Monday, August 19, 2024

Alain Delon - Bài viết - Hình Ảnh - Videos

 
CHÀNG LÍNH THỦY ALAIN DELON TẠI ĐÔNG DƯƠNG
Tài tử Pháp Alain Delon từng đi lính tại Việt Nam? Vâng, đúng vậy, chẳng phải chuyện tưởng tượng, bịa đặt, cũng chẳng là chuyện phim mà là chuyện có thật 100%.
Chào đời ngày 8/11/1935 tại Sceaux, Hauts-de-Seine, Alain Delon đã qua đời tại Douchy sáng chủ nhật 18/8/2024. Chuyện đời của “Pho tượng” lớn cuối cùng của điện ảnh Pháp dài lăm, kể hoài không hết. Có điều là nay ít ai nhớ rằng Alain Delon từng đi lính tại Việt Nam vào cái thời mà trong các bản tin thời sự quốc tế, tên gọi Việt Nam còn là Đông Dương, thuộc địa của Pháp.
Đầu năm 1953, mới 17 ans, tức chưa tới tuổi phải đi quân dịch nhưng Alain Delon đã ký tên mình vào tờ cam kết phục vụ 3 năm trong lực lượng “fusilliers marins” (tức thủy quân lục chiến). Sau đó chàng thanh niên ký kéo dài thời gian tại ngũ thêm 2 năm. Alain Delon đi lính làm gì? Vì Alain là thanh niên nghèo và muốn theo các bạn cùng trang lứa sang Đông Dương tham chiến. Do trộm vật tư ở trại lính nên anh đã được như ý. Bị điều sang chiến trường Đông Dương vào năm 1954, khi 18 tuổi, để rồi chẳng thấy vinh quang đời lính đâu cả mà “tôi kinh hãi, sợ sệt khi phải kề sát với cái chết,” như chính ông thố lộ trong một cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp hồi tháng 11/2023.
“Một chiều nọ, báo động, mọi người sẵn sàng chiến đấu! Chúng tôi leo vào một xà lan đổ bộ loại nhỏ. Nhồi nhét vào đó 40 tay súng, ngồi xụp xuống, súng trên tay. Rủi ro bị “đốt cháy” là có thật vì súng nổ ở phía bên phải lẫn bên trái! Một lúc sau, một bạn lính của tôi bắt đầu run bần bật, hai hàm răng đập vào nhau nghe cạch cạch. Và chỉ vài ba giây sau thì tất cả chúng tôi, xin nhắc lại, 40 tay súng trẻ đều run rẩy, răng gõ lạch cạch nghe rõ mồn một! Đó là một buổi chiều đầy sợ hãi trong đời tôi nhưng tôi không hối tiếc thời gian cam khổ tại Đông Dương vì nó đã trở thành nguồn vốn quý về cuộc sống, góp cho tôi có tất cả những gì cần thiết trong sự nghiệp diễn viên sau này,”.
Tuy nhiên thời lính lác ở Đông Dương của anh không lâu. Một lần bồng bột leo lên chiếc jeep của sĩ quan chỉ huy lái một vòng chơi cho đã nhưng gây tai nạn nhỏ, anh ta bị kỷ luật. Sau vài ngày trong “cachot”, anh bị tống cổ trở về mẫu quốc.
Có mặt tại Paris khi 20 tuổi, Alain Delon kiếm sống với đủ nghề lặt vặt, kết thân với các anh chị trong giới tội phạm và tình cờ quen nữ diễn viên Brigitte Auber. Họ chơi thân với nhau và chính cô nàng Brigitte đã xếp đặt cho Alain gặp đạo diễn Jean-Claude Brialy. Hai người cùng sánh bước trên thảm đỏ tại LHPQT Cannes.
Rồi Alain có dan díu với Michèle Cordoue. Cô đào này thuyết phục chồng là Yves Allegret giao vai diễn nào đó cho Alain trong phim mới đang chuẩn bị thực hiện. Đó là lần đầu tiên Alain Delon diễn trong phim truyện, Quand la femme s’en mêle trình làng năm 1957. Alain Delon bắt đầu được chú ý đến và không lâu sau đó thì tỏa sáng. Đúng như tựa phim Khi đàn bà xen vào, Alain Delon đã bước vào thế giới điện ảnh nhờ hai người đàn bà này và rồi trong mấy chục năm sau đó còn có thêm nhiều người đẹp tài hoa bước vào cuộc đời ông!
R.I.P Alain Delon!
 
ALAIN DELON-
ĐẰNG SAU "SÁT THỦ ĐÀO HOA" LÀ TÂM HỒN CÔ ĐỘC…
Tài tử Alain Delon, người vừa tạm biệt khán giả ở tuổi 89, được gọi bằng nhiều mỹ từ: Tượng đài của điện ảnh Pháp, Biểu tượng của điện ảnh và văn hóa Pháp, Huyền thoại điện ảnh... Delon đã giành giải César, giải thưởng tương đương với giải Oscar của Pháp hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1985 cho vai diễn một người nghiện rượu trong bộ phim Our Story của đạo diễn Bertrand Blier. Ông cũng được đề cử giải Quả cầu vàng cho vai diễn Tancredi đầy nhiệt huyết và nghèo khó trong bộ phim The Leopard. Và đồng thời cũng bị phản đối khi được trao giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019...
"Ở Alain Delon có vẻ đẹp có gì đó hoang dại, không nhạt nhòa như kiểu một số người mẫu. Không phải chỉ đẹp trai, mà từng nét đều đẹp. Ánh mắt của ông ấy như có nam châm. Ông ấy đầy quyến rũ” (diễn viên Véronique Jannot). “Điểm đặc biệt của Delon là vẻ đẹp trai của ông ấy quyến rũ người khác, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đó là một người vừa có nét rất nữ tính, kiểu tinh tế, khéo léo, lịch sự và bên cạnh là vẻ hoang dã” (nhà sản xuất Alain Terzian).
Vẻ đẹp trai của tài tử điện ảnh có hơn 90 phim, “Con báo” duy nhất còn lại của thế hệ nổi tiếng thập niên 1960-1980, đến giờ vẫn không lỗi thời. Bên trong “Con báo” (biệt danh được lấy từ tên phim Le Guépard) mạnh mẽ, có phần bất trị đó, lại ẩn chứa nỗi cô độc bắt nguồn từ tuổi thơ thiếu hạnh phúc. “Đứa con của tình yêu” như “bị bỏ rơi”, vì cha mẹ ly hôn năm ông 4 tuổi và lập gia đình mới. Ông được giao cho một bảo mẫu và thường vào tù chơi, vì chồng của bà là quản ngục ở nhà tù Fresnes (ngoại ô Paris).
Mới chỉ 10 tuổi, Alain đã lang thang giữa nhà mẹ và nhà bố, như “một đứa con thừa”. Ông làm thêm nay đây mai đó. Chán tuổi thơ bất hạnh, năm 17 tuổi, dù chưa đủ tuổi thành niên, ông gia nhập hải quân để thoát khỏi gia đình. Ngày 23/01/1953, ông lên đường đến Đông Dương, được giao nhiệm vụ canh kho vũ khí ở Sài Gòn. Nhiều lúc nhớ nhà, nhưng với Alain Delon, thời gian ở Sài Gòn là quãng đời hạnh phúc. Quân đội biến ông thành con người khác, có kỷ luật, giúp ông biết cách xây dựng mối quan hệ với mọi người, với cấp trên, kể cả với nỗi sợ.
Chưa hết hạn hợp đồng 5 năm, Alain Delon bị “trả về nhà”, một trong những “trường hợp hiếm” trục xuất khỏi quân đội vì làm “chuyện nhảm nhí”, bị giam đúng dịp sinh nhật 20 tuổi. Trở về Pháp năm 1956, chàng thanh niên lãng tử, có phần ngông ngông, sống nhờ nhà bạn ở khu phố bình dân Pigalle, ở Paris. Qua người bạn này, ông quen Zizi, từ đó ông quen những người phụ nữ khác, thường hơn ông 6-7 tuổi, bị mê hoặc trước vẻ đẹp trai hiếm có của Delon. Chính họ đã giúp ông bén duyên với điện ảnh.
Chàng trai trẻ nhớ như in lời khuyên đầu tiên trong sự nghiệp từ chính Yves Allégret: “Đừng có đóng, tôi muốn anh phải sống với nhân vật. Hãy là chính mình. Hãy nhìn như anh đang nhìn. Di chuyển như anh di chuyển. Nói như anh nói, tôi muốn nhìn thấy chính anh, đừng có nhập vai”. Lời khuyên đó đi theo Alain Delon trong mọi vai diễn, trong suốt sự nghiệp.
Thành công liên tiếp đến với nghệ sĩ trẻ trong những năm sau đó. Nhưng chính phim Plein soleil (tựa tiếng Việt: Mặt trời rực rỡ hoặc Trưa Tím, 1960) và đạo diễn René Clément, người được ông coi là “bậc thầy tuyệt đối”, đã đưa Alain Delon lên hàng siêu sao ở tuổi 24. Chỉ trong 5 năm, Delon đóng 10 phim. Những năm tiếp theo, ông ở trên đỉnh cao sự nghiệp, đóng vai chính trong nhiều kiệt tác với những đạo diễn tên tuổi nhất trong điện ảnh Pháp: Plein soleil (René Clément, 1960), l’Éclipse (Michelangelo Antonioni, 1962), Le Guépard (Luchino Visconti, 1963), Le Samouraï (của Jean-Pierre Melville, 1967), La Piscine (Bể bơi, Jacques Deray, 1968), Monsieur Klein (Joseph Losey, 1976)…
Vẻ ngoài điển trai của Delon mê hoặc phụ nữ khắp thế giới. Năm 1965, khi ông đến Achentina, cả sân bay Ezeiza chật cứng fan nữ. Ông đến Bắc Kinh năm 1989, gần 18.000 người chờ được gặp thần tượng. Ông trở thành chuẩn mực vẻ đẹp nam tính ở Sài Gòn trong thập niên 1970-1980 với câu cửa miệng “Đẹp trai như Alain Delon”.
Ông làm bạn với những tên tuổi nổi tiếng, yêu những phụ nữ đẹp nhất, nhưng cũng dễ bỏ họ để đến với những người đẹp khác (Romy Schneider, Nathalie Canovas - người duy nhất ông kết hôn, Mireille Darc, ba người phụ nữ quan trọng nhất đời ông). Thế nhưng, khi xế chiều, ông vẫn đơn thân. Người bạn đời thứ tư của ông, người mẫu Hà Lan Rosalie Van Bremen, bỏ đi với hai người con.
Ông thừa nhận không phải là một người bố tốt, rất hà khắc với hai con trai Anthony và Alain-Fabien, nhưng dành tình yêu vô điều kiện cho con gái Anouchka. Ông không nhận người “con rơi” Ari Boulogne (với ca sĩ Nico), dù được bà nội (mẹ của Alain Delon) nuôi nấng. Tháng 05/2023, Ari Boulogne, vốn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, chết lúc 60 tuổi. Trong Alain Delon đầy mâu thuẫn, cô độc. Ông biết điều đó và không che giấu trong một buổi trả lời phỏng vấn lúc ông khoảng 50 tuổi:
“Một ngôi sao, trước tiên đó là một con người với những lo lắng, những nỗi cô đơn, sợ hãi, thái quá, những trái ngược trong lòng, nhưng đó là một con người. Đó là một con người rất khó sống chung và cũng là người khó sống với chính bản thân mình. Tôi vẫn thường tự nhủ là tôi đã sống với chính bản thân mình được 50 năm rồi. Và phải nói thật là không hề dễ chút nào ! Nếu đôi lúc người khác thấy khó ưa tôi, tôi xin lỗi vì với chính bản thân, tôi cũng không dễ dàng gì”.
"Alain có mọi tài năng, trừ tài năng đạt hạnh phúc trong cuộc sống gia đình”, theo lời một người bạn rất thân của ông.
Trích từ bài viết trên RFI
CÀ PHÊ ĐIỆN ẢNH
 
Alain Delon, từ lêu lổng trở thành tài tử thế giới
Alain Delon đón sinh nhật thứ 20 của mình trong tù. Tại Sài Gòn. Bốn năm phục vụ trong Hải quân Pháp tại Đông Dương, chính xác hơn là tại Việt Nam, ông ở tù hết 11 tháng trong vài vụ vô kỷ luật khác nhau.
Và đây là thời gian ông bắt đầu chiêm nghiệm và làm lại cuộc đời để trở thành một trong những nam tài tử Pháp nổi tiếng nhất thế giới.
Sinh năm 1935 tại ngoại ô Paris, năm lên bốn tuổi, cha mẹ ông ly dị và ông được một gia đình nhận làm con nuôi. Đây là vết sẹo tuổi thơ đầu tiên của Alain Delon. Để rồi sau này được luân phiên về lại với cha và mẹ ruột đã lập gia đình riêng, Alain Delon lớn lên trong sự ngỗ nghịch, nổi loạn vì thiếu sự chăm sóc và yêu thương của cha mẹ từ nhỏ.
Đánh lộn, trốn học, trộm cắp, bia rượu, thậm chí cả băng đảng..., đó là tuổi thiếu niên của Alain Delon. Năm 17 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ và được đưa sang Việt Nam. Ông tham dự trận Điện Biên Phủ và sau đó được đưa về đóng tại Sài Gòn, cho đến ngày bị tù và trục xuất khỏi quân ngũ, về lại Pháp.
Đẹp trai, quyến rũ cộng thêm kinh nghiệm băng đảng lẫn súng đạn, quân đội, bộ phim đầu tiên của Alain Delon là một phim về băng đảng ông được tham gia vào năm 1957 và bắt đầu bước vào sự nghiệp điện ảnh. Câu chuyện còn lại là gần cả trăm phim lớn nhỏ, đưa tên tuổi ông trở thành một biểu tượng lừng lẫy của điện ảnh Pháp và vượt ra khỏi biên giới nước Pháp từ thập niên 60s.
Báo chí thế giới hôm nay đăng tin Alain Delon vừa qua đời ở tuổi 88. Câu chuyện của ông đã có thể khác đi nhưng những thay đổi ở tuổi 20 đã đưa ông trở thành một tên tuổi thế giới, đặc biệt là với người hâm mộ điện ảnh Việt Nam của một thời quá vãng.
Tấm ảnh bên dưới chụp Alain Delon tại Sài Gòn vào khoảng năm 1954-1955 và bích chương quảng cáo phim của ông chiếu tại rạp Rex Sài Gòn vào năm 1974.
Những Vai Diễn Điện Ảnh Huyền Thoại mà Alain Delon đã từ chối
Huyền thoại của điện ảnh Pháp, vừa qua đời vào Chủ nhật tuần này, đã đóng gần 90 bộ phim trong suốt cuộc đời của mình. Truyền thuyết người Pháp kể rằng bà nội của Alain Delon tên là Marie Antoinette Evangelista có liên quan đến dòng họ của Napoléon.
Quyến rũ và hoàn hảo, Alain Delon là một trong những ngôi sao điện ảnh bí ẩn nhất. Ông là biểu tượng cho vẻ đẹp đã mất của thập niên 60. Ông có thể là một trong những ngôi sao nam đẹp trai nhất trong lịch sử điện ảnh. Một kiểu dáng rất khác vẻ đẹp biểu tượng của Hollywood, như Paul Newman hay Robert Redford. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với điện ảnh quốc tế. Thí dụ như trong quá trình quay phim American Gigolo, biên kịch và đạo diễn Paul Schrader đã cho Richard Gere xem bộ phim Purple Noon để anh có thể lấy cảm hứng từ cách diễn xuất của Alain Delon.
Alain Delon cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhà văn Anne Rice cho vai Louis, như được mô tả trong Interview with the Vampire của cô, cuốn sách đang được thảo luận để chuyển thể thành phim.Sau này khi dự án đã thành tựu,vai Louis đã được Brad Pitt đảm nhận.
Ngoài ra, tác phẩm điện ảnh của ông có thể đã được tô điểm bởi nhiều bộ phim đình đám khác.
Danh sách những lời từ chối của Alain Delon thực sự rất dài, có thể kể đến những bộ phim nổi tiếng Victory (1981) của John Huston, Close Encounters of the Third Kind (1977) của Steven Spielberg hay thậm chí là Taxi Driver. (1976) của Martin Scorsese. Ngoài ra, vào năm 1979, Albert Broccoli, người phụ trách loạt phim James Bond, đã đề nghị Delon đóng vai James Bond.Alain Delon từ chối kế nhiệm Sean Connery cho vai diễn.
Sam Spiegel, nhà sản xuất phim “Lawrence of Arabia” (1962),đã nghĩ đến việc là ngôi sao người Pháp đóng vai Sherif Ali. Truyền thuyết kể rằng Alain Delon không chịu che giấu đôi mắt xanh của mình để vào vai này.
“Tôi phải học nói tiếng Anh với giọng Ý. Tôi không thích”, lần này Alain Delon đáp trả khá đơn giản khi từ chối một lần nữa vai diễn, vai Michael Corleone trong phim “The Godfather” (1972) của Francis Ford Coppola. Cuối cùng Al Pacino đã vào vai diễn.
Đối với phim Marie-Antoinette (2006) do Sofia Coppola viết kịch bản và đạo diễn, Alain Delon cũng từ chối vào vai vua XV.
Loạt phim đình đám Lupin trên Netflix mới đây, cũng là ý
tưởng của đạo diễn Jean-Pierre Melville vào năm 1971,cũng khởi nguồn từ phim “Le Samouraï” ra rạp bốn năm trước đó với Alain Delon. Để vào vai tên trộm quý ông nổi tiếng, Jean-Pierre Melville cũng đã muốn Alain Delon diễn xuất vai này. Nhưng dự án không thành hiện thực và đạo diễn qua đời ngay sau đó.
Melville đã có ý tưởng áo khoác mưa và chiếc nón tạo nên huyền thoại Alain Delon trong phim "Le Samourai ", sự yên lặng của phim trong một căn phòng lạ lùng như trong sự tưởng tuợng, không giống như đang ở Paris. Giữa Alain Delon và Melville là một tình bạn gắn liền như một khối, ngay cả giữa trường quay. Ngày Melvill mất, Alain Delon từ xa trở về với chiếc áo khoác mưa đứng lặng hàng giờ trước phòng người bạn tri kỷ, mọi người đi qua lại mà không nhận ra ông.
Delon và Melville đá kết tinh một phim lạ lùng " Le Samourai" (vì Melville thấy Alain Delon có cặp lông mày bén nhọn của Samourai) được coi là một trong những phim có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, phim này sẽ trở thành tài liệu tham khảo thiết yếu cho nhiều nhà làm phim: Martin Scorsese, Quentin Tarantino, Jim Jarmusch, Michael Mann, John Woo, Johnnie To, David Fincher, Bernardo Bertolucci, Aki Kaurismäki, Takeshi Kitano, Georges Lautner, Nicolas Winding Refn, Luc Besson, Joel Coen và Ethan Coen.
Sự đam mê điện ảnh của Alain Delon khởi đầu vào năm 1954, khi ông xem phim Grisbi (Touchez pas au Grisbi)
tại một rạp hát ở thủ đô Đông Dương vào thời kỳ này là Saigon. Ông đã bị cuốn hút bởi tài tử Jean Gabin trong phim. Tuổi trẻ ông đã có một thần tượng và không ngờ rằng 9 năm sau ông được đóng chung trong phim Any Number Can Win(1963), phim cũng đã thật thảnh công..Năm 2016, khi được phỏng vấn, Alain Delon còn nhắc đến Jean Gabin như một Thần Tượng, một người Thầy và thật trân trọng đã được gọi tên thân mật là Jean.
 
Alain Delon, nam diễn viên nổi tiếng từng đóng vai chính trong một loạt phim kinh điển như Plein Soleil, Le Samouraï và Rocco and His Brothers, đã qua đời ở tuổi 88, gia đình của ngôi sao này xác nhận với giới truyền thông Pháp. “Alain Fabien, Anouchka, Anthony cũng như chú chó Loubo vô cùng đau buồn khi thông báo về sự ra đi của cha mình".
Ông ấy đã qua đời thanh thản tại nhà riêng ở Douchy, được "bao bọc bởi ba đứa con và gia đình,” thông cáo riêng cho biết, và gia đình cũng yêu cầu sự riêng tư khi đưa tin về ngôi sao này.
Cùng với sự trỗi dậy của điện ảnh Pháp vào những năm 1960, Delon đã vào vai cảnh sát, sát thủ và những tay săn đuổi đầy mộng mơ, là niềm cảm hứng cho một số đạo diễn tên tuổi nhất nước Pháp, bao gồm Jean-Pierre Melville, René Clément và Jacques Deray. Ông cũng được mời vào phim của các đạo diễn lừng danh như Luchino Visconti, Louis Malle, Michelangelo Antonioni và Jean-Luc Godard - mặc dù trong sự nghiệp của ông, chưa bao giờ thành công trong nỗ lực đến Hollywood.
Sinh năm 1935 tại Sceaux ở ngoại ô Paris, cậu Delon có tính nghịch ngợm đã bị đuổi khỏi một số trường học trước khi rời hẳn nhà trường năm 14 tuổi để làm việc trong một cửa hàng bán thịt. Sau một thời gian phục vụ trong hải quân (trong thời gian đó ông có tham gia chiến tranh thuộc địa của Pháp ở Việt Nam), ông bị buộc giải ngũ vào năm 1956 và chuyển sang diễn xuất. Nhà sản xuất Hollywood David O Selznick phát hiện Alain Delon tại Cannes và ký hợp đồng, sau đó ông xuất hiện lần đầu với một vai nhỏ trong bộ phim kinh dị năm 1957 của Yves Allégret Send a Woman When the Devil Fails.
Vẻ ngoài điển trai thu hút mãnh liệt của Delon đã tạo ra tác động giới điện ảnh ngay lập tức và ông nhanh chóng nhận được các vai chính. Năm 1958, ông được chọn đóng cùng Romy Schneider trong Christine, vào vai một người lính và con gái của một nhạc sĩ yêu nhau. Ngoài đời, Delon và Schneider cũng bắt đầu một mối tình lãng mạn tốn nhiều giấy mực báo chí, điều này khẳng định danh tiếng ngày càng tăng của Delon như một biểu tượng hấp dẫn tình dục của thời đại đó.
Năm 1960, ông có hai bộ phim có tác động đáng kể trên trường quốc tế: bộ phim chuyển thể Plein Soleil (AKA Purple Noon) của Patricia Highsmith và Rocco and His Brothers. Phiên bản tiếng Pháp của The Talented Mr Ripley, đã biến Delon thành một ngôi sao lớn, trong khi Rocco – một câu chuyện kể về một gia đình nông dân miền nam nước Ý chuyển đến miền bắc thịnh vượng – đã đưa ông vào tầm nhìn của Visconti, một trong những đạo diễn hàng đầu châu Âu.
Một đạo diễn người Ý khác, Antonioni, đã chọn ông vào vai một nhà môi giới chứng khoán giỏi ăn nói trong L'Eclisse năm 1962. Delon có sự tái hợp với Visconti vào năm 1963 cho phim The Leopard (hay còn gọi là Il Gattopardo), một bộ sử thi quy mô lớn lấy bối cảnh ở Risorgimento Sicily, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Lampedusa.
Danh tiếng quốc tế mở rộng của Delon, đã đưa ông lấn sân sang lĩnh vực phim nói tiếng Anh, bắt đầu với một vai nhỏ trong tuyển tập phim hài The Yellow Rolls-Royce do Anthony Asquith đạo diễn. Nhưng sau vài phim nối tiếp, Delon nhận ra nơi đó có vẻ không phải là đất hứa của ông.
Năm 1967, ông tham gia thực hiện bộ phim kinh điển đình đám Le Samouraï với đạo diễn Jean-Pierre Melville, trong đó ông đóng vai một sát thủ. Thành công của bộ phim đó đã khởi đầu cho một loạt phim tội phạm ăn khách về sau, bao gồm The Sicilia Clan, The Red Circle...
Trong thời gian đình đám của sự nghiệp, Alain Delon cũng bị nghi ngờ có dính líu với giới băng đảng tội phạm Pháp, tuy nhiên sau nhiều lần đặt vấn đề của báo chí Pháp mà không có chứng cứ, sự kiện này cũng rơi vào quên lãng. Ba người con của Alain Delon đã bày tỏ sự bất bình chung trước giới truyền thông sau thông báo về sự ra đi của ông, bằng việc nhắc lại Alain Delon đã đối diện với hàng loạt lời lăng mạ, buộc tội, kiện tụng và ghi âm bí mật mà không có căn cứ.
Sự ra đi của Alain Delon, đánh dấu một kết thúc đáng trân trọng trong sự nghiệp điện ảnh Pháp. Ông là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa Pháp, bất chấp người Pháp cũng có những quan điểm trái chiều về ông. Alain Delon ghi dấu bằng một sự nghiệp diễn xuất lừng lẫy, tham gia hơn 90 bộ phim và làm việc với nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm lần cuối cùng là giải Cành Cọ Vàng danh dự tại Liên hoan phim Cannes năm 2019, vinh danh hơn 60 năm sự nghiệp của ông.
Với những ai đã sống qua miền Nam trước 1975, hầu như cũng đều biết và nhớ về tài tử Alain Delon, người khuấy đảo màn bạc và tạo một ấn tượng vô cùng đặc biệt trong làn sóng văn hóa điện ảnh phương Tây bước đầu du nhập vào Việt Nam.

















 

Zorro 1975 | Alain Delon, Stanley Baker | Action, Adventure, Comedy | Full Length Movie

 

 
 The Complicated Stardom of Alain Delon 

 

 French star Alain Delon's rise to fame and decades-long career • FRANCE 24 English

No comments: