Sau khi thỏa hiệp Paris ký kết, Mỹ xuống thang chiến tranh. Dân sự bị thương cũng giảm. Các bác sĩ AMA giảm dần. Ban mê Thuột rồi Pleiku mất. Cao nguyên di tản. Quảng trị, Thừa thiên mất. Những ngày cuối tháng ba, 1975, Đà- nẵng đầy người chạy giặc. Cộng sản có biết tại sao mà lắm người sợ họ thế? Ông bác tôi đã từng nếm mùi trại giam cộng sản, đã đứng tim chết khi nghe cộng sản trở lại. Cha tôi cũng thế. Lính khắp nơi ùn về đầy đường. Tôi gặp một tiểu đội Địa phương quân. Họ vẫn còn kỷ luật lắm. Anh tiểu đội trưởng đi đầu, súng mang trên vai. Các đội viên đi hàng một, mũi súng chúc xuống đất. Chắc họ từ một đồn nhỏ ở ngoại ô vào thành phố. Mắt họ buồn và sợ sệt. Họ đi mất hút ở cuối đường. Có súng nổ lẻ tẻ. Xe tăng, súng ca-nông bỏ lại trên đường phố. Dân sự di tản từ Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi, ngủ trên lề đường.
Một thiếu phụ gia tài chỉ là đôi thúng gánh trên vai. Trong mỗi thúng là một em bé 2 đến 4 tuổi. Rất nhiều gia đình đã đi bộ vượt đèo Hải vân 20 km đường dốc núi. Bên Sơn Chà xe nhà binh nghẹt đường. Ngoài bờ biển, bến cảng mọi người ùn ra tìm ghe để có thể ra tàu lớn đậu ngoài khơi. Gia đình tôi lên phi trường. Lúc gần đến, gặp cả đoàn xe cộ của một ông tướng sư đoàn cũng chạy giặc, phải tránh ra bên đường, nhường cho họ qua. Ngay cổng phi trường, xe dân sự xếp hàng dài hai bên đường. Chỉ đi bộ vào cổng. Một ký giả ngoại quốc chận tôi lại phỏng vấn. Tôi đã nói gì, bây giờ chẳng nhớ. Song một người bạn ở Thụy sĩ lúc đó có thấy tôi xuất hiện trên truyền hình. Máy bay hàng không dân sự đã ngừng bay. Một nhóm người thiện chí đứng ra liên lạc với Saigon. Họ tổ chức ra máy bay trong trật tự. Có hai chuyến cất cánh suôn sẻ. Song Việt cộng bắt đầu pháo kích vào phi trường. Mọi người tìm chỗ núp, rồi ùn ùn rời phi trường vì Saigon cho biết là máy bay không ra nữa.
Chúng tôi đi bộ về nhà. Nửa đường gặp xe của một nha sĩ bạn. Anh ta chở gia đình tôi về đến nhà. Súng lính vất lại, nghẹt cả đường cống sâu trước nhà. Vào nhà, vợ tôi chia cho mỗi đứa con một xách áo quần và một ít tiền. Tất cả quỳ xuống trước bàn thờ Chúa. Nhà tôi dặn: “đang loạn lạc như thế nầy, chúng ta có thể bị ly tán. Nếu may ra các con đi chung với nhau, nhớ đứa lớn che chở đứa bé. Anh em nhớ yêu thương nhau”. Thấy cảnh đau lòng, tôi rời nhà lên bệnh viện, định phi tang những bài viết chống cộng mà tôi bỏ lại ở văn phòng, trong ấy có một bài đả kích Hồ chí Minh. Vào hành lang, thấy người ta nằm la liệt. Kẻ thủng bụng, ruột lòng thòng. Người bể đầu, gãy tay chân, băng quấn sơ sài, đẫm máu. Một bạn giáo sư trung học, ôm chầm lấy năn nỉ:
“vợ tôi bị bắn thủng ruột đã 6 giờ rồi, chưa được ai chăm sóc”. Lúc ấy nhà thương không còn một bác sĩ nào cả. Tôi ghé văn phòng làm việc trống trơn, huỷ diệt bức thư điều trần, đưa kế sách cứu miền Nam, và những bài báo chống Cộng do tôi viết. Tôi xé nhỏ, bỏ vào nhà cầu và dội nước. Xong tôi vào khu giải phẫu. May sao nhân viên còn tại chỗ một nửa. Tôi cho mang vợ người bạn vào mổ. Sau đó các ca khác lại tuần tự mang vào. Chiều hôm đó BS Phạm văn Lương vào phòng mổ thăm tôi. Tôi hỏi sao không lo trên BV Duy Tân mà xuống đây. Ông y tá trưởng nói nhỏ vào tai tôi là BS Lương nay làm thị trưởng, đi thị sát BV toàn khoa đó. Sau nầy tôi mới biết là BS Lương được tỉnh hội Phật Giáo đưa lên làm thị trưởng Đà-Nẵng trong những ngày cuối tháng ba, 1975 (đài BBC có loan tin).
Một mình mổ đến chiều hôm sau thì ông y tá trưởng gỏ cửa phòng mổ và nói: “có ông sĩ quan cách mạng nói bác sĩ hãy ngừng mổ cho dân sự, và mổ cho các chiến sĩ cách mạng bị thương”. Hỡi ôi, thế là cộng sản đã vào thành phố! Tôi nói với ông y tá trưởng là cứ ca nào nặng thì đem vào trước, không phân biệt dân sự, cách mạng. Đó là va chạm đầu tiên mà sau nầy tôi bị kiểm điểm là có lập trường nhân đạo chung chung, không có quan điểm cách mạng. Chừng 10 ngày sau, thì các bác sĩ cách mạng ở trên núi xuống tiếp thu bệnh viện. Lúc đó các ca cấp cứu đã giải quyết xong. Cả khu giải phẩu nhận giấy khen của Ủy ban quân quản Đà-nẵng là đã có công trong sự ổn định y tế thành phố.
Các bác sĩ bị kẹt lại dần dà đến nhận việc và được gọi là lưu dung. Xưa kia đi làm hơi tùy tiện vì đôi khi phòng mạch tư nhiều khách. Nay ai đến cũng đúng giờ. Bắt đầu là giao ban, toàn thể bác sĩ họp lại với bác sĩ giám đốc để trình bày phiên trực ngày hôm trước, nghe chỉ thị mới và phê bình những thiếu sót nếu có. Cách làm việc nặng phần trình diễn, phí phạm thì giờ. Sau giao ban, đi khám bệnh phòng rồi đi mổ những ca lên chương trình từ cuối tuần trước. Có điều đặc biệt là bác sĩ cách mạng chuồn đâu mất lúc 10 giờ sáng. Tìm không ra. Sau nầy hỏi ra mới biết đó là thói quen đã có tự ngoài Bắc. Vì sáng không ăn, hoặc ăn ít nên 10 giờ đói, phải tìm chỗ kín nằm nghĩ. Có một bác sĩ thuốc mê đã được đào luyện ở Tiệp khắc, được nhân viên phòng mổ cho ăn xoài. Anh ta trầm trồ khen ngon hết lời vì chưa bao giờ nếm thứ trái cây ngon như thế. Một anh khác kể là ngày Tết được chia bồi dưỡng một gói tiêu nhỏ. Về nhà rủi làm đổ. Phải thắp đèn lên kiếm từng hạt. Họ nói ở ngoài Bắc nghe tuyên truyền là trong Nam cực khổ lắm. Bây giờ mới tỉnh ngộ. Vào Saigon chơi về, họ khoe là như ra ngoại quốc. Nói là phồn vinh giả tạo, song toàn là đồ thiệt đẹp và tốt.
Những ngày đầu tháng tư, 1975, các bác sĩ VC trên núi về, tiếp thu TTYTTK Đà-Nẵng và Bệnh viện Đức. Họ chỉ lo về hành chánh, chứ chuyên môn thì đợi các bác sĩ Hà-Nội vào. Về giải phẫu thì họ chỉ đứng xem Vài người tỏ ra hiếu học, vào phụ mổ với các bác sĩ lưu dung. Tôi nhớ có Bác sĩ cấp bậc Đại úy, vào phụ tôi để tái tạo một ống chân vỡ nát vì mìn. (Hắn ta là bác sĩ riêng cho thầy cũ Tám Trinh, nay đổi tên Nguyễn xuân Hữu, Phó bí thư đảng bộ Liên khu V. Phải mất ba giờ và nhiều cố gắng mới giữ được cái chân. Cuối ca mổ, đáng lý nói: ca nầy khó ác liệt, tôi tự nhiên buông câu nói theo thói quen: ca nầy khó ác ôn côn đồ Việt Cộng. Anh ta nhìn tôi không nói gì. Các y tá quanh tôi đều sửng sốt. Không biết anh ta có báo cáo gì không. Song sau nầy không thấy ai nhắc đến chuyện đó.
Trong suốt hơn một năm làm việc với CS, tháng ngày cũng qua nhanh, vì rất bận rộn. Những ngày đầu, mổ liên miên để giải quyết xong nhiều ca cấp cứu, Những tháng kế tiếp là mổ cho dân quê trở về làng khai khẩn nhưng đồng ruộng bỏ hoang trong chiến tranh, vướng phải mìn hay đạn ca- nông chôn dưới đất. Giải phẫu tái tạo tiếp theo cho những tật nguyền do vết thương chiến tranh gây ra. Ngoài ra nào giao ban, nào học chính trị mỗ tuần vài lần. Làm việc trong không khí u uất, vì nghe lắm lời phi lý, ngu xuẩn của bọn cán bộ, lắm chế độ hà khắc, kiểm soát tư tưởng, việc làm, những tranh cãi lý thuyết v.v..
Bất hạnh thường không đến một mình. Đã buồn bực vì phải kẹt ở lại với CS, lại càng buồn thêm vì sự ra đi của người cha thân yêu. Ngày tôi chở vợ con lên phi trương để di tản, tôi đã năn nỉ cha mẹ tôi cùng đi, nhưng cha tôi một mực từ chối vì ông đã bị bại hai chân từ ba năm nay, hậu chứng xuất huyết não, và phải di chuyển trên xe lăn. Ông không muốn là gánh nặng cho tôi. Mẹ tôi thì chỉ chịu đi khi cha tôi cùng đi, vì bà phải săn sóc cha tôi tật nguyền. Khi chúng tôi không di tản được, từ phi trường trở về, hai ông bà đã khóc sướt, và lo cho tương lai chúng tôi. Hai ngày sau cha tôi chết êm thấm. Ông đã bị đứng tim trong giấc ngủ. Buổi sáng mẹ tôi mang sửa lại cho ông uống, thì thấy ông nằm bất động, tay chân lạnh ngắt. Cũng như bác tôi, cha tôi vì sợ quá, tim già đã ngừng đập khi nghĩ đến những hình phạt khủng khiếp trong tù CS. Mặc dù mới trải qua một cuộc đổi đời chưa hết bàng hoàng, tôi vẫn tổ chức ma tang thật chu đáo, với rất nhiều bà con thân thuộc theo linh cữu ra nghĩa địa. Tôi phải mướn nhiều xe ca, trong khó khăn hiện tại. Cha ơi, xin yên nghỉ bằng an trong nước Chúa.
Lúc say sưa làm việc những năm chiến tranh, theo lời khuyên của một bác sĩ Mỹ, tôi gom góp hồ sơ các ca chữa thương với đầy đủ phim, ảnh, ghi chú theo dõi. Ông cho tôi một máy ảnh, và tôi thuê một thợ chụp ảnh phụ tá cho tôi chụp hình bệnh nhân trước và sau khi mổ, diễn tiến bệnh khi nằm tại nhà thương và tái khám. Hồ sơ được lưu trữ trong một căn phòng lớn của bệnh viện. Tôi định khi nào rảnh rỗi sẽ viết bài, dựa trên nhận xét lâm sàng để rút ra những kết luận hữu ích. Hai tháng sau khi cộng sản vào, thấy rảnh, tôi xuống phòng lưu trữ hồ sơ thì thấy các hộc trống trơn. Hỏi ra mới biết là tổ nhà bếp trên núi xuống nấu cơm cho bệnh nhân, vì thiếu củi đun, nên lấy hồ sơ nhóm lửa. Bao nhiêu tâm huyết đổ sông. Xưa kia nhà thầu cung cấp cơm nước cho bệnh nhân. Họ đâu có nấu nướng trong bệnh viện.
Tôi có nhiều giấc mơ đơn giản. Song đều thất bại. Lúc còn hoạt động trong đoàn Sinh viên công giáo, có đọc thuyết “Kinh tế và nhân bản” ( économie et humanisme) của cha Lebret, có dự định cùng các bạn đồng chí hướng lập những đoàn thiện chí gồm nhiều chuyên viên về thôn quê chia sẻ đời sống của nông dân. Bác sĩ lo chữa bệnh, truyền bá vệ sinh. Kỷ sư nông nghiệp, cơ khí, chăn nuôi, tìm cách nâng cao sản xuất. Tổ chức hợp tác xã, tiếp xúc với công ty ngoại quốc, tìm thị trường, vốn đầu tư..mong cho dân giàu, nước mạnh. Song khi ra trường, thì chiến tranh tràn lan, thôn quê không còn an ninh.
Cuối năm 1974, thấy tình hình miền Nam sắp có nguy cơ rơi vào tay Việt cộng, mà trí thức thì chơi mạt chược và trùm chăn quá nhiều, định đi khắp các tỉnh, diễn thuyết, kết hợp những người thiện chí, cố nỗ lực tối đa để trong sạch hoá bộ máy chính quyền, tất cả mọi người có thể cầm súng được phải chia phiên nhau ra trận. Không có nạn con ông cháu cha. Trí thức phải xuống xã ấp, phá vòng vây nông thôn bao vây thành thị. Chính phủ tuyên bố tình trạng quốc gia lâm nguy, đóng cửa Trung học và Đại học. Đưa người qua Mỹ diễn thuyết hầu giành hậu thuẫn dân Mỹ. Nếu cần cầu viện Tây âu. Sắp xếp các ý tưởng, trình bày trong một bức thư điều trần gửi quốc hội và tổng thống với đề tài “Tổ Quốc lâm nguy, đề nghị biện pháp giải cứu”. Giáng sinh 1974, tôi vào Sài-gòn, đưa thư điều trần cho bạn bè xem, song không ai hưởng ứng, vì họ đoan chắc với tôi là Mỹ sẽ không bỏ miền Nam. Sau đó tình hình Miền Nam suy sụp quá nhanh. Tuy thế lúc Việt cộng vào, đã có người muốn lập công, đưa cho chúng tài liệu, nên bị hạch hỏi. Phải làm kiểm điểm vài lần, nhận có nêu lên vấn đề, song chưa phổ biến sâu rộng. Cuối cùng muốn viết vài bài về chuyên môn mình cũng không được, vì tài liệu đã bị đốt cháy ra tro.
Khi sang Canada, đi Mỹ chơi gặp một đồng nghiệp cũ ở Bệnh viện Đà-nẵng, nay hành nghề ở Westminster, Cali. Anh ta nói với tôi: “người chống cộng có hệ thống như anh, thì lại kẹt ở lại. Còn lè phè như chúng tôi, thì lại thoát. Oái ăm thiệt!”
Kể ra cũng tại số mình long đong, chạy trời không khỏi nắng. Tôi đã bỏ lở nhiều dịp may: năm 1973, cộng đồng người Hoa ở Đà-Nẵng muốn có một nhà thương riêng cho họ, nên dạm hỏi tôi có muốn bán dưỡng đường của tôi với giá 20 triệu. Vì đang làm ăn phát đạt tôi từ chối. Nếu tôi chịu bán, tôi sẽ trích ra độ một triệu, mua thông hành cho cả gia đình, lấy cớ đi Mỹ học rồi ở lại luôn. Một bác sĩ bạn tôi đã ra đi như thế.
Cuối 1974, nhân có người cháu, Đại uý lái phi cơ trực thăng, đóng ở Cần thơ, chuyển về không đoàn I. Anh ta nhờ tôi xin về xưởng sửa chữa trực thăng, vì thấy đi bay, có nhiều hiểm nguy. Nhờ quen biết tôi đã thoả mãn cho anh ta. Nhận thấy miền Nam sắp mất, tôi bảo anh ta sửa chữa thật tốt một trực thăng, đổ đầy nhiên liệu, sẵn sàng chở gia đình anh ta với gia đình tôi đi Sài gòn hoặc Thái Lan, khi Đà- Nẵng có nguy cơ mất. Hôm 27-03-75, vì quen biết với gia đình Giám đốc Hàng không Việt Nam Đà-Nẵng, chúng tôi được họ mời chia xẻ một chuyến bay chót đặc biệt dành riêng cho gia đình họ. Trong khi chờ đợi máy bay từ Sài-gòn ra, tôi đến thăm người cháu gần đó, để xin ít nước uống cho các con tôi, vì đêm qua ra đi vội vã quên mang nước theo. Vào nhà tôi thấy gia đình nó chuẩn bị lên trực thăng mà tôi đã dặn để dành cho việc tẩu thoát, nếu Đà-Nẵng mất. Nó nói: “con có điện thoại lại nhà dượng, kêu dượng lên đi, nhưng không ai trả lời. Thế bây giờ dượng đi với chúng con?”. Tôi từ chối vì cho rằng đi máy bay tiện lợi hơn là trực thăng. Tôi trở lại với gia đình và ra ra sân bay, vì máy bay đã đáp xuống ở một chỗ hẹn trước. Nhưng chuyến bay ấy bị quân nhân phi trường tước đoạt. Cảnh súng bắn đì đoàng, người đạp lên người, chen lấn lên máy bay, làm cả hai gia đình chúng tôi đứng xa mà ngó. Cuối cùng máy bay cất cánh có cả người đeo tòn teng vào bánh xe, rụng rơi dần. Cùng lúc ấy, đạn pháo Việt cộng nổ gần phi đạo chúng tôi hoảng hốt dắt díu nhau chạy. Sau nầy gặp lại ở Mỹ, nó tiếc hùi hụi là hôm đó trực thăng nó trực chỉ Sài-gòn mà không có gia đình ông dượng ân nhân, có sáng kiến hay.
Cơ hội chót là ngày 29-03-75 vẫn còn một bác sĩ Mỹ, môn đồ Quaker, sang Đà-Nẵng làm từ lâu, với tư cách cá nhân, và anh ta không chịu di tản, chỉ ưng ở lại làm việc truyền đạo, chia ngọt bùi với bệnh nhân khu bài lao. Máy bay từ hạm đội Mỹ không ngại hiểm nguy đáp xuống trên nóc bệnh viện Việt Đức. Hai lính Mỹ vào mời bác sĩ ấy ra đi, nhưng anh ta một mực từ chối. Khi thấy tôi đi ngang qua, anh ta kéo tôi vào và năn nỉ tôi đi theo trực thăng ra tàu hạm đội Mỹ. Nhưng lúc ấy gia đình tôi không có mặt ở đó và tôi không muốn ra đi một mình, nên cũng từ chối. Nếu ngày ấy tôi ra đi. Sang Mỹ trở lại nghề và phát đạt, sẽ có phương tiện bảo lãnh cho gia đình qua sau, chậm lắm là vài năm sau và thoát đi tù cải tạo 12 năm. Nhưng đó chỉ là nếu, thực tế thì bi thảm vô kể.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
No comments:
Post a Comment