Saturday, May 9, 2020

QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA VẪN CHIẾN ĐẤU Ở GIỜ THỨ 25 PHẠM PHONG DINH


Hà Nội và tướng lãnh Bắc Việt thường khoe khoang chiến thắng tháng 4.1975, nhưng tình thực thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt hai mươi năm đấu tranh, vẫn luôn là cơn ác mộng của của quân đội BV. Chỉ đến khi toàn thế giới cộng sản và tư bản đồng lần trói tay trói chân Quân Lực dũng mãnh ấy không cho đánh, thì quân đội Bắc Việt mới có cơ may đánh thắng được. Sau gần nửa thế kỷ từ 1975 đến nay, thì bí mật về chiến tranh Việt Nam đã gần như hoàn toàn được làm sáng tỏ. Chiến thắng trước Miền Nam của Bắc Việt là món quà của những thế lực bạn lẫn thù của Miền Nam. Nếu trong năm 1974, Nga Sô và Trung Cộng không viện trợ Hà Nội 1,7 tỉ mỹ kim tiếp liệu quân sự, thì quân đội Miền Bắc đào đâu ra súng đạn để tiến đánh Miền Nam. Con số này gấp hơn 5 lần con số Miền Nam chờ Quốc Hội chuẩn chi là 300 triệu mỹ kim, nhưng không một xu teng nào đến.
Cái thế thắng thua đã rõ ràng như vậy, ông Tổng Thống đã bí mật ra đi, cái thời hạn 30.6.1975 gần đến, là ngày khởi đầu Hoa Kỳ viện trợ cho tài khóa 1975-1976, toàn quân cán chính VNCH sẽ không lãnh được một đồng xu lương nào vì người Mỹ không tháo khoán viện trợ, tưởng chừng như quân đội sẽ tự động tan rã. Nhưng trong thực tế, toàn QLVNCH vẫn giữ vững mọi chiến tuyến, sẵn sàng trận thư hùng cuối cùng, dù xác thân có nát tan trong cơn bão lửa kinh thiên của binh đội Bắc Việt giáng xuống. Toàn quân chờ đợi một An Lộc của năm 1975, tuy biết rằng sẽ chiến đấu đến người cuối cùng. Hà Nội đâu có muốn san bằng Sài Gòn thành bình địa, bởi biết sẽ trả một cái giá rất đắt, vì mỗi NGƯỜI LÍNH của chúng ta thề cho bộ đội BV trả một cái giá đắt nhứt.

Người hào kiệt Trung Tá Lê Bá Bình

Những điều này hoàn toàn là sự thực nếu Hà Nội liều lĩnh muốn làm nhục QLVNCH ở ngưỡng cửa Sài Gòn, nên Hà Nội thích chọn “giải pháp Dương Văn Minh” hơn. Trong những chuỗi ngày dài như vô tận cuối tháng 4.1975 và trong những thời điểm nguy nan nhứt, anh hùng hào kiệt Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn tận trung báo quốc, thề thà poncho bọc thây hơn là cúi đầu buông súng đầu hàng. Những tên tuổi kiệt liệt nhứt, các đơn vị thiện chiến của QLVNCH vẫn giữ vững chiến tuyến và vẫn đem những cơn ác mộng đến cho binh đội Miền Bắc.
Từ trong cơn phong ba bão lửa ấy sừng sững hiện ra những dũng tướng đầy huyền thoại, người dân Hố Nai, Biên Hòa hân hoan biết ngần nào khi đón nhận Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến đến lập chiến tuyến bảo vệ thị trấn. Càng cảm thấy an toàn hơn, khi được biết trong đoàn quân Mũ Xanh ấy có một người hào kiệt lừng lẫy với cái tên từng được đồng bào và chiến sĩ vô cùng ngưỡng mộ: Trung Tá Lê Bá Bình và Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng 4.1972, Trung Tá Bình cùng Tiểu Đoàn 3 Sói Biển TQLC của ông đã chận giặc tại chiến tuyến Đông Hà, không cho một chiếc dép râu nào bước lên bờ Nam sông Đông Hà ròng rã 30 ngày. Tháng 9.1972, Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng cùng Tiểu Đoàn 3 Sói Biển trong buổi sáng mù sương dưới bầu trời xám xịt lạnh giá vì cơn bão Flussy đã hò reo dựng cờ Vàng  Đại Nghĩa trên Cổ Thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị. Ngày ấy là ngày 16.9.1972. Giờ đây cũng chính ông và Tiểu Đoàn 6 Mũ Xanh sẽ viết một trang sử hào hùng khác: không cho binh đội BV bén mảng đến Sài Gòn. Chúng ta hãy cùng theo dõi trận đánh phi thường cuối cùng trong đời binh nghiệp của người hào kiệt Trung Tá Lê Bá Bình.
Ngày 20.4.1975, Sư Đoàn 18 Bộ Binh của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo triệt thoái ra khỏi thị xã Xuân Lộc theo lệnh của Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, để lập phòng tuyến bảo vệ phía Đông Sài Gòn. Thiếu Tướng Đảo và Bộ Tham Mưu của ông đã thiết kế một kế hoạch rút quân tuyệt hảo theo đường Liên Tỉnh Lộ Xuân Lộc – Bà Rịa, đem về hầu như toàn bộ quân số và vũ khí, tiếp liệu. Tư Lệnh Quân Đoàn III VNCH tái bố trí Sư Đoàn về khu vực Trảng Bom lập chiến tuyến. Trảng Bom là vùng đất nằm giữa Sài Gòn và Xuân Lộc, ở đây Thiếu Tướng Đảo chờ đợi cuộc tái ngộ với Quân Đoàn 4 Bắc Việt của Tướng Hoàng Cầm.

Thiếu tướng Lê Minh Đảo: “I will knock them down”

Ngày 27.4.1975, lúc 4 giờ sáng rạng đông, Sư Đoàn 341 BV tấn công phòng tuyến của Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Cuộc cường kích phục hận của 341 BV nửa tháng trước ở Xuân Lộc với thiệt hại rất nặng (một bộ chỉ huy trung đoàn bị Không Quân VNCH dội cho hai quả bom 7 tấn tan tành) diễn ra kinh thiên. Các chiến sĩ SĐ18BB chống trả quyết liệt, nhưng với quân số thiếu hụt chỉ giữ được chiến tuyến đến 8:30 sáng thì trận liệt bị vỡ. Thiếu Tướng Đảo cùng chiến sĩ của ông lùi về Long Bình để tái tổ chức, sau đó toàn Sư đoàn lại được điều đến giữ Trảng Bom.
Con đường Quốc Lộ 1 tiến về Sài Gòn của Quân Đoàn 4 BV đã rộng mở thênh thang. Mục tiêu kế tiếp của Quân Đoàn 4 BV là Hố Nai. Đến đây người đã gặp người, một con người mà quân Bắc chắc không muốn gặp: Trung Tá Lê Bá Bình và Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng Thủy Quân Lục Chiến. Chiến tuyến Hố Nai là khúc xương khó nuốt cuối cùng nằm chận đường tiến của Quân Đoàn 4 Bắc Việt.
Muốn hoàn thành Chiến Dịch 275, tức Chiến Dịch Hồ Chí Minh, Quân Đoàn 4 BV phải đánh gục Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng. Nhưng hãy hỏi Trung Tá Bình và 600 tay súng TQLC có đồng ý hay không. Đó là chưa kể một Chi Đội M48 từ Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái sẵn sàng nghênh đón đoàn tăng T54 và PT76 của quân Bắc. Lại kể thêm sự dũng cảm của lực lượng Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ Hố Nai, mà đã từng chống cự ác liệt cuộc tấn công hồi Tết Mậu Thân 1968. Chúng ta sẽ thấy rằng những người anh hùng vô danh của Hố Nai sẽ dùng những hỏa lực yếu kém của các anh kháng cự với cơn bão lửa của Quân Đoàn 4 BV và hầu như hoàn toàn anh dũng hy sinh sau khi Tiểu Đoàn 6 TQLC triệt thoái ra khỏi Hố Nai, lại cũng theo lệnh của Quân Đoàn III VNCH.

M113, M48 và những Mũ Đen Kỵ Binh QLVNCH

Là một trong những sĩ quan xuất sắc của binh chủng Mũ Xanh, Trung Tá Lê Bá Bình từng được tưởng thưởng nhiều huy chương, từ Bảo Quốc Huân Chương cho đến Anh Dũng Bội Tinh, Huy Chương Cao Quý Hoa Kỳ Ngôi Sao Bạc và Đồng. Trung Tá Bình và tiểu đoàn của ông chờ đợi cuộc thư hùng với binh đội Quân Đoàn 4 BV. Ký ức của cuộc triệt thoái ra khỏi Đà Nẵng hồi cuối tháng 3.1975 của Lữ Đoàn 369 TQLC hãy còn hằn đậm nhức buốt trong tâm tưởng của từng người lính Mũ Xanh. Giờ đây, hãy cho bộ đội BV biết thế nào là cơn thịnh nộ của Thủy Quân Lục Chiến. Một cậu bé tí hon David Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng nghênh chiến gã khổng lồ Goliah Quân Đoàn 4 BV, mà sẽ tung ra ít nhứt 10 tiểu đoàn bộ binh.
Buổi sáng ngày 27.4.1975, cộng quân vẫn theo chiến thuật cổ điển Tiền Pháo Hậu Xung, đã dội một cơn bão lửa ầm ì lên khắp chiến tuyến của Thủy Quân Lục Chiến, đất trời rung chuyển dưới hàng ngàn quả đạn pháo, tiếp theo sau là một chi đội xe tăng cùng hai tiểu đoàn tùng thiết của Sư Đoàn 341 BV tiến quân vào vị trí của Tiểu Đoàn 6 Mũ Xanh. Trung Tá Bình lệnh cho chiến sĩ của ông cứ kiên nhẫn chờ cho quân địch tiến gần hơn. Rồi một cơn lửa đỏ cuồng nộ của Pháo Binh TQLC giáng lên đầu quân địch. Đội hình của những chú bé học sinh bộ đội 16, 17 tuổi thuộc Sư Đoàn 341 BV vỡ tan ra từng mảnh, một chiếc xe tăng cháy bùng. Sư Trưởng Trấn buộc phải lệnh cho quân của ông rút lui.
Ngày hôm sau, Sư Đoàn 341 BV lại bị thúc xông vào tử địa. Để hy vọng đạt được thắng lợi nhanh chóng, Sư Trưởng Trần Văn Trấn điều 5 chiếc T54 và một trung đoàn bộ binh tấn công Trung Tá Bình. Chi Đội M48 của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh phục sẵn bên chiến hào khai hỏa, trong phút chốc những khẩu đại bác 90 ly đã nướng sống 3 chiếc T54, trong khi Pháo Binh dội lên đầu trung đoàn bộ đội một cơn nhiệt nóng chết chóc khác. Nghĩa Quân Hố Nai ần náu trên những cao ốc nã súng dữ dội lên đội hình địch. Dẫu sao trung đoàn bộ đội cũng mở được ba lần tấn công cường kích, nhưng cuối cùng đều bị 600 tay súng Mũ Xanh đẩy lui. Quân địch tháo lui trong hỗn loạn, nhưng Trung Tá Bình đâu đã để yên, ông gọi pháo binh bắn đạn nổ chụp rải hàng trăm ngàn mảnh pháo lên trận liệt của giặc. Lần thứ hai, Sư Đoàn 341 BV buộc phải lùi xa ra khỏi trận địa liếm vết thương. Không chỉ Tiểu Đoàn 6 Mũ Xanh, mà trên toàn kháng tuyến của Lữ Đoàn 369 TQLC, quân Sư Đoàn 341 BV đều bị đẩy lui và chịu nhiều thiệt hại. Sau cuộc chiến bại Xuân Lộc, Sư Đoàn 341 BV cam chịu thất trận lần thứ hai. Xe tăng cháy nóng hừng hực và tử thi bộ đội nằm rải đầy trước chiến tuyến của Mũ Xanh.


Người hào kiệt Thiếu Tá Phạm Châu Tài 

Tướng Lê Trọng Tấn, Tư Lệnh B2, chịu trách nhiệm mặt trận phía Đông vô cùng sửng sốt trước sức kháng cự dũng mãnh của quân Nam mà đã khiến cho Sư Đoàn 7 BV thiện chiến bị khựng lại phía sau không tiến lên được. Tướng Tấn lệnh cho Sư Đoàn 341 BV giá nào cũng phải xông qua kháng tuyến Mũ Xanh. Ngày 29.4.1975, Sư Trưởng Trấn lại phải thúc những cậu bé học sinh bộ đội xông vào. Hai bên quầng nhau hơn hai tiếng đồng hồ, binh đội Bắc Việt lại vẫn phải cuốn vó chạy lui. Sau hai ngày giao tranh, Trung Tá Bình và chiến sĩ của ông cũng đã trả được ít nhiều mối hận ngoài Quân Khu 1 trong những ngày cuối tháng 3.1975. Nhưng niềm vui của chiến thắng không kéo dài được lâu. Tư Lệnh Quân Đoàn III VNCH ra lệnh Lữ Đoàn 369 triệt thoái ra khỏi Hố Nai hành quân về bảo vệ Biên Hòa và Long Bình. Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ Hố Nai không chịu triệt thoái. Các anh ở lại thề viết trang sử cuối cùng của các anh. Đến khuya ngày 29.4.1975, Hố Nai thất thủ, những người anh hùng vô danh của chúng ta đã đền xong nợ nước. Tổ Quốc muôn đời Tri Ân các anh.
Trong lúc Thủy Quân Lục Chiến rút về Biên Hòa, thì mặt trận phía Tây Bắc cũng đã lên đến cường độ nóng đỏ nhứt, đến sắt đá cũng phải tan chảy. Sư Đoàn 10 BV, sư đoàn từng tham chiến ở Ban Mê Thuột và Liên Tỉnh Lộ 7B, từng gây chết chóc tang thương cho hàng ngàn đồng bào di tản theo chân các đơn vị Quân Khu 2 hồi trung tuần tháng 3.1975, giờ đây là mũi đột phá chánh ở mặt trận Tây Bắc. Ngày 29.4.1975, binh đội của Quân Đoàn 3 Bắc Việt đã tràn ngập Căn Cứ Đồng Dù của Sư Đoàn 25 Bộ Binh VNCH, Sư Đoàn 10 tiến quân về hướng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Các cấp chỉ huy của Trung Tâm Quang Trung đã dùng nhiều chiếc GMC nằm khóa chặt con đường Quốc Lộ 1 để làm chậm bước tiến của địch, các đơn vị cơ hữu của Trung Tâm (lúc này do Thiếu Tướng Trần Bá Di làm Chỉ Huy Trưởng) dũng cảm nồ súng chận địch. Công binh Bắc Việt đã đưa xe tăng lên kéo những chiếc GMC sang hết hai bên đường. Trung Đoàn 24 BV thúc tới.
Các tân khóa sinh của Trung Tâm với vũ khí yếu kém và trong thời kỳ huấn luyện không thể ngăn chận được cơn nước lũ. Nhưng đến đây người lại gặp người: Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù đang chờ đón quân địch tại giao lộ Bà Quẹo. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai 1954-1973, bộ đội Bắc Việt đi B, tức vào Nam thường chuyền tai kể cho nhau những hiểm nguy đang chờ đón họ, rằng chớ nên chạm đến ba món độc Miền Nam: Nhảy Dù, Biệt Cách Dù và B52. Giờ đây các Trung Đoàn 24 BV sẽ đụng độ với một trong ba món độc Miền Nam. Các chiến sĩ Nhảy Dù vừa trở về từ cơn triệt thoái Phan Rang, đang hừng hực ý chí phục hận, dù quân số thiếu hụt và số tân binh bổ sung còn thiếu kinh nghiệm chiến trường, sĩ quan kỳ cựu hao mòn, các anh bố trí trong những cao ốc chung quanh giao lộ. Kiên nhẫn chờ cho những thành phần tiền phong của bộ đội đến gần trong tầm nhắm, các chiến sĩ Mũ Đỏ đồng loạt khai hỏa. Ba chiếc thiết xa đi đầu bị bắn cháy, những cột lửa màu cam vỡ bùng cùng với những cột nấm khói đen mù mịt bốc lên. Sư Đoàn 10 BV đã bị Tiểu Đoàn 3 Dù chận đứng.

Những Thiên Thần Mũ Đỏ

Trong lúc quân Dù và quân BV còn đang kịch chiến ở Bà Quẹo thì Trung Đoàn 28 BV đã đánh thông được con đường Tỉnh Lộ 15 tiến về phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 6 giờ chiều ngày 29.4.1975. Quân địch nhận lệnh dừng, chỉnh đốn quân số và nhận tiếp liệu. Cuộc tấn công phi trường sẽ khởi diễn vào lúc bình minh ngày 30.4.1975. Đến đây, Trung Đoàn 28 BV lại sẽ gặp món độc Miền Nam thứ hai: 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Từ ngày 26.4.1975, Liên Đoàn 81 BCD được trao nhiệm vụ trấn đóng bảo vệ phi trường và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Người hào kiệt chịu trách nhiệm chỉ huy mặt trận là Thiếu Tá Phạm Châu Tài, biệt danh Hổ Xám, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật của Liên Đoàn 81 BCD (Liên Đoàn có 3 Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, mỗi bộ chỉ huy có 4 biệt đội, mỗi biệt đội có 200 chiến sĩ). Dưới quyền điều động của Thiếu Tá Tài còn có một thành phần Lôi Hổ trở về từ Pleiku.

Những T54 Bv bị Nhảy Dù bắn cháy ở Bà Quẹo


Hổ Xám Phạm Châu Tài là một trong những mãnh hổ Mũ Xanh tung hoành trận địa ở An Lộc. Trong một đêm tháng 4.1972, ông cùng các tay súng Biệt Cách đã đánh bật quân cộng ra xa khỏi một nửa phía Bắc thành phố An Lộc mà chúng đã chiếm được mấy ngày trước. Giờ đây ông sẽ viết tiếp trang sử Liên Đoàn 81 BCD bằng những huyền thoại của chính ông.
Đêm 29.4.1975 sẽ là đêm dài nhứt của các chiến sĩ Biệt Cách Dù, Lôi Hổ và Nhảy Dù đang trấn giữ chung quanh, trong khu vực phi trường và Bộ Tổng Tham Mưu. Suốt đêm, các chiến sĩ phòng thủ lắng nghe tiếng cánh quạt phành phạch cùng tiếng động cơ ầm ĩ của đoàn trực thăng Hoa Kỳ từ Đệ Thất Hạm Đội bay vào Sài Gòn di tản người Mỹ và nhân viên Việt Nam, cùng những người có giấy tờ nhận cho di tản từ tòa đại sứ Hoa Kỳ. Trong màn đêm u ám, từ trên những tòa cao ốc, các chiến sĩ và người dân Sài Gòn có thể nhìn rõ những ánh đèn chớp liên hồi từ những chiếc trực thăng. Mặc dù có tin nhiều  chỉ huy cao cấp từ Tổng Tham Mưu Trưởng, đến Tư Lệnh Quân Đoàn III VNCH đều vắng mặt, hầu hết máy bay và tàu chiến đều đã ra khỏi Việt Nam với mục đích tránh để rơi vào tay giặc, quân ta vẫn bình tĩnh giữ vững vị trí thề chiến đấu bảo vệ mảnh đất cuối cùng: Sài Gòn. Nhưng liệu ông Tổng Thống tân nhiệm Dương Văn Minh có được dũng chí làm được công việc phi thường ấy không.
Trong lúc Quân Đoàn 3 Bắc Việt lập kế hoạch chiếm phi trường và BTTM để làm tê liệt sức chống cự của toàn QLVNCH, Thiếu Tá Tài gọi cho Đại Tá Phan Văn Huấn, Tư Lệnh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù xin lệnh. Người anh hùng của thời Mùa Hẻ Đỏ Lửa An Lộc ra lệnh: “Nhiều vị tướng lãnh có thể đã ra đi, nhưng chúng ta không thể để đất nước rơi vào tay quân cộng sản, cho dù bất cứ chuyện gì xảy đến, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vẫn phải ở vị trí và tiếp tục chiến đấu”. Quân lệnh như sơn. Hổ Xám Phạm Châu Tài tuyệt đối tuân thủ, ông sẽ đánh quân giặc đến giờ thứ 25.
Lúc 7:15 sáng ngày 30.4.1975, Thiếu Tướng Vũ Lăng, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 BV ban lệnh tấn công. Trung Đoàn 24 đã vượt qua được Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù ở Bà Quẹo, cùng đoàn thiết xa ầm ầm tiến về Ngã Tư Bảy Hiền, khí thế mạnh mẽ, hùng hổ tưởng chừng như  trời sắp sụp đất sắp lở. 800 tay súng Biệt Cách Dù, Lôi Hổ và một thành phần Nhảy Dù bình tĩnh chong súng chờ đợi. Chiến Đoàn 3 BCD có dồi dào súng phóng hỏa tiễn M72, mà sẽ là thứ vũ khí chết chóc luôn là tử thần đối với chiến xa địch.
Tiếng bánh xích chiến xa địch đã nghiến rổn rảng trên con đường nhựa thênh thang, tiếng động cơ gầm rú ầm ĩ, đe dọa, lính tùng thiết đi theo sau lúc nhúc như bầy kiến tìm mồi. Kia rồi, hai chiếc thiết giáp địch đã ở trong tầm bắn. Công đầu thuộc về các chiến sĩ Lôi Hổ. Các anh bắn xe tăng địch bằng súng không giật 90 ly, thép nào chịu cho nổi. Nên chiếc thứ nhứt bùng cháy dữ dội. Chiếc T54 thứ hai còn đang loay hoay chưa biết hành động ra sao, thì một quả đạn từ đại bác 90 ly của một chiếc M48 đã nướng cháy nó, khói bốc đen nghìn nghịt. Tuy nhiên, quân số biển người của Sư Đoàn 10 BV tiếp tục thúc tới dưới màn hỏa lực dữ dội từ trên những cao ốc của Lôi Hổ và Nhảy Dù, những đơn vị tiền phong tiến dần đến cổng phi trường, nơi Thiếu Tá Tài đang chờ đợi. Một tiểu đoàn bộ đội được ba chiếc T54 yểm trợ ào ạt tiến vào, để nhận được một trận bão hỏa lực từ Biệt Cách Dù. Trong phút chốc ba chiếc T54 đã bị súng phóng hỏa tiễn M72 hủy diệt.



Người Hùng An Lộc 1972: Đại Tá Phan Văn Huấn

Nếu quân cộng từng dùng CKC bắn tỉa quân ta, thì giờ đây những tay súng tuyệt kỹ của Biệt Cách Dù cũng bắn tỉa được nhiều lính cộng. Tổ súng nặng của quân cộng vội thiết trí súng phòng không 85 ly bắn trực xạ vào quân Mũ Xanh. Các tay súng 81 BCD đã hủy diệt ngay tổ phòng không ấy, thậm chí súng còn chưa kịp hạ nòng bắn viên đầu tiên. Một tiểu đoàn thứ hai cùng tám chiếc T54 xông vào. Những chiếc A37 còn lại của Không Quân VNCH từ Cần Thơ bay lên đánh bom nổ tung 2 chiếc T54. Lúc 10 giờ sáng, chỉ nửa tiếng sau toàn dân Miền Nam sẽ được nghe hiệu triệu của Tướng Minh, trong lúc quân cộng tiếp tục ủi vào cổng phi trường, những chiếc M72 bắn hạ thêm hai chiếc nữa. Một chiếc thứ ba xoay bánh xích ken két đánh một vòng muốn bọc hông, cũng bị M72 bắn cháy luôn. Tổng cộng có sáu chiếc T54 nằm rải rác trước cổng phi trường. Thiếu Tá Tài đã buộc Sư Đoàn 10 BV thất vọng vì không hoàn thành kế hoạch làm tê liệt sức kháng cự của QLVNCH, phải khựng lại không tiến lên được.
Cùng thời điểm đó, người hào kiệt Vương Mộng Long và Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân còn đang quần thảo với Quân Đoàn 2 BV ở Căn Cứ Nước Trong, sau khi triệt thoái từ Xuân Lộc về. Từ Quảng Đức với 410 chiến sĩ rút về Quân Khu 3 trong những ngày tháng 3.1975, giờ đây Thiếu Tá Long chỉ còn có 60 chiến sĩ và 4 sĩ quan sống sót. Nhưng khi đoàn quân này vượt cầu Tân Cảng tìm về Sài Gòn thì rơi vào bẫy phục kích của giặc. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân bị xóa tên, nhưng Thiếu Tá Long may mắn thoát được cùng vài chiến sĩ.

Chiến sĩ Biệt Động Quân đánh địch


Vận nước đã đến lúc suy vong. Nửa giờ sau, từ những chiếc máy thu thanh nhỏ, lúc 10:30 sáng, quân phòng thủ phi trường và Bộ Tổng Tham Mưu đã tức uất nghe được lệnh “các chiến sĩ hãy buông súng, ai ở đâu ở đó chờ quân giải phóng đến bàn giao”. Có nghĩa là buông súng đầu hàng. Thiếu Tá Tài đi vào Bộ Tổng Tham Mưu hy vọng tìm gặp vài viên chức cao cấp nào đó, để chỉ thấy những phòng ốc hoang vắng thê lương. Tuy nhiên điện thoại vẫn còn hoạt động được, Thiếu Tá Tài gọi vào Dinh Tổng Thống. Trả lời đầu dây là Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người được Tổng Thống Minh bổ nhiệm làm Tổng Tham Mưu Trưởng. Thiếu Tá Tài xin được nói chuyện với Tổng Thống.
Được ông Minh tiếp chuyện, Thiếu Tá Tài tự giới thiệu tên, cấp bậc, chức vụ rồi xin lệnh. Tướng Minh bảo Thiếu Tá Tài hãy sửa soạn đầu hàng, ông cho biết xe tăng quân cộng đang trên đường đến Dinh Độc lập. Thiếu Tá Tài nói: “Nếu xe tăng Việt cộng vào Dinh Độc Lập chúng tôi sẽ đến cứu Tổng Thống”. Ôi, còn những lời nào cao cả, hào hùng và bi thiết hơn nữa không từ một người chiến sĩ đã dâng hết thời thanh xuân của mình cho đất nước. Giờ đây, trách nhiệm cuối cùng của ông là bảo vệ vị nguyên thủ quốc gia tránh sự nhục nhã của một tù binh chiến tranh. Hết sức sửng sốt và cảm động, ông Minh từ tốn trả lời: “Không cần đâu em”. Thiếu Tá Tài chỉ còn nghe có tiếng vo vo buồn bã trong ống liên hợp. Lúc 11:30 sáng, những chiếc dép râu tiến vào phi trường và Bộ Tổng Tham Mưu.

Thiếu Sinh Quân VNCH: Những Trần Quốc Toản thời lửa binh

Thế là hết. Những chiến sĩ Lôi Hổ, Nhảy Dù Bộ Chỉ Huy 3 Chiến Thuật Biệt Cách Nhảy Dù ngậm ngùi bắt tay từ giã nhau. Một nhóm 7 chiến sĩ Mũ Đỏ Dù, trong đó có một ông Thầy Thiếu Úy, ngồi thành vòng tròn ở gần Ngã Tư Bảy Hiền nhìn nhau gật đầu chào vĩnh biệt. Một trái lựu đạn lăn giữa vòng nổ tung, những mảnh áo màu hoa rừng đẫm máu tung bay tơi bời lên thinh không.

Buổi trưa ấy, đột nhiên bầu trời tối sầm, mây đen sa xuống thấp đến nỗi những con người Sài Gòn đang ngơ ngác, ủ rủ cảm nhận được những luồng hơi nước lạnh giá. Từ trong cõi xám mờ mịt dậy lên những tiếng sấm động ùng oàng, liên miên, bất tận như truy điệu cái chết của Việt Nam Cộng Hòa. Cơn mưa đầu mùa tầm tả ầm ầm trút xuống một màn nước trắng xóa phủ lên thành phố đang hấp hối.
Nhưng đối với Thiếu Tá Trần Đình Tự và Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân đang hành quân ở Củ Chi, Hậu Nghĩa, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Cùng với 90 chiến sĩ Mũ Nâu quyết theo ông đến phút cuối cùng, Thiếu Tá Tự bất tuân lệnh buông súng tiếp tục đánh cho đến lúc toàn quân sa vào tay giặc. Cấp chỉ huy địch buộc Thiếu Tá Tự cởi quân phục đầu hàng, ông cương quyết tử chối. Viên chỉ huy địch giận dữ rút súng bắn vào đầu ông. (Một tài liệu khác viết rằng, chỉ huy du kích Củ Chi trói Thiếu Tá Tự vào cột rồi dùng dao găm mổ bụng ông). Ôi, còn nỗi bi thương nào hơn thế không.
Buổi chiều ngày 30.4.1975, những chiến sĩ nhỏ bé Thiếu Sinh Quân ở Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu sau khi cầm cự suốt nửa ngày đành cam chịu buông súng. Nhưng những người chiến sĩ hậu duệ Trần Quốc Toản ấy đã trân trọng làm lễ Hạ Kỳ Quốc Gia, xếp lại Lá Cờ Vàng Việt Nam thiêng liêng, rồi u sầu chia tay nhau. Năm vị thần tướng Nước Nam không chịu khuất phục quân giặc đã tuẫn tiết: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú uống thuốc độc; Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam bắn súng vào đầu; Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng bắn súng vào tim; Chuẩn Tướng Trần Văn Hai uống thuốc độc; Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát bằng súng. Trước bức tượng Thủy Quân Lục Chiến ở bùng binh Quốc Hội, Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tử tiết bằng súng, chiếc nón của người anh hùng ấp ủ trên ngực ông. Ngày hôm sau, cựu Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành tuẫn tiết tại nhà. Và còn nhiều nữa rất nhiều chiến sĩ mọi binh chủng, mọi cấp bậc không cam chịu nhục hàng giặc, anh linh đã cùng đi vào cõi thiên thu.
Sang ngày 1.5.1975, tiếng súng vẫn còn nổ ở Tiểu Khu Chương Thiện, Đại Tá Tỉnh Trưởng Hồ Ngọc Cẩn khi không còn gì để chiến đấu, ông điềm tĩnh chờ giặc vào trói ông. Người bạn cùng khóa 2 Hiện Dịch Đồng Đế với ông, Trung Tá Trịnh Tấn Tiếp, Quận Trưởng Kiên Long, cũng đánh đến cùng và bị bắt. Hai người anh hùng cuối cùng này của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị đem xử bắn ở vận động trường Cần Thơ vào ngày 14. 8.1975.
Những vị Thần Tướng Nước Nam đã thăng thiên cùng anh linh hai trăm ngàn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm đấu tranh bảo quốc, ba trăm ngàn chiến sĩ thương phế sống vất vưởng ngoài lề đất nước từ ngày 30.4.1975, đến nay là đã gần nửa thế kỷ. Nhưng có phải những người anh hùng ấy đã hoàn toàn bị quên lãng trong lòng dân tộc rồi chăng. Một cô em nữ sinh hậu phương ở Sài Gòn, cô Dương Thị Sớm Mai (hiện cư ngụ ở thành phố Ottawa, Canada) đã nói thay cho tình cảm của dân chúng Miền Nam dành cho NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA:
Buổi trưa ngày 30 tháng 4.1975 Ba tôi vừa khóc vừa nói với anh em tôi rằng: “Mình đã sống bình yên, hạnh phúc cho đến này hôm nay là do công giữ nước, giữ đất của Những Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, không phải chỉ bằng mồ hôi nước mắt, mà còn bằng máu của các anh, bằng sự mất mát của gia đình các anh, bằng tất cả cuộc đời của các anh… Nhiều lắm, mình không trả nổi công ơn đó”.
Cuộc chiến này dù đã kết thúc như thế nào, người dân Miền Nam Việt Nam vẫn cúi đầu ghi nhớ công ơn các anh, sự hy sinh cao cả của các anh, bởi trên từng tấc đất mà họ đang sống đều được đấp bồi bằng máu của những người như các anh đã không sống hết tuổi thanh xuân của mình. Dương Thị Sớm Mai.

PHẠM PHONG DINH

No comments: