Thursday, January 6, 2022

Những Mảnh Đời Rách Nát Chương 11 - Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển - Chương 11 Quê hương tôi, một miền đất khổ (Viết lại theo lời kể của Đoạn Trường, phế binh Biệt Kích Mỹ cụt hai chân, và người con trai cả hiện cư ngụ tại Bà Rịa, Vũng Tàu. )

 

Tôi sinh ra và lớn lên tại xã An Hảo, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, một tỉnh miền Trung nước Việt. Với cái tên hiền hòa Bình Định, quê hương tôi đúng ra là một miền đất khổ. Thời nào cũng vậy, người dân quê làm thì rất nhiều nhưng ăn chẳng được bao nhiêu, đất cày lên sỏi đá, quanh năm làm lụng ăn chẳng đủ no. Thêm vào đó là tai trời ách nước, mỗi năm không biết bao nhiêu cơn bão phủ xuống đầu dân quê, lũ lụt, hạn hán phá hoại mùa màng. Rồi chiến tranh và bệnh tật, trong suốt 500 năm qua vùng đất Bình Định không biết đã trải qua bao nhiêu lần chinh chiến, dân chúng gánh chịu không biết đau thương và tang tóc. Không một gia đình nào, một người Bình Định nào không có một gia phả đau buồn. Mỗi lần thiên tai và chiến tranh đi qua, bệnh tật và chết chóc lại xuất hiện. Sống mãi với bất hạnh, bất hạnh trở thành quen thuộc.

Ngày xưa (1471) vua Lê Thánh Tông mang quân vào đánh Chiêm Thành, rồi chiếm thành Đồ Bàn (Vijaya). Có lẽ đây là vùng đất bất an và loạn lạc nên vua Lê mới đổi tên thành Bình Định, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ Bình Định có được bình yên và ổn định, chiến tranh và loạn lạc là bạn đồng hành của người địa phương. Nhiều người nói dân Bình Định đang trả cái giá về những hận thù mà cha ông ngày trước đã gây ra? Điều này tôi không dám lạm bàn, chỉ xin kể đôi lời về nỗi gian truân trong cuộc sống của tôi.

Sống triền miên trên miền đất khổ, đời sống tuy có nghèo cực nhưng người dân Bình Định luôn luôn bất khuất. Không thời nào không có những người dám đứng lên đương đầu với bạo quyền, trừ gian diệt bạo. Mặc dù vậy, người dân Bình Định rất yêu chuộng công bằng và lẽ phải, luôn luôn đáp lời sông núi, sẵn sàng bảo vệ quê hương và những lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống. Trực diện thường xuyên với nỗi hiểm nguy, người dân Bình Định luôn nêu cao tinh thần thượng võ: “Ai về Bình Định mà coi, đàn bà cũng biết cầm roi đi hườn”. Tài nguyên duy nhất nơi đây là dừa, những rừng dừa xanh bát ngát trải dài từ Tam Quan đến tận Sa Huỳnh, mang bóng mát cho những làng chài lưới ven duyên. Cho nên đã có câu “Công đâu, công uổng, công thừa, công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”.

Cha tôi người làng Phú Trung, vì gia đình nghèo khó nên phải rời làng lên lập nghiệp ở xã An Nghĩa, nơi đây ông gặp mẹ tôi cùng lập gia đình. Nhưng rồi chiến cuộc lan tràn, đời sống khó khăn, ông mang cả gia đình về lại quê cũ, rồi theo phong trào Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Trong một trận đánh tại đèo Mang Yang năm 1954, ông chẳng may bị quân Pháp bắn chết, mẹ tôi đau thương buồn tủi dẫn tôi về quận Hoài Nhơn. Đời sống gia đình vốn đã khó khăn nay càng khốn khó, bà phải ngày đêm vất vả nuôi tôi nên vóc nên người nhưng vì sức già yếu đuối chẳng bao lâu sau lâm bệnh nặng rồi qua đời. Năm đó tôi vừa 10 tuổi.

Tôi sống trong cảnh mồ côi, sống nhờ sự thương yêu và đùm bọc của ông bà nội. Tôi theo nghiệp nông gia, làm lụng vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng vẫn cố bám lấy quê cha đất tổ. Sống trong cảnh thái bình được một vài năm, chiến tranh lại bùng nổ. Năm 1960, quân cộng sản từ miền Bắc xâm nhập vào các thôn xóm phát động khởi loạn. Quê hương tôi một lần nữa đắm chìm trong khói lửa chiến tranh, lòng người chia rẽ. Thanh niên miền rừng núi thoát ly theo cộng sản, thanh niên vùng đồng bằng gia nhập quân đội quốc gia. Anh em, bạn bè ngày trước trở thành thù địch, quay mặt bắn giết lẫn nhau, gây bao đau thương tang tóc cho mỗi gia đình.

Năm 20 tuổi, tôi gia nhập lực lượng Biệt Kích tại quận Hoài Nhơn. Vừa vào quân ngũ, tôi được người Mỹ huấn luyện qua loa cách sử dụng các loại vũ khí tối tân trong một căn cứ gần quận Phù Cát, rồi sau đó đưa đi tác chiến. Vì không phải là thành phần quân đội chính qui, chúng tôi không có số quân và cũng không có thẻ bài, người nào chẳng may tử trận hay bị thương tật không tác chiến được nữa thì lãnh 12 tháng lương rồi cho giải ngũ. Chấm hết. Không có sổ tướng mạo quân vụ hay có tên trong sổ quân bạ. Có anh vào lính ngày hôm trước, ngày hôm sau gia đình đã lãnh tiền tử. Binh chủng chúng tôi có tên gọi là Lực Lượng Đặc Biệt hay Biệt Kích Mỹ, một đội quân cảm tử chuyên nhảy bằng trực thăng xuống những mật khu cộng sản trong vùng rừng núi phía Tây Bình Định, đánh phá xong là được trực thăng đến bốc về ngay. Cấp chỉ huy của chúng tôi gồm cả người Mỹ lẫn người Việt.

Thế là tôi lao vào cuộc chiến hành quân liên miên. Tuy biết là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhưng vì muốn bảo vệ quê hương chúng tôi quyết ngăn chặn bước chân quân thù. Lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ nhảy vào các mật khu, gài mìn đường mòn Hồ Chí Minh, đánh sập cầu cống và công sự chiến đấu, phá hủy các kho đạn và kho gạo, vì với những cơ sở hạ tầng và phương tiện này địch quân sẽ dùng để đánh phá, sát hại thêm đồng bào vô tội. Vì quy luật sinh tồn, chúng tôi phải lanh tay lẹ mắt, mưu mô giống quân du kích cộng sản nếu không sẽ bị tiêu diệt. Đối với những người cộng sản, chúng tôi là “biệt kích Mỹ ác ôn”, kẻ thù không đội trời chung. Người nào chẳng may bị cộng quân bắt sống khi bị thương hay trực thăng không đến bốc kịp thì kể như đời tàn, cái chết ghê rợn đã được dành trước.

Dân chúng miền quê cũng thường bị chết lây vì bom đạn của hai bên. Lăng tẩm, miếu đường, kỳ quan, di tích, cả hàng dừa rợp bóng quê hương xác xơ trong khói lửa chiến tranh. Làng tôi cũng không tránh khỏi cảnh đạn bom, không những thế mà còn bị cày xới nhiều lần. Nước mắt và tiếng than van người dân Bình Định vang dội cả bầu trời xanh. Quê hương tôi loang lỗ hố bom, nhà tan cửa nát, tang tóc bao trùm. Nghĩa địa nào cũng đầy nghẹt mộ bia. Vào rừng một vài bước đã gặp cái chết, chết vì dẫm phải mìn, bị bắn sẻ hay lọt vào các bẫy sập. Các làng mạc vắng bóng thanh niên, chỉ còn lại các cụ già, phụ nữ và trẻ em cày sâu cuốc bẫm dưới ánh nắng chói chang trên các rẫy bắp, nương khoai. Đời sống thật là cơ cực.

* * *Bạn bè, đồng đội tôi lần lượt nằm xuống. Rồi một ngày kia đến lượt tôi. Đó là ngày 8 tháng 10 năm 1966, tiểu đội tôi gồm bảy người được trực thăng vận thả xuống một vùng rừng núi quanh thôn Đại Định, xã An Hòa, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi trực thăng chở một tiểu đội, lần này chúng tôi đi trên mười trực thăng, tức một đại đội. Chúng tôi có nhiệm vụ gài mìn con đường mòn tiếp tế từ miền Bắc vào. Đây là một địa điểm giao liên chiến lược của cộng quân trước khi phân tán đạn dược xuống vùng đồng bằng. Bằng mọi giá chúng tôi phải phá tan chốt này. Tiểu đội tôi ai nấy đều trang bị đầy mìn và chất nổ, ba lô ai cũng nặng trĩu quân cụ.

Đổ bộ bằng trực thăng vận là chiến thuật mà các tướng lãnh Hoa Kỳ gọi là chiến thuật “mưa chớp đầy trời”. Trước khi đổ bộ, máy bay oanh tạc, trọng pháo ầm ầm nả xuống, trực thăng “rắn hổ mang” Cobra bay lượn chung quanh địa điểm đổ quân bắn rốc két và đại liên như mưa vào những bụi rậm, ụ đất tình nghi có quân địch nấp rồi mới đổ bộ. Chiến thuật này không thể thất bại, khu vực đổ quân phải được dọn sạch trước khi nhảy xuống. Nếu không có những tên phản bội làm nội gián báo trước cho địch quân thời gian và địa điểm đổ quân để ẩn trốn trước thì chúng tôi không bị hao tổn nhân mạng như lần này.

Tiểu đội vừa nhảy hết xuống, đội hình chưa kịp dàn ra thì súng đại liên và CKC của địch từ ba hướng thi nhau khạc đạn, những tràng lửa đỏ bắn xối xả vào đội hình phe ta. Thêm vào đó là đạn cối của đối phương từ xa dội tới ầm ầm trên đầu chúng tôi. Chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích, địa điểm đổ quân bị lộ, địch quân đã biết trước. Một chiếc trực thăng bị trúng đạn cối nổ tan tành. Những chiếc Cobra tiếp tục bay lượn khạc đạn giải vây. Tiếng ầm ầm vang dội khắp nơi, khói lửa bốc lên mịt mù, đất bụi văng tứ tung. Đội hình chúng tôi rối loạn, từng người, từng người một lần lượt ngả xuống, máu thịt văng vãi tứ tung. Viên trung sĩ Mỹ, tiểu đội trưởng của tôi, ngã gục đầu tiên, kế là anh giữ máy truyền tin. Một viên cố vấn Mỹ, cấp bậc trung úy, từ phía sau bò lên chụp máy gọi về hậu cứ tiếp viện giữa tiếng súng đạn. Mùi thuốc súng trộn lẫn mùi thịt khét và máu tanh tạo mùi tử khí ghê rợn. Tôi nằm úp mặt sát đất, nghe ngóng tình hình và tìm chỗ núp nhưng… không kịp. Một tiếng “ầm” khô khan vang lên bên cạnh, tôi chỉ kịp thấy đất bụi văng lên. Thân tôi hình như bị hất lên khỏi mặt đất rồi… không còn biết gì nữa.

Không biết thời gian trôi qua bao lâu, tôi mơ màng nghe có tiếng rên siết từ xa vọng lại. Tôi có cảm giác như đang hít thở một không khí mát mẻ pha lẫn mùi ê te. Thân thể tôi đau đớn nặng nề, tứ chi không cực cựa nổi. Tiếng rên siết, kêu la càng lúc càng rõ bên tai làm tôi dần dần hồi tỉnh và mở mắt ra. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bốn bức tường sơn trắng và những bóng đèn màu xanh phát ra một thứ ánh sáng mờ ảo, ảm đạm. Tôi thắc mắc không biết mình đang ở nơi đâu.

Liếc nhìn xuống thì thấy hai tay tôi bị băng bó, những dây ống nhựa chằng chịt quanh người. Tôi thử nhúc nhích mấy ngón tay thì thấy chúng cực cựa khó khăn. Nhúc nhích mấy ngón chân, tôi không cảm thấy gì. Ngạc nhiên, tôi nhìn xuống dưới thân thì, hỡi ơi, chỉ còn hai khúc băng trắng xóa dính máu đỏ ở mỗi đầu. Tim tôi co thắt lại. Thôi rồi, tôi bị người ta cưa mất hai khúc chân. Tôi thử cử động lần nữa hai chân để xem có đúng sự thật hay không thì quả như vậy, tôi bị cưa mất hai chân rồi. Hai khúc chân cụt ngủn, nằm trong cuốn băng trước mắt.

Suốt ba tháng trời trăn trở với cơn đau trong quân y viện dã chiến của Mỹ, tôi được trả về đơn vị chủ quản tại quận Hoài Nhơn. Nằm được năm hôm, viên đại úy chỉ huy đơn vị kêu tài vụ trả cho tôi 12 tháng lương rồi cho về nhà. Thật là giản dị, mất sức chiến đấu thì cho về vườn. Tôi không được cấp một mảnh giấy nào khác để xác nhận bị thương.

Làm gì với tấm thân tàn này? Buồn và nhục thay cho kiếp phế binh. Phép màu khiến tôi tồn tại cho đến ngày hôm nay là nhờ vào tấm lòng chung thủy sắt son của vợ tôi, một người đàn bà suốt đời chỉ biết tảo tần, chạy vại thương chồng, nuôi con, không hề than thở một lời. Vợ tôi chỉ biết khóc thương cho thân tôi, rồi ân cần chăm sóc tôi tới ngày vết thương lành hẳn.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt, chết chóc, tang thương bao trùm đất nước. Gia đình nào cũng có con đi lính, trai tráng trong làng không theo phe này cũng theo phe kia. Vùng quê tôi đã nghèo nay càng xác xơ. Nông dân mất đất trồng cây, vườn tược, ruộng nương đều là bãi chiến trường, không nơi nào còn được an toàn.

Vợ tôi làm lụng ngày một cực khổ hơn, tôi chỉ biết đau xót thương yêu và buồn tủi cho số phận. Đến năm 1973, không kham nổi cảnh khổ tại quê nhà, tôi cùng vợ và hai con thơ ngậm ngùi rời miền quê cha đất tổ, bồng bế nhau cùng với số đông bà con hàng xóm vào Nam lập nghiệp.

Chúng tôi đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp, người cày có ruộng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một chương trình mới ký sau Hiệp định Paris trong mục đích giành dân giữ đất. Chính phủ cung cấp cho mỗi gia đình một căn nhà gỗ xây tạm bợ trên một mảnh đất cùng một số tiền, rồi mỗi gia đình tự túc khai thác sinh nhai. Gia đình chúng tôi được đưa đến Ấp Tân Khai 1, tỉnh Bà Rịa, lập nghiệp. Các loại ấp tân khai trong giai đoạn này vừa là nơi sinh sống vừa là công sự phòng chống quân cộng.

Đất khách quê người, chúng tôi lạ người, lạ cảnh, lạ cả phong tục và thủy thổ. Thêm vào đó là ngôn ngữ bất đồng, người ta cứ chọc ghẹo nhại cách phát âm của chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ biết im lặng và chịu đựng. Vợ tôi một lần nữa ra tay khai phá rừng chồi, cuốc đất trồng khoai cho chồng con có cái ăn, cái mặc. Tôi chỉ có thể phụ giúp những việc vặt vãnh như nhổ cỏ, lên liếp trồng mì, khoai lang, dựng dàn bầu mướp, nuôi gà , đan lát tre mây và canh chừng trẻ nhỏ.

“Đất cũ đãi người mới”, cuộc sống đi dần vào ổn định. Gia đình chúng tôi là những người may mắn vì sống được nơi vùng đất xa lạ này, nhiều gia đình khác kém may mắn hơn. Có người đã bỏ thây trong chốn núi rừng vì không chịu nổi sơn lam chướng khí và bệnh tật, nhiều người đỏ bỏ về quê hoặc đi nơi khác. Ấp tôi quy tụ rất đông bà con di dân từ quận Hoài Nhơn vào Nam lập nghiệp. Chúng tôi sống quây quần bên nhau, giúp đỡ và canh chừng lẫn nhau nên cuộc sống cũng bớt phần hiu quạnh. Những buổi chiều chúng tôi hẹn nhau ra bãi cỏ ngồi tán gẫu, nhắc lại những kỷ niệm xưa hay chỉ vẻ cho nhau những kỹ thuật trồng trọt khoai sắn, bắp rẫy, v.v…

Hai con tôi, một trai một gái, lần lượt lớn lên. Đứa con gái giống tính mẹ nó, cần cù, đảm đang và chịu đựng; thằng con trai thì hăng say lao động, thay mẹ làm việc nặng nhọc, nhờ đó vợ tôi bớt phần cực nhọc. Hai trẻ rất là ngoan hiền, đó là niềm an ủi lớn cho cả gia đình. “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão”, trong thời buổi khó khăn này gia đình nào có con đông tuy phải mệt nhọc lúc chúng còn nhỏ dại nhưng là một bảo đảm khi chúng lớn lên. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, con trai của tôi cũng vừa tới tuổi trưởng thành, chúng tôi mừng rỡ vì nó không phải đi lính, như vậy cũng bớt lo cho mạng sống của nó. Kể ra chúng tôi thật là may mắn, nhiều gia đình hàng xóm có con tới tuổi đi quân dịch nhiều đứa đã không trở về.

Sau ngày 30-4-1975, đường lối chính sách của nhà cầm quyền mới hoàn toàn thay đổi, cuộc sống trở nên khó khăn. Gia đình tôi thường xuyên ăn độn ngô khoai cho đỡ đói và cứ sống như vậy cho tới ngày hôm nay. Tại nơi tôi ở, nhiều gia đình khác từ các thành phố lớn lên đây lập nghiệp, nhiều vùng kinh tế mới được thành lập chung quanh để đón nhận số người này. Thật là tội nghiệp, tôi đã chứng kiến những thanh niên thiếu nữ chưa bao giờ biết cầm rựa đốn cây, cầm mai cuốc đất, sống vất vả trong chốn rừng sâu. Nhiều người đã đến nhà tôi để học nghề làm rẫy, trong số này có nhiều gia đình phế binh. Dần dần các anh em phế binh tại đây kết hợp lại, thành lập một chi bộ đế sinh hoạt và đùm bọc lẫn nhau. Những tin tức liên quan đến hoàn cảnh các anh em phế binh từ các thành phố lớn lan về đây nhanh chóng.

Nghe đồn các anh em phế binh ở thành phố Sài Gòn được các hội đoàn, ân nhân, mạnh thường quân ở nước ngoài gửi tiền quà về giúp đỡ, cuộc sống của họ đỡ phần cơ cực. Một vài anh phế binh tốt bụng từ thành phố về chơi, thấy hoàn cảnh thương tật của chúng tôi, chỉ cho anh em chúng tôi phương cách xin trợ giúp. Nghe nhiều anh em phế binh kể lại, anh Nguyễn Văn Tân một phế binh ở làng dưới có viết thư liên lạc với một số hội đoàn và ân nhân tại hải ngoại. Theo lời kể lại, muốn được giúp đỡ, chúng tôi phải gởi ra hải ngoại các giấy tờ chứng thương để làm bằng chứng.

Vết thương thì tôi có nhưng giấy tờ thì không vì tôi là biệt kích Mỹ, không có số quân cũng không có sổ quân bạ. Khi bị cưa chân, người ta đã trả cho tôi 12 tháng lương rồi cho giải ngũ, sau đó là hết. Kể cũng buồn, nhưng đó là chuyện đã qua. Tôi không được cấp sổ trợ cấp phế binh và cũng không được hưởng những tiêu chuẩn ưu đãi dành cho thương phế binh miền Nam cũ. Bây giờ tìm đâu ra giấy tờ chứng thương để xin đồng bào hải ngoại trợ giúp, như vậy là tôi không hội đủ tiêu chuẩn để xin. Qua bao đêm trăn trở, hơn nữa lúc này kinh tế gia đình tôi quá khốn khó, tôi đánh bạo lặn lội hỏi thăm và tìm đến nhà anh Tân xin được hướng dẫn.

Vào được nhà anh Tân tôi đâm thất vọng. Tôi cứ hình dung anh Tân là người có nhiều quan hệ với cộng đồng người Việt hải ngoại thì gia đình anh chắc sẽ khá lắm. Nào ngờ nhà anh không khác gì nhà tôi, gia đình anh Tân đông con cái chen chúc ở trong một căn nhà lá rách nát, từ nhà trong ra đến nhà ngoài không nơi nào không lỗ chỗ ánh nắng từ mái nhà dọi xuống. Trong nhà không có một món chi đáng giá, thậm chí không có cả bàn ghế để tiếp khách. Anh viết lách, tiếp khách ngay trên bộ ngựa. Tôi thầm nghĩ gia cảnh anh như vậy, lo còn không nổi thì còn giúp gì được ai. Nhưng khi tiếp xúc với tôi, nghe anh hỏi thăm cặn kẽ từng chi tiết, từ quê hương xứ sở đến cuộc đời binh nghiệp, đơn vị và những người đã từng chỉ huy tôi trước kia, bị thương tật trong hoàn cảnh nào, được điều trị ở đâu và giải ngũ ra sao. Có những việc tôi quên, anh nhắc nhở gợi lại cho tôi từng chi tiết nhỏ, đúng là tư cách của một cựu sĩ quan.

Sau lần trao đổi đó, tôi rất hy vọng vì nhận ra anh Tân là người biết nhiều và cẩn thận. Người mà anh giới thiệu cho tôi là ông bác sĩ Phan Minh Hiển, Hội Médecins du Vietnam tại Pháp. Vì theo anh, ông bác sĩ Hiển là một con người nhơn hậu đã từng giúp đỡ rất nhiều anh em phế binh tại quê nhà và rất được anh và anh em phế binh tại quê nhà kính trọng. Chính anh Tân cũng được ông bác sĩ Hiển tặng cho một chiếc xe lắc tay. Anh vừa nói vừa chỉ cho tôi thấy chiếc xe dựng trong một góc nhà. Điều mà tôi tin tưởng và cảm động là anh nhiệt tình viết đơn cho tôi mà không nhận một đồng bạc nào, đến điếu thuốc của tôi mời anh cũng không hút. Tôi ra về với niềm hy vọng tràn trề.

Đơn xin trợ cấp của tôi vừa được gởi đi thì hơn 20 ngày sau tôi nhận được thư báo ông bác sĩ Hiển sẽ cho tôi 270 F. Tôi mừng run lên và bối rối vì không biết làm cách nào để nhận số tiền đó. Nhận ở đâu, trị giá của 270 F được bao nhiêu tiền Việt Nam? Những câu hỏi đó làm tôi hồi hộp và lúng túng. Đến khi nhận được giấy báo lãnh tiền, 270 F trị giá hơn sáu trăm ngàn (600.000) đồng, cả nhà chúng tôi hân hoan vô tả. Nhất là vợ tôi, một người đàn bà quanh năm, suốt tháng chỉ biết làm lụng vất vã, chắt chiu từng đồng xu, cắc bạc, nay đột nhiên có một số tiền quá lớn trong tay giữa lúc gia đình đang lâm cảnh túng thiếu, đúng là một phép lạ, không có lời nào tả xiết. Chúng tôi chỉ biết tạ ơn Trời Phật đã tìm người nhơn đức giúp đỡ gia đình.

Việc đầu tiên gia đình tôi nghĩ đến là gia đình anh Tân, chúng tôi tìm cách đền ơn đáp nghĩa một người cũng lâm vào cảnh khốn khó như mọi người khác nhưng đã tận tình giúp đỡ đồng đội vượt qua cơn khó. Anh Tân nghe tôi kể được ông bác sĩ Hiển trợ giúp, anh mừng lắm. Đến khi nghe tôi đề cập đến tiền trà nước, anh thẳng thắn trách tôi: “Chúng mình đều là nạn nhân của cuộc chiến, giúp đỡ nhau là bổn phận. Mình là chiến hữu đồng cam cộng khổ, đừng để chuyện trà nước xen vào tình anh em, nó làm mất đi nghĩa tình cao đẹp. Chỉ mong anh ráng sử dụng đồng tiền đó cho hợp lý để khỏi phụ lòng những vị ân nhân đã tận tình giúp đỡ mình”. Tôi cúi đầu bẽn lẽn xin anh Tân tha lỗi.

Sau đó tôi nhờ anh thảo thư cảm ơn ông bác sĩ Hiển cùng vị ân nhân là bà Trương Quế Vinh ở Mỹ. Từ đó tôi thường tới lui thăm viếng anh và được anh Tân giúp đỡ thêm bằng viết thư đến các hội đoàn và các ân nhân khác xin trợ giúp. Tôi lần lượt được các ông bà Như Ngọc, Lê Đình Vọng, Hải Lăng ở Mỹ, v.v… cho tiền cứu trợ. Thật là vui sướng. Tôi cảm thấy chân trời rực sáng, gia đình tôi đã được cứu rỗi. Thêm vào đó, ông bác sĩ Hiển còn vận động kêu gọi các vị ân nhân khác trợ giúp cho cháu nội tôi (8 tuổi) học đến hết đại học, ôi còn diễm phúc nào bằng. Trước mặt tôi bóng đêm mờ xóa, bình minh đang ló dạng đón chào ánh sáng tình người. Tôi đã sử dụng đồng tiền trợ giúp của ân nhân vào việc canh tác trồng trọt, chăn nuôi. Vợ cũng bớt vất vã, con cháu hăng say học tập, không khí gia đình vui tươi đầm ấm. Quý vị ân nhân đã kéo bức màn đen tối phủ kín cuộc đời chúng tôi, kể từ đây chúng tôi dám sống trong hy vọng, tin tưởng ngày mai xán lạn. Nhìn đàn con cháu lớn lên trong sự vô tư, lòng tôi vô cùng vui sướng, nỗi buồn số kiếp phế binh mờ dần trong tâm tưởng, nhân phẩm đã tìm lại được. Vạn tạ ơn Trời Phật.

Tôi muốn hét lên thật to: “Chân thành cảm tạ ân sâu nghĩa nặng của ông bác sĩ Hiển, của quý vị ân nhân ở hải ngoại. Quý vị đã đem đến cho gia đình tôi luồng sinh khí mới, quý vị đã thương yêu và đùm bọc gia đình chúng tôi. Tôi chỉ biết nói hai chữ cảm ơn vì không tìm được chữ nào cao quý ngang tầm ân đức của quý vị. Cầu chúc gia quyến quý vị ân nhân gặp vạn sự lành, sức khỏe quý vị ân nhân luôn khang kiện, hoàn thành mỹ mãn công đức từ thiện giúp đời, cứu người”.

* * *

Như đã nói, đứa con đầu lòng của tôi trưởng thành theo thời gian. Nhờ số tiền các ân nhân gởi về, tôi không cho nó tiếp tục nghề nông và gởi nó đi theo bạn chài nghề đánh cá. Con trai tôi đã lập gia đình và có một đứa con. Hai vợ chồng chúng nó đã ra ở riêng, cách nhà tôi độ năm cây số. Từ hơn một năm qua, con trai của tôi được đội tàu đánh cá thu nhận vào làm công. Sau đây là mẫu chuyện mới nhất do nó kể lại, xin hiến cùng quý ân nhân:

Ngày 31-10-1997, tôi lại ra khơi đánh bắt thủy hải sản như thường lệ. Sau khi lấy sở tổn đầy đủ: than, gạo, rau, me, hành, ớt, mắm, muối…, thuyền trưởng kiểm tra toàn bộ máy móc: máy chính, máy phụ, máy đèn, máy định vị, địa bàn, máy liên lạc với tổng đài, các thứ đều tốt. Thuyền bắt đầu ra khơi. Trên thuyền, hai mươi ngư dân ai vào phận sự ấy. Với tâm trạng hăng hái, hy vọng tàu đánh bắt khá, đến mùa trăng tròn mọi người được chia tiền mang về nuôi sống gia đình, vợ con. Cùng ra khơi với thuyền tôi là thuyền của Tám Công, một chủ ghe ở Bà Rịa.

Mãi vui say với sống nước bao la, đúng 1 giờ sáng ngày 2-11-1997, tổng đài chính trong bờ thông báo: cơn bão số 5, tên quốc tế là Linda, đang tiến về phía bờ biển Việt Nam, sức gió rất mạnh, kèm theo mưa to gió lớn và có thể có cả sóng thần, tỉnh Bình Thuận đang bị cơn bão tàn phá nặng nề. Nghe tổng đài thông báo xong, ai cũng tưởng như mọi khi, có bão rồi cũng qua thôi, mặc dù vậy anh em trên tàu ai nấy cũng đều chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cơn bão.

Tờ mờ sáng ngày 2-10, trời có sắc lạ, kèm theo những cơn mưa nặng hạt, gió giật từng cơn mỗi lúc càng thêm mạnh. Những cơn sóng lớn phủ dập trước mũi thuyền, hông thuyền càng lúc càng bị lay mạnh. Trời đất tối sầm lại đến nỗi hai thuyền cách nhau khoảng 20 thước mà không còn thấy nhau nữa. Sóng to gió lớn liên tục phủ xuống, những hạt mưa to nặng nề trút xuống. Mọi người trên thuyền ai nấy đều lo âu. Lần này không còn giỡn mặt được nữa, bão đến thật rồi. Ai vào phận sự nấy, khẩn trương đương đầu với bão. Điện đài lúc rõ lúc không. Đài chính trên bờ phát ra liên tục tín hiệu kêu thuyền cấp tốc vào đảo Côn Sơn tránh bão.

Tiếng gió, tiếng mưa và tiếng sóng ào ào phủ dập vào thuyền. Tiếng người trên thuyền gào thét giữa tiếng vang dội của cơn bão, không ai còn nghe gì rõ nữa. Bỗng một ai đó trên thuyền kêu lên: “Thuyền Tám Công chìm rồi, mau đến cứu hộ!”. Thuyền trưởng tôi vội pha đèn lên, thuyền tôi trồi lên trụt xuống giữa các đợt sóng lớn cao hơn một vài tầng nhà. Sau rồi chúng tôi cũng thấy lấp loáng được hơn hai mươi người đang ôm những thùng nhựa vùng vẫy giữa biển khơi mịt mù sóng gió. Thuyền trưởng vội lái thuyền đến vớt những người bất hạnh. Chúng tôi thi nhau tung dây xuống biển, ai đu được dây thì đu. Nhưng hỡi ơi, thuyền tôi mỗi lúc càng bị sóng đánh bạt sang hướng khác. Chúng tôi chỉ kéo lên được tám người, những người xấu số kia bị cuốn theo dòng nước. Càng cố lái về vị trí cũ thuyền cứ bị sóng đánh bạt sang hướng khác.

Trong cảnh trời đất mịt mùng đó, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng người kêu cứu, nhưng chúng tôi không biết họ đang ở hướng nào và thuyền cũng không còn điều khiển nổi để đến cứu họ vì cơn bão quá mạnh. Chúng tôi chỉ còn cách giữ máy thuyền nổ đều và để cho con nước cuốn đi. Sóng vẫn to, gió vẫn giật, tiếng rít vang dội hòa lẫn với tiếng gào thét kêu cứu từ xa nhưng chúng tôi đành bất lực. Bất thần một con sóng thần cao bằng ngôi nhà năm tầng phủ ập thẳng xuống tàu, thuyền tôi chìm hẳn xuống nước một vài phút mới trồi lên lại, tất cả máy móc và đèn đuốc trên thuyền đều tắt ngấm. Thuyền trưởng cho kiểm lại số người trên tàu thì phát hiện hai người bạn chài vừa được cứu và một người của thuyền bị sóng cuốn đi, anh em dáo dát nhìn chung quanh không thấy gì cả, chỉ thấy sóng nước đe dọa. Thuyền bị ngập nước, lé đé sắp chìm. Ai nấy lo tuôn đồ xuống biển và chuẩn bị nhảy xuống biển. Trong cơn hỗn loạn, tiếng anh thuyền trưởng hô lên dõng dạc:

– “Anh em hãy bình tĩnh nghe tôi. Đừng rời khỏi thuyền. Rời thuyền lúc này là tự sát. Anh em không được di chuyển lộn xộn, thuyền sẽ chìm do sự mất bình tĩnh của anh em. Hãy cùng tôi vang vái ông bà, cầu nguyện ơn trên, Trời Phật sẽ độ cho chúng ta tai qua nạn khỏi. Anh em hãy bình tĩnh cùng nhau dùng vật gì có thể tát nước ra ngoài thì cứ dùng mà tát. Hãy tuôn những vật nặng trên thuyền xuống biển”.

Trước cơn cảnh sóng gió ba đào, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong chớp mắt mà anh thuyền trưởng vẫn bình tĩnh làm anh em tin tưởng. Mọi người ai cũng niệm Phật, van vái phép lạ xuất hiện. Một vài phút sau, con tàu đột ngột bị nước cuốn sang hướng khác. Mừng quá. Có một điều lạ là giữa lúc biển trời sóng mạnh, chỗ thuyền tôi trôi không gợn lên một con sóng nhỏ. Bẹ thuyền lúc này chỉ cách mặt người một vài ly, chỉ cần một gợn sóng nhỏ cũng đưa thuyền tôi chìm xuống biển vì đã lé đé rồi, mặc dù chúng tôi đã bỏ nhiều đồ vật xuống biển, kể cả lồng lưới nặng hàng.

Nhận thấy lời van vái linh nghiệm, không ai bảo ai mọi người đều dùng những gì có được trong tay cùng nhau tát nước, kể cả anh thuyền trưởng. Biển trời vẫn mù mịt, chúng tôi vừa lâm râm van vái vừa kiên trì tát nước. Hai anh thợ máy cũng khẩn trương xuống hầm máy sửa chữa, làm cho máy nổ lại. Độ hơn 5 giờ sau, nước trong thuyền vơi dần. Máy bơm bắt đầu nổ lại bơm nước ra ngoài, chúng tôi được dịp nghỉ tay, nước trong thuyền vơi thấy rõ, thuyền bồng bềnh nổi trên mặt nước và máy chính bắt đầu hoạt động trở lại. Chúng tôi thử liên lạc với tổng đài trên bờ và nghe tiếng trả lời. Thật là mừng. Thế là chúng tôi đã được Trời Phật cứu độ để cho sống sót, chỉ tội hai người bạn được vớt lên và một người bạn trên thuyền giờ đây chẳng biết ra sao, họ trôi dạc nơi nào, còn sống hay đã chết.

Theo lệnh của tổng đài, chúng tôi dò đường vào đảo Côn Sơn, sương mù giăng kín mặt biển. Dãy núi trên đảo lần lần hiện ra trong lớp sương mù, ai cũng mừng rỡ, thuyền tôi trực chỉ về đảo Côn Sơn. Cuối cùng chúng tôi vào được một bến cảng. Lúc ấy khoảng 6 giờ chiều ngày 2-11, sóng vẫn to, gió vẫn mạnh. Khi vào đến đảo, cảnh tượng hết sức hãi hùng. Tất cả thuyền đậu gần đảo đều đứt neo, trôi dạt khắp nơi, nhiều chiếc đã đụng vào nhau, chiếc chìm chiếc nổi. Đó đây rơi vãi những mảnh vụn của thuyền bè bị hư bể và rác rưởi chập chờn theo bọt sóng. Trên bến, thuyền này chồng cưỡi lên thuyền kia, có chiếc bị sóng đưa lên trên triền đá, kẹt cứng luôn trên đó. Những gốc dừa trên bờ bị trốc rễ nằm ngổn ngang trên mặt đất. Những dãy nhà xây dựng bằng vật liệu kiên cố cũng tróc nốc, những căn nhà che lợp bằng vật liệu nhẹ chỉ còn chơ vơ nền đất, đồ đạc rơi vãi lung tung. Đó đây lác đác một vài thây người, xác thân bầm dập vì bị thuyền đè hoặc bị va vào vách núi. Cách đó không xa, nhiều người đang khiêng những xác chết xếp hàng dài trong căn nhà đổ nát vừa được dọn dẹp. Chúng tôi không dám buông neo, cứ để máy chạy cầm cự với những đợt sóng dữ và thay phiên nhau canh giữ thuyền. Có người mệt quá té xỉu.

Trọn một đêm vất vả, sáng ngày 3-11, bầu trời quang đãng trở lại, gió giảm nhẹ, cơn bão đã qua đi. Chúng tôi được phép xuống bộ và chia nhau đi tìm trong số các tử thi xem có thấy xác người bạn trên thuyền cùng hai người bạn khác bị nước cuốn trôi ngoài khơi hay không. Đi qua những thi thể vô tri đó, tôi không khỏi mũi lòng. Ai là thân nhân của những người bạn xấu số này, gia đình có hay biết để đến nhận diện kịp thời hay không, hay họ sẽ được chôn vùi trên hòn đảo này. Tôi lang thang thơ thẩn giữa cảnh hoang tàn đổ nát, lòng rối như tơ vò. Mãi đến khi nghe có tiếng gọi tôi mới vội vàng quay lại thuyền. Anh em ở lại trên thuyền đang sửa soạn chuẩn bị đưa thuyền vào bờ sửa chữa, vá lại các lỗ hổng. Tôi cũng bắt tay vào việc nhưng tâm hồn bất an. Không biết giờ đây cha tôi trên bờ có bị gì không. Cha tôi là một phế binh cụt cả hai chân, không di chuyển được dễ dàng, liệu có bề gì không. Còn vợ tôi với đứa con còn nhỏ dại, làm sao đủ sức chống bão… Tôi làm việc như người máy. Sau vài giờ phụ giúp anh em, những lỗ hổng vừa vá xong. Đúng 2 giờ chiều cùng ngày, thuyền chúng tôi rời đảo Côn Sơn trực chỉ đất liền.

Trời quang, gió nhẹ, sau một đêm di chuyển thuyền chúng tôi bình yên trở về bến cũ. Lúc ấy đã khoảng 7 giờ chiều ngày 4-11-1997. Thuyền chúng tôi từ từ tiến vào bờ cùng với ba thuyền hộ tống, phòng có sự cố xảy ra cho thuyền chúng tôi. Vừa cập bến xong, thuyền trưởng liền ra lệnh kéo thuyền lên ụ sửa chữa. Một số anh em được phân công ở lại trông giữ thuyền, tôi cùng vài người khác thuê xe ôm cấp tốc chạy về nhà.

Vừa về đến nơi, sự kiện đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn, đổ nát. Căn nhà của chúng tôi vừa dựng lên cạnh mép bờ biển bị sụp đổ, nhà cửa tan hoang, vợ con tôi không biết đi nơi nào. Tôi rùng mình liên tưởng đến điều bất hạnh có thể xảy ra gia đình tôi. Tôi vội hỏi thăm mấy người hàng xóm còn đang thu nhặt những đồ đạc bị rơi vãi, họ cho biết hôm xảy ra cơn bão có người trông thấy bà nội các cháu xuống có lẽ rước vợ con tôi về làng trên. Tôi liền chạy bộ về nhà cha mẹ tôi cách đó độ vài cây số. Thật là sung sướng khi nhìn thấy cha mẹ, các em và vợ con tôi được bình yên. Căn nhà của cha mẹ tôi cũng không hơn gì căn nhà tôi ở bờ biển, cũng đổ nát nhưng đã được thu dọn lại gọn gàng, cha tôi lượm vài mảnh tôn che tạm để làm chỗ ngủ. Vạn tạ ơn Trời Đất đã phù hộ gia đình tôi được sống còn đầy đủ trước thiên tai khủng khiếp. Tôi vội chạy về Phước Tĩnh thông báo cho thuyền trưởng và được cho phép về sửa lại nhà vì ghe phải nằm ụ trên một tháng để tu sửa.

Sáng hôm sau, ngày 5-11, cả thị trấn Long Hải náo động vì tàu cứu hộ sẽ vào bến mang theo những nạn nhân bị đắm thuyền trong cơn bão. Thân nhân của những người đi biển kéo nhau ra trạm xá chờ chực cùng với một lực lượng lớn xe Hồng Thập Tự. Xe nào cũng có bác sĩ và y tá túc trực. Gần 8 giờ sáng, chuyến tàu đầu tiên cặp bờ. Dân chúng tụ tập hai bên đường ngóng trông. Ai cũng hy vọng trong đó có thân nhân của mình. Những người sống sót lần lượt được khiêng lên bờ và được xe Hồng Thập Tự chở đến bệnh viện. Nhìn những thân xác gầy guộc, mặt mày hốc hác vừa thoát chết trở về nằm bất động trên băng ca cố giương mắt nhìn tìm thân nhân, lòng tôi không khỏi xót xa. Xe Hồng Thập Tự tới lui liên tục, tiếng còi cấp cứu kèm lẫn với những tiếng than khóc của những người không tìm được cha, chồng, anh em, con cháu vang dội một góc trời. Tàu cứu hộ tiếp tục đưa người vào bờ. Xe Hồng Thập Tự hoạt động trọn ngày đêm hôm ấy mãi đến trưa hôm sau mới chuyển hết số người mắc nạn đến bệnh viện. Ai tìm được thân nhân bị nạn thì mừng rỡ, tận tình nuôi dưỡng, ai không tìm được thì tản đi các nẻo tìm kiếm.

Nghe một vài người sống sót kể lại, cơn bão đã tàn phá nặng nề hòn đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang. Thổ Chu là một hòn đảo nổi tiếng an bình nhất xưa nay nên nhiều thuyền chài ở Long Hải thường xuống đó đánh bắt tôm cá trong những tháng mùa gió bấc. Lần này tất cả đều bị cơn bão số 5 hãm hại. Có ghe bị đánh lật úp, kẹt luôn bốn xác người trong đó, thi thể bị dập nát nên được chôn cất luôn tại chỗ. Thật khủng khiếp sức tàn phá của cơn bão Linda.

Trong lúc sửa soạn mang hành lý về nhà cha tôi, tôi nghe ông Bố Già, một bạn chài lớn tuổi nhất trên thuyền của tôi, kể lại điều đã nghe thấy hôm tàu gặp bão. Lúc đó trời đã khuya, sóng biển cứ nhồi thuyền lên xuống, thuyền bị ngập nước sắp chìm, còn các anh em thì đang lui cui tát nước. Bất thần ông nhìn thấy dưới lườn thuyền có một cặp cá ông thật lớn nâng thuyền lên cao. Trên thuyền lúc đó ai cũng nghĩ là nhờ tát nước thuyền nhẹ bớt đi nên mới nổi lên khỏi mặt nước. Ông Bố Già đang giữ bánh lái, thấy thuyền chòng chành nổi lên một cách bất thường liền ló đầu ra ngoài buồng lái nhìn xuống mạng thuyền, ông giật mình khi thấy rõ ràng ràng hai thân hình to lớn đen xì đang ép vào mạng thuyền lướt đi trên mặt nước. Ông Bố Già sợ quá, chỉ lâm râm khấn niệm van vái chớ không dám lên tiếng sợ anh em làm náo động thuyền bị chìm. Lúc đó mọi người đều mệt mỏi nên không ai nhìn hai bên sườn tàu, hai con cá ông cứ chuyển con tàu trên mặt nước đến một vùng nước ít giao động rồi bỏ đi. Anh em trên thuyền nghe thuật lại đều tái mặt nhớ lại lúc con sóng lớn phủ ụp xuống tàu, máy móc đều tắt ngắm, tàu bị ngập nước chìm xuống biển, rồi tự nhiên lại nổi lên. Mọi người cứ nghĩ là do van vái trời yên gió lặng và do anh em quăng tất cả vật dụng nặng xuống nước nên con thuyền mới nổi lên. Mầu nhiệm thay, vậy là thuyền chúng tôi được ông độ rồi. Giả thử hôm đó không có cặp cá ông chuyển thuyền của chúng tôi sang vùng biển yên tĩnh có lẽ giờ này gia đình chúng tôi cũng đang khóc lóc đứng chờ đoàn tàu cứu hộ tìm thân nhân.

Hiện tôi và vợ con tôi phải sống nhờ sự đùm bọc của cha mẹ tôi. Nhà cửa đành để vậy. Ngày ngày tôi vẫn phải vào Phước Tĩnh tu sửa thuyền bè, chờ sửa xong mới đi đánh bắt cá trở lại. Những ngày ở bờ gia đình không có lợi tức, viễn ảnh đầy đen tối, thất vọng. Số phận nghiệt ngã chẳng biết đến bao giờ mới dứt.

Cha tôi là một phế binh hiện đang sinh sống tại Bà Rịa, nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân ở nước ngoài, ông đã tìm lại nhân phẩm, gia đình tôi được sống những ngày đầm ấm. Nay trong cơn hoạn nạn mới, nạn nhân của cơn bão Linda, gia đình chúng tôi cùng những nạn nhân khác rất mong đón nhận sự giúp đỡ của quý ân nhân giàu lòng nhân ái. Chân thành cảm ơn và cầu chúc quí ân nhân muôn đời hạnh phúc.

No comments: