Saturday, January 8, 2022

Những Mảnh Đời Rách Nát Chương 13 - Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển - Chương 13 Tan vỡ một giấc mơ (Viết lại theo lời thuật của Huyền Trang, phế binh Dù, cụt chân phải.)

Thành phố dạo này hay lạnh về đêm. Những người già yếu mắc bệnh phổi thường hay khó ngủ vì cái lạnh xốn xang, phải quấn thêm chăn màn vào người để cho đủ ấm. Đó là hình ảnh của mẹ tôi.

Hôm nay rằm tháng bảy, ngày báo hiếu. Mẹ tôi trăn qua trở lại. Bà ho lên sù sụ, cái chõng tre cũng ọp ẹp theo từng tiếng ho. Nằm bên kia vách ván, tôi ray rứt thở ra từng hồi. Tiếng ván cọt kẹt cũng buồn theo cái cảnh nghèo của mẹ con tôi. Sáng nay, tôi dậy thật sớm. Nhìn qua khung cửa sổ, tôi nghĩ về cuộc đời của tôi, nó cũng mập mờ như cảnh trời nửa tối nửa sáng của ngày hôm nay. Người ta thường dậy sớm vào buổi sáng để suy nghĩ chuyện đời bên tách cà phê hay tư duy về cuộc sống bên ly trà nghi ngút. Còn tôi ngồi đây suy ngẫm chuyện đời cùng với tiếng ếch kêu “uệch uệch” và tiếng thạch sùng tặc lưỡi. Tôi thắc mắc tự hỏi trên cõi dương trần này có Thượng Đế không nhỉ? Nếu Ngài là Đấng Toàn Năng, là Đấng Công Bình, tại sao có người quá ư giàu có, người khác lại quá ư nghèo khổ?

Những lúc tuyệt vọng, tôi thường tìm quên trong kỷ niệm. Nhớ lại quãng đời ngày xưa, năm 1967, lúc còn học lớp đệ tứ A1 trường Hùng Vương thị xã Quảng Ngãi, cuộc đời thật tươi sáng. Cũng ngày này đây, rằm tháng bảy, bạn bè bắt chước phong tục người Nhật: ai còn mẹ cài lên ngực áo một bông hồng, ai mất mẹ cài bông trắng. Tôi cười thành tiếng, cười thật tươi, thật hạnh phúc.

Phải rồi, ngày ấy tôi có người bạn gái tên Mai hát tặng tôi bài “Bông hồng cài áo” của nhà sư Nhất Hạnh: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho những ai, cho những người còn mẹ, để lòng vui sướng thêm. Rồi một chiều nào đó, anh về nhìn mẹ thật lâu và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là con yêu mẹ không?”. Rồi từ đó tình yêu lớn dần theo năm tháng, tình yêu tuổi học trò đẹp vô cùng. Rất thánh thiện, tôi nhìn Mai như một đóa hoa. Nhẹ nhàng và trân trọng, tôi nhìn Mai từ phía xa xa để nghe thoang thoảng hương vị tình yêu bay đến. Ngày tháng qua, hai chúng tôi đều đậu tú tài toàn phần. Mai theo học sư phạm ở Huế, tôi trường chính trị kinh doanh Đà Lạt. Tuy hai thành phố cách xa, nhưng đôi tim và suy nghĩ chúng tôi không hề rời nhau. Ông phát thơ có lẽ là sứ giả mang thông điệp tình yêu thân mến nhất của chúng tôi.

Thế rồi đất nước lâm nguy, cộng quân gia tăng áp lực quân sự tại khắp nơi trên lãnh thổ. Mùa hè đỏ lửa 72, chính phủ ban hành lệnh tổng động viên, đông đảo sinh viên lên đường nhập ngủ. Tôi trở thành anh lính chiến. Mãn khóa xong, tôi mặc áo hoa dù ra vùng địa đầu chiến tuyến. Tôi tham gia nhiều trận đánh quyết định, giải tỏa áp lực ngày càng nặng của cộng quân. Vài ngày sau khi ký hiệp định Paris, đầu tháng 2-1973, tôi bị thương nặng trong một trận đánh giành dân chiếm đất tại một làng phía Tây Bình Định. Chân phải tôi bị cưa. Trong suốt thời gian nằm điều dưỡng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi không liên lạc với gia đình, kể cả người yêu vì không muốn người thân biết sự thật không may của tôi. Mặc dầu vậy, hình ảnh của Mai luôn luôn hiện diện và lòng tôi không khỏi bồi hồi mỗi khi nghĩ tới.

Mùa hè 1974, tôi được xuất viện và trở về quê cũ. Sau bao năm xa cách, quê hương không có gì thay đổi. Vẫn cảnh nghèo khó quen thuộc. Thật đau lòng khi về lại nhà cũ. Nhìn thấy tôi mẹ thật mừng rỡ, nhưng khi thấy tôi chống nạng vào nhà bà ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Tôi muốn xin lỗi mẹ tôi nhưng miệng khô đắng, tôi chỉ biết ôm lại mẹ tôi lòng chua sót. Bà vội vàng dìu tôi vào nhà, thay quần áo cho tôi, lăn xăng hỏi thăm đủ điều, nhưng tôi chỉ im lặng nhìn mẹ tôi trong nước mắt. Hay tin tôi trở về, Mai từ dãy nhà kế bên chạy vội đến. Thấy tôi, Mai chỉ gọi được một tiếng “Anh!”, rồi gục đầu trên vai tôi khóc. Tôi đau đớn ôm Mai vào lòng và im lặng.

Không gì buồn cho một đời trai, chưa làm gì báo hiếu cho mẹ, chưa làm gì đẹp lòng người yêu đã vội chất thêm gánh sầu trên vai mỗi người. Những ngày đầu tôi sống trong mặc cảm, cứ muốn xin về trại an dưỡng sinh sống với những anh em đồng cảnh ngộ. Ít ra tại đây, tôi không sống trong mặc cảm vì nhiều anh em còn bất hạnh hơn tôi, có người còn mất cả hai chân, hai tay và mù hai mắt.

Nhưng tình yêu của mẹ tôi và Mai giúp tôi yêu dần cuộc sống. Ngày ngày, sau khi thu xếp xong chuyện học hành, Mai lui tới thường xuyên với tôi. Mai vẫn học ở Huế nhưng cố thu xếp để thường xuyên về nhà thăm tôi. Mai sung sướng vì tôi còn sống, đối với Mai như vậy đã là đủ, chuyện thương tật không đáng quan tâm. Bao nhiêu chuyện xa, chuyện gần được kể cho nhau nghe. Nhưng mặc cảm tàn tật cứ ám ảnh trong tôi. Trong những lần hàn huyên, tôi cố trấn áp mặc cảm nhưng rồi một hôm tôi buộc nói lên sự thật :

– Mai ạ, anh với em nên xa nhau thì tốt hơn. Anh giờ đây chẳng còn gì cả, nhất là trong một xã hội này. Anh không còn làm gì được nữa, chỉ là gánh nặng và mặc cảm cho em đối với gia đình và bạn bè mà thôi.

Mai lườm tôi, nói một cách quả quyết:

– Anh bị thương cái chân, đâu bị thương cái đầu hay cánh tay mà nói như thế?

Để an ủi tôi, Mai tập làm nữ y tá, những ngày nghỉ học Mai thường đến thay băng cho tôi. Đúng Mai là chiếc nạng gỗ vững chắc cho tôi trụ chân, cho tôi bước đi trên quãng đời còn lại. Cuộc đời của tôi như vậy êm đềm trôi qua, mẹ tôi vẫn buôn bán bình thường và Mai đến thăm tôi đều đặn. Tôi chỉ muốn ngày tháng đọng lại nơi đây để tôi thấy cuộc đời thật đáng sùống. Đối với tôi con người cần nhất là tình thương, những thứ khác chỉ là phù du.

Nhưng chiến cuộc ngày càng khốc liệt. Tin tức chiến sự ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Những ngày cuối tháng 3-1975, thành phố Huế bỏ ngõ, Quảng Ngãi bị cộng quân chiếm đóng, Mai bỏ học trở về nhà. Một bước ngoặt mới trong cuộc đời của Mai. Ba của Mai là thiếu tá pháo binh, sau biến cố 1975 trở nên bất lực, ông bị đưa “học tập cải tạo” ở miền núi xa xôi hẻo lánh, ba tháng mới được thăm nuôi một lần. Mẹ của Mai, một phụ nữ Huế, suốt đời chỉ biết tề gia nội trợ, mẫu người không thể chật vật, chạy đôn chạy đáo để kiếm từng miếng ăn được. Mai là sinh viên sư phạm, con gái trưởng một gia đình có truyền thống tại địa phương, phải bỏ học nửa chừng cáng đáng trọng trách nuôi một gia đình gồm sáu miệng ăn, trong đó một người cha đang đi học tập cải tạo và ba đứa em nhỏ dại còn cắp sách đến trường. Mai đi buôn chuyến hàng vải từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi.

Cuộc sống tiếp tục trôi qua, trôi trong khó khăn và tủi nhục cho những người thất thế. Mặc dù được giải ngũ vì thương tật, tôi cũng phải đi “học tập cải tạo” như bao quân nhân khác nhưng được cái may “học tập cải tạo” tại địa phương nửa tháng. Một thời gian sau, vết thương nơi chân phải tôi làm độc, tôi phải vào bệnh viện mổ lại vì còn sót nhiều mảnh đạn. Làm thủ tục nhập viện thật là trần ai, nhưng rồi sau cùng chân tôi cũng được mổ gấp mảnh đạn ra. May là những y tá phục vụ bệnh viện thị xã là nhân viên thuộc chế độ cũ có cảm tình với tôi nên chân tôi được chữa trị bằng các loại thuốc tốt trong kho còn lại. Một thời gian ngắn sau các vết thương đều lành.

Chuyện buôn bán của Mai chỉ dễ dàng trong mấy tháng đầu, sau đó thì đâu vào đó. Chính quyền cộng sản ngày càng siết chặt gọng kìm, Mai không còn chạy hàng như mong muốn và ngày càng mất vốn. Hôm nay bị bắt hàng hóa, ngày mai hàng hóa bị phạt, bị tịch thu, cuộc sống cứ chồng chất bao nỗi lo âu. Rồi đến ngày thăm nuôi, mẹ của Mai phải khăn gói đi thăm chồng. Chuẩn bị chu đáo lắm cũng mất cả tuần lễ, nào làm đơn đi chứng thị thực từ thôn xóm lên đến xã phường, rồi làm lương khô. Những chuyến đi này bà mang đi cả một “gia tài” của gia đình. Trong một chuyến đi thăm, bà xin phép chồng để tổ chức đám cưới cho tôi và Mai.

Một hôm mẹ của Mai đi rồi, các em đều đi ngủ sớm, tôi và Mai kề đầu vào nhau nói chuyện tương lai. Nếu cuộc sống chỉ là những ước mơ đẹp dành cho lứa đôi thì vui thú biết bao. Tôi đề nghị sau khi làm đám cưới hai đứa sẽ về nhà mẹ tôi, nhưng Mai thở dài:

– Em khó dứt khỏi căn nhà này mà đi được. Vì em đang gánh vác trọng trách của cả gia đình.

Tôi an ủi:

– Trên ấy anh chỉ còn mẹ già, cưới nhau rồi em cứ ở dưới này lo cho gia đình mạ và các em. Em chạy đi chạy về cũng được.

– Bây giờ chưa vô tròng thì nói vậy, chứ hữu sự rồi khó lắm đấy anh.

– Em cứ nghĩ quẩn hoài. Mình thương yêu nhau tùy hoàn cảnh mà sống.

Bỗng nhiên không hiểu bị bức xúc thế nào, Mai nói:

– Thôi, trên anh nghĩ cưới em về để làm cột trụ cho gia đình anh?

– Em đừng nghĩ thế. Nếu em nghĩ có sự lạm dụng hay lợi dụng nhau thì nên dứt khoát nhau là tốt hơn.

– Tùy anh.

Nghe hai tiếng “tùy anh”, tôi choáng váng cả mặt mày. Như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt mình, tôi giận hờn trách móc:

– Trong tình yêu mà em nói “tùy anh” thì anh sẽ tự giải quyết đấy. Em nghĩ sao?

– Sao cũng được.

Tự ái nổi dậy, tôi cầm hai chiếc nạng trên tay, đứng lên nói:

– Kể từ nay coi như anh và em thực sự chia tay nhau. Anh không bao giờ về dưới này nữa.

Mai im lặng. Chẳng nói và cũng chẳng có một hành động nào. Tôi càng tự ái, chống nạng ra về. Vừa đi nhưng tôi hy vọng Mai sẽ gọi giật lại, có lẽ mọi sự sẽ “lành lại” ngay. Nhưng cuộc tình đến đó đã thực sự sang trang. Tôi về lại nhà mẹ tôi, lòng đầy phiền muộn. Bao nhiêu mộng đẹp chỉ trong phút chốc tan biến theo mây khói. Từ đó tôi ở luôn trong nhà, không buồn lên tiếng với ai, kể cả mẹ tôi.

Bấy giờ tôi sống trong bầu “trời” thù hận. Thù tất cả mọi người. Hận đủ thứ. Tôi muốn quên mình, quên tất cả. Nhiều khi ý nghĩ tự tử lại đến với tôi nhưng bị dập tắt ngay khi nghĩ về mẹ. “Tự tử là hèn mạt”. Thế vào những thời gian trống rỗng vô vị đó là cuộc sống lang bạc. Tôi la cà hết nhà người thân này đến nhà người thân nọ để nhậu nhẹt, chén thù chén tạc. Không ai nỡ xua đuổi tôi vì thương hại. Từ đó tôi sống lang thang, không bờ bến, ít khi về nhà. Mẹ tôi trông thấy thân thể tôi ngày càng tiều tụy, vàng vọt, bà khóc thương cho số kiếp bất hạnh của con và năn nỉ tôi trở về với bà.

Mẹ của Mai hay chuyện cũng phiền trách Mai ghê gớm, nhưng trong lúc tuyệt vọng Mai cũng không tìm lời giải thích. Hai chúng tôi mất liên lạc với nhau trong hơn một tháng. Mẹ tôi và mẹ Mai nhờ biết bao nhiêu người lớn đến khuyên răn thắt lại tơ duyên đôi lứa, nhưng không cách chi được. Có lẽ vì vết thương lòng tôi quá lớn để có thể làm lành vết thương tình. Khó kết vá lại được. Có lần mẹ tôi về tận dưới quê nội tôi ở Tịnh An, mời một số tôn trưởng cao niên, chức sắc trong dòng tộc, nói chuyện với tôi, may đâu thuyết phục được tôi để tôi tĩnh táo mà định hướng lại cuộc đời. Những lời vàng ngọc đó vẫn còn văng vẳng trong tôi: “Cháu hãy tự đứng bằng đôi chân của chính mình. Đứng không phải bằng chân thật hay chân giả mà bằng ý chí của mình. Không ai sống giùm cháu cả. Hãy suy nghĩ cho kỹ mà sống. Con người hơn nhau ở ý chí và nhân cách”. Lời nói đó hâm lại bầu máu nóng trong tôi từ lâu tắt ngấm.

Dòng máu của người lính dù, đã từng “đi mây về gió”, đã từng sống hùng không hề sợ chết. Bất giác mấy câu thơ thời sinh viên tranh đấu về lại trí nhớ tôi. “Bao giờ còn sắn phơi khô, còn lang xắt lát thì còn đấu tranh. Làm người phải sống ngang tàng, quyết không chết nhục đầu hàng khó khăn”. Từ đó tôi trở nên tỉnh táo, bỏ hẳn cả rượu chè và quyết định đi tìm cho mình một chỗ đứng bằng cách lìa xa quê hương, một khung trời đầy rẫy hình ảnh, kỷ niệm thân thương. Mẹ tôi bây giờ chỉ sống cho con, tôi là nguồn an ủi, là động lực của bà nên bà chìu theo ý tôi. Một buổi tiệc chia tay đơn sơ, âm thầm, lặng lẽ của vài người thân chí cốt. Lòng ai cũng chừng lại. Mẹ tôi không cầm được nước mắt khi phải rời xa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn trong tuổi về chiều. Tôi quyết định không cho gia đình Mai hay biết chuyến đi này, tự ái tôi quá lớn. Tôi nghĩ làm trai mà không lo được cho mình thì còn ai nễ phục, thế là hai mẹ còn tôi đi vào Sài Gòn. Tôi không mơ mộng cao xa, chấp nhận mọi khó khăn miễn sao tìm được cho mình một chỗ đứng bình thường.

Ở đất Sài Gòn này vấn đề thuê nhà không khó lắm, vào trong các khu lao động hỏi vài nơi là tìm được một chỗ ở ưng ý ngay. Cuộc sống tại Sài Gòn cũng rất khó khăn nên nhà nào có dư một căn phòng nhỏ sẵn sàng cho thuê. Lúc đầu tôi xay bột cho mẹ gói bánh bán dạo, ban đêm tôi nhận dạy kèm cho vài em nhỏ trong xóm. Cuộc sống bình dị, êm đềm trôi qua, mặc cảm những ngày tháng cũ cũng được nguôi ngoay. Sau nhiều năm cực nhọc, sức khỏe mẹ tôi ngày một yếu dần. Tôi không để mẹ tôi đi bán bánh nữa, tôi đi bán báo dạo. Sống ở cái xứ hai mùa nắng mưa, cái nghề bán báo thật là nghiệt ngã. Có những hôm bán không được ôm cả chồng báo về nhà, lòng tôi mềm như cọng thun. Tôi nảy ra một ý nghĩ: phải đổi nghề. Nghề gì tôi chưa biết nhưng phải đổi nghề. Tôi không thể đi bán báo suốt đời được. Tuổi đời ngày chồng chất, nạng gỗ cũng hao mòn dần theo từng vết chân. Một hôm sau khi đi dạy kèm về, thấy mặt tôi có vẻ buồn buồn mẹ tôi hỏi:

– Con có điều gì bất an sao có vẻ “dàu dàu” vậy?

– Dạ, con muốn kiếm việc khác làm, chứ bán báo phiêu lưu quá, vả lại không thích hợp với chân con chút nào.

– Này con, hồi chiều có bà bên Hội Thánh (Tin Lành) nói với mẹ là con bị tật nguyền nhưng có chữ nghĩa. Vậy con đến Hội Thánh đọc kinh thánh cho một số con cái Chúa bị khiếm thị, đến tháng họ trả thù lao cho.

Tôi nghe lấy làm mừng lắm vì đỡ phải vận động bằng chân. Thế là tôi có thêm một nghề mới: đọc kinh thánh cho những người mù nghe. Công việc mới này an ủi cuộc sống của tôi vô cùng vì dầu sao tôi cũng còn may mắn, tuy què cụt nhưng tôi còn đủ tai mắt để nghe nhìn. Tôi vẫn hạnh phúc hơn những người này nhiều. Nhất là khi đọc lời kinh câu thánh, tôi khám phá một triết lý sống mới. Chẳng hạn trong Mathiơ 7:13-14 “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoái dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít”.

Bây giờ tôi yêu cuộc sống hơn. Tôi không đòi hỏi họ phải trả cho tôi là bao nhiêu tiền. Tôi muốn tự nguyện dâng hiến một chút công, một chút hiểu biết cho những người bất hạnh này, nhưng họ vẫn thiết tha yêu cuộc sống. Tôi lại thích làm một cái gì hơn nữa để có thật nhiều tiền, không những lo cho mẹ tôi mà còn lo cho những người bất hạnh khác, những con người cần được an ủi, cần được đem yêu thương nhiều hơn.

Trong suốt thời gian bán báo dạo, tôi cũng thu nhận được một vài “đệ tử”, đó là những em bé mồ côi, không nhà không cửa. Các em đó thiều tình thương và sự đùm bọc. Thỉnh thoảng tôi dẫn một vài em về nhà cho tắm rữa và ăn uống, rồi cho ngủ luôn trong nhà để sáng hôm sau cùng tôi đi bán báo tiếp. Từ ngày tôi ngưng đi bán báo, các em đó như thiếu một người cha. Nhiều hôm trời sập tối các em đến nhà thăm hai mẹ con tôi, tất cả đều được cho tắm rửa sạch sẻ và ăn uống no nê. Nhưng mẹ tôi ngày càng già yếu, bệnh ho ngày càng nặng, nhất là những khi trời trở lạnh về đêm như đêm qua, hơn nữa lợi tức của tôi ngày càng eo hẹp, tôi không thể lưu giữ các em mãi trong nhà. Mỗi khi để các em ra lại đường phố, lòng tôi se lại. Tội nghiệp “trẻ không cha như nhà không nóc”, tôi phải tìm một việc gì khá hơn để nuôi những em nhỏ này.

* * *

Sáng nay sau khi hồi tưởng lại chặng đường đi qua, tôi quyết định đi tìm việc làm mới. Tôi rón rén “cà thọt” đến giường mẹ tôi, nhìn bà yên giấc tôi thật yên lòng. Có lẽ đêm qua khó ngủ nên sáng nay bà ngủ mê mệt. Cầm vội chiếc mũ bạc màu và chiếc nạng gỗ, tôi lặng lẻ mở cửa chống nạng “lộc cộc” ra đi. Mấy ngày nay tôi cứ đi đi về về, chưa đâu vào đâu cả. Nhưng sáng nay tôi có linh cảm sẽ gặp điều lành.

Đúng vậy. Theo một địa chỉ mà người bạn phế binh vừa cho tôi hôm qua, tôi đến gặp ông chủ. Đây là một gara sửa xe hơi, vừa mở thêm một chỗ rửa xe đang tuyển người. Sau một hồi hỏi han, ông chủ nhận tôi làm việc, tôi phụ trách rửa xe. Công việc tuy có vất vả nhưng không làm tôi nản lòng vì có đồng lương cố định. Tôi làm việc từ sáng tinh mơ cho đến tối mờ mới về. Đời sống tôi thật bình yên. Mỗi tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy dạy kèm. Mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu và sáng chủ nhật đọc kinh thánh cho người mù. Tôi nghĩ là phải lo cho mẹ thật đầy đủ để bù lại những ngày tháng khổ cực đã qua và có thể nuôi vài em bé mồ côi, không nhà không cửa. Từ đây không những tôi cho chúng ăn no, mặc ấm mà còn cho chúng học chữ nữa. Hình ảnh cao thượng của tôi làm động lòng biết bao gia đình giàu có trong xóm, làm se lòng những chức sắc phường khóm nhưng họ để tôi yên vì tôi có dạy kèm con cái họ học thêm buổi tối. Các nhà truyền giáo cũng phải khâm phục con người “tàn mà không phế”, có con tim thực sự sống này. Thật là hạnh phúc.

Tôi làm cho gara anh Bảy, tên chủ nhân, gần bốn năm nay. Mọi chuyện đều êm xuôi, tình giữa tôi và anh Bảy ngày thêm đậm đà vì anh Bảy cũng có một người em tốt nghiệp trường sĩ quan Thủ Đức, cùng khóa với tôi, tử trận năm 1973 tại Chương Thiện. Một buổi chiều kia, mây đen vần vũ, cơn mưa ập xuống dữ dội. Ngay lúc ấy, một chiếc Mercedès Benz E230 cáu cạnh từ đường cái quẹo ào vào gara cạnh chỗ tôi ngồi, một người đàn bà vừa là tài xế vừa là chủ xe bước xuống một cách vội vã vì sợ mưa tạt ướt.

Tôi sửng sốt cả người, phải cố trấn tỉnh nếu không miệng tôi đã thốt lên tên Mai. Mai chẳng nhìn ai, tiến thẳng đến quầy quản lý làm phiếu rửa xe và thay nhớt. Tôi âm thầm theo dõi mọi động tác của Mai. Đã 18 năm rồi, tôi không gặp lại Mai, thật ra thì tôi đã quên hẳn Mai cùng mối tình đầu. Cuộc sống quá khó khăn khiến tôi không còn nghĩ đền chuyện lập gia đình với ai. Nhìn lại Mai, vẫn trẻ đẹp lại còn giàu sang quí phái nữa, tôi cảm thấy thật buồn tủi. Cơn mưa cũng bắt đầu tạnh, Mai cầm biên lai bước vội ra cổng gọi chiếc taxi. Mai đi rồi, tôi ngồi trầm tư với trăm ngàn ray rức. Người mình yêu trước kia nay ngoài tầm với, Mai xa xôi quá. Tại sao ông trời không để tôi yên?

Thấy tôi ngồi thừ lừ, trầm tư khác với thường nhật, anh Bảy thân mật gọi:

– Này Thiện, sao chú như người mất hồn vậy? Sáng mai 6 giờ chú có nhiệm vụ làm chiếc xe Mercedès mới vào đó nghen.

Tôi vội mỉm cười, gật đầu hỏi:

– Dạ, mấy giờ mình phải giao lại cho khách hả anh Bảy?

– 4 giờ chiều.

Cuộc đời giống như một tấn tuồng trên sân khấu, nó diễn biến không ngừng. Ông bà ta xưa kia có câu: “sông có khúc, người có lúc”, ai biết được cuộc đời mình sẽ như thế nào? Que sera sera, bài hát thân thuộc vẫn văng vẳng bên tai mỗi khi suy nghĩ về cuộc đời. Tôi không thể nào tưởng tượng gặp lại Mai ở đất Sài Gòn này, nhất là trong hoàn cảnh này. Cuộc tình đã đi vào quên lãng, nào ngờ giờ đây nó sống dậy trong tôi. Bao kỷ niệm ngày nào tự nhiên trào dâng lên như ngọn sóng triều. Tôi tự an ủi: “Biết đâu người ta đã có chồng con, hơi đâu nghĩ hoài cho mệt”. Hơn nữa Mai giàu đẹp như thế kia chắc phải có một người chồng rất xứng đáng. Thôi quên đi!

Chiều xuống, người đàn bà ấy đến trên một chiếc taxi, thật lộng lẫy trong chiếc rốp tây phương. Mai đến nói gì với ông Bảy tôi không biết, tôi chỉ nghe ông Bảy gọi:

– Thiện ơi, vào đây có chút việc.

Tôi mon men lộc cộc đi vào, tim hồi hộp, cơ hồ muốn rớt ra ngoài. Mai nhìn tôi, môi mím lại, xúc động như muốn khóc:

– Anh Thiện!

– Mai! Em vào đây bao giờ? – Tôi bỡ ngỡ nhìn Mai, giả vờ như rất bình tĩnh nhưng lời nói nghẹn lại.

– Lâu rồi. Em và mạ ở đường 3 tháng 2.

Tôi vội vàng xin phép ông chủ mời Mai đến quầy giải khát. Đã hơn 18 năm rồi, biết bao chuyện đổi, sao dời. Mặc cảm của tôi từ chiều hôm qua đến hôm nay bỗng biến đâu mất, nỗi giận hờn ngày xưa cũng đi đâu vắng mặt. Tôi có cảm tưởng như sống lại thời còn sinh viên. Hai chúng tôi dồn dập hỏi chuyện nhau.

– Ba bây giờ ra sao rồi em?

– Ông được tha về năm 1988, ở nhà bồi dưỡng một thời gian rồi được đi theo diện HO sang định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990 cùng với Hoài Nhân (em trai Mai).

– Hoài Trâm, Hoài Hương (hai em gái Mai) thế nào?

– Hoài Hương lấy chồng, có con không được đi. Hoài Trâm bị chết trong chuyến vượt biên năm 1982. Mạ không chịu đi nên em phải ở lại với mạ. Ba và Nhân viết thư về bảo em tìm anh và cho ổng biết tin tức, địa chỉ của anh.

– Chồng em đâu, sao không thấy đến?

Mai nhìn tôi bẽn lẽn như thời còn yêu nhau.

– Chồng con nào? Em vẫn vậy thôi. Trái tim hóa thạch rồi kể từ dạo ấy.

Tôi cảm thấy thật an ủi, rồi hỏi:

– À, hồi nãy em nói gì với ông Bảy mà ổng gọi anh đó?

– Em thấy ổng ghi tên anh trong phiếu, người trách nhiệm thay nhớt và rửa xe. Em liền hỏi ổng có biết ai tên họ như anh không, vì em cố tình đi tìm anh suốt bao năm nay. Em cũng sợ có người mang trùng tên họ với anh thì quê chết. Không ngờ trời cao có mắt. À, bác gái vẫn khỏe chứ anh?

– Bà già yếu lắm rồi.

– Anh cho em xin địa chỉ để em đến thăm bác gái.

Hai chúng tôi chia tay nhau. Trong tiệm rửa xe mọi người ùa nhau xúm lại hỏi tôi đủ cả:

– Bồ anh khi xưa hay bà con Việt kiều về thăm nước đó?

– Người đồng hương đấy.

Hôm nay tôi cảm thấy rộn ràng, một cái gì vui reo hát trong lòng, tôi như người vừa tìm được một vật quý giá đã đánh mất. Về đến nhà tôi liền thổ lộ việc mẹ con Mai đã vào sống ở Sài Gòn cho mẹ tôi biết. Bà mừng rỡ hỏi tôi đủ thứ tin tức về gia đình Mai. Rồi mẹ tôi cũng dò hỏi tôi về việc tình yêu của tôi và Mai, nhưng nghĩ sao tôi nói:

– Con nghĩ là hai đứa con không thể lấy nhau được, vì ý hướng lập gia đình của con đã tắt từ lúc con bỏ vào Nam. Vả lại với Mai bây giờ lại quá giàu có, hố ngăn cách giữa hai gia đình quá sâu mẹ ạ.

– Nhưng nếu Mai thật lòng yêu của con thì con nghĩ sao?

– Con đã dứt khoát. Bây giờ cũng đã có mười hai đứa “con” (trẻ mồ côi) rồi. Bây giờ con chỉ ước mong xây một nhà lớn hơn cho chúng và những người già cả neo đơn có nơi an dưỡng.

Mẹ tôi buồn cho cuộc tình của tôi nhưng cũng mừng với những ý hướng khác đời của con mình.

Qua trưa hôm sau khi về nhà ăn trưa, tôi thấy một bầy trẻ con bu lại thật đông trước cửa. Bọn trẻ ngỡ Mai là một bà Việt kiều mới về thăm nhà nên tò mò đến xem. Thấy tôi vừa đến cửa, bọn trẻ la lên:

– Thầy đi làm về, thôi đi chơi bọn bay ơi!

Bước vào nhà tôi thấy nào trái cây, nào quà gói của Mai bày la liệt trên bàn. Tôi quên là mình đang sống trong cảnh nghèo khó, lên mặt với Mai như thời còn trẻ:

– Em bày đặt quá, mua gì nhiều quá vậy.

Mai cười:

– Chút quà gọi là cho vui mà anh.

Chúng tôi quên hẳn thời gian, chuyện trò như thuở ngày xưa còn đi học. Mẹ tôi mỉm cười, kín đáo bỏ vào nhà trong để hai chúng tôi trò chuyện.

– À, hôm nào anh lên thăm bác gái và xin địa chỉ bác trai để viết thư thăm Hoài Nhân nữa. Nó là học trò cưng của anh mà.

– Nhân nó nhắc đến anh hoài, sang năm nó ra trường và sẽ về thăm Việt Nam đấy.

Một thời gian sau, mẹ tôi bước ra giục tôi rửa ráy và mời Mai ăn cơm trưa luôn thể. Bà nói:

– Chẳng mấy khi bác mời cháu ở lại ăn cơm trưa với mẹ con bác cho vui.

– Dạ, cho con khi khác, con phải về kẻo mạ con trông cơm nữa.

Khi Mai đã về rồi, mẹ tôi góp ý:

– Mẹ trông con Mai nó không quên con được nên nó xinh đẹp như vậy, giàu có như vậy mà chẳng chịu lập gia đình với ai. Con thấy không?

Tôi đang suy nghĩ mông lung, không nghe câu hỏi của mẹ tôi. Bà phải hỏi lại:

– Con nghĩ thế nào?

– Con nghĩ kỹ lắm rồi mẹ ạ. Lập gia đình với Mai chỉ làm khổ Mai thôi mẹ ạ. Để Mai lập gia đình với người khác, lành lặng hơn, Mai mới có hạnh phúc. Còn con, con còn gì để cho Mai. Thân thể con không còn nguyên vẹn, hình thù biến dạng, mặc cảm này khó tẩy rửa hết được. Người ta sẽ nhìn Mai như thế nào khi đi bên cạnh con, một người què quặt.

Biết là không thể nào lay chuyển ý chí của tôi, mẹ tôi cười an ủi:

– Tùy con định liệu vậy.

Một buổi chiều chủ nhật, như đã hẹn, tôi thuê xe đến nhà của Mai trên đường 3 tháng 2. Một căn nhà rộng lớn vừa là nhà ở vừa là một cửa hàng bán đồ điện tử, gian hàng thật lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi có đi ngang ngôi nhà này nhiều lần khi còn đi bán báo dạo, nhưng nó không to đẹp như ngày hôm nay. Trông thấy tôi, Mai đon đả chạy ra tiếp đón. Mẹ Mai đang xem tivi ở phòng trong, nghe tiếng con gái phát biểu ồn ào phía ngoài, cũng chạy ra xem. Ôi, mừng mừng tủi tủi. Bao xúc cảm hiện lên trên gương mặt của mỗi người. Bà cụ có vẻ gầy và già hơn trước, tóc đã bạc trắng có lẽ vì tuổi già và nhớ chồng con. Sau vài câu thăm hỏi qua loa, bà liền hỏi một câu để dò lòng tôi:

– Sao con chưa chịu lập gia đình cho mẹ con có cháu nội?

– Dạ, con đâu còn lành lặn như một thanh niên bình thường mà nghĩ đến chuyện gia đình. Con chỉ sợ không mang lại hạnh phúc mà còn làm khổ cho người vợ sau này thôi.

Không chú ý tới lời giải thích của tôi, bà bâng quơ nói một câu như bắt cho tôi một cái thang để leo:

– Chẳng hiểu sao, con Mai nó cũng chẳng chịu lập gia đình. Năm nay bốn mươi mấy rồi chứ còn trẻ trung gì đâu. Bao nhiêu là người, là chỗ đàng hoàng mà nó đều gạt ra ngoài cả.

Trước tấm thịnh tình của bà, tôi chỉ biết im lặng. Một sự im lặng kính nể sự chung tình, chung thủy của một người phụ nữ có một không hai này, vừa giàu có vừa xinh đẹp đã cố tình dành trọn cuộc đời cho tôi. Hai tuần lễ sau, tôi nhận được hai cánh thư từ Mỹ gởi về, một của ba Mai và một của Hoài Nhân, em Mai. Đại ý cả hai đều nhất trí tán thành việc hôn nhân của tôi và Mai, nhất là thư của Hoài Nhân có gởi kèm tặng tôi bức chân dung mẹ Mai, đằng sau ảnh có ghi:

Mẹ đứng trông con trong nắng chiều vòi vọi.

Vợ thương chồng, ngồi lật lịch giữa đêm khuya.

Nhà trống giờ đây buồn khắc khoải.

Còn gì đâu, ngoài nỗi nhớ thương nhau!

Hoài Nhân viết: “Em gởi cho anh tấm hình của Mạ, trong cuộc đời anh cũng đã một lần gọi bà là Mạ rồi, phải không Anh? Năm nay thì bà đã già lắm rồi. Hết khóc vì nhớ ba, nay thì lại khóc nỗi nhớ con, thì làm sao trẻ được? Lần em về, những lúc hai Mạ con nói chuyện với nhau, khi nhắc đến tên Anh, bà chỉ chép miệng thở dài và nói: Không biết nó sống chết ra sao trong nớ (nhắc lại lúc bà còn ở ngoài Trung, tôi đã vào Sài Gòn)”.

Cuộc đời tưởng êm xuôi, hạnh phúc đang mơn trớn trở về. Ai ngờ bất hạnh lại phủ xuống đời tôi. Trời đất sụp đổ khi mẹ tôi qua đời. Trong một đêm kinh hoàng, bà lăn lộn với cơn ho, tôi vội vàng kêu xích lô chở bà vào Bệnh Viện Gia Định. Cũng may tôi mang theo sẵn tiền nên được người ta đưa ngay mẹ tôi vào phòng cấp cứu. Nhưng hỡi ơi, cơn bệnh quá trầm trọng, bà tắt thở vài giờ sau đó. Phổi bà quá nhiều nước. Bệnh này có thể chữa được nếu được điều trị sớm nhưng tôi nghèo quá chỉ có thể mua thuốc cho bà uống cầm chừng. Phải làm gì đây? Nỗi đau xót chưa làm tôi tỉnh táo để định đoạt mọi việc. Tôi chắp hai bàn tay, nhìn lên trời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng bỏ con bơ vơ trên cõi đời này. Xin Chúa thương xót linh hồn mẹ con”.

Cầu nguyện xong, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và tự trấn an: “Chết! Con đường này ai cũng phải một lần đi qua. Một ngày nào đó tôi cũng phải chết, tôi phải cố sống sao hữu ích cho đời. Hãy nhìn thẳng vào tương lai trước mắt mà đi”.

Trong lúc lòng đầy phiền muộn, tôi đi gọi điện thoại cho Mai. Hay tin đột ngột, Mai khóc nức nở bên kia đầu dây. Lần này chính tôi lại an ủi Mai mới lạ. Mai yêu thương mẹ tôi không kém gì tôi thương yêu mẹ tôi. Những ngày sau, tất cả đều tập trung cho sự tiễn đưa linh cữu mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi mua được miếng đất nhỏ trong nghĩa trang gần cầu Bình Triệu.

Điều làm tôi xúc động có lẽ là nhiều hội đoàn thiện nguyện xã hội, các vị đại diện tôn giáo, các trẻ em mồ côi, câm điếc, khiếm thị, đã đến đưa linh cữu mẹ tôi về nơi chín suối, nhất là mười hai đứa “con” của tôi đều có mặt đông đủ đưa tiễn bà “nội” của chúng trong niềm thương tiếc vô biên. Tôi trả hiếu cho mẹ tôi bằng cái diễm phúc ấy vì tôi chỉ sống bằng trái tim. Tôi xin anh Bảy cho tôi nghỉ vài ngày để lo phần mộ cho mẹ tôi. Tôi chỉ đủ tiền mua cho bà một tấm bia, còn phần mộ sẽ chờ dịp khác.

Tối nay, khi đứng trước đám học trò “mồ côi” của mình, tôi đọc cho chúng nghe bài Mồ côi của nhà thơ Thanh Tịnh diễn tả chung tâm trạng của thầy lẫn trò:

Năm xưa tôi còn bé,

Mẹ tôi đã qua đời.

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc,

Yên lặng tôi sầu thôi.

Để dòng nước mắt chảy,

Là bớt khổ đi rồi.

Từ nay thôi hết thấy,

Trên trán mẹ hôn con.

Những khi con phải đòn

Đau lòng mẹ biết mấy?

Kìa nhà ai sung sướng,

Mẹ con vỗ về nhau.

Tìm mẹ con không thấy,

Khi buồn biết trốn đâu?

Hoàng hôn phủ trên mộ,

Chuông chùa nhẹ rơi rơi.

Tôi thấy tôi mất mẹ,

Là mất cả bầu trời.

Ai nấy đều bùi ngùi thương cảm, cả đám đều khóc vì đó cũng là hoàn cảnh nghiệt ngã của từng đứa nơi đây.

Buổi học chấm dứt không ai học thêm được một chữ nào. Tôi nhìn chúng lòng thật ngổn ngang. Trước kia chúng được mẹ tôi chăm sóc, nay đứa nào sẽ thay thế bà chăm sóc những đứa nhỏ hơn. Rồi cũng giải quyết được. Mấy đứa “con” của tôi, đứa lớn nhất gần 15 tuổi tên Dũng, đứa nhỏ nhất 3 tuổi rưỡi tên Mi. Tôi có tám đứa con trai và bốn con gái. Dũng rất dễ thương, từ ngày mẹ tôi mất nó thay tôi chăm sóc các “em” của nó.

Mỗi ngày tôi đưa cho nó tiền chợ, tự nó quyết định mua đồ ăn thức uống trong ngày. Cũng đỡ là ban ngày chúng chia nhau đi lượm bao ny lông, bán báo, bán vé số ở các chợ, tiền thu được sau khi giữ lại phần vốn chúng đưa cho tôi cất, tôi dùng số tiền đó đưa cho Dũng chi tiêu trong “gia đình”. Mi vì nhỏ nhất nên được giao nhiệm vụ giữ nhà. Tôi cũng bớt một gánh nặng. Ngày trước khi mẹ tôi còn sống, Dũng điều động các “em” giúp mẹ tôi lau dọn nhà cửa và nấu cơm. Tôi chỉ có nhiệm vụ phụ thêm tiền chợ và mua sách vở cho chúng học hành. Đời sống cũng tạm thời ổn định.

* * *

Về phần Mai, sự qua lại giữa chúng tôi ngày càng thường hơn. Những chiều cuối tuần, Mai thường đến ăn cơm chung với “gia đình” chúng tôi, thỉnh thoảng thuê xe chở các cháu đi ra Vũng Tàu hay lên Thủ Đức cắm trại chơi một ngày. Các cháu thì một mực lễ phép, vâng dạ “cô Mai”. Tình cảm của Mai dành cho tôi vẫn mực nồng nàn nhưng không đi hơn, và tôi cũng vậy. Nhiều khi tôi thấy Mai muốn đặt thẳng vấn đề với tôi nhưng là thân gái, Mai ngại ngùng rồi nói những chuyện bâng quơ cốt ý để cho tôi hiểu chẳng hạn như “Mạ cứ bảo em không thể ở vậy sống một mình được”, hay có lần vì sự cố buộc Mai phải đi khám bác sĩ (phụ khoa), bác sĩ phát hiện Mai bị vô sinh. “Ý hướng lập gia đình của em từ ấy cũng không còn tha thiết nữa”, Mai nhìn tôi buồn bã.

Hôm nhận được một số tiền của bác sĩ Phan Minh Hiển từ bên Pháp gởi cho, tôi nhờ Mai mua cho tôi một chiếc đồng hồ treo tường để kỷ niệm và cũng để nhắc nhở với tôi: thì giờ là vàng bạc. Số tiền còn lại, tôi nhờ Mai mua giùm tất cả sách vở cần thiết cho bầy con mồ côi. Việc này khiến Mai càng nể phục tôi hơn. Tôi không như người khác trong cơn thiếu thốn chỉ mơ ước, ham mê những thứ phục vụ riêng cho cá nhân mình, như thuốc lá, cà phê hay rượu bia… Tôi có cái nhìn khác về cuộc đời. Đời tôi đã khổ nhiều rồi, tôi không muốn thấy người khác khổ hơn tôi. Tôi hướng tất cả cho tha nhân, kể ra cũng khó vì cũng là con người ai không muốn thụ hưởng một vài tiện nghi vật chất, trong khi chính tôi cũng thiếu thốn rất nhiều và hơn nữa còn bị mất mát thật lớn.

Có đến gần nhau mới thấy nhau rõ hơn. Từ đó Mai nhìn tôi như một thần tượng, quí trọng tôi hơn cả tình yêu đôi lứa đời thường. Có lần Mai đề nghị bỏ tiền ra xây mộ cho mẹ tôi, nhưng tôi khéo léo từ chối, Mai cũng không đề cập tới nữa. Thỉnh thoảng Mai khéo léo đưa tiền cho Dũng mua sắm thức ăn cho các em bằng cách đề nghị sẽ đến nhà tôi ăn cơm. Những bữa ăn như vậy, gia đình thật đầm ấm. Rồi đến kỳ lãnh lương, tôi kêu thợ đến xây dựng cho mẹ tôi một mộ bia thật tươm tất, có lộng cả hình bà nữa. Nhân lúc thấy tôi vui vẻ sau bữa cơm chiều, mấy đứa con đều ra ngoài hẻm chơi đùa với các em cùng xóm, Mai hỏi:

– Gặp lại anh khá lâu rồi nhưng em vẫn không biết anh có hoài vọng gì ở tương lai?

Mắt nhìn xa xăm, tôi nói vào khoảng hư vô:

– Anh ước ao, mơ mộng thì nhiều lắm, nhưng không phải cho bản thân anh mà cho những trẻ em mồ côi, những kẻ tật nguyền, những người kém may mắn. Nếu xoa dịu được phần nào nỗi đau thường ngày của họ, anh rất vui sướng và hạnh phúc.

Câu trả lời không đi thẳng vào “vấn đề” này càng làm Mai nóng nảy.

– Em muốn hỏi trong tương lai anh có nghĩ gì về chuyện lập gia đình không?

– Lập gia đình à? – tôi nhìn Mai ngượng ngùng. Anh không còn nghĩ tới. Từ khi xa em, tình yêu anh dành cho em vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng anh không dám mơ tưởng đến nữa. Thân anh què quặt, phải nhìn vào thực tế.

Thấy nét mặt của Mai không mấy hài lòng, tôi đánh trống lảng:

– Thôi mình quên chuyện đó đi. Có một điều anh muốn nói với em là tình yêu anh dành cho em đã biến thành một tình yêu khác. Đó là các em mồ côi, anh rất vui sướng khi thấy chúng có nơi ăn chốn ở, được học hành. Anh xem chúng là con của mình, khi một đứa bị đau, anh tận tình chăm sóc nó và cứ nghĩ đó là con của hai đứa mình, thế là hạnh phúc lắm rồi.

Nghe xong, Mai cảm động nói:

– Lòng nhân nơi con người quý hơn lòng từ thiện, nhưng ở anh có cả hai. Em càng quý anh hơn.

– Thật ra anh cũng không xứng đáng gì. Vì không thể yêu em bằng tình yêu bình thường, anh hướng về tình yêu tha nhân. Trong thời gian xa vắng em, anh dành trọn tình yêu cho các em nhỏ này.

Nghe tôi nói vậy, Mai nhìn tôi mạnh dạn:

– Em rất vui sướng cùng anh, chúng ta chung lưng đấu sức hàn gắn, kết và những nỗi đau của những trẻ em mồ côi bất hạnh đầy rẫy trên mảnh đất thân yêu này và những người cơ cực khốn cùng khác.

Tôi nhìn Mai xúc động, Mai cũng có một trái tim lớn như tôi. Tôi sung sướng ôm Mai vào lòng, hôn lên má một nụ hôn thật nồng nàn. Tôi ngây ngất một hồi rồi mỉm cười nhìn Mai lập lại một câu danh ngôn bất hủ của một nhà văn Pháp:

– Yêu là cùng nhau đi trên con đường và cùng nhau nhìn về một hướng.

Mai vui sướng nhìn tôi, đọc khe khẻ mấy câu thơ đã thuộc từ lúc còn đi học:

– Trái tim ngừng trong một lúc vô biên. Thời gian hết, đất trời không có nữa… Em lúc ấy nhìn anh như lệ ứa. Êm ái như trong gió có mùi hương. Trong mắt anh, em tưởng thấy thiên đường. Ôi hạnh phúc! Em gục đầu nhắm mắt…

* * *

Hai tháng sau, đám cưới của chúng tôi được tổ chức thật tưng bừng, trong không khí nửa Á, nửa Âu. Ba và em Mai bên kia nửa quả địa cầu cũng vội vàng tranh thủ bay về vui mừng cho cuộc hôn nhân “độc nhất vô nhị” này. Có thể nói là một “thiên tình sử” vì cuộc tình kéo dài từ thời học trò cho đến lúc tôi và Mai đã trên 40 tuổi, cái tuổi mà người ta gọi là “tứ thập như bất hoặt”. Đúng là một phần tư thế kỷ còn gì? Số người tham dự gồm đủ thành phần trong xã hội. Đây là một cơ hội cho các em mồ côi, những người tàn tật bạn tôi được mặc quần áo đẹp nhất (tôi và Mai sắm cho) vì từ lâu rồi tất cả chưa bao giờ được ăn mặc đẹp như thế này, nằm mơ cũng không thể thấy được.

Trước khi lên đường về lại Hoa Kỳ, ba Mai muốn gặp riêng tôi và Mai. Ông đi thẳng vào vấn đề:

– Bây giờ ba muốn biết ý hướng làm ăn, kinh doanh của hai con. Nếu được ba sẽ giup đỡ.

Tôi còn rụt rè chưa dám nói ý định của mình vì sợ ông không hợp ý hay phật lòng, Mai dành lời:

– Thưa ba, ảnh sẽ phụ bán hàng điện tử với con là đủ rồi. Nhưng có một chuyện chúng con cũng muốn nhờ ba phụ giúp cho một tay mới mong thành tựu được nhưng sợ nói ra ba không tán thành.

Ông cười dễ dãi và nói:

– Tụi con cứ thật lòng. Nhưng mọi việc phải hợp đạo lý ở đời mới bền được các con ạ.

Nghe tới đạo lý, tôi liền vui vẻ trình bày:

– Thưa ba, chúng con có một ý nguyện muốn giúp những trẻ em mồ côi, không nhà, không cửa, những người tứ cố vô thân, bị hất ra ngoài lề xã hội bằng ý định xây một căn nhà tình thương.

Ngẫm nghĩ một hồi, ông mới chợt hiểu ra:

– Hèn chi trong đám cưới, ngoài những khách bình thường ba còn thấy đủ mọi thành phần: trẻ mồ côi, người già cả, kẻ tàn tật…

Ông mỉm cười nói tiếp:

– Thật tình trong lòng ba cũng có ý định giúp người nghèo khó từ lâu, nhưng ở Hoa Kỳ ba chỉ có thể cúng chùa tạ ơn Trời Phật đã độ cho gia đình mình. Bây giờ nghe hai con có ý định tốt như vậy, ba rất hoan nghênh và vui sướng cộng tác với hai con. Phải nói là “tư tưởng lớn thường gặp nhau” là vậy. Mọi chuyện ba đặt tin tưởng ở hai con, ba chỉ có khả năng vận động bên ngoài và ủng hộ về mặt tài chánh mà thôi.

Sau khi đưa tiễn chồng và con trai về lại Hoa Kỳ, trong bữa cơm chiều mẹ Mai thuật lại cho con gái và con rể nghe những lời tâm sự của chồng:

– Anh thật hài lòng và mãn nguyện vì có được thằng rể ngoài sức mình mong muốn. Nó không những là một người có nhân cách mà còn đôn hậu, đạo đức và nhất là có lòng yêu thương người khác hơn bản thân mình. Điều đó khó có lắm. Cuộc đời này rồi cũng qua đi thôi em ạ, chẳng còn gì và cũng chẳng mang theo được gì. Hãy giúp các con mình ra sức giúp đời, giúp xã hội trong cơn khốn khó với khả năng mình. Ấy chính là lúc mình thật sự được hạnh phúc. Em ở nhà cũng nên gắng sức phụ họa với các con được phần nào hay phần ấy.

Bà rất mừng vì tất cả đều trùng hợp, lòng thành tâm nguyện như nhau. Nét nhân hậu thể hiện ngay trên gương mặt của bà. Không phải vì lời khuyên của chồng mà trong cuộc sống thường nhật, bà cũng thường hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Và, kể từ nay bà còn có thêm lý do để giúp những người tàn tật, đặc biệt là thương phế binh, những người như con rể mình đã hy sinh một phần thân thể cho hạnh phúc và sự bình an của chính gia đình bà và những người khác.

Về phần tôi, tôi đi đi về về giữa hai nhà cũ và mới, nhưng trên thực tế tôi đã dọn về nhà của Mai và để lại căn nhà cũ cho các “con” tôi ở. Tôi cũng xin nghỉ làm ở gara anh Bảy và giới thiệu một anh phế binh khác thay tôi vào chỗ rửa xe. “Thằng con” lớn của tôi, Dũng, bây giờ trông lớn hẳn, có lẽ sớm lăn lóc với đời, nó có vẻ “già đời” hơn những bạn đồng lứa. Nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên về những dự tính và chọn lựa của nó cho các em. Dũng kiếm được một việc làm ở lò bánh mì, nó đi làm từ sáng sớm trưa về nhà ngủ rồi buổi tối thay tôi dạy kèm các em nhỏ. Mấy đứa “con gái” lớn cũng ngoan, bây giờ nét đẹp tự nhiên đã trở lại trên gương mặt. Chúng không muốn đi lượm bao ny lông hay bán vé số dạo nữa, tôi đã giới thiệu chúng đi học may ở một vài cơ sở tư nhân để có một nghề. Cũng may là lúc này hàng gia công nhiều nên chúng cũng có một đồng lương nho nhỏ gọi là, tôi cũng đỡ lo. Lúc này thành phố đang phát triển một cách cuồng vọng, những thú vui vật chất và xác thịt cám dỗ trẻ vị thanh niên rất nhiều, tôi rất lo nhưng nhờ có “anh hai” Dũng, các em rất sợ và nghe lời anh vì không thể giấu giếm hay qua mặt được.

Tôi dành gần như toàn bộ thì giờ cho những dự tính của mình, nào là nghiên cứu mặt bằng, địa điểm xây dựng, giá cả đất đai, vật liệu xây dựng, lương nhân công, v.v… Với công trình đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi do các kiến trúc sư là bạn bè thiết kế giúp đỡ: khu nhà sẽ lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào và được trồng cây để gây bóng mát, bên trong có nhà ăn, nhà ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, khu giải trí có tivi, đầu máy chiếu phim ảnh, phòng đọc sách. Đặc biệt là một dãy phòng học, mỗi phòng được trang bị tủ bàn ghế sẽ do các anh em phế binh đóng cho các em học tập. Thêm vào đó là một khu vườn trồng trái cây, một ước mơ mà tôi ôm ấp lúc còn là một đứa trẻ ở Quảng Ngãi. Gia đình các anh em phế binh sẵn sàng tham gia vào lực lượng xây cất, các chị vợ hứa sẽ đến ủng hộ nấu cơm trưa. Còn Mai thì phụ trách liên lạc với các nhà thầu cung cấp vật liệu và đã được nhiều giá phải chăng.

Theo dự trù, mặt bằng là một miếng đất rộng cạnh bờ sông ở cầu Bình Triệu. Trước đây là một hãng cưa xuất khẩu nhỏ nhưng hết nguyên vật liệu đã đóng cửa từ lâu. Chúng tôi cũng sợ người ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, vào Việt Nam mua đất rất nhiều, nhưng nơi đây xa các vùng thị tứ và trục lộ giao thông và hơn nữa xưởng cưa này nằm trên một bãi lầy nên giá đất cũng tương đối rẻ vì ít ai để ý. Gọi là rẻ nhưng rất đắt đối với chúng tôi, người ta tính giá đất bằng vàng. Về điểm này, gia đình Mai tận tình giúp đỡ và lo các thủ tục giấy tờ.

Nhìn các bản thảo, công trình xây cất bày la liệt trên bàn, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi âu yếm nhìn Mai:

– Em học sư phạm nên anh xây trường cho em dạy học đó.

Mai cũng lém lĩnh đối lại ngay:

– Anh học chính trị kinh doanh nên lập dịch vụ tình thương chứ gì?

– Ờ, anh kinh doanh tình thương đấy.

Cả hai cùng cười sung sướng.

* * *

Cuộc đời tôi đến đó tưởng như đang trên thiên đường hạnh phúc ở trần gian, nhưng có ai học được chữ ngờ. Tai ương vẫn rình rập để vồ dập tôi. Không biết ai đã tố cáo tôi là thành phần cựu sĩ quan “ngụy” trốn học tập vào Sài Gòn, đang có “âm mưu liên lạc với các phần tử phản động nước ngoài lập cơ sở chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Một buổi chiều thật bình thường, hai chiếc xe chở đầy công an đậu trước cửa nhà của Mai trên đường 3 tháng 2, chận các cửa ra vào. Một tốp đứng chận ngoài cửa, một tốp khác vào xét hỏi khách đến mua hàng điện tử, mẹ của Mai và hai vợ chồng tôi, tốp còn lại đi thẳng vào nhà trong và đi lên lầu lục soát tất cả đồ đạc, tịch thu toàn bộ hồ sơ xây cất và thư từ của tôi, trong đó có các thư do ba của Mai, bác sĩ Phan Minh Hiển và các hội đoàn từ thiện hải ngoại gởi cho tôi.

Sau bốn tháng bị biệt giam tại một địa điểm gần Tân Sơn Nhứt, tôi được thả ra và phải trình diện công an phường mỗi tuần một lần. Thỉnh thoảng đội công an chính trị PA18 đến chở tôi đến bộ tổng tham mưu cũ ở đường Huỳnh Hữu Bạt để thẩm vấn. Thật là mỏi mệt, những cuộc thẩm vấn chỉ xoay quanh vấn đề tại sao tôi được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ và tại sao tôi có ý định xây dựng một ngôi nhà tình thương. Chế độ này không tin rằng trên đời này có lòng nhân đạo, họ nghi ngờ tất cả. Đối với họ giúp người nghèo khổ trong nước là có mục đích chính trị. Nếu không xuất phát từ chính quyền cộng sản, tất cả hoạt động từ thiện tư nhân trong nước đều là phản động. Lý luận thật đơn giản.

Tôi thật buồn phiền. Buồn phiền vì đã làm phiền gia đình vợ tôi, mà còn làm phiền cả bạn bè, thân hữu cùng chia sẻ giấc mơ với tôi, trong đó có các ân nhân tại hải ngoại.

Một hôm đang đạp xe thơ thẩn đi trên đường, tôi vô ý quên cột chặt chiếc chân giả nên lúc xe đổ dốc xuống cầu Tân Định, chiếc chân giả sút dây làm tôi lảo đảo. Tôi lật đật thò tay xuống chụp chiếc chân giả thì chiếc xe bị mất thăng bằng làm tôi bị té xuống đường, chiếc xích lô đằng sau lố trớn thắng không kịp cán bừa lên người tôi cùng hai hành khách ngồi trên đó, kéo tôi đi năm mười thước rồi mới dừng lại vào lề xi măng bên đường. Mọi người đều té xuống đất nhưng riêng tôi thì bị nặng hơn cả.

Tiếng người hai bên đường và hai hành khách trên xe xích lô la lên ơi ới. Chiếc chân gỗ của tôi văng ra giữa đường. Vết thương nơi chân phải bị cưa ra máu trở lại, khúc xương từ lâu đã lành giờ làm tôi đau nhức trở lại. Hai bàn tay của tôi trầy trụa, đất cát trên đường ghim vào da rát quá. Cũng may là tôi còn tỉnh táo, dân chúng hai bên đường và hai hành khách trên xe đỡ tôi dậy và chửi mắng anh đạp xích lô, đòi kêu công an lại. Một em nhỏ lượm khúc chân gỗ mang lại cho tôi, thật là cảm động.

Tội nghiệp anh đạp xích lô, đùi anh cũng bị chảy máu, mặt mày sợ sệt, chiếc xe của anh cũng méo mó quẹo càng, bánh xe bị cong như hình số 8. Thấy anh vội vàng chạy đến, tôi liền khoác tay nói không sao và cố gắng chống tay từ từ đứng dậy. Chính anh xích lô sau đó dìu tôi lên xe chở về nhà cùng chiếc xe đạp và Mai đã đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh Viện 115 gần nhà.

Từ đó tôi ngừng mọi hoạt động và im lặng, số phận không mỉm cười với những người cùng khổ. Tôi cần một thời gian nghỉ ngơi để suy nghĩ về mình và về thân phận những từ dưới vực sâu muốn vươn lên vùng ánh sáng. Thiên đàng không có thật trong chế độ này.

Một giấc mơ bị tan vỡ!

No comments: