Monday, December 13, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh Chương 18 - Nhớ Rừng (Tống Lê Chân)

Buổi sáng ngày 16 tháng 5 năm 1973, một buổi lễ kỷ niệm 8 năm thành lập Sư Đoàn 18 Bộ Binh được tổ chức trọng thể dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu IIỊ Các đơn vị kết nghĩa, các vị Mạnh Thường Quân của Sư Đoàn 18, các đại diện của các quân binh chủng Hải, Lục, Không quân, các đại diện của ngoại giao đoàn... đến tham dự rất đông đảo.

Sau 8 năm trưởng thành trong khói lửa, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng. Tính đến ngày hôm nay, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã được 4 lần tuyên dương công trạng trước Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mang dây biểu chương màu Quân Công Bội Tinh. Đặc biệt hai năm gần đây, Sư Đoàn 18 đã tạo thêm được nhiều chiến tích đáng kể và được thêm 3 lần tuyên dương công trạng nữa.

Trong dịp này, Tư Lệnh Quân Đoàn III/Quân Khu III, Trung Tướng Trần Văn Minh trả lời các câu hỏi của bŸo chí về vụ tiền đồn Tống Lê Chân đang bị địch quân vây hãm như sau:
- Tống Lê Chân là một tiền đồn khó chiếm được trước ngày ngừng bắn. Việt Cộng lợi dụng sau ngày ngưng chiến đã trắng trợn tấn công căn cứ này. Ta có nhiều biện pháp để giải tỏa Tống Lê Chân, như tiếp tế bằng thả dù, nhưng lương thực ở đây đã dự trữ đủ ăn 3 tháng. Việt Cộng mong cắt đường tiếp tế của ta, ta chỉ phản ứng tự vệ, không vi phạm hiệp định ngưng bắn. Sức pháo của Việt Cộng đã giảm hai phần ba Mình thả bom chung quanh để tiêu diệt pháo của địch và giải tỏa lần lần. Tóm lại, Tống Lê Chân bây giờ không có gì trầm trọng lắm.

Tướng Minh cũng cho biết, đến hôm nay chưa thấy triệu chứng gì để nói là Cộng quân sẽ đánh lớn ở Quân Khu 3 trong mùa mưa này.


Tống Lê Chân là điểm sôi động nhất sau ngày ký kết hiệp ước ngưng bắn. Căn cứ này đang bị bao vây bởi một trung đoàn Cộng quân. Địch pháo vào như mưa, ngày này tiếp ngày khác. Gia đình binh sĩ trú đóng ở Tống Lê Chân đã được di tản ra khỏi vùng lửa đạn. Một số được đưa về trại gia binh Phan Hạnh. Một số được đưa về làng cô nhi Long Thành. Những người vợ, những người mẹ vừa hãnh diện với sự chiến đấu của chồng, của con mình tại tiền đồn Tống Lê Chân, nhưng đồng thời họ cũng phập phồng lo sợ từng giây, từng phút cho sự an nguy của những người thân yêu nhất đời mình đang tử thủ tại một tiền đồn xa xôi hẻo lŸnh, ngày đêm chịu từng cơn mưa pháo long trời, từng đợt tấn công lở đất của địch quân. Trấn đóng tiền đồn Tống Lê Chân là Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng, đa số binh sĩ của tiểu đoàn này là người Thượng.

Khi chúng tôi đến trại Phan Hạnh, trong hội trường đã đầy những gia đình binh sĩ từ Tống Lê Chân di tản về, Áo quần còn lem luốc bụi đường. Trẻ con đông hơn người lớn. Những em còn bé được các bà mẹ đai sau lưng, các bà ngồi bẹp trên nền nhà nói chuyện với nhau, nét mặt người nào cũng có vẻ âu sầu. Tôi chợt thấy một người đàn bà trẻ đứng dựa tường khóc rưng rức một mình. Người đàn bà có nước da thật trắng, nổi bật trong bộ bà ba màu đen, tóc đen mướt xõa dài. Người thiếu phụ này có dáng dấp của một nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Tôi đến bên cạnh chị hỏi thăm, chị cắn môi cho khỏi khóc nữa và tâm sự:

- Ba má tôi bị kẹt ở Bình Thạnh, Bình Long rồi không biết sống chết ra sao.
Chị là vợ của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Nhơn đang đóng ở Tống Lê Chân. Chị nói tiếp:
- Tôi còn bốn đứa em ở đó, không đứa nào chạy thoát. Việt Cộng giữ lại hơn một năm rồi mà không có tin tức gì. Bây giờ tôi ở đây có một mình với đứa con nhỏ 4 tuổi, không có thân nhân nào hết.

Chị Nhơn vừa khóc vừa kể, hai mắt chị đỏ hoe:
- Chồng tôi đang đánh nhau ở Tống Lê Chân, tôi không nỡ bỏ anh mà đi, nhưng bị pháo quá, chồng tôi bảo tôi bồng con đi cho anh an tâm chiến đấu. Tất cả gia đình binh sĩ đều phải đi. Ngày đầu lên một chiếc C130, ngày sau có 4 chiếc Chinook đến chở tiếp. Hô đi là lên máy bay đi liền, chỉ kịp bồng con và mang theo mấy bộ quần áo.

Chị Út, vợ của Thượng Sĩ Mai Văn Út thấy đồng tình, đồng cảnh, góp chuyện:
- Ba má chồng tôi cũng vậy, bị kẹt hết rồi. Việt Cộng nó giữ lại, không cho ai đi hết. Tôi dọ hỏi hoài mà không được tin tức nào cả.
Một bà khác than:
- Về đây khổ quá cô ơi. Thứ gì cũng phải muạ Không có điện, buổi tối phải thắp đèn cầy hoặc đèn dầu. Nước đi gánh từng đôi mà phải trả tiền cho chủ giếng nữa, 40 đồng một phi. Nếu nước chuyền đến nhà thì 70 đồng một phi. Tôi ở núi rừng quen rồi, muốn dùng bao nhiêu nước cứ ra suối, đâu có tốn đồng nào, về đây thứ gì cũng tốn.

Các bà tụ lại từng nhóm nhỏ, tâm sự với nhau về mỗi hoàn cảnh riêng của gia đình, hỏi thăm nhau về những thắc mắc trong cuộc sống tạm hôm nay. Những người đàn bà Thượng không nói được tiếng Việt ngồi với nhau thành một nhóm, họ ít nói, nét mặt người nào cũng có một vẻ buồn sâu kín. Họ lạc lõng giữa đám đông trong hội trường.


Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân Biên Phòng có trại gia binh ở ngay trong căn cứ Tống Lê Chân. Khi căn cứ này bị pháo kích dữ dội, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng phải cho di tản các gia đình binh sĩ đi nơi khác để cho anh em binh sĩ rảnh tay và yên tâm mà chiến đấu với quân thù.
Các gia đình ở Tống Lê Chân được đưa về ở nhờ trong trại gia binh Phan Hạnh của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Trại Phan Hạnh có điện nước, nhưng không đủ cho những gia đình mới đến. Trại Phan Hạnh ở trên một ngọn đồi cao, nên vấn đề dẫn nước lên thật là một việc rất khó khăn. Nếu không đào giếng trong trại, thì nước sẽ rất khan hiếm.
Trong đám mấy bà đang đứng góp chuyện với nhau, tôi chợt thấy một em bé đứng cạnh đó lắng tai nghe người lớn nói chuyện. Em đứng một mình, có vẻ bơ vơ giữa đám đông. Tôi đến bên em hỏi thăm:
- Em nói được tiếng Việt không?
- Dạ được, cháu là người Việt.
Tôi thấy mến em ngay vì cách ăn nói lễ phép của em:
- Em bao nhiêu tuổi rồi? Em tên gì và ba má em ở đâu?
Đứa bé có đôi mắt thật to, nói chuyện rất chững chạc:
- Cháu tên Lan, 13 tuổi. Ba má cháu chết rồi. Ba cháu chết ở Tống Lê Chân. Cháu có 6 đứa em nhỏ, má cháu dẫn các em cháu chạy trước, cháu chạy theo sau, rồi bị lạc. Sau nghe nói má cháu bị pháo kích chết. Còn các em cháu bây giờ không biết ở đâu.
Tôi xoa nhẹ lên mái tóc em và muốn nói với em một lời an ủi, nhưng rồi tôi không nói được một câu nào. Tôi nghĩ khi tôi mở miệng nói ra một lời an ủi nào đó, thì không biết là em bé Lan này, hay chính tôi, ai sẽ là người khóc trước. Tôi nhìn em, giữa đám người chạy loạn đó, em thật quá nhỏ bé và tuổi đời của em còn quá sớm để phải gánh chịu một sự bất hạnh lớn lao như thế.
- Bây giờ em ở với ai?
- Cô áo đen kia nuôi em.
Người đàn bà mặc áo đen mà em bé chỉ cho tôi là vợ của Thượng Sĩ Danh Quang. Chồng chị vẫn đang chiến đấu ở Tống Lê Chân. Ngày đêm chị van vái Trời Phật cho chồng chị được bình yên trước lằn tên, mũi đạn.

 Những người đàn bà Thượng có vẻ buồn bã hơn, hình như họ không hoà hợp được với khung cảnh ở đây. Một bà nói với tôi:
- Chồng tôi chết trận rồi. Hai đứa con, một đứa chết, còn một đứa này.
Bà chỉ vào đứa con đang đai trước ngực. Hình như đứa nhỏ đang bệnh. Tôi đặt tay lên trán em, thấy nóng hừng hực. Tôi hỏi:
- Sao chị không đưa cháu đi bác sĩ?
- Nó không đau gì, vì nó nhớ rừng đó. Chúng tôi ở đây bệnh quá.
Những người Thượng ở đây, qua câu chuyện, ai cũng nhắc đến rừng xanh. Họ mới xa rừng mấy ngày mà đã thấy nhớ rừng đến bệnh rồi. Rừng xanh gắn liền với cuộc sống của họ. Biệt Động Quân Biên Phòng là hậu thân của Lực Lượng Đặc Biệt. Đa số người Thượng thích vào Lực Lượng Đặc Biệt, vì vào lực lượng này, họ được sống tại quê cha đất tổ của họ, được sống với rừng xanh, với thiên nhiên và với đồng bào của họ.

Phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung cùng quý vị phu nhân, là những Mạnh Thường Quân của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, bắt đầu phát quà cho các gia đình binh sĩ từ Tống Lê Chân về đây tạm cự Mỗi gia đình được một phần quà gồm có một ngàn đồng tiền mặt và chiếu, soong, nồi, chén bát... Phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung nói:
- Bao giờ Việt Cộng còn ý định xâm lăng miền Nam, các anh chiến sĩ tử thủ Tống Lê Chân còn hăng say chiến đấu, là chúng tôi còn chia xẻ niềm kiêu hãnh và lo âu với các chị em.
Sau khi phát quà xong, các bà ngồi lại thảo luận để tìm cách giúp đỡ cho 80 gia đình cũng từ Tống Lê Chân được đưa về tạm trú tại làng cô nhi Long Thành. Những gia đình người Thượng về đây, hầu hết đều cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Họ khó lòng hoà hợp được với cuộc sống của những người ở thành phố. Họ nhớ mái nhà sàn, họ nhớ miếng rẫy, họ nhớ rừng xanh, họ nhớ chồng, nhớ cha, nhớ con của họ đang ngày đêm chiến đấu ở Tống Lê Chân. Họ mong sớm được trở về. Chúng ta chia xẻ với họ những tâm sự đó, và mong có thể mang đến cho họ những nụ cười.

Đó là những mong muốn đơn giản mà phu nhân của Trung Tướng Trần Văn Trung bày tỏ và đang cố gắng thực hiện. Từ lâu nay, bà vẫn âm thầm nhưng rất tích cực trong các công tác xã hội và từ thiện. Một người có tâm hồn đẹp như phương danh của mình: Nguyễn Hoài Nam. Nghe nói ngày xưa bà cũng là một trong những người đẹp của đất Thần Kinh.
(còn tiếp)

No comments: