L.T.S:
Tony Chế, Nickname mà anh em chúng tôi gọi anh khi anh vừa tái ngũ, đưa
về phục vụ tại TĐ 31/BĐQ - Trắng trẻo, hơi hô hô, nên lúc nào nhìn anh
cũng giống như đang cười vui với mọi người, tiếng Anh thuộc loại "vi
vút" vì anh làm sở Mỹ, do đó mới có tên Tony - Một thời gian sau, anh
được thuyên chuyển về SĐ18/BB và sau đó trở thành Tiểu Đoàn Trưởng xuất
sắc của Sư Đoàn - Có một chút "hơi hướm" với BĐQ, nhưng cũng phải "dụ
dỗ" mãi, anh mới viết cho một bài đầu tiên, để tưởng nhớ 30 năm(2005)
ngày mất nước, mời các Bạn cùng theo dõi những lời kể của một nhân chứng
sống.
Chẳng dám đem mình ví von với danh nhân - Nhưng đầu óc tôi cứ vơ vẩn nhớ tới câu nói của Napoléon Đệ Nhất:
"Nước
Anh đánh trận nào cũng thua, chỉ có trận cuối cùng họ thắng" - Anh em
chúng tôi, TĐ 2/43, SĐ18BB, ngược lại, đánh trận nào cũng thắng, chỉ có
trận cuối cùng là thua ....... Khởi đầu cho trận thua đau đớn này là
cuộc lui binh nghiệt ngã đêm 20-4-75 tại mặt trận Xuân Lộc, mà TĐ 2/43
chúng tôi phải rút lui trước địch quân. Một việc chúng tôi phải miễn
cưỡng làm, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng .
Như
quý vị đã biết, hành quân Lui binh là loại hành quân rất khó khăn, nhất
là khi phải tiến hành dưới áp lực và hỏa lực của địch. Trong cuộc chiến
tranh Quốc-Cộng vừa qua giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam từ năm 1956 đến
năm 1975, QLVNCH đã hơn một lần bị thảm bại cay đắng, trong cuộc triệt
thoái, hay di tản chiến thuật, hồi trung tuần tháng 3 năm 1975 từ Cao
nguyên về Duyên hải miền Trung, với thiệt hại ít nhất 75% khả năng tác
chiến của Quân đoàn II. Cuộc Hành quân Lui binh do Sư đoàn 18BB thực
hiện trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 4 năm 1975 đã thành công tốt đẹp.
Toàn bộ Sư đoàn và các đơn vị tăng phái đã về đến Bình giã, Bà rịa thuộc
tỉnh Phước Tuy an toàn. Nói thế không có nghĩa là không có những tổn
thất nho nhỏ, mà Tiểu đoàn 2/43 là một trong những cái nho nhỏ đó.
Thật sự Tiểu đoàn 2/43, đơn vị rời
chiến trường sau cùng, vì có nhiệm vụ đánh nghi binh, đánh chặn hậu cho
đại quân rút an toàn, nên đã bị tổn thất đáng kể, khi đơn độc vượt qua
vòng vây trùng trùng điệp điệp của Cộng quân, nhưng không đến nỗi bi đát
như lời của Luật sư Nguyễn Văn Chức trích lại từ cuốn Việt Sử Khảo Luận
của LS Hoàng Cơ Thụy, viết theo ký giả Mỹ Frank Snepp trong cuốn Decent
Interval: "Trực thăng đã đến bốc cái tiểu đoàn chót của 4 tiểu đoàn
sống sót của sư đòan 18, kể luôn tướng Lê Minh Đảo. Có 600 người dưới
quyền đại tá Lê Xuân Hiếu tình nguyện ở lại sau cùng để che chở cho cuộc
triệt thoái. Trong vài giờ, họ bị tràn ngập bởi 40 ngàn quân Bắc Việt
đã được bố trí để trực tiếp đánh họ". Hai ông Luật sư, một ông ký giả
với những nhận định, trích dẫn của nhau về một trận đánh mà chẳng có ông
nào tham dự .......Tôi xin miễn có ý kiến về việc này, vì sự thật hiện
nay đã phần nào được chứng minh.
Anh em chúng tôi, những người đóng
vai chính trong trận đánh, vượt bao hiểm nguy, may mắn thoát chết, bây
giờ nghĩ lại vẫn còn thắc mắc: "phép lạ nào mà chúng tôi còn sống sót" -
Sự việc xảy ra vừa đúng 30 năm.(2005). Tuổi đời của tôi cũng sắp đến
"thất thập cỗ lai hy". Trí nhớ có phần giảm sút. Những ngày đêm hãi hùng
đó trong khu rừng rậm, trong những căn cứ địa của VC, bị Sư đoàn 341
CSBV truy đuổi và bao vây chặt. Có những điều tôi vẫn còn nhớ như in,
nhớ rất rõ ràng. Nhưng cũng có nhiều điều tôi chỉ còn nhớ mù mờ, nhớ lẫn
lộn, thậm chí đã quên hẳn!
Tên của các vị Sĩ quan trong Tiểu đoàn, tôi cũng nhớ không hết, ngoài các vị sau đây:
-Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn Tấn Chi, K.12 Thủ Đức.
-Đại úy Sĩ quan Hành quân/Huấn luyện/TĐ Nguyễn Mỹ.
-Trung úy Nguyễn Văn Thắng, SQ Quản trị Nhân viên kiêm Chỉ huy Hậu cứ/TĐ
-Trung úy Nguyễn Văn Hào, ĐĐT/ĐĐ1
-Trung úy Võ Văn Mười, ĐĐT/ĐĐ2
-Trung úy Nguyễn Văn Hùng, ĐĐT/ĐĐ3
-Trung úy Hà Văn Dương, ĐĐT/ĐĐ4
-Trung úy Võ Kim Thạch, ĐĐT/ĐĐCH&YT
-Trung úy Tuyễn, SQ Truyền tin
-Trung úy Linh
-Trung úy Chánh
-Vị SQ Trợ Y/TD, SQ Tiền sát viên Pháo binh, Vị Trung đội trưởng Pháo binh,...
Có
nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống trong khu rừng oan nghiệt đó. Với
tư cách là Tiểu đoàn trưởng, người chịu trách nhiệm đến sự an nguy của
Tiểu đoàn trong cuộc Hành quân Lui binh, tôi xin nhận sự phán xét của
các Chiến hữu. Và cũng thay mặt các Chiến hữu, tôi xin kính cẩn nghiêng
mình trước Vong Linh của những đồng đội đã anh dũng nằm xuống để cho
chúng ta được sống, Nước Việt được trường tồn. Nhưng bất hạnh thay! cuộc
chiến đấu cho Chính Nghĩa của chúng ta đã bị phản bội. Rốt cuộc, miền
Nam thân yêu của chúng ta đã lọt vào tay bọn CSBV xâm lăng. Nhưng tôi
vẫn tin tưởng sự hy sinh của các bạn không oan uổng, không lãng phí.
Chúng ta chỉ mới thua một trận chiến, cuộc chiến vẫn tiếp tục, nhưng
dưới một hình thái khác. Ngày Quang Phục Quê Hương không còn xa. Chủ
Nghĩa Cộng Sản, Chế độ Cộng Sản nhất định phải bị tiêu diệt. Dân tộc
Việt, đất Nước Việt nhất định trường tồn. ĐỘC LẬP - TỰ DO - DÂN CHỦ và
HẠNH PHÚC - NO ẤM nhất định sẽ trở về với toàn dân.
Bảo Định
Khi Tiểu đoàn xuống núi, vừng đông đã
ló dạng. Một ngày mới bắt đầu. Những trái đạn pháo 105 ly được bắn đi
xối xả, bắn cho hết đạn, đã liên tục rót lên đầu giặc chỉ mới vừa ngưng.
Hai khẩu pháo thân thương hoàn thành xong nhiệm vụ thì nhận hai trái
lựu đạn nỗ tung bụng, đang nằm im lìm, trơ càng như hai đống sắt vụn ở
ngọn đồi phía dưới, cô đơn và lạnh lẽo.
Tiểu đoàn yên lặng di chuyển. Lộ
trình ấn định là Xuân Lộc - Bà Rịa, theo Liên TL2. Điểm tập trung tại
Đức Thạnh, Tỉnh Phước Tuy. Sau đó sẽ có xe đưa về căn cứ Long Bình nghỉ
ngơi, tái bỗ sung quân số và đạn dược, rồi nhận nhiệm vụ mới.
Buổi sáng ngày 20/4/75, lối 9 giờ,
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, TL/QĐ III, Quân Khu 3 bay vào Xuân Lộc gặp
Tướng Đảo để chỉ thị việc rút quân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tướng
Đảo và Bộ Tham Mưu Sư đoàn đã cấp tốc soạn thảo một kế hoạch triệt thoái
rất tỉ mỉ. Vừa quá trưa, tôi đã nhận được Lệnh Hành Quân để kịp thời
chuẩn bị. Tôi đã thi hành đúng theo những chỉ thị ghi trong LHQ: Tiểu
đoàn giữ lại 2 khẩu pháo 105 ly, còn tất cả sẽ kéo về Xuân Lộc để di
chuyển cùng Sư đoàn. Hậu cứ Tiểu đoàn gồm cả kho lương thực, đạn dược sẽ
theo Sư đoàn đi trước. Tiểu đoàn vẫn duy trì hoạt động bình thường.
Hoạt động nghi binh - cũng giống như trường hợp của Trương Phi cùng 20
người ngựa, tại cầu Trường Bản, đã mưu trí dùng những nhánh cây cột vào
đuôi ngựa cho chạy lui, chạy tới trên đường, tạo đất bụi bay mù trời để
đánh lừa quân của Tào Tháo, nhờ thế, đại quân của Lưu Bị đã rút đi được -
Hai khẩu pháo vẫn tác xạ quấy rối liên tục vào vị trí địch. Các toán
tiền đồn, phục kích vẫn nằm tại vị trí. Nhất là Trung đội Biệt Kích Tiểu
đoàn hoạt động khu vực Núi Ma, đối diện căn cứ Núi Thị, bên kia đường
QL1 về hướng Bắc. Nhờ sự hoạt động hữu hiệu của Trung đội này, Cộng quân
đã không thể nào đến gần đặt súng cối bắn vào Tiểu đoàn.
Theo Lệnh Hành Quân, đúng 7 giờ tối,
Tiểu đoàn sẽ vào hệ thống truyền tin của Lữ đoàn 1 Nhãy Dù, đặt dưới
quyền chỉ huy của Lữ đoàn trưởng Dù. Đến 12 giờ đêm, Tiểu đoàn trở lại
hệ thống làm việc của Sư đoàn, phá hủy 2 khẩu pháo, rời bỏ căn cứ Núi
Thị, rút về điểm tập trung trước, sau đó là các đơn vị của Lữ đoàn Dù.
Đúng lúc 12 giờ, tôi gọi LĐ Dù cho tôi trở về với SĐ. LĐ Dù bảo chờ. Lúc
1 giờ sáng, tôi gọi lại, cũng bảo chờ! Lúc 2 giờ sáng, tôi gọi lần nữa,
cũng được trả lời: Chờ! Lúc gần 3 giờ, nhìn về hướng thị trấn, tôi thấy
có rất nhiều ánh đèn xe hơi di chuyển. Tôi liền gọi về LĐ Dù hỏi và
được trả lời: Nó đấy! Hãy xữ dụng pháo bắn. Nhưng pháo của tôi đã bắn
gần hết đạn từ lúc quá nửa đêm, chuẩn bị phá hủy để di chuyển. Và cũng
từ lúc đó tôi mới được lệnh cho Tiểu đoàn rời căn cứ. Nhìn đồng hồ, kim
chỉ vừa đúng 3 giờ - 3 giờ sáng! Tôi cho lệnh gom quân. Việc gom quân
không phải dễ dàng. Làm thế nào để các toán tiền đồn và phục kích rời vị
trí, trở về căn cứ mà địch không phát hiện được, không bám sát đi theo
là chuyện khó. Trong suốt cuộc chiến vừa qua, nhất là thời kỳ chiến
tranh Việt - Pháp, những đơn vị đi tiền đồn, phục kích về bị địch bám
sát theo rồi lợi dụng thời cơ, cướp đồn là chuyện thường xãy ra. Và phải
hơn một giờ sau Trung đội BK/TĐ mới về đến Tiểu đoàn.
Theo
tập Hồi ký của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh mà nhà Sử học George J. Veith
gửi cho tôi bản dịch tiếng Anh, thì vị cựu Lữ đoàn trưởng LĐ 1 Dù nói
đơn vị cuối cùng của LĐ, Tiểu đoàn 9 Dù cùng Trung đội Pháo binh đã rời
Long Giao lúc 4 giờ 30 sáng. Như vậy là toàn bộ LĐ Dù đã rút đi trước,
đã rời khỏi Mặt trận trước Tiểu đoàn 2/43. Và TĐ2/43 là đơn vị cuối cùng
rời bỏ Xuân Lộc!
Lúc
Tiểu đoàn đi đến gần Ấp Núi Đô thì trời đã sáng hẳn. Một số Nghĩa quân
và Địa Phương Quân vác súng chạy theo, muốn nhập theo đoàn quân. Nhưng
với tinh thần cảnh giác cao độ, tôi buộc phải đổi hướng, tránh xa họ. Vì
tôi không thể phân biệt được thật hay giả. Tôi phải nghĩ đến sự an nguy
của đơn vị trước tiên. Trong chiến đấu, ta không thể xử sự theo lối nữ
nhi thường tình. Tại mặt trận An Lộc, Bình Long hồi mùa hè đỏ lửa năm
1972, vì lòng nhân đạo, muốn cứu một thương binh Cộng quân, tôi đã mất
đi một y tá khi tên thương binh địch mở chốt lựu đạn ném vào người định
cứu mình!
Tại
Đức Thạnh, tỉnh Phước Tuy, Đại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng 43BB,
con chim đầu đàn của chúng tôi, gọi báo cáo với Tướng Đảo là TĐ2/43 vẫn
còn kẹt ở Xuân Lộc.
Lối 7 giờ sáng, khi Tiểu đoàn di
chuyển gần đến căn cứ Long Giao, đang đi trong khu rừng chồi, sắp đến
vùng đồn điền cao su thì tôi nghe tiếng trực thăng bay ngang đầu. Tôi
nghe tiếng gọi tôi. Đó là tiếng của Đại tá Ngô Kỳ Dũng, Trung đoàn
trưởng 52BB đang bay trên chiếc C&C của Tư lệnh, chuyển lệnh của
Tướng Đảo, ra lệnh cho tôi phải hủy bỏ lộ trình cũ trong Lệnh Hành quân,
mà phải chuyển hướng băng rừng ra Long Thành, trên QL15.
Xin nói rõ thêm một chút, để câu
chuyện được mạch lạc: Đường LTL2, Lộ trình triệt thoái theo LHQ, nối
liền Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh và Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy, dài trên 40 km
đã bị bỏ hoang phế từ lâu, kể từ sau Hiệp định Đình chiến Paris, khi
quân đội Đồng minh (Úc Đại Lợi) rút khỏi chiến trường. Khi Tướng Đảo
quyết định chọn con đường này để làm Lộ trình triệt thoái. Ông đã có một
quyết định táo bạo. Nhưng đã tạo được sự bất ngờ. Đoạn đường dài trên
40 km đó, lâu nay vẫn là vùng an toàn của Cộng quân. Ngoài những toán du
kích địa phương có nhiệm vụ canh giữ con đường, Trung đoàn 33 CSBV vẫn
thường xuất hiện hoạt động quấy phá. Con đường đã là hành lang giao liên
an toàn giữa các mật khu cuả VC. Quyết định táo bạo của Tướng Đảo, yếu
tố bất ngờ của cuộc Hành quân Lui binh do Sư đoàn 18BB thực hiện đã làm
cho Cộng quân trở tay không kịp. Chúng không thể tức thời điều quân đến
truy kích và ngăn chặn. Trong quyển "Lịch sữ Quân Đội Nhân Dân" của
CSBV, Quân đoàn IV Cộng quân của Tướng Hoàng Cầm thú nhận: "Chúng tôi đã
không phát hiện kịp thời cuộc di chuyển quân của Sư đoàn 18 để tổ chức
lực lượng truy kích và ngăn chặn." Nhưng những cuộc chạm súng, tấn công
vào đoàn quân triệt thoái, tuy không quy mô, nhưng cũng không phải là
nhỏ và đã gây cho lực lượng bạn một số tổn thất đáng kể: Đại tá Phạm Văn
Phúc, Tỉnh trưởng bị bắt. Trung tá Tham Mưu trưởng bị tử thương, đồng
thời cũng đã gây một số thiệt hại cho LĐ1 Dù, khi đơn vị này vừa chiến
đấu vừa bảo vệ thường dân các ấp Bảo Định, Bảo Hòa và Bảo Toàn di tản
theo. Sau khi đơn vị cuối cùng của LĐ1 Dù đi qua, con đường giờ đây lại
nằm dưới sự kiểm soát của Cộng quân - Yếu tố bất ngờ không còn nữa -
Chúng cố vớt vát những tổn thất mà chúng đã gánh chịu trong suốt 12 ngày
đêm tại Mặt trận Xuân Lộc, bằng cách phải tiêu diệt cho được đơn vị còn
lại của QLVNCH. Đó là Tiểu đoàn 2/43 Sư đoàn 18BB, vừa rời bỏ căn cứ
Núi Thị. Vì lý do đó mà Tướng Đảo đã lệnh cho chúng tôi thay đổi lộ
trình .
Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuống
núi, tôi bắt được liên lạc với Sư đoàn. Nhưng khi chiếc trực thăng bay
qua, lệnh đã ban xong, tôi lại mất liên lạc hoàn toàn với bên
ngoài. Không còn đơn vị bạn nào ở gần để có thể liên lạc qua lại. Sư
đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn đều ở xa. Tất cả đang di chuyển. Chúng tôi lại
đang ở trong rừng. Máy truyền tin không thể hoạt động tầm xa. Chúng tôi
đã hoàn toàn cô độc. Chúng tôi lạc lõng giữa khu rừng rậm mênh mông với
nhiều mật khu, nhiều căn cứ địa của địch. Khu rừng này nối tiếp với mật
khu Hắc dịch nổi tiếng của VC. Hiện giờ, Sư đoàn 341 của Cộng sản Bắc
Việt đang chiếm cứ nơi này. Đây là một Sư đoàn tân lập, gồm các Tiểu
đoàn Chủ lực của hai tĩnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Chúng vừa mới được đưa vào
Nam hồi cuối tháng 2, sát nhập vào Quân đoàn IV do Tướng Hoàng Cầm chỉ
huy. Binh sĩ phát âm giọng Nghệ - Tĩnh, rất khó nghe.
Lối 9 giờ,Tiểu đoàn đến một khu rừng
cao su, phía tây căn cứ Long Giao. Đơn vị tiền phương chạm địch. Nhưng
địch quân chỉ là một toán nhỏ, cấp Tiểu đội. Chúng đã nhanh chóng bị
thanh toán. Liền sau đó, đơn vị tiền phương lại chạm địch. Lần này địch
phản ứng mạnh. Nhưng không có pháo binh và phi cơ yểm trợ. Phải giao
chiến trong tình trạng này thật là bất lợi. Tôi sợ quân sĩ bị thương
vong sẽ gây phiền phức. Tôi quyết định đoạn chiến. Vừa lúc đó, từ hướng
đông, một đoàn xe Molotova chạy vào -sau này đi ở tù cải tạo, được biết
đó là loại xe quân sự do Trung Cộng chế tạo để chở quân, có tên là Hồng
Kỳ, hơn 10 chiếc đang đổ quân. Chúng định đánh bọc hậu Tiểu đoàn. Chúng
định lùa Tiểu đoàn tôi vào khu rừng trước mặt, nơi đại quân của chúng
đang chờ sẵn để tiêu diệt. Tôi cho đổi hướng, Tiểu đoàn đi nhanh về
hướng Bắc, lẩn vào khu rừng chồi. Sau đó phải đổi hướng theo hướng Tây
trở lại. Khi đến một con suối, Đại đội 2 của Trung úy Võ Văn Mười báo
cáo phát hiện một túp lều, bên trong có mấy tên VC đang ngồi uống nước
trà. Một khẩu K.54 treo trên vách phên. Không thể lẩn tránh kịp. Tôi cho
lệnh nổ súng, thanh toán cho gọn. Toán VC bị tiêu diệt. Tiểu đoàn tiếp
tục tiến. Đến chiều, chúng tôi đến một khu rừng chồi tương đối thoáng,
nối tiếp là rừng rậm. Tôi cho lệnh nghỉ ngơi. Tôi hội ý với Đại úy Tiểu
đoàn phó Nguyễn Tấn Chi, K.12 Thủ Đức, và các Đại đội trưởng. Tiểu đoàn
sẽ chia làm hai cánh: một do tôi trực tiếp chỉ huy, và một do Đại úy Chi
chỉ huy, xuyên qua rừng rậm, tiến về Long Thành. Tôi còn nhấn mạnh
thêm: Tùy theo tình thế, các Đại đội trưởng có thể đơn độc dẫn đơn vị
mình về điểm hẹn. Tôi phải ra lệnh phân tán như vậy vì tình hình rất
nghiêm trọng, địch với một quân số rất lớn, lại đã biết chúng tôi đang
trong vòng vây của chúng, sớm muộn gì chúng cũng sẽ tìm được và tiêu
diệt trọn đơn vị chúng tôi .
Trời đã về chiều. Bóng đêm đến nhanh.
Tiểu đoàn tiến vào khu rừng rậm. Từ bìa rừng vào chưa đến 100 mét thì
cánh quân của tôi chạm súng dữ dội với địch. Sau một ngày hành quân mệt
mỏi, lại phải chạm địch liên miên. Tinh thần căng thẳng, thể xác rã rời.
Nhất là khi tôi cho lệnh cố tránh né địch, bão toàn sinh mạng. Nên vừa
chạm súng được một lúc là chúng tôi tìm cách "chém vè". Bây giờ toán
quân theo tôi tất cả chỉ còn 28 người, kể cả tôi. Chúng tôi đã bị bao
vây chặt. Đêm đó là một đêm trăng mờ. Hai mươi tám người chúng tôi mò
mẩm, im lặng, tìm đường thoát thân trong bóng đêm, dưới ánh sáng mờ nhạt
của vầng trăng khuyết:
Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay chiến địa nhường bao,
Nội không muôn dặm, xiết bao dãi dầu."
Thật ra thì đêm trăng đó chúng tôi không thể nào nghỉ mát được. Chúng
tôi đã phải "dãi dầu" suốt 12 ngày đêm tại Mặt trận Xuân Lộc. Ngày hôm
nay phải hành quân đơn độc, chạm súng liên tục, nhưng lại thiếu sự yểm
trợ của phi pháo, là hai yếu tố quyết định thành công của bất cứ cuộc
hành quân nào. Tiểu đoàn lại đang lọt giữa vòng vây trùng trùng điệp
điệp của địch. Chúng tôi đang tìm kế thoát thân. Gần nửa đêm, chúng tôi
lần mò đến một khu rừng thấp. Một con đường mòn cắt ngang. Tôi định cho
vượt qua thì gặp một toán Cộng quân di chuyển. Chúng dừng lại ngay trước
mặt, và phát loa kêu gọi:
"Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế, Biệt hiệu
Bảo Định, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/43, Sư đoàn 18BB Ngụy. Hiện Tiểu
đoàn bạn đang bị quân Cách Mạng bao vây. Hàng thì sống, chống thì chết."
Tên bộ đội phát loa, giọng đặc sệt
Nghệ - Tĩnh. Chúng thuộc Sư đoàn 341 CSBV. Có thể chúng chỉ là những đơn
vị chủ lực Tỉnh vừa mới đôn quân thành chính qui vì nhu cầu chiến
trường miền Nam, nên kinh nghiệm tác chiến còn kém cỏi. Nếu không, có
lẽ......
Chúng tôi đổi hướng. Nhưng lại gặp
tiếng loa kêu gọi đầu hàng với nội dung và giọng nói như lúc nãy. Có lẽ
chúng đã ghi âm - Đầu óc tôi căng thẳng, hiện tại anh em chúng tôi như
kiến bò trong chén, tứ bề thọ địch, có thể nói thật, không hề cường điệu
là chỉ với tay ra là chạm địch - Thập phần nguy hiểm, tôi suy nghĩ:
phần số tôi đến đây là tận cùng sao! Nếu vậy, tôi phải có quyết định thế
nào để bảo toàn tính mạng cho thuộc cấp chứ! - Tôi bò đến gặp từng anh
em và nói với họ: "Các anh có thể ra, nhưng tôi thì không. Đợi tôi lẩn
tránh xa thì các anh có thể bắt đầu". Nhưng tất cả đều nhất quyết
"KHÔNG" - Lòng tôi chùng xuống, hai cánh mũi cay cay, nước mắt muốn trào
ra - Tôi hít thở thật sâu để cảm xúc lắng xuống, huynh đệ chi binh là
những giây phút này đây, khốn khó có nhau, sống chết có nhau là lúc này
đây! Cám ơn các anh em đã có những hành động quyết liệt, để khích lệ
tinh thần tôi, đã cho tôi nguồn hy vọng để tiếp tục đấu tranh giành sự
sống, trong lúc thập tử nhất sinh .......
Tiểu đoàn 2/43, đơn vị thiện chiến
của Sư đoàn 18BB. Kể từ thời cố Trung tá Hắc Long Đỗ Văn Tân, K.7 Võ
Khoa Thủ Đức làm Tiểu đoàn trưởng, giao lại cho cố Trung tá Hắc Long
Nguyễn Văn Thoại, gốc Thiếu Sinh Quân, dân Thủy quân Lục chiến, đến
Thiếu tá Bảo Định Nguyễn Hữu Chế là tôi, từng phục vụ tại Binh chủng
Biệt Động Quân. Dù chỉ một thời gian ngắn, nhưng cũng học được kinh
nghiệm tác chiến "tốc chiến tốc thắng" của Binh chủng ưu tú này, nên đã
giữ cho Tiểu đoàn luôn luôn là đơn vị xuất sắc của Sư đoàn cũng như của
Quân đoàn III.
Sau trận chiến An Lộc của Bình Long
anh Dũng hồi mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi được đại diện đơn vị về Bộ Tư
Lệnh Quân đoàn nhận lãnh phần thưởng do Cố Thiếu tướng Lê Văn Hưng, lúc
đó giữ chức TLP/QĐ trao tặng. Tết năm 1974, Tiểu đoàn lại được chọn là
đơn vị xuất sắc để Ông Tổng trưởng Kinh tế - Tài chánh Hà Xuân Trừng đại
diện Chính phủ đến ủy lạo. Và năm 1974, Tiểu đoàn được Tuyên dương Công
trạng trước Quân đội, Hiệu kỳ của Tiểu đoàn được gắn thêm một Anh Dũng
Bội Tinh với Ngành Dương liễu. Những chiến công vang dội mà Tiểu đoàn đã
gặt hái được đã làm cho Cộng quân khiếp sợ. Từ trận Tái chiếm Phi
trường Quản Lợi tại Mặt trận An Lộc, Bình Long; trận Bố Lá thuộc Quận
Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; trận Thái Hưng thuộc Quận Công Thanh, tỉnh
Biên Hòa; trận Võ Đắc - Võ Su thuộc Quận Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy; trận
tái chiếm Ngã Ba Dầu Giây thuộc Tỉnh Long Khánh hồi Hiệp định ngưng bắn
Paris đầu năm 1973. Đặc biệt tại trận này, khi khai thác tên tù binh cấp
B trưởng, tức Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 33 Cộng quân, hắn nói:
"Chúng tôi được lệnh của Thủ trưởng E, tức Trung đoàn trưởng, mỗi khi
gặp TĐ2/43 thì phải đoạn chiến và tìm cách chém vè! Không biết đó là lời
thật hay dối lòng để tâng bốc mình. Nhưng thực tế, TĐ2/43 đã làm cho
Cộng quân phải e dè và kiêng nể.
Nhưng giờ đây chúng tôi như những con
thú bị săn đuổi trong khu rừng săn bắn của Triều đình Nhà Thanh từ thời
đại Khang Hy đến Càn Long. Con thú chỉ có thể chạy trốn trong khu rừng
săn bắn rộng mênh mông, nhưng khó vượt thoát ra ngoài. Chúng tôi đang bị
sa cơ thất thế - Đau hơn nữa là cảnh sa cơ thất thế của chúng tôi không
phải vì tài hèn, sức mọn, mà vì bị đồng minh trói tay, hay nói rõ hơn
là bị .... bán đứng .
Lúc gần sáng, chúng tôi gặp một con
suối. Sau khi vội vàng cho lấy nước đổ vào bi-đông, và những bao gạo
sấy, chúng tôi lại lên đường. Phải tránh xa các con suối. Vì đó là nơi
địch cũng thường xuất hiện để lấy nước hoặc tắm giặt. Toán 28 người
chúng tôi hầu hết là lính Văn phòng, Truyền tin, Quân Y, Pháo binh....
Tất cả chỉ được trang bị súng ngắn hay lựu đạn để dể dàng làm việc. Chỉ
có một số anh em thuộc Trung đội Biệt Kích/TĐ là có súng M.16. Nhưng chỉ
với 28 người, lại đang nằm trong vòng vây địch, đang bị lùng đuổi. Muốn
sống còn, chúng tôi phải tìm cách lẩn tránh bọn chúng. "Tránh voi cũng
chẵng xấu mặt nào!".
Bước
sang ngày thứ ba, kể từ khi rời bỏ Xuân Lộc. Hoạt động của chúng tôi
vẫn thế. Ngày nghỉ, tìm những nơi rậm rạp chui vào. Đêm đến thì di
chuyển. Cứ nhắm hướng Tây, hướng Long Thành mà đi.
Đến
ngày thứ tư, tôi cảm thấy đã thoát ra được khỏi vòng vây địch, nhưng
tôi vẫn chưa dám trả lời máy, mặc cho SĐ, TR/Đ lo lắng, và những người
vợ lính đang ngày đêm khắc khoải chờ tin chồng tại Tiền trạm Tiểu đoàn ở
Long Bình. Hàng ngày, buổi sáng và buổi chiều đều có máy bay, khi thì
trực thăng, khi thì L.19, do Phòng 3 Sư đoàn, Ban 3 Trung đoàn, và
thường do Đại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng 43BB đích thân bay đi
tìm.
Tại
Tiền trạm Tiểu đoàn, đặt tạm bên ngoài căn cứ Long Bình, đối diện với
BTL/SĐ, Trung úy Nguyễn Văn Thắng, Sĩ quan quản trị nhân viên TĐ, đã bận
rộn suốt ngày để điều động những chiếc xe GMC về Long Thành đón những
toán quân vượt thoát vòng vây địch vừa từ trong rừng ra. Cánh quân của
Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn Tấn Chi đã về đến gần như nguyên vẹn. Chỉ có
cánh quân Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng là đụng độ mạnh, phải phân
tán. Nhưng những quân nhân sống sót, cuối cùng cũng lần mò ra đến điểm
tập trung. Trung úy Thắng lại còn phải trả lời, phân ưu những Bà Vợ
Lính, kể cả Bà vợ của Thiếu tá TĐT, những quân nhân còn ghi nhận là "MẤT
TÍCH". Những người vợ lính đợi tin chồng, đang khắc khoải lo âu. Hàng
ngày họ đến đây từ sáng sớm. Có người tay bồng, tay dắt những cháu bé
mới 3, 4 tuổi. Hoàn cảnh thật thương tâm!
Buổi sáng ngày thứ tư của cuộc triệt
thoái, tức là ngày 24/4/75, Trung úy Thắng nhận được chỉ thị từ Sư đoàn
là phải chuẩn bị hồ sơ để làm lễ "TRUY THĂNG - TRUY TẶNG" cho những quân
nhân được ghi nhận là "MẤT TÍCH". Tin này, Thắng hoàn toàn giữ kín.
Thỉnh thoảng, Trung úy Thắng cũng nhận được những cú điện thoại từ Sư
đoàn, Trung đoàn của Thiếu tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo, và Đại tá Trung
đoàn trưởng Lê Xuân Hiếu hỏi thăm: Phu nhân Thiếu tá Chế còn đó không?
Lối 5 giờ chiều, chiếc máy truyền tin
của Tiền trạm Tiểu đoàn bỗng vang lên giọng nói yếu ớt: "Hoàng Yến, đây
Bảo Định; Hoàng Yến, đây Bảo Định, nghe rõ trả lời." Đó là tiếng gọi
của tôi khi khi toán quân đang tiến tới một một khu rừng chồi thấp, mà
tôi nghĩ có thể đã thoát ra khỏi vòng vây địch. Lúc đó vừa lúc chiếc
L.19 bay ngang đầu. Vị Đại tá Trung đoàn trưởng của tôi ngồi trên đó,
đang gọi tìm tôi:
- Tôi nghe tiếng ai như tiếng Bảo Định
- Bảo Định đây, Hoàng Yến - tôi vội trả lời.
- Anh cho tôi tọa độ điểm đứng, dọn bãi đáp.
- Không được, tôi sợ chưa thoát khỏi vòng vây. Để tôi đi xa thêm nữa. Đợi sáng mai.
- Được, hẹn Bảo Định sáng mai.
Sau đó, chiếc L.19 trở về căn cứ.
Toán quân của tôi tiếp tục cuộc vượt thoát. Cố di chuyển càng xa về
hướng Tây càng tốt. Hy vọng thoát được vòng vây của địch. Đã 4 ngày 3
đêm kể từ khi xuống núi. Có lẽ đây là giờ phút sung sướng nhất!
Sáng
ngày hôm sau, tức 25/4/75, lối 9 giờ, một đoàn trực thăng 4 chiếc bay
vào vùng. Tôi cho trải "paneau" làm tín hiệu nhận nhau. Tôi cho sắp làm 3
toán. Địa thế là rừng chồi. Chỉ có một khoảng trống nhỏ có thể dùng làm
bãi đáp cho một chiếc trực thăng. Chiếc thứ nhất đáp xuống bốc toán đầu
tiên rồi cất cánh an toàn. Chiếc thứ hai, bốc toán thứ hai. Cũng cất
cánh an toàn. Nhưng đến chiếc thứ ba, tôi ở trong toán thứ ba - trực
thăng vừa đáp xuống thì từ hướng Đông, AK, B.40 đồng loạt khai hỏa cùng
những tiếng la "xung phong" dậy trời. Toán quân còn lại của tôi nhanh
chóng lao vào trực thăng - Trực thăng vội vàng cất cánh - Vì muốn tận
mắt thấy các thuộc cấp được an toàn trước, nên tôi tự xếp mình vào toán
thứ ba và là người cuối cùng - Nhìn chiếc trực thăng đang bốc lên, nghe
tiếng súng các loại nổ rền, hòa lẫn tiếng hô "xung phong" của địch - Tôi
sững sờ - Cái chết đang đến trong đưòng tơ, kẽ tóc - Nhưng bản năng
sinh tồn chợt trỗi dậy - Tập trung hết sức lực còn lại, tôi chỉ còn kịp
chạy đến, nhảy mạnh lên, hai tay vội chụp lấy càng máy bay, ôm chặt.
Trực thăng lướt nhanh trên đầu ngọn cây rồi từ từ tăng cao độ, trực chỉ
Long Bình. Người xạ thủ đại liên, gunner, cùng những người lính trong
lòng máy bay cố nắm chặt hai tay tôi, và kéo tôi lên. Nón sắt và bản đồ
đã rơi mất. Tôi mệt nhừ, ngồi im bất động. Cặp kính cận thị của tôi cũng
không còn. Những giọt nước, nước mắt hay là máu từ từ lăn xuống trên
khuôn mặt dãi dầu mưa nắng và trận mạc từ hơn hai tuần lễ nay, tôi cảm
thấy mằn mặn.
Trực
thăng hạ thấp, chuẩn bị đáp. Từ trên cao, tôi đã nhìn thấy mờ mờ vị Đại
tá thân yêu đã mấy ngày đêm lo âu cho sự an nguy của tôi và Tiểu đoàn
2/43 chúng tôi; đang đứng chờ trước đầu xe jeep, đậu sát LZ, đàng sau
văn phòng Tư lệnh. Ông đón tôi với tất cả nỗi mừng vui của người anh cả
đang dang tay đón đứa em thất lạc trở về mái nhà xưa. Ông nói: "Lên xe
vào gặp Thiếu tướng Tư lệnh. Ổng đang chờ anh!" .
BẢO ĐỊNH
2005