ lính.
Trong quân đội, dù là tướng tá hay sĩ quan, anh nào mà chả có thời làm lính. Sau đó mới làm quan. Chỉ riêng cô Nguyễn thị Cảnh, vợ đại tá Hồ Ngọc Cẩn là người đóng vai vợ lính suốt đời. Những ngày vui nhất của chị là thời gian được làm vợ anh trung sĩ hiền lành của trường bộ binh Thủ Đức.
Ngày đó đã xa rồi hơn nửa thế kỷ, ở bên kia địa cầu, trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, có vợ chồng anh lính trẻ mỗi sáng chủ nhật cầm tay nhau để đi lễ nhà thờ.
Tác giả: Giao Chỉ, San Jose

Wednesday, August 28, 2024

Cố Hải-Quân Trung Tá HỒ QUANG MINH Một Sĩ Quan Can Trường, Đảm Lược của Các Đơn Vị Tác Chiến H.Q./ V.N.C.H.

HQ Minh.Khi viết hoặc đề cập đến bất cứ nhân vật nào – dù là một nhân vật lịch sử – người ta cũng thường tùy vào cảm tính để đề cập hoặc viết về phương diện tích cực hay tiêu cực của nhân vật đó.

Hôm nay, viết về Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, tôi xin được nhìn Minh ở bình diện tích cực để nhận ra những nét hào hùng và đức tính gan dạ, liều lĩnh cũng như lòng thương Lính của một sĩ quan mà, kể từ khi mãn khóa 8 Sĩ Quan Hải-Quân Nha Trang cho đến ngày cuối của cuộc chiến, chỉ đảm nhận những đơn vị tác chiến. Tôi cũng chỉ xin viết về những trận đụng độ có tôi tháp tùng mà thôi.

Đơn vị đầu tiên mà tôi biết, sau khi làm vợ của Minh, là Duyên Đoàn 26, đóng tại Bình Ba, trong vịnh Cam Ranh.

Duyên Đoàn là một đơn vị của Hải-Quân, có nhiệm vụ bảo vệ những làng xã dọc theo bờ biển Nam Việt-Nam và trà trộn vào dân làng để tìm các nguồn tin tình báo ngõ hầu khám phá và ngăn chận những chuyến chuyển vũ khí của đối phương từ Bắc vào Nam.

Khi mới thành lập, phương tiện hành quân và di chuyển của Duyên Đoàn là ghe Chủ Lực và ghe Di Cư. Ghe Di Cư chạy bằng buồm màu nâu; ghe Chủ Lực chạy bằng máy. Nhân viên mặc bà ba đen và đều tự nguyện xâm vào lồng ngực bên trái hai chữ “Sát Cộng”.

Thời gian Minh chỉ huy Duyên Đoàn 26, gia đình tôi ngụ tầng trên của một trong mấy căn nhà lầu; tầng trệt làm văn phòng. Các sĩ quan khác, hạ sĩ quan và đoàn viên chia nhau mấy ngôi nhà lầu do Pháp để lại. Mỗi ngày, ngoại trừ Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi đi bộ xuống làng Bình Ba để dạy các em học sinh – miễn phí. Hè và những ngày Lễ, tôi theo đoàn ghe đi kích hoặc hành quân.

Duyên Đoàn 26 thường có những đụng độ nhỏ với du kích Việt Cộng trong vùng trách nhiệm. Ít nhất là hai lần, Duyên Đoàn 26 bắt được hai ghe loại lớn của Trung Cộng giả ghe đánh cá nhưng dưới lòng ghe toàn là vũ khí. Hai chiếc ghe được neo trong vịnh Bình Ba một thời gian ngắn để điều tra rồi được dẫn độ về Nha Trang, giao cho Duyên Khu II khai thác thêm. Duyên Khu II – về sau được đổi thành Vùng II Duyên Hải – dưới quyền chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại.

Tôi không nhớ ngày tháng và giờ nhưng tôi nhớ dường như năm 1964, Duyên Đoàn 26 mở cuộc tấn công vào Vĩnh Hy – một “ổ” Việt Cộng. Trên chiếc Chủ Lực, Hải-Quân Thiếu Tá Hồ Văn Kỳ Thoại đứng một bên, Hải-Quân Trung Úy Hồ Quang Minh đứng giữa và Hải-Quân Đại Úy cố vấn Graham đứng một bên. Cả ba sĩ quan đều không mặc áo giáp, không đội nón sắt và đứng gần mũi ghe Chủ Lực khi đạn của Việt Cộng từ sườn núi bắn xối xã ra đoàn ghe. Đoàn ghe vừa ủi bãi tấn công vừa bắn trả dữ đội. Bất ngờ Đai Úy cố vấn Graham trúng đạn, quỵ xuống trong khi Thiếu Tá Thoại và Trung Úy Minh vẫn đứng thẳng để chỉ huy. Khi nhận ra Đại Úy Cố Vấn Graham bị thương, Thiếu Tá Thoại chỉ thị Minh cho lệnh ghe Chủ Lực rút lui để tản thương.

Thời gian đang là Chỉ Huy Phó Giang Đoàn 23 Xung Phong tại Vĩnh Long, Minh được lệnh về Saigon thành lập Giang Đoàng 30 Xung Phong; hậu cứ trong Trại Cữu Long, Thị Nghè. Chỉ sau một thời gian ngắn được thành lập, Giang Đoàn 30 Xung Phong trở thành một trong những đơn vị tác chiến Hải-Quân tạo được nhiều chiến công trên sông rạch – nhất là Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt.

Địa thế Tam Giác Sắt là sự nối liền của xã An Điền, xã An Tây và xã An Phú, thuộc tỉnh Bình Dương. Tam Giác Sắt là chiến khu D – còn gọi là chiến khu Dương Minh Châu – của Việt Cộng.

Hành Quân Tam Giác Sắt là những cuộc hành quân hỗn hợp, quy mô và được chia ra nhiều đợt khác nhau. Giang Đoàn 30 Xung Phong tham dự Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt thứ II, khởi động ngày 09 tháng 01 năm 1967.

Lực lượng Hải-Quân sau đây được đặt dưới sự chỉ huy của – sĩ quan thâm niên hiện diện – Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh:

Giang Đoàn 30 Xung Phong, Chỉ Huy Trưởng là Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh.

10 chiến đỉnh và một sĩ quan do Giang Đoàn 24 Xung Phong tăng phái

8 giang đỉnh và một sĩ quan do Đại Đội Tuần Giang tăng phái

Các đơn vị Hoa-Kỳ tham chiến:
Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 1
Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 25
Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù
Thiết Đoàn 11
Với sự tham dự của pháo đài bay B-52. (1)

Việt Cộng có ưu thế hơn quân V.N.C.H. vì địa đạo hiểm trở và bờ sông cao hơn mặt nước rất nhiều. Chính từ những bờ sông quá cao này, Việt Cộng bắn ra đoàn giang đỉnh một cách thuận lợi trong khi những nòng súng cối trên chiếc Combat (chiến đấu đỉnh) hoặc trên chiếc Commandement (soái đỉnh) và Fom (truy kích đỉnh) không thể ngẫng cao hơn để bắn cầu vòng!

Thế nhưng, bằng vào sự chủ động gan dạ, quyền biến và sự liều lĩnh đầy mưu lược của một sĩ quan ngành chỉ huy, Minh đã chuyển đơn vị Hải-Quân từ thế thủ sang thế công và đem chiến thắng vẻ vang về cho quân bạn và Giang Đoàn 30 Xung Phong.

Sau chiến thắng Hành Quân Tam Giác Sắt II, đích thân Tổng Thống V.N.C.H. Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm, ủy lạo và gắn huy chương cho binh sĩ Giang Đoàn 30 Xung Phong cũng như binh sĩ của 10 chiến đỉnh thuộc Giang Đoàn 24 và binh sĩ của 8 giang đỉnh của Đại Đội Tuần Giang. Riêng Minh được gắn Bảo Quốc Huân Chương – một huy chương cao quý nhất của Q.L./V.N.C.H. Từ đó Minh được tặng danh xưng “Người Hùng Tam Giác Sắt” (2)

Khi anh Nguyễn Công An đọc điếu văn đến đoạn trên, tôi chợt nhớ là thời gian đó Minh bảo mấy anh Lính khiên chiếc xa-lông một chỗ ngồi, từ phòng khách nhà tôi, đem xuống chiếc Commandement để Tổng Thống Thiệu ngồi.

Sau lễ gắn huy chương, Minh được đài phát thanh Quân Đội phỏng vấn. Minh đáp lời nữ xướng ngôn viên: “Việt Cộng chết đếm không xuể. Xác nổi lềnh bềnh. Phải khó khăn lắm, khi di chuyển, đoàn chiến đỉnh mới không đụng vào xác người!”

Qua những giờ phút mừng vui chiến thắng, Minh và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong phải trực diện với nỗi buồn chung của đơn vị. Đó là vấn đề lo hậu sự cho những quân nhân đã đền nợ nước.

Để thể hiện tình đồng đội, Minh ra lệnh tất cả quân nhân thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong phải cạo đầu để tang cho những chiến hữu đã hy sinh trong Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt. Ngày cử hành tang lễ, nhân viên Giang Đoàn 30 Xung Phong đều không đội mũ, ngồi trên mấy chiếc GMC đến viếng quan tài các bạn đồng đội. Đến địa điểm hành lễ, mọi người tham dự đám tang và gia đình tử sĩ đều xúc động, bồi hồi khi thấy một đoàn dài quân nhân Hải-Quân đầu cạo nhẵn và nghe Chỉ Huy Trưởng Hồ Quang Minh – đầu cũng cạo nhẵn – đọc điếu văn và xác định rằng tất cả quân nhân thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong đều cạo đầu, để tang cho những quân nhân đã gục ngã trong Cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt!

Những quân nhân từng phục vụ cùng đơn vị với Minh không ai có thể phủ nhận lòng thương Lính của Minh. Lòng thương Lính của Minh khiến tôi nghĩ đến sự dã man và tàn bạo của Đại Tướng Cộng Sản Việt-Nam Võ Nguyên Giáp.

Trong cuộc chiến tranh Việt-Nam, cũng như trận Điện Biên Phủ với Pháp, Đại Tướng Việt Cộng Võ Nguyên Giáp đã bắt chước chiến thuật biển người của Trung Cộng để xua thanh niên Việt-Nam vào chỗ chết! Điểm đáng lưu ý là: Trong số không biết bao nhiêu thanh niên Việt-Nam bị Tướng Giáp xua vào trận địa để thực hiện chiến thuật biển người, không ai thấy hoặc biết có con, cháu hoặc người bà con nào của Tướng Giáp cả! Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã xây đắp đời binh nghiệp của Ông bằng cách bắt chước một chiến thuật đầy man rợ! Vì vậy, một danh Tướng của Hoa Kỳ, Tướng William Childs Westmoreland – Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Cố Vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt-Nam – nhận xét về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp như sau: “Of course, he was a formidable adversary. By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius…”.

Tôi đồng ý với nhận xét của Tướng Westmoreland. Một sĩ quan biết quý trọng mạng sống của thuộc cấp mà vẫn đem chiến thắng về cho đơn vị thì đó là một sĩ quan có mưu lược và nghệ thuật chỉ huy cao. Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh là một trong những sĩ quan này!

Năm Mậu Thân, 1968, Giang Đoàn 30 Xung Phong tăng cường cho quận Bảy, giữ an ninh thủy lộ và yểm trợ Biệt Động Quân trong vùng Bình Điền, Bình Chánh và Chợ Lớn. Thời gian này Giang Đoàn 30 cũng có những đụng độ với Việt Cộng; nhưng những đụng độ này không đủ tầm cỡ để thỏa mãn tính năng động của Minh.

Mãi cho đến khi thuyên chuyển về Giang Đoàn 26 Xung Phong, hậu cứ tại Long Xuyên, Minh mới có cơ hội “vẫy vùng” trở lại trên những dòng sông quyện phù sa và máu – máu của thanh niên hai miền Nam Bắc Việt-Nam – tại Vùng IV Sông Ngòi.

Chính tại Vùng IV Sông Ngòi tôi mới thấy rõ lòng quý mến và tin tưởng của quân nhân Địa Phương Quân đồn trú trong các đồn rải rác dọc những bờ sông hoang vắng dành cho quân nhân thuộc các đơn vị tác chiến Hải-Quân. Tình cảm của Địa Phương Quân cộng với tinh thần “huynh đệ chi binh” và lòng quả cảm của Minh đã thúc đẩy Minh – đôi khi – bất chấp cả lệnh của Tỉnh Trưởng, tự động đưa đoàn giang đỉnh đến giải cứu các đồn Nghĩa Quân khi nghe lời kêu cứu của họ!

Trong khi đoàn chiến đỉnh giang hành đến đồn đang kêu cứu, Minh tiên liệu trước, và ra lệnh những khẩu đại pháo trên Monitor, Commandement 01 và fom sẵn sàng – hễ địch quân khai hỏa là tất cả hỏa lực của chiến đỉnh đáp trả ngay.

Những khi đạn của hai bên xé không gian và đạn của địch rơi quanh đoàn chiến đỉnh, tôi thấy Minh vẫn trầm tĩnh đứng thẳng – không áo giáp, không nón sắt – gần mũi chiếc Commandement 01 để chỉ điểm và ra lệnh cho đoàn chiến đỉnh phản công. Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất và in đậm nét trong tâm tưởng tôi là mấy chiếc fom hoặc PBR (River Patrol Boat – Giang Tốc Đỉnh) – khi Minh là Chỉ Huy Trưởng Liên Giang Đoàn Tuần Thám hoặc Liên Giang Đoàn Ngăn Chận – từ cuối đoàn chiến đỉnh, rẻ nước, vượt nhanh lên, vừa lướt “vèo vèo” trên mặt sông vừa thi hành khẩu lệnh của Minh: “Cho ‘gà cồ’ của mày ‘gáy’ hướng 3 giờ” Hoặc “Cho ‘gà cồ’ của mày ‘gáy’ hướng 10 giờ”, v. v…

Nhân viên Giang Đoàn 26 thường bảo nhau: “Đi hành quân tụi mình đừng đứng gần ổng. Mạng ổng lớn, mình đứng gần ổng, đạn ‘né’ ổng là tụi mình lảnh đủ!” Tôi không hiểu nhận xét của mấy anh Lính đúng được bao nhiêu phần trăm. Nhưng tại kinh Trèm Trẹm, buổi chiều, Minh rời vùng hành quân, giao đơn vị cho Chỉ Huy Phó là Đại Úy Trần Kim Hoàn thì tối đó chiếc Commandement 01 bị người nhái Việt Cộng gài mìn, nổ, chìm, mang vào lòng sông những người Lính đã từng sống chết với Minh!

Nhận được tin chiếc Commandement 01 bị chìm, Minh tức tốc trở lại vùng hành quân bằng đường bộ.

Vài hôm sau, tôi thấy Người Nhái Hải-Quân lặn xuống, vớt lên những xác người đã phồng to, căn cứng trong quân phục Hải-Quân! Tôi khóc! Và tôi thấy Minh mím môi, nét mặt của Minh đanh lại và ánh mắt của Minh trông hoang vắng lạ thường!

Thời gian Giang Đoàn 26 Xung Phong được lệnh chuyển vùng hành quân về quận Gò Quau, Chương Thiện, tôi phải trở về Saigon lo việc gia đình. Minh điện thoại cho tôi hay rằng Minh đã gặp Thiếu Tá Phép, Quận Trưởng quận Gò Quau và Phó Quận Hành Chánh mà tôi không nhớ tên. Khi nói chuyện, ông Phó Quận Hành Chánh hỏi Minh rằng có phải tên thật của Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp hay không? Nếu đúng thì ngày trước ông Phó Quận Hành Chánh cùng học với tôi tại trường trung học Võ Tánh Nha Trang và ông Phó Quận Hành Chánh biết tôi chơi đàn Accordéon. Vậy là hai ông yêu cầu Minh bảo tôi đem Accordéon theo khi tôi trở lại vùng hành quân để chung vui với dân làng và mọi người trong dịp Tết.

Chiều 30 Tết, dân làng tề tựu tại vuôn sân rộng ngay trước Quận Đường để thưởng thức văn nghệ “cây nhà lá vườn” thì Việt Cộng pháo kích ào ạt! Mọi người chạy tán loạn. Kẻ chạy về làng, người trở về vị trí phòng thủ, kẻ trở ra giang đỉnh. Minh cho lệnh đoàn giang đỉnh phân tán mỏng để tránh tổn thất và cũng để tìm vị trí của địch mà phản công.

Khi bị hỏa lực hùng hậu của Giang Đoàn 26 phản pháo, Việt Cộng ngưng pháo kích để khỏi lộ mục tiêu.

Lúc giang hành trở lại văn phòng quận Gò Quau, Minh hỏi các chiến đỉnh xem “Thủy Thủ không số quân” đang ở trên chiếc nào? Không ai thấy tôi cả! Thấy Minh có vẻ lo, anh truyền tin pha trò để Minh cười cho vui: “Chắc Thủy Thủ của Chỉ Huy Trưởng…đào ngũ rồi!” Minh cười gượng: “Mẹ, Bả mà đào ngũ, ai nuôi con tao, mày!” Rồi Minh liên lạc vô tuyến với Thiếu Tá Phép để hỏi về tổn thất nhân mạng và cũng để tìm tôi. Thiếu Tá Phép cho biết “tụi nó pháo trật lất” và “Thủy Thủ không số quân” bình yên, đang ngồi trên nền xi-măng vì không nỡ bỏ cây đàn Accordéon!

Sự việc kể trên cho thấy, khi đụng trận, Minh lo cho đơn vị và thuộc cấp trước!

Trong thời gian hành quân dài hạn tại Kinh Ngang để yểm trợ cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Giang Đoàn 26 Xung Phong thường bị phục kích từ hai bên bờ sông. Mỗi khi bị phục kích, Giang Đoàn vừa bắn trả vừa ủi thẳng vào nơi xuất phát tiếng súng của địch quân. Trước hỏa lực như vũ bão của Giang Đoàn, địch quân đành “chém vè”. Những cuộc đụng độ này tuy không lớn như những cuộc chạm súng tại kinh Trèm Trẹm, Neak Loeung – biên giới Miên Việt – hoặc xã Hộ Phòng, quân Gia Rai, Bạc Liêu (3) nhưng an ninh vùng Kinh Ngang được bảo đảm tối đa. Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh – Chuẩn Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – rất hài lòng.

Một buổi trưa, cũng tại King Ngang, tin từ Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Minh biết, tối đó, Sư Đoàn 21 sẽ làm lễ mừng Chuẩn Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được vinh thăng Thiếu Tướng. Ban tổ chức mời Minh, vài sĩ quan và tôi đến tham dự.

Tối đó, khi được yêu cầu một tiết mục văn nghệ, tôi hát tình khúc Only You; vì tôi biết, nếu hát nhạc Việt, không thể nào tôi “qua mặt” được những ca sĩ nhà nghề như Elvis Phương, Giao Linh, Thanh Tuyền, Phương Dung, v. v… đang giúp vui hôm đó.

Sáng sớm hôm sau, trên đường trở lại vùng hành quân, Minh được tin một chiếc LCM (Langding Craft Mechanized – Quân Vận Đỉnh) của Giang Đoàn 26 vừa trúng thủy lôi, chìm! Minh bảo tài xế tăng tốc độ tối đa và Minh chỉ thị cặp fom đón Minh tại một bờ sông mà tôi không nhớ tên!

Trong khi cặp fom đưa trở lại vùng hành quân, tôi cũng thấy Minh mím môi, nét mặt đanh lại và ánh mắt của Minh cũng hoang vắn lạ thường!

Tôi không nhớ khi chiếc Commandement 01 và chiếc LCM bị chìm, Minh có ra lệnh cho toàn nhân viên Giang Đoàn 26 Xung Phong cạo đầu hay không. Nhưng tôi nhớ, mỗi khi “quá giang” các giang đoàn khác để vào vùng hành quân của Giang Đoàn 26, tôi – dù đang mặc quân phục Thủy Thủ – cũng “bị” Chỉ Huy Trưởng hoặc Thuyền Trưởng của đơn vị đó bắt ngồi bên trong chiến đỉnh.

Đến vùng hành quân, sau khi từ chiến đỉnh của Giang Đoàn bạn bước sang chiến đỉnh của Giang Đoàn 26, nếu thấy Minh, tôi đứng nghiêm, đưa tay chào: “Thủy Thủ không số quân Điệp Mỹ Linh ‘trình diện’ Chỉ Huy Trưởng!” Minh cười lớn, nói với bất cứ quân nhân nào thấy cảnh này: “Bả trình diện tao! Mày thấy tao ‘ngon’ không, mày?” Rồi mọi người cười vang.

Những kỷ niệm về sự “trình diện” của “Thủy Thủ không số quân” tưởng đã chìm sâu trong quá khứ; vì tôi hoàn toàn không nhớ được. Nhưng, trong tang lễ của Minh, khi các cựu quân nhân thuộc Hội Hải-Quân Houston, mặc quân phục đại lễ, đến chào tiễn biệt Minh và trao lá cờ Việt-Nam Cộng Hòa cho tôi thì những kỷ niệm xưa cuồn cuộn dâng trào trong hồn tôi! Tôi khóc nhiều và nhận ra những kỷ niệm đó tươi đẹp, trắng xóa và sôi nổi không khác chi những lượn sóng do những chiếc fom hoặc PBR rẻ nước, lướt “vèo vèo” trên những dòng sông xưa, tạo nên.

Vì hồn tôi đang dậy sóng, cho nên, khi cảm tạ Hội Hải-Quân Houston và quan khách, tôi đã quá xúc động, đứng nghiêm trước di ảnh của Minh và tức tửi lập lại câu nói xưa – chỉ thay đổi động từ: “Thủy Thủ không số quân Điệp Mỹ Linh xin chào vĩnh biệt Chỉ Huy Trưởng Hồ Quang Minh!” Sau đó, anh Võ Công Mạnh, cựu sĩ quan thuộc Giang Đoàn 30 Xung Phong nói với tôi: “Thấy chị chào vĩnh biệt Ổng, tôi khóc!”Anh Lưu Đức Huyến, trong Hội Hải-Quân Houston, cũng bảo: “Thấy chị chào ảnh anh Minh, tôi chịu không được! Tôi muốn khóc!”

Tôi nhìn Minh ở khía cạnh tốt đẹp nhất của một sĩ quan tác chiến. Dù Minh có khuyết điểm – đã là người, ai không có khuyết điểm – thì những khuyết điểm đó, xin quý vị nam giới cũng nên tự hỏi, đã có vị nào, dù ít hay nhiều, không vướng phải?

Điều quan trọng nhất là: Khi nước nhà nguy biến, Quân Lực cần những sĩ quan gan dạ, liều lĩnh, mưu lược và biết quý trọng mạng sống của thuộc cấp – như Cố Hải-Quân Trung Tá Hồ Quang Minh – để chỉ huy chứ Quân Lực không cần và cũng không muốn đưa những nhà hiền triết hoặc tu sĩ ra chiến trận!

Viết đến đây, lòng tôi không còn những rung động lãng mạn như thời mới lớn để ru hồn bằng thơ của Hàn Mạc Tử:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!

Nhưng, kể từ hôm Minh qua đời đến nay, lúc nào trong tâm thức tôi cũng văng vẳng tiếng hát xưa: “… Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng. Về đâu, thân này mòn mỏi trông! Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng sẽ không bao giờ bằng hôm nay!…”(4)

ĐIỆP MỸ LINH.
Thủy Thủ không số quân.

 

Tuesday, August 20, 2024

Văn Quang, Viết và Sống

Tiểu sử tác giả.
Hình: VĂN QUANG khi viết Chân Trời Tím, 1964.

Tên thật Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình. Năm 1953, động viên, tốt nghiệp khoá 5 Sĩ Quan Thủ Ðức, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước Hiệp Ðịnh Genève 1954.

Từ 1969 đến 30-4-1975 là Quản Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội, cấp bậc Trung Tá.

Sáng tác hơn 50 tác phẩm hầu hết là truyện dài trong đó có 4 tác phẩm đã quay thành phim là Ngàn Năm Mây Bay, Chân Trời Tím, Ðời Chưa Trang Ðiểm, Tiếng Hát Học Trò.

Sau 30-4-1975 đi tù qua nhiều trại từ Nam ra Bắc.

Tháng 9/1987 ra khỏi trại tù, trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện H.O, tiếp tục ở lại Việt Nam.

Năm 1990 bắt đầu viết lại với thiên phóng sự hằng tuần Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự.

Tác phẩm đã in được tác giả còn nhớ tên gồm:

– Những Bước Ði Hoang
– Tiếng Cười Thiếu Phụ
– Người Lính Hào Hoa
– Những Ngày Hoa Mộng, phóng sự trên báo Truyện Phim
– Sài Gòn Tốc, phóng sự trên báo Chính Luận.
– Tiếng Gọi Của Đêm Tối
– Từ Biệt Bóng Đêm
– Vì Sao Cô Độc
– Những Kẻ Ngoại Tình
– Xuôi Dòng
– Những Lá Thư Màu Xanh, 1953
– Thùy Dương Trang, 1957
– Ngàn Năm Mây Bay, 1963, thâu thành phim, 1963
– Nguyệt Áo Đỏ, 1963
– Tiếng Hát Học Trò, 1963, thâu thành phim, 1970
– Đời Chưa Trang Ðiểm, 1964
– Đường Vào Bến Mê, 1966
– Nét Môi Cuồng Vọng, 1964
– Tâm Sự Người Yêu, 1964
– Những Người Con Gái Ðang Yêu, 1964
– Những Tâm Hồn Nổi Loạn, 1964
– Người Yêu Của Lính, 1965
– Chân Trời Tím, 1964, thâu thành phim 1970
– Trong Cơn Mê Này, 1970
– Ngã Tư Hoàng Hôn, 2001
– Lên Đời, phóng sự tiểu thuyết, 2004

***

Văn Quang, Viết và Sống

Tác phẩm Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ tập hợp một số bài trong hơn 500 bài mà tác giả đặt tựa chung là Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự viết từ năm 2000 đến năm 2016. Hết thẩy các bài này đều được báo chí Việt ngữ hải ngoại từ Canada, Úc, Hoa Kỳ… phổ biến trong khi tác giả sống tại Việt Nam.

Chính vì thế, tháng 6-2009, Văn Quang đã bị Công An Sài Gòn đến nhà lục soát, cắt điện thoại, cắt internet, tịch thu computer… và trải nhiều ngày liên tục bị đòi đến trụ sở công an để thẩm vấn, chính xác là để tra khảo và đe dọa về việc chưa rời cây bút.

Tuy vậy, Văn Quang vẫn sống với cây bút, bất kể mọi tai họa có thể xảy ra như chính anh đã xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn của trang Web Gió-O: “Tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điều gì xấu… Cái gì có thật thì tôi viết… Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật, đã và đang xảy ra…”

Trong bài trả lời phỏng vấn trên, Văn Quang còn nêu rõ các bài viết của mình chỉ là những đường nét giúp hình thành “một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất lương, từ lớp thanh niên bình dân đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…”

Tất nhiên Văn Quang đã rõ hơn ai hết về mức hạn chế nghiệt ngã trong hoàn cảnh của mình, nhưng khẳng định: “Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài.”

Để giúp bạn nhìn rõ hơn về cảnh sống và cách viết của những người cầm bút cùng cảnh ngộ với Văn Quang xin được trích dẫn một bài của Văn Quang trả lời 3 câu hỏi do một ký giả nêu trên tuần báo Khởi Hành ở Hoa Kỳ. Ba câu hỏi như sau:

Câu 1: Anh viết như thế nào? Anh là một trong những tác giả nổi tiếng viết feuilleton. Anh thấy cách viết ấy tiện hay không tiện cho anh?

Câu 2: Là nhà văn rất nhiều kinh nghiệm và viết rất nhiều, dường như không bao giờ ngưng nghỉ, anh nghĩ thế nào về nhà văn “dài hơi” và người viết “ngắn hơi?” Bí quyết viết truyện dài của anh là gì?

Câu 3: Anh có bao giờ “bí” đề tài khi viết không?

Dưới đây là bài trả lời của Văn Quang đăng trên báo Văn Nghệ tại Úc ngày 8-5-2005.

***

Cảm ơn bạn đã cho rằng tôi là một trong những tác giả nổi tiếng về viết feuilleton. Tôi chỉ biết tôi là người viết rất nhiều feuilleton cho các tuần báo và nhật báo trước năm 1975 cũng như bây giờ.

Trước đây, có thời gian tôi đã viết trung bình một ngày ba truyện dài hoặc phóng sự tiểu thuyết cho các nhật báo và tuần báo xuất bản tại Sài Gòn. Cách viết đó thích hợp với lối sống và công việc của tôi vào thời gian đó. Vừa đi làm ở tòa báo quân đội, vừa viết cho các báo, vừa để thì giờ… đi chơi, đi đánh bài với bạn bè. Ðó cũng là sự thích thú của tôi và nó cũng mang lại nhiều cảm hứng, cho tôi nhiều nhận xét về con người và sự việc. Nó cũng có lợi cho những đoạn đối thoại của tiểu thuyết nhất là phóng sự sống động hơn, thật hơn, có tính thời đại hơn. Nếu không “đi giang hồ vặt” như thế chắc khó mà kiếm được những hình ảnh, những ngôn ngữ, những nhân vật trung thực của thời đại mình đang sống. Tôi nói thế không phải để “làm cái cớ đính chính” cho sự “giang hồ” của mình.

Thật ra, sự ham muốn “trần tục” bao giờ cũng đến trước rồi sau đó mới thấy nó “nhảy vào” tác phẩm của mình. Nó nhảy vào như thế nào chính tôi cũng chẳng để ý, nhưng khi viết, tôi thấy tự tin hơn vì đã nhìn đúng sự việc. Nhờ đó, tôi viết rất nhanh mà đôi khi không cần đọc lại. Và cũng vì viết nhanh nên khi truyện đã in rồi mới thấy có những khiếm khuyết. Lúc đó chỉ còn cách “cứ để đó rồi khi nào xuất bản thì sửa sau.” Nhưng có khi ông chủ nhà xuất bản cứ đánh máy từ báo đã in rồi cho xuất bản. Ðó là cái lỗi “làm ẩu” của tôi, không thể đổ cho ai được. Hồi đó dường như tất cả những bạn viết feuilleton cũng đều viết như thế. Thanh Nam vừa rung đùi vừa viết feuilleton ngay tại nơi làm việc, tôi vừa giải quyết công việc của phòng báo chí quân đội vừa viết, đôi khi người của tòa báo ngồi chờ sẵn lấy bài mang về cho kịp giờ mang đi kiểm duyệt. Ngọc Linh, Sỹ Trung hay ngồi ở quán ăn có máy lạnh viết vào buổi trưa…

Nói tóm lại, viết như thế rất tiện và mỗi ngày lại có thể có thêm được những ý mới hay hơn những gì mình đã suy nghĩ trước đó. Mỗi feuilleton để lại một đoạn để kỳ sau viết tiếp. Và như thế không thể “lộn” truyện này với truyện khác. Hơn thế mỗi feuilleton tôi đều nhắm vào một chủ đề, và đây cũng chính là lý do tại sao tôi có thể viết liên miên mà thường không “bí” đề tài...

Sau này, tức là sau 1975, và sau hơn 12 năm nằm trong trại gọi là “trại cải tạo”, về đến Sài Gòn năm 1987, tôi lại không thể viết như thế được nữa. Có một thời đói rách, các nhà xuất bản gặp thời “mở cửa” được phép xuất bản những cuốn tiểu thuyết tình cảm. Ðây là nhu cầu của người dân sau hơn một thập kỷ đọc toàn những truyện “khô như ngói”, nhân vật cứ như “thép trên lò”, người ta ngán quá rồi nên tìm đọc những cuốn sách “tình cảm đúng nghĩa” không phải là sách tuyên truyền, không phải là những nhân vật anh hùng cứng nhắc.

Các nhà cho thuê truyện mọc lên như nấm.

Các nhà xuất bản theo trào lưu này đã đi tìm những cuốn tiểu thuyết giống như những cuốn của Sài Gòn trước năm 1975. Mỗi cuốn như thế đòi hỏi phải được kiểm duyệt toàn bộ — gọi là biên tập — và anh xuất bản tư nhân đi đặt hàng rồi “liên kết” với một nhà xuất bản của nhà nước để phát hành…

Họ đã tìm đến tôi và tôi chỉ viết sách tình cảm “vô thưởng vô phạt” giao cho nhà xuất bản muốn ký tên ai đó thì ký. Vì thế sách phải viết xong toàn bộ rồi mới xuất bản được. Không có cách gì sống thì phải viết, nhưng dù sao “giấy rách cũng phải giữ lấy lề” nên những cuốn sách đó đã xuất bản ở Sài Gòn vào những năm 1989-1993, khoảng mười cuốn, sau này tôi bán bản quyền cho một số nhật báo ở Mỹ in lại và ký tên mình như Soi Bóng Cuộc Tình, Suối Đam Mê, Tình Khúc Màu Tím, Sau Ánh Đèn Thành Phố

Riêng trường hợp cuốn Ngã Tư Hoàng Hôn thì tôi cho đó là một tác phẩm viết cho mình, cho những gì tôi đã sống hơn 10 năm qua, cho thời đại mà tôi đang sống — 1990 — nên cứ viết rồi để đó. Dĩ nhiên tôi không có hy vọng gì xuất bản ở Sài Gòn được. Mãi tới khi một người bạn ở Mỹ về chơi, đọc truyện đó rồi thu vào đĩa mềm mang đi — hồi đó ở Việt Nam chưa có internet như bây giờ. Vài tháng sau, một nhật báo ở Mỹ đăng truyện này rồi Tủ Sách Tiếng Quê Hương cho xuất bản. Tức là hơn mười năm sau cuốn truyện đó mới được ra mắt ở Mỹ. Ðó là hai cách viết feuilleton của tôi, tùy theo “tình hình” mà thay đổi. Tất nhiên một cuốn sách được viết xong rồi mới cho in bao giờ cũng cẩn thận hơn là viết từng ngày. Mạch văn trôi chảy và đồng nhất hơn. Nếu có thể có một ý kiến nào với các bạn viết feuilleton dù “đắt khách” đến đâu thì tôi cũng đề nghị nên viết xong rồi mới cho trình làng bất kể trên báo chí hay xuất bản.

Bây giờ tôi cố gắng viết theo lối đó.

Sau phóng sự tiểu thuyết Lên Ðời, tôi tính viết một truyện dài hoặc một phóng sự mới mà chỉ vì cần phải viết xong toàn bộ nên mấy tháng rồi cứ hẹn lần hẹn lữa với mình mà đến nay vẫn chưa viết được chữ nào. Ðó cũng là “cái dở” của việc phải hoàn thành xong rồi mới trình làng. Nếu cứ tiếp tục viết feuilleton hàng ngày hay hàng tuần thì đến ngày, đến giờ là buộc phải viết nên dù lười, dù bận cách mấy cũng phải ngồi vào bàn viết. Ðó cũng là một “ưu điểm” cho anh lười. Và… theo tôi, anh nhà văn nào chẳng lười, viết nhiều quá thì phải ớn chứ. Chỉ khi “vào cuộc” rồi mới cắm đầu cắm cổ viết, chẳng biết đến chuyện gì khác.

Ðể trả lời câu hỏi thứ hai: Anh có ý kiến gì về việc người viết “dài hơi” và người viết “ngắn hơi” không?

Tôi nghĩ người viết dài hơi là người viết không bí đề tài, người viết ngắn hơi thường chỉ viết một hai cuốn rồi… tắc, hoặc viết không hay nữa. Chắc bạn đã nhận thấy sự kiện đó trong những người viết văn? Như câu trên tôi đã trả lời, tôi không bao giờ bí đề tài, nhờ quan niệm viết của tôi ngay từ đầu.

Trước hết và trên hết là tôi chọn đề tài trong cuộc sống trước mặt. Cái gì là điều đáng nói nhất trong lúc này? Xã hội chúng ta đang sống có những vấn đề gì gai góc cho con người bất kể lớp tuổi nào?

Tôi chọn đề tài của tuổi trẻ. Tuổi trẻ cũng chia ra làm nhiều lớp, trí thức, quân nhân, người lao động… kẻ chân thật, người lừa đảo… kẻ giàu, người nghèo… Không thể viết hết cùng một lúc và cũng không thể hiểu hết mọi con người cùng một lúc. Vì vậy, tôi chọn những người mà tôi gần gụi nhất, vấn đề của họ là gì?

Thời cuộc hay mưu sinh? Tâm tình hay lý tưởng?

Sự bế tắc và lối thoát? Bế tắc cái gì?

Lối thoát họ đi tìm có tới hay không?

Ðó là tất cả những thứ có thể viết được.

Ngay trong tập truyện ngắn đầu tay xuất bản vào năm 1957, qua truyện ngắn tiêu biểu là Thùy Dương Trang, tôi đã đặt vấn đề rất rõ ràng: Người thanh niên ở thành phố lúc đó sống dưới sự cai trị của quân đội Pháp. Anh ta từ hậu phương — tức vùng Việt Minh chiếm đóng — về, đứng giữa ngã ba đường, chẳng biết mình phải chọn lựa như thế nào. Ðành buông trôi cho “số phận.” Và quả nhiên số phận đã khiến anh ta thành người yêu nước hay người phản quốc chính anh ta cũng chẳng chọn lựa được.

Cho đến khi vào quân đội, tôi chọn đề tài người thanh niên và quân ngũ. Những năm 1956-1957 rất ít người viết về đời sống quân ngũ bởi quan niệm “người lính” thì thời nào cũng thế. Nhưng tôi đã nhìn nó theo cuộc sống thật của tôi.

Người lính không chỉ có thế và sau này người ta phong tặng cho là “chiến sĩ” hay “anh hùng” cũng chẳng phải chỉ có lý tưởng mà còn do con người của chính anh ta. Tình cảm và cuộc đời chiến đấu “sống chung hòa bình” như thế nào? Ðến ngay sự hy sinh cao quý nhất là cái chết cũng khó lý giải “vì cái gì?”

Nói như người ta thường nói là “vì tổ quốc vì đồng bào” thì giản dị và dễ dàng quá.

Giải thích như thế, tôi cho là chưa đủ. Còn những thứ khác nữa, như tình đồng đội, cuộc sống đơn vị, danh dự gia đình và của cả những người yêu thương mình — trong Chân Trời Tím.

Hoặc nói đến sự hy sinh của người lính thì không phải chỉ có ở chiến trường mà còn có nhiều thứ phải hy sinh nữa. Ngay khi họ đã rời khỏi quân ngũ, sự hy sinh đó vẫn còn. Trong Ðời Chưa Trang Điểm, người lính sau khi bị thương trở lại với cuộc sống đời thường, anh ta đã phải hy sinh cả người yêu của mình, vì… không còn đủ năng lực mang lại hạnh phúc cho người yêu nữa… Rồi cứ thế, đôi khi tôi thấy nói về người lính và cuộc đời quân ngũ vẫn cứ chưa đủ nên một đề tài có khi bám theo cả ở những cuốn truyện sau này. Ðiều đó làm cho người viết bứt rứt không yên.

Ðó là một loại đề tài về quân đội.

Còn những đề tài xã hội, đời sống của sinh viên học sinh với sự du nhập những lối sống mới, quan niệm giữa phương Ðông và phương Tây, những mâu thuẫn chồng chéo, học để làm gì, phục vụ cho ai, sự mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng…

Cho đến thời đại bây giờ cuộc sống ở Việt Nam có những thay đổi gì? Lớp trưởng giả được sinh ra như thế nào? Con người thôn quê và thành thị chuyển biến ra sao? Có hàng trăm ngàn sự việc theo thời gian, theo dòng thời sự, theo cách sống “hiện đại”, nhất là những mâu thuẫn trong con người, nói và làm là một hay là hai thứ khác nhau. Sự phá sản trong tâm hồn và trong đời thường diễn ra dưới những hình thái nào...?

Chọn đề tài như thế, chẳng bao giờ viết hết và lúc nào cũng sẵn sàng cho bạn viết. Vấn đề là viết như thế nào thôi. Viết cho đúng, cho thật, đừng bóp méo hay vo tròn nó. Viết để người đọc hiểu được mình muốn cái gì không phải là dễ.

Trong một truyện dài, dù là tiểu thuyết hay phóng sự tiểu thuyết, tôi không bao giờ muốn cho nhân vật của mình, dù là nhân vật chính được coi là “gương mẫu” trong một đề tài trở thành “một ông thánh”, cái gì cũng hay, cái gì cũng tốt. Như thế nó là robot mất. Tôi cho là con người thường có khiếm khuyết nên cứ nói toạc ra, đừng yêu nhân vật của mình quá mà biến con người thành gỗ đá.

Sau khi đã có đề tài thì lúc đó mới là lúc bố cục thế nào để có thể dễ diễn tả hết ý mình và một feuilleton thì đừng quên yếu tố hấp dẫn. Nghệ thuật viết chính là ở lúc viết, lúc diễn tả, chứ không hoàn toàn được quyết định bởi đề tài hay nội dung cốt truyện. Lúc ngòi bút chạy trên trang giấy — bây giờ là trên computer — mới chính là lúc cần tới sức sáng tạo nhiều hơn cả và lúc đó mới chính là lúc “cái gì là tinh túy” của bạn mới xuất hiện, có khi bạn viết không kịp.

Nói thế không có nghĩa là tôi không có lúc “bí.”

Ðiều dễ gặp nhất ở lúc diễn tả một sự việc, tìm câu tìm chữ nào cho đúng “phân lượng.” Cái đẹp thế nào là đúng với nhân vật mình diễn tả, nỗi buồn nào đúng với hoàn cảnh lúc đó…

Ðiều bí thứ hai là làm thế nào cho mọi sự việc xảy ra hợp tình hợp lý, không “gượng ép”, không vô lý. Một thay đổi tâm lý phải dựa trên những nguyên nhân vững chắc. Một lời đối thoại phải hợp tình, hợp cảnh, làm cho người đọc thích thú không rơi vào sự tầm thường. Ðấy là nghệ thuật diễn tả và cũng là nét riêng của từng nhà văn, không ai giống ai cả. Còn điều cấm kỵ của tôi là không “làm dáng” trong văn chương, không khoe mẽ hiểu biết của mình, nói cả những gì không cần nói trong đoạn đó, nó thừa như cái khăn quàng bằng gấm trong khí hậu nóng bức của Sài Gòn vậy. Hãy để vào một dịp khác.

Còn người viết “ngắn hơi” thì tôi nghĩ họ đã tìm cách “kể một câu chuyện dài hay ngắn” chứ không dựa trên một đề tài nào cả. Dĩ nhiên không ai cấm nếu anh viết hay dù bất cứ là viết cái gì. Nhưng nếu không có đề tài thì dễ rơi vào tình trạng viết một vài truyện rồi chẳng biết viết cái gì nữa hoặc cố mà nghĩ ra để viết cho có thì không thể hay được và tự mình sẽ thấy chán, không viết được nữa.

Tôi vẫn cho rằng khi theo đuổi một số đề tài nó sẽ là chất liệu không bao giờ cạn cho niềm đam mê của mình. Theo đuổi một đề tài tức là đã có một lý tưởng để đi tới, một cái đích phải vượt qua. Từng cái đích một sẽ cho người viết phải viết hoài viết mãi. Ðây là cách suy nghĩ của tôi về người viết feuilleton, có thể có rất nhiều cách khác của những nhà văn khác không giống tôi.

Ðiều tiên quyết là sự thành thật với chính mình, sự truyền cảm với độc giả, có thể người viết chưa nhận ra ngay lúc viết, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì chỉ sự thành thật mới có sức truyền cảm và đồng cảm mạnh mẽ nhất mà thôi.

Cuối cùng điều tôi muốn nói là bạn viết bất cứ cái gì cũng được, khi độc giả đọc xong truyện hoặc bài của bạn, một độc giả vui tính có thể gọi bạn bằng “thằng”, nhưng người ta sẽ tủm tỉm cười mà phán rằng: “Thằng cha này viết được lắm” hay ít ra thì cũng là “viết đúng lắm.” Ðừng để độc giả long trọng gọi bạn là “ông” nhưng lại phán rằng: “Ông này viết lách chẳng đâu vào đâu.”

Ði tìm một sự cảm thông giữa người viết và người đọc không dễ dàng chút nào, cho nên “viết và lách” cũng chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng.

***

Qua những dòng tâm sự trên, Văn Quang đã biểu lộ ít nhất 2 đặc trưng nơi mọi tác phẩm hoặc bài viết. Đó là nguồn đề tài luôn gắn kết với các diễn hóa cuộc sống xã hội trước mắt người viết và sự tuyệt đối trung thực của người viết khi phản ảnh mọi diễn hóa đó.

Sài Gòn Người Muôn Năm Cũ hầu hết là những trang ghi cảm xúc của tác giả vào giây phút nhận tin giã từ cuộc sống của những người từng một thời gắn bó, chia xẻ ngọt bùi, hay oan khiên cay đắng…

Giữa tâm cảnh đơn côi lạc lõng khi đối diện từng giờ với các nẻo đường quê hương từng gần gụi đang trở nên xa lạ lạnh lùng thì các tin trên chỉ dẫn đến nỗi u uất về thân phận lưu đày, cách biệt với khung cảnh thân yêu xưa cũ đã hoàn toàn vắng bóng.

Rõ ràng đó là nỗi lòng người viết, nhưng cũng rõ ràng không chỉ là nỗi lòng riêng của Văn Quang, bởi mọi người viết chẳng bao giờ chối bỏ nổi vị thế một phần tử nhỏ bé trong cái quần thể mang chung huyết mạch cùng chia xẻ mọi niềm vui nên cũng cùng phải gánh chung mọi khổ nạn gian truân, uất ức.

Nói cách khác, đây chính là nỗi lòng của mọi con dân Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khởi đầu từ giữa thế kỷ 20 và còn đang tiếp nối hiện nay. Tất nhiên, nỗi lòng này cũng không chỉ gói tròn trong cảm xúc dấy lên trước tin về những hình bóng thân yêu từng gắn bó bao ngày đã vĩnh viễn lìa xa. Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh bên nhiều khía cạnh khác mà Văn Quang đã gợi nhắc qua diễn tả mọi bài viết chỉ nhắm giúp “hình thành bức tranh toàn cảnh về xã hội tôi đang sống… phản ảnh trung thực mọi mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội.... Từ nỗi đau cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước…”

Tiếp tay bảo trì và phổ biến các bức tranh đó đã trở thành phận sự hiển nhiên của hết thẩy nạn nhân trong giai đoạn lịch sử tàn khốc này. Vì đó chính là việc cần làm để chỉ rõ các mưu toan xảo trá đổi trắng thay đen do một bạo quyền đang tìm cách che đậy tội ác và lường gạt mọi người. Đó là một phận sự đè nặng trên vai mọi con dân Việt Nam hiện nay.

Hy vọng là chúng tôi sẽ tiếp tục được cùng các bạn góp phần phổ biến những bức tranh đó từ mọi người viết còn giữ vẹn lương tâm người cầm bút để chuyển lại mai sau các chứng tích vô cùng cần thiết phản ảnh chính xác giai đoạn lịch sử mà nhiều thế hệ đã và đang còn phải gánh chịu trong cảnh sống đẫm nước mắt và máu.

Tủ Sách TIẾNG QUÊ HƯƠNG 

 https://vietmessenger.com/books/?author=van%20quang



Bấm vào link phía dưới để đọc Chân Trời Tím 

 






Ngã Tư Hoàng Hôn 

 

Chú Tư Cầu