Monday, October 18, 2021

NGÃ TƯ VÌ DÂN - SÀI GÒN (Tưởng nhớ cố phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu)

 

Vào những năm Sài Gòn chưa được mở mang đường xá, cầu cống thêm lên, Ngã Tư Bảy Hiền - cùng với Ngã Tư Hàng Xanh và Cầu Chữ Y - có lẽ là những nơi nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên nhất mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc mới hoặc lúc tan sở, bởi lưu lượng người qua lại cửa ngõ phía Tây này vào các thời điểm đó rất đông. Nói như vậy cũng là để mặc nhiên thừa nhận, Ngã Tư Bảy Hiền là địa danh rất thân thuộc với nhiều người Sài Gòn. Thân thuộc quá đến nỗi nhiều khi quên luôn những sự kiện văn hóa lịch sử gắn chặt với khu vực này từ trước biến cố 30/4/1975. Có ít nhất 4 liên tưởng gợi nhớ đến Ngã Tư Bảy Hiền, khiến nó trở nên đặc biệt.
Thứ nhứt là tên gọi mộc mạc, dân dã, đậm chất Nam Bộ nghĩa tình của nó. Giao lộ Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) - Võ Tánh (Phú Nhuận) - Nguyễn Văn Thoại trước đây (tức CMT8 - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt bây giờ) đã được đặt tên theo ông Trần Văn Hiền, một đại điền chủ rất giàu có thời đó (thập niên 1930) với đất đai, ruộng vườn của ông trải rộng khắp vùng đất thuộc Trường Chinh, Cộng Hòa, Bàu Cát… ngày nay. Do ông là con thứ bảy trong gia đình nên được gọi là Bảy Hiền. Mà đúng là “hiền” thiệt. Thay vì kênh kiệu khinh người, ông lại nổi tiếng thương người. Vào dịp ngày rằm hàng tháng, ông hay sai người nhà mang đầy hai thúng bạc xu điếu ra trước cổng mà bố thí cho người nghèo. Ông là một hình ảnh tiêu biểu cho 2 chữ “Vì Dân”. Bởi vậy, dần dà, cái ngã tư đường đất trước khuôn viên nhà ông được người dân ưu ái gọi là “Ngã Tư Bảy Hiền” cho tới tận bây giờ.
Thứ hai, tên gọi ngã tư này còn thấp thoáng, ẩn hiện trong nhạc phẩm thấm đẫm tình người “Cho Một Người Nằm Xuống”, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào cuối năm Mậu Thân 1968 nhằm tưởng nhớ đến cái chết người bạn thân và cũng là ân nhân quá cố của ông, Đại tá không quân Lưu Kim Cương. Ðại tá Cương, lúc đó đang là Tư lệnh Không đoàn 33, đã bị một quả B40 của quân cách mạng giết chết vào 10 giờ sáng ngày 2/5/1968, ngay tại Nghĩa trang Quân đội Pháp (hiện là Trung tâm triển lãm và Nhà văn hóa quận Tân Bình). Sinh thời, đại tá Lưu Kim Cương đã nhiều lần bảo lãnh cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khỏi bị cảnh sát quốc gia VNCH câu lưu, thẩm vấn vì những nghi ngờ ông Sơn là nằm vùng được Mặt trận Dân tộc Giải phóng MNVN cài vào Sài Gòn (nghi ngờ này không trật chút nào!). Vậy là, đã có thêm một gương sáng vì dân mà hy sinh.
Thứ Ba, đâu đã hết, nhắc đến Ngã Tư Bảy Hiền là phải nhớ đến một ngôi trường cũ đầy kỷ niệm, giờ đã thành trường “Cao đẳng Lý Tự Trọng”. Trước đây, trường này mang tên “Quốc gia Nghĩa tử”, là chỗ học dành riêng cho các con em gia binh thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã chết hoặc bị thương. Bắt đầu niên khóa đầu tiên 1963 - 1964 với vỏn vẹn 500 học sinh, nhưng tới khoá học 1973 - 1974, đã có gần 25.000 người tốt nghiệp, đậu tú tài. Thư viện ở đây được xem như lớn nhứt trong tất cả các trường phổ thông trước 1975 và đã vinh dự được cố phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cắt băng khánh thành năm 1971. Học sinh trường “Quốc gia Nghĩa tử” được miễn học phí, miễn tiền nội trú, sinh hoạt ăn uống và chăm sóc y tế cho đến khi ra trường. Bởi tính chất “vì dân” thấm đẫm như vậy (thương bịnh binh giải ngũ thì coi như dân), nên kiến trúc sư Trương Ðức Nguyên đã không lấy tiền thiết kế đồ án và nhà thầu Trần Ngọc Trình cũng đã không nhận thù lao công xây cất.
Cuối cùng, đậm đà tình nghĩa vì dân nhứt là hình ảnh khu bịnh viện cũng mang tên “Vì Dân”, toạ lạc ngay ngã tư này. Bịnh viện do bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khởi xướng ý tưởng và kêu gọi quyên góp từ đủ mọi thành phần trong xã hội, từ các thân hào, nhân sĩ đến thương gia, kỹ nghệ gia… để rồi bịnh viện kịp khai trương, được Tổng thống và phu nhân đến cắt băng khánh thành vào ngày 20 tháng 3 năm 1971, sau hơn 7 tháng xây dựng (17/8/1970). Bởi chuyên chở tâm thế “vì dân” của bà đệ nhứt phu nhân Mai Anh, cho nên 400 giường của Bịnh viện Vì Dân đã phục vụ dân hoàn toàn miễn phí, từ khám bịnh, phát thuốc chữa bịnh và nằm lại điều trị. Thế nhưng, sau năm 1975, Bệnh viện Vì Dân đã chuyển mục đích phục vụ từ dân sang quan với tên mới “Bệnh viện Thống Nhất”, cũng là cơ sở y tế thuộc “Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương”, khu vực phía Nam, sau khi người phụ nữ sáng lập nên nhà thương này phải lưu vong nước ngoài.
Nay bà Nguyễn Thị Mai Anh, tức “cô Bảy Mỹ Tho”, đã trút hơi thở cuối cùng sáng nay tại Nam California để đi đoàn viên cùng chồng bà là cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, hưởng thọ 90 tuổi. Dù bà đã qua đời và dù đứa con tâm huyết của bà năm xưa đã mang một tên khác, chắc chắn lịch sử sẽ vẫn luôn nhắc tới “Bệnh viện Bà Thiệu” với lòng kính trọng nhứt định, bởi cứu cánh tốt đẹp và nhân ái của nó đối với người dân, nơi một ngã tư Sài Gòn phải nói đậm dấu ấn “vì dân” nhứt. Dẫu cho những người Sài Gòn cũ sẽ ít nhiều cảm thấy lạc lõng, bơ vơ khi về thăm cố hương, giữa một thành phố mới mang tên “Hồ Chí Minh”, như lời thơ của Nguyễn Đình Toàn thảng thốt: “Mất từng con phố đổi tên đường - khi hẹn nhau ta lạc lối tìm…”, tin rằng hồn cốt Sài Gòn xưa, ký úc Sài Gòn cũ vẫn còn đó, mà Ngã Tư Bảy Hiền chỉ là một minh chứng dễ thấy. Sau chót, trong đức tin Công Giáo, thành kính tiễn bà bằng lời chúc: "Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…”. [1].
Lami NGUYỄN HOÀNG DŨNG
[1]. Cho Một Người Nằm Xuống (Trước 1975 - Khánh Ly)
Vài hàng nhớ lại bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình Công giáo ở Mỹ Tho có mười anh chị em.
Lúc còn niên thiếu, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng người em gái Tám Hảo thường xuyên lên Sài Gòn để đi học và thăm thân nhân. Do gia đình quen biết với dược sĩ Huỳnh Văn Xuân, làm việc ở viện bào chế Trang Hai, hai chị em Bà được giới thiệu làm trình dược viên tại Viện bào chế Roussell. Chính ông Huỳnh Văn Xuân làm mai mối cho Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó đang đeo lon Trung úy) quen Mai Anh. Mặt khác, cậu Mai Anh là Đặng Văn Quang cũng là bạn đồng khóa Trường Võ bị Đà Lạt với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên cả hai người được se duyên thành vợ chồng, dù có đôi chút trở ngại vì Mai Anh theo đạo Công giáo. Ông Bà chính thức làm lễ cưới vào năm 1951. Sau này, vào năm 1958, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mới rửa tội theo Công giáo.
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà chỉ chú tâm vào các hoạt động xã hội.
Ở cương vị là Phu Nhân của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Bà rất thông cảm với sự thiếu thốn những trung tâm y tế phục vụ người dân. Vì thế, sau nhiều năm hoạt động xã hội, Bà Nguyễn Thị Mai Anh là người đã gợi ý và khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại thủ đô Saigon.
Bệnh viện Vì Dân tọa lạc tại ngã tư Bảy Hiền, thường được giới bình dân Sài Gòn hay kêu đó là bệnh viện Bà Thiệu. Bệnh viện được xây dựng do Bà vận động quyên tiền từ thiện của nhiều người bao gồm: Thân hào Nhân sĩ, Thương gia, Kỹ nghệ gia…
Bệnh viện Vì Dân là bệnh viện tư nhân, nhưng được điều hành như bệnh viện công. Người dân vào khám và chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn. Sau khi Bác Sỹ khám bệnh xong thì bệnh nhân được phát thuốc theo toa. Nếu ai bị bệnh nặng thì được nằm lại bệnh viện để chữa bệnh.
Nguyễn Thị Mai Anh - Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu
Lễ đặt viên đá đầu tiên đã cử hành ngày 17 tháng 8 năm 1971. Nhờ sự tín nhiệm và giúp đỡ của các nhà Hảo tâm, các Cơ quan Từ thiện trong nước và ngoại quốc, các Cơ quan quốc tế, và các quốc gia bạn, nên việc xây cất và trang bị các phương tiện y khoa được tiến hành một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Bệnh Viện Vì Dân được khánh thành ngày 20 tháng 3 năm 1973 với 400 giường bệnh và nhiều phân khoa khác nhau: khoa Ngoại và Nội trú, khoa giải phẫu, khoa xét nghiệm, khoa tai mũi họng, khoa quang tuyến, nhãn khoa, khoa nhi đồng, nhà thuốc tây…Bệnh Viện Vì Dân là bệnh viện lớn và tân tiến nhất ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Bệnh viên có nhiều vị Bác Sỹ và Y Tá chuyên môn, cũng như xử dụng những dụng cụ y khoa tân tiến nhất. Sau khi Bà Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng với Phu nhân cắt băng khánh thành.
Nguyễn Thị Mai Anh - Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, do những áp lực từ chiến trường, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức trên đài truyền hình. Sau đó Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng gia đình rời khỏi Việt Nam vào đêm 25 tháng 4 và bay tới Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch với tư cách là Đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa. Lúc đầu cả gia đình sang sống tại Đài Loan, nơi trước đó ông Nguyễn Văn Kiểu, anh ông Thiệu làm Đại sứ.
Sau khi con trai thứ hai, Nguyễn Quang Lộc sang Anh Quốc học, thì cả nhà lại sang London định cư, và sống ở đó trong suốt 15 năm. Khi mấy người con sang Mỹ để tiếp tục con đường học vấn năm 1985, thì cả nhà cũng đến định cư tại thành phố Boston vì Bà Mai Anh muốn ở gần những người con của mình.
Ông bà có 3 người con là:
– Nguyễn Thị Tuấn Anh (Trưởng nữ)
– Nguyễn Quang Lộc (Trưởng nam)
– Nguyễn Thiệu Long (Thứ nam)
Ngày 29 tháng 9 năm 2001, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ trần tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center thuộc thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ sau khi bị đột quỵ ở nhà. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được an táng tại Boston. Lúc mất ông hưởng thọ 78 tuổi.
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: “Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả Ông Bà, và mang tro cốt của ổng (chồng, Nguyễn Văn Thiệu) về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng: “Nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi”, Bà nói như vậy về ước vọng của Bà như một phụ nữ Việt Nam bình thường không quên ơn Tổ tiên dòng họ.
Nguyễn Thị Mai Anh - Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu
Một người từng làm việc trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói về Bà như sau: “Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, Bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một vị Đệ Nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế và nhung lụa giàu sang. Bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu của một người có quyền thế vì Bà là một người đứng cạnh chồng, chỉ biết lo cho gia đình mà thôi.
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện với tất cả mọi người chung quanh. Khuôn mặt phúc hậu và nhân cách của Bà làm người đối diện cảm thấy gần gũi và kính trọng. Bà không bao giờ câu nệ về cách cư xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, Bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào Bà. Điều đặc biệt là Bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên quan đến việc làm của Tổng Thống Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe Bà than phiền với ông Thiệu bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống trong lúc tôi đang đứng bên cạnh.
Nguyễn Thị Mai Anh - Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thường đi ủy lạo Thương binh ở khắp bốn vùng chiến thuật cũng như tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Đồng thời bà còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và từ thiện nữa. Nhận thấy xã hội còn nhiều nhiễu nhương nên Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thành lập “Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội” vào ngày 1 tháng 6 năm 1968 để an ủi và giúp đỡ người dân. Bà nói: “Xã hội bây giờ đang nhiễu nhương. Phụ nữ phải tham gia làm công tác xã hội với sự yêu thương và đồng cảm để có thể xoa dịu phần nào sự đau khổ của họ“.
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dành hầu hết thì giờ của mình để cứu trợ những người tỵ nạn chiến tranh, quả phụ mất chồng trong cuộc chiến và đặc biệt là những cô nhi bị bỏ rơi. Trong một lần đi thăm trẻ em mồ côi ở cô nhi viện Don Bosco tại Saigon thì Bà bồng một em bé lên, với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười rất tươi Bà nói với mọi người hiện diện rằng: “Một trong những đặc ân mà tôi thích nhất là cái ngày mà tôi được quyền gọi các em cô nhi là các con của tôi.“
Nhân lúc bế giảng khóa học dành cho những bà vợ của thành viên nội các tại Dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4 năm 1968, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: “Phụ nữ, ngoài nhiệm vụ ở hậu phương là yểm trợ tiền tuyến bằng cách giúp băng bó những vết thương mà còn có thể xông pha ngoài chiến trận để đánh giặc như Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị nữa. Tôi nghĩ rằng phụ nữ nên tự nguyện học một khóa căn bản về quân sự để có chút hiểu biết hầu có thể giúp đỡ tiền tuyến lúc cần thiết“.
Nguyễn Thị Mai Anh - Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu
Không những thường xuyên đi hiến máu, Bà còn khuyến khích mọi người đi hiến máu như Bà. Năm nào Bà cũng tham dự ngày lễ diễn hành nhân ngày giỗ Hai Bà Trưng. Ngay cả hiện tại ở Mỹ Bà vẫn tham dự ngày lễ giỗ Hai Bà hằng năm.
Mặc dầu là vợ của một Tổng Thống, nhưng vì sinh trưởng ở Mỹ Tho, nên giọng nói và tánh tình của Bà hiền hậu và dễ thương như những người sinh trưởng ở miền Nam.
Vào năm 1972, một người Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên Bà Nguyễn Thị Mai Anh đặt cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh. Nhân dịp này tên của Bà Đinh Thúy Yến (Phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) cũng được đặt tên cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen.
Năm 2009 Bà dọn qua sống với gia đình con trai là anh Nguyễn Quang Lộc tại Orange County thuộc tiểu bang California vì Bà muốn ở gần con cháu của mình. Bây giờ Bà đã lớn tuổi nên sức khỏe của Bà không còn được như xưa.
Người viết : David Tran


























No comments: