Monday, November 11, 2024

USA Ranger School - Cao Văn Hải, K25 VBQGVN

Tôi tốt nghiệp K25/ TVBQGVN vào cuối năm 1972. Ra trường, tôi chọn binh chủng Biệt Động Quân.
 
Thuở ấy, như bao nhiêu người trẻ tuổi khác, lòng tôi mơ chiến trận. Gần nhất, tôi mơ được là một trong những năm mươi hai Tiểu Đoàn Trưởng của binh chủng Biệt Động Quân. Về sau tôi mới biết có những con đường khác rộng rãi hơn, bởi vì hoàng hậu của chiến trường là các Sư Đoàn Bộ Binh chớ không phải là Biệt Động Quân. Tuy nhiên, sự lựa chọn trên đã mang đến cho tôi một cơ hội lịch sử của cuộc đời: Tôi là sĩ quan cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tốt nghiệp trường Ranger School của Hoa Kỳ.
 
Sau khi ra trường, chúng tôi (K25 chọn BĐQ) trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân và được gởi đi học Khóa Rừng Núi Sình Lầy ở Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ, Dục Mỹ. Mãn khóa, chúng tôi lại về trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ. Lần này, chúng tôi được gởi đi thực tập chỉ huy ở Núi Dài thuộc Quân Khu IV và Pleiku thuộc Quân Khu II.
Tiếng là đi thực tập chỉ huy, thật ra chúng tôi đi xem các đơn vị BĐQ đánh trận thiệt. Kết quả của thực tập chỉ huy, người bạn đồng khóa Trần Việt Doanh ra đi vĩnh viễn tại chiến trường Pleime. Cho tới bây giờ tôi vẫn nghĩ Tướng Giai là vị chỉ huy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các sĩ quan BĐQ mới ra trường, trước khi họ về nhận đơn vị. Ngày chọn đơn vị, tôi về Tiểu Đoàn 30, Liên Đoàn 5 BĐQ.

 

Tôi trình diện tại hậu cứ của TĐ30 BĐQ, Biên Hòa và sau đó theo chuyến trực thăng tiếp tế vào An Lộc. Theo chân một người lính dẫn đường, tôi đến Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn. Trong tư thế của lính mới tò te, tôi trình diện theo quân cách của quân trường làm các sĩ quan tại bàn không nhịn được cười. Trong bàn tiệc nhỏ, tôi bắt đầu lo lắng sau khi biết ra Tiểu Đoàn Trưởng Võ Mộng Thúy-K19 (danh hiệu Thủy Tiên), Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Hữu Mạnh-K20 (danh hiệu Mạnh Vũ), Ban 3 Nguyễn Văn Xuân-K22 (danh hiệu 93), ba NT K24 đều là đại đội trưởng. Té ra tôi, là thằng út của Tiểu Đoàn 30, sẽ là bóng mờ bên cạnh những cây đại thụ cao lớn đầy kinh nghiệm chiến trường. Kể từ lúc ấy, NT Nguyễn Phán K24 là Đại Đội Trưởng của tôi. Ông, là một đại đội trưởng xuất sắc của tiểu đoàn, được binh sĩ kính trọng. Ông Thầy chỉ dẫn tôi, nuôi tôi ăn ngày ba bữa. Cho mãi tới mấy mươi năm sau khi gặp lại NT Phán ở Nam Cali tôi vẫn có cảm tưởng tôi chưa lớn được.
 

Trở lại câu chuyện của trường Ranger School.

 
Vào khoảng tháng 10 năm 1973, tôi có dịp ra Bộ Chỉ Huy của Liên Đoàn 5. NT Phán gọi tôi và cho biết tôi được cấp giấy phép 7 ngày về Sài Gòn. Vắn tắt là sẽ có người mang ba lô và giấy phép giao cho tôi tại sân bay. Tôi vui quá vì có phép từ trên trời rơi xuống. Tôi đâu ngờ rằng đó lần cuối tôi được đứng trên đất An Lộc, lần cuối cùng tôi được làm lính của Tiểu Đoàn 30 BĐQ. Về tới Sài Gòn, sau khi trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ, tôi mới hiểu ra chuyện. Trường Ranger School cấp cho QLVNCH bốn chỗ (slots) và hiện thời chỉ có bốn sĩ quan BĐQ đủ điểm về Anh Văn đang theo học tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội.
 
Tổng Cục Quân Huấn muốn Bộ Chỉ Huy BĐQ phải dự phòng hơn bốn thí sinh để bảo đảm không bị trống chỗ. Vì thời gian nhập học gần kề nên thí sinh mới phải có số điểm trên 85/ 100 mới được nhận vào chương trình. Tôi may mắn được trúng tuyển. Và kể từ đó, tôi theo học ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tháng 02 năm 1974, thi Anh Văn lần chót, tôi may mắn nằm trong danh sách cuối cùng. Sau đó là thủ tục xuất ngoại: khám sức khỏe, may quân phục, chích ngừa. Tôi lên đường đi về một nơi chốn mà tôi không hề biết.
 
Chúng tôi, bốn sĩ quan BĐQ cấp bậc Trung Úy, đáp máy bay thuê bao của quân đội Mỹ lên đường đi Ft. Benning, Ga. Máy bay ghé Guam, Honolulu, Travis Base (CA), Atlanta, và cuối cùng Columbus thuộc Georgia. Chúng tôi tạm trú tại Olson Hall, Ft. Benning một tuần để làm thủ thục giấy tờ nhập học. Cũng trong tuần này, chúng tôi được phát mỗi người ba bộ đồ trận, ba đôi giày, và sáu đôi vớ. Theo đề nghị của sĩ quan hướng dẫn, chúng tôi nên mang theo hai đôi giày trong suốt khóa học để thay đổi khi có cơ hội. Ngày nhập học, chúng tôi đi xe bus sang trường Ranger School. Kể từ đó, chúng tôi không còn gặp nhau.
 
Một cách tổng quát, khóa Ranger tổng cộng 61/62 ngày bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn Benning, giai đoạn Núi, và giai đoạn Sình. Trong thời gian thụ huấn, rất hiếm khi học viên được ăn ba bữa, mỗi ngày học viên được ăn một hoặc hai bữa tùy theo có tuần tiễu hay huấn luyện tại trại, trải qua 20 giờ huấn luyện, và được ngủ trung bình 3.5 giờ hay ít hơn. Học viên mang vũ khí, đạn dược, và dụng cụ huấn luyện nặng cỡ từ 65-90 pounds, trong lúc tuần tiễu trên 200 dặm trong suốt khóa học. Mục đích của khóa Ranger là tạo cơ hội để học viên thực tập về lãnh đạo, chỉ huy chiến trường với các đơn vị cấp tiểu đội và trung đội trong các điều kiện mệt mỏi, đói, thiếu ngủ, và áp lực.

 

Giai Đoạn Benning (Benning Phase)

 

Giai đoạn Benning gồm có 21 ngày được chia làm hai:

 

Tuần lễ đầu tiên là tuần lễ thử thách. Tiếng Mỹ gọi là Ranger Assessment Phase (RAP). Học viên phải vượt qua RAP trước khi di chuyển sang căn cứ Darby.

 

Tôi đến Ranger School vào buổi sáng. Ngày đầu tiên rất bình thường, hớt tóc trọc đầu, khám sức khỏe tổng quát, phân chia đơn vị, nhận Ranger buddy, nhận số Ranger và toàn khóa gặp căn cứ trưởng. Tôi đã phạm lỗi lầm ngay trong ngày đầu. Khi thấy tôi đeo bằng nhảy dù, huấn luyện viên hỏi vắn tắt “nhảy dù”? Tôi mau mắn gật đầu. Thế là tôi bị xếp vào trung đội Airborne Ranger. Theo truyền thống, ai không phải là Airborne thì gọi là ‘LEG”. Nhảy dù là chuyện nhỏ, nhưng nếu bị thương tích thì chắc chắn tôi sẽ bị loại ngay ra khỏi khóa học. Lỡ rồi theo luôn. Tôi nhảy dù 3 lần trong suốt khóa học, trong đó hai lần với đầy đủ trang bị và vũ khí ở căn cứ Núi và căn cứ Sình. Ngày thứ hai tới như một cơn bão lớn. Kể từ ngày thứ hai, chương trình huấn luyện bắt đầu lúc 3:30 sáng và chấm dứt 23:00-24:00 cho mỗi ngày.

 

Tuần lễ RAP có nhiều thử thách với mục đích loại bỏ không thương tiếc những người không đạt tiêu chuẩn. Tôi chỉ kể ra đây các thử thách chính:

 

- Hít đất ít nhất 49 cái trong 2 phút. Bạn có thể hít đất 10 cái nhưng huấn luyện viên chỉ đếm 1 vì không đúng là Ranger push up.

 

- Chạy bộ 5 miles trong vòng 40 phút.

 

- Thoát hiểm dưới nước: Đi trên cây gỗ cao cỡ 35 ft, chuyển sang dây thừng, thả rơi xuống hồ. Sau đó leo lên đài cao 70 ft, đi giây tử thần xuống hồ.

- Hai ngày địa bàn ngày và đêm tìm các mục tiêu.

- Đi bộ 12 dặm dưới 3 giờ, với balô nặng 43 pounds chưa kể nước uống.

Ai không vượt qua được một trong những thử thách trên sẽ bị loại ra khỏi khóa Ranger trong ngày kế tiếp. Theo thống kê của trường Ranger School, 33% thí sinh bị đánh rớt trong tuần lễ đầu tiên. Đầu tuần lễ thứ 2, sĩ quan hướng dẫn, Đại Úy Moon, cho tôi biết 3 sĩ quan BĐQ Việt Nam đã ra khỏi trường Ranger School.

Camp Darby, FT Benning

Hai phần ba các học viên sẽ di chuyển về căn cứ Darby để tiếp tục khóa học. Chương trình chú trọng về tuần tiễu phục kích, thám thính cấp tiểu đội. Cũng tại đây, học viên có dịp vượt chướng ngại vật Darby Queen dài hơn 1 dặm. Mỗi Tiểu Đội sẽ thực tập hành quân (Field Training Exercise/ FTX) với hai huấn luyện viên gồm có một sĩ quan và một hạ sĩ quan. Tiếng Mỹ là Ranger Instructor (RI). Huấn luyện viên phát lệnh hành quân và tiểu đội thi hành theo kế hoạch của tiểu đội trưởng. Tất cả sẽ bị chấm điểm từ tiểu đội trưởng cho đến người khinh binh. Sáng hôm sau, hai huấn luyện viên cũ được thay bằng hai huấn luyện viên mới. Họ khỏe mạnh, không buồn ngủ tí nào và sẵn sàng ghi chép tất cả các lỗi lầm của các học viên. Mỗi lần đi field, học viên chỉ ăn MRE (Meal Ready To Eat) khi huấn luyện viên cho phép. Điều tôi sợ nhất không phải ăn một bữa mà là thiếu ngủ.

Sau trận phục kích đêm, tiểu đội phải rút về địa điểm mới. Nếu lạc đường thì coi như tai họa lớn vì khi tìm về địa điểm thì trời đã gần sáng. Lẽ dĩ nhiên hôm đó, mọi người sẽ ngủ ít hơn 3.5 giờ. Trong một bài học về phối hợp giữa lực lượng ‘leg’ và airborne, tôi nhảy dù sô đầu tiên tại căn cứ Darby bằng trực thăng. Cuối giai đoạn, ai không được nhiều hơn 50% GO trong các lần đi field thì bị loại. Tự đánh giá (peer ranking) cũng có thể là yếu tố góp phần vào quyết định đánh rớt. Học viên bị rớt có thể xin học lại khóa sau. Tiếng Mỹ gọi là Recycled. Gần đây, hai sĩ quan phụ nữ đầu tiên của quân đội Mỹ tốt nghiệp trường Ranger School đã phải lập lại Darby phase lần thứ 3. Cuối giai đoạn Darby, 75% học viên tiếp tục khóa học tại căn cứ Núi.

Giai Đoạn Núi (Moutain Phase)

Giai đoạn Núi kéo dài 21 ngày, bản doanh đặt tại căn cứ Camp Merrill gần Dahlonega, GA. Ngày đầu tiên, cả khóa được Chỉ Huy Trưởng căn cứ Núi chào mừng, “Rangers, F#@% You!” Cả khóa đáp lời, “F#@% You, Colonel!” Tôi không quen với văn hóa của quân đội Mỹ nên nghe mà lạnh lùng. Trong những ngày đầu, khóa học được huấn luyện về kỹ thuật hành quân miền núi. Tại ngọn núi Yonah Moutain, học viên học cách leo núi, xuống núi từ đỉnh, tải người bị thương, dụng cụ nặng xuống núi với các trang bị leo núi. Sau phần lý thuyết, mỗi học viên phải tham gia các phần thực tập đã qui định. Kế tiếp là hành quân vùng núi 10 ngày cấp trung đội bao gồm phục kích, đột kich trong các vùng núi nhỏ hẹp, nhảy dù xuống trên các bãi đáp chật, băng đồng leo qua ngọn núi, phục kích xe, đột kích cơ cở truyền tin, pháo binh, vượt sông, vượt qua núi có độ dốc cao.

Tới đây thì tôi hầu như kiệt sức vì các trang bị vùng Núi quá nặng. Không có luật nào cho phép nhỏ con thì mang ít dụng cụ hành quân. Lúc di hành, tôi phải chạy lúp xúp thì mới bắt kịp đội hình. Trung bình lính Mỹ đi hai bước thì tôi phải đi ba bước. Mục tiêu của tôi rất ngắn hạn: Cố gắng để tồn tại cho tới ngày mai. Trong giai đoạn Núi, tôi hưởng thêm món mới. Về đêm, khí hậu miền núi rất lạnh. Cũng may đây là khóa Summer Class. Mặc dù thời gian trôi quá chậm nhưng rồì cũng đến ngày tôi rời căn cứ Núi để đi Florida. Cuối giai đoạn lại thấp thỏm chờ đợi GO hay NO GO. Theo tài liệu, chỉ có 6% rớt trong giai đoạn Núi. Tôi lại may mắn được đi căn cứ Sình.

Giai Đoạn Sình (Florida Phase)

Giai đoạn Sình dài 19 ngày, ở căn cứ Camp James E. Rudder thuộc khu vực của Eglin Air Force Base, Florida. Tôi thuộc toán Airborne Ranger nhảy dù xuống Florida lúc chiều tối, phần còn lại của khóa đi xe bus về căn cứ Sình. Như tên gọi, căn cứ Sình là nơi huấn luyện về hành quân dưới nước (waterborne operation). Học viên được huấn luyện đổ bộ bằng thuyền nhỏ, kỹ thuật làm quen với rắn rết, kỹ thuật vượt sông, suối. Giai đoạn này chuyên về đột kích, phục kích, liên lạc với các lực lượng bạn. Kế tiếp là 10 ngày FTX. Xuất phát từ các tàu của Hải Quân, các toán Ranger dùng thuyền nhỏ chèo bằng tay để đổ bộ một nơi rất xa mục tiêu. Sau đó phối hợp với các toán khác để thực hiện hành quân cấp tiểu đội hoặc trung đội. Cứ thế mà tiếp tục. Ban ngày phục kích, ban đêm đột kích. Ngày kế tiếp là ngày mới, hai ông RIs mới, lệnh hành quân mới, mục tiêu mới.

Trở ngại lớn nhất cho tôi ở giai đoạn Sình là chiều cao. Tôi cao 1.63m, vừa đúng chiều cao để vào trường Võ Bị. Nhưng giai đoạn Sình xử sự với tôi không thương tiếc. Có lúc mực nước tới ngực, có lúc mực nước tới vai. Không thể làm gì khác hơn được vì toán quân đang di chuyển theo phương giác. “Ngài” huấn luyện viên ái ngại nên ban cho tôi vệt lân tinh khác thường để làm dấu tôi bơi yếu (weak swimmer). Tôi mệt mỏi. Tôi mơ thấy Sài Gòn. Tôi mơ thấy An Lộc. Tôi có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Trung bình mỗi ngày học viên ngâm mình trong nước 10 giờ. Trong lịch sử trường Ranger School, đã có tai nạn chết người vì cơ thể mất sức nóng khi ở trong nước quá lâu. Ngày dài nhất của căn cứ Sình đến trong tiếng reo hò của học viên. Tôi hoàn tất khóa Ranger. Cả khóa đi xe bus về trường Ranger School. Hôm đó trời mưa và tôi ngủ giấc ngủ ngon nhất trong cuộc đời.

Lời Kết

Khóa 9-74 Ranger Class làm lễ mãn khóa vào ngày thứ Sáu. Giấy tờ ghi là ngày 20 tháng 06 năm 1974. Số người tốt nghiệp 101 người, trong đó 53 sĩ quan bao gồm 5 sĩ quan đồng minh (kể cả tôi). Tôi không biết chính xác bao nhiêu người khi bắt đầu, nhưng nón sắt của tôi ghi tôi là Ranger #205. Theo tài liệu tôi đọc từ internet, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình là 50%, trong quá khứ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ này xuống rất thấp. Chẳng hạn như năm 2016 là 36.8%, năm 2017 là 33.1%. Tuy nhiên chỉ có 20%-25% tốt nhiệp trường Ranger School mà không phải học lại bất cứ giai đoạn nào.

Học viên tốt nghiệp được phát bằng tốt nghiệp và Ranger Tab đeo bên vai trái có giá trị suốt đời. Nếu phục vụ trong các Tiểu Đoàn Ranger thì được gọi là Ranger. Nếu không thì gọi là Ranger Qualified. Thông thường các ứng viên của quân đội Mỹ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trước khi nhập học. Họ bỏ ra thời gian dài để tự luyện tập hoặc họ có thể theo học lớp chuẩn bị cho Ranger Class dài 2 tuần lễ. Riêng các sĩ quan BĐQ, kể cả tôi, chỉ biết rất mơ hồ về Ranger School. Tôi nghĩ cùng lắm là như khóa Rừng Núi Sình Lầy. Tôi lầm. Trường Ranger rất tự hào về tiêu chuẩn (standard) của họ. Ranger Push Ups, Ranger Knots, Ranger Patrol. Tuần tiễu là tuần tiễu, nhưng Ranger Patrol phải nhất định là Ranger Patrol. Họ tự hào là nơi đào tạo “super soldier”.

Sang Mỹ, tôi không thấy phố phường nhiều. Nhập trường Ranger School, tôi chui vô rừng ở. Từ đó, mệt mỏi, thiếu ăn, thiếu ngủ. Tu luyện 61 ngày. Ngày ra khỏi rừng có được Ranger Tab và một mảnh giấy có chữ Follow Me. Bạn đọc hỏi khóa học này có đáng cho tôi theo, hay không? Có lẽ đáng thiệt, vì Ranger là thử thách của một đời người cho người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa.

Sacramento 28/09/2018

Cao Văn Hải, K25/Đa Hiệu số 115

Tài liệu tham khảo:

- Ranger School – Wikipedia

- Preparing for Army Ranger School

- FY17 Ranger School Performance

- FY16 Ranger School Performance

- Ranger School Statistics

Phan Cao Tri
Visit Thần Phong TaeKwonDo Australia  

No comments: