Tuesday, September 6, 2022

Biệt Ðộng Quân QLVNCH

 Chú thích: Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) thuộc Texas Tech University đã tổ chức hai ngày (17, 18 tháng 3) hội thảo, với chủ đề “QLVNCH: Phản ánh và tái thẩm định sau 30 năm.” BÐQ Vũ Ðình Hiếu, vốn là khách quen của trung tâm này, vì ông thường đến đây thuyết trình hàng năm, đã trình bày đề tài RVN Ranger. Ðề tài này nói về binh chủng Biệt Ðộng Quân, một binh chủng hào hùng của QLVNCH mà ông ta phục vụ trước đây.

I. Lời giới thiệu:

Binh chủng Biệt Ðộng Quân QLVNCH được thành lập vào tháng 7 năm 1960 gồm những Ðại Ðội Biệt Lập. Những đại đội Biệt Ðộng Quân này được huấn luyện đặc biệt về du kích chiến để tiêu diệt những đơn vi Việt Cộng.

Ngay từ lúc đầu, các chiến sĩ Biệt Ðộng Quân đã nổi tiếng là dũng mãnh với lối tấn công chớp nhoáng. Trưởng thành trong khói lửa, các đại đội, tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân đã tham dự hầu hết những chiến dịch, những cuộc hành quân nổi tiếng, những trận đánh đẫm máu trên khắp chiến trường. Họ là những quân nhân can đảm, hãnh diện đội chiếc mũ beret mầu nâu, mang trên vai phù hiệu binh chủng con báo đen nhe nanh. Phù hiệu con báo đen thường được sơn đằng trước nón sắt để làm khiếp đảm tinh thần địch quân, do đó Biệt Ðộng Quân còn được mang danh là “Cọp.”

Khi cuộc chiến lan rộng, các đại đội Biệt Ðộng Quân biệt lập được gom lại, tổ chức thành cấp tiểu đoàn để có thể đối đầu với một đơn vị địch cấp lớn. Ðến năm 1967, chiến tranh Việt Nam đã trở thành chiến tranh quy ước với những trận địa chiến. Binh chủng Biệt Ðộng Quân được tổ chức lên tới cấp liên đoàn để có thể hành quân trên một chiến trường rông lớn hơn. Kể từ ngày thành lập, Binh chủng Biệt Ðộng Quân đã tham dự các trận đánh nổi tiếng sau đây:

1. 1964: Bình Giả, hai Tiểu Ðoàn 33 và 38

2. 1965: Ðồng Xoài, Tiểu Ðoàn 52

3. 1968: Tết Mậu Thân, tất cả các đơn vị Biệt Ðộng Quân trên bốn Quân Khu.

4. 1970: Vượt biên qua Kampuchia, các liên đoàn: 2, 3, 4, 5, 6

5. 1971: Hạ Lào, Liên Ðoàn 1

6. 1972: Mùa Hè Ðỏ Lửa, các liên đoàn: 1, 3, 4, 5, 6, 7

II. Các trận đánh nổi tiếng:

1) Bình Giả (28/12/1964)

Bình Giả là một ngôi làng nhỏ trong tỉnh Phước Tuy, dân số khoảng 6000 người, đa số là người Công Giáo di cư từ miền Bắc đến định cư sau năm 1954. Làng Bình Giả có một vị trí chiến lược cách thành phố Saigon khoảng 67 cây số về hướng tây.

Hai trung đoàn Việt Cộng 271, 272 thuộc Công trường (Sư đoàn) 9 VC từ chiến khu C và D di chuyển ra vùng duyên hải để nhận đồ tiếp tế từ miền Bắc. Sau đó cả hai đơn vị tập trung lại, tổ chức huấn luyện trong những cánh rừng cao su xung quanh làng Bình Giả.

Ðể mừng kỷ niệm bốn năm ngày thành lập MTGPMN, một tiểu đoàn VC tấn công làng Bình Giả sáng ngày 28 tháng 12 năm 1964. Ngôi làng nhỏ này chỉ có hai Trung Ðội Ðịa Phương Quân phòng thủ. Sau khi chiếm xong làng, địch quân được tăng viện thêm quân để cố thủ. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III cho trực thăng đổ quân Tiểu Ðoàn 33 Biệt Ðộng Quân xuống Bình Giả để phản công. Quân Việt Cộng đã biết trước, phục kích nơi bãi đáp trực thăng làm thiệt hại đơn vị BÐQ. Các quân nhân BÐQ rút vào một nhà thờ trong làng cố thu, đợi quân tăng viện.

Ngày hôm sau, trực thăng đổ thêm Tiểu Ðoàn 38 BÐQ nơi hướng Nam làng Bình Giả, để các chiến sĩ Mũ Nâu tấn công từ hướng Nam lên. Trận đánh kéo dài cả ngày, BÐQ vẫn chưa tiến được vào làng vì địch đã đào hố chiến đấu, tổ chức phòng thủ rất vững chắc.

Sáng ngày 30, Tiểu Ðoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến được gửi đến tăng viện cho Biệt Ðộng Quân. Các đơn vị VC đã rút lên hướng Ðông Bắc và QLVNCH đã lấy lại được làng Bình Giả. Ðến tối, địch quân tấn công trở lại nhưng bị đẩy lui, tuy nhiên địch bắn hạ được một trực thăng võ trang, rớt trong rừng cao su Quang Giao cách làng Bình Giả khoảng 4 cây số.

Qua ngày 31, Tiểu Ðoàn 4 TQLC được lệnh tiến lên, đi tìm chiếc trực thăng lâm nạn cùng phi hành đoàn. Khi đơn vị TQLC tiến đến gần nơi chiếc trực thăng, Ðại Ðội 2 bị phục kích, phần còn lại của tiểu đoàn lên tiếp cứu cũng bị thiệt hại nặng phải rút về Bình Giả.

Ngày 1 tháng 4, hai tiểu đoàn Nhẩy Dù 1 và 3 được trực thăng đổ xuống nơi hướng Ðông làng, nhưng quân VC đã biến mất. Trận Bình Giả báo hiệu cho QLVNCH biết rằng địch quân có thể tổ chức những trận đánh lớn.

2) Ðồng Xoài (9/6/1965)

Ngày 9 tháng 6 năm 1965, Việt Cộng tung hai Trung Ðoàn 762, 763 tấn công Ðồng Xoài, quận Ðôn Luân trong tỉnh Phước Long. Ðúng 11 giờ 30, chủ lực quân địch tấn công trại Dân Sự Chiến Ðấu do Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ vừa mới thiết lập. Bị tấn công bất ngờ, DSCÐ cùng với ÐPQ rút lui vào trong quận để chống trả lại lực lượng đông đảo của địch.

Quân VC mở bốn đợt tấn công nhưng vẫn không chiếm được quận. Tức giận, chúng quay trở lại trại DSCÐ tàn sát khoảng 200 đàn bà, trẻ em, vợ con của các quân nhân DSCÐ.

Sáng hôm sau, QLVNCH đưa một tiểu đoàn Bộ Binh và Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng Quân (Sấm Sét Miền Ðông) vào trận địa. Tiểu Ðoàn BB bị phục kích nơi đồn điền cao su Thuận Lợi gây tổn thất nặng. Tiểu Ðoàn 52 BÐQ được không lực yểm trợ, tấn công như vũ bão. Các chiến sĩ Mũ Nâu đánh tan những toán quân VC đang bao vây quận Ðôn Luân, sau đó quay trở lại càn quét địch ra khỏi trại DSCÐ trước buổi sáng ngày hôm sau 10 tháng 6, 1965. Trong trận này, Biệt Ðộng Quân tịch thâu được nhiều tiểu liên xung kích AK-47, lần đầu tiên được địch quân sử dụng trên chiến trường.

3) Tết Mậu Thân 1968

Lợi dụng thời gian hưu chiến trong dip Tết Mậu Thân, quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng bất thần mở một loạt những trận tấn công vào các thành phố trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tất cả các đơn vị Biệt Ðộng Quân trên khắp bốn vùng chiến thuật đã được điều động phản công, đánh đuổi địch quân ra khỏi các thành phố.

Trong thủ đô Saigon, Tiểu Ðoàn 30 BÐQ đẩy lui địch ra khỏi khu vực Hàng Xanh. Tiểu Ðoàn 38 BÐQ tảo thanh khu vực chùa Ấn Quang. Các Tiểu Ðoàn BÐQ 30, 33, 38 và Ðại Ðội Trinh Sát 5 thuộc Liên Ðoàn 5 BÐQ đánh chiếm từng căn nhà, từng cao ốc trong khu vực Phú Lâm (Quận 6), trường đua Phú Thọ và khu Bình An trong quận 7 nơi có nhiều kênh rạch. Tiểu Ðoàn 41 BÐQ từ dưới vùng 4 được đưa lên tăng cường, tảo thanh khu vực hãng rượu Bình Tây. Tiểu Ðoàn 35 BÐQ thuộc Liên Ðoàn 6 BÐQ càn quét địch trong khu vực Chợ Lớn.

Các Tiểu Ðoàn 11, 22, 23 Biệt Ðộng Quân thuộc Liên Ðoàn 2 BÐQ trên vùng cao nguyên cũng tham dự những trận phản công đuổi địch ra khỏi các thành phố Plei-Ku, Ðà Lạt, Qui Nhơn.

Trong Tết Mậu Thân, mặt trận ở Huế được coi là trầm trọng nhất. Các Tiểu Ðoàn 21, 37, 39 thuộc Liên Ðoàn 1/BÐQ đánh đuổi địch quân ra khỏi thành phố Ðà Nẵng, Hội An. Mặt trận Huế coi như chấm dứt khi Tiểu Ðoàn 21 Biệt Ðộng Quân cắm cờ trong khu Gia Hội.

4) Hành quân vượt biên qua Kampuchia (1970)

Ngoại trừ Liên Ðoàn 1 BÐQ nằm ngoài Vùng I chiến thuật, các Liên Ðoàn 2, 3, 4, 5 và 6 đều tham dự hành quân vượt biên qua Kampuchia lục soát, phá hủy các căn cứ tiếp liệu, hậu cần của địch. Các đơn vị Biệt Ðộng Quân tịch thâu được rất nhiều vũ khí đủ loại của giặc Cộng và làm tiêu hao các Công trường (Sư đoàn) chính quy 5, 7, 9 Việt Cộng.

5) Hành quân Lam Sơn 719 (1971)

Hành quân Lam Sơn 719 đầu tháng 2 năm 1971 nhằm mục đích phá hủy các căn cứ địa 604 của quân đội Bắc Việt. Căn cứ này nằm trên đất Lào nơi làng Tchépone. Tin tức tình báo cho biết, địch quân xây dựng nhiều kho tiếp liệu chứa lương thực, súng đạn. Căn cứ này còn được sử dụng làm nơi dưỡng quân cho các đơn vị địch sau những lần chạm súng với các đơn vị của ta. Ngoài ra về phía Nam, còn có thêm căn cứ 611, là nơi phát xuất cho các trận tấn công trong tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

Liên Ðoàn 1 BÐQ là đơn vị trừ bị cho QÐ.I nên tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ba tiểu đoàn thuộc Liên Ðoàn 1 được điều động như sau: Tiểu Ðoàn 37 BÐQ nằm với Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn trong căn cứ hành quân tiền phương ở Tà Bạt, gần biên giới Lào Việt hướng Tây Bắc căn cứ Khe Sanh. Tiểu Ðoàn 21 BÐQ được trực thăng Hoa Kỳ đưa đến bãi đáp “Biệt Ðộng Quân Nam” (Ranger South), cách căn cứ hỏa lực 30 khoảng 5 cây số về hướng Ðông Bắc. Ba ngày sau, Tiểu Ðoàn 39 BÐQ xuống bãi đáp “Biệt Ðộng Quân Bắc” (Ranger North) khoảng 3 cây số Ðông Bắc Tiểu Ðoàn 21 BÐQ.

Nhiệm vụ của hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân là thăm dò mức độ chuyển quân của địch và ngăn cản các mũi dùi tấn công của địch vào hai căn cứ hỏa lực 30, 31 ở phía Nam. Trường hợp hai căn cứ này bị tràn ngập, địch quân có thể cắt đứt đường rút quân của ta trên đường số 9.

6) Mùa Hè đỏ lửa (1972)

Cuối tháng 3 năm 1972, ngoài vùng địa đầu giới tuyến, CSBV sử dụng năm sư đoàn chính quy: 304, 308, 312, 324 và 325 mở trận tấn công tràn qua sông Bến Hải và từ bên Lào sang. Ngày 5 tháng 4, trận tấn công quy mô thứ hai với ba Công trường (sư đoàn) 5, 7, 9 thuộc Trung Ương Cục Miền Nam từ đất Kampuchia tiến vào bao vây thị xã An Lộc. Trận cuối cùng xẩy ra trên vùng cao nguyên, lãnh thổ Quân Ðoàn II. Ngày 6 tháng 4, quân CSBV sử dụng ba sư đoàn thuộc mặt trận B3 (Tây Nguyên) và Quân Khu V gồm có sư đoàn 2, 3 (Sao Vàng) và sư đoàn chủ lực 320 (Thép) tấn công các tiền đồn của QLVNCH trong tỉnh và thành phố Kontum.

Các liên đoàn Biệt Ðộng Quân đang hành quân dưới vùng IV, bên Kampuchia hoặc trên lãnh thổ Quân Ðoàn III: 4, 5, 6, 7 được đưa ra tham chiến ngoài vùng I và trên vùng cao nguyên. Cùng với các liên đoàn trừ bị 1 và 2 ngoài quân khu, các chiến sĩ Mũ Nâu đã sát cánh cùng với các binh chủng bạn giữ vững phòng tuyến. Liên Ðoàn 3 BÐQ đã nằm trong An Lộc cùng với Sư Ðoàn 5 Bộ Binh ngay từ những ngày đầu của trận chiến An Lộc.

 III. Ðoạn kết:

Trong suốt cuộc chiến, binh chủng Biệt Ðộng Quân đã chiến đấu bảo vệ quê hương, nêu cao danh dự mầu cờ sắc áo của binh chủng. Các đơn vị Biệt Ðộng quân đã được ân thưởng nhiều huy chương của cả hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ:

– 23 đơn vị BÐQ được ân thưởng huy chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu.

– Tiểu Ðoàn 42 BÐQ được ân thưởng 7 lần, Tiểu Ðoàn 44/BÐQ được 6 lần, Tiểu Ðoàn 43 và Liên Ðoàn 1 BÐQ được 4 lần.

– Tiểu Ðoàn 42 BÐQ được ân thưởng huy chương của tổng thống Hoa Kỳ (Presidential Unit Citation) 2 lần. Các tiểu đoàn BÐQ khác được 1 lần: 44, 37, 39, 52, và 41.

– Nhiều đơn vị BÐQ khác được huy chương Anh Dũng Bội Tinh của Quân Lực Hoa Kỳ.

Các đơn vị Biệt Ðộng Quân đã làm bổn phận cuối cùng đối với đất nước, nhiều đơn vị đã chiến đấu đến 1 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã được tạp chí Le Monde của Pháp ca tụng là “Những người lính danh dự cuối cùng của Miền Nam Việt Nam.”

BÐQ Vũ Ðình Hiếu

No comments: