Tuesday, February 14, 2023

Khát vọng hòa bình của người lính VNCH qua ‘Đêm Nguyện Cầu’ của Lê Minh Bằng

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Khát vọng hòa bình của người lính Việt Nam Cộng Hòa được thể hiện một cách trung thực và đầy nhân tính qua nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu,” sáng tác đầu tay của nhóm nhạc Lê Minh Bằng.

Tờ nhạc “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng. (Hình: Tài liệu)Người dân Việt Nam Cộng Hòa chỉ mong muốn được sống trong hòa bình để phát triển kinh tế và vui hưởng nền tự do, dân chủ. Dù phải cầm súng chiến đấu trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975) để bảo vệ miền Nam đang bị quân Cộng Sản đe dọa, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn luôn khao khát hòa bình sớm trở về trên mảnh đất quê hương đang bị chiến tranh tàn phá.

Trong khi đó, tham vọng của đảng Cộng Sản Việt Nam là giành cho bằng được độc quyền cai trị toàn cõi Việt Nam với bất cứ giá nào thông qua việc đưa quân Cộng Sản Bắc Việt vào đánh chiếm miền Nam tự do.

“Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi/ Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối/ Tôi đi chinh chiến bao năm trường rồi miệt mài/ Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai.”

Trong một phút giây nào đó giữa cuộc đao binh, người chiến sĩ Cộng Hòa bỗng lắng lòng suy gẫm lại để thấy rằng cuộc chiến tranh Quốc-Cộng trên đất nước Việt Nam đã để lại quá nhiều vết thương trần ai trên thân thể Mẹ Việt Nam.

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu/ Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu/ Bâng khuâng nghe súng vang xa mờ buồn gục đầu/ Nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn u sầu.”

Khi chợt nghe những hồi chuông vang vọng về rừng sâu từ những ngôi nhà thờ xa xa, người lính chiến đã phải gục đầu, nhỏ lệ xót thương khi biết rằng chừng nào mà súng còn nổ thì thanh bình vẫn chưa trở về trên quê hương, và đất nước Việt Nam vẫn cón phải tiếp tục đắm chìm trong muôn vàn đau thương, khổ lụy.

“Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này/ Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài/ Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn/ Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền/ Vì đất nước đang còn ưu phiền/ Còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên.”

Thượng Đế có thấu chăng, trên mảnh đất Việt Nam này, bao phen rồi người dân đã phải đứng lên hy sinh chiến đấu để chống lại bọn giặc thù đang giày xéo quê hương mình. Từ cõi thiên không, xin người hãy lắng nghe tiếng kêu gào hòa bình của người dân miền Nam hiền hòa, bởi vì hễ còn chiến tranh thì vẫn còn nhiều tiếng khóc trong đêm trường.

“Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu/ Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu/ Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình/ Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?”

Những hồi chuông thanh thoát từ chốn giáo đường trang nghiêm đang vọng về nơi rừng sâu, núi thẳm, khiến tâm hồn người chiến sĩ nơi sa trường phải thổn thức đến rớm máu khi nghĩ tới kẻ nào đã nhẫn tâm gây cuộc đao binh để gieo tang tóc, hận thù cho dân tộc Việt Nam tội tình đến thế. Biết đến bao giờ bao giờ hòa bình mới trở lại trên quê hương dấu yêu đây?

***

Có thể nói nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng đã phản ảnh những lời tâm huyết của các anh chiến sĩ Cộng Hòa tại miền Nam tự do, và đó là lòng khao khát một nền hòa bình thật sự cho đất nước và dân tộc Việt Nam sau khi đất nước đã bị chia đôi và dân tộc bị chia rẽ vì những hận thù dựa trên các ý thức hệ ngoại lai.

“Đêm Nguyện Cầu” ra đời hồi năm 1966, tức là chỉ sáu năm sau khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam chính thức bắt đầu, với kẻ gây chiến là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Cộng Sản Bắc Việt dựng nên để giành lấy “chính nghĩa” cho cuộc xâm chiếm và Cộng Sản hóa miền Nam Việt Nam.

Dù bằng lòng cầm súng xông ra chiến trường để tham gia vào cuộc chém giết bạo tàn, người lính Cộng Hòa, trong những phút giây lắng đọng tâm tư, vẫn cảm thấy đau xót vô cùng cho cuộc đao binh không biết tới bao giờ mới chấm dứt, nhất là đêm đêm khi nghe tiếng vọng hòa bình từ những gác chuông nhà thờ vang lên, xuyên qua rừng sâu, núi thẳm. Xót xa và buồn đau đến nỗi người chiến sĩ phải “gục đầu, nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn u sầu.”

Vì không phải là những kẻ vô thần, người lính Việt Nam Cộng Hòa cất tiếng kêu gào: “Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này nhiều sóng gió trôi giạt lâu dài.” Rồi họ cùng nhau cầu nguyện cho đất nước sớm chấm dứt cuộc đao binh và hòa bình được vãn hồi, bởi vì hễ còn chiến tranh thì đất nước còn bị tàn phá, và hận thù, chết chóc, chia lìa vẫn còn, “còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên.”

Và người lính đầy nhân tính ấy đêm đêm vẫn nghe như “hồn khóc đến rướm máu” khi chắp tay nguyện cầu cho hòa bình trở lại trên đất mẹ mến yêu. Rồi anh tự hỏi “Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình/ Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?”

Bìa nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng. (Hình: Tài liệu)

***

Lê Minh Bằng là một nhóm sáng tác nhạc tình và “nhạc lính” được thành lập năm 1966 và hoạt động đến năm 1975. Lê Minh Bằng là tên ghép từ bút hiệu của ba nhạc sĩ thành viên: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

Nhạc sĩ Anh Bằng có tên thật là Trần An Bường (1926-2015) và quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông di cư vào Sài Gòn năm 1954. Khi sang Hoa Kỳ, Anh Bằng tiếp tục hoạt động âm nhạc và sáng lập trung tâm Asia tại California.

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ (1930-1975), thuộc dòng dõi hoàng tộc và sinh tại Nha Trang. Ông từng phục vụ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là đại úy. Ông mất trong trại “cải tạo” của Cộng Sản ngày 31 Tháng Tám, 1975.

Nhạc sĩ Lê Dinh có tên đầy đủ là Lê Văn Dinh (1934-2020) và quê quán tại làng Vĩnh Hựu thuộc tỉnh Gò Công. Ông ghi theo học hàm thụ âm nhạc với trường École Universelle de Paris khi còn học trung học. Lê Dinh là trưởng Phòng Văn Nghệ đài Phát Thanh Sài Gòn từ năm 1958 cho đến Tháng Tư, 1975. Khi ra hải ngoại, ông định cư tại Canada.

Nhóm Lê Minh Bằng có đường lối sáng tác phục vụ cho mọi đối tượng. Nhạc phẩm đầu tiên của nhóm là “Đêm Nguyện Cầu.”

Tuy ký tên chung Lê Minh Bằng nhưng phần nhiều các sáng tác đều là của nhạc sĩ Anh Bằng, với sự góp ý và chỉnh sửa của Lê Dinh và Minh Kỳ. Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, nhóm còn dùng các tên Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ, Ngọc Văn, Hoàng Liên, Thương Linh…

Năm 2006, trung tâm Asia thực hiện chương trình Asia 52 “Huyền Thoại Lê Minh Bằng” để vinh danh sự kết hợp tuyệt vời giữa ba nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam.

Năm 1979, sau khi đã định cư ở Hoa Kỳ, Anh Bằng thực hiện những băng nhạc cassette với tên Lê Minh Bằng do trung tâm Thanh Lan độc quyền phát hành. Dần dần, ông đổi tên băng nhạc thành Sóng Nhạc, Dạ Lan rồi phát triển thành trung tâm Asia, sử dụng những bài hát cũ của nhóm Lê Minh Bằng và những bản nhạc chọn lọc của các nhạc sĩ danh tiếng cùng một số ca khúc do mới sáng tác tại hải ngoại.

Các ca khúc nổi bật ký tên Lê Minh Bằng bao gồm “Đêm Nguyện Cầu” (1966), “Bài Ca Ngày Cưới” (1967), “Mộng Bay Cao,” “Người Về Sau Cuộc Chiến” (1972), “Những Ngày Giông Bão”…

Những ca khúc tiêu biểu khác của nhóm ký tên Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh là “Chuyện Tình Lan và Điệp 1, 2, 3,” “Chuyện Tình Trương Chi Mỵ Nương,” “Hai Mùa Mưa”…

Những ca khúc ký tên Mạc Phong Linh gồm “Chuyện Tình Ngưu Lang Chức Nữ,” “Giáo Đường Chiều Chủ Nhật” (Lê Dinh – Mạc Phong Linh), “Suối Nguồn Từ Bi” (Anh Bằng – Mạc Phong Linh), “Viết Từ KBC”…

Những ca khúc ký tên Mai Bích Dung là “Cho Người Tình Nhỏ” (1974), “Linh Hồn Tượng Đá” (1970)…

Những ca khúc ký tên Dạ Cầm bao gồm “Chuyện Ba Mùa Mưa” (Minh Kỳ – Dạ Cầm), “Dòng Suối Tương Tư,” “Đà Lạt Hoàng Hôn” (Minh Kỳ – Dạ Cầm), “Nếu Anh Đừng Hẹn,” “Ngày Tròn Tuổi Lính” (Lê Dinh – Dạ Cầm), “Tâm Sự Của Em” (Lê Dinh – Dạ Cầm), “Thương Về Miền Đất Lạnh,” “Tiếng Hát Hậu Phương”…

Những ca khúc ký tên Vũ Chương gồm “Bốn Ngã Đường Quê Hương,” “Chuyện Một Đêm,” “Đám Cưới Nhà Binh” (Minh Kỳ – Vũ Chương), “Lính Độc Thân” (Minh Kỳ – Vũ Chương), “Nụ Hoa Chưa Nở” (Minh Kỳ – Vũ Chương), “Sài Gòn Thứ Bảy” (1967), “Tình Đời” (Minh Kỳ – Vũ Chương), “Thương Vùng Hỏa Tuyến” (Anh Bằng – Vũ Chương)…

Những ca khúc ký tên Dạ Ly Vũ gồm “Hồi Tưởng” (1967), “Một Chuyến Xe Hoa”…

Những ca khúc ký tên Tôn Nữ Thụy Khương gồm “Mưa Trên Phố Huế” (Minh Kỳ – Tôn Nữ Thụy Khương), “Người Em Vỹ Dạ” (Minh Kỳ – Tôn Nữ Thụy Khương)…

Những ca khúc ký tên Huy Cường bao gồm “Ai Nói Với Em” (Minh Kỳ – Huy Cường), “Tâm Sự Của Em” (Anh Bằng – Huy Cường), “Thiệp Hồng Báo Tin” (Minh Kỳ – Huy Cường)…

Nhóm Lê Minh Bằng (tên ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng ghép thành). (Hình: Tài liệu)

Những ca khúc ký tên Trúc Ly gồm “Áo Đẹp nàng dâu” (Anh Bằng – Trúc Ly), “Nàng Áo Tím” (Anh Bằng – Trúc Ly), “Nhật Ký Của Hai Đứa Mình” (Anh Bằng – Trúc Ly), “Sau Ngày Hành Quân” (Lê Dinh – Trúc Ly)…

Những ca khúc ký tên T.H. gồm “Căn Nhà Ngoại Ô” (Anh bằng – T.H.), “Ngoại Ô Buồn” (Anh Bằng – T.H.)… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng

Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối
Tôi đi chinh chiến bao năm trường rồi miệt mài
Và hồn tôi mang vết thương vết thương trần ai

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu
Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Bâng khuâng nghe súng vang xa mờ buồn gục đầu
Nghẹn ngào nghe non nước tôi trăm ngàn u sầu

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền
Vì đất nước đang còn ưu phiền
Còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu
Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?

No comments: