Monday, December 13, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh (Kỳ 14) Trên Đỉnh Chu Pao

Cao Nguyên là một phần đất thật đẹp của quê hương. Nếu không phải vì tình trạng chiến tranh, Cao Nguyên quả là một nơi tuyệt vời cho những người muốn sống gần với thiên nhiên Cao Nguyên là một phần đất thật đẹp của quê hương. Nếu không phải vì tình trạng chiến tranh, Cao Nguyên quả là một nơi tuyệt vời cho những người muốn sống gần với thiên nhiên. 

Kontum được xem như là một thị trấn tiêu biểu của vùng này. Kontum có những ngôi nhà xưa, xây từ lúc người Pháp mới đến đây khai phá, có những đồn điền cà phê xanh mướt, có dòng sông Dabla nước chảy lững lờ, có những con đường phố với hai hàng phượng vĩ, mùa hè hoa đỏ rực một màu, có những quán cà phê của những cô Thái trắng, cả cà phê và chủ nhân đều làm say lòng khách ghé đến. Nhưng hôm nay, Cao Nguyên lửa đạn ngút trời, tôi đến đây mỗi ngày ăn gạo sấy và đi thăm các trại tạm cư của đồng bào tị nạn, đi thăm các căn cứ hỏa lực đang ngày đêm chiến đấu với địch quân để giữ cho Kontum, thành phố được nguyên vẹn, cuộc sống được yên lành.

Từ Kontum, tôi trở về Pleiku bằng trực thăng vì nghe tin một trận đánh dữ dội vừa xảy ra trên đỉnh núi Chu Pao và quân ta đã hoàn toàn làm chủ tình hình tại hai căn cứ hỏa lực 41 và 42 cách thành phố Pleiku 15 cây số về hướng Bắc, ở vị trí trấn đóng ngay ngõ vào thành phố. Nếu hai căn cứ này phải di tản chiến thuật, thì Pleiku sẽ một sớm một chiều rơi vào tay địch. Vì vậy, trong hai ngày qua, những trận đánh đẫm máu đã diễn ra tại đây, khiến cho tất cả phóng viên chiến trường trong và ngoài nước đều dồn hết về hai căn cứ này.


Chúng tôi đi bằng đường bộ dưới sự hướng dẫn của Trung Tá Nghiêm thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn II. Những phóng viên ngoại quốc người nào cũng mặc áo giáp, đội nón sắt và mang ba lô trên vai như những người lính chiến, chỉ khác là những chiếc máy hình trên tay thay thế cho súng cá nhân mà thôi. Ba lô của họ đầy đủ lương khô và nước uống. Họ cẩn thận cũng phải, vì đây là xứ lạ quê người, và đang đi vào một vùng rừng núi, một vùng đang giao tranh, bom đạn có thể chụp xuống bất cứ lúc nào.

Đại Úy Hồ Đắc Tùng, Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu Đoàn 3/44 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh được yêu cầu thuyết trình về trận đánh khốc liệt vừa xảy ra ngày hôm qua tại đây. Đại Úy Tùng xuất thân khóa 20 Võ Bị Đà Lạt. Dáng người nhỏ, gầy, mắt sáng, nói tiếng Anh lưu loát. 

Chúng tôi được mời xuống hầm chỉ huy của căn cứ hỏa lực 42. Đại Úy Tùng bắt đầu trình bày những diễn tiến:
- Cộng quân thừa hiểu rằng, muốn tiến vào Pleiku, chúng phải đánh chiếm hai cửa ải là căn cứ 41 và căn cứ 42 trước tiên. Vào lúc 1 giờ 30 đêm hôm trước, Cộng quân pháo chừng 500 quả vào căn cứ rồi một đại đội đặc công của Sư Đoàn 2 Sao Vàng và một trung đoàn trợ chiến, Trung Đoàn 9P, có thêm trung đoàn pháo yểm trợ đã mở một cuộc tấn công đẫm máu vào căn cứ này. Cộng quân tiến vào từ hướng Đông. Lúc đó cánh quân của tôi ở phía Tây đánh dạt chúng qua.


Đặc công của Việt Cộng còn trẻ, chừng 15, 16 tuổi, nhưng đã chích thuốc kích thích nên rất liều mạng. Chúng mang vào khoảng 50 kí lô chất nổ để phá căn cứ. Chúng tôi được Pháo Binh Dù yểm trợ, bắn rất chính xác. Trên không còn có L19 và C7 thả hỏa châu soi sáng cả một vùng cho F105 oanh kích địch.


Lúc đó áp lực của Cộng quân thật quá nặng, tôi nhờ tần số của Dù liên lạc với Mỹ xin tia laser. Đến 2 giờ kém mười phút, một chiếc C130 bay đến lượn vòng vòng trên trời ở hướng của địch. Khoảng 6 giờ sáng, phía bên địch tiếng súng thưa thớt dần rồi im bặt. Sáng hôm đó, chúng tôi phải chôn 160 xác Việt Cộng ở chung quanh căn cứ, lát sau tìm thấy thêm 40 xác bên bờ suối đằng kia cùng với những vết máu rải rác trên mặt đất từ đây vào trong rừng.

Ngừng một lát, giọng Đạí Úy Tùng có vẻ bùi ngùi:
- Đại Úy Lịch thuộc Sư Đoàn Dù chết ngay trên hầm này. Một xạ thủ giữ cây đại liên trên nóc hầm vừa trúng đạn gục xuống, ông nhào tới ôm cây đại liên quạt tiếp vào toán đặc công đang xung phong vào cho đến khi ông trúng đạn quỵ xuống.
Tôi hỏi Đại Úy Tùng:
- Đại Úy có thể cho biết tác dụng của tia laser? Loại máy bay nào được trang bị tia sáng này?
Đại Úy Tùng giải thích:
- Tia laser bắn gần thì cháy, xa thì bị mù mắt. Lúc đó, chính tôi cũng lấy làm lạ, vì đây là lần đầu tiên, tôi thấy máy bay C130 cứ lượn qua, lượn lại về hướng quân địch mà không thấy động tịnh gì hết. Sáng ra chôn xác mới hiểu, địch bị bắn mù mắt, cứ đi luẩn quẩn một chỗ. Tia laser hiếm lắm, chỉ trang bị cho phi cơ Mỹ.

Tôi được mời ở lại căn cứ ăn cơm lính, gạo sấy với đồ hộp. Cơm chưa kịp ăn thì ầm, ầm... những tiếng nổ long trời lở đất. Tôi nhìn thấy những bao cát trên nóc hầm rung rinh như muốn sập xuống. Máy truyền tin trong hầm chỉ huy làm việc không ngừng: căn cứ 41 đang bị pháo kích. Tôi nghĩ rằng có thể mình sẽ được chứng kiến tại chỗ một trận đánh ác liệt sắp diễn ra, vì cái chiến thuật cổ điển của Cộng quân, "tiền pháo hậu xung". Pháo chừng vài trăm quả là có thể có màn xung phong vào căn cứ. Tôi chuẩn bị máy hình và chờ đợi. Nhưng rồi trận pháo kích chấm dứt mà không thấy địch tấn công. 


Chúng tôi rời hầm chỉ huy. Những cây cột gần miệng hầm bị trúng đạn cháy còn vết đen. Mùi máu vẫn còn phảng phất trong không khí. Những vũng máu đã khô rải rác trên mặt đất. Máu của địch và của những chiến sĩ đã giữ vững căn cứ này.
Chúng tôi ăn cơm bên cạnh miệng hầm. Đại Úy Tùng nói:
- Ngồi đây nếu có gì cô chạy xuống hầm cho tiện. Dưa chuột, cà chua, các thức ăn tươi này là của lính tôi mua lại trong các buôn Thượng gần đây. Chừng nào kiếm không có chút rau trái mới phải ăn toàn đồ hộp.

Sau bữa cơm, tôi đề nghị với Đại Úy Tùng và sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Ngô Dzu là cho tôi đi thăm căn cứ 42. Đại Úy Tùng nói:
- Lên trên đó pháo kích dữ lắm. Áo giáp, nón sắt tôi chỉ còn một cái, tôi cho cô mượn.
Tôi ngỏ ý cám ơn:
- Xin nhường cho tùy viên của ông Tướng. Tôi mang những thứ đó nặng quá chạy không nổi đâu. Lỡ bị Việt Cộng bắt thì còn khổ hơn là trúng đạn nữa.

Đi làm phóng sự từ chiến trường này qua chiến trường khác, lâu ngày tôi mới nghiệm thấy một điều: thường ở trong những hoàn cảnh cận kề với sự hiểm nguy, người ta hay đùa cợt để cho tinh thần bớt căng thẳng, cho quên đi những lo âu đè nặng trong tâm hồn, hoặc là thoát ra khỏi hiện tại bằng những mộng mơ nào đó. Cũng như hồi nãy khi vừa dứt pháo kích, đi ra khỏi hầm chỉ huy, tôi thấy một người lính từ hố cá nhân nhảy lên ngồi bên miệng hầm, nhìn trời ngâm thơ tựa hồ như sinh hoạt ở đây vốn rất bình lặng:

Bây giờ em ở Pleiku
Cỏ xanh là núi mây mù là sương

Tôi không biết có phải hai câu thơ này là của chính anh sáng tác hay không, nhưng chắc chắn trong giờ phút ấy, anh đang nghĩ đến một người con gái nào đó. Và những giây phút lãng mạn trong tình huống này có lẽ giúp cho người lính chiến thoải mái hơn là ngồi lo âu không biết là địch sẽ trở lại tấn công lúc nào.

Chúng tôi đến căn cứ hỏa lực 42 khi căn cứ này cũng vừa bị một trận pháo dữ dội. Mọi người đang bận rộn với công việc của mình. Người thì đang ăn cơm, người thì đang tu bổ lại những hầm mới bị pháo làm hư hại. Tôi ngỏ ý với Đại Úy Tùng muốn gặp một chiến sĩ nào xuất sắc nhất của đơn vị. Đại Úy Tùng chấp thuận ngay.

Mọi người kéo vào hầm chỉ huy. Cứ mỗi lần vào hầm chỉ huy là mỗi lần tôi suýt bị bể trán vì lo quan sát chung quanh mà quên khom mình xuống chui qua cửa hầm. Trung sĩ Nguyễn Văn Tạ đứng nghiêm chào ông Tiểu Đoàn Trưởng của mình và ngồi đối diện với tôi. 

Anh đánh giặc lì nhất đơn vị nhưng lại có vẻ lúng túng khi ngồi nói chuyện với một nữ phóng viên. Tôi mở lời ngay cho anh được tự nhiên:
- Anh làm ơn kể lại cho tôi nghe trận đánh hào hùng của các anh vừa rồi trên núi Chu Pao.
Anh Tạ có vẻ vui vẻ khi nghe tôi hỏi về chuyện đánh nhau, anh vừa nói vừa diễn tả bằng bộ điệu:
- Hôm đó, lực lượng Dù đã chiếm được nửa đỉnh đồi. Trên cao, tụi Việt Cộng còn giữ trên đó, và đồi bên kia có khoảng cấp một trung đoàn của tụi nó chiếm giữ. Sáng hôm sau, Đại Đội Trưởng của tôi cho một trung đội kéo qua đánh đồi bên kia. Việt Cộng cách chúng tôi khoảng 700 mét. Vừa lên lưng chừng đồi là đụng ngay tụi nó. Tôi cho cánh quân bên trái ép qua, cây đại liên đi giữa hai tiểu đội...
Anh Tạ diễn tả lại trận đánh trên núi Chu Pao một cách hào hứng như người đang kể lại một trận cầu quốc tế. Nhưng đây không phải là kết quả tranh tài của một trận cầu, mà những gì đạt được đều phải đổi bằng xương máu và cả sinh mạng của mình. 
Anh kể đến lúc trận chiến đã tàn:
- Sáng ra, chúng tôi không thấy Việt Cộng nữa. Chúng bỏ lại rất nhiều xác trong các hầm và trên hai đỉnh đồi mình đã chiếm được.
Tôi hỏi anh Tạ:
- Nghe nói anh đã bị thương bốn lần mà vẫn xin đi tác chiến. Những vết thương của anh đã lành hẳn chưa?
- Đã lành rồi. Tôi bị thương một lần ở đầu, một lần ở ngực, một lần ở tay và mới đây là ở sau lưng. Một lần tôi bị thương rồi mà còn bắt được một tên Việt Cộng dẫn về và lấy được một cây CKC nữa.

Anh Tạ đúng là mẫu một người lính chiến. Cuộc đời anh như đã gắn liền với binh nghiệp. Anh xem đơn vị cũng như gia đình thứ hai của mình. Những vết thương trên người anh là những huy chương có giá trị thực sự, tạo cho anh niềm kiêu hãnh và sức chiến đấu bền bỉ như đỉnh Chu Pao đã qua bao tháng ngày mưa gió.
Núi Chu Pao có đỉnh cao 1,059 mét, nằm về phía Bắc và cách Pleiku chừng 17 cây số. Đỉnh Chu Pao cũng giống như một vọng gác trên cao nhìn xuống, canh chừng Quốc Lộ 14, con đường nối liền giữa hai thành phố Pleiku và Kontum. Nếu địch chiếm được đỉnh Chu Pao là nắm được con đường huyết mạch 14 trong tay và cô lập thành phố Kontum một cách dễ dàng. Bởi vậy, đã có nhiều trận đánh ác liệt xảy ra tại đây giữa ta và địch để dành quyền kiểm soát đỉnh núi này.

Tháng 6 năm 1972, quyền kiểm soát đỉnh Chu Pao lại rơi vào tay quân địch. Khởi đầu là Trung Đoàn 53 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh tăng viện cho Kontum bị phục kích trên một tuyến đường dài 5 cây số, từ Sở Trà cho đến Chu Pao. Cả một đoàn xe vận chuyển của Sư Đoàn 23 cùng các đơn vị Thiết Giáp đều bị kẹt lại ở đây.

Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân được tăng cường để giải tỏa cũng bị vây trên một ngọn đồi. Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân từ Pleiku lên, rồi Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân kéo đến tăng cường.

Khoảng giữa tháng 6, Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân lên nhận 3 vị trí của Liên Đoàn 7. Bàn giao xong, sáng hôm sau được lệnh tổ chức lại các vị trí phòng thủ. Buổi chiều, Tướng Trần Văn Hai, trước là Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân, hiện là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II đến thị sát chiến trường bằng đường bộ.

Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 62 là Đại Úy Lê Thanh Phong, khóa 20 Võ Bị Đà Lạt, thay thế Thiếu Tá Bửu Chuyển chết trong trận Lệ Khánh. Tiểu Đoàn Phó vẫn là Đại Úy Phan Thái Bình.
Tướng Hai cho gọi Đại Úy Phong đến:
- Anh Hai, với tư cách là đàn anh trong binh chủng Biệt Động Quân đến thăm. Anh Hai muốn lên căn cứ 41, phải đi bằng cách nào?
Đại Úy Phong trình bày:
- Chỉ có cách đi bọc trong rừng.
Một toán mở đường, hộ tống Tướng Hai lên căn cứ 41 gặp Đại Tá Lại Đức Dung đang chỉ huy căn cứ 41 để bàn cách giải tỏa Chu Pao. Từ căn cứ 41 trở về, Tướng Hai đến Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn 62 nói với Đại Úy Phong:
- Ngày mai, Tiểu Đoàn 62 bắt đầu từ vị trí này, đánh dọc theo Quốc Lộ 14, làm sạch sẽ, bắt tay với căn cứ 41. Anh Hai muốn đi bằng xe đến căn cứ 41 chứ không phải đi trong rừng nữa.
Lời nói nhỏ nhẹ của "anh Hai" cũng như quân lệnh. 

Vị trí của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân đến căn cứ 41, đi theo Quốc Lộ 14 chỉ có một cây số thôi, nhưng những đơn vị đến đây trước, cũng như Tiểu Đoàn 62 bây giờ, đã gọi đoạn đường này là "khúc xương khó nuốt".

Đại Úy Phong và Đại Úy Bình bàn thảo kế hoạch. Cuối cùng Đại Úy Bình nhận lãnh chỉ huy trận đánh này. Anh họp tất cả cấp chỉ huy trong tiểu đoàn lại:
- Dọc Quốc Lộ 14, cỏ mọc cao và rậm rạp. Địch đào hố nấp ở dưới làm thành những chốt yểm trợ cho nhau. Cái khó là mình không thấy địch, cứ ló lên là bị bắn. Tôi sẽ cho một trung đội đi về phía trái giả đánh. Hai trung đội khác nấp để quan sát và ghi nhận vị trí địch. Sau đó sẽ cho pháo tập trung dập vào các chốt chừng 20 đến 30 phút, rồi chuyển pháo về các cây 82 ly của địch trong rừng để khóa họng, không cho yểm trợ chốt ngoài này. Chỉ trang bị súng, lựu đạn. Bò lên. Ném lựu đạn vào hố. Nhảy xuống, bốc xác quăng ra. Chiếm hố. Đánh chốt kế. Đạn dược dưới này sẽ tiếp lên.

Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch, phá được chốt đầu cũng là chốt chính, lấy được một cây 61 ly và gây cho 6 Cộng quân tử thương, trong đó có một C trưởng (đại đội trưởng). Đại Úy Phan Thái Bình đọc cho tôi nghe mấy câu thơ đề sau tấm hình một người con gái trong túi áo của C trưởng:
Ngày nào trái đất ngừng xoay
Trái tim ngừng đập, tình này vẫn yêu

Chốt đầu tiên là chốt chỉ huy, có dây điện thoại thả dài vào trong rừng để gọi pháo. Chiếm được chốt này cũng như đập được đầu rắn, Tiểu Đoàn 62 tiếp tục một cách hữu hiệu, toán đi trước đánh chốt, chiếm chốt, toán đi sau đến giữ chốt cho toán trước đánh tiếp lên. Và như con sâu đo, những chiến sĩ gan lì của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân đã làm sạch sẽ "khúc xương khó nuốt" trong vòng 2 ngày, bắt tay với căn cứ hỏa lực 41.

Tướng Trần Văn Hai từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II gọi xuống khen:
- Anh Hai cho 3 ngày, mấy em làm có 2 ngày. Giỏi.
Những ngày sau đó, trận chiến bắt đầu chuyển động. Với sự yểm trợ của Không Quân, 3 ngày sau, Tiểu Đoàn 62 bắt tay được với Tiểu Đoàn 96. Quốc Lộ 14 bắt đầu khai thông. Các đơn vị ở dưới đánh lên, trên Chu Pao đánh xuống, nắm lại được cái đòn gánh, mà hai gánh hai đầu là Pleiku và Kontum.
Kiều Mỹ Duyên

No comments: