Wednesday, September 4, 2013

Tượng Đài Chiến Sĩ QLVNCH tại San Jose


KÍNH XIN ĐIỀU CHỈNH MỘT KHIẾM KHUYẾT NGHIÊM TRỌNG TRONG DỰ ÁN ĐANG ĐƯỢC VẬN ĐỘNG TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUÊ HƯƠNG, TRONG KHOẢNG THỜI GIAN HƠN HAI TUẦN LỄ NAY.

Nguyễn Hữu Luyện.


Kính thưa Quý Vị,

Người viết lời thỉnh cầu này là một quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Trước khi trình bày lời thỉnh cầu điều chỉnh sai lầm nghiêm trọng của Dự Án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm 5 vi Tướng và 2 vị Đại Tá đã tự sát trong ngày 30-4-1975, người viết xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ việc làm cao cả đầy ý nghiã của các vị trong Ban Tổ Chức mà điển hình là cô Mộng Thu, Biệt Đoàn Trưởng Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn và các vị khác đã lên Đài Truyền Hình Quê Hương kêu gọi đồng bào tỵ nạn CS góp 30,000 USD để xây dựng Bức Tường Tưởng Niệm nói trên.

Mục đích của Bức Tường Tưởng Niệm là ghi lại tình thần bất khuất, phong cách anh hùng và khí phách của QLVNCH (Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà) thông qua hình ảnh của những quân nhân đã tự sát khi nhận lệnh buông súng đầu hàng vào ngày 30-4-1975.

Trong khoảng thời gian đó, Đài Phát Thanh Hà Nội, và hai tờ báo chính của Đảng và Nhà Nước CS Bắc Việt là báo NHÂN DÂN và QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN đã không ngớt lời nguyền rủa những cá nhân và tập thể binh sĩ QLVNCH đã tự sát sau khi Tổng Thống cuối cùng của VNCH là ông Dương Văn Minh ra lệnh cho QLVNCH buông súng đầu hàng. (Những chứng cớ này là có thật và có thể xin hoặc mua bản sao tại Hà Nội, nếu cần).

Trong số các vị sỹ quan đang sống ở hải ngoại, vị nào đã từng một thời có vinh hạnh được chỉ huy những BINH SĨ oai hùng đó?

Xin hỏi:
·TẠI SAO không có một binh sĩ nào tiêu biểu cho cấp BINH SĨ, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠI SAO không có một HẠ SĨ QUAN nào, tiêu biểu cho cấp Hạ Sĩ Quan, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?
·TẠi SAO không có một SĨ QUAN CẤP ÚY nào, tiêu biểu cho sỹ quan cấp úy, đã tự sát, hiện diện trên bức tường tưởng niệm đó?



Phải chăng Ban Tổ Chức cho rằng hành động tự sát của cấp binh sĩ là không đáng để bận tâm và không đáng để hậu thế chiêm ngưỡng tinh thần bất khuất cao cả của họ? Và họ không xứng đáng để đưa lên bức tường đó cùng với các vị Tướng, Tá? Trong khi chính tầng lớp binh sĩ là những người khi sống thì đổ mồ hôi và công sức lớn lao để làm nên lịch sử, khi chết thì kiêu hùng để tạo tiếng thơm muôn thủa cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Không có thành phần binh sĩ thì QLVNCH có thể tồn tại được không? Vậy thì tại sao lại loại bỏ những tâm hồn cao cả, những thành phần cốt cán của Quân Lực ra ngoài dự án?

Sau Thế Chiến Thứ Hai, HARA KIRI đã làm cho dân tộc Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ.
Dân tộc Việt Nam không có tập tục Hara Kiri nhưng có những binh sĩ QLVNCH tự sát cá nhân và tự sát tập thể đã làm động tâm giới báo chí của cộng sản vậy mà tại sao đã không làm động tâm được những người trong Ban Tổ Chức xây dựng bức tường tưởng niệm?

Theo tôi, nếu QÚY VỊ MUỐN ĐỂ CHO DƯ LUẬN ĐƯƠNG THỜI CŨNG NHƯ HẬU THẾ BIẾT ĐẾN NHỮNG UẤT HẬN VÀ KHÍ PHÁCH CỦA QLVNCH TRONG NGÀY 30-4-1975 THÌ BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM ĐÓ PHẢI CÓ ĐỦ HÌNH ẢNH CỦA CÁC CẤP TRONG QUÂN ĐỘI NHƯ:

·Cấp Tướng
·Cấp Tá
·Cấp Úy (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
·Cấp Hạ Sĩ Quan (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)
.Cấp Binh Sĩ (Có lưu giữ một số lý lịch và hình ảnh)

Đó mới chính là 1 bức tranh toàn cảnh, dù vô cùng đau đớn, nhưng rất đáng tự hào của QLVNCH!

Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả các cấp đã tự sát đều là những anh hùng bất khuất và phải được đánh giá như nhau. Chúng ta tưởng niệm tinh thần của những vị anh hùng đó, nhất quyết chúng ta không phân biệt cấp bậc khi tưởng niệm những anh linh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song: anh binh nhì khả kính đó đã tự chết theo cái chết của QLVNCH. Đó là nguyên nhân để chúng ta phải tưởng niệm.

Kính xin Quý Vị hãy vì công tâm mà nói lên lời công đạo để cho dự án Xây Dựng Bức Tường Tưởng Niệm này được đi vào quỹ đạo chân chính của nó.

Kính bút

Một Quân Nhân thuộc QL VNCH.
Nguyễn Hữu Luyện.





Tranh chấp vì tượng đài:

Bên Austin, Texas vụ thưa kiện tượng đài lên đến vị thống đốc rồi tạm chờ. Số là hội cựu chiến binh Mỹ muốn làm tượng đài tưởng niệm các sắc dân Mỹ ở Texas đã tử trận khi khi tham dự chiến tranh Việt Nam. Họ làm tượng lính Mỹ đen, Mỹ trắng, Mễ và Mỹ da đỏ. Gọi là cho đủ các sắc dân. Phía Việt Nam góp phần trong ban gây quỹ đã thỏa hiệp có lính VNCH. Thỏa hiệp rồi, nhưng có thể vì phản chiến chống đối hay là phe ta góp tiền không nhiều, ban tổ chức Mỹ bèn quyết định bỏ chiến binh VNCH, thay vào đó là anh lính da vàng gốc Tàu. Thực sự con số lính Mỹ gốc Tàu Texas hy sinh tại VN có thể chẳng có anh nào. Nhưng ghét nhau thì quyết định bỏ lời giao ước dù đã thề non hẹn biển. Cả miền Nam còn bỏ nhẹ nhàng, xá gì một bức tượng. Việt Nam ta đang phản đối mãnh liệt và quyết định sau cùng còn chờ ông thống đốc.

Chuyện tượng đài ở San Jose

Tại San Jose cũng có 1 ủy ban tượng đài chiến sĩ đã thành lập. Ông giám sát viên Dave Cortese đã dành đất, nhưng dự án vẫn còn trong vòng chuẩn bị. Từ nay đến ngày thiết kế quyên góp tài chánh phải chờ nhiều năm. Khu vườn văn hóa truyền thống do bác sĩ Ngãi nỗ lực vẫn còn ở giai đoạn đầu, chưa tính đến các tượng đài. Mới đây, anh em Viet Vet Hoa Kỳ San Jose hoàn tất 1 bức tường tưởng niệm gọi là Sons of San Jose để ghi tên các tử sĩ trong chiến tranh Viet Nam mà quê nhà là San Jose. Cô Hoàng mộng Thu, đại diện biệt đoàn văn nghệ Lam Sơn đã tổ chức thắp nến 30 tháng 4 tại bức tường này. Sau đó cô có ý kiến làm 1 bức tường tưởng niệm các tướng lãnh và chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam và chỉ Việt Nam mà thôi. Từ ? ý định sơ khởi, Hoàng mộng Thu hăng hái tiến hành. Cô vận động được sự tán thành của các giới chức bên quận hạt Santa Clara và bên thành phố San Jose. Tượng đài này thực sự là bức tường tưởng niệm có vị trí tại khu vườn trước Việt Museum, trong History San Jose. Từ phía trước nhìn vào, một bên là con thuyền vượt biên, một thứ tượng đài cho thuyền nhân. Phía tay trái là bức tường cẩm thạch đen 3 mảnh lớn. Ở giữa là hình 7 vị tướng tá đã tuẫn tiết, hai bên là lời dẫn giải bằng Anh và Việt ngữ. Chi tiết kỹ thuật: Bức tường dài 10 F cao 7 F. Xin xem hình mẫu. Phía dưới dự trù sẽ là hình bóng (Silhouette) tiêu biểu 3 chiến thắng Mậu Thân tại Huế, Bình Long và Quảng Trị. Sẽ còn bổ túc.

Nội dung phần dẫn giải Việt ngữ như sau:

Đài tưởng niệm nhỏ bé này được xây dựng để ghi nhận và vinh danh sự hy sinh lớn lao của hàng triệu quân dân chính Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam1950-1975. Hàng trăm ngàn người đã chết trong cuộc chiến và sau cuộc chiến. Chết tại chiến trường, trong ngục tù cộng sản, trong rừng sâu và ngoài biển cả. Hàng trăm người đã tuẫn tiết trong thời gian cộng sản thôn tính miền Nam. Trên bức tường này là hình ảnh của 7 vị anh hùng đã tự sát hoặc bị Việt Cộng xử bắn. Những cái chết cao cả đó tượng trưng cho chính nghĩa quốc gia và tinh thần bất khuất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa , đồng thời cũng ghi dấu uất hận của ngày 30 tháng tư 1975.

Đài tưởng niệm này xây dựng năm 2013 tại VietMuseum, trong công viên Kelley Park , khu San Jose History.

This small Memorial Wall dedicated to honoring the noble sacrifices of millions civilians and service men and women from the Republic of Viet Nam during the Viet Nam War since 1950 to 1975. Hundreds of thousands of people died during and after the war, they died at the battle fields, in the communist prison camps, in the deep jungles, and the high sea. Hundreds of people had committed suicide during the invasion of the communists. On this wall appeared the pictures of the seven noble heroes who typified the Republic of VietNam Armed Forces (ARVN) staunch spirit. Among them, two took poison, four killed themselves by pistol and one was executed by shooting. Three of them are Southerners, two from the Central part of Viet Nam and two are Northerners. They were Superior Commanders and were at the age of 40. Their death marked the ARVNs unyielding spirit of the date April 30, 1975. This Memorial Wall build at Viet Museum in Kelley Park, San Jose History on 2013 

Nguyên văn bản ghi nhận như trên được khắc bằng Anh và Việt ngữ trên đá cẩm thạch sẽ là bức thông điệp cho thế hệ tương lai. Đây mới chỉ là bản thảo. Chúng tôi sẽ ghi nhận mọi đóng góp ý kiến của quý vị trong tinh thần xây dựng. Sự hy sinh cao quý của các chiến binh tuẫn tiết kể trên được coi như đã xác định suốt 38 năm qua, không có ai thắc mắc, nghi ngờ. Nội dung lời giới thiệu trong bức tường cũng đã nói lên ý nghĩa của tượng đài.

Sau đây là hình ảnh các vị tuẫn tiết (Thứ tự từ trái qua phải) 1) Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh trưởng Chương Thiện, sinh 1938 tại Rạch Giá . Sau 30 tháng tư 75 không chịu đầu hàng. Bị cộng sản bắt giam và tra vấn suốt 3 tháng rồi xử bắn tại sân ban Cần Thơ ngày 4 tháng 8-75. 2) Chuẩn tướng Trần Văn Hai,Tư lệnh sư đoàn 7, sinh 1925 Gò Công.Tự vẫn bằng thuốc độc căn cứ Đồng Tâm đêm 30 tháng 4-75. 3) Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh sư đoàn 5, sinh 1933 tại Sơn Tây. Tự vẫn bằng súng tại căn cứ Lai Khê trưa 30 tháng 4-75. 4) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn IV , sinh 1927 Thừa Thiên . Tự vẫn bằng súng tại Cần Thơ sáng 1-5-75. 5) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó quân đoàn IV , sinh 1933 Gia Định. Tự vẫn bằng súng đêm 30-4-75 tại Cần Thơ. 6) Thiếu tướng Phạm Văn Phú , tư lệnh quân đoàn II, sinh 1928 Hà Đông. Tự vẫn bằng thuốc độc tại Sài Gòn ngày 29 tháng 4 gia đình đưa vào nhà thương và chết ngày 30 tháng 4-75. 7) Trung tá Nguyễn Văn Long, Cảnh sát quốc gia Việt Nam sinh tại Huế 1930.(? Xin giúp chúng tôi xác nhận) Tự vẫn bằng súng ngay tại công trường TQLC Sài Gòn ngày 30-4-75. Hình ảnh trên báo chí và truyền hình thế giới.

Đó là câu chuyện tượng đài tại San Jose

Đây quả thực chỉ là 1 tượng đài nhỏ bé với hình thức khiêm nhường và ngân khoản dự trù khoảng $30,000.us

Đây là sáng kiến xây dựng đầy thiện chí mới mẻ của đoàn viên Lam Sơn. Nhưng riêng phần nội dung sáng tạo về hình ảnh và tài liệu chúng tôi đã sưu tầm từ 10 năm qua. Việc lựa chọn các nhân vật tiêu biểu, ghi lại cấp bậc, năm sinh và sinh quán, vị trí các anh hùng, lời dẫn giải đều đã được cân nhắc có dụng ý mà không phải ngẫu hứng tình cờ. Chúng tôi biết rằng hình ảnh và lời giới thiệu in qua PDF rồi khắc trên đá cẩm thạch từ Ấn Độ đưa qua, nếu không chính xác, đơn giản và nghệ thuật thì rất khó khăn khi cần sửa chữa. Tuy nhiên, chúng tôi luôn luôn đón chào mọi đóng góp ý kiến. Xin gửi về giaochi12@gmail.com Chúng tôi hy vọng mẫu mực của công trình này sẽ được thực hiện tại nhiều nơi về sau. Bức tường đặt tại công viên Kelly Park vì nằm trong khuôn viên San Jose History rất an toàn. Thêm vào đó nhân viên Việt Museum sẽ vừa bảo vệ vừa bảo toàn hàng ngày.

Tượng đài này dự trù sẽ hoàn tất trong năm 2013 và sẽ là tượng đài đầu tiên thực hiện trên đất công Hoa Kỳ đồng thời ghi lại hình ảnh lẫm liệt của 7 vị anh hùng đại diện cho hàng ngàn quân dân chính VNCH đã hy sinh.










Hình ảnh Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết dưới bức tượng TQLC trước quốc hội Sàigòn do phóng viên AFP chụp vào tháng Tư năm 1975. AFP/Getty Images 


VẪN CHUYỆN TƯỢNG ĐÀI. 

Cô Hoàng Mộng Thu của biệt đoàn Lam Sơn vừa lên radio thông báo về việc San Jose thực hiện bức tường tưởng niệm các vị anh hùng Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết. Trong 7 vị anh hùng dự án lựa chọn có hình ảnh của trung tá cảnh sát Nguyễn văn Long. Hình ảnh do 1 thân hữu gửi đến. Sinh quán chưa biết rõ, năm sinh chưa tìm ra. Bỗng một hôm có người gọi cho cô Thu. Thân nhân của ông Long là chúng tôi đây. Hình này không chắc là hình của cha tôi. Bà là ai vậy? Tôi là con gái của ông Long. Thưa bà ở đâu gọi vậy. Tôi ở San Jose đây này. Tôi ở đây đã 11 năm rồi.
Bức tường tưởng niệm sẽ dựng tại San Jose và hình ảnh lịch sử tại Sài Gòn, trung tá Nguyễn Văn Long tự sát tại tượng đài TQLC VN.   Cô Thu bèn điện thoại cho bác Lộc. Chết rồi bác ơi. May mà mình còn đang quyên tiền. Chưa làm hình trên đá. Hình đó không phải của ông Long. Con gái ông nói chuyện với cháu đây này. Nhưng chuyện không hay mà lại thành duyên kỳ ngộ. Tìm kiếm bao năm nay để xin tin tức, bây giờ gặp may. Tôi phải liên lạc gấp với gia đình trung tá Long ngay tại San Jose Nhắc chuyện năm xưa ...
Khi nhận ngôi nhà làm Viện bảo tàng năm 2003 cách đây 10 năm, tôi đã có ý muốn ghi lại hình ảnh các vị anh hùng tuẫn tiết. Chúng ta thường nghe nói danh tiếng của 5 vị tư lệnh tự sát được gọi là ngũ hổ tướng. Sau đó có bài viết  nhắc nhở đến vị anh hùng thứ sáu là đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tại Cần Thơ. Chúng tôi bắt đầu lưu tâm tới vị anh hùng thứ bẩy là trung tá Nguyễn văn Long.
Trên tạp chí Newsweek đã cũ vào năm 1976. Xuất xứ nguyên thủy là hình trên báo Pháp. Tờ Paris Match. Tấm hình này và chỉ cần 1 tấm hình này đã làm mờ nhạt tất cả các hình ảnh tang thương khác của miền Nam vào ngày quốc hận.

HÌNH ẢNH MỘT GIA ĐÌNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ. 

Bà Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc đến người cha anh hùng.
Câu chuyện 38 năm xưa kéo dài qua điện thọai giữa  canh  khuya.
Chuyện của cha tôi đã được viết đầy đủ trên báo chí, trên các web của quân đội và cảnh sát. Nhưng bây giờ chỉ nói riêng về thời gian của tháng 3-1975.
Gia đình rất đông con, tới 13 anh chị em. 6 trai 7 gái. Con trưởng là thiếu úy biệt động quân hy sinh tại Quảng Tín năm 68. Anh Nguyễn Công Phụng (1942-1968) được truy thăng trung úy.
Nhà 6 con trai mà 5 anh em đi lính. Chỉ còn con trai út 13 tuổi là học sinh. Hai lính không quân, 1 thiết giáp, 1 cảnh sát và 1 biệt động quân.
SVSQ Nguyễn Công Phụng.( Anh cả)
Tên các con trai như thể hiện ước mơ của cha.  Các anh Phụng, Hoàng, Minh, Tiến, Quang, Hội.
Các tên con gái như hình ảnh dịu hiền của mẹ. Đào, Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền , Huê. Ngày nay có 3 chị em ở Hoa Kỳ, các anh chị em khác còn ở Việt Nam với Mẹ. Mẹ của các con tức là vợ trung tá Long qua đời mấy năm trước.
Đó là hình ảnh của 1 đại gia đình, có người cha anh hùng đã ra đi, để lại tấm hình hết sức đặc biệt.
 CÁI CHẾT CỦA CHA TÔI .   

Bà Tâm, người con gái thứ ba bắt đầu kể về những ngày cuối cùng. Lúc đó vào cuối tháng 3- 75 ở Đà Nẵng. Ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối người cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu. Vào đến Saigon đã có cô con gái lớn đón cha về ở tạm.
Lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng. Ông Long lại vào trình diện tổng nha cảnh sát để làm việc. Trưa 30 tháng 4-75 khi radio phát thanh lời tổng thống đầu hàng thì 1 phát súng đơn độc nổ trong thái dương, trung tá Long ngã xuống. Ông buông cây súng nhỏ theo lệnh tổng thống.
Cây súng tùy thân trung tá vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Một lần nữa, xin ghi lại. Có thể đây chính là người đầu tiên thi hành lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng. Lẫm liệt và công khai.
Hình ảnh trên youtube do người vô danh đưa lên có cảnh những người dân khiêng xác vị anh hùng lên xe. Đó là hình ảnh cuối cùng. Không một tin tức nào loan báo trên báo chí cộng sản trong nước. Dân Việt từ Huế vào Sàigon không ai biết tin. Nhưng cả thế giới đều biết qua hình ảnh.
Cuối tháng 5 -1975 có người từ nhà thương Đồn Đất  (Grall) của Pháp liên lạc đưa tin về Đà Nẵng. Trong quân phục của trung tá Long có địa chỉ của gia đình. Hai vợ chồng bà Tâm thay mặt cả nhà tìm đường vào Nam. Gặp chị và em ở Saigon. Chị em tìm vào nhà xác của bệnh viện Grall. Nhân viên phụ trách mở tủ lạnh. Xác cha cô vẫn còn nguyên vẹn. Quân phục, cấp bậc huy hiệu và mũ cảnh sát. Nhân viên nói lại rằng nhà thương cho biết đây là di hài một người anh hùng. Phải bảo quản chờ thân nhân. Phải giúp cho gia đình tẩm liệm mai táng chu đáo. Chị em lúc đó giữa cuộc đổi đời đành gạt nước mắt đi chôn cha tại nghĩa trang Bà Quẹo.
Chuyện đó đã xảy ra 38 năm xưa. Đây là lần đầu tiên có người hỏi và bà kể rõ lại cái chết của cha. Chúng tôi có hình của ông bà trung tá Long thời còn trẻ nên không giống hình thời 75. Bây giờ có hình chính xác. Lại còn tìm hiểu thêm giờ tổng thống phát thanh lệnh đầu hàng và giờ ông Long tự kết liễu cuộc đời căn cứ vào bóng mặt trời trong tấm hình. Làm sao phóng viên báo Pháp lại tình cờ có mặt để chụp hình. Di hài trung tá Long nằm đó bao lâu. Có nhiều bệnh viện quanh Sài Gòn sao lại chở vào nhà thương của Pháp. Phải chăng có mối liên hệ với anh phóng viên?
Trước đó một ngày, 29 tháng 4, thiếu tướng Phạm văn Phú tự tử bằng thuốc cũng trong nhà thương Grall của Pháp. Qua đến 30 tháng tư ông mới ra đi. Khi uống thuốc tự vẫn, ông Phú chưa biết đến lệnh đầu hàng. Ông chỉ uất hận vì trách nhiệm bỏ Vùng 2. Cái chết của ông Long hoàn toàn vì lệnh đầu hàng 30 tháng tư. Ngày 30 tháng tư trong cuộc chiến Việt Nam, đã  có nhiều tấm gương oanh liệt. Trường hợp của ông Long là cái chết hào hùng nhất. Ông đã chọn đúng giờ và đúng chỗ.
Thời gian là trưa 30 tháng 4-1975 và địa điểm là chết giữa lòng Saigon. Phương cách chết là cầm súng bắn vào đầu. Gia đình ông có 5 con trai trưởng thành và đi lính hết. Nhưng dù trai hay gái, tất cả đều thấm nhuần giáo huấn của cha. Tất cả đều sống hòa thuận và yêu thương đất nước. Các con đều hiểu được tấm lòng của cha khi quyết định hy sinh vào ngày quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Đó là lý do chúng tôi đã chọn được vị anh hùng thứ bẩy để đưa vào tấm bia vĩnh cửu. Gia đình còn lại 12 người con và bây giờ hơn 30 người cháu ở 2 bên bờ Thái bình Dương đều không quên ngày 30 tháng tư.
Ngày tang đất nước và ngày giỗ người cha anh hùng.
Giao Chỉ 










Ông Vũ Văn Lộc

No comments: