Sunday, December 5, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh (Kỳ 12) - Bên dòng sông Dakbla

  Cầu Dakbla bắc qua sông cùng tên là lối vào trung tâm Kon Tum – nguồn saigoneer.com

Đường về Pleiku phải qua đèo Chu Pao đỉnh núi 953m trông xuống sông Dak Yeul với những cao độ thẳng đứng. Chỉ còn mỗi đường này là sinh lộ, nhưng sinh lộ phải qua điểm chết: Đèo Chu Pao. Hai đại đội của Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù do Nguyễn Lô (Tiểu đoàn phó) chỉ huy mở một đường đi qua điểm chết với chấp nhận tỷ lệ thiệt hại 50% quân số. Và cũng như bao lần của mười năm chiến trận, Lô mở được cửa ngõ về Pleiku, dân và quân theo đó rút đi. Rút đi khỏi địa ngục, vì Kontum không còn là thành phố sống, người dân thất thần dáo dác giành giựt nhau kiếm một chỗ trực thăng ở sân vận động… Giữa bụi mù và tiếng nổ đại pháo, cảnh người sống cuồng loạn đổ xô vào lòng trực thăng bất chấp tiếng súng thị oai của quân cảnh. Họ chen nhau như nước tràn qua đê vỡ để đến gần, đến gần hơn chút nữa ngưỡng cửa trực thăng, và lúc tay vừa chạm được khối sắt xám phủ bụi đỏ, chân cong lên sắp bước vào lòng của “hy vọng sự sống” thì một cơn sóng khác, đạp họ ngã xuống, kéo hút ra xa…

Kontum cháy ngọn lửa hồng lên cao hẳn khỏi rừng xanh. Chỉ còn mỗi hình ảnh bình yên nơi thành phố đang bùng lửa này là hàng phượng đỏ hoa gần câu lạc bộ ngã cành xuống mặt nước sông Dakbla mờ sương khói. Nhưng phượng cũng có màu đỏ – Màu của máu.” (Phan Nhật Nam, Mùa Hè Đỏ Lửa)

Buổi chiều đầu tiên ở Kontum, tôi đến bên bờ sông Dakbla thăm một đoàn người vừa mới về từ quận Dakto đang tạm dừng chân tại đây. Sau khi căn cứ Tân Cảnh bị Cộng quân tràn ngập, Dakto được lệnh di tản chiến thuật. Trung tá Lò Văn Bảo, Quận Trưởng Dakto, gọi máy về tiểu khu nói ông sẽ tử chiến chứ không chịu lùi bước. Nhưng dù sao lệnh vẫn là lệnh. Trung tá Bảo và Bộ Tham Mưu của ông là những người di tản sau cùng vì còn phải phá hủy những thứ gì không thể để lọt vào tay địch.

Rút ra khỏi quận Dakto, Trung tá Bảo chỉ huy một đoàn khoảng 500 người gồm có sĩ quan, binh sĩ, gia đình binh sĩ và thường dân. Một đoàn nhắm vào rừng mở đường máu mà về Kontum. Ðoàn người vượt rừng, vượt suối, vừa dìu dắt nhau vừa chống cự với địch quân đang truy đuổi. Họ đi suốt 4 ngày và 3 đêm liên tiếp trong rừng với bao nhiêu hiểm nguy chờ chực.

Khi tôi đến, Trung tá Bảo đang họp Bộ Tham Mưu của ông dưới những gốc phượng bên dòng sông Dakbla. Trung úy Nhiên, một bên tai bị băng vì trúng miểng B40, kể với tôi:

– Ngay ngày đầu, cố vấn Mỹ cho máy bay đến bốc Trung tá Bảo, nhưng ông nhất định không bỏ anh em. Ngày hôm sau cố vấn Mỹ lại cho thêm trực thăng đến bốc hết cả Bộ Tham Mưu, nhưng Trung tá Bảo nhất định không bỏ đồng bào lại.

Trung tá Lò Văn Bảo gốc người Thái ở Bắc Việt, xuất thân từ khóa 8 Võ Bị Ðà Lạt. Dáng người cao lớn và đôi mắt rất sắc, biểu lộ một ý chí mãnh liệt. Khi đoàn người di tản vào rừng, chiến xa của Cộng quân rượt theo truy kích, nhưng không vượt qua một con suối sâu được nên phải dừng lại. Trung tá Bảo di tản khỏi căn cứ mà dẫn theo được một đoàn 500 người gồm cả đàn bà con nít và bảo vệ cho họ được an toàn quả là một điều đáng khâm phục. Các phóng viên chiến trường có mặt tại Kontum, khi đánh tin điện về, đều gọi Trung tá Bảo là người hùng của Dakto.

Trung úy Nhiên kể tiếp:

– Ban đêm, con nít bị vắt cắn khóc quá, thành ra chúng tôi bị lộ mục tiêu, nên lại bị Cộng quân đuổi theo sát. Có một đoạn, chúng tôi chạy xuyên qua mật khu của địch, may mà không bị phát giác. Tối đến, đoàn người phải dừng chân cho đàn bà, trẻ con nghỉ lấy sức. Sĩ quan và binh sĩ rải ra thành một vòng tròn chung quanh dân để bảo vệ cho họ. Dừng lại ở đâu là phải đào hố ngay tại đó. Nếu không đào hố để nấp đạn thì chắc chết khá nhiều. Cũng may gặp rừng rậm, cây chằng chịt, nên ngăn cản đạn cho chúng tôi được phần nào.

Một ông Trung úy khác tiếp lời:

– Chúng tôi liên lạc với Tiểu Khu, và mỗi lần nghe tiếng máy bay trên trời là mắt người nào cũng sáng lên một niềm hy vọng. Nhưng rồi máy bay chưa đủ để bốc chúng tôi. Ban đêm, có một lần, nằm ngủ ngay trên dây điện thoại của địch thả trong rừng, nhưng vẫn để nguyên, vì sợ cắt ngay thì lộ mục tiêu. Sáng hôm sau khi tiếp tục lên đường mới cắt dây.

Ngày đầu, chúng tôi thiếu nước, phải nhịn khát một ngày, không dám ra suối vì sợ Việt Cộng đợi sẵn. May quá, chiều hôm đó trời mưa, chúng tôi hứng nước mưa từ các lá cây mà uống. Tuy có nước uống, nhưng lại bị ướt mèm. Chỉ tội cho đàn bà và trẻ con. Trẻ con chịu lạnh không được khóc cả buổi.

Ði xuyên rừng như vậy cho đến ngày thứ tư thì đàn bà và trẻ con bắt đầu kiệt lực. Trong giây phút tuyệt vọng đó thì chúng tôi bỗng nghe tiếng máy bay. Từ dưới đất nhìn xuyên qua những tàn  cây trên cao, chúng tôi hơi thất vọng vì thấy chỉ có một chiếc máy bay thôi. Nhưng liền sau đó, những chiếc khác nối đuôi nhau bay đến. Chiếc bay dẫn đầu định đáp xuống liền bị Cộng quân bắn cháy. May mà phi hành đoàn xuống đất được an toàn. Trung úy Nhiên chạy ra dẫn phi hành đoàn vào rừng, anh bị trúng miểng của một trái B40 ở bên tai. Phi hành đoàn gồm 4 người Mỹ, tất cả đều bị thương, nhưng không nặng lắm. Những chiếc còn lại thấy tình hình không thể đáp xuống được bèn nghiêng mình bay trở về. Làn mưa đạn của Cộng quân còn bắn theo dữ dội. Chúng tôi lại mong ngóng từng giây, từng phút.

Trung tá Ðổ có mặt tại đó, bây giờ mới góp chuyện:

– Từ lúc bắt được vô tuyến, biết được các cậu bị vây khổn trong rừng, tôi tự hứa bất cứ giá nào cũng phải bốc cho được các cậu về an toàn. Mỗi lần đi họp mà nghe chưa có đủ máy bay để tiếp cứu là tôi thất vọng. Suốt mấy ngày mấy đêm tôi không ăn, không ngủ với các cậu.


Photograph By: Wall Street Journal

Trung tá Ðổ đã suýt chết một lần vì lo cứu đoàn người này. Ngày nào ông cũng bay trên trời để liên lạc và trấn an anh em bên dưới. Một hôm máy bay trúng đạn rớt gần khu vực của Việt Cộng, dưới làn mưa đạn của địch, Trung tá Ðổ và phi hành đoàn chạy thoát được vào một đồn của Nghĩa Quân gần đó.

Ngày sau, được yểm trợ đầy đủ, 19 chiếc trực thăng đáp xuống một bãi trống gần nơi đoàn người đang chờ đợi. Ðàn bà, trẻ con được bốc đi trước. Trung Tá Bảo là người về sau cùng. Về Kontum, ông và các sĩ quan cùng binh sĩ của ông tạm đóng quân bên bờ sông Dakbla.

Sáng hôm sau tôi lại gặp Trung tá Bảo ở các trại tạm cư, ông đi thăm đồng bào ở Dakto chạy về. Một sĩ quan đi với Trung tá Bảo nói với tôi:

– Bây giờ chúng tôi không có cách gì liên lạc được với gia đình, nhờ cô viết giùm lên báo là tất cả sĩ quan của Chi Khu Dakto đã về tới Kontum đầy đủ và đang tiếp tục chiến đấu. Như vậy gia đình của chúng tôi được yên lòng.

Tôi hứa sẽ làm điều đó. Hy vọng gia đình các anh sẽ đọc được những dòng này trên nhật báo Hoà Bình trong những số tới. Ðến hôm nay, không còn phương cách nào để liên lạc giữa Kontum và Pleiku, ngoại trừ đường dây điện thoại quân sự, đường dây duy nhất phải để ưu tiên cho việc hành quân.

Buổi chiều tôi ra bãi đáp trực thăng để về Pleiku. Chưa kịp lên máy bay thì bị một trận pháo như mưa. Quân nhân vào hầm sẵn sàng chiến đấu. Những người đang chờ máy bay ngồi đông nghẹt cả phi trường chạy tán loạn như một đàn ong vỡ tổ. Có người chạy bỏ quên cả con dại đang nằm bên mấy xách hành lý. Có người trúng đạn đổ ruột vẫn còn cố lết trên mặt đất.

Một quả pháo trúng ngay ngôi nhà thờ mà đêm qua tôi xin các sơ tạm trú. Một quả khác trúng ngay cô nhi viện, nơi mới chiều hôm qua, cũng vào giờ này, tôi đến thăm đồng bào tị nạn ở đó. Bởi vậy, tôi nghĩ mọi người đều có số. Tôi nhớ một người lính đã nói: ‘Nếu viên đạn đã khắc tên tôi, viên đạn sẽ tìm đến tôi. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên có mặt từ chiến trường này qua chiến trường khác, biết bao lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, cho nên tôi vẫn có niềm tin như vậy.

(còn tiếp)

No comments: